Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] [45] [46] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẮT LƯNG BUỘC BỤNG


“Thắt lưng buộc bụng” là một thành ngữ đã có từ lâu nhưng gần đây tự nhiên lại được dùng với tần suất khá cao trên báo chí. Xuất phát từ sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong mấy năm qua mà nhiều quốc gia phải thực hiện một chính sách nói nôm na là “thắt lưng buộc bụng”.

Đó là  việc triển khai chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước... Chắc mọi người đều biết cách đây không lâu, dân Hy Lạp biểu tình khắp nơi khi chính phủ của họ quyết định thực hiện 10 biện pháp thắt lưng buộc bụng, trước sức ép mạnh mẽ của Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Nhưng mặc cho thế giới biểu tình và tìm mọi cách thực thi chính sách theo ý họ, thành ngữ “thắt lưng buộc bụng” trong tiếng Việt vẫn không hề thay đổi nội dung ngữ nghĩa từ bao đời nay. Nó dùng chỉ “sự tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu, chịu đựng đói khổ để dành dụm tiền của làm việc gì đó (thường là việc lớn)” (Viện Ngôn ngữ học, “Từ điển thành ngữ Việt Nam”, NXB Văn hoá Thông tin, 1993); hay “hết sức hạn chế, tiết kiệm trong tiêu dùng để trang trải, dành dụm trong hoàn cảnh khó khăn”  (Trung tâm Từ điển học, “Từ điển tiếng Việt”, NXB Đà Nẵng, 2011). Giải thích như vậy về cơ bản có lẽ không có gì phải bàn thêm.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc về cách giải thích nghĩa đen của thành ngữ này. Bởi không ít người (căn cứ vào nghĩa tổ hợp đang dùng) cho rằng, “thắt lưng buộc bụng” chung quy là phải tiết kiệm, nhịn ăn nhịn mặc (chủ yếu nhịn ăn). Mà muốn nhịn ăn, ăn ít thì phải thắt lưng (bằng dây hay mảnh vải) thật chặt, làm cho bụng bé hẳn lại. Bụng bé đi chắc hẳn người ta sẽ phải giảm ăn (mà có muốn ăn nhiều cũng chịu). Cắt nghĩa như vậy phải chăng là thực tế và hợp lí? Nhưng nghe ra có vẻ “thật thà” quá. Đâu phải cứ buộc bụng cho chặt thì người ta sẽ ăn ít đi? Đói thì đầu gối phải bò. Nếu có thức ăn thì người ta sẽ “nới” ngay thắt lưng mà ăn cho thoả thích.

Nhân vài lần đi công tác ở mấy tỉnh phía Bắc, tôi đã trao đổi và nhận ra có mấy hướng giải thích khác nhau về xuất xứ của thành ngữ này.

Hướng thứ nhất, bà Nguyễn Thị Lựu (ở Hùng Tâm, Yên Thắng, Ý Yên, Nam Định) cho đây là động tác bắt buộc của các bà thợ cấy. Dân đi cấy đòi hỏi phải nai nịt gọn ghẽ, dù nắng hay mưa cũng nên mặc áo mưa trùm ngoài (cho khỏi bị bắn bùn hoặc bị ướt). Ai cũng phải thắt ngang lưng một sợi dây khá bền, để không bị gió thổi bay, cúi xuống áo không bị bung ra chạm mặt ruộng và cũng để dắt các bó lạt (bằng rơm nếp hoặc bằng sợi giang), nhỡ không đang cấy hết mạ thì đi nhổ mạ tiếp. Theo bà Lựu, với dân đi cấy, thắt dây ngang lưng là việc cuối cùng khi xuống ruộng và cởi dây khỏi bụng là việc đầu tiên khi lên bờ (để trở về trang phục bình thường).

Hướng thứ hai, theo bà Vũ Thị Mùi (94 Cầu Gỗ, Hà Nội) thì đây chỉ trang phục của dân chợ búa. Ngày trước, các bà buôn bán ngoài chợ, bao giờ cũng dùng một cái ruột tượng đeo bên mình. “Ruột tượng” là một loại bao bằng vải, dùng để đựng tiền hay gạo, đeo quanh bụng hoặc ngang lưng. Nếu là tiền thì mối thắt nằm ở sau lưng, còn là gạo thì mối thắt kéo ra trước bụng. Có những ruột tượng dài, người ta quấn tới 2 vòng và thắt để rủ xuống trước bụng. Bà Mùi (vừa mới mất), là dân buôn bán lẻ, hồi còn hay đi chợ Đồng Xuân những năm gần đây, bà vẫn đeo ruột tượng, đựng tiền, trầu vỏ và nhiều thứ linh tinh. Bà nói, đeo ruột tượng rất tiện lợi và an toàn.

