VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
44.
BỨC GIÁC THƯ GIÃ TỪ THẾ KỶ
Cuộc tình anh với em
Chỉ còn giây phút thôi
Thì tình xin sáng tươi
Tựa ngàn tia nắng rọi
(Lời một bài hát)
Lần đầu tiên, lần thứ hai, lần thứ ba… tôi cứ ngỡ đọc tác phẩm của Kim Dung là đi tìm một thế giới khác ngoài thế giới thực tại – một “thiên ngoại hữu thiên”, - để trốn vào trong đó. Tôi cứ cho rằng thế giới của tiểu thuyết võ hiệp là một thế giới viễn mộng và nó trở thành tháp ngà cho chính mình, giúp mình lãng quên thực tại. Trong tâm phân học, Sigmund Freud đã nói cảm xúc (émotion) như một trò ảo thuật nhằm hư vô hoá hoàn cảnh, giúp cá nhân từ chối hoàn cảnh. Thí dụ như trước một con cọp dữ, tôi không làm gì được nó, vậy tôi ngất xỉu để quên nó đi, để coi nó như không có trên đời. Tôi cũng đã một thời coi chuyện đọc tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là một màn ảo thuật giúp tôi hư vô hoá hoàn cảnh, giúp tôi lãng quên đời.
Thế nhưng, đến tuổi tri thiên mệnh, tôi mới nhận ra được rằng ý nghĩ đó là sai lầm. Phải, Kim Dung sáng tạo ra một thế giới mới - thế giới võ hiệp – nhưng phiêu lưu vào thế giới đó, tôi hoàn toàn không hề lãng quên đời mà ngược lại, tôi càng thấy cuộc đời hiện thực gần gũi hơn, thân thiết hơn. Đọc những tác phẩm tiểu thuyết hiện thực ngày nay, tôi bỗng cảm thấy cuộc đời xa cách quá. Ngược lại đọc tiểu thuyết của Kim Dung, tôi thấy võ lâm sao mà quen thuộc quá, quen thuộc như chính tôi đang sống, đang góp mặt trong đó. Hoá ra, có hai thứ hiện thực; một hiện thực được hư cấu bay bổng tuyệt vời rất gần gũi với từng số phận con người; một hiện thực bị bóp méo qua cái nhìn hạn hẹp và sự gia công chưa tới của nhà văn khiến nó trở thành ốc đảo, lẻ loi, hoàn toàn xa lạ với đám đông, trong đó có tôi.
Võ lâm là gì? Đó là một xõ hội có những von người công chính, ngau thẳng, khao khát lập lại sự công bằng, trừ khử cái ác, kêu gọi lòng thương yêu quý trọng phẩm giá con người, làm sáng lên phẩm giá con người. Đó cũng là một xã hội mà cái ác, cái xấu còn đang ngự trị; những nguỵ quân tử đang đóng vai những người quân tử để lừa bịp thiên hạ mưu cầu hạnh phúc và quyền lực cho bản thân. Đó là một xã hội mà sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác khá rõ, nhưng đôi khi do định kiến sai lầm, người ta lẫn lộn cái thiện là cái ác, cái ác là cái thiện,làm nảy sinh sự mâu thuẫn trong chính nhận thức của từng người qua từng thời điểm khác nhau. Tất nhiên cái thiện sẽ thắng cái ác, cuộc sống sẽ vươn tới cái tốt đẹp nhưng để có được tương lai đó, người ta phải trải qua thiên ma bách chiết, trong đó có sự tự chiến thắng chính cái xấu của mình. Võ lâm là gì? Đó là một xã hội sống để yêu thương nhau, để bày tỏ tấm lòng với nhau, để cho nhau, riêng cho nhau một đời một kiếp. Đó là một xã hội mà càng thâm nhập ta càng cảm thấy gần gũi hơn.
Có một lần, tôi đứng trước hiên nhà và quan sát đoá phù dung. Buổi bình minh hoa trắng mịn màng như làn da của một em bé đẹp. Buổi trưa hoa chuyển màu hồng. Buổi chiều hoa có màu tím bầm rồi sau đó hoa tàn đi. Ai cũng bảo đời hoa phù dung ngắn ngủi, bất hạnh. Nhưng hãy nói ngược lại, bản thân đời sống ngắn ngủi bất hạnh đó vẫn đem lại cho cuộc sống một vẻ đẹp độc đáo mà ngàn hoa khác không thể mang lại được. Đặng Thế Phong chỉ sống có ngoài ba mươi tuổi, để lại cho đời ít nhất hai ca khúc bất hủ. Có người sống năm saú chục năm tuổi, viết hàng trăm ca khúc mà vẫn nhàn nhạt lửng lơ. Có người sống đến bách niên mà chẳng để gì lại cho đời ngoài hai từ trường thọ. Ta chọn ai, người làm đẹp cho cuộc đời mà yểu mệnh hay người chẳng làm cho đời đẹp mà sống lâu? Ta chọn hai ca khúc bất hủ hay một trăm ca khúc nhàn nhạt?
