Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [50] [51] [52] [53] [54] [55] [56] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

19
NHẬM DOANHDOANH


Ngôi vị đệ tứ đại mỹ nhân xin dành cho Nhậm Doanh Doanh, cô gái 17 tuổi đẹp như ngọc, con gái của giáo chủ Triêu Dương thần giáo Nhậm Ngã Hành, một thứ tà ma ngoại đạo trong Tiếu ngạo giang hồ.

Có lẽ Kim Dung đã đem hết tâm lực của mình ra để xây dựng nhân vật Nhậm Doanh Doanh: một nhân vật nữ tươi đẹp trong sáng, giỏi âm nhạc, võ công cao cường, mưu trí sâu sắc, cai trị bọn bàng môn tả đạo bằng trái tim thép nhưng rất mẫn cảm với tình yêu và sống với tình yêu bằng trái tim dịu dàng vô kể.

Cô gặp Lệnh Hồ Xung trong khi chàng trai lãng mạn này mất hết công lực, bị sư phụ và các đồng môn đạp xuống hố sâu của của sự nghi ngờ khinh bỉ. Trong ngõ Lục Trúc thành Lạc Dương, cô tiếp Lệnh Hồ Xung qua tấm rèm không cho chàng thấy mặt; nhận tặng vật của chàng trai là bộ nhạc phổ Tiếu ngạo giang hồ và lắng nghe chàng trai kể lại nỗi đau tình khi bị Nhạc Linh San phụ bạc đi theo “gã mặt trắng” Lâm Bình Chi. Vì không thấy mặt cô nên Lệnh Hồ Xung cứ gọi cô là “bà bà”.

Doanh Doanh có một nhận định khá lạ lùng về tình yêu: hễ ai không chung tình với quá khứ thì sẽ không chung tình với hiện tại và tương lai. Cho nên, cô gái 17 tuổi này đã rời bỏ ngõ Lục Trúc, ra đi để bảo vệ Lệnh Hồ Xung, đàn khúc Thanh tâm phổ thiện trú để xoa dịu những vết thương về thể xác và tâm hồn của chàng trai mà cô mới gặp đã cảm thấy yêu mến.

Giữa vùng hoang sơn dã lĩnh, cô bắt ếch nướng cho Lệnh Hồ Xung ăn. Cho đến khi Lệnh Hồ Xung kiệt sức, cô đành cõng chàng lên chùa Thiếu Lâm nhờ Phương Chứng đại sư chữa trị và tự đem thân mình cho phái Thiếu Lâm cầm tù để đổi lấy sinh mạng của Lệnh Hồ Xung.

Khi lành bệnh, hiểu ra được lòng thương yêu và đức hy sinh vô hạn của Doanh Doanh, Lệnh Hồ Xung đã thống lĩnh hết bọn hào sĩ bàng môn tả đạo, trống rong cờ mở, lên chùa Thiếu Lâm đòi thả Doanh Doanh ra. Chính hành động vô pháp vô thiên ấy của Lệnh Hồ Xung khiến Doanh Doanh cảm thấy được an ủi rất nhiều và thấy được sự hy sinh của mình là không uổng phí.

Họ yêu nhau nhưng trong lòng Nhậm Doanh Doanh biết chàng trai chưa phai mờ hình ảnh của Nhạc Linh San. Cô không hề ghen tức, ngược lại đối xử với Nhạc Linh San như người bạn tốt. Chính cô đã cứu Nhạc Linh San, chính cô đã động viên Lệnh Hồ Xung nghe tâm trạng sư muội trước khi chết. Trong con người Doanh Doanh nhỏ bé có trái tim nhân hậu vĩ đại của một phụ nữ công bằng.

Nhậm Doanh Doanh thật thông minh, bén nhạy. Nghe Lệnh Hồ Xung kể chuyện, cô biết ngay là chàng không phải là thủ phạm giết bạn đồng môn của mình, biết ngay là chàng bị sư phụ lừa dối. Chính cô đã khám phá ra chiêu số võ công của Nhạc Bất Quần giống như chiêu số võ công của gã lại cái Đông Phương Bất Bại; từ đó phán đoán ra Tịch Tà kiếm phổ còn có nghĩa là Quỳ hoa bảo điển, và biết Nhạc Bất Quần đã “Dẫn đao tự cung” (tự thiến bộ phận sinh dục).




Cũng chính cô chứ không ai khác đã nhắc bảo cho Lệnh Hồ Xung biết rằng Nhạc Bật Quần là một gã nguỵ quân tử. Và cũng chỉ có cô mới kiềm chế nổi Nhạc Bất Quần, bảo vệ mạng sống cho mình và tình lang: bóp mũi Nhạc Bất Quần cho lão uống Tam thi não thần đan, một loại độc dược mà ngoài cô ra, không ai ở trên đời có thuốc giải được.

Kết thúc Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung để cho Doanh Doanh nhường ngôi giáo chủ lại cho Hướng Vấn Thiên, làm đám cưới với Lệnh Hồ Xung và hai vợ chồng song tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ. Họ đã hoàn thành tâm nguyện mà Lưu Chính Phong và Khúc Dương ngày xưa chưa làm được: hắc đạo và bạch đạo vẫn có thể sống với nhau trong một không khí hoà bình hạnh phúc thật sự, xoá đi biên giới của hận thù và nghi kị.

Tiếu ngạo giang hồ chính là khát vọng của tác giả Kim Dung đối với đất nước và đồng bào Trung Hoa của ông. Và Doanh Doanh chính là biểu tượng của cái đẹp Trung Hoa, một cái đẹp đi vào phạm trù tinh thần chứ không còn ở phạm trù vật chất nữa.

Doanh Doanh hoàn mỹ quá khiến đâm ra nghi ngờ, không hiểu khi xây dựng nhân vật này, Kim Dung có đặt cái gọi là “chủ nghĩa Đại Hán” của ông vào chăng? Định chọn Nhậm Doanh Doanh ở ngôi vị số một, trên cả Triệu Mẫn, nhưng vì sự nghi ngờ đó đã khiến xếp cô vào vị trí số bốn.

Đã bảo tôi là một người đầy cảm tính, không thể có sự khách quan, trung thực và khoa học của các vị giám khảo chấm thi hoa hậu nghiêm khắc và đầy kinh nghiệm ngày nay cơ mà. Cho nên tôi cứ liều mạng đưa cô gái Mông Cổ lên ngôi vị số một và đặt cô Doanh Doanh Hán tộc xuống vị trí số bốn. Mà số bốn thì cũng cực kì quan trọng rồi.

HUỲNH NGỌC CHIẾN
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

20.
Bi kịch TẠ TỐN


Hãy tưởng tượng cảnh trời chiều trên Băng Hoả đảo, một hòn đảo xa xôi hoang vắng vùng cực Bắc, giữa những làn gió lạnh cắt da, một trung niên thân hình khôi vĩ, râu tóc vàng rực, mặc áo khoác da thú, đôi mắt trắng dã mù loà, tay cầm thanh đại đao lấp lánh trong ánh trời chiều, đứng cô liêu trầm mặc như một nhà sư nhập định, rồi bỗng nhiên cất lên tiếng rú làm kinh động cả bầu thái hư lạnh buốt.
Không phải là tiếng hú giác ngộ Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư của một Không Lộ thiền sư [1] mà là tiếng rú cực kì đau thương và bi phẫn của con mãnh sư bị thương : Kim mao Sư vương Tạ Tốn.
Một tuyệt đại cao thủ với kiến văn vô cùng uyên bác, một con người văn võ kiêm toàn, Phó giáo chủ của Minh giáo, một tài năng hãn hữu trong võ lâm, chỉ vì một phút nông nỗi hồ đồ, bị biến thành vật hiến tế trong trò chơi tai ác của Định Mệnh. Ông đã trải qua cảnh đoạn trường trong cuộc sống: vợ bị hãm hiếp rồi bức tử, đứa con trai yêu duy nhất bị giết chết.
Oái ăm thay, kẻ gây ra thảm kịch cho gia đình Tạ Tốn không ai khác mà chính là vị ân sư mà ông đã hàm nặng ơn sâu và coi như cha đẻ: Hỗn nguyên Phích lịch thủ Thành Khôn. Gây án xong, Thành Khôn tuyệt tích giang hồ. Từ đó, để tìm ra tung tích Thành Khôn, Tạ Tốn lao vào những cuộc đồ sát phi lí điên cuồng. Mỗi khi giết người xong, ông lại đề tên Thành Khôn với hi vọng ngây thơ là Thành Khôn sẽ xuất đầu lộ diện để cùng mình tương kiến.
Trong khi đó, Thành Khôn lại âm thầm nấp trong bóng tối và tiếp tục gieo rắc ngộ nhận thương đau cho đồ đệ của mình, tiếp tục đẩy Tạ Tốn vào những cuộc sát nhân vô cớ. Và tội lỗi ngày càng kéo Tạ Tốn lún sâu vào tội lỗi.
Một nỗi đau sâu sắc khác của Tạ Tốn là cái chết của Không Kiến đại sư, một cao tăng chùa Thiếu Lâm, người tự nguyện đứng ra hoà giải mối cừu hận giữa hai thầy trò và hi vọng cứu vãn sát kiếp cho võ lâm. Hình ảnh Không Kiến đại sư, dù chỉ xuất hiện rất ngắn và chỉ qua lời kể của Tạ Tốn, đã để lại ấn tượng vô cùng cảm động trong lòng người đọc: đem tính mạng mình ra để điều hoà mối xung đột bất khả vãn hồi bằng tình yêu bao la và lòng dung nhẫn mênh mông. Một hình ảnh xả thân hi sinh phi thường với tinh thần vô ngã tuyệt đôí mà ta thỉnh thoảng chỉ thấy trong nền văn hoá phương Đông.
Thủ đoạn của Thành Khôn và cái mẹo vặt của Tạ Tốn đã đẩy vị thần tăng chùa Thiếu Lâm vào chổ chết. Môn Kim cương thần công hộ thân của Không Kiến chỉ bảo vệ được cho vị thần tăng đáng kính kia trước những ngọn Thất Thương quyền cực kì tàn độc nhưng lại không bảo vệ được ông trước mưu mô âm hiểm của con người!
Từ đó, cả hai phe hắc bạch đều xem Tạ Tốn là kẻ tử thù, khiến ông không còn đất dung thân dù giang hồ rộng bao la. Cái lí do tồn tại cuả Tạ Tốn trên cõi đời này, cái raison d’ être của ông giờ đây chỉ còn là sự hờn căm và rửa hận. Tạ Tốn có cái lí của mình trong những cơn đồ sát vô nghĩa và Thành Khôn cũng có cái lí của chính ông: trả thù cho một mối tình tuyệt vọng. Cõi giang hồ đầy dẫy ân oán thị phi đã đẩy dần hai thầy trò vào chốn tận cùng chốn diêu mang phi lí cõi tồn sinh.
Rồi vì để chiêm nghiệm cho ra cái điều huyền mật trong thanh bảo đao Đồ long nhằm tìm ra một môn võ công lợi hại để giết được kẻ thù là ân sư Thành Khôn, Tạ Tốn đã ép buộc vợ chồng Trương Thuý Sơn cùng mình lưu lạc trên Băng Hoả đảo. Do Tạ Tốn tâm trí thất thường nên đã giao đấu với Trương Thuý Sơn. Và Hân Tố Tố đã ném kim châm làm mù mắt Tạ Tốn để hổ trợ chồng. Vốn đã mang bao tâm sự u uất khổ đau, giờ đây sự cuồng điên trong tâm hồn Tạ Tốn lại lên đến cực điểm. Vì võ công ông quá cao siêu nên vợ chồng Thuý Sơn, dù là hai tay cao thủ, cũng phải luôn luôn trốn tránh Tạ Tốn trên hoang đảo chỉ có ba người.
Khi Hân Tố Tố chuẩn bị lâm bồn, Thuý Sơn, do lo sợ, phải đào sẵn một cái hố trước hang động đang trú ẩn để đề phòng Tạ Tốn. Qủa nhiên ông đã tìm đến và rơi xuống hố. Khi nhảy ra được khỏi hố với thanh kiếm do Thuý Sơn đâm sâu trên trán, Tạ Tốn giận dữ tột độ, toan xông vào hang để giết luôn cả hai vợ chồng Thuý Sơn thì đúng lúc Vô Kỵ cất tiếng khóc chào đời. Tiếng khóc hài nhi giữa đêm khuya thanh vắng như một tiếng chuông cảnh tỉnh bỗng nhiên đánh thức lương tri của con hùng sư cuồng điên trong cơn tuý sát: dĩ vãng lại hiện về với hình ảnh đứa con trai yêu bị thảm tử.
Một chi tiết dù rất nhỏ nhưng làm cho ta vô cùng cảm động. Nếu không thế thì ta sẽ vì đời mà giận dỗi Kim Dung biết mấy! Tính nhân bản, và chổ cao diệu của ngòi bút Kim Dung là ở điểm đó. Một tâm hồn hời hợt với bút lực tầm thường sẽ không bao giờ thể hiện nỗi những cái u uẩn khuất khúc vô cùng phức tạp trong tâm lí con người[**].
Hình ảnh hài nhi, trong truyền thống Viễn Đông, vẫn thường tượng trưng cho đức Sinh của Tạo hoá. Chỉ có những tác giả có cái nhìn sâu thẳm vào bản chất con người, những đôi mắt trông thấu sáu cõi, những tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời 3 mới có được bút lực tinh tế dường ki! Có khi chỉ vì một sự cố rất nhỏ vô tình trong đời mà cuộc đời ta lại chuyển sang hướng khác.
Đồ tể buông đao là thành Phật. Đọc đến đây ta chợt hiểu vì sao tác phẩm Kim Dung lại có sức cuốn hút độc giả đến thế trong bao năm qua. Hãy gạt bỏ đi những môn võ công không thực, hãy gạt bỏ đi những chiêu thức hoang đường, cái cốt lõi trong tác phẩm Kim Dung hiện ra vẫn là hình ảnh con người phù du tư diệt phải một mình khoắc khoải đối diện với bao ân oán thị phi rối răm chằng chịt giữa cõi đời phi lí mênh mông!
Con người, ngay cả bậc anh hùng, nhiều khi vẫn là trò chơi trong bàn tay tai quái của Định Mệnh mà mọi nỗ lực vượt qua đều dường như vấp phải một bức tường bất khả tư nghì! Đôi tình nhân hạnh phúc Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố phải cùng nhau tự vẫn ngay trước mặt bao vị tôn trưởng để thành tựu mộng đầu oan nghiệt và con hùng sư khổ đau Tạ Tốn lại phải tiếp tục sống để rửa sạch mối hờn căm.
Trên Băng Hoả đảo, Tạ Tốn nhận Vô Kỵ làm nghĩa tử và truyền thụ toàn bộ võ công siêu việt, với hoài vọng đứa con nuôi thông minh và đôn hậu kia sẽ thành toàn được những gì mà ông còn để dỡ dang trong tâm nguyện. Người anh hùng trong một phút nông nỗi hồ đồ đã để lại mối hận ngàn năm! Anh hùng di hận kỉ thiên niên (Nguyễn Trãi).
Trải qua bao gian khó, Tạ Tốn lại một mình tìm về được Trung thổ để tiếp tục tầm thù. Cuối cùng, ông cũng hội diện được với cừu nhân dưới lốt nhà sư Viên Chân trên đỉnh Thiếu Lâm và rửa được mối hận bình sinh. Thù xưa đã trả. Ân oán đã tan. Lẽ ra Tạ Tốn phải thấy lòng ung dung thanh thản nhưng giờ đây ông lại đối diện với những hang hố đen ngòm của cuộc tồn sinh: mọi sự việc trên đời bỗng trở nên hư huyền trống rỗng.
Trong cuộc đấu tranh tầm thù dài dằng dặc đó, kẻ thất bại đã bị chết, nhưng kẻ chiến thắng lại rơi vào sự cô đơn. Và chính trong nỗi cô đơn ấy, cái tận cùng phi lí của nhân gian lại hiện nguyên hình: Thị phi thành bại chuyển đầu không. Chuyện đúng sai hay thành bại ở trên đời, khi đã trải qua rồi và quay đầu nhìn lại, mới hay chỉ là hư không trống rỗng.
Không biết tự bao giờ, ở Viễn đông, con người thường đem bao nhiêu chuyện thương tâm trong suốt bình sinh hướng về cưa Không để mong nhờ Phật pháp tiêu giải [****] và những người anh hùng khi đến đường cùng lại thường xuống tóc đi tu. Anh hùng mạt lộ bán vi tăng.
Tạ Tốn dù không là anh hùng mạt lộ, nhưng cơ duyên đủ chín mùi để ông nhận chân ra được những tấn tuồng hư huyễn của nhân gian, nên ông tự phế bỏ võ công, xin qui y cửa Phật và tự nguyện chịu đựng mọi thứ đờm rã i nhơ bẩn khạc nhổ lên người và mọi sự thoá mạ của những người có người thân bị ông giết chết.
Ta tin rằng trong suốt bình sinh, có lẽ chưa bao gìơ tâm hồn Tạ Tốn lại thấy thanh thản bằng lúc quì gối để chịu đựng nỗi nhục hình ghê gớm đó, nỗi nhục hình mà bất kì một người học võ nào cũng đều thấy đau đớn hơn là cái chết. “Tạ Tốn hay đống phân bò cũng chẳng có gì khác nhau!”. Câu nói cuôí cùng đầy minh triết của con hùng sư một thời chọc trời khuấy nước, làm khuynh đảo cả giang hồ, đã khép lại tấn thảm kjch của một đại cao thủ kiêu hùng nhưng, trong tác phẩm Kim Dung, lại tiếp tục mở ra những trang bi kịch khác của võ lâm.
HUỲNH NGỌC CHIẾN
_____
[1] Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
( Có khi lên thẳng đỉnh núi cô liêu
Cất tiếng hú dài làm lạnh buốt cả bầu trời
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TẠ TỐN