Hướng thứ ba, theo ông Nguyễn Ngọc Trai (Bảo Tháp, Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh) thì câu “thắt lưng buộc bụng” này liên quan tới trang phục chèo cổ. Ông Trai nói rằng, trang phục của dân hát chèo là theo cách ăn mặc của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa. Phục trang này có các vai chín, lệch và về cơ bản đều có phần giống nhau. Trên sân khấu, những vai “nữ chín” thường mặc áo dài mớ ba mớ bảy. Các vai “nữ lệch” mặc áo dài tứ thân màu sắc rực rỡ. Ví dụ, Thị Kính vào vai trong màn “Vu quy” đã mặc yếm đào bên trong, ngoài áo cánh tơ tằm màu mỡ gà, váy đen chấm gót, bên ngoài là áo dài ngũ thân màu hồng và dứt khoát phải có dải thắt lưng xanh buộc ngang bụng, cho hai đầu dải chảy dài xuống quá đầu gối. Việc “thắt lưng buộc bụng” là động tác quan trọng, để hoàn tất trang phục cho diễn viên chèo bước ra sân khấu.

Nghe ra, ba cách giải thích trên đều độc đáo, đều hay nhưng lại “vô lí ầm ầm”. Cũng bởi nếu cắt nghĩa theo ba cách đó thì chẳng có cơ sở nào để dẫn tới nghĩa “tiết kiệm, dè sẻn hay dành dụm” cả. Tôi lúng túng chưa biết nghiêng về bên nào. Vậy xin chép ra đây để mọi người cùng tham khảo, bàn bạc, không phải để làm “trọng tài phân xử” mà là góp thêm một tiếng nói “giải mã” ngọn nguồn ngôn ngữ dân gian..

PGS. TS. PHẠM VĂN TÌNH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MỒ CHA KHÔNG KHÓC
KHÓC ĐỐNG MỐI...
Tục ngữ “Mồ cha chẳng khóc khóc đống mối; mồ mẹ chẳng khóc khóc bối bòng bong” khá thông dụng và dường như không có gì cần phải bàn cãi về nội dung, ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, xét cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển lại thấy vấn đề không phải như vậy.

         - “Từ điển thành ngữ - tục ngữ -điển tích Việt Nam” (Nhóm biên soạn Lê Văn Đức, Hiệu đính Lê Ngọc Trụ, xuất bản tại Sài Gòn trước 1975, gọi tắt là Lê Văn Đức): “Mồ cha chẳng khóc, khóc đồng mối thng [thành ngữ - HTC chú thích]. Con người dầu tình cảm dồi dào mà dùng lầm chỗ, thì sau này, tình cảm ấy không còn nguyên như trước. Một người đã trung thành với kẻ xấu, một người đã đem hết chân tình mà thương kẻ bất trinh thì dầu về sau, gặp được bạn tốt hay gái hiền, tình cảm cũng đã sứt mẻ mà không còn đằm thắm như trước.đt (điển tích - HTC chú thích). Người kia sinh tại nước Yên, lớn lên sang nước Sở; lúc già trở về xứ cũ. Khi đi ngang qua nước Tấn, bạn cùng đường chỉ vào mà nói: “Đây là nước Yên”. Người ấy ngùi ngùi đổi sắc mặt. Chỉ vào nền xã, anh bạn bảo: “Đây là nền xã làng anh”. Anh ta ngậm ngùi than thở. Chỉ một nhà bên đường, người bạn bảo “Đây là nhà cha anh”. Anh ta rơm rớm nước mắt. Chỉ vào gò mối bảo: “Đây là mồ cha anh”. Anh ta bụm mặt khóc oà. Cả bọn đều cười rồ lên, khiến anh ta lấy làm bẽn lẽn. Nhưng khi về đến nước nhà thật, trước mồ mả ông cha thật, anh ta hờ hững, không còn được như trước nữa”.