Chưa bao giờ tôi nghĩ người cầm bút viết văn là người giáo dục cho đời. Hễ khi người ta dùng văn chương lên gân dạy đời thì người ta chẳng dạy được ai cả (và cũng chẳng ai muốn đọc cả). Văn chương chỉ đơn giản là một thứ trò chơi, trò vui. Ông Hàn Dũ nói “Văn dùng để chở đạo” (Văn dĩ tải đạo) là một cách nhắc nhở cho người cầm bút phải viết văn đứng đắn, có ích cho đời chứ không phải dạy đời. Văn chương đơn giản chỉ là thứ bông hoa chưng cho đẹp. Trong quan niệm đó, tôi chỉ viết văn để cho đời giải trí, kể cả toàn bộ tập Kim Dung giữa đời tôi cũng chỉ để cho bạn đọc giải trí. Thảng hoặc, trong hàng ngàn trang sách kia, bạn bắt gặp được đôi ba cụm từ đắc ý hoặc may mắn tìm thấy vài kiến thức nho nhỏ thì tôi cũng đã lấy làm hạnh phúc lắm rồi. Tôi chỏ mong đem lại những giây phút giải trí cho bạn đọc. Một ngày đầy những lo âu, căng thẳng, buồn bã; cầm quyển sách lên đọc trăm trang, liên tưởng đến một thế giới khác, sống với một tâm trạng khác, như vậy quyển sách đã có ích cho đời.
Tôi vẫn sợ mình sông thừa sống uổng. Ngay trong những giây phút đau đớn nhất của đời mình, tôi vẫn muốn làm thêm một cái gì cho đời, cho người. Cái lưng đau kinh khủng, phải trích Dectancyl vào tuỷ sống; các bác sĩ dặn bớt ngồi, phải nằm nghỉ nhiều. Nhưng tôi nằm nghỉ sao được. Tôi đóng chặt cửa phòng bệnh, viết một ngày mười hai tiếng đồng hồ. Viết cái gì? Viết Kim Dung giữa đời tôi.
Điều đáng sợ nhất đối với con người là sự cô đơn. Một số nhân vật của Kim Dung tàn tạ, chìm khuất trong nỗi cô đơn. Đó là Hà Túc Đạo, Tiểu Long Nữ, Dương Qua, Lâm Triều Anh, Vương Trùng Dương, Kiều Phong, Đinh Điển… Vốn xưa họ có một tình yêu, một người yêu nhưng rồi cuộc sống chia xa đôi lứa. Và rồi, họ mất đi một nửa của chính mình, cô đơn suốt quãng đời còn lại. Thật hạnh phúc cho những lứa đôi được sống bên nhau: Hư Trúc và Ngân Xuyên, Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh, Địch Vân và Thuỷ Sinh, Hồ Phỉ và Miêu Nhược Lan… Thật hạnh phúc cho những lứa đôi được chết bên nhau: Thuý Sơn và Hân Tố Tố. Tình yêu cứu vãn thế giới chứ không phải là một thứ gì khác.
Có bao giờ người nhìn thấy chân mây trắng vương vấn trên đỉnh núi kia? Nó có đấy nhưng cũng không có đấy. Nó vương trên đỉnh núi rồi sẽ bay đi, sẽ tan đi nếu có một tác động ngoại lai của gió của nắng. Người có bao giờ soi bóng trên nguồn suối giữa rừng đại ngàn? Nó có đấy, cái bóng dáng tươi đẹp kia mà cũng chẳng có đấy. Cuộc sống của con người cũng vậy, có đấy mà cũng chẳng có đấy. Nó ngắn ngủi vô cùng, hữu hạn vô cùng. Tại sao không nhìn nhau bằng một ánh mắt dịu dàng, không nói với nhau một lời đằm thắm. Ngày mai, khi giã từ cuộc sống nào ai có mang được gì theo đâu.