Văn hùng võ dũng,phận long đong,
Ân oán triền miên trĩu nặng lòng.
Cạn nghĩa sư đồ,lìa Thánh giáo,
Vẹn tình phu phụ,đoạt Đồ long.
Mười năm Băng đảo tìm chân lý,
Một khắc Thiền môn ngộ sắc không.
Ngoảnh mặt,buông đao,lìa ảo vọng,
Mắt mù,tâm sáng lẽ tồn vong.

phamanhoa
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHẬM NGÃ HÀNH
cái tôi và bản lĩnh


Ngạn ngữ phương Tây nói: Cái tôi là cái đáng ghét (Le moi est haïssant). Bản tính con người xưa nay đều luôn nghĩ đến mình trước hết, cho nên cái tôi tạo ra một lớp vỏ bọc kín tâm hồn và chận đứng mọi nẻo cảm thông giữa người với người.

Tôn giáo hay triết học phương Đông đều dạy con người tiêu trừ bãn ngã, vì xem đó là điều chướng ngại ngăn cản con người trên con đường tu học. Đức Phật thực hiện Từ Bi, Chúa Jésus rao giảng Bác Ái, đức Khổng Tử giảng dạy đức Nhân, cũng đều nhằm mục đích dẫn dắt con người đến chỗ thương yêu khắp cả chúng sinh như chính mình, hay xem tất cả mọi người đều đồng một thể.

Người nông dân Việt Nam nói đơn giản và ngắn gọn hơn: Thương người như thể thương thân. Không có phân biệt ta và người. Những ai sính loại triết học hàn lâm thì bảo đó là để Tiểu Ngã hoà tan trong Đại Ngã theo kiểu Ấn Độ, hoặc vạn vật dữ ngã vi nhất theo kiểu Trung Hoa, hoặc không còn phân biệt chủ thể với khách thể theo kiểu triết học hiện đại…

Những trò chơi ngôn ngữ rối rắm vô bổ và rỗng tuếch đó đã làm hao tổn bút mực lẫn trí não của rất nhiều học giả Đông Tây rồi, và của cả những người sính triết học. Chúng ta hãy học tập cách người nông dân chân chất là xếp chúng qua một bên để mặc cho các học giả bàn luận, rồi cứ ung dung dắt trâu đi theo con đường ruộng giữa cánh đồng bao la với bàn chân đất, chỉ để nghe tiếng nói sâu thẳm từ chính trái tim mình.

Xã hội có văn hoá thường buộc con người phải tìm cách giấu đi cái tôi. Người nào nói nhiều đến cái tôi có nghĩa là người kém văn hoá. Phải nói đến người ta và chúng ta hoặc chí ít cũng phải là chúng tôi.

Rõ khổ! Vì dù ít dù nhiều ai cũng muốn phô diễn cái tôi. Do đó, cái tôi lại luôn tìm cách xuất hiện lấp ló đằng sau những nghi thức xã giao, thông qua những câu nhún nhường khiêm tốn, thường có tính giả vờ! Chỉ có những thiên tài thực sự mới đủ bản lĩnh để không ngần ngại bộc lộ cái tôi bằng tất cả sự kiêu hãnh hồn nhiên.

Theo kinh điển Phật giáo ghi lại thì khi vừa mới sinh ra đời, đức Phật đã bước đi bảy bước trên toà sen và cất tiếng như sư tử hống: Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn. (Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là tôn quý). Đó có lẽ là ngày đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, cái Tôi được khẳng định một cách minh triết và hùng hồn nhất. Một tôn giáo xiển dương quan điểm sắc tức thị không, không tức thị sắc và dùng một loạt mười tám loại Không từ Nội không cho đến Vô pháp hữu pháp không trong kinh Bát Nhã để đẩy toàn bộ cái thế giới hữu sắc này đến chỗ tận cùng của chân không, thì chính tôn giáo ấy lại khởi đầu bằng cách khẳng định một cách tuyệt đối cái tôi!

Bỏ qua một bên những ý nghĩa siêu huyền mang tính tượng trưng và ẩn dụ (dĩ nhiên) trong lời tuyên bố đó, ta chợt bắt gặp lại, ở một bình diện thấp hơn, câu ngạn ngữ phương Tây bảo “Les extrémités se touchent” (cái cực đoan thường gặp nhau) Cái cùng cực của phủ nhận lại chính là cái cái cùng cực của khẳng nhận. Cũng như chỗ sơn cùng thuỷ tận của khoa học phương Tây lại tiếp giáp với cõi bờ huyền học phương Đông, cho nên vũ trụ của Einstein lại hoà nhập trong lời thơ Tagore!

Lý Bạch là nhà thơ vô cùng kiêu ngạo. Trong một đêm khuya yên tĩnh, nhìn tinh tú lấp lánh chiếu sáng trên không, ông ngẫu hứng muốn làm thơ, nhưng lại không dám viết thành câu vì sợ các vì tinh tú nghe được sẽ rùng mình rơi cả xuống dòng sông lạnh :

Dạ tĩnh bất kham đề tuyệt cú
Đãn kinh tinh đẩu lạc giang hàn

(Đêm khuya không dám đề thơ
Chỉ e sao rụng lạnh bờ sông đêm)

Có một bài thơ tứ tuyệt của Lý Bạch, người ta thường cho rằng đó là bài thơ tả cảnh nhưng thật ra đó là bài thơ kiêu ngạo thượng thừa:

Chúng điểu cao phi tận
cô vân độc khứ nhàn
tương khan lưỡng bất yếm
duy hữu Kính Đình san

(Chim chóc đã bay về tổ hết; đám mây lẻ loi đang lờ lững trôi;
nhìn nhau mà không chán; chỉ có ta và núi Kính Đình).

Chỉ có núi Kính Đình là có thể nhìn ta giữa trời đất bao la để cảm nhận được sự hùng vĩ của nhau mà không chán! Đó là ngạo khí của kẻ khí thôn chư tử vô toàn mục (ngạo nghễ chưa xem ai vừa mắt) .

Beethoven từng phẫn nộ quát mắng bọn quý tộc: Các ông cần hiểu rằng quý tộc các ông đời nào cũng có, nhưng Beethoven này phải cả trăm đời mới có được một người!

Đó đều là niềm xác tín đầy kiêu ngạo về cái Tôi của những người hiểu rõ thiên tài của mình.

Trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, có lẽ chỉ có ba nhân vật văn võ toàn tài, vừa có võ công tuyệt đỉnh lại vừa có trí huệ sắc bén, và là ba nhân vật kiêu ngạo bậc nhất. Đó là Hoàng Dược Sư, Tạ Tốn và Nhậm Ngã Hành.

Nếu Hoàng Dược Sư hấp dẫn người đọc bởi cái tài hoa cô độc, nếu Tạ Tốn khiến người đọc kính nể vì kiến văn uyên bác, thì Nhậm Ngã Hành làm người đọc khoan khoái vì chất lỗ mãng giang hồ. Và ông là bậc đại tôn sư võ học duy nhất không ngần ngại phô diễn cái tôi với tất cả cái xấu lẫn cái tốt của nó, đúng với cái tên Nhậm Ngã Hành (để mặc ý ta làm!).

Cái tài hoa của Hoàng Dược Sư dù sao vẫn còn mang chút màu mè của hạng quý tộc, sự uyên bác của Tạ Tốn vẫn có một chút từ chương của giới hàn lâm, chỉ có Nhậm Ngã Hành là hoàn toàn chất phác, giống như chưởng pháp của ông khi giao đấu với Thiên Thủ Như Lai chưởng của Phương Chứng đại sư. Người sao chưởng vậy. Không ly kỳ biến ảo, nhưng trong thô phác lại hàm chứa tinh hoa.
Chỉ những người có bản lĩnh thực sự và có sở đắc chân chính như Nhậm Ngã Hành mới dám vất bỏ mọi lớp vỏ văn hoá hoa hoè che phủ bản thân, để hiện ra một cách trần trụi với mọi cái xấu, cái tốt không thèm che dấu, như Một Con Người thực sự. Khi thì ăn nói cùng cực sắc bén đúng với phong độ của một đại tôn sư võ học, khi thì hành xử rất mực thô lỗ, thậm chí hạ cấp, như bọn hảo hán giang hồ.

Đánh mãi với Phương Chứng, liệu thế không xong thì vờ tấn công Dư Thương Hải để dùng mưu đánh ngã Phương Chứng. Không thích Tả Lãnh Thiền nhưng lại thành thật công nhận: Nễ võ công liễu đắc, tâm kế dã thâm, ngận hợp lão phu đích đảm trụ (Ngươi võ công có chỗ hơn người, lại có mưu kế sâu, điều đó rất hợp với tâm ý lão phu). Ông chỉ chê Tã Lãnh Thiền một điểm là đã có dã tâm thôn tính Ngũ Nhac kiếm phái thì cứ ngang nhiên mà làm, không cần phải dùng đến những thủ đoạn lén lút, những âm mưu quỷ kế đê hèn không xứng đáng với bậc anh hùng hảo hán. Nhậm Ngã Hành cũng không hề che dấu tham vọng bá chủ võ lâm của mình.