         - “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010, gọi tắt là Nguyễn Đức Dương): “Mồ cha chẳng khóc khóc đống mối; mồ mẹ chẳng khóc khóc bối bòng bong. Mồ cha chẳng khóc, lại khóc mấy nấm đất do mối đùn; mồ của mẹ chẳng khóc, lại khóc mấy cái búi bòng bong. Hay dùng để chê trách những kẻ quá tin vào lời đám thầy địa lý/thầy cúng tới độ chỉ đi than khóc các thứ vớ vẩn, mà chẳng thèm ngó ngàng gì tới mồ mả của cha mẹ mình”.

         “Bối bòng bong” được Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương chú thích là “búi xơ vót ra từ các đôi đũa tre cắm trên bát cơm cúng đặt trên quan tài người mới chết”.

         -“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân - NXB Văn học - 2016): Mồ mẹ không khóc, khóc mối bòng bong (bòng bong là đám xơ tre vót ra và rối) như câu: Mồ cha không khóc khóc đống mối”. Mục “Mồ cha không khóc khóc đống mối (đống mối là đống đất do mối đùn lên) Chê người tha thiết đến một việc không phải phận sự của mình)”.

         Sau đây, chúng tôi xin đưa ra lời nhận xét về cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển.

         - Với Lê Văn Đức, việc gắn ý nghĩa câu tục ngữ với tích “người nước Yên” bên Tàu, theo chúng tôi là lạc đề. Bởi dù có lúc “người nước Yên” kia bị lừa, khóc đống mối, tưởng đống mối là mộ cha mình, nhưng câu chuyện này không nhằm chê bai sự lầm lẫn ấy, mà nói lên đặc điểm con người ta: cùng một sự việc xảy ra, cảm xúc bột phát tự nhiên lúc ban đầu rất khó lặp lại. Do đó cách giải thích “Con người dầu tình cảm dồi dào mà dùng lầm chỗ, thì sau này, tình cảm ấy không còn nguyên như trước” chỉ phù hợp khi gắn với câu chuyện “người nước Yên” hồi hương, chứ không phải là ý nghĩa của câu tục ngữ Việt “Mồ cha chẳng khóc, khóc đồng mối”.

         - Cách giảng của Nguyễn Đức Dương đúng hướng hơn, nhưng lại có “vấn đề” về cách hiểu nghĩa đen và nghĩa bóng.

         Thứ nhất: “bòng bong” không phải là “búi xơ vót ra từ các đôi đũa tre cắm trên bát cơm cúng đặt trên quan tài người mới chết”. Xơ và toàn bộ cái đũa tre cắm trên bát cơm cúng gọi là “đũa bông” chứ không phải là“bòng bong”. Còn phoi tre (kiểu như phoi bào nhưng dài mà mảnh hơn, quăn hơn) do người ta vót nan tre, nứa để đan đồ đựng rồi vò thành đống cũng gọi là “bòng bong”, nhưng không phải là “bòng bong” trong câu tục ngữ đang xét. Có câu “Rối như búi bòng bong” cơ mà! Mấy cái xơ của đũa tre (cắm trên bát cơm cúng) vót ra tuy cong tít nhưng một đầu vẫn dính vào chiếc đũa nên xơ nào ra xơ ấy (tức có đầu mối) chứ đâu có rối?

         Thực ra, “bòng bong” trong câu tục ngữ là một loại dây leo, hay mọc ở các bụi rậm (đặc biệt là những nơi đất mối đùn), mầu nâu, mảnh như sợi miến mà dai, quấn nhằng nhịt vào nhau (phương ngữ Thanh Hoá gọi là dây “tưng tứng”). Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (Đỗ Tất Lợi) chép về loại “bòng bong” này như sau: “THÒNG BONG 長葉海金沙 [trường diệp hải kim sa-HTC phiên âm] còn gọi là bòng bong, dương vong, thạch vĩ dây. Tên khoa học Lygodium flexuosum Sw. Thuộc họ Thòng bong Schizaeaceae”. Sách này tiếp tục mô tả: “Thòng bong là một loại quyết có hiệp rất dài, mọc leo. Thân rễ bò, lá dài (...). Mọc phổ biến ở các bụi rậm, bờ rào. Thu hái gần như quanh năm...”.