Triệu Mẫn thương yêu Trương Vô Kỵ. Cô đã đột ngột cầm tay Trương Vô Kỵ cắn một cái, hy vọng dấu răng sẽ gây thành vết thương, vết thương sẽ mãi mãi còn trên da thịt để một ngày mai, lỡ có xa nhau, Vô Kỵ nhìn thấy dấu vết trên tay mình là vẫn nhớ đến Triệu Mẫn. Sự tỏ tình của cô gái Mông Cổ quả thật độc đáo, đầy sáng tạo, rất phàm tục nhưng cũng rất thi vị. Từ đó suy ra, ai gây cho ta một chân thương tâm hồn hay thể xác, ta sẽ nhớ mãi người ấy suốt đời. Vâng suốt đời, hỡi cỏ thơm của đời tôi.
Bồng Sơn là một thị trấn nhỏ của tỉnh Bình Định, nằm trên Quốc lộ 1A. Từ đây, nhìn về phía Tây là núi An Lão, chìm trong mây mù, sương phủ. Tôi qua Bồng Sơn một chiều mùa đông lặnh căm căm, trong căn phòng trọ uống ly rượu chát đỏ và nghĩ đến đoạn Tiểu Siêu chia tay Trương Vô Kỵ. Và tôi làm thơ:
Gần cuối năm 49
Rằng: Nguyên tiêu, trăng đã sáng trên đồi
Chờ với nhé, người ơi chờ ta nhé
Như thuở ấy đôi lòng còn rất trẻ
Nhìn hoàng hôn mà cứ ngỡ bình minh
Khi heo may phong kín cuộc hanh trình
Ta ghé lại bên đời phơi chiếc áo
Và chợt thấy một ngàn hoa thạch thảo
Mở một lần để tàn lụi một ngày
Biển ở bên kia, sóng vỗ bên này
Bởi trái đất vẫn xoay cơn mộng mị
Ta gọi lại cuối nóc lòng thế kỉ
Mà trọn đời không thấy một âm vang
Con ngựa già lên đỉnh dốc lầm than
Gặm cọng cỏ thơm mùa xuân bát ngát
Để đủ sức mà cât cao tiếng hát
Rằng: chờ ta về hỡi Nguyên tiêu
Trời xa xanh lồng lộng bóng mây chiều
Ai bay được như ánh hồng Trang Tử
Sau bài thơ là những chuỗi ngày tháng u buồn. Trong nỗi cô đơn tuyệt vời, tôi tìm đến với tác phẩm Kim Dung nhiều hơn, chia sẻ với các nhân vật, các số phận trong tác phẩm của ông sâu sắc hơn.
Rồi sẽ có một ngày, tôi như cánh chim bay khỏi bầu trời này. Thế kỉ đang ở trong chiều tàn, trong hoàng hôn, trong chạng vạng tối. Người ta cho rằng nói đến cái chết là bi quan, tiêu cực. Không phải vậy đâu. Tôi nghĩ rằng ai dám nhìn vào số phận con người, số phận của chính mình, làm hết trách nhiệm của một con người với cuộc sống rồi thu xếp hành trang, chờ đến lúc cánh cửa hư vô mở ra, lên đường trở về với hư vô là người can đảm. Trương Thuý Sơn, Hân Tố Tố, Huyền Nhạn, Huyền Khổ, Kiều Phong, A Tử đã lên đường. họ ung dung ra đi như đã tình cờ đến với cuộc đời này, mến trải đủ bao nhiêu buồn vui sướng khổ. Sinh, Lão, Bệnh, Tử là một vòng tuần hoàn đương nhiên mà loài người phải kinh qua, nào có chi để đáng ta phê phán tích cực hay tiêu cực, bi quan hay lạc quan.
Thế kỉ này đang tung nắng ban chiều
Cho lòng người bâng khuâng nhớ nhau
Trước cửa trăm năm rất mơ hồ
Còn một ngày vui bao nỗi vui.
Có một chiều, tôi trở về căn nhà lạnh giá, bên ngoài mưa rơi. Loài người đâu rồi? Sao tôi ở lại một mình giữa gối chăn lạc lõng? Tôi đi tìm sự cứu rỗi, sao chỉ gặp nỗi cô đơn?
Cuộc tình anh với em
Chỉ còn giây phút thôi
Thì tình xin sáng tươi
Tựa ngàn tia nắng rọi.
Tôi không không có ngàn tia nắng. Tôi chỉ mong có một tia nắng rọi. Cuối thế kỉ rồi, đêm tối đang đến để ngày mai có một bình minh khác lên. Tôi mơ một tiếng hát, một cung đàn hoà bình trung chính như khúc Tiếu ngạo giang hồ vang lên trong cuộc sống.
Ngày mai, thế kỉ 21 sẽ tới, thiên niên kỉ thứ ba của loài người sẽ tới. Tôi đứng ở chiều vàng cuối thế kỉ, nhìn lên đỉnh thiên thu và tự hỏi tôi là ai, từ đâu tới, ngày mai sẽ về nơi đâu.