Hiếm có vị tôn sư võ học nào lại ngang nhiên tự nhận: Lão phu võ công ký cao, tâm tư hựu thị cơ mẫn vô tỷ, chỉ đạo phổ thiên hạ dĩ vô kháng thủ (lão phu võ công đã cao, tâm tư lại bén nhạy nhất đời, cứ cho rằng khắp thiên hạ không có đối thủ!). Và do đó ông phải vô cùng bội phục kẻ đã soán đoạt ngôi vị giáo chủ của mình là Đông Phương Bất Bại.

Đối với Xung Hư đạo trưởng thì ông ca ngợi nhân cách và Thái cực kiếm pháp của vị chưởng môn hết lời, nhưng lại khẳng định ngay: Nễ đích Thái cực kiếm pháp tuy cao, vị tất thắng đắc quá lão phu (Thái cực kiếm pháp của đạo trưởng tuy cao, nhưng chưa chắc đã thắng nỗi lão phu)!

Môn Hấp tinh đại pháp mà Nhậm Ngã Hành khổ luyện cũng có ý nghĩa riêng của nó: gom hết những tinh hoa trong thiên hạ để về phục vụ cho chính cái tôi. Đó cũng là môn võ công biểu hiện quan điểm cực đoan của Duy ngã độc tôn. Cái tôi của Nhậm Ngã Hành khi được khoáng trương đến cực độ thì tại điểm bách xích can đầu sẽ hoặc dược tại uyên (nhảy vào hố thẳm), như con rồng của quẻ Kiền trong kinh Dịch, để vỡ tan ra từng mãnh.

Bước nhảy đó sẽ là điều kiện tối hậu để Nhậm Ngã Hành với Hấp tinh đại pháp bắt gặp kịp Phương Chứng đại sư với Dịch cân kinh. Cái tâm đại bi vô lượng của một bậc đại tôn sư võ học sẽ hoá giải cái tôi cực kỳ bá đạo của một đại tôn sư võ học khác, cũng như cái Duy Ngã Độc Tôn sẽ cùng cõi Chân Không Diệu Hữu viên dung nhất thể. Cái Tôi được khẳng định đến cùng cực, khi gặp cơ duyên, sẽ dễ dàng tan biến vào cái đối cực của nó là cõi Man Mác Huyền Minh. Giá như Nietzsche sống lại, ắt hẵn sẽ trỏ vào Nhậm Ngã Hành mà nói Ecco Homo (đây là một con người)!

Nhưng muốn biểu hiện cái tôi như Nhậm Ngã Hành thì ta phải có bản lĩnh chân thực. Không có bản lĩnh chân thực thì cái tôi đó cũng chỉ là cái hình ảnh thảm hại của năm anh chàng võ nghệ mèo quào học đòi lên Hoa sơn luận kiếm!

Như Tây Thi nhăn mặt thì cả làng đều say đắm, Đông Thi bắt chước nhăn mặt thì cả làng đều bỏ chạy. Muốn học cách viết Sử Ký như Tư Mã Thiên thì phải học cách du sơn ngoạn thuỷ như Tư Mã Thiên, muốn kiêu ngạo và phô diễn cái tôi như Nhậm Ngã Hành thì tự xét mình đã có được cái bản lĩnh như Nhậm Ngã Hành không? Có dám ngang nhiên phơi bày mọi cái xấu lẫn cái tốt, vì hiểu rằng cái xấu hay tốt đó đều bất khả tư nghì đối với cao thủ cỡ Dư Thương Hải không? Và có thực dám nhậm ngã hành (cứ làm theo ý ta) không? Có dám tự thấy Lão phu võ công ký cao, tâm tư hựu thị cơ mẫn vô tỷ, chỉ đạo phổ thiên hạ dĩ vô kháng thủ chưa?

Phải học nói rất nhiều trước khi muốn im lặng, phải đọc sách rất nhiều để hiểu rằng kiến thức chỉ là trò điêu trùng tiểu kỹ vô cùng vụn vặt, phải Bao đêm thao thức thật thà rồi mới ngộ ra rằng Sưu tầm chân lý té ra tầm ruồng (Bùi Giáng).

Phải đẩy cái Tôi đến chỗ tận cùng rồi mới có cơ duyên để để trừ bỏ nó. Và đằng sau cái tôi đó phải là bản lĩnh chân thực. Vì đó chính là điều kiện để con người rủ bỏ tất cả và hoặc dược tại uyên!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

HƯ TRÚC
Nhà sư vướng… mộng!


Này Ðại Huệ, Bồ, bằng tâm đại bi (mahakaruna), phương tiện thiện xảo (upaya) và vô công dụng hạnh (anabhogacarya), Bồ Tát quán thấy chúng sinh như huyễn mộng, như bóng... Khi dần nhập vào từng địa (bhumi) thù thắng hơn, Bồ Tát đó đạt được Tam muội (Samadhi), hiểu rằng tam giới duy tâm (cittamatra). Tam muội đó được gọi là Như huyễn Tam muội (mayopama-samadhi)).(*)

Trên đây là đoạn trích dịch từ kinh Lăng Già, một kháng thư thâm áo của Phật giáo Đại thừa. Kinh Lăng Già cho rằng bậc Bồ Tát nào quán sát được thế gian như là huyễn, chúng sinh như là mộng sẽ đạt được Như huyễn Tam muội là trạng thái định cao nhất được liệt kê trong kinh. Có nhiều nhà sư vì mang tài hoa mà vướng luỵ, nhưng có một nhà sư không vướng luỵ mà lại vướng …mộng, và vì vướng mộng nên vướng luỵ, đó là Hư Trúc trong Thiên Long Bát Bộ.

Nhà văn Trung Quốc là đại sư Tô Mạn Thù đã viết một cuốn sách não nùng Đoạn Hồng Linh Nhạn Ký (Cánh hồng cô lẻ), thuật lại câu chuyện của đời mình. Con người tài hoa mang hai dòng máu Nhật- Hoa đó từ thuở nhỏ đã xuất gia đầu Phật. Sau khi phương trượng qua đời, cảm thấy bơ vơ nên muốn quay về cõi tục, nhưng kẻ xuất thân tu hành không thể chen chân nỗi với cõi đòi ô trọc, mà tiếp tục tu hành cũng không trọn nghiệp, nên suốt bình sinh cứ chìm nỗi giữa biển dâu. Những mong nương bóng thiền môn để bước chân đi trong cõi Như Lai thanh tĩnh, nên cố làm ngơ trước những tiếng lòng tha thiết, đành quay mặt đi với hai người con gái thông tuệ diễm kiều.

Nhưng lòng kẻ tài hoa làm sao có thể dùng cõi Như Lai để xoá đi được hình bóng giai nhân vẫn luôn thấp thoáng trong từng trang kinh lời kệ? “Khuya về nhẹ mở tâm kinh, trang nào cũng thấy bóng hình của em, mở bờ sinh tử ra xem, em từ tiền kiếp là em bây giờ” (Hồ Công Khanh). Hẹn nhau từ trong tiền kiếp để bây giờ thị hiện giữa cõi Ta Bà trong từng sát na, gây vương vấn mộng hồn cho kẻ phân vân đứng giữa ngã con đường ngã ba của đời và đạo. Thi sĩ Bùi Giáng chuyển tác phẩm trên sang tiếng Việt thành Nhà sư vương luỵ (NXB Văn Học, 2000) bằng ngôn ngữ ngậm ngùi cháy bỏng cả tâm can.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung cũng để cho ni cô Nghi Lâm mang cả một khối u tình vào trong cõi thanh tu. Người nữ tu kiều diễm có tâm hồn như nữ thánh đó đã héo hắt cả dung nhan vì gã “ Lệnh Hồ đại ca” mang cốt cách giang hồ lãng tử. Từng giọt lệ vướng luỵ của ni cô rơi trên trang kinh trong đêm vắng, làm tê buốt tâm tình của cả nhân gian. Chuông khuya dẫn mối sầu về. Giọt buồn ai để rơi nhoè trang kinh. Chao ơi! Sư nữ đa tình...

Hết nhà sư vướng luỵ, rồi đến lượt ni cô vướng luỵ khiến người ta hoang mang tự hỏi hương sắc cõi đời có mỵ lực gì hấp dẫn những tâm hồn đang muốn hướng đến tuyệt đích với vô biên, đến nỗi họ đành quay mặt với cõi đạo để chấp nhận nỗi chìm giữa cõi người ta đầy khổ luỵ? Cõi thiện, cõi chân không gần bằng cõi mỹ, nên đôi lúc sắc hương đời thường che lấp bóng Như Lai!

Đã có lần viết về Giang Nam Tứ Hữu, xem đó là biểu tượng cho thảm hoạ của tài hoa. Mang tài hoa lánh đời nơi Cô sơn mai trang mà vẫn phải gánh chịu thảm kịch. Nhưng mang một khối tài hoa vào cửa thiền như Tô Mạn Thù vẫn là mang theo khổ não. Cho mình, cho đời và cho lẽ đạo. Đã tài hoa ắt phải đa tình, mà vì đa tình nên thường vướng luỵ.

Nhà thơ tiền chiến J.Leiba có bốn câu thơ thật ngậm ngùi:

Trần thế đã nhiều duyên nghiệp quá
Lệ lòng mong cạn chốn am Không
Cửa Thiền một khép trần duyên đứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng

Ông nói thế chắc để tự dối lòng, và để an ủi cho những kẻ tu hành tài hoa đang đắm chìm trong khổ luỵ, vì thử hỏi làm sao có thể thực sự “quên hết người quen chốn bụi hồng” được, khi mà lưới tình bủa rộng khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, vây khổn những kẻ đa tình nương náu chốn cửa thiền trong từng trận chiêm bao?

Bất Giới hoà thượng đã làm chuyện ngược đời là vì yêu ni cô mà phải cạo đầu để khoát áo nâu sòng! Sá gì thân náu cửa Không, Cạo đầu bởi chút má hồng ni cô, Tam quy? Ngũ giới? Nam mô! Bất Giới hoà thượng tuy thô lỗ như lại đa tình. Nên ông không vướng luỵ nhưng lại làm cho người ta vướng luỵ.

Có lẽ chỉ có một người hiền lành chân chất, suốt đời chỉ biết kinh kệ rau dưa nhưng lại vướng luỵ trong một hoàn cảnh oái ăm, đó là Hư Trúc. Con người chân chất đó không một chút tài hoa, cũng không một chút đa tình lãng mạn, và chắc chắn trái tim đó không hề biết rung cảm trước nhan sắc, cho dẫu đó là thần tiên giáng thế. Người đẹp Vương Ngữ Yên trước mặt chú cũng không khác gì tượng gỗ.

Cõi đời thực không có gì có thể cám dỗ nỗi chú, không phải vì định lực của chú cao mà chỉ vì chú cục mịch ù lì như gỗ đá. Từ bé chú chỉ biết gõ mõ tụng kinh, một lòng hướng về Đức Phật, tai như điếc trước thanh, mắt như mù trước sắc, lòng không bị quấy nhiễu bởi vật chất trần gian, thế thì con người giống như hòn đất đó làm sao vướng luỵ được? Tâm hồn chú quả giống như pháp danh Hư Trúc, nghĩa là cây trúc rỗng.

Bút lực Kim Dung quả thật thâm hậu khi bố trí câu chuyện để chú phải vướng luỵ trong một tình huống cực kỳ oái ăm! Chú bị Thiên Sơn Đồng Mỗ ép phạm sắc giới với một người đẹp xa lạ trong hầm tối om om. Mơ màng như trong cõi mộng. Cõi đời thực không làm cho chú vướng luỵ thì cõi mộng thì sẽ kéo chú ra khỏi thiền môn!

Trong một trường hợp tình cờ, chú cứu được chủ nhân của Linh Thứu cung là Thiên Sơn Đồng Mỗ, và nhằm để tránh sự truy sát của Lý Thu Thuỷ, cả hai phải chui vào một hầm trữ nước đá trong Hoàng cung Tây Hạ.

Hằng ngày, Thiên Sơn Đồng Mỗ lẻn vào vườn ngự uyển, bắt chim về buộc chú ăn để sống. Rồi đến một đêm khuya nọ, Đồng Mỗ lại mang về cho chú một cô gái. Bản năng khao khát sắc dục từ lâu bị chôn vùi dưới lớp tăng bào của cuộc sống tu hành khổ hạnh bỗng nhiên trỗi dậy, dù lúc dầu chỉ mới là cảm giác mơ hồ. Ban ngày thì phải vừa luyện võ nghệ với Thiên Sơn Đồng Mỗ, vừa lo cảnh giác Lý Thu Thuỷ.

Nhưng khuya về lại có một Mông Cô – cô nương trong giấc mộng - kề cận thâu đêm. Cả hai không biết mặt nhau và cứ ngỡ như mình đang sống trong cảnh chiêm bao, vì cứ đêm về là họ lại gặp nhau, như phép màu trong truyện Ngàn Lẽ Một Đêm. Nên họ gọi nhau là Mộng Cô và Mộng Lang. Tất cả “cõi mộng” đó đều diễn ra dưới sự sắp xếp của cao thủ tuyệt đỉnh Thiên Sơn Đồng Mỗ.

Khi quay về lại chùa Thiếu lâm với thân phận chủ nhân cung Linh Thứu, chú vẫn ngây thơ nghĩ rằng mình cần phải cầu kinh sám hối để có thể gột rửa sạch được ‘tội lỗi” đã phạm. Nhưng thực ra, trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, bản năng cơ bản đã được đánh thức.

Ngày trước khi phạm sát giới, chú đã kêu khóc ầm ĩ và xem đó là chuyện tày trời, nhưng đến khi phạm sắc giới, thì chú lại cứ man mác, bâng khuâng. Và hình ảnh Mộng Cô không ngừng ám ảnh trong tâm trí. Chú tiểu khờ khạo của chùa Thiếu Lâm đã biến thành một kẻ si tình mà chú không hề hay biết, dầu chú đang ở trong cảnh giới “dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng” (Kiều).

Giá như chú có đủ trí huệ để “ quan sát tất cả chúng sinh đều như huyễn, như mộng” thì rất có thể chú đã chứng đắc “Như Huyễn Tam Muội”! Và chú không hề hiểu rằng cõi đời đang giang tay đón chờ một người sắp sửa rời cổng thiền môn. Vì đó là con đường tất yếu cho những ai không đủ căn cơ mà lại đi thẳng vào chốn cửa “Không” thanh tĩnh, bỏ qua cửa “Hữu” đầy khổ luỵ của trần gian!

Khi đi cùng Tiêu Phong để hộ tống vị tam đệ đa tình là Đoàn Dự sang Tây Hạ cầu hôn, có ai ngờ nỗi công chúa Tây Hạ lại là chính cô nương Mộng Cô ngày nào. Cô bày ra ba câu hỏi cho các người cầu hôn để thử tìm lại anh chàng Mộng Lang thuở trước, mà rẩt có thể cô cũng nghĩ chỉ là người trong cõi mộng.

Những ai tìm cách trả lời theo kiểu “ đao to búa lớn” đều bị loại. Chỉ có Hư Trúc trả lời ba câu hỏi đó một cách dễ dàng. Không phải chú trả lời các câu hỏi, mà chú chỉ buột miệng nói ra những điều cứ ấp ủ mãi trong lòng. Nơi nào đẹp nhất trong đời chú? Là hầm đá lạnh. Người chú yêu mến nhất trong đời? Là chính Mộng Cô. Dung nhan Mộng Cô ra sao? Chú cũng không hề biết.

Ba câu trả lời tình cờ đó lại là ba câu mà công chúa Tây Hạ đang mõi mòn mong đợi. Cơ duyên sắp đặt để hai người trong mộng gặp lại nhau, và tân chủ nhân của cung Linh Thứu trở thành phò mã Tây Hạ. Gặp nhau trong mộng, ái ân trong mộng, nhớ nhau trong mộng, tìm gặp nhau cũng trong mộng nốt, thế thì cõi đời còn gì đẹp hơn câu chuyện Mộng Lang với Mộng Cô?

Trong các tác phẩm của Kim Dung, chỉ có những con người khù khờ chân chất mới có được tình yêu trọn vẹn, như Hư Trúc với Mộng Cô. Ngay cả anh chàng cục mịch Quách Tĩnh cũng vô tình làm tan nát cõi lòng của Hoa Tranh công chúa khi đến với Hoàng Dung.

Tinh thần văn hoá phương Đông vẫn thường xem cõi đời là giấc mộng. Lý Bạch bảo: “Xử thế nhược đại mộng, hồ lao vi kỳ sinh” (chuyện đời như mộng lớn, việc gì phải nhọc lòng?). Đó là cõi-đờimộng dưới mắt một thi tiên.

Kinh Phật có bài lệ “lục như” nổi tiếng: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán” (nên quán sát tất cả các pháp hữu vi như giấc mộng, như điều hư huyễn, như bọt nước, như cái bóng, như sương rơi, như tia điện chớp) nhằm khai ngộ chúng sinh thấy chân tướng cõi đời là mộng huyễn.

Đó là cõi-đời-mộng dưới sự quán chiếu của bậc đại giác. Tô Đông Pha bảo: “Nhân tự thu hồng lai hữu tín, sự như xuân mộng liễu vô ngân” (con người như chim hồng mùa thu bay đến mang theo tin tức, chuyện đời ngắn ngủi như giấc mộng mùa xuân trôi qua mất chẳng để lại dấu vết nào). Đó là cõi-đời-mộng trong tiếng thở dài minh triết của con người tài hoa khoáng đạt nhưng lại chìm nỗi khổ đau trong hoạn lộ.

Cuộc đời là cõi mộng, nhưng vì chúng ta cứ u mê chấp mộng làm thực nên sinh ra khổ não, vì cái thực đó cũng chỉ là mộng. Nước Đại Yên của dòng dõi Mộ Dung là mộng, nhưng cha con Mộ Dung Bác đều chấp là thực nên Mộ Dung Phục phải đi đến chỗ cuồng điên. Quốc sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí suốt một đời bôn tẩu giang hồ để mong đạt được bản lĩnh vô địch, rốt cuộc ngộ được đó là cõi mộng nên mới trở thành một cao tăng xứ Thổ Phồn. Hư Trúc sống trong cõi thực nhưng cho đó là cõi mộng, nên mộng lại biến hành thực!

Không có nhân vật nào của Kim Dung lại có thể gặp những điều may mắn như Hư Trúc. Chú vịt con xấu xí Hư Trúc, trong một phút giây bỗng biến thành con thiên nga lộng lẫy quá bất ngờ, bắt đầu từ chữ Mộng. Kim Dung đã kín đáo khi để cho công chúa Mộng Cô phải luôn che mặt khi xuất hiện, có phải đó là một lời nhắc nhở: trong cái vẹn toàn như ý vẫn có chút bất toàn, hay muốn độc giả hiểu rằng: dẫu cõi mộng đã biến thành cõi thực, nhưng một phần cõi thực đó vẫn còn là mộng đấy!
_________
(*) O Mahamati, by deeds of great love (mahakaruna), skillful means (upaya), and effortlessness (anabhogacarya), a Bodhisattva reviews all beings and knows that they are like maya, they ressemle shadows… As he gradually goes up the higher stages (bhumi), he will realise a state Samadhi where he comes to understand that the triple world is Mind (cittamatra). The Samadhi he attains is called Maya-like (mayopama) (D.T. Suzuki, Studies in the Lankavatara Sutra, Routledge & Kegan Paul Ltd., 1968, p.97)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TIỂU CHIÊU


Biển mênh mông muôn trùng. Biển dạt dào, bạc đầu ngọn sóng. Biển chứng kiến bao cuộc chia ly đau xót. Biển chất chứa bao mối hận của con người. Còn mối hận nào lớn hơn sự căm hờn chim Tinh Vệ ngậm đá lấp biển Đông? Còn cuộc chia ly nào nát lòng hơn nàng tiên cá rời xa hoàng tử trong truyện cổ tích Andersen sau đêm tân hôn của chàng cùng công chúa láng giềng, ngậm ngùi hơn Tiểu Chiêu tạ từ Trương Vô Kỵ trong “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”. Hai áng văn Đông Tây, nhưng nỗi lòng tuyệt vọng của Tiểu Chiêu khi đứng đầu mũi thuyền rời xa vĩnh viễn ý trung nhân và tâm trạng ê chề của nàng tiên cá khi gieo mình xuống biển khơi để tan thành trăm ngàn bọt nước phải chăng chỉ là một?

Ấn tượng sâu sắc nhất về nàng tiên cá chính là những điệu vũ thần tiên thanh tao, uyển chuyển dù bàn chân nàng đau như dao cắt và rỉ máu sau mỗi bước đi. Nhắc đến Tiểu Chiêu hẳn không ai quên được giọng hát trong trẻo, êm tai cất lên trong đường hầm Quang Minh đỉnh về nhân thế phù sinh, giọng ca đã xua đi mọi lo lắng trong lòng Trương Vô Kỵ, để chàng tạm quên đi nỗi lo cái chết cận kề.

Mẹ Tiểu Chiêu vì hai chữ tình duyên mà dang dở con đường lên ngôi Thánh nữ, mang vào mình mối hoạ sát thân. Từ trong mối tình đẹp đẽ mà ngang trái ấy, Tiểu Chiêu tựu thành. Từ bé chứng kiến mẫu thân sống trong nỗi lo bị phát hiện, nàng phải rời xa vòng tay mẹ yêu thương vì an toàn cho chính bản thân và lớn lên phải thay mẹ gánh vác trọng trách của người Thánh nữ. Tại Quang Minh đỉnh, giả thành người xấu xí, Tiểu Chiêu âm thầm điều tra bí mật tâm pháp Càn khôn đại na di. Ngần ấy trách nhiệm trên vai một thiếu nữ thật quá đỗi nặng nề!

Một lần gặp gỡ, vướng luỵ nghìn năm. Trong đêm mưa bão, cứu lấy hoàng tử, để rồi tiếc gì giọng hát quyến rũ của mỹ nhân ngư, tiếc gì cuộc sống ấm êm nơi đáy biển, nàng tiên cá chấp nhận đánh đổi cả sinh mệnh và linh hồn, nguyện làm người em gái câm lặng muôn đời bên hoàng tử. Ngay trong tử lộ, tương phùng chàng Trương, trong trái tim thiếu nữ chớm nở mối tình đầu. Lịch sử một lần nữa đã lặp lại, Tiểu Chiêu không thể ngoảnh mặt làm ngơ với tiếng gọi thổn thức của con tim. Từ đây, hãy tạm quên đi trách nhiệm nặng nề, tạm quên đi quê hương Ba Tư xa xôi, hân hoan làm một tì tử thân phận thấp hèn bên Trương Vô Kỵ. Cần chi địa vị cao sang, cần chi kẻ hầu người hạ, được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho ý trung nhân đã là hạnh phúc viên mãn đối với Tiểu Chiêu.

Tiếc rằng hoá công nhiều lúc vẫn quay lưng lại với những ước mơ dù nhỏ nhoi nhất, bình dị nhất của con người. Cảnh đuổi ngựa, chăn dê yên ả tiếng cười rộn rã giữa thảo nguyên bát ngát, mênh mông của Tiêu Phong và A Châu đã kết thúc tàn nhẫn với cái chết đau đớn của nàng kiều nữ cho trọn vẹn hai chữ Hiếu và Tình. Rũ bỏ thân phận tì nữ và cả tình yêu tha thiết, Tiểu Chiêu ngậm ngùi bước lên ngôi vị Thánh nữ cao sang mà ngàn người phủ phục. Nàng về xứ Ba Tư xa xôi nhưng trọn vẹn con tim để lại nơi Trung thổ. Lại thêm một cô gái vì chữ Hiếu mà đứt đoạn tình duyên !

Chỉ cần nàng tiên cá chịu hy sinh hoàng tử, máu của chàng sẽ đưa nàng trở lại với cuộc sống vô tư lự giữa ngàn con sóng xưa kia. Tiểu Chiêu thừa hiểu trở thành Thánh nữ là giết chết tuổi thanh xuân, là giữ thân trong sạch để ngọn lửa thiêng thanh khiết. Sao nàng không lựa chọn được chết cùng Trương Vô Kỵ giữa biển khơi, được cùng ý trung nhân chôn chung một mộ? Chỉ biết rằng khi yêu đến trọn con tim, người ta thường quên đi bản thân mình mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc của người yêu; Nàng tiên cá quăng con dao xuống biển khơi, Tiểu Chiêu gật đầu đồng ý với các sứ giả Ba Tư. Hai hành động đó đồng nghĩa với trái tim hai thiếu nữ cùng cáo chung, hai linh hồn từ nay chết lặng. Một người vĩnh viễn tan thành trăm ngàn bọt nước, một người vẫn tồn tại trên thế gian mà khác nào đã chết. Nhưng nỗi đau đó chỉ mình ta gánh chịu, còn người ta yêu sẽ được hạnh phúc, bình yên. Sự hy sinh đó chẳng phải ý nghĩa lắm sao?

Chàng hoàng tử mãi ấp ủ trong mộng người con gái đã cứu mạng mình sao chẳng nhận ra nữ ân nhân trước mặt. Cuối cùng, chua chát thay, chàng lại lầm tưởng là công chúa láng giềng. Trong đêm tân hôn của hoàng tử, nàng tiên cá say sưa trong điệu vũ, quay cuồng theo điệu nhạc, chưa bao giờ nàng múa đẹp đến thế. Chân nàng như đang lướt trên ngàn con dao nhọn nhưng đau đến nhường nào cũng không bằng con tim nàng đang tan nát. Mắt lệ đầm đìa, Tiểu Chiêu xin được thay áo cho Trương Vô Kỵ, xin một lần cuối được làm tì nữ cho chàng. Phải rồi, đây là lần cuối cùng được nhìn thấy gương mặt chàng, được cùng ý trung nhân thở chung bầu không khí. Hai cách tạ từ, chung một mối thê lương, một khối sầu vạn kiếp...

Giữa đại dương, Tiểu Chiêu rơi lệ. Chia ly từ đây là vĩnh viễn rời xa, là cách trở bởi muôn trùng đại dương, bởi địa vị cao quý của người Thánh nữ phải giữ thân trinh trắng, hay bởi trái tim chàng vốn dĩ không hướng về mình? Sóng biển trập trùng hoà giọt lệ nàng mặn đắng, gió biển thét gào át tiếng khóc của nàng...