         Ở thôn quê, người đi kéo tép đồng bằng te, thường bứt những sợi dây bòng bong ở bụi bờ phủ lên trên chiếc rá đựng tép. Mục đích là khi hất tép từ chiếc te vào rá, thì tép vẫn lọt xuống bởi các kẽ hở của búi bòng bong, nhưng tép lại không nhảy ra được do vướng búi bòng bong nhằng nhịt kia. Nông dân còn dùng cả búi lớn bòng bong, cuộn tròn lại để cọ rửa dụng cụ cày bừa, hoặc kì cọ, tắm rửa cho trâu sau buổi cày. Sợi bòng bong dai, dài, đan quấn vào nhau thành cái búi cọ rửa rất bền, tiện lợi, dùng lâu dần thì đen bóng. Thành ngữ “Rối như bối bòng bong” chính là nói đến loại “bòng bong” này.
          
         Trở lại với câu tục ngữ. Cái tổ mối đùn nó lùm lùm gần giống như một nấm  mồ vô chủ. Còn cái bụi rậm nhằng nhịt những búi (bối) bòng bong cũng tựa như một ngôi mộ bị thất lạc, lâu ngày hoá hoang rậm. Thế nên, ông thầy bói đi tìm mộ, hoặc người đi tìm mộ thất lạc cứ ngỡ mồ mả tổ tiên ông bà bấy lâu không ai chăm sóc, nên gia chủ mới nhận ngay cái tổ mối, bối bòng bong ấy mà khóc lóc, hương khói khấn vái. Nếu hiểu như Nguyễn Đức Dương “bòng bong” là “búi xơ vót ra từ các đôi đũa tre cắm trên bát cơm cúng đặt trên quan tài người mới chết”, thì lúc này con cháu đang than khóc chung quanh quan tài, làm sao có thể nhầm ra mộ tổ tiên người khác được? Mà chết chưa chôn thì lấy đâu ra mộ?

          Còn nếu hiểu “bòng bong là đám xơ tre vót ra và rối” như cách giải thích của GS Nguyễn Lân, thì “đám xơ tre” ấy thường được phơi ngoài sân, hè cho khô để nhóm bếp, chẳng có lí nào lại nhầm với “mộ mẹ” của ai đó bị thất lạc được. Cách giải thích của GS Nguyễn Lân, ngoài hiểu sai nghĩa đen của “bòng bong”, thì cách giảng nghĩa bóng “Chê người tha thiết đến một việc không phải phận sự của mình” cũng quá chung chung.

         Theo chúng tôi, câu tục ngữ “Mồ cha không khóc, khóc đống mối, mồ mẹ không khóc, khóc bối bòng bong” xuất phát từ thực tế nghĩa đen là xưa kia do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chiến tranh, loạn lạc, hoặc trải qua nhiều đời, mộ phần của cha ông thường bị thất lạc, mất dấu tích. Bởi vậy nhiều trường hợp, người ta phải nhờ vào thầy bói đi tìm mộ, hoặc tự đi tìm mộ.

         Với thầy bói, vì muốn cho xong việc nên có khi thầy chỉ đại vào đống mối, hay bụi bòng bong rậm rạp nào đó giông giống cái mộ để gia chủ lấy cơ sở hương khói, khấn vái. Có những nhà mộ tổ tiên bị mưa gió bào mòn, mất dấu, không xác định được toạ độ chính xác. Khi thấy đống mối đùn, hoặc cái gò cao cây cối rậm rạp ở gần khoảng đất nhớ chừng chừng, thì cứ ngỡ đó chính là mộ tổ tiên. Sau một thời gian hướng khói, khấn vái, đến khi tình cờ (như dời chuyển mộ, cải táng) mới té ngửa là lâu nay “khóc đống mối”, “khóc bối bòng bong”. Nghĩa là câu chuyện không phải “Hay dùng để chê trách những kẻ quá tin vào lời đám thầy địa lý/thầy cúng tới độ chỉ đi than khóc các thứ vớ vẩn, mà chẳng thèm ngó ngàng gì tới mồ mả của cha mẹ mình”. Bởi “mồ mả của cha mẹ mình” có bị thất lạc thì mới phải nhờ đến thầy đi tìm, chứ đâu phải có mồ mả sờ sờ ra đấy nhưng “chẳng thèm ngó ngàng”?

         Về nghĩa bóng, tục ngữ thường được dùng để mỉa mai, chê cười, phê phán thói “thấy người sang bắt quàng làm họ”, nhận lầm nguồn gốc tổ tông, hoặc “thương vay, khóc mướn”, tức thương xót không phải lối, thương xót không đúng chỗ; tôn thờ, dành tình cảm xót thương sâu nặng cho đối tượng không xứng đáng, không liên quan gì đến huyết thống, hay quan hệ họ hàng với mình; trong khi đó, tổ tiên, dòng tộc của mình thì lại không quan tâm, để ý.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CẬY THẦN PHẢI NỂ CÂY ĐA


Các nhà biên soạn từ điển giải thích câu tục ngữ này như sau:
- “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Cậy thần phải nể cây đa (cây đa ở bên cạnh miếu thờ thần) Ý nói: Đã phải nhờ vả người nào thì lại phải lo lót những kẻ tay chân của người ấy. Đó là cái tục gây nhiều điều tiêu cực”.

-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Vị thần, ai vị cây đa: Người ta e nể là e nể vị thần (thờ trong đền), chứ mấy ai thèm e nể tới cái gốc đa xoè tán bên trên. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: Người ta e nể là e nể cái uy quyền, chứ có mấy ai thèm e nể kẻ nắm giữ nó. Dị bản: “Vị thần phải nể cây đa: (Đã e nể) vị thần (thờ trong đền) tất cũng phải e nể cả cái gốc đa (xoè tán bên trên). Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: Đã e nể cái uy quyền tất cũng phải e nể cả kẻ đang nắm giữ nó”.

- “Từ điển thành ngữ - tục ngữ - điển tích Việt Nam” (Nhóm biên soạn Lê Văn Đức) giảng: “Vị thần, ai vị cây đa [thành ngữ]. Vì tôn trọng ông thần, người ta không dám động đến cây đa trồng trước miếu, chớ nào phải tôn trọng cây đa// (bóng) Người ta sở dĩ nể nang những kẻ tay sai của nhà quan là vì sợ quyền thế ông quan chớ nào phải sợ những kẻ tay sai ấy. Như thành ngữ Vị thần mới nể cây đa”.

-“Tục ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Vị thần ai vị cây đa: Ở nước ta ở những đền chùa miếu mạo thờ Thần, Phật thường hay có trồng những cây đa. Người ta tôn trọng không dám động-chạm đến những cây đa đó, không phải sợ gì cây đa đâu, mà sợ cái oai linh của ông thần. Những người tôi tớ nhà quyền quý thấy người ngoài vị nể mình, thường tưởng lầm rằng người ta sợ mình, có biết đâu rằng người ta vị nể mình là vì người ta sợ nhà quyền quý”.

Theo chúng tôi, cách hiểu về nghĩa đen của các nhà biên soạn từ điển có điểm chưa chính xác:

Trong thực tế, dân gian kiêng xâm phạm tất cả những gì liên quan (hoặc thuộc) đền chùa, miếu mạo, thần phật... Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể “cây đa” ở đây không hẳn là “cây đa ở bên cạnh miếu thờ thần” (quan điểm của GS Nguyễn Lân); cây đa “xoè tán bên trên” ngôi đền (Nguyễn Đức Dương), hay “cây đa trồng trước miếu” (Lê Văn Đức) mà là thần trú ngụ trong chính cây đa.


Dân gian quan niệm quỉ thần, ma quái là những linh hồn phiêu diêu vô định, nên chúng phải lấy thân cây to để nhập hồn, làm chỗ nương tựa thay cho thể xác.Bởi thần nằm ở trong chính cây đa, nên cây đa cũng trở thành “thiêng”, đáng “nể”. Thế nên còn có câu “Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”, nghĩa là thần nương tựa vào cây đa, nhờ thân cây đa mà gửi linh hồn; cây đa lại dựa vào cái thế có thần thiêng trú ngụ để trở thành).

“Cây đa” chỉ loài cây có tên khoa học là Ficus elastica Roxb, nhưng dân gian cũng gọi chung tất cả các loại cổ thụ. Thế nên có câu“Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Nghĩa là những loại cổ thụ như đa, gạo, đề...nói chung đều có ma quỉ trú ngụ, nên phải dè chừng, đề phòng, tránh xa... “Cú cáo” ở đây cũng là hiện thân của ma quỉ hay hoạt động về đêm khuya vắng vẻ.

Trong thực tế, dân gian thường kiêng chặt phá cây đa, cho dù có đền miếu thờ bên cạnh hay sự tích nào liên quan đến cây đa đó không. Thậm chí, những loại cây lâu năm trên rừng cũng dễ thành “tinh”. Bởi vậy, khi dùng gỗ rừng để làm nhà, để yên tâm, gia chủ thường làm lễ “phần sài” 焚 柴 (đốt củi) để trừ “mộc tinh”. Thầy phù thuỷ dùng các que hương đã châm lửa làm tên, lắp vào cung bắn lên cột kèo, xà nhà... để trừ “mộc tinh”, ngõ hầu khi vào ở, gia chủ không còn bị “mộc chận” (“mộc tinh” đè trong giấc ngủ) nữa.

Sách “Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt” (NXB Thuận Hoá - 2010), Học giả Pháp Leopold Cadiere đã dành hơn 50 trang để khảo cứu, ghi chép về tục “thờ cây” của người Việt. Ví dụ, mục “Cây được xem như cây có ma”,Leopold Cadiere viết như sau: “Trong mọi trường hợp được trích kể trên đây, là những cây không ai dám đốn ngã, chặt phá, cũng chẳng dám chặt cành, đó là những cây mà ta không thể được phép khiếm nhã, ngay cả những trò chơi vô tình, mà không bị thần nổi giận gây nhiều điều phiền nhiễu”.

Tục thờ cây, “kính sợ” cây không chỉ có ở người Việt. “Từ điển vô thần luận” (NXB Phương Đông - 2006), mục “Ma quỷ trên cây (Wood-Goblin)” giảng: “Trong những tín ngưỡng dân gian thời kỳ trước Thiên Chúa giáo, nhiều người mê tín rằng cây có chứa những linh hồn. Thiên Chúa ra đời và phổ biến cũng không loại bỏ được mê tín này, vì yêu tinh hay ma quỷ trên cây gắn liền với cuộc sống trồng trọt,cày cấy và săn bắn”.

Cũng cần nói  thêm, về nghĩa bóng lời giải thích nôm na của GS Nguyễn Lân không phải cách làm của từ điển; trong khi Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương lại đi quá xa khi giải nghĩa bóng không ăn nhập gì với nghĩa đen: “Đã e nể cái uy quyền tất cũng phải e nể cả kẻ đang nắm giữ nó”, và “Người ta e nể là e nể cái uy quyền, chứ có mấy ai thèm e nể kẻ nắm giữ nó”.

Theo chúng tôi, cách giải nghĩa khái quát của “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) sau đây là đúng: “Vị thần phải nể cây đa [Sợ thần phải nể cây đa; Vị thần ai vị cây đa; Vị thần mới nể cây đa] (vị: vì; cây đa là nơi thờ thần, nơi thần trú ngụ, theo mê tín). Do kính sợ người có quyền lực mà phải nể kẻ có liên quan”.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THEO VOI HÍT BÃ MÍA


Trong bài thơ có tên “Theo voi ăn bã mía” (cũng là dị bản của tục ngữ “Theo voi hít bã mía”) Tản Đà viết:

“Ăn mía theo voi tiếng đến giờ
Vì chi miếng bã để trò dơ
Rón chân những chực khi vòi nhả
Rát lưỡi đành xơi cái ngọt thừa...”

Cứ theo cách chế giễu của Tản Đà, thì khi ăn mía, voi cũng hít lấy nước ngọt rồi nhả bã như người. Thế nên kẻ “Theo voi ăn bã  mía” mới chầu chực, đợi cái vòi nhả “miếng bã”, rồi “xơi cái ngọt thừa” đến “rát lưỡi”! Đây không chỉ là ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ, mà còn là cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển:

- “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Theo voi ăn bã mía (Đừng theo) chân giống voi (để chực kiếm chác mà phí công vì sẽ chẳng) nhận được gì ngoài mấy mẩu bã mía”.

- “Thành ngữ tục ngữ lược giải” (Nguyễn Trần Trụ): “Theo voi hít bã mía: Theo voi định để ăn mía, nhưng chỉ được voi nhả bã mía ra cho mà hít. Chê người hay xu phụ kẻ thế lực to mà rút cục chẳng được lợi lộc gì cả”.

- “Tục ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Theo voi hít bã mía: Voi hay ăn mía, có người đi theo voi, định để ăn mía với voi, nhưng chỉ được voi nhả cho bã mía mà hít. Người ta thường mượn câu này để chê người hay xu-phụ kẻ thế-lực to, mà rút cục chẳng được lợi  lộc chi cả”.

- “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Theo voi hít bã mía (Voi ăn mía nhả bã) Chê kẻ hùa theo người khác để mong được hưởng ơn thừa”.

Như vậy, có sự thống nhất khá cao về cách hiểu, trong đó từ điển của GS Nguyễn Lân chú rõ ràng nhất: “Voi ăn mía nhả bã”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ở đây có sự nhầm lẫn trong cách hiểu nghĩa đen câu tục ngữ.

Theo “Từ điển Bách khoa Nông nghiệp”, để cung cấp năng lượng cho cơ thể khổng lồ của mình, mỗi ngày một con voi trưởng thành ăn tới 300-350kg thức ăn. Hàm răng của voi chẳng khác nào hai cái “thớt” của chiếc cối xay, nghiền nát tất cả các loại cỏ cây... Bởi vậy, với voi thì bó mía chẳng khác nào bó cỏ non mềm, ngọt ngào. Giống như ăn các loại cây cỏ khác, khi ăn mía, nó không “nhả bã” như người, mà dùng vòi cuộn cả cây vào mồm, rồi nhai nuốt cả (chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hoá của nó). Ngay như trâu bò (và nhiều loại động vật ăn cỏ khác), dù thức ăn dai, cứng đến mấy cũng không bao giờ có chuyện chúng nhai nuốt nước rồi nhả bã.

Vậy, tại sao dân gian lại nói “Theo voi hít bã mía”?

Mía là loại thức ăn ưa thích nhất của voi (quản tượng thường dùng mía để dụ dỗ, thuần dưỡng voi sau những ngày bỏ đói chúng, hoặc làm “phần thưởng” cho những con phải làm việc nặng nhọc). Bởi vậy, hình ảnh con voi thường gắn với thứ thức ăn ưa thích là mía. Trong câu tục ngữ “Theo voi hít bã mía”, dân gian đã liên tưởng cách ăn mía của người với voi để chế giễu kẻ ngộ nhận, ảo tưởng: con voi khổng lồ ăn mía dĩ nhiên lượng bã mía thải ra cũng lắm; theo voi không chỉ dựa dẫm vào sức mạnh của voi, mà còn nhặt nhạnh được lợi lộc rơi vãi của nó.

Tuy nhiên, thâm ý của dân gian không dừng ở đó.

Voi ăn các loại cây cỏ, nhưng tiêu hoá không hoàn toàn. Trong phân voi vẫn còn nguyên sợi xơ thô, thân bã thực vật. (Người Thái Lan có nghề làm giấy thủ công lấy nguyên liệu đã được “sơ chế” từ phân voi). Từ sự quan sát ấy, ý dân gian muốn ám chỉ kẻ“theo voi hít bã mía”, nhưng “bã mía” chẳng thấy đâu, có chăng chỉ là “bã mía” ở trong đống phân voi mà thôi! Và “hít” ở đây là một kiểu chơi chữ, vừa có nghĩa dùng răng, lưỡi để chắt, ép lấy chút “cái ngọt thừa” của bã mía tươi, vừa ám chỉ “hà hít” đống bã mía đã được “sơ chế” bởi ông voi khổng lồ kia! (Thế nên dị bản “Theo voi hít bã mía” hay hơn “Theo voi ăn bã mía” nhiều!).

Cũng cần nói thêm về nghĩa bóng. Dân gian không nói chuyện “hùa theo, a dua”, (cùng một giuộc, cùng phe cánh) như cách hiểu của GS Nguyễn Lân và Nhóm Vũ Dung, mà là theo đuôi (làm tay sai, cơ hội, nịnh bợ) kẻ có sức mạnh, quyền thế, hòng kiếm chác chút lợi lộc rơi vãi. Tuy nhiên, kẻ tưởng bở, theo đuôi, cơ hội chẳng những không xơ múi được gì, mà có khi còn bị đổ thừa, hứng chịu những hệ luỵ khôn lường.

   Cái thâm thuý của dân gian là vậy.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRỐN VIỆC QUAN ĐI Ở CHÙA


Về nghĩa bóng câu tục ngữ “Trốn việc quan đi ở chùa”, hầu như các nhà biên soạn từ điển đều cơ bản hiểu đúng, nhưng lại khá lúng túng, nhầm lẫn khi giải thích nghĩa đen:

         1 - “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Trốn việc quan đi ở chùa: Chê người lười bỏ nhiệm vụ của mình: Khi thủ trưởng giao cho một việc nặng thì hắn cáo ốm, trốn việc quan đi ở chùa mà”.

