Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [46] [47] [48] [49] [50] [51] [52] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

TÍNH CÁCH HỔ
TRONG THÀNH NGỮ TỤC NGỮ


“Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua/ Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ/ Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm…”

Bài Nhớ rừng của Thế Lữ có thể xem là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất về hổ. Và có lẽ cũng phải đến hàng ngàn lời bình về tuyệt tác này, đặc biệt là vào mỗi năm Dần. Trong bài viết này, chúng ta không nhắc lại bài Nhớ rừng, mà cùng cà kê chuyện cọp, luận bàn về hổ trong thành ngữ tục ngữ.

Trong lời ăn tiếng nói dân gian, hổ vừa hiện lên với dáng vẻ của vị chúa tể oai hùng, tượng trưng cho quyền uy sức mạnh, lại vừa là kẻ hung bạo, độc ác.

Hổ thị đam đam
Hổ tuy to lớn nhưng lại thuộc họ nhà mèo. Dân gian cho rằng, chính mèo đã dạy võ cho hổ. Bởi thế, nó không đi săn theo kiểu phối hợp bầy đàn, rượt đuổi, vây bắt con mồi như sư tử. “Con mèo lớn khủng khiếp” này ưa độc lập tác chiến. Nó xuất quỷ nhập thần hệt những gì…sư phụ đã dạy. Và sức mạnh của hổ trở nên vô song nhờ biết kết hợp nanh vuốt với chiến thuật bí mật, bất ngờ, chắc thắng!

Thông thường, hổ lựa chọn mục tiêu, rạp mình tiếp cận con mồi hoặc thu mình kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ…. Nó tập trung cao độ, quan sát con mồi không chớp mắt. Khi vừa tầm bật nhảy, chúa sơn lâm mới bất ngờ thực hiện cú vồ chí tử khiến nạn nhân không kịp trở tay. Thành ngữ Hổ thị đam đam 虎視眈眈 - Nhìn đăm đăm như hổ, ý chỉ cái ánh mắt chăm chú, nhìn xoáy vào ai như cái nhìn của mãnh hổ rình mồi vậy.

Ưng lập như miên, hổ hành tự bệnh
Ưng, cắt, đại bàng được mệnh danh là chúa tể bầu trời, trong khi hổ được tôn xưng là chúa sơn lâm. Cả hai loài cầm thú này đều có một đặc điểm chung: lúc bình thường thì thu mình, hiền lành chậm chạp tựa hồ vô hại, nhưng khi lâm sự thì cực kỳ nhanh nhẹn, dũng mãnh. Lão ưng giữ vẻ trầm ngâm trên mỏm đá cành cây, tư lự hàng giờ liền như một triết gia hay nhà đạo đức. Trong khi lão hổ rời hang chuẩn bị cho “những chiều lênh láng máu sau rừng” với dáng đi thất thểu như một kẻ ốm. Câu Ưng lập như miên, hổ hành tự bệnh 鷹立如眠虎行似病 - Ưng đậu như ngủ, hổ đi tựa bệnh, ý nói kẻ có trí tuệ, sức mạnh thực sự thường không khoa trương hay để lộ chân tướng.

Như hổ thiêm dực
Dân gian có câu Có sừng thì đừng có nanh. Tạo hoá không cho ai tất cả, mà cũng không lấy đi của ai tất cả.

Tương truyền, khi dạy võ cho hổ, mèo nhận thấy bản tính học trò độc ác nên còn ngón võ cuối cùng là leo trèo, sư phụ mèo đã không truyền dạy, phòng khi kẻ hung bạo này phản thầy. Bởi thế tuy trong thực tế chúa sơn lâm vẫn leo trèo được, nhưng vì “học lỏm” nên ngón nghề này không giỏi. Thế nên dù rất mạnh, hổ vẫn có điểm yếu của mình. Thành ngữ Như hổ thiêm dực 如虎添翼 - Như hổ thêm cánh, ý chỉ hổ vốn dũng mãnh, nếu có thêm đôi cánh bay nhảy nữa thì sức mạnh ấy sẽ trở nên vô song. Câu này thường được dùng với nghĩa đã mạnh càng thêm mạnh, đã hung ác càng thêm hung ác.

Nhất sơn bất dung lưỡng hổ
Hổ chỉ ghép đôi khi đến mùa sinh sản. Bình thường nó ưa sống đơn độc, một mình làm chủ giang sơn. Thế nên Sơn sơn hữu lão hổ, xứ xứ hữu cường nhân 山山有老虎處有強人 - Ngọn núi nào cũng có một con hổ, xứ nào cũng có một kẻ mạnh; Nhất sơn bất dung lưỡng hổ 一山不容二虎 - Một núi không thể có hai hổ cùng chung sống.

Long bàn hổ cứ
Khi vồ mồi, tiếng gầm thét kinh thiên động địa của hổ khiến muôn loài phải khiếp vía. Thế nhưng điều đó chưa đáng sợ bằng lúc hổ ẩn mình đợi thời. Bởi vậy, dưới cái nhìn của nhà phong thuỷ Long bàn hổ cứ 龍蟠虎踞 là thế đất quý. Long bàn 龍蟠 (rồng cuộn) là thế ẩn tàng, đối với hổ cứ 虎踞 (hổ ngồi) chỉ uy dũng mà không lộ tướng, ví với vẻ hiểm yếu, hùng vĩ của cuộc đất đế vương hoặc chỉ nơi anh hùng hào kiệt chiếm cứ.

Hổ phụ vô khuyển tử
Hổ thuộc dòng dõi dũng mãnh kiêu hùng. Dân gian mượn hổ để ví với trường hợp cha nào con nấy, cha tài giỏi sinh con tài giỏi: Hổ phụ sinh hổ tử 虎父生虎子 - Cha hổ sinh con hổ; Hổ phụ vô khuyển tử 虎父無犬子 - Cha hổ không có con là chó; Hổ câu hữu thực ngưu chi khí 虎駒有食牛之氣 - Hổ con mới sinh đã có khí thế nuốt trâu. Thế nhưng trong thực tế cũng có trường hợp đáng thất vọng, Cha giỏi sinh con hèn: Hổ phụ sinh cẩu tử 虎父生狗子 - Cha hổ sinh con chó.

Hổ lạc bình dương bị khuyển khi
Rừng núi là lãnh địa của hổ. Những lúc ngủ vùi hay đi săn mồi, hổ đều cần địa hình cỏ cây, hang động để ẩn mình, che chở. Bởi thế, một khi Điệu hổ ly sơn 調虎離山 - Đưa hổ rời núi; Hổ lạc bình dương 虎落平陽 (Hổ xuống đồng bằng) thì chúa sơn lâm chẳng khác nào kẻ bị bẻ hết nanh vuốt, đến con chó cũng coi thường (bị khuyển khi 被犬欺). Hàm ý dân gian dù mạnh như hổ mà bị mất điều kiện, địa bàn hoạt động thì cũng trở thành thất thế, khiến ai cũng có thể xem thường, kể cả những kẻ vốn rất hèn mọn trong con mắt của kẻ bị thất thế kia.
Nam thực như hổ, nữ thực như miêu

Hổ thuộc họ nhà mèo, lại “thọ giáo thầy mèo”, nên hầu như mọi tập tính đều giống mèo. Thế nhưng riêng nết ăn, hổ và mèo lại đối lập nhau hoàn toàn. Mèo ăn uống nhỏ nhẻ, từ tốn bao nhiêu thì hổ ngốn ngấu, ăn tươi nuốt sống con mồi nhanh bấy nhiêu. Thế nên dân gian có câu Lang thốn hổ yết - 狼吞虎嚥 - Ăn như hổ sói; Ăn như hùm đổ đó…

Hổ độc bất ngật nhi hổ
Hổ cực kỳ hung bạo, độc ác. Độc ác hung bạo đến mức tưởng như chúng không có tình mẫu tử hay đồng loại. Tuy nhiên, Hổ độc bất ngật nhi hổ 虎毒不吃兒虎 - Hùm dữ không ăn thịt con; Hổ lang dã hữu phụ tử tình 虎狼也有父子情 - Hổ sói cũng có tình cha con.

Dân gian mượn hình tượng dã thú để lên án những kẻ đối xử độc ác với chính đứa con rứt ruột đẻ ra. Làm người mà tình mẫu tử không bằng hổ dữ…
HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LANH CHANH NHƯ HÀNH KHÔNG MUỐI


Cách giải thích của từ điển:
1-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “lanh chanh như hành không muối Ngđ: Một kinh nghiệm: giã hành củ, phải cho vài hột muối, nếu không củ hành sẽ nhảy ra ngoài cối. Ngb: Hấp tấp vội vàng, nhanh nhảu đoảng, vô duyên”.

2-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) thu thập dị bản: “Không muối thì hành lanh chanh”, và giải thích: “Hễ vắng mặt muối là hành đâm ra lanh chanh ngay. Hay dùng để than phiền về những kẻ hay làm hỏng việc khi chẳng có người theo dõi do quá nhanh nhảu (Chú thích: Lanh chanh vt. Ưa làm những việc vốn chẳng phải là phận sự chính của bản thân mình (do quá nhanh nhảu)”.

Xét cách giảng nghĩa đen của Nhóm Vũ Dung không có cơ sở thực tế. Vì:

-Nếu muối có thể khiến hành không “nhảy ra ngoài cối” khi giã, thì phải có tác động hoá học giữa hai loại này. Nói cách khác, hành và muối phải nhuyễn vào nhau thì tác động hoá học mới diễn ra. Nhưng một khi hành và muối đã quyện vào nhau, thì còn lo gì hành “nhảy ra” khỏi cối?

-Nếu cho rằng, bỏ muối lẫn vào hành, tạo ma sát để hành khỏi nhảy ra khỏi cối cũng không đúng. Vì trong thực tế, giã hành không khó đến mức phải cần dùng tới muối, một loại phụ gia có thể khiến người ta phải thay đổi mục đích sử dụng của hành.

-Sau khi trực tiếp thực nghiệm, chúng tôi thấy: giã hành bỏ muối hay không, đều không có gì khác biệt.

Kết luận: “kinh nghiệm: giã hành củ, phải cho vài hột muối, nếu không củ hành sẽ nhảy ra ngoài cối”, của Nhóm Vũ Dung là hoàn toàn phi thực tế.

Về giải thích của “Từ điển tục ngữ Việt”: “Hễ vắng mặt muối là hành đâm ra lanh chanh ngay”, thực chất chỉ mới diễn đạt lại câu nói của dân gian, chứ chưa giải thích nghĩa đen, mà nghĩa bóng cũng không chính xác.

Một số cách giải thích khác trong đời sống:

-Khi muối dưa hành mà không bỏ muối, thì hành sẽ nổi lên lềnh bềnh, nên gọi “Lanh chanh như hành không muối”. Tuy nhiên, về nguyên lý hoá học, củ hành bao giờ cũng dễ nổi trong môi trường nước muối hơn là nước lã. Và như thế, sự thực hoàn toàn ngược lại: có muối thì hành mới “lanh chanh” (nổi lềnh bềnh)!

-Lại có ý kiến cho rằng, “lanh chanh như hành không muối”, chỉ ai đó “đoảng tính”, muối dưa hành mà lại quên không…bỏ muối. Nhưng muối dưa hành hay muối dưa cải, mà không…bỏ muối thì có gì khác nhau về độ “đoảng tính”?

Vậy “Lanh chanh như hành không muối”, hay “Không muối thì hành lanh chanh” được hiểu nghĩa đen như thế nào?

Chúng tôi cho rằng, nghĩa đen các thành ngữ, tục ngữ này dựa trên tầm quan trọng của muối và hành. Theo đây, so với hành thì muối quan trọng hơn rất nhiều. Mọi món ăn có thể thiếu gia vị, nhưng không thể thiếu muối. Nhưng trong thực tế, cũng có lúc hành lại “tiếm ngôi” đầu của muối.

Xin bắt đầu từ câu hỏi: vậy thì khi nào “hành có muối”, và khi nào thì “hành không muối”?

         Hành có muối khi người ta chế biến các món mà muối và hành được bỏ ngay từ đầu và bỏ cùng lúc để ướp, nấu. Trong những trường hợp này, muối là nguyên liệu không thể thiếu, còn hành chỉ là một trong nhiều gia vị (như gừng, tỏi, ớt, mì chính, đường…). Bởi vậy, khi xuất hiện cùng lúc với muối, thì hành là thứ yếu, không có gì nổi bật, thậm chí có cũng được, không có cũng chẳng sao. Việc ướp hành chung với mắm muối và đồ nấu cũng chẳng cần phải vội vàng hay theo một quy trình ngặt nghèo nào cả. Tuy nhiên, khi “hành không muối” thì mọi chuyện lại khác.

         Vậy khi nào thì “hành không muối”?

“Hành không muối” là khi người ta phải phi thơm hành mỡ để làm dậy mùi các thức xào nấu, trước khi cho mắm muối vào, hoặc chiên hành để làm gia vị, nhân bánh,v.v… Để đảm bảo cho hành được chín vàng thơm lừng, chảo mỡ phải sạch, tuyệt đối không dính muối mặn. Khác với khi “hành có muối”, lúc này hành không chỉ quan trọng nhất mà còn đi trước tiên, mắm muối trở thành kẻ “tham gia” sau cùng.

Vậy, vì sao dân gian lại liên tưởng “hành không muối” giống như một kẻ “lanh chanh”, lau chau nào đó?

Cách xào nấu thường ngày không giống đầu bếp chuyên nghiệp. Nghĩa là thay vì đập hành, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng rồi mới bắc chảo mỡ, thì có khi người ta lại làm ngược lại; trong khi chờ chảo khô, mỡ nóng lên, thì tranh thủ bóc và đập hành.

Bóc củ hành tưởng nhanh mà khó. Lắm khi chảo mỡ đã nóng xèo xèo mà tay còn lật đật với mấy lớp vỏ hành cứng đầu. Đập vội được củ hành thì lớp thân trong của nó lại văng ra tứ tung, trong khi chảo mỡ ngày càng nóng sôi, thúc giục người ta phải nhanh tay…

Khi bỏ hành vào thì động tác phi hành phải cũng phải thật nhanh để chảo mỡ nóng già không làm hành bị cháy…Ấy là chưa kể nếu không chuẩn bị sẵn sàng mấy thứ nguyên liệu (như cà chua, rau, thịt…) cho vào sau khi hành đã được phi thơm, thì bất kể bắc chảo mỡ trước hay sau khi đập hành, chỉ cần chậm tay, lơ là chút là hành “đi tong”. Lắm khi vì vội vàng với cái anh hành “lanh chanh” này mà bị dao thớt làm cho đau, bằng không thì hành cũng quá lửa, cháy đen sì, hỏng việc! Và “trật tự” chỉ được “vãn hồi” sau khi có sự xuất hiện của bước gia giảm, thêm mắm thêm muối.

Dưới cái nhìn nhân cách hoá của dân gian, “hành không muối” giống như kẻ lanh chanh, lau chau, lúc nào cũng rối rít, tỏ ra nhanh nhảu, và kết quả đôi khi là vô duyên, hỏng việc!

Điều thú vị là cùng một sự vật, hiện tượng, cùng xuất phát từ một nghĩa đen, nhưng dân gian đã tạo nên một bản là tục ngữ, một bản là thành ngữ:

-Bản là tục ngữ “Không muối thì hành lanh chanh”: đúc kết một thực tế mang tính quy luật: khi thiếu vắng nhân tố chính yếu, thì cái thứ yếu tự dưng nổi bật lên. Giống như khi “không muối” thì hành được dịp thể hiện vai trò quan trọng, mà “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương đã diễn giải theo nghĩa hiển ngôn là: “Hễ vắng mặt muối là hành đâm ra lanh chanh ngay”. Câu này đồng nghĩa câu “Có voi voi to; chẳng có voi bò lớn”, hay “Có núi núi lớn; chẳng có núi cồn cao” (thiếu vắng cái cao lớn thật sự, thì cái nhỏ bỗng dưng thế chỗ). Cái hay của câu “Không muối thì hành lanh chanh” ở chỗ dân gian nhân cách hoá củ hành để lột tả điệu bộ, tính cách bắng nhắng, thích thể hiện ta đây của kẻ hãnh tiến, “thằng chột làm vua xứ mù”!

-Bản là thành ngữ “Lanh chanh như hành không muối”: đơn thuần ví von, so sánh dáng vẻ, điệu bộ lau chau, hấp tấp vội vàng của ai đó giống như “hành không muối”. Câu này đồng nghĩa với câu “Lanh chanh như đứa ở mới đến”: đứa ở mới đến thì hăng hái, lau chau, cái gì cũng tỏ ra nhanh nhảu, nhiệt tình, biết việc (Dị bản “Lau chau như đứa ở mới đến, ngổng nghến như đứa ở đầy năm”).

Dân gian thường dựa vào sự quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh đời sống sinh hoạt hàng ngày để đặt nên thành ngữ tục ngữ. Bởi vậy, nghĩa đen thường bao giờ cũng tương ứng với nghĩa bóng. Trường hợp này, cái cách mà “hành không muối” tham gia vào món ăn gợi nên điệu bộ của kẻ “lanh chanh”, đúng như nghĩa mà “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê - Vietlex) đã giảng: “lanh chanh • t. có dáng điệu hấp tấp, vội vã, muốn tỏ ra nhanh nhảu. tính hay lanh chanh ~ Đn: lau chau”.

                                                               HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THƯƠNG CHO ROI, CHO VỌT


Vụ bé Vân An (8 tuổi, TPHCM) bị người tình của bố đẻ bạo hành đến chết khiến báo chí và mạng xã hội lại bùng lên chuyện đúng sai trong quan niệm giáo dục “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” của ông bà ta xưa.

Dù phản đối hay ủng hộ, thì hầu như đa số đều hiểu roi vọt đơn giản là đánh đòn. Đây cũng là cách hiểu của Nhà giáo Nhân dân, Nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân. Ông giải thích: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi: Cách dạy cũ là dùng roi vọt, nhưng ngày nay cách dạy đó là lỗi thời vô nhân đạo, vì dạy con không phải biến con thành một kẻ nô lệ.” (trích Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam).

Cách hiểu trên đây xét về nghĩa đen không sai. Tuy nhiên, căn cứ nghĩa của cả hai vế, thì dân gian không dừng lại ở đó.

-“Cho roi cho vọt” theo nghĩa đen:

Roi vọt là một trong sự lựa chọn trong việc dạy dỗ con cái từ hàng ngàn năm trước. Sách Nhan thị gia huấn 顏氏家訓 (thời Nam Bắc triều), đã có câu: “Si nộ phế ư gia, tắc thụ tử chi quá lập kiến – 笞怒廢於家, 則豎子之過立見 (Trong nhà mà thiếu mất việc đánh đòn thì trẻ nhỏ mau chóng mắc lỗi).