Ân Tố Tố và Trương Thuý Sơn cùng nắm tay nhau xuống chốn tuyền đài, Kỷ Hiểu Phù mãn nguyện ra đi với trọn vẹn trái tim Dương Tiêu, và A Châu mãi mãi là bóng hình duy nhất trong trái tim Tiêu Phong. Còn Tiểu Chiêu thì sao? Hoàng tử quay lưng lại với nàng tiên cá mà vui vầy bên duyên mới, còn Trương Vô Kỵ đâu chỉ có một tri kỷ hồng nhan. Một Triệu Mẫn xinh đẹp, thông minh, sắc sảo, một Chu Chỉ Nhược tú lệ, bên trong thủ đoạn mà bề ngoài dịu dàng, một Ân Ly mà chàng trót mang nặng ân tình. Hoàng tử thương nàng tiên cá như một đứa em bé bỏng, mồ côi, còn tình cảm của Trương Vô Kỵ với Tiểu Chiêu âu cũng chỉ là lòng thương hại.

Nhiều lúc người ta quá đỗi vô tình, không cảm nhận được tình yêu cao cả của kẻ gần mình nhất. Hoàng tử sẽ chẳng biết rằng có một người con gái vì mình mà từ bỏ cả cội nguồn, sinh mệnh, chịu đựng sự câm lặng triền miên và đôi chân đau đớn để được ở bên chàng. Chàng sẽ chẳng biết rằng nàng mới chính là ân nhân cứu mạng trong cơn bão. Khi chàng đang hạnh phúc bên vị hôn thê, người đó đang chết lặng chờ bình minh, khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, thể xác và linh hồn nàng sẽ tan thành bọt nước. Đến phút cuối cùng, Vô Kỵ mới nhận ra mối tình sâu đậm mà Tiểu Chiêu dành cho mình. Nhưng trong trái tim chia năm xẻ bảy cho bao bóng hồng, liệu có phần nhỏ nhoi nào chàng dành để tưởng nhớ đến người không ngại hy sinh cho chàng?

Tương lai của Tiểu Chiêu sẽ ra sao? Sẽ là bao ngày thổn thức khôn nguôi ngóng trông về Trung thổ, sẽ là bao đêm ngậm ngùi thương nhớ chàng Trương? Cuộc đời còn lại của Tiểu Chiêu vĩnh viễn là một dấu hỏi xót xa trong lòng bao người đọc.

Tiếc rằng không phải cuộc tình nào cũng kết thúc vẹn toàn, bao giờ lại chẳng có kẻ thứ ba ngậm ngùi, đau xót. Nhưng đâu phai vì thế mà người ta thôi yêu, thôi khắc khoải nhớ mong, thôi trông chờ ở những điều tưởng chừng không thể? Nếu bạn vẫn chưa tìm được tình yêu đích thực, không có nghĩa rằng nó không tồn tại và không có những người yêu đến quên đi bản thân mình.

Hãy tin vào sức mạnh đích thực của tình yêu
Đừng bao giờ thôi yêu thương và hy vọng...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LỆNH HỒ XUNG
Chân dung gã tửu đồ lãng tử


Dường như có một qui luật trong sáng tạo của các thiên tài là: các tác phẩm thường đi từ bi đến lạc hoặc đi từ lạc đến bi. Nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare, sau các hài kịch Much ado about nothing, The merchant of Vernice... lại sáng tạo tiếp các bi kịch như King Lear, Othello, Macbeth...

Còn Kim Dung thì ngược lại, sau các tác phẩm làm tan nát lòng người như Thiên long bát bộ, thì Tiếu ngạo giang hồ là tác phẩm tương đối ít bi thương. Khung trời máu lửa của võ lâm dường như đã bắt đầu tươi sáng hơn khi mà các thành kiến chính tà và thị phi ân oán cũng như tham vọng thống nhất giang hồ đều tiêu dung, hoá giải trong khúc cầm tiêu hợp tấu Tiếu ngạo giang hồ của Nhậm Doanh Doanh và gã tửu đồ lã ng tử Lệnh Hồ Xung.

Trước khi Lệnh Hồ Xung xuất hiện trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung đã chuẩn bị một bối cảnh khá chu đáo, dù chỉ toàn bằng lời kể. Chính sự có mặt trong vắng mặt càng làm tăng thêm vẽ hấp dẫn cho nhân vật cực kì đáng yêu này.

Thoạt tiên ngưòi ta chỉ biết đến gã như tên “bợm nhậu” khi lừa một ông lão ăn mày để uống hết vò rượu ngon bằng nội công thâm hậu của mình. Kế đó, gã lại hiện ra như là kẻ mất nết ưa gây hấn khi giao du với tên dâm tặc Điền Bá Quang và giết đệ tử phái Thanh Thành. Bao nhiêu ác cảm, ngộ nhận đều trút lên đầu gã. Chỉ từ lúc cô tiểu ni xinh đẹp Nghi Lâm xuất hiện thì mọi chuyện mới thay đổi, và qua lời kể của cô, chân dung tên tửu đồ bẻm mép, giảo hoạt đó mới bắt đầu hiện rõ nét như là một người trượng nghĩa, thông minh và cực kì liều lĩnh.

Đến khi gương mặt nhợt nhạt của gã, với đôi môi mỏng dính và đôi mày hình lưỡi kiếm hiện trên giường của một kỉ viện thành Hành sơn thì độc giả đã hình thành thêm được tính cách của gã: ngang tàng, đởm lược, ứng biến cực kì mau lẹ. Có gì lí thú hơn khi chưởng môn phái Thanh Thành là Dư Thương Hải bị gã, dù toàn thân bất lực do bị trọng thương, dùng mẹo khiêu khích, lừa không cho mở tấm mền giấu Khúc Phi Yến và Nghi Lâm đang run sợ bên cạnh gã.

Một dạng biến tửớng thông minh của mưu kế kiểu “Không thành” mà Khổng Minh dùng lừa Tử Mã Ý, làm người đọc vô cùng khoan khoái!

Có lẽ tất cả các chi tiết trên chỉ là sự chuẩn bị của Kim Dung về tính cánh của Lệnh Hồ Xung để lí giải việc lí do vì sao gã có cơ duyên được Phong Thanh Dương truyền cho môn kiếm pháp vô địch thiên hạ: Độc Cô cưu kiếm, môn học không chỉ đòi hỏi trí thông minh mà còn cần phải có một tâm hồn khoáng đạt, không câu nệ, cố chấp, và ứng biến linh hoạt.

Người đọc làm sao quên được đoạn gã bị phạt trên đỉnh núi Hoa Sơn và buộc phải đấu kiếm nhiều phen với Điền Bá Quang để khỏi bị họ Điền “mời” xuống núi. Cùng uống với họ Điền hai vò rượu quí hiếm duy nhất thế gian là để tạ tình tri kỉ, dù họ Điền là tên dâm tặc, đó là cái tình. Uống xong, tuốt kiếm đánh nhau, không chấp nhận xuống núi vì tuân theo sư mệnh, đó là cái lí.

Khi gã dùng một mẹo vặt khá tồi bại, không xứng đáng với đệ tử danh môn chính phái, để gạt được Điền Bá Quang nhằm tranh thủ thêm thời gian học môn Độc Cô cửu kiếm, gã biện bạch với Phong Thanh Dương là: đối với bọn đê hèn vô liêm sỉ thì phải dùng thủ đoạn đê hèn vô liêm sỉ, người đọc hồi hộp biết ngần nào khi nghe vị tôn sư võ học kia nghiêm nghị hỏi lại:“Thế đối phó với bậc chính nhân quân tử thì sao ?”.

Câu hỏi như một loại công án thách thức sự ứng biến chân thành. Gã đã thành thực lẫn bạo gan trả lời đúng với tính cách của mình, không một lớp sơn phù phiếm hoa hoè giả tạo của môn qui: “Cho dù bọn họ có là bậc chính nhân quân tử đi nữa, mà nếu như họ muốn giết đệ tử, thì đệ tử quyết không cam tâm để bị giết, cùng lắm đến lúc chẳng đặng đừng đó, thì thủ đoạn hèn hạ vô liêm sỉ cũng phải dùng tạm chớ biết làm sao!” (Tựu toán tha chân thị chính nhân quân tử, thảng nhược tưởng yếu sát ngã, ngã dã bất năng cam tâm tựu lục, đáo liễu bất đắc dĩ đích thời hậu, ti bỉ vô sỉ đích thủ đoạn, dã chỉ hảo dụng thượng giá ma nhất điểm bán điểm liễu).

Người đọc lo ngại thay cho gã, sợ câu nói liều lĩnh làm phật ý vị Thái sư thúc tổ của môn phái. Ngờ đâu ta còn khoan khoái hơn khi nghe Phong Thanh Dương tươi cười rạng rỡ, nói: “Hay lắm, hay lắm! Câu nói của nhà ngươi đúng là khác với bọn nguỵ quân tử giả mạo bịp đời. Bậc đại trượng phu hành sự thích việc gì ra việc nấy, linh hoạt như nước chảy mây bay, tuỳ ý thích mà làm. còn tất cả những thứ qui củ võ lâm, giáo điều môn phái gì gì đó đều chỉ là cái rắm chó thúi đáng vất đi mà thôi!“ (Hảo, hảo! Nễ thuyết giá thoại, tiện bất thị giả mạo vi thiện đích nguỵ quân tử. Đại trượng phu hành sự, ái chẩm dạng tiện chẩm dạng, hành vân lưu thuỷ, nhậm ý sở chí, thậm chẩm võ lâm qui củ, môn phái giáo điêu, toàn đô thị phóng tha ma đích cẩu xú tí!).

Trong toàn bộ tác phẩm Kim Dung, cho rằng không có đoạn nào làm người đọc cảm thấy thống khoái hơn đoạn đối thoại trên đây, khi nghe câu nói vô cùng khoái ý chân tình của một bậc cao nhân tiền bối của võ lâm, một vị đại tôn sư võ học, mà lại là của phe được xem là chính giáo! Ấy vậy mà người đọc vẫn kính mộ PhongThanh Dương như một con thần long phiêu hốt, ngẫu nhiên ghé về trần gian trao một tặng vật cho người hữu duyên rồi biến mất. Để rồi về sau, hình ảnh ông chỉ xuất hiện như một huyền thoại, qua hồi tưởng của hai vị đại tôn sư võ học khác là giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo[1] Nhậm Ngã Hành và phương trượng chùa Thiêú lâm Phương Chứng đại sư.


Kim Thánh Thán khi phê bình Tây sương kí của Vương Thực Phủ, nhân đọc đoạn biện bạch của nhân vật nữ tì tên Hồng, ông quá thích thú bèn liên tửởng đến ba mươi ba điều thống khoái trên đời [2]; Cho rằng đoạn đối thoại lí thú này, giữa Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung, đáng được đưa thêm vào thành điều thống khoái thứ ba mươi bốn của họ Kim!
Đoạn đối thoại rất trung thực, phản ánh được những đặc điểm rất con người, không hoa hoè, cường điệu.

Điểm quyến rũ của tác phẩm Kim Dung vẫn thường nằm ở các chi tiết rất nhỏ đó. Sẽ chán biết ngần nào khi mà các nhân vật ai ai cũng sống, cũng ăn nói, cũng hành động theo một khuôn khổ ước lệ như nhau, nhất là lúc “lỡ “ được tiếng là thuộc danh môn chính phái!

Luôn phải cố tạo một cái gì đó khác người thường, khác với đám phàm phu tục tử, phải sống theo cái khuôn vàng thước ngọc của ngàn xưa, mà không bao giờ dám sống thực là mình !. Đó là điểm mà Trang tử chế nhạo là “Chỉ thích cái thích của ngưòi mà không tự thích cái thích của mình“[3]. Cái thực tại người vẫn luôn luôn tồn tại trong những điều bình dị và hết sức đời thường. Ta cũng hiểu lí do vì sao trong truyện Kiều, nhân vật đáng cảm thông nhất và gần gũi với con người nhất vẫn là Thúc Sinh. Không như Kim Trọng và Từ Hải, chỉ là những nhân vật mang tính ước lệ, quá lí tưởng đến mức hầu như không thực.

Nhân vật Lệnh Hồ Xung hấp dẫn người đọc trước hết ở chổ sống rất thực và rất con người.
Suốt cuộc đời hành sự của Lệnh Hồ Xung, từ lúc lừa Điền Bá Quang để cứu Nghi Lâm, bị hàm oan là giết sư đệ, lấy cắp kiếm phổ, tình cờ gặp Doanh Doanh, qua hình ảnh Bà Bà, ngoài ngõ trúc thành Lạc dương, được quần hào hắc đạo nghinh đón trên sông, bỡn cợt với giáo chủ Ngũ độc giáo Lam Phụng Hoàng, uống rượu tại Ngũ bá cương, cho đến khi sống chung với Doanh Doanh bên suối vắng, rồi rời chùa Thiếu lâm, giúp Hướng Vấn Thiên đánh quần hùng hai phe hắc bạch, vô tình cứu Nhậm Ngã Hành, học Hấp tinh đại pháp, ám trợ phái Hằng Sơn lột mặt nạ bọn Tung Sơn, kéo quần hùng đại náo Thiếu lâm tự, từ chối gia nhập Nhật nguyệt thần giáo...

Những việc làm của gã dù đúng hay sai đi nữa thì Lệnh Hồ Xung vẫn hiện chân dung là gã lãng tử đa tình sống bạt mạng, sống say mê, sống rất chân thành và chân tình với cái Tâm hoàn toàn trong sáng. Các bậc chân nhân xưa nay đều quí trọng chữ thành [4]! Chính vì lẽ đó mà sau này, dù mang tiếng bao tai tiếng hư đốn, bị trục xuất khỏi phái Hoa sơn thì Lệnh Hồ Xung vẫn lọt vào mắt xanh của hai bậc Thái sơn Bắc đẩu trong võ lâm là Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng.