         2 - “Từ điển thành ngữ - tục ngữ - điển tích Việt Nam” (Nhóm biên soạn Lê Văn Đức - Hiệu đính Lê Ngọc Trụ): “Trốn việc quan đi ở chùa Tìm cách tránh làm phận sự”.

          3 - “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Trốn việc quan đi ở chùa (Đừng) trốn những việc mà mọi viên quan lẽ ra phải cáng đáng để) lên chùa đi tu. Hay dùng để khuyên mọi người chớ có né tránh những công việc thuộc bổn phận của chính mình để được an nhàn”.

         4 - “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung - Vũ Thuý Anh - Vũ Quang Hào): “Trốn việc quan đi ở chùa (Người xưa bất đắc chí thường ẩn dật hoặc đi tu để trốn tránh việc làm quan). Tìm cách trốn tránh, thoái thác trách nhiệm của mình”.

         Theo chúng tôi, trong số các cuốn từ điển trên đây, thì Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương và Nhóm Vũ Dung đã hiểu lầm hai chữ “việc quan” với nghĩa việc nhà nước mà ông quan phải đảm trách, và “việc quan” là những việc mà dân chúng có nghĩa vụ phải gánh vác, phục dịch vô điều kiện một khi quan trên có lệnh đốc thúc, đòi bắt. Ví như những “việc” nặng nhọc, khốn khổ của anh lính thú:  

“Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan,
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai!”
                                                                 (Ca dao).

         Thực tế không có chuyện vì không muốn ra làm quan, mà ông quan nào đó phải trốn vào chùa để đi tu. Trong câu tục ngữ đang xét, dân gian phê phán, nhận diện những kẻ chỉ mang danh tu hành, lánh vào cửa Phật để “trốn việc quan”, như phu phen, tạp dịch, thuế má, lính tráng, thậm chí trốn trọng tội đã vi phạm ngoài đời...nói chung. Đó là thực tế lịch sử của những thời kỳ chiến tranh loạn lạc, Phật pháp suy đồi.

         Năm 1695, Nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán đến Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu. Trong “Hải ngoại kỷ sự”, Thích Đại Sán đã chép về chuyện “trốn việc quan” dưới thời chúa Nguyễn như sau:

         “Mỗi năm vào khoảng tháng Ba, tháng Tư, quân nhân ra các làng, bắt dân từ 16 tuổi trở lên thể chất cường tráng đều bắt sung quân, xiềng cổ bằng một cái gông bằng tre, hình như cái thang nhưng hẹp hơn... chưa đến 60 tuổi chưa cho về làng cùng cha mẹ vợ con, hằng năm, thân nhân đem áo quần vật thực đến thăm mà thôi. Vì thế, dân còn lại đều ốm yếu tàn tật...Cha mẹ sợ con bị bắt lính, con lớn tuổi liền cho đi ở chùa, may ra được khỏi. Vì cớ ấy tăng đồ rất đông, nhưng Phật pháp cũng do đó sinh ra hỗn loạn, chẳng những thiền tông tuyệt nhiên không đếm xỉa, cho đến các việc “luật”, “luận”, cũng buông trôi chẳng chút quan tâm, đến nỗi những phường áo tràng mão ni, nết xấu tật hư còn quá dân quê nơi làng mạc.” (“Hải ngoại kỷ sự” - NXB Khoa học xã hội).

[Đáng chú ý, cũng đoạn này, nhưng trong sách “Xứ Đàng Trong” (NXB Trẻ - 2014), tác giả Li Tana đưa ra bản dịch rõ ràng hơn: “Cha mẹ sợ con sớm phải đi lính, vừa lớn lên tức cho vào chùa làm sãi, hầu mong trốn tránh việc quan...” (HTC nhấn mạnh)](1).

         Như vậy, “việc quan” trong “Trốn việc quan đi ở chùa” phải hiểu theo nghĩa [2], mà “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) đã giảng: “Việc mà người dân phải đến cửa quan”, chứ không phải nghĩa [1], “Việc nhà nước mà quan phải làm.” (mà các nhà biên soạn từ điển đã nhầm lẫn)(2).

         Hiểu rộng hơn, “trốn việc quan” còn chