VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
16.
NGHỀ KỸ NỮ
Khái niệm “nghề”, theo nhà kinh tế học người Anh Thomas Robert Malthus, là một cái gì có lợi cho bản thân, vừa có ích cho xã hội. Và nếu hiểu theo cái nghĩa nghiêm túc đó thì kỹ nữ không thể là một nghề. Kỹ nữ, người con gái làm nghề bán phấn buôn hương, còn có nghĩa là ả đào, con hát. Nếu người ta có thể chấp nhận ả đào, con hát là một nghề thì người ta khó có thể chấp nhận được chữ nghề trong cái người ta gọi là bán phấn buôn hương. Trong thơ của Đỗ Mục, kỹ nữ còn được gọi là “thương nữ”:
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu đình hoa
(Con hát biết chi hờn mất nước
Cách sông còn hát Hậu đình hoa
(Đỗ Mục - Bạc Tần Hoài)
Nói thì nói thế nhưng trong xã hội Trung Hoa ngày xưa, một xã hội vốn trọng nam khinh nữ, coi người phụ nữ là đồ chơi của đàn ông, có thể dễ dàng mua, bán, bắt cóc, sang nhượng hoặc đem làm quà tặng giữa những người đàn ông với nhau thì xuất hiện của nghề kỹ nữ cũng là điều rất bình thường, thậm chí được coi là hợp lý.
Nghề kỹ nữ có từ thời nào? Người ta khó mà xác định được thời điểm xuất hiện của nghề này, tuy nhiên cũng có thể khẳng định được nghề này gắn liền với chén rượu câu khách, mời khách, đàn ca làm vui và bán dâm cho khách. Theo tư liệu của ông Nguyễn Tôn Nhan đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay, ông tổ của nghề kỹ nữ là Bạch mi thần. Thần mày trắng có thể là Hồng Nhai tiên sinh, tên gọi Linh Luân, bầy tôi dưới thời vua Hoàng Đế, người làm ra âm luật đã được ghi trong Lã Thị xuân thu của Lã Bất Vi thời Tần. Thần mày trắng cũng có thể là Liễu Đạo Chích, thời Xuân Thu; Quản Trọng (Quản Di Ngô), thời Xuân Thu, người có công lập ra 700 nhà chứa gái để đàn ông đến mua vui, thu tiền lời để lo tiền quân quốc cho Tề Hoàn Công; cũng có thể là Lã Động Tân trong nhóm Bát tiên, nhân vật chuyên dạy hát kiêm trị bệnh hoa liễu cho phụ nữ làng chơi. Trong bất kỳ thời đại vua chúa nào ở Trung Hoa, nghề kỹ nữ cũng vẫn được hoạt động, các “viện” chứa gái vẫn mọc lên ở khắp nơi. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung trở thành một bản điều tra xã hội khá ngoạn mục khi ông phản ánh cho độc giả thấy thêm được một nghề: nghề kỹ nữ.
Trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung có nhắc tới viện Quần Ngọc dưới núi Hành Sơn. Đây là nơi mà Lệnh Hồ Xung khuyên Điền Bá Quang nên tìm tới để giải trí, buông tha cho ni cô Nghi Lâm bé bỏng tội nghiệp. Cũng chính nơi này, Lệnh Hồ Xung đã tìm tới để dưỡng thương; Nghi Lâm được cô bé Khúc Phi Yên dẫn đến tìm anh để đưa anh đến vùng hoang sơn dã lĩnh, tránh sự truy đuổi của những kẻ thù. Cũng chính nơi này, Dư Thương Hải của phái Thanh Thành tưởng đã có cơ hội làm nhục hai phái Hoa Sơn và Hằng Sơn nếu bắt được Lệnh Hồ Xung và Nghi Lâm ở chung một phòng, nhưng cuối cùng lão đã phải chạm mặt Điền Bá Quang và đánh nhau, bị Điền Bá Quang xuyên tạc là “đánh nhau để giành một cô gái làng chơi tên là Ngọc Bảo”.