Và càng oái ăm hơn khi Định Nhàn sư thái trước lúc lâm chung lại chọn mặt gởi vàng, uỷ thác cho gã làm chưởng môn phái Hằng sơn toàn là các ni cô!.

Chính nhờ bản tính hồn nhiên khoáng đạt, giỏi ứng biến mà môn Độc cô cửu kiếm trong tay Lệnh Hồ Xung còn đạt đến những thành tựu cao hơn cả vị Thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương. Ngay cả Nhậm Ngã Hành khi ngồi trong đại lao dưới đáy Tây hồ, cũng không tin nỗi điều đó khi nghe thuật lại việc một đại cao thủ là Nhị trang chúa Hắc Bạch tử bị gã đánh cho liểng xiểng, đến chiêu thứ bốn mươi cũng không phản kích nổi!.

Cái bản tính hồn nhiên khoáng đạt đó, một biểu hiện khác của trạng thái vô tâm, là yếu quyết để lĩnh hội kiếm ý trong Độc cô cửu kiếm, có thể có được không nếu gã không phải là một tửu đồ, đệ tử của Lưu Linh? Vị sư mẫu gã cũng nhận định về gã: bừa bãi thành tánh, hời hợt rượu chè (hồ náo nhậm tánh, khinh phù háo tửu).

Nhưng cũng chính vị sư mẫu đó lại cực kì thương yêu gã như con ruột vì bà hiểu tấm lòng của gã rất chân thành, cái tâm của gã rất trong sáng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung để cho nhân vật Nhạc Bất Quần - với ngoại hiệu Quân tử kiếm - làm sư phụ Lệnh Hồ Xung.

Kim Dung cố tình muốn làm nổi bật nét tương phản của chữ nguỵ và chữ thành giữa hai thầy trò. Một bên che đậy tà tâm thâm độc dưới lớp vỏ cực kì khuôn thước qui củ, một bên cứ hồn nhiên theo ý thích mà hành sự, xét thấy không thẹn với lòng là được.

Cuối cùng, khi cái mặt nạ giả dối của vị sư phụ mà gã hằng tôn kính đã rơi xuống để hiện nguyên hình là tên nguỵ quân tử vô cùng gian xảo, thì hai thầy trò bị đẩy vào thế phải giao đấu với nhau bằng hai môn kiếm pháp tối cao. Rốt cuộc Độc cô cửu kiếm vẫn chiến thắng Tịch tà kiếm pháp, cũng như chữ Nguỵ vẫn luôn luôn phải bị đánh bại bởi chữ Thành!.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, nói đến Lệnh Hồ Xung mà không nói đến nhóm Đào cốc lục tiên sẽ là điều thiếu sót lớn. Nhưng đó sẽ là nội dung của một bài viết khác. Đặt sáu nhân vật hồn nhiên ngây ngô bên cạnh Lệnh Hồ Xung, Kim Dung càng làm tăng thêm vẻ khoái hoạt, bỡn đời của gã.

Một tay tửu đồ thuộc nòi lãng tử đa tình như Lệnh Hồ Xung thì có thiết tha gì với cái chức Giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo hay cái tham vọng thống trị giang hồ? Có lẽ các thứ đó đối với gã cũng không lí thú bằng uống một vò rượu ngon, rồi cùng người yêu rong chơi bốn biển và thả hồn theo khúc Tiếu ngạo giang hồ trong tiếng hợp tấu của cầm tiêu!

HUỲNH NGỌC CHIẾN
__________

[1] Theo nguyên bản Tiếu ngạo giang hồ mà tôi được đọc qua (gồm 4 tập 28-31 trong bộ Kim Dung toàn tập) thì Ma giáo còn gọi là Nhật Nguyệt thần giáo, không hiểu sao ông Hàn Giang Nhạn, một dịch giả Kim Dung cực kì tài hoa, lại dịch là Triêu Dương thần giáo
[2] Tây Sương Kí, bản dich Nhựơng Tống, chương Khảo hoa, nxb Tân việt, tr. 312-318
[3] Nam hoa kinh, Ngoại thiên. chương Biền mẫu
[4] Thành giả, vật chi chung thuỷ, bất thành vô vật (Thành thực là gốc ngọn của mọi sự. Không chân thành thì không thể có gì thành tựu được cả (Trung dung, chương XXV).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIANG NAM TỨ HỮU
Thảm kịch của tài hoa


Người xưa bảo “danh cương lợi toả”, danh như dây thừng, lợi như xiềng xích luôn trói buộc con người, khó ai thoát ra ngoài vòng thao túng của nó. Nhất là chữ Lợi, luôn biến cuộc đời thành một bãi chiến trường cạnh tranh khốc liệt. Nhiều kẻ trí thức thuở hàn vi luôn sống một cách rất cao nhã, vậy mà khi rơi vào thế giới của đồng tiền vẫn dễ dàng biến thành một con buôn thượng đẳng.

Nhưng kẻ nào có bản lĩnh để không luỵ vì lợi thì lại luỵ vì danh. Dù con người cho rằng danh cao hơn lợi, Trang Tử vẫn mỉa mai:”Bá Di chết vì danh dưới núi Thú Dương, Ðạo Chích chết vì lợi trên gò Ðông Lăng. Hai người ấy cách chết chẳng giống, nhưng chỗ tàn sinh hại tính thì như nhau cả (Bá Di tử danh ư Thú Duơng chi hạ. Ðạo Chích tử lợi ư Ðông Lăng chi thượng. Nhị nhân giả sở tử bất đồng, kỳ ư tàn sinh thương tính quân dã” (Nam Hoa Kinh, Biền Mẫu).

Như vậy thì Lợi và Danh đều là hai cái làm luỵ người nên tránh.

Những kẻ tài hoa chân chính có chân tài thực học, không luỵ vì lợi vì danh thì vẫn phải vướng vào một hệ luỵ khác: Ðó là luỵ vì cái Ðẹp. Ðem thân chết theo lợi thì bị xem là tiểu nhân, đem thân chết theo danh thì được gọi là quân tử, vậy đem thân để chết vì cái Ðẹp, như Lý Bạch ôm trăng, thì gọi là gì? Là tài tử chăng? Trương Trào bảo: “Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn”. Không có tình thì làm thế giới đổ vỡ, không có tài thì khiến càn khôn tẻ nhạt.

Sinh ra đời, ai cũng mong muốn có tài, tài năng hoặc tài hoa. Có tài năng mà không tài hoa thì thô lỗ, có tài hoa mà không có tài năng thì khó thành công, chỉ có thể đem cái tài hoa tô điểm cho đời, cho trọn cuộc chơi trong cõi bình sinh.

Nhà thơ Tô Ðông Pha từng nói: “Nhân giai dưỡng tử cầu thông minh, ngã vị thông minh ngộ nhất sinh” (người ta sinh con, ai cũng mong muốn con mình thông minh, còn ta vì thông minh mà lầm lỡ cả một đời người).

Trong lịch sử văn học Trung Quốc, nhà thơ thông minh và tài hoa nhất là Tô Ðông Pha cũng chính là nhà thơ chịu nhiều khổ luỵ nhất. Nguyễn Du bảo “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Phải chăng vì kẻ được phú bẩm tài hoa thường hay trào lộng vạn tượng, và đó là điều làm phật lòng Tạo hoá? Như vậy thông minh và tài hoa cũng là thứ làm luỵ người, cần phải tránh. Nhưng có thể tránh được không, khi Trời đã vận tài hoa vào người như một nghiệp chướng?

Quy luật bù trừ trong Thiên nhiên rất công bình. Ðạo vận động như nước, lấy chỗ dư bù vào chỗ thiếu. Cho nên, được Trời phú bẩm cho chút tài hoa, ta cũng chớ vội mừng, vì lắm khi đó chính là hiểm hoạ. Khi cho ta cái gì thì Thiên nhiên sẽ lấy lại của ta một phần tương ứng, lắm lúc phần bị mất đi nhiều hơn cả phần được ban cho.

Trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, thảm kịch của bốn nhân vật tại Cô sơn mai trang có lẽ là thảm kịch não nùng nhất về hệ luỵ của hai chữ tài hoa. Ngày Hướng Vấn Thiên và Lệnh Hồ Xung đến tìm Giang Nam tứ hữu ở Cô sơn mai trang cũng đúng là lúc Ðịnh Mệnh gõ cửa đời họ. Bốn vị chủ nhân của Mai trang được Trời phú bẩm cho tài hoa, không ham thi thố, chỉ quy ẩn lánh đời để canh giữ một tội đồ nguy hiểm, thế mà Ðịnh Mệnh cũng không chịu buông tha. Âu đó cũng là hệ luỵ của bọn tài tử suốt vòm trời kim cổ.

Nếu tiếng tiêu của Khúc Dương trưởng lão và tiếng đàn của Lưu Chính Phong hoà quyện trong khúc Tiếu ngạo giang hồ trước lúc lâm chung chỉ là đoạn mở đầu cho bản Giao hưởng Ðịnh Mệnh cực kỳ bi tráng, thì đoạn kết thúc của bản giao hưởng đó đã diễn ra tại cổng Cô sơn mai trang bằng cảnh thân bại danh liệt của bốn nhân vật tài hoa của Cầm-Kỳ-Thư-Hoạ.

Tiếng đàn của Hoàng Chung Công, nước cờ của Hắc Bạch Tử, ngọn bút của Ngốc Bút Ông, chén rượu của Ðan Thanh, bốn món chơi tao nhã của khách phong lưu, đã khiến cho bốn vị chủ của nó phải thân bại danh liệt, cũng chỉ vì mãi mê đi tìm cái Ðẹp giữa đời. Nếu Dostoievski cho rằng cái thế giới đảo điên này sẽ được cứu rỗi bởi cái Ðẹp, thì cái Ðẹp cũng chính là mầm mống của tai ương! Vẻ đẹp tuyệt vời của Helène, một vẻ đẹp có thể cứu chuộc được cả ba ngàn thế giới, đã là nguyên nhân cho cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài mười năm dưới chân thành Troie, và đã là nguồn cảm hứng cho nhà thơ thiên tài của Hy Lạp là Homère viết nên trường ca Iliade bất hủ.


Nhan sắc Dương Quý Phi làm điên đảo cả triều đình Ðường Minh Hoàng để rồi kết thúc một cách bi thương bằng dải lụa tại Mã Ngôi, để Bạch Cư Dị viết nên Trường Hận Ca, để Lý Thương Ẩn viết nên bài thơ Mã Ngôi được ca tụng đến ngàn thu.

Kẻ đi tìm cái Ðẹp giữa đời, dẫu đó là kẻ đem tài hoa vào đời để biến trần gian thành một cuộc chơi, thì đó vẫn là kẻ đang tự đóng đinh mình lên cây thập gía đời. Chữ tài hoa sẽ vận vào người tài tử nhiều hệ luỵ lạ lùng, đúng như Nguyễn Du đã từng đau đớn thốt lên “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Những mối oan khiên kỳ lạ do nết phong nhã gây ra, ta tự mang cả vào mình - Độc Tiểu thanh ký).

Tiếng đàn Hoàng Chung Công mênh mông thâm diệu, nhưng chưa kịp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ thì tai hoạ đã ập tới cổng Mai trang. Chén rượu Thổ phồn của nhân vật hào sảng Ðan Thanh vừa mới kịp làm say lòng tri kỷ thì đã chìm mất giữa men đời cay đắng gấp vạn lần. Ngọn bút của Ngốc Bút Ông nằm lăn lóc trước cổng Mai trang như lời cảnh báo cho những ai học đòi thư pháp. Và nước cờ xứng danh quốc thủ của Hắc Bạch Tử vẫn còn đi sau rất xa với nước cờ đời.

“Đàn năm cung réo rắt tính tình đây; cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó, thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà”(Nguyễn Công Trứ). Thú chơi tao nhã của khách phong lưu đẹp biết bao. Đem gieo rắc tài hoa để tô điểm cõi càn khôn bằng tiếng đàn nét bút, mãi mê giữa đời để đi tìm cái Đẹp, mà đâu ngờ lòng si mê cái Đẹp lại đem thảm hoạ đến kề bên.

Trong bốn nhân vật ở Mai trang, Kim Dung đã tỏ ra rất sâu sắc khi để cho cọn người phản bội lại cả nhóm để cầu xin Nhậm Ngã Hành truyền thụ Hấp Tinh đại pháp lại là một nhân vật chơi cờ: nhị trang chúa Hắc Bạch Tử. Trong các môn cầm kỳ thi tửu, thì kẻ chơi cờ luôn là kẻ phải đấu trí, nên có tâm cơ ứng biến và nhiều mưu mẹo hơn cả, khác với cái tâm hồn nhiên của những nhân vật đắm chìm trong đàn, trong sách vở và trong rượu.

Kẻ tham lợi thì cuồng điên vì lợi lộc, kẻ hám danh thì chìm đắm bởi chức danh, bọn tài tử chân thực trong cõi giang hồ khinh thường cả danh lẫn lợi thì lại si mê quên đời vì chính cái Ðẹp của Nghệ Thuật. Gặp kiếm sĩ thì tặng gươm, gặp tửu đồ thì mời rượu, đó là lẽ đương nhiên. Cho nên bức tranh Khê trung hành lữ đồ của Phạm Khoan phải dành cho Tứ trang chủ Ðan Thanh, chân tích Suất ý thiếp của Trương Húc phải dành cho Tam trang chủ Ngốc Bút Ông, ván cờ Ẩu huyết phổ phải dành cho Nhị trang chủ Hắc Bạch Tử, khúc nhạc Quảng Lăng tán của Kê Khang phải dành cho Ðại trang chủ Hoàng Chung Công.

Hướng Vấn Thiên quả là người tâm cơ siêu tuyệt khi đem bốn báu vật đó ra để bài trí cuộc vượt ngục đầy ngoạn mục của Nhậm Ngã Hành. Tiếng thở dài nhận tội của Hoàng Chung Công trước bốn vị truởng lão Ma giáo nghe thật xót xa: “Hỡi ơi, mê say vật đẹp đến nỗi đánh mất cả tâm chí, đều do lỗi của bọn thuộc hạ đắm chìm nơi Cầm Kỳ Thư Hoạ, để cho người ta nhìn vào điểm yếu” (Ai, ngoạn vật táng chí, đô nhân thuộc hạ nịch vu cầm kỳ thư hoạ, cấp nhân khuy đáo liễu giá lão đại nhược điểm).

Bốn báu vật Cầm Kỳ Thư Hoạ đó, đã khiến cho bọn tài tử bao thế hệ phải ngày đêm mơ ước, lại chính là mầm hoạ sát thân.

Với khách tài hoa thì cõi đời là một trò chơi lớn, một Grand Jeu theo Héraclite, nhưng đâu phải ai cũng có đủ công lực để đi trọn cuộc chơi. Thích Ca hoàn tất “cuộc chơi” trong cõi Niết Bàn, Lý Bạch tiếp tục “cuộc chơi” bằng cách cuỡi cá kình lên trời Hãn mạn, Khổng Minh bỏ dỡ “cuộc chơi” trên Ngũ trượng nguyên, Nietzsche chấm dứt “cuộc chơi” trong nhà thương điên, Bùi Giáng xoá nhoà mọi “cuộc chơi” trong cảnh giới ngao du thù thắng.

Khúc Dương và Lưu Chính Phong gởi gắm “cuộc chơi” trong khúc Tiếu ngạo giang hồ. Giang Nam Tứ hữu trả giá “cuộc chơi” bằng cảnh thân bại danh liệt và cái chết oan uổng của Hoàng Chung Công.

Ðức Jésus Christ cảnh báo “Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”, Simome Weil nói tiếp một câu chua chát “Quiconque prend l’épée périra par l’épée. Et quiconque ne prend l’épée pas ou la lâche périra sur le croix” (Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm, và kẻ nào không dùng gươm hoặc buông gươm sẽ chết trên trên cây thập giá) (La Pensateur et La Grâce (Union Générale D’Éditions, Paris, 1948, p.92)!

Kẻ không tài hoa sẽ chết một đời tầm thường đơn điệu, nhưng kẻ tài hoa sẽ chết một cách đau thương, nghĩa đen hoặc nghĩa bóng, có phải thế chăng?

HUỲNH NGỌC CHIẾN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

A CHÂU
Nước mắt oan cừu


Ồ ly biệt tơi bời bờ lảo đảo.
Em ra đi đời ôm mặt khóc oà.

Một người bảo tôi: nói về Tiêu Phong mà chỉ nói dăm ba trang thì chẳng nói được gì. Vấn đề thân phận con người, vấn đề thị phi thiện ác, vấn đề nghiệt oan của định mệnh, vấn đề quốc gia… chung quanh nhân vật kiêu dũng đó, dẫu có viết đến vài trăm trang cũng chưa đủ. Tôi bảo “Phải”.

Nhưng có những điều, lắm khi viết một ngàn trang vẫn thiếu, mà một chữ lại thừa! Muốn tả trăng thì phải tả mây. Đó là cách mượn mây để mà nẩy trăng của Kim Thánh Thán. Nên muốn nói đến Tiêu Phong thì phải gợi lại hình ảnh A Châu.

Những nhân vật nữ là người yêu của các nhân vật chính trong tác phẩm Kim Dung, dẫu chính hay tà, luôn có thân phận cao sang. Đó là Nhậm Doanh Doanh – Thánh cô của ma giáo, là Triệu Mẫn - quận chúa Mông Cổ, là Hoàng Dung – con gái của Đào Hoa đảo chủ, là Nhạc Linh San - ái nữ của chưởng môn Hoa Sơn, là Mộng Cô – công chúa Tây Hạ, là Vương Ngữ Yên - kiều nữ Mạn Đà sơn trang.

Chỉ riêng A Châu - người con gái dìu dắt sinh mệnh và cuộc đời của một nhân vật kiêu dũng và anh hùng là Tiêu Phong - lại là một tỳ nữ mang thân phận thấp hèn : là đứa con rơi của một hoàng thân Đại Lý, nên trở thành một cô gái mồ côi lênh đênh lưu lạc, cha mẹ phiêu tán, phải nương náu nơi nhà Mộ Dung với tư cách người hầu. Mà trong số các nhân vật chính của Kim Dung, Tiêu Phong lại trội vượt hơn hẳn về phong độ kiêu hùng, cho nên khi Kim Dung để A Châu dìu dắt sinh mệnh của Tiêu Phong, thì ta càng hiểu rằng cái phẩm chất ẩn tàng nơi A Châu là cực kỳ cao quý.

Khách anh hùng xông pha giữa điệp trùng gươm giáo, sẵn sàng coi cái chết như một cõi đi về, nhưng một khi đối diện với những “nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe” lại thường nhận chân ra nỗi hoang lương thê thiết, và cái vô nghĩa của cuộc đời. Và họ cần đến những nữ lang để tìm chút hơi ấm của đời thường, một khi phải đối diện với cõi trống rỗng hư vô.

Ngay cả với Tiêu Phong – là một nhân vật gần như sống trong tự do tuyệt đối (xin hiểu chữ tuyệt đối theo nghĩa tương đối của trần gian !). Rượu và võ công đã chắp cho ông đôi cánh chim bằng để bay bổng tuyệt vời trong khoảng trời bao la tự tại, lướt trên những lợi danh tủn mủn giữa võ lâm.

Thử hỏi chức vị Bang chủ Cái bang nào có nghĩa gì ? Nếu ông có quyến luyến đi nữa, thì cũng chỉ vì sự an nguy của đệ huynh trong bang hội mà thôi. Ta có cảm tưởng người anh hùng ấy thong dong đến giữa cõi đời, rồi sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng không vướng bận. Không như Lệnh Hồ Xung luôn khoái hoạt bỡn cợt, Tiêu Phong lại lẫm lẫm một khí độ kiêu hùng.

Con người ấy đến với đời như ngọn lửa bùng cháy, để rồi sẽ ra đi như một tia chớp, lưu lại giữa trần gian một hình bóng uy nghi. Nhưng rồi chính A Châu, hay đúng hơn, chính cái chết của A Châu là sợi dây nối Tiêu Phong vào cõi trần gian đầy hệ luỵ.

Cái giây phút cực cùng bi đát của Thiên Long Bát Bộ là lúc A Châu, như một con thiên nga trúng đạn, gục ngã dưới phát chưởng oan nghiệt của Tiêu Phong. Đường bay tới một khoảng trời xanh không còn tranh chấp hận thù, không còn ân oán thị phi, khoảng trời chỉ có đàn cừu chạy trên thảo nguyên trong tiếng sáo mục đồng dìu dặt, đường bay tưởng chừng như vô cùng bình dị đó đã vĩnh viễn khép lại với con chim thiên nga thông minh và hiền dịu A Châu. Nàng đã ngã xuống giữa những giọt nước mắt oan cừu, phủ thêm bi thương lên cõi thế.

Ồ ly biệt tơi bời bờ lảo đảo
Em ra đi đời ôm mặt khóc oà
(Chiêm bao – Bùi Giáng)

Em đã ra đi vĩnh viễn. A Châu của Kim Dung đã ra đi vĩnh viễn dưới bàn tay Tiêu Phong. Như Desdemona của Shakespeare đã ra đi vĩnh viễn dưới bàn tay Othello. Một kẻ vô tình, một người cố ý. Tất cả thảm hoạ đó đều phát sinh từ ngộ nhận. Othello ngộ nhận bởi gã Lago cực kỳ nham hiểm, Tiêu Phong ngộ nhận bởi người đàn bà ghen tuông Mã phu nhân.

Kiếp người đã quá đỗi nặng nề rồi, thế sao đời cứ đem bi kịch chất chồng lên thêm nữa? Phải chăng để nhắc nhở con người nhìn lại chân tướng của trần gian? Ta bước vào đời với trái tim nặng trĩu ước mơ, để rồi ra đi với một tâm hồn hoang phế. Tất cả đều bấp bênh phù động, cõi vô thường tìm đâu được chốn bình yên. Thoạt nhìn trần gian đầy những cảnh “Long lanh đáy nước in trời, Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”, để rồi ngày trùng phùng chỉ đối diện với “Bước vào chốn cũ lầu thơ, Tro than một đống nắng mưa bốn tường”.

Cả cõi đời đều ôm mặt khóc oà. Tiêu Phong đã khóc, chúng ta đã khóc. Và còn bao nhiêu người sẽ khóc nữa, trước những bi kịch trớ trêu của ngộ nhận giữa dâu bể cuộc đời ? Mộng hồn nàng có về vương vấn nơi Nhạn môn quan?

Còn không một bận quay về,
Nhạn môn quan khóc trăng thề vàng gieo?

Còn đâu nữa những đàn cừu tung tăng trên thảo nguyên mênh mông nơi quan ngoại? Còn đâu nữa lời hẹn thề quay lại Nhạn môn quan?

Ta muốn ngậm ngùi thốt lên những lời thiết tha cùng nhà thơ Bùi Giáng: “Và nước dưới cầu chảy mãi? Để huê trôi, rêu nhạt, đá mòn. Thế là người có thể gục đầu xuống khóc, và tự hỏi : ở phương trời nào xa vắng, có bến bờ nào vĩnh viễn hay không?”.

Đó là những lời Bùi Giáng viết về cõi đời dâu bể, mà sao nghe như những lời nức nở của A Châu. Trong cái đêm oan nghiệt đó, dưới lốt hoá trang Đoàn Chính Thuần, nàng đến gặp gỡ Tiêu Phong, có nghĩa là chịu im lặng để tìm cái chết. Vì chữ hiếu, nàng chấp nhận tìm cái chết dưới tay người yêu dấu, giữa lúc mộng đời đang xanh thắm, và cuộc tình đang chất ngất nồng say.

Tôi hình dung đêm hôm ấy, có lẽ nàng khóc nhiều ghê lắm. Vì hân hoan lẫn vì cay đắng. Nơi phương trời xa vắng, liệu có bến bờ nào vĩnh viễn hay không ? Ta không biết. Không thể nào biết được. Người bước vào đời hân hoan dệt mộng, muốn tìm cho mình một chút bình yên, còn cuộc đời luôn tìm cách phá tan những ước mơ nhỏ nhoi nhất của con người. Nên xin người cứ nhủ lòng rằng chữ tương phùng đành hẹn lại kiếp sau, và trong cõi chết xin được nối kết những mộng đầu dang dở. Điều đó tưởng chừng như hão huyền, không hiện thực, nhưng chỉ có thế con người mới tìm được chút an ủi cho hồn mình, giữa tan nát thương đau.

A Châu đã ngã xuống, nhưng ta tin rằng tâm hồn nàng hân hoan lắm. Ngộ nhận giữa Tiêu Phong và Đoàn Chính Thuần chỉ được cởi mở cùng cái xác lạnh giá của A Châu!

Linh hồn thục nữ bao dung
Nhạn môn quan hẹn mộng trùng lai xưa
Lệ thương biết mấy cho vừa

Lý Hạ khóc Tô Tiểu Tiểu, Tố Như cùng Chu Mạnh Trinh cùng khóc Thuý Kiều, Shakespeare khóc Desdemona, chúng ta cùng khóc A Châu. Thời đại khác nhau, nhưng giọt lệ đau thương dường như chỉ là một. Nước mắt bọn tài tử kim cổ đông tây có an ủi được chút nào không những nữ lang bạc mệnh?

Như chàng sinh viên Raskolnikov, trong kiệt tác “Tội ác và trừng phạt” của Dostoievski trân trọng quỳ trước Sonia - một cô gái giang hồ mang trái tim Bồ Tát, chúng ta cũng xin nghiêng mình trước họ, như nghiêng mình trước những khổ luỵ thiên thu, những lênh đênh vạn đại của con người. Bao oan nghiệt đoạn trường của nhân loại như chung đúc vào những nữ lang bạc mệnh, để ngàn năm đau mãi tiếng tân thanh.

A Châu đã chết, nhưng nàng còn sống mãi trong tâm hồn Tiêu Phong, trong những chén rượu nồng “Thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ” (Quang Dũng). Chính điều đó đã đẩy Tiêu Phong đối diện với nỗi cô liêu cùng cực, khiến người đọc thấy ngậm ngùi khôn xiết. Những lời trăn trối trong nước mắt của A Châu như sợi dây trói ông vào cõi thế, mà ông luôn muốn tìm cách cắt bỏ đi.

Nếu như 600 quyền kinh Đại Phẩm Bát Nhã chỉ là những lời chú giải cho một chữ KHÔNG trong tư tưởng Phật giáo đại thừa, thì mũi tên tự đâm vào ngực Tiêu Phong nơi quan ải cũng chỉ là một lời “chú giải” cho những giọt nước mắt của A Châu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

DU THẢN CHI
Thảm kịch khúc phượng cầu lạc điệu!


Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em
(Phụng hiến - Bùi Giáng)

Tôi muốn dùng hai câu thơ thiết tha cháy bỏng đó để làm “hành trang” cùng bạn đọc đi vào tâm hồn của một nhân vật của Kim Dung, nhân vật xứng đáng được gọi là kẻ tình nhân vĩ đại nhất trong mọi nền văn học cổ kim: Du Thản Chi trong Thiên Long Bát Bộ.

