Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [49] [50] [51] [52] [53] [54] [55] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

12.
HOÀNG DƯỢC SƯ
Một cõi trời riêng


Chính tà nguồn cội là đâu?
Độc tôn duy ngã chốn Đào Hoa chơi
Mênh mông tiếng sáo trùng khơi.
Cây dừa và cây thông là hai loại cây mà ai cũng biết. Cây dừa bình dị và dân dả quá, còn cây thông thì tự ngàn xưa đã được đưa vào văn học như là biểu tượng của người quân tử. Nhiều khi ngắm chúng, lại liên tưởng đến hai hình ảnh trái ngược nhau trong cuộc đời.
Cây dừa ở dưới gốc trơ trụi, nhưng khi đã lên cao thì rất nhiều cành lá và trái xúm xít bám vào, trong khi suốt từ gốc đến hết phần thân không hề có một lá nào.
Nó giống như hình ảnh của lợi danh và quyền lực. Con người thuở hàn vi chẳng ai ngó ngàng đến, nhưng hễ đã nắm được quyền lực hay tiền bạc thì lập tức có hàng trăm ngàn người vây quanh. Càng lên cao càng nhiều người xu phụ. Lắm kẻ lưu manh giảo hoạt như chiếc lá dừa vươn ra rất rộng, thường làm ra vẻ sẵn sàng liều mình che chở cho thân cây. Để rồi khi cái ngọn dừa cao ngất kia bị ngã xuống thì cành lá tua tủa đang xúm xít vây quanh lập tức tan tác hết, chỉ còn trơ lại cái gốc xù xì.
Con cóc sẽ phải trở về với chân tướng con cóc, dù có thể cuộc đời đã có lúc dùng tiền bạc và quyền lực để biến nó thành con thiên nga trong hoang tưởng.
Hình ảnh đó có lẽ không được nên thơ lắm, nhưng lại thấy nó phản ánh rất đúng một khía cảnh của cuộc sống. Đó có thể là trường hợp của Tinh túc lão quái Đinh Xuân Thu. Khi chiến thắng thì được đệ tử tung hô như thần linh, nào là “thần thông quảng đại, sánh ngang nhật nguyệt, uy vũ trùm đời”…, nhưng khi thất bại thì đệ tử trở mặt ngay để mạt sát như loài chó lợn!
Trái lại, cây thông thì phía dưới um tùm xanh tươi nhưng càng lên cao thì cành lá càng thóp lại dần. Cái xúm xít ở dưới thưa dần đi. Khi đến đỉnh chỉ còn trơ ngọn lá cô đơn, một mình đâm vút lên cao. Và nó vẫn kiêu ngạo đứng trơ vơ để chống chọi với cái giá buốt của mùa đông. Mặc cho gió thổi và tuyết phủ, cây thông vẫn sừng sửng để đắm chìm trong nỗi cô liêu trầm mặc. Đó là hình ảnh của nghệ thuật và phong cách tài hoa thực sự (đương nhiên là có những cái tài hoa nửa mùa!).
Ở mức độ càng thấp thì càng đông người phụ hoạ, càng lên cao thì số lượng người chia sẻ được càng vơi dần. Đến chỗ cao chót vót thì người nghệ sỹ sẽ phải đối diện với cô đơn, dù cái tâm của họ có thể ôm trùm cả thên hạ. Truyện Kiều đã đi vào lòng người cả mấy trăm năm, làm say mê mọi người là thế, nhưng tâm sự của Nguyễn Du vẫn là một ẩn ngữ thiên thu. Nó mãi mãi cô đơn, như ngọn thông lẻ loi đứng giữa trời.
Đọc Kim Dung, nhân vật Hoàng Dược Sư luôn làm liên tưởng đến hình ảnh cây thông, dù nhân vật cổ quái này chưa gợi lên trong lòng nhiều người những tình cảm mặn mà thật sự.
Không có nhân vật nào có kiến thức bách khoa và văn võ toàn tài như Hoàng Dược Sư, kể cả Tạ Tốn và Nhậm Ngũ Hành – hai tay quái kiệt võ lâm. Cầm kỳ thi hoạ, dịch lý, bát quái ngũ hành, trận pháp, võ công… tất cả đều đạt đến chỗ tột đỉnh của tinh hoa. Vậy mà không rơi vào chỗ tạp học như Tô Tinh Hà. Tô Tinh Hà vì ham mê tạp học mà võ công sa sút, bị sư đệ Đinh Xuân Thu làm tan vỡ cả môn phái.
Hoàng Dược Sư thì khác hẳn. Trấn pháp trên đảo Đào Hoa sẵn sàng vây khổn những kẻ nào liều lĩnh dám dặt chân lên đảo. Cây ngọc tiêu réo rắt trên sóng biển sẽ là vũ khí cực kỳ lợi hại để giao đấu nội lực với các đại cao thủ võ lâm. Võ công đủ trấn áp một phương với ngoại hiệu Đông Tà. Kiến thức uyên bác trùm đời đủ để “cưỡng từ đoạt lý”. Dung mạo đẹp đẽ uy nghi đủ để mọi người kính nễ kiêng dè.
Còn gì đáng thêm vào nữa cho nhân vật mang chứa trong mình hầu như toàn bộ tinh hoa của nhân loại?
Nhưng Hoàng Dược Sư gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với người đọc không bởi chỉ tại cái tài hoa mà chính ở chỗ tính tình cổ quái cao ngạo. Ông cao ngạo không phải chỉ vì giỏi, mà vì ông muốn đạp đổ thị phi, xoá nhoà mọi ranh giới chính tà trong cõi giang hồ để đẩy tự do và suy tưởng cá nhân đến chỗ tuyệt đối.
Chữ “tà” trong ngoại hiệu Đông Tà của ông không có nghĩa đơn giản là đối lập với “chính” trong phạm trù “tà chính”, mà nó có nghĩa rằng dưới mắt ông, mọi nỗ lực muốn kiến tạo một ranh giới rạch ròi giữa chính và tà chỉ là điều ngu xuẩn. Chính tà, thiện ác chỉ là sản phẩm được nhào nặn theo cái nhìn và ý muốn của những con người có ý chí hùng bá, như Hoàng Dược Sư hay Nhậm Ngũ Hành.
Nếu như Nhậm Ngũ Hành, sau khi cướp lại ngôi giáo chủ từ tay Đông Phương Bất Bại, muốn vạch lại dòng chảy của lịch sử theo ý chí của mình, thì Hoàng Dược Sư lại kiêu hãnh đứng một bên, hoặc đứng trên cái dòng chảy ấy, vì nó không thể hoà hợp được với tâm hồn của kẻ tài hoa tuyệt đỉnh như ông. Có lẽ chính trong những suy tưởng đó ông mới thực sự là kẻ cô đơn vì không có kẻ đồng thời nào chia sẻ được. Chỉ sau này ông mới gặp được một người bạn vong niên là Dương Quá, chỉ vì anh chàng này dám yêu và cưới sư phụ - một điều đại cấm kỵ của võ lâm.
Nhưng sự chia sẻ đó cũng chỉ mới ở một phần nhỏ: Vượt qua được định kiến của xã hội.
Cũng như Nguyễn Du làm quan cho triều Nguyễn luôn giữ thái độ buồn rầu mà hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng đó là tâm sự hoài Lê! Thật ra, đó chỉ là tâm sự cô đơn của những kẻ tài hoa tuyệt đỉnh không muốn để mình bị cuốn trôi theo dòng chảy của lịch sử mà không tìm được người đồng điệu.
Nếu Hoàng Dược Sư thiết kế một đảo Đào Hoa thơ mộng giữa đại dương để kiêu ngạo một mình rong chơi một cõi, thì Nguyễn Du lại đạm nhiên lễ nhượng xây nên một toà Tân thanh lặng lẽ giữa cõi bể dâu để mở ra những trận du hí thần thông. Trong khi đảo Đào Hoa như thiên la địa võng vây hãm con người thì toà Tân thanh lại lãng đãng sương mù để mở rộng vòng tay ôm lấy toàn nhân loại, nhưng cả hai đều là những “một cõi trời riêng” làm nơi trú ẩn của những cây thông xanh cô độc!
Hoàng Dược Sư cho cắt lưỡi và đâm thủng tai những kẻ nô bộc để biến chúng thành những người câm điếc, không muốn chúng đóng vai trò của những sứ giả thông tin vì ông gần như muốn cắt đứt mọi quan hệ với xã hội bên ngoài, không muốn cho những kẻ không xứng đáng đặt chân đến cõi riêng đó.
Dẫu những kẻ nô bộc kia toàn là những tên lưu manh đầu trộm đuôi cướp, giết người không gớm tay, đáng để giết đi. Nhưng việc làm đó của ông, dưới quan điểm đạo lý bình thường ta sẽ cho là man rợ. Ông trừng phạt bọn người gian ác kia có lẽ vì muốn “Thế thiên hành đạo”, muốn thay trời để xử lý tội ác, theo kiểu của riêng ông, vì rõ ràng ông không tin gì vào cái gọi là “đạo lý trần gian”. Nói theo ngôn ngữ của các nhà hiện sinh thì có thể Hoàng Dược Sư muốn làm điều ác vì điều thiện đã được con người từ thuở xa xưa tranh nhau làm cả rồi!
Nhưng nếu đạo lý “dĩ bạo dịch bạo” (dùng điều bạo ngược để thay cho điều bạo ngược) vẫn tràn lan trong cõi thế. Và bạo lực cùng thù hận vẫn là động cơ góp phần thúc đẩy dòng chảy của lịch sử nhân loại thì ngẫm ra, vị chúa đảo Đào Hoa kia chắc gì đã “tà”? Khi bị nghi oan là đã tàn sát những người trong đám Giang Nam lục quái, ông cũng chẳng thèm đính chính, vì cho rằng đó không xứng đáng với mình.
Như cây thông xanh hiên ngang reo trong ngàn cơn gió giá buốt mùa đông, Hoàng Dược Sư vẫn luôn lạnh lùng kiêu ngạo với cõi trời riêng.
Hoàng Dược Sư cực kỳ kiêu ngạo và có đôi phần tà quái thì đó cũng là lẽ đường nhiên, nếu quả như trên cõi đời có thể tồn tại một nhân vật tổng hợp được ngần thứ ấy nơi một con người.
Hình tượng Hoàng Dược Sư như muốn vượt cả những thiên tài khổng lồ thời Trung cổ Tây phương: Leonardo da Vinci hay Mitchelangelo Buonarroti. Nếu Leonardo vừa là hoạ sỹ, kỹ sư vừa là nhà soạn nhạc và nhà khoa học hay Mitchelangelo Buonarroti vừa là hoạ sỹ, nhà điêu khắc, vừa là nhà kiến trúc và nhà thơ, thì Hoàng Dược Sư còn hơn thế nữa: ấy là sở đắc về võ công!
Nhưng tự xưa đấng tạo hoá luôn “đồ toàn”, nên khi Ngài đem những chất liệu ưu mỹ nhất để tạo nên những con người tài hoa đủ điệu như Hoàng Dược Sư, thì Ngài lại bắt họ phải gánh chịu một bi kịch nào đó trong cuộc sống, để cho những tạo vật khác khỏi so bì.
Tưởng chừng như với bản lĩnh nghiêng trời như Hoàng Dược Sư, thì trên đời này không có gì lại không bị khuất phục dưới ý chí của ông. Và hai chữ “bất khả” có lẽ không thể tồn tại trong cuốn tự điển sống của vị đảo chúa Đào Hoa. Với Hoàng Dược Sư thì muốn là được, như lời nói của Caesar là luật lệ. Nhưng nếu đối với giang hồ, cái bóng khổng lồ của chúa đảo Đào Hoa bao trùm lên mọi cao thủ võ lâm như một tượng đài bất khả xâm phạm, thì nỗi khổ của ông lại bắt nguồn từ một chỗ tưởng chừng êm ấm nhất: gia đình.
Trong các tác phẩm võ hiệp, bi kịch gia đình của các nhân vật giang hồ thường là cảnh toàn gia bị thảm sát như Tạ Tốn, Lưu Chính Phương để đẩy những nhân vật đó vào chỗ tận cùng khổ luỵ, thì đối với Hoàng Dược Sư lại khác. Người vợ hiền của ông vì vắt kiệt cả sức lực để ghi nhớ Cửu âm chân kinh nên phải sớm qua đời, để lại đứa con gái thông minh tuyệt đỉnh là Hoàng Dung.
Cô “con gái rượu” này làm ông phải bao phen lao đao vất vả vì cô mãi chạy theo Quách Tĩnh, một kẻ mà dướí mắt ông chỉ là một tên thô lậu ngu xuẩn, không đáng giá một xu.
Đó mới thực sự là nỗi thống khổ của bọn tài tử cổ kim!
Cuộc đời vẫn thường đem những thứ vớ vẩn như thế để chơi khăm khách tài hoa, bắt con kình ngư phải ngắc ngoải trong vũng nước bùn, như một lời răn đe giễu cợt. Cha tài hoa tuyệt đỉnh, con gái thuộc hàng cực phẩm nhân gian, thì chàng rễ lại lù đù như một anh “Hai Lúa”.
Khi Tây độc Âu Dương Phong đem cháu là Âu Dương Khắc, còn Hồng Thất Công dẫn đồ đệ là Quách Tĩnh đến đảo Đào Hoa cầu hôn, ông thấy thà chấp nhận Âu Dương Khắc còn hơn để Hoàng Dung kết thân cùng Quách Tĩnh, dù ông thừa biết Âu Dương Khắc là loại người bạc hạnh, bởi một lý do đơn giản là anh chàng công tử Bạch đà sơn dù sao cũng phong lưu nho nhã và có chút tài hoa. Có lẽ với ông, nhân cách còn có thể giũa mài chứ tục cốt thì khó lòng hoán cải, như bài thơ vịnh trúc của Tô Đông Pha:
Nhân khả thực vô nhục
Bất khả cư vô trúc
Vô nhục linh nhân sấu
Vô trúc linh nhân trúc
Nhân sấu thượng khả phi
Tục sỹ bất khả y
(Có thể ăn không thịt. Không thể sống không trúc. Không thịt khiến người gầy. Không trúc khiến người tục. Người gầy mập có ngày. Kẻ tục đành bó tay).
Tục cốt quả là hết thuốc chữa. Dù một kẻ kiến thức bác cổ thông kim hay tiền của trùm đời nhưng nếu bản chất là tục cốt thì vẫn là tục cốt, vì những kiến thức vay mượn hay ngọc ngà châu báu vẫn không thể che giấu nỗi cái cốt lõi của con người.
Dưới mắt những kẻ tài hoa thì đúng là “Tục sỹ bất khả y”.
Chính nổi cô đơn trong suy tưởng cùng với nỗi buồn về gia đình đã khiến cho con người tài hoa như Hoàng Dược Sư lắm phen phải ngớ ngẩn như một kẻ tâm thần.
Ông bố tài hoa tung hoành khắp thiên hạ, dưới mắt xem không có người, vậy mà đành lòng chấp nhận một chàng rễ lù đù lậu đậu. Tấm lòng của người cha đã đánh bạt sự kiêu ngạo ngất trởi. Hình ảnh Hoàng Dược Sư cuống cuồng tìm con trên biển là hình ảnh đáng yêu nhất của nhân vật này, chứ không phải sự kiêu ngạo lạnh lùng đôi khi vớ vẫn như bắt bọn cao thủ Hầu Thông Hải chui qua đáy quần mình mà đi. Hành động đó khiến Hoàng Dược Sư trở nên rẻ tiền như tên bán thịt bắt Hàn Tín lòn trôn giữa chợ.
Ở điểm này Hoàng Dược Sư thua xa Nhậm Ngã Hành, chưa nói gì đến Tạ Tốn. Nhưng chính hình ảnh dung tục đó, trong một sát na, đã kéo Hoàng Dược Sư ra khỏi “một cõi trởi riêng” mà về với “cõi người ta” vốn đầy những cái tầm thường dung tục.
Hình ảnh vị thanh y quái khách ẩn hiện thất thường với mặt nạ da người trơ lỳ vô cảm và cây ngọc tiêu vẫn là biểu tượng hấp dẫn người đọc vì sự lạnh lùng cao ngạo, vì tài hoa tột đỉnh và trên hết là sự cô đơn.
Và đảo Đào Hoa giữa đại dương mênh mông sóng nước kia sẽ không chỉ là của riêng của Hoàng Dược sư mà là một đảo Đào Hoa mang nghĩa tượng trưng trong tâm tưởng mỗi chúng ta, để những khi bị cuộc đời đẩy vào nỗi cô đơn cùng tột, ta sẽ quay về tìm lại chính mình trong “một cõi trời riêng”.
HUỲNH NGỌC CHIẾN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