Nhưng nghề kỹ nữ được mô tả đậm nét nhất vẫn là trong bộ Lộc Đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo xuất thân từ kỹ viện Lệ Xuân ở thành Dương Châu. Mẹ của Vi Tiểu Bảo -Vi Xuân Phương - bang giao rộng rãi với các anh em Hán, Mông, Tạng, Hồi Mãn; không khẳng định được cha của Vi Tiểu Bảo là ai. Chính Vi Tiểu Bảo cũng trải qua tâm trạng buồn bực, ghen tị khi má mình đã già (trên 30 tuổi), không có được khách sang, khách sộp của các kỹ nữ trẻ tuổi khác.
Kim Dung cũng cho biết các cấp bậc trong các kỹ viện ở Dương Châu. Má má là chủ viện, người bỏ tiền ra mua gái về, có toàn quyền sinh sát đối với các cô gái. Mụ dầu là những người đàn bà lớn tuổi, chuyên môi giới giới thiệu, làm môi giới mại dâm. Kỹ nữ là người trực tiếp bán dâm trong các kỹ viện, lại kiêm nhiệm vụ mời khách uống rượu và kêu đồ nhậu. Nội dung công việc của họ là khuyến khích bọn khách chơi xài tiền nhiều càng tốt. Quy nô là những chàng trai cô gái có nhiệm vụ phục vụ các công việc vặt trong kỹ viện: nấu nướng thức ăn, pha rượu, dọn bàn ghế, mua đồ ăn cho kỹ nữ và... đánh đập những cô gái nhà lành, dằn mặt họ nếu họ không chịu bán trinh, không chịu tiếp khách.
Chính Vi Tiểu Bảo đã từng mơ ước một ngày có số tiền lớn, tìm đến một viện nào đó ăn xài phung phí cho sướng tay ba ngày ba đêm. Về sau, làm đại thần trong triều Khang Hy rồi, Vi Tiểu Bảo mang số tiền lớn về cho mẹ để mẹ có thể mở một Lệ Thu viện, Lệ Đông viện, Lệ Hạ viện ; cạnh tranh cho cái Lệ Xuân viện mà hắn đã từng lớn lên và chịu nhục phải sụp tiệm, rồi đời. Ngay bà Vi Xuân Phương, khi nhìn thấy đàn con dâu tươi đẹp của mình, trong đó có đủ tất công chúa, phu nhân, tiểu thư quyền quý; đã khen con mình có con mắt tinh đời. Trong tư tưởng khinh doanh kỹ viện của bà già chồng này thì cứ cái đàn gái đó mà lập thành một viện thì ắt thành Dương Châu sẽ không có viện nào còn bóng đàn ông nữa.
Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung xây dựng một tình huống xảy ra tại Lệ Xuân viện khá buồn cười. Trịnh Khắc Sản dẫn A Kha (cô gái mà Vi Tiểu Bảo đang say đắm) hoá trang thành một vị công tử, xuống Lệ Xuân viện ở Dương Châu để đón bắt Vi Tiểu Bảo. Bà Vi Xuân Phương cứ tưởng đây là hai khách sộp, cố gắng rót rượu mời chào, ôm Trịnh Khắc Sản và A Kha hôn hít hoài. Vi Tiểu Bảo thấy cảnh đó vừa bực tức vừa sợ Trịnh Khắc Sản, tình địch của mình sẽ trở thành cha hờ của hắn đêm ấy; vừa buồn cười vì mẹ ruột của mình cứ hôn hít bồ của mình, tưởng A Kha là đàn ông phong lưu.