Hình tượng cực cùng bi thảm của Du Thản Chi đã gây cho người viết nỗi chấn động kinh hoàng từ thuở nhỏ. Cậu học sinh mới bước vào ngưỡng cấp 3 là tôi ngày ấy đã thẫn thờ khép tập sách cuối cùng của Thiên Long Bát Bộ lại với tất cả nỗi hoang mang thơ dại của tuổi học trò. Tiếng Du Thản Chi tuyệt vọng kêu gào tên A Tử giữa cảnh trời chiếu quan ải, với đôi mắt mù loà đẫm lệ, như đồng vọng mãi trong tâm khảm người đọc, và như muốn réo gọi những ẩn ngữ thương đau nào còn đang mơ hồ chìm khuất giữa nhân gian.

Một thanh niên khoẻ mạnh đang lứa tuổi rạo rực thanh xuân, vì muốn trả thù cha, đã tìm cách vượt qua biên giới Hán - Liêu. Hình ảnh người cha gục chết dưới chưởng lực của Tiêu Phong, trong trận huyết chiến kinh hoàng tại Tụ hiền trang, ắt hẳn đã nung nấu trong hồn y mối phụ thù “bất cộng Từ Vi Phạm thiên” cháy bỏng. Thuở lâm hành, ắt hẳn hồn y hăng hái lắm và tấc lòng hiếu thảo ấy đã sục sôi biết bao là nhiệt huyết, dù y biết rõ rằng mình tài sức thua kém hẵn Tiêu Phong. Và y đã trà trộn cùng đám người Hán để vượt qua Nhạn môn quan với tâm sự kẻ sang Tần.

Phong tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn.
(Gió hắt hiu hề sông Dịch lạnh tê,
Tráng sĩ một đi hề chẳng trở về) .

Ngọn gió biên thuỳ ngoài Nhạn môn quan dầu không hắt hiu như trên sông Dịch, nhưng lòng kẻ ra đi ắt hẳn vô cùng khẳng khái, vì y hiểu rõ rằng ra đi là “nhất khứ hề bất phục hoàn” khi đem tài lực mình đối chọi với Tiêu Phong. Y đã tìm cách tiếp cận Tiêu Phong và dùng rắn độc để trả thù.

Ngọn roi của Tiêu Phong quật chết con rắn đã dập tắt ngay ước vọng trả thù của người con hiếu hạnh ấy. Con linh cẩu đành nhìn con hùng sư bằng đôi mắt bất lực lẫn căm thù. Thất bại lần đầu, chưa nghĩ cho ra phương sách khác, thì y lại gặp phải A Tử và bị vướng ngay vào cái lưới tình vô cùng cay nghiệt. Ðể rồi từ đây mở đầu cho một trang bi kịch cực kỳ thảm khốc của tình yêu.

Em lơ đãng ném hoa vàng giăng lối
Tôi dại khờ khốn quẩn giữa trùng vây.

Cô bé tinh quái A Tử đã không ném lưới tình bằng những hoa vàng giăng lối, không giăng lưới tình bằng nụ cười hàm tiếu hay bằng khoé mắt thu ba, mà bằng những trò chơi vô cùng man rợ gần như mất cả tính người. Cô đã đem kẻ tình si kia làm vật giải trí trong những trò tiêu khiển, vì thói nhàn rỗi độc ác của một công nương. Nhưng, than ôi, tâm hồn của những kẻ si tình tự cổ chí kim - từ những người tài trí tuyệt luân cho đến kẻ khờ khạo ngu si - vẫn luôn luôn vô ngần hào hoa trong tinh thể:

Tôi chấp nhận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hoảng hốt những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em
(Phụng hiến - Bùi Giáng)

Vâng, tôi xin chấp nhận tất cả. Xác thân tôi đây, linh hồn tôi đây em hãy tha hồ mà đày đoạ dày vò, em hãy cứ cột dây vào cổ tôi rồi cho ngựa kéo đi để biến tôi thành con diều người, hãy cứ huỷ hoại xác thân tôi bằng những trò chơi oái ăm tàn nhẫn chưa từng có giữa nhân gian, nhưng em hãy để tôi yêu em, hãy để tôi vĩnh viễn đui mù si dại trong máu lệ của tình câm.

Có biết bao con đại bàng kiêu ngạo bay bổng tuyệt vời, ý chí muốn vượt cả mây xanh, không chịu khuất phục trước hàng hàng lớp lớp cung tên, nhưng lại dễ dàng xếp cánh khi vướng phải một sợi tóc cực kì mềm mại! Ðó là bi kịch hay là nét đẹp của cuộc đời?

Trong truyện ngắn Marka Tsuđra của Maxim Gorki, khi anh chàng Lôikô Zôbar kiêu ngạo, vì bị khuất phục bởi nàng Radda xinh đẹp mà đành phải giết cả nàng rồi tự vẫn, để bảo vệ lòng kiêu hãnh của mình, thì thử hỏi đó là sự kiêu ngạo ngu xuẩn hay nét đẹp tâm hồn của khách mày râu? Ðáp án cho câu hỏi này có lẽ vẫn mãi còn lơ lững đến ngàn thu.

Lúc A Tử cho người hầu dùng cái khuôn sắt nung cháy trùm lên đầu Du Thản Chi và huỷ hoại khuôn mặt của y, thì trong cơn đau quằn quại xé nát cả thịt da đó, tâm hồn y vẫn hân hoan hướng về cô gái tàn ác như kẻ hành hương hướng về một đấng Chí Tôn.

Trong tâm hồn cuồng điên si dại đó, máu và lệ của mối tình câm đã ngập tràn, như muốn nhận chìm cả mối hờn căm đã từng sôi sục thuở vượt qua Nhạn Môn Quan để trả mối phụ thù. Có mấy ai lại không động lòng trắc ẩn, thậm chí rùng mình, khi đọc đến đoạn Du Thản Chi, với xác thân tàn tạ, bò lết lại gần A Tử như một con chó trung thành, chỉ để được nhìn một gót chân hồng của cô với một tấm lòng hân hoan cảm tạ.


Cái dung nhan kiều lệ của A Tử trong trang phục uy nguy của một quận chúa Khất Ðan hiện ra trước mặt Du Thản Chi như một bậc thần tiên giáng thế. Chi tiết trên tưởng chừng như vô cùng tàn nhẫn, nhưng nếu chịu khó đọc kinh Hoa Nghiêm, thuật lại cuộc lịch hành chiêm bái của Thiện Tài đồng tử đi cầu Bồ Tát đạo, đến đoạn vị đồng tử kia đến chiêm bái Hưu Xả ưu bà di để vấn đạo, thì chúng ta mới cảm thấy được hết cái thâm hậu trong bút lực của Kim Dung:
“Lúc ấy Hưu Xả ưu- bà- di ngồi toà chơn kim, đội mão hải - tạng - chơn - châu - võng, đeo bửu xuyến chơn kim hơn cõi trời, rũ tóc xanh biếc, đại - ma - ni - bửu trang nghiêm trên đầu, sư -tử - khẩu - ma -ni -bửu làm bông tai, như - ý ma -ni -bửu làm chuỗi ngọc, bửu võng trùm trên thân. Trăm ngàn na- do- tha chúng sanh cúi mình cung kính …” .

Có ai thấy ưu - bà- di này thời tất cả các bệnh khổ đều trừ diệt, lìa phiền não, hết kiến chấp, xô núi chướng ngại, nhập cảnh giới vô ngại thanh tịnh nhã. Tâm họ rộng lớn đầy đủ thần thông, thân không chướng ngại đến khắp mọi xứ .

Dời qua một bình diện khác, hãy thử thay hình ảnh Hưu Xả ưu bà di bằng A Tử và để cho Du Thản Chi đứng vào vị trí của Thiện Tài đồng tử, thì chúng ta thấy được gì? Hình ảnh lộng lẫy của quận chúa A Tử trong đôi mắt của Du Thản Chi nào có khác gì hình ảnh tôn nghiêm của Hưu Xả ưu bà di, với pháp môn giải thoát “lưu ly an ổn tràng”, trước mắt Thiện Tài đồng tử? Quân hầu thị tỳ vây quanh cung phụng quận chúa có khác gì “Trăm ngàn na- do- tha chúng sanh cúi mình cung kính”?

A Tử ưu bà di đang thị hiện kim thân trước đồng tử Du Thản Chi trong cuộc lịch hành chiêm bái giữa Mê Cung huyền ảo của tình yêu. Cái mỵ lực kỳ dị của hồng nhan thừa sức xua tan đi bao não phiền đau khổ. Ðây gót sen hồng, đây bàn tay ngà ngọc với những với đường gân xanh nhỏ li ti, hỡi kẻ si tình hãy hôn đi, hãy chỉ một lần chạm nhẹ môi vào cũng đủ để cảm nhận được vạn đại thiên thu về dồn tụ trong khoảnh khắc.

Trong cái giây phút chiêm ngưỡng đắm say đó, ắt hẳn kẻ si tình kia hân hoan vô tả và cảm thấy được “tất cả các bệnh khổ đều trừ diệt, lìa phiền não, hết kiến chấp, xô núi chướng ngại, nhập cảnh giới vô ngại thanh tịnh”! Cái tâm si của con người khi yêu quả có đủ sức mạnh để kiến tạo nên một Thiên Ðường lộng lẫy từ cõi Ðịa Ngục u minh.

Còn gì chua xót hơn khi Du Thản Chi tình nguyện dâng cặp mắt - cái vốn liếng duy nhất còn lại trên đời để y có thể đối mặt được với A Tử - với tâm nguyện cứu A Tử thoát khỏi cảnh mù loà, dù biết rõ rằng điều đó sẽ khiến bi kịch tình yêu của mình thêm tan hoang đổ vỡ. Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt, tôi đui mù cho thoả dạ yêu em. Cái đui mù nghĩa bóng trong thơ đã được Du Thản Chi thực hiện theo nghĩa đen bằng tất cả khối si tâm. Lưỡi dao trên cung Linh Thứu khi đặt vào đôi mắt Du Thản Chi đã mở ra chân trời huyền mật trong tâm thức luyến ái của nhân gian!

Hình ảnh A Tử móc mắt ném trả Du Thản Chi, rồi ôm xác Tiêu Phong rơi vào vực thẳm mà đã được Bùi Giáng gọi là : “triệt để mù loà chạy vào sa mạc của tình yêu”, thế thì còn ngôn từ nào thiết tha hơn nữa sẽ dành cho hình ảnh Du Thản Chi mù loà và cô đơn, kêu gào tuyệt vọng tên người yêu giữa cảnh trời chiều quan ải?

Ngày vượt Nhạn Môn Quan với hiếu tâm bồng bột, để cuối cùng một mình đứng chết lặng giữa gió chiều với một khối si tâm. Cuồng điên máu lệ tình câm. Bước chân A Tử xa xăm muôn trùng. Bóng chiều qua ải mông lung. Y không biết rằng bóng chiều đang phủ xuống, vì trong hai hốc mắt kia bóng tối đã vĩnh viễn ngập tràn. Y cũng không biết rằng A Tử đã chết. Ðiều đó có nghĩa là y phải tiếp tục sống đoạ đày trong nỗi đợi chờ khắc khoải.

Hãy tưởng tượng một kẻ mù loà si dại thất thểu giữa giang hồ để đi tìm một người yêu đã chết, bằng một trái tim say đắm thiết tha! Kim Dung đã xây dựng một hình tượng làm tan nát cả lòng người. Ông không để Du Thản Chi chết ngoài quan ải, ông không muốn vùi chôn Du Thản Chi nơi đồng quạnh chốn biên cương, mà muốn mai táng y trong muôn triệu tâm hồn của những tình nhân suốt vòm trời kim cổ. Ðẩy khối tình si đến chỗ tận tuyệt của thảm khốc đoạn trường có lẽ khó có ai qua nỗi Kim Dung với hình tượng Du Thản Chi.

Con người sinh ra chỉ để đi tìm lại “một nửa của mình”, hay đi gieo một khúc phượng cầu như Tư Mã Tương Như thuở trước. Phượng hề! Phượng hề! Qui cố hương. Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng. Con chim phượng rong chơi bốn bể để ngày qui hồi cố quận tìm lại được chim hoàng. Lời ca đó trong cung đàn của con chim phượng Tư Mã đã nhận được hồi ứng từ con chim hoàng Trác Văn Quân.

Chúng ta cũng đã bao lần gieo khúc phượng cầu Nếu được ứng hoạ thì phượng và hoàng sẽ sánh đôi để cùng nhau nhả nhạc cho đời, còn nếu không được ứng hoạ hay lạc sai cung điệu thì, đối với chúng ta, trong đau thương vẫn có chút ngọt ngào, trong đắng cay vẫn còn niềm thơ mộng. Còn Du Thản Chi?

Nói bất cứ điều gì về Du Thản Chi chúng ta ắt hẳn đều cảm thấy có chút gì tàn nhẫn, vì nỗi khổ đau của y quá lớn, cảnh đoạn trường mà y trải qua quá độ thẳm sâu. Một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết mà sao vẫn có thể làm cho chúng ta quay quắt thương đau đến thế, phải chăng vì hình tượng đó phản ánh được tiếng nói thực của con người trong tình mộng cuồng điên?

HUỲNH NGỌC CHIẾN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [50] [51] [52] [53] [54] [55] [56] ... ›Trang sau »Trang cuối