13.
Vài suy nghĩ về
VIÊN TÍNH


Câu chuyện trong Phi Hồ ngoại truyện của Kim Dung xoay quanh bi kịch gia đình không hấp dẫn lắm, nhưng số phận của các nhân vật Trình Linh Tố cùng ni cô Viên Tính và các câu kệ trong kinh Pháp Cú ở cuối tác phẩm đã để lại trong lòng người một ấn tượng sâu sắc.
Trình Linh Tố mang trái tim đôn hậu về bên kia thế giới với nỗi ngậm ngùi của một A Tử với Tiêu Phong. Yêu một người mà trái tim người đó đã hoàn toàn về một kẻ khác, có lẽ không một nhân vật nữ nào đáng tội nghiệp hơn Trình Linh Tố.
Kim Dung đã viết về cô bằng những lời tha thiết ngậm ngùi, chắc là để an ủi linh hồn của cô thôn nữ thông minh tuyệt đỉnh, thấu hiểu hết mọi độc vật trong thiên hạ kia. Sự thông minh của cô hàm chứa sự chất phác đơn giản, khiến người đọc sinh lòng cảm mến. Nó khác hẳn lối thông minh ma mãnh, thủ đoạn và nặng phần trình diễn của Hoàng Dung.
Nhưng ở đây, chỉ xin ghi lại một vài cảm nhận từ nhân vật Viên Tính.
Viên Tính là một ni cô, nhưng cũng như Nghi Lâm trong Tiếu ngạo giang hồ, vị ni cô này đi tu chỉ vì sự nghiệt ngã của hoàn cảnh. Cả hai nhân vật nữ xinh đẹp này xuất gia bởi một lý do đơn giản là khi vừa lớn lên, họ thấy mình sống trong một ngôi chùa!
Mẹ Viên Tính là Ngân Cô, một cô gái làng chài xinh đẹp, bị tên cường hào Phụng Thiên Nam hãm hiếp mà mang thai. Cha Ngân Cô đến nhà tên cường hào phân trần thì bị đánh đập tàn nhẫn, về nhà uất ức buồn phiền mà chết. Gia tộc lại cho rằng Ngân Cô là nguyên nhân gây nên cái chết của cha, nên không cho cô mặc hiếu phục, không cho lạy quan tài và đòi bắt cô bỏ rọ thả sông!
Chi tiết này chỉ có một hai dòng trong nguyên tác, nhưng đối với người đọc lại có tác động mãnh liệt như một bản cáo trạng về thân phân nghiệt ngã của người phụ nữ Á Đông ngày trước.
Ngân Cô trốn khỏi thị trấn, sinh con xong, lang thang ăn mày và lần mò về lại quê nhà. Một thanh niên bán cá thương hại muốn dang tay bảo bọc hai mẹ con thì bị tên cường hào giết chết, ngay trong ngày cưới. Ngân Cô phải chạy đến nương nhờ nhà Thương Bái. Vị “nguỵ đại hiệp” này thấy Ngân Cô xinh đẹp nên động lòng dục. Ngân Cô bị làm nhục phải treo cổ tự vẫn.
Một vị sư thái là cao nhân tiền bối của võ lâm xuất hiện, cứu Viên Tính mang về Hồi Cương, nuôi dạy nên người.
Đến tuổi trưởng thành, Viên Tính, với một thân võ công, bèn từ Hồi Cương tìm về Trung Nguyên để trả thù cho mẹ. Nhưng làm sao tìm ra một giải pháp báo thù trọn vẹn, khi mà kẻ thù của mẹ lại chính là cha mình, dù đó là một người cha đầy tội lỗi?
Đạo lý phương Đông không bao giờ cho phép người con trực tiếp lên án cha mẹ, đừng nói chi đến chuyện giết, cho dẫu đó là những người mang trọng tội. Đạo lý, nếu cần phải duy trì để giữ giềng mối cho sự vận động của guống máy xã hội, sẽ được thực hiện bởi trời, bởi phép nước hoặc bởi một người nào khác.
Trong sách Mạnh Tử, Đào Ứng đã đặt vấn đề cùng Mạnh Tử:
Ông Cổ Tẩu – cha vua Thuấn – là người cực ác giết người phải tội chết. Ông Cao Dao là người chấp pháp muốn bắt ông Cổ Tẩu thì vua Thuấn phải xử lý thế nào?
Đây là vấn nạn thường đặt ra trong nền văn hoá nhân loại để con người phải tìm sự điều hoà giữa đạo trời và đạo người, để làm sao cho xã hội vẫn tốt đẹp mà lương tâm con người vẫn thanh thản.
Vua Thuấn là con thì phải bảo vệ cho cha là đạo trời. Nhưng vua Thuấn lại là vua nên theo luật phải xử tội cha để duy trì trật tự xã hội là đạo người. Làm thế nào để điều hoà sự tương xung bất khả vãn hồi?
Giải pháp mà Mạnh Tử đưa ra là sự điều hoà mang ý nghĩa sâu xa đượm đầy tính nhân văn cao viễn trong bầu không khí cổ đại phương Đông, mà mãi đến ngày nay vẫn còn là bài học kinh điển về đạo lý làm người.
“Thuấn sẽ xem việc bỏ thiên hạ như bỏ một đôi dép rách, lén cõng cha đi trốn, lần theo bờ biển mà ở, suốt đời vui vẻ, vui mà quên đi thiên hạ”. (Thuấn thị khí thiên hạ do khí tệ sỉ dã, thiết phụ nhi đào, tuân hải tân nhi xử, chung thân hãn nhiên, lạc nhi vong thiên hạ) (Mạnh Tử, Tận Tâm thượng).
Nếu vua Thuấn cứ căn cứ theo phép nước để ông Cao Dao chiếu theo luật xử tử cha mình, cho đúng với nghĩa “minh quân” hay “thiết diện vô tư” thì trước mắt có thể duy trì được giềng mối xã hội đấy, nhưng chắc chắn sẽ để lại một vết thương trầm trọng không gì cứu vãn được trong đạo lý làm người cho thế hệ mai sau.
Thần thoại Hy Lạp cũng có một câu chuyện tương tự. Agamemnon, vua xứ Mycenae, khi dẫn đoàn quân viễn chinh Hy Lạp quay về sau chiến thắng thành Troy, thì bị hoàng hậu Clytemnestra cùng người tình là Aegisthus lập mưu giết chết.
Con trai Agamemnon và Clytemnestra là Orestes, với sự trợ giúp của chị là Electra, đã giết chết mẹ và Aegisthus để trả thù cho cha.
Tưởng rằng như thế là công bằng, vì nợ máu phải trả bằng máu. Nhưng ngay sau đó Orestes bị các nữ thần Eumenides trừng phạt, mãi cho đến khi có sự can thiệp của nữ thần Athena.
Đông hay Tây đều cho rằng việc giết cha hay mẹ để đòi lại sự công bằng cho người đã khuất phải là nhiệm vụ của thần linh, của trời, chứ không phải của con người.
Theo lời sư phụ dặn, Viên Tính phải ba lần cứu Phụng Thiên Nam thoát chết dưới tay Hồ Phỉ, như để trả món nợ tình phụ tử, dù nàng chỉ là cái bào thai nghiệt oan của một tên dâm ác, và đến khi trưởng thành vẫn không biết đến cha.
Kim Dung quả thực sâu sắc khi để Phụng Thiên Nam chết thật đột ngột bởi những lưỡi “vô ảnh ngân châm” của một tên gian ác khác là Thang Bái. Rồi ông lại bố trí cho Viên Tính hạ sát Thang Bái. Thật không có giải pháp nào hoàn hảo hơn được nữa.
Nếu như Kim Dung để Phụng Thiên Nam giao đấu rồi chết dưới tay Thang Bái hoặc Hồ Phỉ, trước sự chứng kiến của Viên Tính, thì người đọc vẫn không lấy làm thoả mãn. Mà có thể cả Viên Tính cũng cảm thấy ray rứt trong lòng, dù nàng đã lập thệ chỉ cứu Phụng Thiên Nam đúng ba lần.
Giải pháp của Kim Dung là sự điều hoà mang tính đạo lý rất sâu xa.
Và cũng chính trong bước đường tầm thù, khi gặp Hồ Phỉ, Viên Tính lại vướng vào chữ tình. Đối với Viên Tính là sự oan nghiệt, vì nàng đã lập lời trọng thệ sẽ kế thừa y bát của sư phụ, sẽ suốt đời làm bạn với thanh đăng cổ Phật, như để đền đáp ơn trùng sinh tái tạo.
Ở đoạn cuối tác phẩm, những lời bộc bạch tâm sự của nàng trước nấm mộ song thân Hồ Phỉ thật cảm động:
“Giá như ngày trước ta không lập lời trọng thệ trước sư phụ, thì có thể trọn đời theo y đến tận chân trời, hành hiệp trượng nghĩa, há chẳng hay ư? Hỡi ơi, Hồ đại ca! Đại ca đau khổ, nhưng có biết chăng tiểu muội còn thương tâm gấp mười?”.
“Giá như…”. “Phải chi…” vẫn luôn là câu nói tiếc nuối của con người, để hoài thương quá khứ hoặc nguôi đi một chút hận lòng. Cuộc sống là một cuộc thi mà mỗi thí sinh chỉ có một tờ giấy duy nhất để làm bài, không cho ai làm nháp!
Nếu như các chữ “Giá như…”. “Phải chi…” không còn trong tự điển của cuộc sống thì Nguyễn Du lấy đâu ra chỗ để viết “Đoạn trường tân thanh”?
Nỗi lòng Viên Tính là vậy, nhưng thái độ kiên quyết và dứt khoát của nàng trước lời tHỉnh cầu của Hồ Phỉ lại khiến người đọc bao xiết cảm thông. Cuộc đời nàng vốn đã đầy trầm luân khổ hạnh, mang ơn tái tạo của sư phụ thì làm sao nàng có thể phản bội lời thề để tìm hạnh phúc riêng tư? Đó cũng chính là tâm trạng phân vân của Thuý Kiều khi gặp lại gia đình ở chốn thảo am.
Trùng sinh ơn nặng bể trời
Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi.
Mười lăm năm lưu lạc bị đày đoạ trong chốn phong trần, gặp lại gia đình và người yêu cũ có còn niềm vui mừng nào hơn nữa? Nhưng ơn trùng sinh tái tạo của sư Giác Duyên lấy gì để đền đáp? Nhiều nhà phê bình cho đó là thái độ không thực lòng của Thuý Kiều, thì nghĩ cũng thực lòng không hiểu họ đọc Kiều theo kiểu nào, và đọc để làm gì?
Một người đã mười lăm năm trầm luân lưu lạc, đã bị đẩy đến tận cùng nỗi thống khổ của nhân gian, phải nhờ dòng nước dìm sâu hết mọi tủi nhục của đời người, lại được một sư thái cứu lên và nương thân nơi cửa Phật, thì người đó có thể nhìn đời bằng đôi mắt hồn nhiên của ngày cùng hai em dạo chơi trong ngày lễ đạp thanh, hay đôi mắt đau buồn nhưng vẫn còn hy vọng của ngày phải lìa nhà theo Mã Giám Sinh?
Trùng lai quả là điều người đã mòn mỏi chờ đợi, nhưng còn ơn trùng sinh, lòng người sao nỡ?
Tìm mối điều hoà cho xuôi chéo mát mái giữa những xung đột, giữa hiếu và tình, giữa hạnh phúc và trách nhiệm… vẫn là những vấn đề muôn thuở của con người. Lắm khi thoát được ra khỏi vòng tranh chấp, con người đã thấy đời đổ tan hoang với những nổi lòng thê thiết.
Thuý Kiều theo cha mẹ về đoàn tụ với gia đình là một ách điều hoà, Viên Tính quay về lại Hồi Cương để vĩnh viễn chai tay Hồ Phỉ phải chăng cũng là một cách điều hoà? Bài kệ của nàng trước lúc chIA tay là để cảnh tỉnh Hồ Phỉ hay để nhắc nhở chính mình?
Nhất thiết ân oán hội
Vô thường nan đắc cửu.
Sinh thế đa ưu sự
Mệnh nguy ư thần lộ.
Do ái cố sinh ưu
Do ái cố sinh bố.
Nhược ly ư ái giả
Vô ưu hựu vô bố.
(Mọi ân oán đời này
Đều vô thường chóng phai
Cõi thế nhiều khổ não
Đời người như sương mai
Do ái sinh sợ hãi
Do ái sinh ưu phiền
Kẻ nào lìa chữ ái
Tâm mới được an nhiên)
Không có tác phẩm nào của Kim Dung để lại cho người đọc một cảm giác bâng khuâng như trong đoạn cuối của Phi Hồ ngoại truyện. Không vui tươi như Tiếu ngạo giang hồ, không thê thảm như Thiên long bát bộ. Người đọc không buồn đau mà chỉ có một cảm giác hụt hẫng và trống rỗng. Như tâm trạng Hồ Phỉ đứng bên nấm mộ song thân cùng bình cốt hôi của Trình Linh Tố, nhìn theo bóng Viên Tính xa dần.
“Viên Tính lắc đầu, cứ thúc ngựa đi. Hồ Phỉ nhìn theo bóng nàng. Tám câu Phật kệ vẫn còn văng vẳng bên tai.
Con bạch mã đứng bên cạnh chàng nhìn theo bóng Viên Tính đi mỗi lúc một xa, bỗng nhiên hý lên một tiếng bi thương. Nó không hiểu vì sao vị chủ nhân cũ của nó không hề ngoảnh đầu nhìn lại”.
Chi tiết Viên Tính “Thúc ngựa lặng lẽ bỏ đi mà không hề ngoảnh đầu nhìn lại” quả thật cảm động.
Đạo Phật chủ trương “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn” (biển khổ mênh mông, quay đầu là bến). Nhưng trong trường hợp này lại khác. Nếu Viên Tính quay đầu nhìn lại thì nàng sợ rằng sẽ không thấy bến, mà chỉ thấy một biển tình, biển khổ, và nàng sợ những con sóng trong biển đó sẽ kéo nàng trôi dạt, không biết đến những bờ bến nơi đâu.
HUỲNH NGỌC CHIẾN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

14.
Tâm sự NGHI LÂM
Giọt lệ giữa trang kinh


Thật là cảm thấy bâng khuâng và ngại ngùng bao xiết khi cầm bút bàn đến Nghi Lâm, mặc dầu đã có lần nhắc đến cô tiểu ni xinh đẹp này trong một bài bàn đến tình yêu trong tác phẩm Kim Dung.

Viết về Tiêu Phong hay viết về Tạ Tốn, dẫu thấy đắng cay nhưng cũng không khó. Cuộc đời của các nhân vật anh hùng đó, dẫu là những bi kịch đẫm máu và nước mắt, nhưng ta vẫn còn chịu đựng được và thấy chưa hẳn là quá xa lạ với con người.

Ta không anh hùng như họ, nhưng ta vẫn có thể theo họ lặn sâu vào tận đáy của cuộc đời, để cùng nắm tay nhau, tìm chút hơi ấm cảm thông, an ủi trong tấn tuồng bi thảm của nhân sinh cũng như cái thê thiết của kiếp người. Nhưng bàn đến Nghi Lâm, ta thấy như có chút gì e ngại. Ngòi bút ta như sắp chạm đến một cái gì tột cùng cao khiết, ta sợ nó sẽ làm vỡ mảnh linh hồn quá đỗi mong manh.

Mà dường như Kim Dung cũng dành cho cô tiểu ni này rất nhiều ưu ái. Với một chút lòng thiên ái, dám khẳng định rằng không có nhân vật nữ nào của Kim Dung lại được độc giả dành cho nhiều cảm tình như Nghi Lâm. Kể cả hai nhân vật đáng yêu và gây được nhiều ấn tượng khác, là A Châu và Vương Ngữ Yên.

Những đoạn văn bàn đến cô, hay để người khác nghĩ đến cô, đều long lánh như pha lê, toả ngời ánh sáng của tình thương yêu thanh khiết. Tâm hồn cô như một viên ngọc toàn bích, không tì vết. Mà oái oăm thay, cô tiểu ni rực rỡ như thiên thần đó lại là kết quả của một mối tình quái gỡ của một gã đồ tể thô lỗ và một ni cô dở hơi!

Tấm lòng Nghi Lâm sáng ngời như thánh nữ, và ta hiểu vì sao Kim Dung lại cố tình hư cấu nên cái xuất thân gần như hạ tiện và kì quặc của cô. Có lẽ Kim Dung cũng sợ cái luật “Tạo hoá đố toàn”, nên ông cố đem bụi bặm trần gian phủ lên viên ngọc đó, để tự trấn an lấy chính mình.

Nếu để cô tiểu ni đó xuất thân từ một dòng dõi quí phái thanh cao, hoặc từ một nguồn gốc vương quyền, thì có thể ông e ngại cô không còn thuộc về cõi trần tục nữa, mà hình ảnh cô sẽ trở nên bềnh bồng hư ảo, quá xa lạ với con người. Ông đã để cô xuất gia ngay từ tấm bé, vì tâm hồn đôn hậu đó hướng về cõi Đạo Thiện Chân là hoàn toàn tự nhiên và phù hợp với thiên tính của cô. Nhưng rồi dường như ông lại lo sợ cửa Không mầu nhiệm sẽ dành mất cô tiểu ni thánh thiện đó ra khỏi chốn bụi hồng, nên ông cố tình sắp đặt bố cục câu truyện, để cô phải vướng luỵ trần gian.

Có lẽ ông muốn cô vẫn mang hình ảnh gần gũi của một con người. Bởi vì cái vưu vật của Tạo hoá đó, với dung nhan diễm kiều và tâm hồn thuần nhiên thanh khiết ngần ấy, nếu không nhuốm bụi trần thì nó chỉ có thể là chân dung của Bồ Tát Quan Âm! Nó sẽ theo mây trắng trôi qua vùng Nam Hải mà đi mất. Âu đó cũng là một cách điều hoà trong sáng tạo.

Nhiều người cho rằng truyện tiểu thuyết võ hiệp, rốt cuộc cũng chỉ là những sáng tạo hoang đường không mang tính hiện thực. Họ quên rằng các truyện thần thoại Đông Tây, với các sáng tạo hoàn toàn hư đản, lại hiện thực và gần gũi tâm hồn con người, hơn rất nhiều so với các tác phẩm văn học hiện thực thô thiển.

Tiếng nói tâm tình của nhân gian có rất nhiều con đường tiếp cận và biểu hiện. Văn học đâu phải chỉ mô tả những gì có thực trong đời mới có thể xem là giá trị về mặt nhân sinh. Câu nói “Bất dĩ từ hại ý” (đừng để ngôn từ làm hại ý tưởng) của Mạnh Tử vẫn đồng vọng như một lời nhắc nhở, trong suốt mấy ngàn năm văn học phương Đông.

Lần đầu tiên xuất hiện trong toà sảnh của Lưu Chính Phong, sự hồn nhiên ngây thơ của Nghi Lâm đã khiến quần hùng thay đổi cái nhìn về gã tửu đồ lãng tử Lệnh Hồ Xung. Và độc giả cũng linh cảm được rằng cô đã bắt đầu vướng vào nỗi khổ luỵ của tình yêu, với gã “Lệnh Hồ đại ca” đó.

Con chim sơn ca hồn nhiên của phái Hằng Sơn đã bất ngờ bị trúng mũi tên của vị thần tình yêu Cupide. Mũi tên đã xuyên qua tim vị tiểu ni, nhưng lại quá đỗi lặng lẽ vô thanh, nên cô chẳng hề hay biết. Đến khi hay được thì cô đã sầu thương héo hắt đến tiều tuỵ cả dung nhan!

Kim Dung đã tỏ ra nhân đạo và sâu sắc biết bao, khi để cho cô vắng mặt trong lúc thảm cảnh xảy ra trong Lưu phủ: các cao thủ Tung sơn tàn sát toàn gia Lưu Chính Phong để nhằm thực hiện cho được tham vọng cuồng điên của Tả Lãnh Thiền. Nếu như tâm hồn cô xa lìa hẳn nhân thế, như các bậc cao nhân thế ngoại, thì thảm cảnh đó có thể là điều kiện trợ duyên để giúp cô thể hội thêm được tấn tuồng hư huyễn của nhân gian.

Nhưng có lẽ trong thâm tâm, Kim Dung muốn cô vẫn còn thuộc về cõi hồng trần, muốn cô không chỉ là khán giả mà còn là diễn viên trên sân khấu cuộc đời, nên ông đã cố tình che bớt đi những hình ảnh thê thảm khỏi đôi mắt của cô. Kim Dung không nỡ nhẫn tâm, và chúng ta phải cám ơn Kim Dung nhiều lắm, vì hiểu rằng trái tim nhân hậu và cực kì thanh khiết đó sẽ tổn thương biết mấy, một khi đối diện và nhận chân ra được những âm mưu thâm hiểm cùng những tấn bi kịch khủng khiếp của trần gian.

Kim Dung đã tạo nên một tình huống dỡ khóc dỡ cười, khi để cô tiểu ni đó phải chui vào trong chăn của một gã lãng tử, trong một kĩ viện thành Hành Sơn. Rồi vì Lệnh Hồ Xung, cô chấp nhận phải phạm giới: đi ăn trộm dưa giữa đồng vắng. Một việc làm thuờng có thể xảy ra đối với bất kì ai, nhưng với cô là chuyện tày trời. Lúc hái dưa, cô đã âm thầm khấn nguyện với Bồ Tát để tự minh oan cho hành động của mình, khiến ta vừa buồn cười vừa cảm mến cô biết bao nhiêu.

Cho dẫu có theo các đồng môn xuôi ngược giang hồ, dấn mình vào chốn thị phi đi nữa, thì trái tim nhân hậu của cô, như tâm hồn vị thánh Francis, vẫn mãi toả ngời ánh sáng, để làm cho hình ảnh cuộc đời bớt đi vẻ thê lương. Giữa cảnh kiếm đao đẫm máu chốn giang hồ, tiếng tụng kinh và niệm Bồ Tát của cô, như giọt nước cành dương, xoa dịu phần nào nỗi đau của nhân thế.

Khi cùng đồng môn theo Lệnh Hồ Xung nỗi trôi giữa giang hồ vì tai nạn của bản phái, thì những ánh mắt quan hoài thầm kín của cô dành cho gã lãng tử đó vô cùng đằm thắm và chan chứa biết bao sự thương yêu của một mối tình câm lặng. Như một hành giả Du già toạ thiền, quên đi ngoai cảnh mà chỉ chú tâm quán tưởng một đối tương duy nhất, thì tiểu sư thái Nghi Lâm dường như suốt đời chỉ “quán tưởng” mỗi một hình ảnh của Lệnh Hồ Xung!

Độc giả thông cảm xiết bao khi biết cô từng đêm vẫn âm thầm tâm sự cùng bà già, mà cô ngỡ là câm điếc, trên núi Hằng Sơn. Đó lại chính là mẹ ruột của cô. Nỗi lòng u hoài đó ắt hẵn cô không dám ngõ cùng Bồ Tát, nhưng cũng không thể chôn dấu mãi trong lòng. Một trong những bi kịch của con người là khi nằm xuống vẫn chưa thể nói được điều mơ ước trong tim, với người mà ta thầm yêu dấu.

Khi còn sống, triết gia F.Nietzsche dã yêu say đắm Lizt Cosima, vợ của nhạc sĩ Wagner, trong câm nín và tuyệt vọng đớn đau. Để rồi sau này Cosima mãi mãi là nàng Ariane thần thoại trong những giấc mơ của Nietzsche. Nhưng trước khi rơi vào tình trạng điên loạn, Nietzsche vẫn còn được hạnh phúc khi kịp nói những lời tha thiết “Ariane, je t’‘aime” với người thiếu phụ đó.

Kim Dung cũng thâm cảm được rằng “Nhưng cũng lạ mối tình đau khổ ấy. Để riêng tây như có chỗ không đành” (Xuân Diệu ), nên ông phải sáng tạo thêm một bà già câm điếc để cô tâm sự. Rồi ông lại bố trí cho cô được hồn nhiên tâm sự với bà già giả là Lệnh Hồ Xung hoá trang. Như một chút an ủi khi cô sắp phải chia tay vĩnh viễn với gã “Lệnh Hồ đại ca” giảo quyệt mồm năm miệng mười mà cô ngày đêm tưởng nhớ.

Nhân vật Nghi Lâm khiến ta liên tưởng đến hai nhận vật khác là Tất Đạt của Herman Hesse trong “Câu chuyện dòng sông” và Aleixei Karamazov của Dostoievski trong “Anh em nhà Karamazov”.

Dostoievsky không muốn một con người thuần nhiên huớng thiện như Aleixei vào tu viện quá sớm, dù anh ta khát khao muốn tìm đến với Chúa, mà ông muốn anh ta phải trải qua “trường đời” trước đã. Cũng như Hesse phải để Tất Đạt lăn lộn với bụi trần, xẻ chia bao nỗi nhục vinh, rồi mới có thể dứt bỏ tất cả, để lắng nghe ra được tiếng nói minh triết của dòng sông.

Chưa nhập thế mà đã xuất thế, chưa đi trọn con đường ô trọc của cuộc đời mà đã vội từ bỏ nó để đem mình vào cõi đạo, thì sự từ bỏ đó không thể nào là sự từ bỏ chân chính được. Nên trong cõi thanh tu ấy, Nghi Lâm ắt hẵn phải bao lần đem tâm hồn mình ra làm bãi chiến trường tranh chấp giữa hai tiếng gọi của Đạo và Đời. Cõi Đạo thì thanh tĩnh nhiệm màu, nhưng cõi Đời dẫu đắng cay, vẫn đằm thắm quyến rũ với bao hương sắc của tình yêu.

Trong suốt tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, đã bao lần Nghi Lâm nhỏ lệ, mà chủ yếu chỉ vì Lệnh Hồ Xung. Sau này, khi cô tiếp chức chưởng môn phái Hằng Sơn, ta vẫn hiểu rằng vị tân chưởng môn đó sẽ rất nhiều phen phải tiếp tục khóc thầm. Vì chắc chắn cô chưa thể quên hẵn vị “Chưởng môn sư huynh” đang sống hạnh phúc và tiêu dao giang hồ cùng Nhậm Doanh Doanh, dù đó là điều mà cô nhiều phen thành tâm cầu nguyện cùng Bồ Tát. Ta tin rằng các Bồ Tát trên cao cũng sẽ chứng giám cho tấm lòng thành của cô, và sẽ nhìn vị đệ tử đang vướng luỵ trong cõi “Hồn bướm mơ tiên” kia bằng những tiếng thở dài thông cảm. Mỗi lần đọc đến những đoạn Nghi Lâm với đôi mắt long lanh lệ nhỏ, tôi thường nghĩ đến hai câu thơ của Bùi Giáng:

Anh quì xuống, hai tay bệ vệ
Để xin nâng một gịot lệ êm đềm

Trong tất cả những sáng tạo của Kim Dung, nếu có gì xứng đáng được với hai câu thơ “bệ vệ” trên, thì đó chỉ có thể là những giọt lệ của Nghi Lâm, trong đêm vắng, âm thầm rơi trên những trang kinh!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGHI LÂM
LỆ GIỮA TRANG KINH


Gia thế ngôn từ chẳng xấu cô
Hiền ngoan tinh sạch nỏ xô bồ
Khai kinh diệu ý hàn bao chỗ
Tiếp đạo trầm hương loáng mặt hồ
Phật pháp am tường lui đoạn khổ
Lệnh Xung mê mệt hoá cơn rồ
Trộm dưa run rẩy tình yêu ngố
Chửa sạch bụi trần khó vãng mô

HANSY
*********
*Tấm lòng Nghi Lâm sáng ngời như thánh nữ, tâm hồn cô như một viên ngọc toàn bích, không tì vết. Mà oái oăm thay, cô tiểu ni rực rỡ như thiên thần đó lại là kết quả của một mối tình quái gỡ của một gã đồ tể thô lỗ và một ni cô dở hơi!
Con chim sơn ca hồn nhiên của phái Hằng Sơn đã bất ngờ bị trúng mũi tên của vị thần tình yêu Cupide. Mũi tên đã xuyên qua tim vị tiểu ni, nhưng lại quá đỗi lặng lẽ vô thanh, nên cô chẳng hề hay biết. Đến khi hay được thì cô đã sầu thương héo hắt đến tiều tuỵ cả dung nhan!
Khi cùng đồng môn theo Lệnh Hồ Xung nỗi trôi giữa giang hồ vì tai nạn của bản phái, thì những ánh mắt quan hoài thầm kín của cô dành cho gã lãng tử đó vô cùng đằm thắm và chan chứa biết bao sự thương yêu của một mối tình câm lặng.

Như một hành giả Du già toạ thiền, quên đi ngoại cảnh mà chỉ chú tâm quán tưởng một đối tương duy nhất, thì tiểu sư thái Nghi Lâm dường như suốt đời chỉ “quán tưởng” mỗi một hình ảnh của Lệnh Hồ Xung!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

PHẨM HẠNH TRONG NGẦN

Gia thế không làm xấu dáng cô
Hiền ngoan tinh sạch chẳng dâm ô
Khai kinh diệu ý lan tâm trí
Tiếp đạo vi ba vỗ mặt hồ
Phật pháp am tường lời thiện nguyện
Lệnh Xung mê mết gã hồ đồ
Trộm dưa run rẩy thương là thế
Chưa sạch bụi trần khó vãng mô

HANSY
*
NGHI LÂM

Ngây thơ,thanh khiết tiểu ni cô,
Trần cấu đời thường khó uế ô.
Ngọc sáng nào e chăn kỷ viện,
Sen thơm đâu ngại gió giang hồ.
Thân nơi Kiến Tính ngôi tôn quí,
Hồn gởi Hoa Sơn gã khí đồ.
Một kiếm xong đời tên nguỵ tặc,
Đêm trăng trong vắt tiếng nam mô.

phamanhoa
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

15.
ĐOÀN DỰ
Kẻ phụng hiến trong tình yêu


Tục ngữ bảo: “Con gái đôi tai, con trai đôi mắt”, nghĩa là trong tình yêu, phái nữ thường vì đôi tai mà trái tim bị chinh phục, còn phái nam thường do đôi mắt mà thần hồn bị đảo điên. Cho nên có người nói rằng: người đàn bà suốt đời chỉ khao khát nghe được câu “Anh yêu em” từ người đàn ông mà họ thương yêu, còn người đàn ông thì ngược lại, suốt đời họ cứ trăn trở mãi với câu hỏi “Ta yêu ai?”. Nếu ta đem câu hỏi này để chất vấn Kim Dung, ắt hẳn ông, với nụ cười hóm hĩnh, sẽ đưa ra hình ảnh đáng yêu của vị vương tử đa tình nước Đại Lý: Đoàn Dự!
Những nhân vật chính diện trong tác phẩm Kim Dung, cũng như trong các tác phẩm võ hiệp khác, thường là đối tượng thương yêu của nhiều trái tim kiều nữ, như Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ.... Nhưng trong tình yêu của Đoàn Dự vẫn có chỗ khác biệt: đó là sự đắm say trong tất cả mối tình với những người con gái kiều diễm trên đời, mà chàng ta yêu ngay từ lần đầu gặp gỡ. Từ Chung Linh, rồi pho thạch tượng cho đến Mộc Uyển Thanh... Chỉ đến khi gặp được Vương Ngữ Yên thì tất cả hình ảnh giai nhân trên thế gian này mới thực sự bị xoá nhoà đi như không còn nữa. Tự tòng nhất kiến khanh khanh hậu. Trần thế giai nhân tổng thị vô. (Kể từ một lần gặp được khanh khanh, thì tất cả giai nhân trên đời này coi như không còn nữa).
Vị vương tử đa tình họ Đoàn đi đến đâu đều đắm say tình yêu đến đó, như một thỏi sắt cứ mãi mãi bị hút bởi từ lực của giai nhân. Chàng ta chỉ tôn thờ nhan sắc, chẳng thèm quan hoài chi đến võ công hay quyền lực. Được cầm cương ngựa cho giai nhân là nỗi khát khao suốt đời của chàng ta. Mà hồng nhan thì có khắp trong thiên hạ, cho nên tình yêu của chàng ta cũng bén rễ khắp chốn khắp nơi.
Đối với chàng ta thì chỉ có tình yêu là tất cả, như một Xuân Diệu thời trai trẻ “Tôi khờ khạo lắm ngu ngơ quá, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”. Nhưng trong tình yêu của Xuân Diệu “Yêu là chết trong lòng một ít” vẫn ngầm chứa nỗi khát khao được yêu lại, mà không đạt được nên đâm ra khổ đau và chết một ít trong lòng.
Còn Đoàn Dự thì hơn thế, chàng ta tìm đến với người đẹp dường như chỉ để chiêm ngưỡng tình yêu dưới quan điểm mỹ học thuần nhiên. Yêu chỉ để mà yêu, yêu chỉ để thoả mãn nỗi khát khao tôn thờ vẻ đẹp, yêu như một sự bột phát tuôn trào của những cảm xúc tự nhiên là muốn được phụng sự cho khách má hồng. Nhất là trong tình yêu chàng ta dành cho Vương Ngữ Yên.
Suốt đời cứ mê mẫn lẽo đẽo theo nàng ta rong ruỗi khắp giang hồ, như một kẻ tuỳ tòng hờ, chỉ ước mong nàng hạ tứ ban cho một nụ cuời, một ánh mắt nhìn là mãn nguyện. Cái thiết tha say đắm đã được đẩy tới chỗ tận cùng “Ta đâu biết cõi vô tình vô tận, nhưng tình ta ta biết tận vô biên” (Hồ Văn Thắng). Chàng công tử đa tình ấy như muốn tìm một chốn an tâm lập mệnh trong chút hương thừa của quốc sắc thiên hương!
Vương Sóc, một nhà văn Trung Quốc chuyên bài xích Kim Dung, đã phê phán rằng nhân vật Đoàn Dự chỉ là hình ảnh lặp lại của anh chàng công tử ẻo lả đa tình Gỉa Bảo Ngọc trong kiệt tác Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần mà thôi.
Nói thế không khỏi cho chỗ oan uổng và bất công. Đoàn Dự làm gì uỷ mị đến mức sướt mướt khóc gió than mây như Giả Bảo Ngọc ? Nhưng cả hai đều rất giống nhau ở điểm: xem nhan sắc, hay đúng hơn phái nữ, là biểu trưng cho những gì đẹp đẽ nhất trên cõi đời này. Giả Bảo Ngọc cho rằng cốt cách đàn ông được cấu tạo từ đất, còn cốt cách đàn bà thì được cấu tạo từ nước. Nước thì mềm mại, nhu nhuyễn, cho nên giai nhân thì mong manh và đáng yêu vô kể !
Khi Đoàn Dự nhìn thấy Du Thản Chi - đang là Bang chủ Cái Bang - chấp nhận quì lạy Đinh Xuân Thu và gọi lão bằng sư phụ để mong lão tha chết cho A Tỷ, một cảnh tượng làm tất cả các nhân vật võ lâm trong đương trường phải phẫn nộ vì xấu hổ cho “thân phận nam nhi”, thì chàng ta lại thán phục và ngầm so sánh với mình.
Chàng ta cứ ngỡ rằng tấm lòng mình dành cho Vương Ngữ Yên tưởng chừng như đã đạt đến chỗ sơn cùng thuỷ tận của tình yêu, đã đến mức hoan hỷ tận hiến tất cả thân tâm, nhưng ngẫm ra hãy còn thua xa Du Thản Chi, là kẻ tình nhân đã đạt đến trình độ yêu đương quỷ khốc thần sầu. Và chàng ta thầm khen Du Thản Chi mới đích thị là “bậc hiền thánh trong tình yêu” (tình trung hiền thánh)!
Trong tình yêu của Đoàn Dự và Du Thản Chi không còn một chút dấu tích so đo tính toán của lý trí, còn “cái tôi” thì đã hoàn toàn biến mất để hoà tan trong đối tượng thương yêu. Hai ông “tình thánh” kia quả rất xứng đáng là những kẻ si tình vĩ đại nhất của mọi thời đại, suốt dưới vòm trời bốn bể năm châu!
Còn môn Lăng ba vi bộ kỳ tuyệt mà chàng ta học được, khi vô tình lạc vào thạch thất của phái Tiêu Dao sau núi Vô Lượng, cũng nhờ đắm say chiêm ngưỡng bức thạch tượng tạc một phụ nữ dung nhan tuyệt đại trông tợ thần tiên.
Những kẻ muốn đùa cợt hoặc xúc phạm bức tượng ắt phải chết vì những mũi tên tẩm độc ngầm dấu trong các cơ quan rồi. Chỉ có chàng ta vì mê mẫn bức tượng, xem đó là bậc thần tiên giáng thế, nên mới chịu khó cung kính quì lạy đủ 1000 lạy! Và chính tấm lòng đa tình lãng mạn đó vô tình cứu chàng ta khỏi hoạ sát thân.
Kim Dung đã cực tả cái thần trong đôi mắt của thạch tượng làm người đọc liên tưởng đến sự quyến rũ kỳ diệu trong nụ cười Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Nhan sắc ấy và đôi mắt ấy thì trách sao anh chàng đa tình Đoàn Dự không điên đảo thần hồn, hân hoan quì lạy, gọi bằng “Thần tiên nương tử, Thần tiên tỷ tỷ”, và hứa hẹn thời gian sau sẽ quay về đoàn tụ, dù vị “thần tiên nương tử” đó chỉ là pho thạch tượng! Cái tình yêu ấy đã được thăng hoa gần như thoát tục, và còn như muốn đi xa hơn cả cái khái niệm amor platonicus trong văn học phương Tây.
Dưới ánh sáng của tình yêu như thế, thì mọi vật dù vô tri giác cũng sẽ tràn đầy sức sống và được gán cho một linh hồn. Đó cũng là tình yêu mà sau này chàng ta mãi mãi dành cho người con gái diễm kiều thông tuệ Vương Ngữ Yên - một bản sao của pho thạch tượng thần tiên đó.
Ngoài nhan sắc, chàng ta chẳng thiết tha gì với những cái mà thiên hạ sẵn sàng đổ máu để tranh giành nhau. Đường đường là vị hoàng thân quốc thích của nước Đại Lý, chuẩn bị kế thừa ngôi vua, nhưng vì không muốn học võ công, không ham chính trị, nên chàng ta dấn thân phiêu bạt giang hồ, kết bạn với anh hùng hảo hán.
Hễ thấy nơi nào có tranh chấp là chen vào can thiệp, bằng lý lẽ của anh đồ gàn, bất chấp họ có thèm nghe theo mình hay là không. Võ công thì siêu đẳng với tuyệt kỹ Lục mạch thần kiếm độc bá võ lâm, nhưng chàng ta chẳng thèm mơ màng chi cả, nên khi thì thi thố thần diệu tuyệt luân, lúc thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn như đứa bé không biết võ công.
Chỉ có một môn võ công chuyên dùng để “chạy trốn” mà chàng ta luôn sử dụng thành công, đó là những bước Lăng ba vi bộ. Chàng ta học bộ pháp kỳ tuyệt đó rất dễ dàng bởi vì nó chỉ dùng để tránh đòn mà không phải sát thương một ai… Như vậy mới hợp với tấm lòng đôn hậu của chàng ta: muốn tất cả mọi người vất bỏ hận thù, và sống chan hoà với nhau như anh em.
Một anh đồ gàn rong ruỗi giữa cõi giang hồ đầy bất trắc và ân oán thị phi, để rao giảng thuyết “Tứ hải giai huynh đệ” của Khổng Tử bằng cái tâm trong sáng hồn nhiên, giống như một Don Quichotte ở phương Đông. Ấy vậy mà đôi khi những lời lẽ gàn gàn, tưởng chừng như dở hơi đó, lại cứu vãn được nhiều cục diện căng thẳng sắp đi đến chỗ bất khả vãn hồi, và võ công cũng không thể giải quyết được gì.
Kim Dung để cho Đoàn Dự kết nghĩa anh em với Tiêu Phong, Hư Trúc và mối giao tình của họ, như một dòng nước ngầm chạy suốt bên dưới tác phẩm Thiên long bát bộ, như để nêu lên những mối tư lường thâm huyền cho tư tưởng.
Nếu Tạo hoá đã dùng đại lực lượng, đại ý chí để sáng tạo nên những vưu vật hiếm hoi, những cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, thì con người phải biết thưởng ngoạn chiêm ngưỡng để khỏi phụ tấm lòng Hoá công, cái mà thơ Lý Hạ gọi là “Nguyên hoá tâm”. Cũng vậy, khi con người đã bỏ tâm huyết cả một đời người để sáng tạo nên những công trình trác việt, như một thể cách đáp ứng lại đức Sinh của tạo hoá, thì những kiệt tác đó của con người cũng không thể bị vùi chôn trong quên lãng được.
Đỗ Phủ đã từng cảm thán “Văn chương thiên cổ sự, đắc thất thốn tâm tri” (Văn chương là chuyện ngàn năm, được hay mất chỉ tấc lòng biết thôi). Nặn óc vắt tim, đẻo gọt gan ruột làm ra sách là để gởi lại cho hậu thế, mà không một ai biết đến, điều đó há chẳng đáng xót xa sao? Nhưng đâu chỉ trong văn chương, mà trong tất cả những công trình nghệ thuật do con người sáng tạo, đều là chuyện đem tấc lòng gởi vào thiên cổ cả, nên con người của vạn đại mai sau không có quyền để cho mai một.
Do đó, khi Đoàn Dự phát hiện ra bao võ công uyên áo của phái Tiêu Dao còn lưu trong thạch thất núi Vô Lượng, nhưng lại hờ hững bỏ qua không chịu học, (vì ấn tượng mạnh nhất đối với chàng ta là pho thạch tượng chứ không phải các bí cấp võ công), thì Kim Dung phải bố trí cho người anh kết nghĩa của Đoàn Dự là Hư Trúc hưởng được toàn bộ chân truyền của các tuyệt kỹ đó trên cung Linh Thứu. Đó cũng là cách để Hư Trúc, thay mặt anh chàng tam đệ si tình, mà tạ lỗi với cổ nhân!
Nào phải chỉ có những cái hợp nhau mới tìm đến với nhau theo lẽ “Thanh khí ứng cầu”, mà những cái cực đoan cũng hay gặp gỡ nhau. Và chính hai cái thái cực đối nghịch, khi kết hợp lại, mới làm sáng tỏ thêm ý nghĩa đời. Ngạn ngữ phương Tây bảo “Les extrémités se touchent” cũng là ý đó.
Một Đoàn Dự không thiết tha chi ngoài nhan sắc, một Tiêu Phong không thích gì ngoài rượu và võ công, hai người tưởng chừng như khác nhau một vực một trời đó, ở chỗ thẳm sâu lại vô cùng gần gũi nhau trong tâm hồn quãng đại. Kim Dung đã sâu sắc biết bao khi sắp xếp hai người đại diện cho hai cực đoan đó gặp nhau trên Tùng hạc lâu và kết nghĩa anh em. Để khi đối cực bên này đổ vỡ thì đối cực bên kia đi đến chỗ tựu thành, như một sự điều hoà và cứu vãn cho nhau.
Người anh hùng Tiêu Phong lạc bước vào Mê Cung, và đã kết thúc cuộc đời trong bi hận. Mối tình ngậm ngùi đau đớn của ông với A Châu đã vỡ tan cung bậc, thì chút tâm nguyện xem như phó thác lại cho người em kết nghĩa là Đoàn Dự, để chàng ta tựu thành những gì ông để dở, bằng khối tình si đối với Vương Ngữ Yên. Tấm lòng đó của Đoàn Dự cho dẫu không cứu vãn được, thì cũng an ủi được rất nhiều cho những tình yêu ngang trái.
Đoàn Dự sinh ra chỉ để phụng hiến cho tình yêu, và đối với một kẻ đa tình như chàng ta thì có lẽ trong tình yêu, người đàn bà không bao giờ có tuổi và người đàn ông không bao giờ có mối tình đầu!
HUỲNH NGỌC CHIẾN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

16
Ẩn ngữ
LIÊN TUYẾT KIỀU


Một cô gái dung nhan tuyệt đại, tài năng và trí thông minh đáng được liệt vào hàng cực phẩm của nhân gian, mà đành phải bịt tai trước tiếng lòng thổn thức để gán duyên cùng một nhân vật nửa người nửa vượn. Một thanh niên thông tuệ tuấn tú phải chối bỏ tình yêu để người em kết nghĩa được tựu thành ước nguyện. Một kẻ nửa người nửa vượn - kết quả của một tấn thảm kịch não nùng giữa một con vượn và một cô gái đang tuổi thanh xuân - lại cứ hồn hồn ngạc ngạc giữa nhân gian, yêu say đắm người yêu của nghĩa huynh, mà không biết được rằng mình đã làm hai trái tim tan nát, cứ cuồng điên chiếm hữu cho được người ngọc theo sự sắp đặt của một nhân vật đa mưu túc trí.

Tất cả bi kịch đó xảy ra cũng chỉ vì cái gọi là “đại cục của võ lâm”. Ngoạ Long Sinh đã bài thiết một tình huống não nùng làm người đọc phải cháy bỏng cả tim gan. Nhưng chính sự tan nát lòng người đó lại là điều kiện để tinh hoa phát tiết. Đó có thể xem như là “chủ đề tư tưởng” trong tác phẩm Vô danh tiêu của Ngoạ Long Sinh.

Không muốn tóm lược lại cốt truyện khi viết bài, vì điều đó chỉ thêm rườm rà vô ích đối với người đã đọc sách. Nhưng riêng đối với tác phẩm Ngoạ Long Sinh, thì xin độc giả cho phép được “lung khởi” dài dòng đôi chút, vì các tác phẩm của ông ít được phổ biến ở Việt Nam. Phần tóm lược có thêm vài lời nhiếp dẫn, rất mong có thể giúp ích được chút gì đó đối với người chưa từng đọc qua Ngoạ Long Sinh.

Nhân vật chính trong bộ Vô danh tiêu là Thượng Quan Kỳ - một thanh niên tuấn tú thông tuệ - sau một biến cố của sư môn, phải lưu lạc giang hồ với thương thế trầm trọng do trúng độc. Y lưu lạc đến một ngôi cổ tự hoang phế và gặp một dị nhân là Tiêu Tiên - người chấp nhận giam mình trong gác vắng gần hai mươi năm trời để luyện võ công thượng thừa thù thắng, muốn đem nội kình gởi vào tiếng tiêu để sát thương địch nhân ở xa hàng dặm, trong chỗ vô hình tích.

Tiêu Tiên tâm tính hỷ nộ bất thường vì ông có một tâm sự bi thương khôn tả: người nghĩa đệ mà ông yêu thương đã đầu độc ông để cướp cả vợ lẫn con. Do phát hiện căn cơ cốt cách của Thượng Quan Kỳ, ông chấp thuận truyền toàn bộ tuyệt nghệ cho Thượng Quan Kỳ mà không cần danh nghĩa thầy trò, chỉ với một yêu cầu là Thượng Quan Kỳ sẽ giúp ông tầm thù rửa hận, vì hai chân ông đã bị tàn phế do trúng độc, nên dù võ công tuyệt cao, ông không muốn rong ruổi giữa giang hồ.

Vốn bản chất quật cường, Thượng Quan Kỳ vẫn khăng khăng từ chối. Sau đó, Thượng Quan Kỳ gặp nạn và rơi vào một tuyệt cốc. Chính ở nơi đây, y đã biết được một thảm kịch nhân gian. Người cứu nạn cho y là một con vượn khổng lồ, và là “chồng” của một thiếu phụ đáng thương!

Thiếu phụ ấy, thuở còn là con gái, sống trong một ngôi làng bình dị ở vùng sơn cước với tất cả các ước mơ bình dị của một thôn nữ hiền lành. Một ngày kia tai hoạ bỗng đổ ập xuống làng khi một con báo từ đâu đến gieo hoạ cho gia súc lẫn người. Dân làng hiền lành mộc mạc đang đau khổ vì không có cách đối phó, thì bỗng nhiên xuất hiện một con vượn khổng lồ đánh chết con báo tai ác kia. Dân làng vô cùng mừng rỡ và hân hoan cảm tạ vị cứu tinh bất ngờ đó, đã đổ xô ra chứng kiến trận đánh kỳ lạ kia. Sổ đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên: cô gái ra đứng xem đã bị con vượn bắt mang đi. Kết quả cuộc hôn phối đầy oan nghiệt ấy là Viên Hiếu - đứa con trai nửa vượn nửa người.

Dưới sự sắp đặt của người mẹ bất hạnh, Viên Hiếu theo Thượng Quan Kỳ về lại “cõi người ta”, với tâm hồn ngẩn ngơ của một người sơ thuỷ vừa thoát khỏi cuộc sống vượn người. Sau khi học được võ công kỳ đặc của Tiêu Tiên, hai anh em dấn thân vào giang hồ và gặp Liên Tuyết Kiều, trong bối cảnh cô này, dưới vai một cô gái có tang, đang tìm cách chi phối quần hùng.

Cô gái cực kỳ diễm lệ và võ công cao cường đó là con nuôi của một kẻ gian hùng tuyệt đại võ lâm đang nuôi mộng bá chủ giang hồ: Cổn Long Vương. Tài trí, dã tâm và thủ đoạn lẫn võ công của Cổn Long Vương còn cao gấp nhiều lần so với Tả Lãnh Thiền trong Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Y hiện thân như là Caesar giữa chốn giang hồ, và chỉ có một người đủ mưu lược và tài trí để chống đối lại y là Đường Toàn - sư đệ của chính y. Đường Toàn chỉ là một thư sinh trói gà không chặt, nhưng bằng trí thông minh kiệt xuất của mình, làm quân sư cho Cùng Gia Bang để đối đầu với vị sư huynh gian hùng đó.

Liên Tuyết Kiều dùng mê dược của Cổn Long Vương để thu phục Thượng Quan Kỳ làm vệ sĩ. Một lòng trung thành với nghĩa huynh, Viên Hiếu cùng đi theo Thượng Quan Kỳ để bảo vệ. Cõi giang hồ đầy biến động dưới mắt y chẳng có gì đáng bận tâm, ngoài người nghĩa huynh và cô nàng Liên Tuyết Kiều diễm lệ.



Viên Hiếu đối với Liên Tuyết Kiều như Du Thản Chi đối với A Tử. Trong tâm hồn yêu đương man dại đó, chân dung Liên Tuyết Kiều hiện ra như Bồ Tát Quan Âm! Còn Liên Tuyết Kiều càng ngày càng khám phá ra một đều: chàng vệ sĩ võ công cao cường, dưới lớp hoá trang bệnh hoạn và đang bị một thần trí vì mê dược, không biết tự bao giờ đã chiếm trọn trái tim nàng.

Về sau, do khiếp sợ trước dã tâm và thủ đoạn của Cổn Long Vương, Liên Tuyết Kiều gia nhập Cùng Gia Bang để chống lại nghĩa phụ mình. Mê dược được giải, Thượng Quang Kỳ khôi phục thần trí và hỡi ơi, nghiệt oan cũng khởi đầu từ đó, khi chàng thanh niên tuấn tú thông tuệ kia tự hỏi lòng mình, và thấy rằng mình đã cùng Liên Tuyết Kiều “hẹn nhau từ muôn kiếp trước”.

Một bên nghĩa đệ, một bên người yêu. Làm thế nào để đôi đường đều trọn vẹn? Ở đây không khởi đầu cho một mối tình tay ba rẻ tiền, mà vấn đề tư tưởng được đẩy lên đỉnh cao chót vót.

Đường Toàn, với thân hoài tuyệt học nhưng thể trạng lại bạc nhược, đang muốn tìm người để kế thừa y bát. Chính thời điểm đó, Liên Tuyết Kiều hiện ra trước mắt ông như một môn đồ lý tưởng. Giống như Khổng Minh tìm được Khương Duy.

Vị quân sư thông minh trác tuyệt đó biết rõ tình cảm của Liên Tuyết Kiều với Thượng Quan Kỳ, nhưng ông cũng đã vô cùng sâu sắc để hiểu rằng một khi gái quốc sắc tìm được trai thiên tài thì mọi sự xem như chấm dứt. Nàng sẽ tự an phận với cuộc sống bình yên của một người vợ hiền, sẽ lo vá may nội trợ để chăm sóc hạnh phúc cho tổ ấm gia đình. Một thằng cu hay con bé ra đời nữa là xem như xong!

Cuộc sống gia đình êm ấm luôn là ước mơ của con người, nhưng oái ăm thay, đối với khách tài hoa, thì nó cũng là nguyên nhân làm lụi tàn đi tinh thể.

Ta biết ngày mai em cưới vợ
Ngày làm hai buổi tối về thăm
Cơm xong chén nước chờ bên cạnh
Em bế thằng con được mấy năm
Mới mấy năm thôi đủ phận chồng
Chàng trai ngày trước đã thành công
Không còn mộng ước thời trai trẻ
Mắt sáng phai rồi, má hóp không.
(Xuân Diệu).

Xuân Diệu đã từng chua xót cho bè bạn hào hoa thuở cũ, khi cay đắng nhận ra rằng cuộc sống êm ả đơn điệu của gia đình đã nhận chìm mất nơi họ bao hoài bão thuở thanh xuân.

Ta bước lên đường kêu gọi mãi.
Những người bạn cũ thuở anh niên
(Xuân Diệu)

Và lời kêu gọi đó của Xuân Diệu đã tìm được lời đồng vọng từ Ngoạ Long Sinh.

Thôi thì từ đây, bao võ công bao tài trí từng làm khiếp đảm quần hùng, em xin gởi trả hết cho đời. Dầu gì đi nữa em cũng chỉ là phận nữ nhi “nghìn tầm gởi bóng tùng quân, nắng mưa che chở cho thân cát đằng”, rong ruổi làm gì nữa, đem tài hoa ra ganh đua xông xáo với đời làm gì nữa, khi Thượng Đế đã ban cho em một đấng lang quân như ý?

Chàng cứ tha hồ tung hoành đi nhé. Em sẽ lo toan mọi chuyện nhà, để mỗi khi quay về là chàng sẽ thấy một tổ ấm dịu êm. Đôi mắt từng áp đảo quần hùng từ nay sẽ mất hết thần quang để chỉ nhìn con nhìn chồng. Đôi tay từng chỉ huy nhiều trận huyết chiến từ đây sẽ tìm bình yên bên mâm cơm cái chén!

Trong khi đó? Cục diện võ lâm đang cần một con người tài trí nhiều cơ biến như Liên Tuyết Kiều. Cái bản lĩnh ấy không thể để mất chìm trong tiếng ru con, và cái thông tuệ ấy không thể vùi mất nơi góc bếp. Nàng phải thay vị quân sư yểu mệnh kia để tiếp tục cứu vãn sát kiếp cho võ lâm.

Và Đường Toàn bố trí để gá duyên nàng cùng Viên Hiếu. Mộng hoài thanh xuân đành đổ vỡ theo hình bóng ngậm ngùi. Thế thì từ nay ta sẽ đem hết tài hoa bạt tuỵ ra thi thố với đời để phát tiết cho hết mối hận lòng cay đắng. Trí tuệ bị ma chiết sẽ càng thêm sắc bén, khổ luỵ đoạn trường sẽ càng làm thêm rõ nét tài hoa.

Ngoạ Long Sinh giúp ta thể hội một điểm: để cho hai cái tài hoa tuyệt đại gặp nhau ắt tinh thể sẽ tan hoang. Rồng gặp mây đâu chắc sẽ thi thố được hết tài năng, mà lắm khi sự êm ấm lâu ngày sẽ biến nó thành con giun đất!

Con người chỉ khám phá được mình khi phải đương đầu với khổ đau và trở ngại.

Cảnh đoạn trường sẽ đưa con người qua muôn vạn cảnh đời dâu bể để con người triệt ngộ và có điều kiện phát tiết anh hoa. Tấm vải của mộng đời chân chính sẽ không được dệt bằng tơ lụa trưởng giả của gác tía lầu son, của ngọc đường kim mã, mà phải được dệt băng nước mắt và cát bụi của trần gian.

Ngoạ Long Sinh cũng để Thượng Quan Kỳ và Liên Tuyết Kiều phải chia tay vĩnh viễn. Con người vô tâm Viên Hiếu phải kết duyên cùng Liên Tuyết Kiều để làm sáng tỏ thêm ẩn ngữ của nàng trong “cõi người ta”.

HUỲNH NGỌC CHIẾN
Trước 1975, tại Sài Gòn, Thương Lan đã dịch cuốn này với tựa đề “Điệu sáo mê hồn”. Song bản dịch lại bỏ một phần cuối là đoạn quan trọng nhất trong tác phẩm, thành thử bạn đọc có cảm tưởng bị hẫng khi đọc bản dịch này.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

17.
TIÊU PHONG
Người anh hùng trong mê cung định mệnh


Một chiêu cực kì cương mãnh trong Hàng Long thập bát chưởng tung ra, và A Châu - trong lốt cải trang Đoàn Chính Thuần - đã ngã gục dưới ánh sấm chớp loè và cơn mưa đêm tầm tã. Kim Dung đã bố trí cái chết oan uổng của cô tì nữ thông minh A Châu trong một bối cảnh vô cùng thê lương và bi đát.
Tiêu Phong lặng người ôm xác chết người yêu do mình lỡ ra tay ngộ sát. Cùng với cái chết của A Châu, một Tiêu Phong chỉ biết rượu và võ công đã chết, sự thanh thản tâm hồn đã cáo chung và từ đây kẻ anh hùng kiệt xuất của Kim Dung bắt đầu cung bậc của đoạn trường khổ luỵ.
Trong tất cả các nhân vật của Kim Dung, có lẽ chỉ có Tiêu Phong là nhân vật gây ấn tượng sâu đậm nhất về thân phận bi tráng của người anh hùng trong mê cung của định mệnh. Số phận của ông thật là nghiệt ngã.
Thoạt tiên ông ngỡ mình là người Hán, và với tư cách là Bang chủ Cái bang, ông đã vì xứ sở Hán mà phục vụ. Vốn bản chất sôi nổi anh hùng, cả đời ông chỉ giao du cùng hảo hán khắp giang hồ. Ông không hề biết đến tình yêu, chưa bao giờ biết rung động trước một khách má hồng nào, dẫu người đó có thuộc nòi thiên hương quốc sắc. Ông chỉ đam mê rượu cùng võ công. Và chính cái đó đã dẫn đến thảm kịch của đời ông, một thảm kịch cực kì bi tráng.
Mà cũng đúng thôi. Một trang hán tử vô cùng kiêu dũng, là niềm ước mơ của biết bao nhiêu khách má hồng thế mà ông cứ vô tình đi giữa cõi đời, cứ mãi mãi “Ví dầu trần gian có người quốc sắc, thì ta cũng chỉ dừng chân vuốt mặt rồi đi”(*), cứ hờ hững với tấm lòng say đắm của người ta, ông xem trọng rượu và võ công hơn nhan sắc, trách nào người ta không hờn dỗi.
Từ hờn dỗi biến thành hờn căm. Rồi từ hờn căm đi đến hận thù và tìm cách trả thù cũng không xa. Định Mệnh đã muốn thay mặt cho khách má hồng trả thù anh chàng Narcisse phương Đông. Và người được Định Mệnh chọn ra để làm công việc ấy lại là Mã phu nhân, vợ của Phó Bang chủ Cái bang.
Một phu nhân dung nhan tuyệt đại, luôn tự hào về sắc đẹp của mình, đã khiến biết bao nhiêu khách anh hùng điên đảo thần hồn chỉ bằng một khoé mắt thu ba hoặc một nụ cười hàm tiếu. Trong một buổi tiệc lớn của Cái Bang, khi các khách anh hùng dự tiệc đều ngây ngất trước sắc đẹp của Mã phu nhân, thì Tiêu Phong chỉ chào nàng chiếu lệ và say sưa uống rượu với quần hào. Tiêu Phong vô tình như xem phu nhân không có mặt trên đời!
Vì tình yêu vô vọng, và vì tự ái, phu nhân rắp tâm báo thù. Báo thù bởi vì người mà mình thầm yêu lại không quan tâm đến mình như bao người khác. Tìm mọi cách báo thù người mình yêu, khiến cho họ thân bại danh liệt dù điều đó làm cho trái tim mình thêm tan nát! Tâm lí người đàn bà khi yêu, khi ghen thực cực kì mâu thuẫn và phức tạp.
Có lẽ chỉ có thần thoại Hy lạp và các bi kịch của Shakespeare, Racine mới sánh kịp ông Kim Dung vễ lãnh vực này.
Khi tài liệu mật về Tiêu Phong được Mã phu nhân công bố trước quần hào Cái bang, với sự dàn dựng công phu của trưởng lão Cái bang Bạch Thế Kinh, người ta mới sững sờ phát hiện ra thân thế thật của Tiêu Phong.
Ông vốn là người Khất đan. Song thân ông, năm xưa khi đi ăn tiệc nơi Nhạn Môn quan đã bị quần hào Trung nguyên, tưởng lầm là những người có âm mưu xâm nhập Trung nguyên, nên phục kích vây đánh chết. Lúc đó ông mới chỉ là một hài nhi còn ẵm ngửa. Ông được quần hào đưa về chùa Thiếu Lâm nuôi dưỡng và rèn luyện võ công, xem như để chuộc lại phần nào lỗi lầm trong cuộc giết người vô tội. Vốn tư chất thông minh, đôn hậu và có khí độ trầm hùng, nên chỉ sau một thời gian, ông trở thành Bang chủ Cái bang.
Ông hồn nhiên sống như người Hán và xem người Khất đan như kẻ thù. Ông trở thành biểu tượng của hào khí và võ công, khiến tất cả các tay cao thủ của hai phái chính tà đều ngưỡng mộ. Thế mà đớn đau thay, khi thân thế ông bị phát hiện, dù còn đang là nghi án, thì số đông quần hào lại nhanh chóng quay lưng và phủ nhận tất cả những gì tốt đẹp của khách anh hùng.
Người anh hùng của Kim Dung từ nạn nhân của một trái tim hờn ghen uất hận tiếp tục biến thành nạn nhân của một mưu đồ chính trị: đó là âm mưu lật đổ ngôi vị Bang chủ của ông.
Tâm lí con người cổ kim xưa nay đều có một điều quỉ dị kì lạ, ấy là khi chứng kiến sự sụp đổ của một thần tượng hay một người đang được tôn vinh thì trong thâm tâm họ lại cảm thấy một niềm hoan hỉ và thoả mãn ngấm ngầm!
Sau đó, Tiêu Phong bị xua đuổi khỏi cả hai phái chính tà.
Trong tâm trạng cực kì hoang mang đau đớn, ông quyết tâm đi tìm cho ra nguồn gốc thân thế của mình. Trên đường điều tra, ông lại tiếp tục bị ngộ nhận là giết cha mẹ nuôi Kiều lão, giết ân sư Huyền Khổ và chịu bao nỗi oan uổng khác. Khi ôm A Châu đến Tụ Hiền trang để cầu Tiết Thần Y chữa bệnh, ông mới biết quần hào đang tụ họp nơi đây để tìm cách đối phó với ông, một người giờ đây bị xem như là một tên cực gian ác, một kẻ thù chung của võ lâm!
Một trong những bi kịch của cuộc đời là nhiều khi vô tình tạo ra ngộ nhận và đẩy con người vào chỗ ngờ vực hận thù. Lắm lúc con người muốn làm việc thiện mà không được và muốn tránh việc ác cũng không xong.
Thôi được, các ngươi trước kia đã từng là bạn hữu của ta, có người còn mang ơn ta nữa, giờ đây Định Mệnh đã bôi mặt ta lem luốc không cho bạn bè võ lâm đồng đạo nhận ra ta nữa, lời ta nói không còn ai nghe ra nữa, đính chính không xong, biện bạch không được thì hào khí ta trỗi dậy trong huyết quản, ta sẽ cùng quần hào các ngươi uống cạn một chén rượu tuyệt tình rồi quyết tâm cùng nhau một phen sống mái để tỏ rõ mặt hùng anh!
Trong tất cả tác phẩm của Kim Dung, trận huyết chiến đơn thân độc đấu giữa Tiêu Phong với quần hùng tại Tụ Hiền trang có lẽ là trang sử bi tráng vào hào hùng nhất trong lịch sử võ lâm.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long kí. khi Trương Vô Kỵ xuất hiện ngẫu nhiên trên Quang Minh đỉnh để một mình đánh bại tất cả quần hùng, cứu Minh giáo khỏi thảm hoạ bị tận diệt, thì chàng thiếu niên anh hùng đó dựa vào môn Càn Khôn Đại Nã Di siêu tuyệt và tấm lòng đôn hậu để hoà giải tình thế nguy cấp. Lúc đó, Vô Kỵ chỉ là một chàng thiếu niên hoàn toàn xa lạ với cả hai phe, người bị thua lại được chỉ điểm thêm võ công, ai cũng hân hoan cảm tạ. Phe chính giáo do phái Võ Đang đại diện không muốn lợi dụng thời cơ để tận sát phe Minh giáo, họ cùng quần hùng rời Quang Minh đỉnh ra đi trong tâm trạng hân hoan với là cờ sáng ngời chính nghĩa: Công đạo võ lâm vẫn được duy trì.
Nó khác hẳn cuộc huyết chiến của Tiêu Phong nơi Tụ Hiền trang. Đệ huynh đồng đạo không nhìn nhận ra nhau và gây nên thảm cảnh tương tàn. Bi kịch nối tiếp theo bi kịch, ngộ nhận chất chồng lên ngộ nhận. Máu càng đổ, hận cừu càng kết chặt, oan khiên càng nặng nề thêm. Cứ điên cuồng cùng nhau đem hết sức lực bình sinh quyết đấu, đem tính mạng phiêu bồng ra chơi trò chơi kì tuyệt của Định Mệnh, cứ tự cuốn trói nhau vào mới bòng bong rối mù của ân oán thị phi cực kì phi lí để rồi mai đây, khi tỉnh ngộ và dừng tay lại, nhìn ra nhau chân dung của đệ của huynh, thì buổi trùng lai cuối cùng nơi Nhạn Môn quan đã nhuộm quá nhiều sắc màu ngậm ngùi cay đắng!
Rồi cuộc truy tìm thân thế đưa đẩy Tiêu Phong đến chỗ ngộ sát người yêu duy nhất trong đời là A Châu khi hai người đã ước nguyện sẽ từ giã giang hồ, cùng tìm về Nhạn Môn quan để sống cuộc sống thanh bình chăn dê trên đồng cỏ.
A Châu, do ngộ nhận, cứ ngỡ người cha mà mình không dám nhìn nhận - Đoàn Chính Thuần - là chủ mưu trong việc giết cha mẹ Tiêu Phong năm xưa ngoài quan ải. Còn Tiêu Phong cũng không biết người mà mình yêu thương hơn cả tính mệnh, nguồn an ủi duy nhất trong đời, lại chính là con của Đoàn Chính Thuần. Khi hội diện với Đoàn Chính Thuần nơi rừng trúc, Tiêu Phong hỏi về thân thế của một hài nhi là mình thì Đoàn Chính Thuần lại ngỡ là hỏi về một đứa con rơi ngày trước của ông. Cuộc đối thoại vô tình lại càng tăng thêm ngộ nhận.
Lời lạc điệu, tiếng lạc âm. Mọi mối cảm thông đều bị cắt đứt. Định Mệnh đã giăng một màn lưới oan nghiệt để không ai còn nhận ra nhau! Đối diện nhau mà cứ như lạc trong cõi sương mù. A Châu vì chữ Hiếu đã tự nguyện đem thân mình ra hoá giải mối oan cừu không có thực!
Hiếu Tình đôi đường không trọn thì chỉ còn có cái chết mà thôi. Người con gái thông minh, đáng yêu mang nặng tâm hồn phương Đông đó đã tìm cách điều hoà những mâu thuẫn trong đời bắng một giải pháp bi thương!
Tình yêu chân chính đầu đời luôn mở ra những chân trời vô biên và tuyệt đích khiến cho con người trở nên cao thượng. Và để đạt đến chân trời đó, đôi khi con người sẵn sàng khước từ cả đối tượng thương yêu và hân hoan chấp nhận hi sinh.
Trong dang dỡ, trong đau khổ, thậm chí trong cái chết, lòng người vẫn tự hào vì đã sống xứng đáng với tình yêu đó. Cái chết oan nghiệt của A Châu đã làm sáng tỏ những điều ngộ nhận nhưng tất cả đã quá muộn màng!
Mọi người lần lượt bỏ đi chỉ còn một mình Tiêu Phong ôm xác A Châu kêu gào giữa cảnh đồng không! Võ công quán thế, hào khí ngất trời. Tất cả những cái đó nào có nghĩa gì trước cái xác lạnh giá của người yêu? Bi kịch ngàn năm của con người vẫn hiện ra đấy trong các kiệt tác kim cổ Đông Tây. Đấng Tối cao vẫn cứ muôn đời lặng thinh trước những tiếng kêu trầm thống tuyệt vọng của con người.
Trong Le Malentendu của A. Camus, người câm đã bỏ đi khi người mẹ ra sông tự vẫn vì do ngộ nhận lỡ giết con trai, bỏ lại một mình Martha đang kêu gào, đối diện với sa mạc nhân gian!
Tiêu Phong không có được diễm phúc như Trương Thuý Sơn là được cùng chết với Hân Tố Tố để nối kết những gì còn để dang dở trong cuộc sống (Ỷ Thiên Đồ Long kí), mà chàng buộc phải sống để truy tìm thân thế trong khi chỉ muốn được chết để tạ tội với A Châu!
Cuối cùng, Tiêu Phong phát hiện ra phụ thân là Tiêu Viễn Sơn vẫn còn sống. Ông cũng chính là ân nhân đã cứu thoát Tiêu Phong ra khỏi Tụ Hiền trang trong cơn nguy khốn. Và đau đớn thay chính Tiêu Viễn Sơn đã tự tay đẩy con mình vào những cảnh ngộ oan uổng trớ trêu. Ông đã tự tay giết chết những nạn nhân rồi đổ hoạ cho con trai! Hai cha con nhận diện ra nhau ở giai đoạn cay đắng dị thường trong Mê Cung Định Mệnh.
Cùng với bi kịch thầy trò Thành Khôn - Tạ Tốn (Ỷ Thiên Đồ Long kí), Kim Dung đã dày công bài thiết thêm bi kịch cha con Tiêu Viễn Sơn - Tiêu Phong như một ngẫu hứng để song đôi về những oan nghiệt tồn sinh. Cuộc gặp gỡ hai phái chính tà trên đỉnh Thiếu Lâm tưởng chừng rơi vào chỗ bất khả vãn hồi thì nhà sư quét rác vô danh trong Tàng Kinh các xuất hiện, dùng võ công siêu tuyệt và Phật pháp vô biên để hoá giải mối oan cừu giữa Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác, đồng thời khai ngộ cho hai nhân vật kiêu hùng đó khiến họ tỉnh ngộ và qui y cửa Phật.
Một lần nữa Kim Dung lại nhờ đến Phật pháp để hoá giải oan cừu. Cõi đạo mênh mông Đông phương luôn có chỗ để con người hồi tâm quay về tìm cách hoá giải mọi ân oán thị phi khi chúng bị đẩy đến chỗ tột cùng và mọi biện pháp giải quyết tưởng chừng như bế tắc: Sơn cùng thuỷ phúc nghi vô lộ. Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn (Đến chỗ sơn cùng thuỷ tận cứ ngỡ như không còn lối nữa, thì lại thấy thấp thoáng có một thôn xóm trong những rặng liễu mờ và những cành hoa sáng - Lục Du).
Trong khi xưa nay quần hùng đều lên án và nguyền rủa Tiêu Phong thì nhà sư vô danh dị thường đó lại hết lời ca tụng!
Sách Kim Dung thường âm thầm mở ra những khoảng vắng lặng để ta có dịp suy ngẫm thêm về Đức Lí Uyên Nguyên.
Tiêu Viễn Sơn đã xuất gia, nhưng Tiêu Phong lại phải âm thầm sống để chăm lo cho A Tử theo lời trăn trối của A Châu, dù từ sau cái chết của người yêu, tâm hồn ông bắt đầu đối diện với sự trống vắng hãi hùng.
Tiếng sáo chăn dê mơ hồ trên đồng cỏ Nhạn Môn quan vẫn vọng về như một sự đoạ đày của kỉ niệm. Kim Dung lại càng đẩy cái đoạn trường của tình yêu lên cao độ khi để cho nhân vật A Tử yêu người anh rể Tiêu Phong, bên cạnh đó lại bài thiết thêm mối thảm kịch của Du Thản Chi trong mối tình si dại cuồng điên đối với A Tử!
Suốt quãng đời còn lại, mỗi lần khuyên giải A Tử, Tiêu Phong rất ít khi nhắc đến A Châu, nhưng mỗi khi đọc, ta vẫn hình dung được tâm hồn ông và cảm thấy ngậm ngùi khôn tả.
Ở đoạn cuối tác phẩm, để cứu quần hùng bị kẹt tại Nhạn Môn quan và buộc vua Liêu lui binh không được xâm lược Trung Nguyên, Tiêu Phong đã dùng võ lực áp chế nhà vua bẻ tên thề trước ba quân, rồi ông dùng tên đâm vào ngực tự vẫn để giữ trọn chữ trung, thì ta hiểu đó chỉ là cái cớ.
Tiêu Phong đã chết thực sự từ sau cái chết của A Châu! A Tử móc mắt ném trả lại cho Du Thản Chi rồi ôm xác Tiêu Phong rơi vào vực thẳm để Du Thản Chi mù loà kêu gào tên người yêu giữa cảnh trời chiều quan ải. Trong tất cả các tác phẩm Kim Dung có lẽ Thiên long bát bộ là bộ sách hay nhất và có lẽ chỉ có Thiên long bát bộ mới có cái chung cục đau thương nhường kia.
Và dường như định mệnh luôn luôn đem bi kịch vây quanh cuộc sống của những kẻ anh hùng?
HUỲNH NGỌC CHIẾN___________
(*) Hai câu thơ này tác giả nghe từ trong một tiệc rượu từ lâu nên không nhớ người đọc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MÊ CUNG ĐỊNH MỆNH

Tạo hoá cố tình giáng nỗi oan
Chàng Tiêu xất bất lẫn xang bang
Ai ra tay giết mình nên tội
Kẻ giấu mưu hèn nợ phải mang
Tình sử A Châu chìm sắc tận
Nối nguyền A Tử rướm màu tang
Khiết Đan Trung thổ thân đôi ngã
Một mũi tên đời lặng cửa quan

HANSY
*
TIÊU PHONG

Anh hùng cái thế vướng hàm oan,
Ôm nỗi ngậm ngùi bỏ Cái Bang.
Hồn gởi Trung nguyên, tình mãi nợ,
Thân về Quan ngoại, hận còn mang.
Chạnh nhìn Tống quốc mù binh lửa,
Đành chống Liêu vương gây tóc tang.
Giấc mộng cùng săn chồn đuổi thỏ,
Chôn vùi vực thẳm Nhạn Môn Quan.

phamanhoa
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

18
MẠC ĐẠI TIÊN SINH
Cánh độc hạc u hoài


Cục diện đương trường đang hồi căng thẳng tột độ, khi đại cao thủ của phái Tung Sơn là Đại tung dương thủ Phí Bân chuẩn bị mở sát giới, thì bất ngờ tiếng hồ cầm vang lên, và một bóng người gầy gò xuất hiện dưới tàng cây. Tiếng hồ cầm đột nhiên dứt bặt, lưỡi kiếm mảnh đã tung ra như con bạch xà lấp loáng dưới ánh trăng thượng huyền.