Thành đô nhộn nhịp có kỹ viện không lạ. Lạ nhất là những nơi tôn nghiêm như chân núi Thiếu Thất dưới chùa Thiếu Lâm, Hồ Nam cũng có kỹ viện. Chính Vi Tiểu Bảo trong lớp áo của Hối Minh thiền sư, phó trụ trì chùa Thiếu Lâm, chịu không nổi cảnh chay tịnh của nhà chùa, đã thay áo đội khăn lén khỏi chùa đến kỹ viện chơi. Lúc hắn đang say sưa cho tiền bọn kỹ nữ, gác tay gác chân lộn xộn thì A Kha và A Kỳ đến tìm hắn để tấn công. Hắn nhanh trí nói dối A Kỳ là vợ lớn, A Kha là vợ nhỏ, nghe hắn đi chơi kỹ viện nổi ghen đến quậy. Để tránh sự truy bắt của A Kỳ, A Kha, hắn dùng kế “kim thiền thoát xác”, mượn áo bọn kỹ nữ mặc vào, cho tiền đậm bọn kỹ nữ nhờ chúng chửi bới A Kha, A Kỳ rồi chia hai tốp kéo ra cổng trước và cổng sau. Thấy bọn kỹ nữ kéo ra, A Kỳ và A Kha không dám chém. Vi Tiểu Bảo nhờ thế mà thoát nạn, chỉ thương bọn kỹ nữ vì ăn tiền chửi mắng hăng quá, bị A Kỳ và A Kha đánh cho sứt đầu mẻ trán, kêu khóc om sòm. Sau này A Kỳ và A Kha đem chuyện hắn đi chơi kỹ viện thưa với phương trượng chùa Thiếu Lâm là Hối Thông thiền sư. Vi Tiểu Bảo tưởng đã chết đến nơi, ai ngờ có một nhân vật là Dương Dật Chi đứng ra đỡ đòn cho hắn. Dương Dật Chi cho biết hắn là thái giám được hoàng thượng tin tưởng. Mà thái giám thì còn đi kỹ viện sao được. Cho nên mọi vị sư tăng trong chùa Thiếu Lâm đều kính ngưỡng hắn và cho rằng câu chuyện của A Kỳ và A Kha là chuyện bịa đặt, vu cáo một nhà tu hành đạo đức sáng rỡ!
Nhưng thật ra, kỹ viện không chỉ là nơi mại dâm. Nếu trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, bọn hào sĩ giang hồ bị bọn quan binh truy nã; người bị thương thì lánh vào kỹ viện trị thương, thì trong thực tế, các danh sĩ thường tìm đến kỹ viện để nghe hát làm thơ, rồi dạy các kỹ nữ hát những bài thơ của mình thành nhạc phổ. Kỹ viện trở thành nơi nương náu của những tâm hồn cô độc, của những người bị vua chúa lưu đày. Trong những trường hợp đó thì kỹ nữ trở thành người bạn tri âm.
Chúng ta đã từng biết Bạch Cư Dị bị giáng làm Tư mã Cửu Giang, đã từng làm bài Tỳ bà hành ca ngợi tiếng đàn của một kỹ nữ dài 622 câu. Trong phần đề tựa, Bạch Cư Dị đã viết: “Năm Nguyên Hoà thứ mười (816), ta bị giáng làm Tư mã huyện Cửu Giang ... tiễn khách ở bến Bồn, giữa đêm nghe tiếng tỳ bà ở trên thuyền ... hỏi ra thì đó là ca nữ ở Trường An”. Tác giả ngồi nghe tâm sự của người ca nữ đó. Bản thân người ca nữ đó là một nhân vật có học, có lòng tự trọng, không phải khách nào mời cũng ra:
Di thuyền tương cận yêu tương kiến
Thiên tửu hồi đăng trùng khai yến
Thiên hô vạn hoán thỉ xuất lai
Do bão tỳ bà bán già diện
(Ghé thuyền đến cạnh chào mời
Khêu đèn thêm rượu lại bày tiệc hoa
Nằn nì mời mãi mới ra
Ôm đàn che nửa mặt hoa thẫn thờ)
(Trần Trọng Kim dịch)
Lý Bạch cũng từng tìm thấy nguồn cảm hứng trong những chén rượu mà các nàng Ngô cơ chào mời ông trong bài Kim Lăng tửu tứ lưu biệt:
Phong xuy liễu hoa mãn điếm hương
Ngô cơ áp tửu khuyến khách thường
(Gió đưa hương liễu đầy nhà
Gái Ngô chuốc rượu thiết tha ép nài)
Nhưng có lẽ Đỗ Mục với 10 năm lưu lạc ở Giang Nam mới hiểu được tấm lòng của người hồng nhan tri kỷ xuất thân từ giới kỹ nữ:
Lạc phách giang hồ tái tửu hành
Sở yêu tương tế chưởng trung khinh
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Dinh đắc thanh lâu bạc hạnh danh
(Lưu lạc giang hồ đã bấy lâu
Cùng người nhỏ bé ở bên nhau
Mười năm sực tỉnh Dương Châu mộng
Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu)
(Hàn Giang Nhạn dịch)
Và đúng như truyền thống các bậc nhà văn tiền bối, Kim Dung cũng không hề xây dựng nững nhân vật thuần tuý là những cô gái làng chơi trong tiểu thuyết võ hiệp của mình. Tôi có dịp khắc hoạ nhân vật Trần Viên Viên như một thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, một danh kỹ, tuy xuất thân từ chốn phong trần nhưng đẹp tuyệt vời và thông minh vô hạn, có một quan hệ lạ lùng đến lịch sử Trung Hoa thời Minh mạt - Thanh sơ. Nhân vật có thật này trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo cho danh sĩ Ngô Mai Thôn đời Thanh viết thành Viên Viên khúc. Và cũng ngay trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung cũng xây dựng nên những đoạn kể chuyện các quan ở Dương Châu chiêu đãi khâm sai đại thần Vi Tiểu Bảo bằng cách mời ba kỹ nữ tài năng. Người thứ nhất là Lương Ngọc Kiều, tuổi ngoài 30, ăn mặc hoa lệ nhưng nhan sắc cũng tầm thường. Người thứ hai lối ba mươi bốn, ba mươi lăm nhưng “cử chỉ thuần nhã, giọng ca thánh thót; gặp những câu khúc chiết vi diệu tiếng hát càng thanh thoát lên bổng xuống trầm, biến hoá vô cùng”. Cô hát bài Vọng Hải Triều, thơ của Tần Quan đời Tống, ca ngợi đất Dương Châu. Người thứ ba là một kỹ nữ tuổi ngoài bốn mươi, trán nhiều vết nhăn, mắt nhỏ ti hí nhưng được đánh giá là đệ nhất danh kỹ Dương Châu. Cô ôm tỳ bà hát một bài mới của Tra Thận Thành (viễn tổ của Kim Dung); các quan ở Dương Châu ngồi nghe tâm hồn bay bổng. Chỉ có Vi Tiểu Bảo là chán nản bởi vì gã chỉ thích gái trẻ, mà có hát thì phải hát những bài dâm đãng như Thập bát mô. Cho nên khi gã đòi cô danh kỹ này hát Thập bát mô, cô đã liệng đàn, ôm mặt khóc bỏ chạy khỏi bữa tiệc.
Với tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đã hé mở cho ta thấy sự tồn tại của giới kỹ nữ và các kỹ viện trong những chế độ quân chủ Trung Hoa. Biết sao được, pháp luật ấy công nhận kỹ nữ là một nghề thực thụ. Điều đáng quý ở nơi ông là ông đã nhìn những kỹ nữ dưới con mắt của nhà văn nhân bản và nhân đạo: không lên án cái nghề ti tiện của họ, mà thậm chí còn có khuynh hướng ca ngợi, biểu dương các danh kỹ như các nhà văn tiền bối đã làm. Nhưng tôi cho rằng cái cam đảm nhất ở ông là đã để cho một thàng nhóc con của một kỹ nữ, lớn lên trong kỹ viện trở thành công tước của triều Thanh, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, kể cả những bậc vương công đại thần, Đó là Vi Tiểu Bảo. Kim Dung muốn chứng minh một định đề: trước những ba động của lịch sử thì một gã lưu manh, một con gái điếm, cũng có thể trở thành người “cao quý " nhất thiên hạ. Định đề đó quả thật buồn và thật đắng cay!