Dân gian có câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Thực tế khi con cái, học trò nhỏ chưa hiểu được sự lý, lại phải đứa cá tính cứng đầu cứng cổ mà khoa giáo dục tâm lý hoàn toàn bất lực, thì việc đánh đòn được xem là “công cụ hỗ trợ” cần thiết để thay đổi ý thức của trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, cách đòn roi với trẻ nhỏ của ông bà ta xưa kia chủ yếu mang tính chất doạ nạt, giơ cao đánh khẽ. Có khi chỉ là rút đánh “soạt” cái roi mây hoặc quát to “Đem cái roi ra đây!” để đe nẹt. Khi cần thiết đòn roi thực sự thì dân gian cũng có phương pháp. Đó là bắt nằm sấp và quất vào mông. Roi mây tiết diện nhỏ chỉ gây đau rát phần mềm chứ không ảnh hưởng đến ngũ tạng của trẻ nhỏ. Mặt khác, tư thế nằm sấp cũng đề phòng trẻ tránh đòn mà roi gậy vô tình lại vụt đúng vào chỗ hiểm.

Nhiều đứa trẻ lót mo cau nằm đợi lãnh đòn trách phạt. Cha mẹ biết mẹo giảm đòn đau của con nhưng cũng đánh bài lờ. Ông thầy có tiếng dữ đòn, nhưng cũng dừng ở mức vụt vào mông, hoặc lấy thước dần vào tay để rèn cặp chữ nghĩa. Một khi trẻ biết lỗi, có tiến bộ, thì hình ảnh cái roi mây treo trên phên vách chỉ mang tính biểu tượng, nhắc nhở con cái về gia pháp mà thôi.(*)

Những điều trên lý giải tại sao không ít người kể về việc bị cha mẹ, thầy dạy đánh đòn như một kỷ niệm đẹp và lòng biết ơn vì đã nghiêm khắc dạy dỗ mình nên người.

-“Roi vọt”, “ngọt bùi” theo nghĩa bóng:

Trong thực tế có nhiều bậc cha mẹ lấy việc nhìn thấy con cái được đủ đầy, vui sướng, ăn ngon mặc đẹp làm mãn nguyện, hạnh phúc. Chuyện chúng sẽ trưởng thành ra sao, lấy gì làm hành trang khi tự lập thì có khi không tính đến, hoặc không biết dằn lòng gác lại tình cảm để nghiêm khắc dạy dỗ con cái. Theo cách nói của dân gian, việc chiều chuộng ấy chẳng khác nào “ghét”, hại con. Hiểu theo nghĩa bóng, “cho roi, cho vọt” là sự rèn cặp, dạy dỗ nghiêm khắc của cha mẹ đối với con cái để chúng nên người, chứ không dứt khoát là dùng đòn roi, gậy gộc để đánh đòn. Tương tự, “cho ngọt, cho bùi” được hiểu là sự nuông chiều, bỏ qua cả những lỗi lầm đáng ra phải trách phạt, khiến con cái trở nên hư hỏng, chứ không phải là cho ăn uống những thứ bánh trái có vị ngọt bùi.

Dân gian thường dùng lối nói thậm xưng để tạo hiệu quả trong truyền đạt thông tin. Ví như câu Thương con cho miếng tiết, giết con cho miếng gan, thì nghĩa bóng là kinh nghiệm nuôi dưỡng trẻ nhỏ: Gan động vật rất khó tiêu, cho chúng ăn gan chẳng khác nào “giết” chúng, chứ không phải “giết con” thật.

Chúng ta còn gặp lối nói thậm xưng trong một số câu tục ngữ về giáo dục như Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn, Hay chữ chẳng bằng dữ đòn! Vậy, có ông thầy nào chẳng cần “hay chữ”, chỉ cần “dữ đòn” mà lại có trò giỏi? Những câu trên chủ yếu được nhấn mạnh về nghĩa bóng của vế thứ hai: Muốn việc dạy và học có kết quả, điều trước tiên ông thầy phải nghiêm khắc. Thế nên tục ngữ gốc Hán cũng có câu đề cao tính kỷ luật, quy phạm trong giáo dục như Nghiêm sư xuất cao đồ 嚴師出高徒 (Thầy dạy phải nghiêm khắc mới có trò giỏi). Tương tự câu Si nộ phế ư gia, tắc thụ tử chi quá lập kiến trong Nhan thị gia huấn, thì “si nộ” (đánh đòn) ở đây ngoài nghĩa đen là đòn roi, thì nghĩa bóng cũng là sự nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái.

Như vậy, dù hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, thì việc đánh đòn trong chốc lát để răn đe, giáo dục, uốn nắn, xuất phát từ tình cảm yêu thương, trách nhiệm của cha mẹ hoàn toàn khác với tính chất dùng đòn roi để hành hạ trong thời gian dài, ngõ hầu thoả mãn sự hung bạo, độc ác, ghét bỏ, hận thù của người lớn trong nhiều vụ bạo hành trẻ nhỏ đến mức xảy ra án mạng. Đó mới thực sự là thứ “cho roi cho vọt” cần phê phán, loại bỏ triệt để trong đời sống, cần sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

                                                          Hoàng Tuấn Công

........

(*)-Dĩ nhiên trong thực tế cũng có những ông bố bà mẹ “dữ đòn” thật sự, ít nhất là trong cơn giận dữ. Và tai nạn, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra trong tình huống mất kiểm soát. Mặt khác, không phải bao giờ “đánh đòn” cũng có tác dụng tích cực, mà ngược lại có thể gây phản tác dụng, và tạo nên tổn thương về tâm lý cho trẻ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÁ ĐẦU CAU CUỐI


1-“Đầu” là “đầu đàn”?     

-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào) giải thích: “cá đầu cau cuối (cá đầu: con cá đầu đàn; cau cuối: cau cuối buồng). Một kinh nghiệm chọn thức ăn: Cá đầu đàn to, cau cuối buồng non mềm, ăn ngon”.

-Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương) giảng: “Cá đầu; cau cuối Cá (thì nên ăn những con) đầu (đàn vì đó là loại ngon nhất); cau (thì nên ăn) những quả ở cuối buồng (vì đó là loại ngon nhất)”.

Xét: cách giải thích của Nhóm Vũ Dung và Nguyễn Đức Dương đều không ổn. Thứ nhất, trong thực tế chỉ loại cá đi ăn theo bầy (thường là cá biển), thì mới có thể có con đầu đàn. Nhưng cá đi ăn bầy thường sinh cùng một lứa (Cá lứa chim đàn – Tng) nên rất khó xác định con nào là con đầu đàn. Vả lại, cá ngon hay không, phụ thuộc vào mùa vụ đánh bắt, tươi hay ươn, chứ không phải sự nhỉnh hơn giữa con này với con kia. Thứ hai, về nguyên tắc, nếu vế sau truyền đạt kinh nghiệm chọn quả cau ngon nhất trên cùng một buồng cau, thì vế đầu cũng phải nói về việc chọn miếng cá ngon nhất trên cùng một con cá (con cá và buồng cau đều là một chỉnh thể). Giải thích vế đầu là lựa chọn con cá này với con cá kia, vế sau lại là chọn quả cau trên cùng một buồng cau, là phạm “luật chơi” của dân gian.

2-“Đầu” là “đầu mùa”?

Từ điển thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam (Việt Chương) lại cho rằng, “đầu” ở đây là “đầu mùa”: “Cá có mùa, mỗi mùa kéo dài bao nhiêu tháng, và có từ tháng nào trong năm, là tuỳ ở mỗi loại cá […] Những đợt cá đầu mùa đánh được đều bán giá cao.

Cau ăn trầu cũng có mùa. Nhưng cau đầu mùa lại bán không được giá bằng cau cuối mùa. Đây là kinh nghiệm buôn bán cá và cau của những người hành nghề này”.

Cách giải thích trên đây của Việt Chương cũng không ổn. Bởi cá đắt hay rẻ có khi phụ thuộc vào ngay từng phiên chợ, chứ đâu phải đợi đến mùa vụ đánh bắt. Còn với cau, căn cứ vào đâu để tổng kết “cau đầu mùa lại bán không được giá bằng cau cuối mùa”? Trong khi với các loại hoa trái, rau quả, thì thức đầu mùa bao giờ cũng ngon và lành, đồng nghĩa với “được giá” hơn quả cuối mùa.

3-“Đầu” là “đầu cá”?

         Không ít người cho rằng “cá đầu” ở đây là “đầu cá”: “Đầu cá chắc chắn là chỗ ngon nhất (đây chỉ nói tiêu chí ngon, không tính nạc hay xương), đặc biệt là cái đầu của cá trôi (đầu trôi môi mè)…”; rồi: “…sở thích của nhiều người chỉ thích ăn đầu cá, vì đầu cá ngon thịt ướt, béo…”; hay: “Đầu cá ăn bổ nhất vì có nhiều Vitamin A (dầu cá) ở cái mắt…”, v.v… (Trích ý kiến thảo luận trên FB cá nhân Hoàng Tuấn Công - 6/2021).

         Quả thật, nếu biết cách chế biến, đầu của một số loại cá vẫn có thể trở thành những món ngon. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đầu luôn là phần ngon nhất của mọi con cá, ngon với tất cả mọi người. Tổng kết “Cá đầu cau cuối” của dân gian mang tính phổ quát, đúng với mọi trường hợp. Trong khi không ít loại cá như: cá quả, rô đồng, rô phi, cá trê, cá trích, cá nục, cá nhám…thì đầu của chúng chỉ là phụ phẩm, thậm chí là phế phẩm. Và trong thực tế chỉ có chuyện người ta chặt bỏ đầu cá khi chế biến, chứ không có chuyện ngược lại là bỏ phần thịt để chỉ ăn đầu cá.

Cũng có ý kiến cho rằng, Cá đầu cau cuối có nghĩa: bộ phận đầu của con cá (cá đầu) và phần cuối của quả cau (cau cuối) là hai chỗ không ngon. Nghĩa này cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trở ngại ở đây là câu tục ngữ không có sự thống nhất, tương xứng về nghĩa: một đằng là đầu cá (chỉ bộ phận), một đằng lại cuối quả (chỉ vị trí). Theo đây, nếu hiểu theo nghĩa này, câu tục ngữ phải được diễn đạt là “Cá đầu cau núm”, hoặc “Cá đầu cau chẩm” (tiếng Thanh Hoá chẩm cau = núm cau). Đầu hay núm/chẩm ở đây đều chỉ bộ phận của con cá và quả cau. Tương tự như câu Dứa đằng đít, mít đằng cuống (đít và cuống đều chỉ bộ phận của quả).

         Vậy “cá đầu” là gì?

         Theo chúng tôi, “cá đầu” ở đây được hiểu là phần về phía đầu của con cá; “cau cuối” là phần về phía cuối của buồng cau. Đầu và cuối ở đây đều chỉ vị trí, chứ không phải chỉ bộ phận. Bởi thế nó mang tính tương đối. Cũng giống như câu tục ngữ mới Xe ngồi đầu, tầu ngồi cuối (dị bản rút gọn Xe đầu, tầu cuối), thì đầu ở đây phải hiểu là phía đầu xe, chứ không phải là đích xác là cái đầu xe; cuối là về phía cuối đoàn tàu, chứ không phải bộ phận cuối cùng của con tàu.

         Dị bản của Cá đầu cau cuối là Lợn đầu cau cuối. Do hiểu máy móc về chữ “đầu”, nên Nhóm Vũ Dung và Nguyễn Đức Dương tiếp tục giảng sai (trích lần lượt): 1-“Lợn đầu đàn thì hay ăn chóng lớn, cau cuối buồng thì non, ăn ngon”; 2-“Lợn thì nên chọn những con đầu đàn (vì đó là các con khoẻ nhất); cau thì nên chọn những quả ở cuối buồng (vì đó là những quả non nhất, tức ngon nhất)”. Ở đây, các nhà biên soạn từ điển lại vi phạm “luật chơi” của dân gian. Bởi đã là tục ngữ về ăn uống, không ai chấp nhận vế đầu là kinh nghiệm chọn con giống, vế sau lại nói chuyện văn hoá ẩm thực!

Giống như cá đầu, lợn đầu ở đây cũng không phải là “đầu lợn”, hay “lợn đầu đàn” mà là phần đằng đầu với nhiều món ngon, sang quý của con lợn như thủ (Đầu gà, má lợn; Nhất thủ nhì vĩ), chân giò trước (Ăn chân sau, cho nhau chân trước), nạc vai (Bài thơ Ăn cỗ đầu người của Nguyễn Biểu có câu “Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn”)…

Trở lại câu tục ngữ Cá đầu cau cuối.

Với bất cứ loại cá nào, phần (về phía) đầu bao giờ cũng ngon nhất (dầy thịt, ít xương, mà xương, sụn đầu cũng rất ngon), trong khi phần (về phía) đuôi kém ngon (mỏng thịt, nhiều xương dăm). Theo đây, nếu chia con cá hay con lợn làm hai nửa, thì phần đầu (đối với phần sau) vẫn là phần ngon nhất. Nhưng với buồng cau, thì phần về cuối buồng (phần trổ trước, nằm phía dưới) bao giờ quả cũng to mập, dày cùi hơn phía đầu buồng (phần trổ sau cùng, nằm ở phía trên) thường là cau điếc, quả nhỏ. Như vậy, “cá đầu” là phần thịt về phía đầu con cá; “cau cuối” là những quả cau ở về phía cuối buồng. Cách kết cấu của câu Cá đầu cau cuối tương tự như câu Dứa đầu, mít cuối (đầu và cuối ở đây đều chỉ vị trí; phía đằng cuống chính là đầu).

Phương ngữ Thanh Hoá Lợn giáp má, cá giữa đẫn: với thịt lợn, ngon nhất là phần giáp má; với cá, ngon nhất là phần giữa đẫn. Thế nào là giữa đẫn? Cá bỏ đầu bỏ đuôi, còn lại khúc giữa. Giữa đẫn chính là khúc giữa, phần ngon nhất của con cá. Đây cũng gần tương ứng với phần thịt về phía đầu của con cá.
Như vậy, trong câu Cá đầu cau cuối thì kinh nghiệm ẩm thực của dân gian đều là sự lựa chọn phần ngon nhất trên cùng một con cá, tương ứng với sự lựa chọn những quả ngon nhất trên cùng một buồng cau, chứ không phải là sự lựa chọn giữa con cá này với con cá kia, buồng cau này với buồng cau kia.

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THÀNH ĐÁ KHÔNG BẰNG DẠ NGƯỜI !


Thành(xây bằng) đá cũng chẳng (bền vững bằng những thứ được ghi giữ lại trong) lòng dạ con người. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Những gì được người đời ghi giữ trong lòng mới là những thứ lâu bền đích thực”.

         Đó là giải thích của Nguyễn Đức Dương trong “Từ điển tục ngữ Việt” (NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh – 2010).

Nguyễn Đức Dương hiểu sai nghĩa đen nên giảng sai luôn nghĩa bóng. Ông đã lầm “thành đá” ra “bia đá”, rồi liên tưởng đến câu “Trăm năm bia đá còn mòn / Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” chăng?

Thực ra, “thành đá” ở đây ví với sự xây đắp, củng cố lực lượng để bảo vệ cơ đồ của một triều đại hoặc một thể chế, một quốc gia. Nhưng quân đội lớn mạnh, thành cao, hào sâu bao nhiêu chăng nữa mà không thu phục được nhân tâm, không được ủng hộ bởi lòng dân, lòng trời, thì triều đại, thể chế, quốc gia ấy không những khó có thể đứng vững, mà còn sẽ nhanh chóng sụp đổ, nhường chỗ cho một triều đại, thế lực mới, thậm chí mất cả giang sơn vào tay ngoại bang.

Có lẽ câu tục ngữ tổng kết từ bài học lịch sử cách đây hơn nửa thiên niên kỷ.

-Hồ Quý Ly trong tay có tất cả: giang sơn gấm vóc, quân đội hùng mạnh, thành cao, hào sâu... Nhưng “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà / Để trong nước lòng dân oán hận”[1] Khi nhà Minh lăm le xâm lược, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã sớm bày tỏ sự lo ngại với Thượng hoàng Hồ Quý Ly: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.

Hồ Nguyên Trừng giăng xích sắt trên sông, dựng phòng tuyến trải dài mấy trăm dặm quyết tâm chống giặc...Nhưng rồi tất cả thành luỹ,, phòng tuyến ấy đã lần lượt và dễ dàng tan vỡ trước sức tấn công ào ạt của quân Minh. Họ Hồ bỏ Kinh đô, lui dần, lùi dần về Thanh Hoá. Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly, Hoàng thượng Hồ Hán Thương, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng,... đã không dám thủ thành chiến đấu. Cha con họ Hồ bỏ cả cơ đồ Đại Ngu, bỏ cả Tây Đô thành đá sừng sững có một không hai... trốn chạy vào vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng rồi giặc Minh cũng đuổi kịp. Chỉ có bảy thằng giặc quèn mà đủ sức trói cổ một ông vua oai trùm thiên hạ - Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly - giải về Kim Lăng kinh đô nhà Minh, cùng với tất cả anh em con cháu họ Hồ lần lượt bị bắt sống sau đó.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“VẢY MẠI THÌ MƯA, BỐI BỪA THÌ NẮNG” –


“BỐI BỪA” NGHĨA LÀ GÌ?
-”Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Vảy mại thì mưa; bối [?] bừa thì nắng (Mây mà) hiện lên trên nền trời hình vảy cá mại (là điềm) trời sắp mưa; (mây mà) hiện lên trên nền trời hình đường bừa (là điềm) trời sẽ nắng”.
-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) vảy mại thì mưa, bối bừa thì nắng: Một kinh nghiệm dự đoán thời tiết: mây trên trời kết lại như hình vảy cá mại trên trời là sắp mưa, mây kết thành những vệt như đường bừa trên ruộng là trời sắp nắng”.

         Nguyễn Đức Dương đánh dấu hỏi [?] sau chữ “bối bừa” chứng tỏ ông không hiểu, hoặc nghi ngờ tính chính xác của văn bản.

           Thực ra, “bối bừa” ở đây là búi bừa, chứ không phải “đường bừa” như cách giải thích...bừa của các nhà biên soạn từ điển.

Khi người ta bừa ruộng, cỏ rác, rơm rạ quấn vào răng bừa thành từng cục, từng búi, gọi là “búi bừa” hay “bối bừa”. Lâu lâu, búi bừa to nặng dần, người đi bừa lại phải dừng trâu, nhấc cái bừa lên để xổ các búi bừa ra khỏi răng bừa rồi mới tiếp tục. Thường là mỗi lần xổ, có 9 hoặc 12 bối, tương ứng với 9 hoặc 12 răng bừa, xếp thành hàng:

-Việt Nam tự điển (Hội khai trí Tiến đức): “bối • Những sợi dây quấn buộc với nhau <> Bối tóc củ hành đàn anh thiên-hạ (T-ng). Văn-liệu. - Vẩy mại thì mưa, bối bừa thì nắng (ngạn-ngữ nói về dáng mây). Ruột rối như bối bòng-bong”.

Cách dự đoán thời tiết của dân gian “Vảy mại thì mưa, bối bừa thì nắng” (dị bản “Vảy trút thì mưa, búi bừa thì nắng”) là ban đêm nhìn lên bầu trời, thấy mây tĩnh hiện lên giống như vảy cá, vảy tê tê, thì trời sẽ chuyển mưa; nếu mây hiện lên từng đám nhỏ, xếp thành dãy dài như bối bừa, thì trời sẽ còn nắng dài dài (không phải “thì trời sắp nắng” như cách giải thích của Nhóm Vũ Dung).

Tham khảo: Phương ngữ Thanh Hoá còn có câu “Trâu nhác kéo cả bối bừa”, chỉ kẻ lười nhác, đáng lẽ tuần tự làm từng bước một, thì lại làm gộp một lúc cho nhanh xong, nên việc càng trở nên vất vả, nặng nề và lâu xong. Giống như con trâu nhác, đáng lẽ phải trút bớt các bối bừa ra cho đỡ nặng, nhưng lại muốn cho mau xong nên cứ để vậy mà bừa, mà kéo khiến cho cái bừa càng nặng, công việc càng lâu. Tục ngữ Mồ cha không khóc, khóc tổ mối; mồ mẹ chẳng khóc, khóc bối bòng bong, thì bối bòng bong đây cũng có nghĩa là búi (búi bòng bong = đám dây bòng bong quấn vào nhau nhằng nhịt trong bụi rậm, tựa như ngôi mộ thất lạc).
           HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĂN CÓ SỞ Ở CÓ NƠI


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2010) giảng: “Ăn có sở; ở có nơi: Ăn thì nên chọn những thứ hợp sở thích mà ăn; ở thì nên chọn những nơi thuần hậu mà cư ngụ”. (chú thích: “sở dt. Sở thích [nói tắt]”.

Tuy nhiên, soạn giả hiểu sai nghĩa của từ “sở”, nên diễn giải sai, và dẫn đến giải thích sai cả hai vế, cũng là sai cả câu.

“Sở” 所 đây có nghĩa là “nơi, chốn”, mà Hán ngữ đại từ điển giảng là “xứ, địa phương” (處所;地方), chứ không phải “sở” là “sở thích”. Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “sở • Chốn, nơi <> xứ-sở.”; Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “sở • I Nơi, chốn, thửa <> ở yên sở. Một sở ruộng. Nghĩa rộng: Nơi có đông người làm việc <> Sở xe lửa”.

Người Thanh Hoá khi trách mắng ai đó sống không ngăn nắp, vật dụng để lộn xộn, thường nói: “Đồ đạc để chẳng có sở có mỗ gì cả!” (đồ đạc, vật dụng để tuỳ tiện, không đúng chỗ). Theo đây, “sở” (所) có nghĩa là nơi chốn; mà “mỗ” (某) cũng là phiếm chỉ sự vật, họ tên người hoặc nơi chốn nào đó (như mỗ danh 某名; mỗ xứ 某處).

Như vậy, trong câu “Ăn có sở, ở có nơi” thì “sở” đối với “nơi”, đều phiếm chỉ địa điểm. Trong tiếng Việt, chưa bao giờ “sở” được hiểu là nói tắt của “sở thích” như Nguyễn Đức Dương chú thích. “Ăn có sở ở có nơi” chính là dị bản đồng nghĩa của “Ăn có nơi, chơi có chốn”; “Ăn có chỗ, đỗ có nơi”; “Ăn tuỳ nơi, chơi tuỳ chốn”, và dị bản gần nghĩa: “Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn”.
HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MUỐN ĂN ĐI TÁT
MUỐN NGỒI MÁT ĐI CÂU


Trong “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh – 2010) có một số câu tác giả thu thập, nhưng xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”. Cách làm này thể hiện sự thận trọng, và cũng có cái hay là lưu ý cho độc giả và các nhà nghiên cứu về những vấn đề còn bỏ ngỏ. Một trong số những câu “chưa rõ nghĩa” đó là: “Muốn ăn đi tát; muốn ngồi mát đi câu”.

         Sau đây, chúng tôi xin đưa ra cách giải thích câu tục ngữ này.

         “Đi tát” ở đây là tát vũng, tát đầm, tát đìa để bắt cá, một kiểu đánh bắt chắc ăn nhất. Thế nên thành ngữ “Tát cạn bắt lấy”, ý chỉ “tát” là cách bắt cá cho bằng được và có thể bắt cho bằng hết. Tục ngữ Hán cũng có câu gián tiếp nói lên ý này: “Không tát cạn đầm để bắt cá, không đốt cháy rừng để săn cầm thú” [Bất hạc trạch nhi ngư, bất phần lâm nhi liệp - 不涸澤而漁不焚林而獵 - không nên khai thác theo kiểu tận diệt, bắt cho bằng hết].

Như vậy, “muốn ăn đi tát”, có nghĩa “đi tát” tuy vất vả, nhọc công nhưng lại thu được kết quả chắc chắn và số lượng nhiều cá, con to con nhỏ gì đều thấy và bắt được hết.

         Với “đi câu” thì ngược lại: “Thôi đừng đáy bể mò kim, Bóng chim tăm cá dễ tìm được nao!”; “Chim trời cá nước”;  “Ai uốn câu cho vừa miệng cá”! (lời dân gian). Cá sống dưới nước, mắt thường ta đâu có nhìn thấy. Cá có cắn câu hay không, nhiều hay ít, cá to hay cá nhỏ còn phụ thuộc vào sự may rủi. Có hôm đi câu cả buổi, “Nhắc như nhắc câu” (nháy cần câu để nhử cá liên tục) nhưng có khi cuối cùng vẫn phải về tay không. Thế nên dân gian cho rằng, không còn cách nào khác người ta mới lựa chọn nghề đi câu (“Vô nghệ đi hát, mạt nghệ đi câu”).

Không hẹn mà gặp. Sự kém hiệu quả của đánh bắt cá bằng câu còn được thể hiện qua tục ngữ của nhiều dân tộc khác. Ví như Tục ngữ Tày: “Quăng chài: người chăm chỉ; câu cá: người  thừa, bỏ đi” (Tót khe: vỏ xắc; tức bất: vỏ lưa)[1]; Tục ngữ Mường: “Muốn ăn cơm lấy người xáo cỏ dác, muốn húp nước lấy người đi câu” (Moành ăn cơm lêế khá keo dạc, moành họt rạc lêế khá đi câu)[2].

         Câu cá thường có hai cách chính:

-Câu cặm: dùng mồi là nhái, hay giun rồi cắm thật chặt cần câu vào bờ, hay các bè chuối nhỏ cho trôi lênh đênh trên mặt nước (thường là ruộng lúa, ao hồ, đầm…) rồi ra về, sau đó ra nhấc câu để thu cá. Cách này tuy cũng phụ thuộc vào may rủi, nhưng không vất vả hay mất thời gian.

-Câu rê, câu nhử: phải trực tiếp cầm cần, hoặc trông coi câu để khi động đậy phao thì cầm cần lên để nhử, xem chừng cá đã cắn câu thì giật lên. Cách này tuy cũng nhàn hạ, nhưng mất thời gian và phụ thuộc vào may rủi. “Đi câu” trong “muốn ngồi mát đi câu” là nói đến cách câu này.

Khi câu rê, câu nhử, người ta thường lựa chỗ có bóng cây, bờ kè nơi ao chuôm hoặc đồng ruộng để ngồi câu. Đó là chỗ nước mát, cá tôm hay tập trung trú ngụ. Người đi câu chỉ ngồi trên bờ, vừa thả câu vừa thảnh thơi hóng gió mát, cơ bản chẳng phải hì hục, chân lấm tay bùn như tát cá, nhưng hiệu quả thu được thì thường ít ỏi hoặc không chắc ăn. Thế nên đi câu chỉ được xem là một thú vui tao nhã của kẻ nhàn hạ. Thậm chí, tục ngữ “Bé đi câu, lớn đi hầu”, đã liệt đi câu vào kiểu chơi bời lêu lổng, không còn thì giờ dành cho việc học hành nữa.

Như vậy, “Muốn ăn đi tát, muốn ngồi mát đi câu”, ý nói: đi câu tuy nhàn hạ hơn đi tát nhưng không chắc ăn, ít hiệu quả.

                                      Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÉ CHẲNG VIN, CẢ GÃY CÀNH


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2010) giảng: “Bé chẳng vin cả gãy cành: Lúc còn bé mà chẳng cho vin (vào những thứ cứng cáp) thì ít nữa lớn lên ắt có thể bị gãy cả cành. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Lúc còn bé mà chẳng lo dạy dỗ thì khi lớn lên rất khó nên người”. (chú: “vin vt. (cổ) Nương tựa vào (cái cứng cáp để có thể đứng vững được)”.

Soạn giả hiểu không đúng nghĩa từ “vin” nên giảng sai luôn nội dung câu tục ngữ, thậm chí là hiểu ngược lại ý dân gian.

“Vin” cũng có một nghĩa là vịn, dựa vào (như “vin cớ”). Nhưng “vin” trong câu tục ngữ đang xét có nghĩa là níu, uốn:

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex): “vin • đg. 1 với tay mà níu [cành cây] xuống : vin cành hái hoa ~ “Dù ai bẻ lá vin cành, Thì nàng phải nhớ lời anh dặn dò.” (Cdao)”.

-Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “vin • Dùng tay kéo cành ở trên cao xuống <> vin cành”.

Theo đây, “Bé không vin, cả gãy cành” (dị bản Non chẳng uốn, già nổ đốt; Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về), có nghĩa khi còn non, còn bé, mà không uốn nắn (vin), thì khi lớn lên (cả) mà uốn thì sẽ bị gãy cành (sẽ hỏng).

“Bé chẳng vin cả gãy cành”, chính là dị bản đồng nghĩa với câu “Măng chẳng uốn uốn tre sao được”, mà chính Nguyễn Đức Dương đã giảng là: “Còn là măng mà chẳng lo uốn thì tới lúc thành tre làm sao còn uốn được nữa. Hay dùng để khuyên mọi người hãy uốn nắn con trẻ ngay từ khi còn nhỏ, vì lúc đã khôn lớn rồi thì khó mà uốn nắn được”.

Trở lại cách giảng của soạn  giả: “Lúc còn bé mà chẳng cho vin (vào những thứ cứng cáp) thì ít nữa lớn lên ắt có thể bị gãy cả cành”, điều này mâu thuẫn hoàn toàn với phương pháp dạy dỗ. Bởi thông thường, người ta tập cho trẻ có tính tự lập từ nhỏ thì mới tốt. Còn lúc nhỏ mà dựa dẫm nhiều, lớn lên sẽ sinh ra tính ỷ lại, ăn bám bố mẹ.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHỖ ĐAU HAY ĐỤNG


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Chỗ đau hay đụng Chỗ đang đau là chỗ hay bị va chạm phải hơn cả. Hay dùng để khuyên mọi người hãy cố tránh cho các chỗ đang đau khỏi bị va chạm nhằm giảm nhẹ bớt cảm giác đau”.

         Giải thích như vậy là hời hợt và không đúng.

         Về nghĩa đen, “chỗ đau” ở đây chỉ vết thương chưa lành, thường nằm ở vị trí như đầu gối, cùi tay, đầu ngón chân…nên hay đụng phải. Tuy nhiên, dẫu không nằm ở vị trí “nhạy cảm” ấy, thì với vết thương ở bất cứ đâu, chỉ cần vô tình “đụng” nhẹ một cái cũng khiến người ta đau. Trong khi những chỗ khác, thì dù có va chạm cũng không ai để ý. Bởi vậy, người ta có cảm giác “chỗ đau” là chỗ “hay đụng” phải so với những chỗ khác.

Nghĩa bóng: với người mang nỗi đau tinh thần, thì chỉ cần một lời nhắc nhớ, gợi lại của bất cứ ai, bất cứ điều gì tương tự, dù vô tình hay hữu ý, dù nặng hay nhẹ, cũng đủ đụng chạm đến ký ức, khiến người ta cảm thấy đau đớn, buồn tủi.

Ví dụ 30/4/1975 là một sự kiện mà “khi nhắc lại có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” (trích lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Với “hàng triệu người vui”, có khi không mấy ai để ý, nhưng với “hàng triệu người buồn”, thì những từ ngữ như “ba mươi tháng tư một chính bảy lăm”, “giải phóng miền Nam”, “Sài Gòn”, “TP Hồ Chí Minh”, “Ngô Đình Diệm”,... “Dương Văn Minh”, ...và rồi “di tản”, “thuyền nhân”, “tị nạn”, “Mỹ nguỵ”... luôn gợi nhớ, đụng chạm vào vết thương lòng... Người ta cảm thấy dường như những từ ngữ ấy hay được nhắc đến hơn bất cứ những từ ngữ nào khác.


Như vậy, câu tục ngữ là lời tự thán về cảnh ngộ của ai đó, nhưng cũng là lời dân gian răn dạy phải biết ý tứ, tránh đụng chạm đến nỗi đau đớn, buồn tủi của người khác.

HOÀNG TUẦN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [46] [47] [48] [49] [50] [51] [52] ... ›Trang sau »Trang cuối