Và Phí Bân ngã gục dưới các kiếm chiêu thần tốc. Kiếm quang vụt tắt, tiếng hồ cầm ai oán lại trổi lên, ảo não và mơ hồ theo từng bước chân xa dần của Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh. Một thảm hoạ được vãn hồi. Tấn kịch xảy ra chớp nhoáng và lặng lẽ trong đêm vắng. Vị kiếm khách bất ngờ đến rồi bất ngờ đi. Âm thầm và cô đơn. Như chính tâm sự u hoài của vị chưởng môn kì lạ ấy.

Trong suốt tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung chỉ phác hoạ một vài nét chấm phá đan thanh về Mạc Đại tiên sinh nhưng đã để lại ấn tượng lạ thường về vị chưởng môn phái Hành Sơn, làm người đọc bồi hồi khôn xiết. Ngày sư đệ ông là Lưu Chính Phong rửa tay gác kiếm, một sự kiện lớn làm xôn xao cả giang hồ, người ta chờ mong ông về nhưng ông vẫn biệt tích. Trong cảnh náo nhiệt của thành Hành Sơn ngày đó, nhiều người đang háo hức muốn hội kiến ông, thì có ai ngờ nỗi ông lão gầy ốm quê mùa, ôm cây hồ cầm ngồi hát trong quán trà, thản nhiên nhận những đồng xu bố thí như một ông lão ăn mày, lại là vị chưởng môn mà người ta đang ngóng đợi!

Người ta chỉ kịp nhận ra ông lúc ông đã đi khuất, sau khi tung một đường gươm tinh ảo chém đứt bảy miệng chén trà, để cảnh báo các khách giang hồ ba hoa hiếu sự. Như một kẻ “đại ẩn” giữa đời, con người cô độc kia lại lặng lẽ ra đi, nhưng đã để lại sau mình dư hưởng của tám chữ làm kinh động võ lâm “Cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm thanh” (Trong đàn có giấu kiếm, kiếm phát ra như tiếng đàn).

Khi tấn thảm kịch xảy ra trong Lưu phủ, toàn gia Lưu Chính Phong bị giết sạch, khiến bao tay hảo thủ giang hồ phải chấn động tâm thần, vẫn không thấy ông xuất đầu lộ diện. Rồi bất ngờ, ông lại hiện ra như hồn ma giữa đêm khuya, giết chết Phí Bân để cứu sống năm mạng người: Lệnh Hồ Xung, Khúc Phi Yến, Nghi Lâm, và cả hai đại cao thủ chính tà Lưu Chính Phong và Khúc Dương trưởng lão.

Rồi ông lại tuyệt tích giang hồ. Cứ phiêu nhiên mà đến rồi phiêu nhiên mà đi. Như một cánh hạc cô đơn, Mạc Đại tiên sinh mãi ruỗi rong giữa cõi phong trần với cây hồ cầm vàng ố và một tâm sự ngậm ngùi khó hiểu.

Là chưởng môn một môn phái lớn mà cứ làm một người phiêu đãng lênh đênh. Không gia đình, không thân hữu. Sống giữa cõi đời, mà tâm sự cứ như mây bay, hạc lánh. Người ta cho rằng ông và sư đệ là Lưu Chính Phong không hợp tính tình nhau, dù cả hai đều là những nghệ sĩ thượng thừa. Điều đó dẫu có đáng tiếc chăng nữa, thì cũng là chuyện thường tình. Ở trên đời có biết bao nhiêu tâm hồn hoằng đại vẫn ngộ nhận nhau suốt cả bình sinh?

Giữa bao nhiêu sóng gió giang hồ, bỗng nhiên Mạc Đại tiên sinh lại xuất hiện, vẫn dưới lớp một ông lão quê mùa ngồi độc ẩm trong một quán rượu vô danh trên bờ sông Hoàng Hà, để nhắn nhủ Lệnh Hồ Xung nên làm minh chủ và dẫn quần hùng hắc đạo lên Thiếu Lâm tự cứu Nhậm Doanh Doanh. Trong khi một bậc cao nhân thế ngoại là Xung Hư đạo trưởng tìm cách ngăn cản không cho Lệnh Hồ Xung làm việc đó, thì thái độ và hành động của Mạc Đại tiên sinh tỏ ra ông có cái tâm nhân bản hơn rất nhiều.

Mặc dù Xung Hư đã biết rõ chuyện Doanh Doanh, vì tình yêu nên phải xả thân, hi sinh cứu Lệnh Hồ Xung, để chấp nhận cái giá phải trả là chung thân chịu giam cầm trong thạch thất, nhưng dưới mắt vị chưởng môn phái Võ Đang kia, Nhậm Doanh Doanh cũng vẫn chỉ là một “nữ ma đầu”.

Ông còn khuyên Lệnh Hồ Xung nên quên Nhậm Doanh Doanh đi, để tìm một nơi “danh môn chính phái”, cho xứng đáng với tài năng và phẩm hạnh. Làm như “danh môn chính phái” là cái gì đó ghê gớm lắm trên cõi đời này! Vị đệ nhất kiếm thủ đương thời đó, kiếm pháp đã cực cao ắt phải có được cái tâm cực tĩnh và đạo hạnh cực thâm, thế sao ông vẫn còn nặng định kiến về chính tà đến vậy!

Sự hi sinh của Doanh Doanh vì tình yêu đâu phải là điều dễ tìm thấy trên cõi đời này? Từ thân phận một “Thánh Cô” cực kì cao ngạo, thanh uy trùm cả võ lâm với hàng trăm ngàn người cầu cạnh, thế mà cô lại chấp nhận hi sinh vì Lệnh Hồ Xung. Điều đáng cảm động nhất là sự hi sinh đó lại diễn ra ngay tại thời điểm mà gã tửu đồ lãng tử kia đã thân bại danh liệt, như một thây ma vất vưỡng giữa cõi giang hồ.

“Sĩ vị tri kỉ giả tử”, kẻ sĩ chịu đem cái chết để đáp đền tấm lòng tri kỉ, là chuyện rất nhân bản ở đời thường. Kinh Kha vì Thái tử Đan mà vượt sông Dịch sang Tần. Dự Nhượng vì cảm tấm lòng đãi ngộ “quốc sĩ” mà chịu huỷ hoại thân thể để báo thù cho Trí Bá. Khổng Minh nguyện “óc gan lầy đất” để đáp đền ơn tri ngộ của Lưu Tiên chúa. Bá Nha ngậm ngùi đập vỡ cây đàn trên nấm mộ Tử Kì. Giữa kẻ sĩ và tri kỉ còn vậy, huống hồ đây lại là một tri kỉ hồng nhan?

Antony đã vì Cléopâtre mà chấp nhận hi sinh cả cơ đồ, để về chết dưới một nụ môi hôn. Từ Hải đã vì Thuý Kiều mà hân hoan làm “người tử sinh”, để sự nghiệp năm năm hùng cứ bị vùi chôn nơi thiển thổ. Cho nên Kim Dung có để Lệnh Hồ Xung khước từ tất cả, sẵn sàng chấp nhận cả cái chết, để quyết tâm cứu cho được Doanh Doanh, thì đó cũng chỉ là một cách tiếp theo cung bậc đa tình của bao thiên tài kim cổ.

Chốn suối vàng, Shakespeare ắt hẳn sẽ cùng Nguyễn Du nắm tay nhau mà nhắc chuyện Kim Dung!



Người xưa cho rằng chỉ có bậc thánh nhân mới quên được tình, và chỉ có người ngu mới không biết đến tình. Thánh nhân thì vong tình, ngu phu thì vô tình. Bọn chúng ta, với trái tim huyết nhục, ắt hẵn không thể đạt nỗi đến cảnh giới vong tình, nhưng cũng không thể là những kẻ ngu xuẫn vô tình. Nên suốt đời cứ cưu mang mãi một chữ tình để đắm chìm giữa cõi trăm năm.

Câu nói của Trương Trào, một thi sĩ Trung Quốc, cách đây ba thế kỉ mà nghe ra vẫn còn vô cùng thắm thiết “Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn”. Ôi! cái tình là cái luỵ, nhưng thử hỏi không có cái luỵ ấy thì cõi đời sẽ buồn tẻ và đơn điệu biết bao nhiêu? Vị đạo trưởng khả kính được tôn xưng là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm đó, có lẽ do chỉ sống mãi với cõi đạo thanh tĩnh vô vi, nên không cảm thông được sự nhiệm màu của chữ “Tình”. Hai chữ “vong tình” và “vô tình” sao mà gần nhau đến thế!

Khác hẳn Xung Hư đạo trưởng, Mạc Đại tiên sinh lại nhìn Doanh Doanh bằng đôi mắt đầy tính nhân văn của một kẻ hữu tình. Trong khi tất cả các nhân vật thuộc phe “chính giáo” xem chuyện giam cầm Doanh Doanh là một việc bình thường, thậm chí là đúng đạo lý và thích đáng với các việc làm của cô, thì chỉ có mỗi một Mạc Đại tiên sinh quan tâm và thôi thúc Lệnh Hồ Xung lên đường giải cứu Doanh Doanh.

Khi Lệnh Hồ Xung thỉnh cầu ông đảm nhận trọng trách, thay thế gã bảo vệ cho các ni cô phái Hằng Sơn, để gã an tâm lên đường, thì Mạc Đại tiên sinh chỉ đáp ứng bằng sự yên lặng và những tiếng hồ cầm ai oán.

Từ trạng thái hân hoan khi cùng Lệnh Hồ Xung đối ẩm, xem gã tiểu điệt kia như một người bạn vong niên, bỗng nhiên ông lại rơi vào trạng thái cô đơn cố hữu. Dường như trong đời, vị kiếm khách cô độc đó chỉ một lần hân hoan khi thấy Lệnh Hồ Xung, sau khi nghe ông kể rõ câu chuyện về Nhậm Doanh Doanh, đã nôn nóng lên đường đến Thiếu Lâm tự. Điều đó khiến người đọc cảm động xiết bao.

Dưới đôi mắt lạnh lùng cô độc của Mạc Đại tiên sinh, chân dung cô “nữ ma đầu” Nhậm Doanh Doanh đã hiện ra như một nữ thánh chịu khổ nạn đóng đinh trên cây thập giá của Tình yêu! Làm người, phải có cái tâm lớn mới cảm hết được cái tình sâu. Trong tất cả các bậc tôn trưởng phe chính giáo, có lẽ chỉ Mạc Đại tiên sinh mới có được cái tâm lớn để thấu hiểu được cái tình sâu của Nhậm Doanh Doanh.

Kim Dung đã sáng tạo nên một nhân vật kì lạ, cô độc khắc khổ là Mạc Đại tiên sinh. Và Kim Dung cũng không cho độc giả hiểu vì lý do nào mà ông mang tâm sự bi thương ấy. Thế nhưng chỉ qua một đoạn ngắn hội kiến cùng Lệnh Hồ Xung trên quán rượu ven sông, tấm lòng quan hoài của ông đối với một “nữ ma đầu” phe đối địch, lại không có liên hệ gì đến ông, đã khiến chúng ta cảm mến ông bao xiết!

Dưới lớp vỏ cô độc khắc khổ đó lại là trái tim nặng trĩu tình người của một kiếm khách tài hoa. Có lẽ trong đời, ông đã có một tâm sự u sầu tột bậc. Vì tình yêu? Vì thân phận? Vì những mộng hoài dang dở buổi thanh xuân? Ta không rõ nhưng vẫn có thể cảm thông. Vì ở trong đời, có biết bao nhiêu kẻ mang tâm sự u oán hận sầu mà không biết tỏ cùng ai, và cũng không thể tỏ cùng ai.

Khách giang hồ như Mạc Đại tiên sinh thì làm gì có một Thượng Đế để cầu nguyện, nên suốt đời phải gởi tâm sự vào chén rượu và cung bậc hồ cầm ảo não thê lương. Cho dẫu khi, do gian mưu của Nhạc Bất Quần, ông cùng quần hào ngã gục giữa đám loạn kiếm trong thạch động sau núi Hoa Sơn, thì có lẽ tâm sự u hoài của Mạc Đại tiên sinh vẫn sẽ còn mãi mãi bay theo cánh hạc cô đơn giữa cõi giang hồ, cùng tiếng hồ cầm trong cung đàn Tiêu Tương dạ vũ.

Các tác giả có đỉnh cao của trí tuệ và chiều sâu của tâm hồn, thường dành ra những “khoảng không vắng lặng” lửng lơ trong tác phẩm mình, không lý giải, mà cứ để độc giả tự suy tư. Đó là Nguyễn Du với bi tâm của Từ Hải, là Kim Dung với tâm sự của Mạc Đại tiên sinh. Chính các “khoảng không vắng lặng” đó lại nói cho chúng ta rất nhiều về tâm tình của nhân gian và ý nghĩa đời!

HUỲNH NGỌC CHIẾN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [49] [50] [51] [52] [53] [54] [55] ... ›Trang sau »Trang cuối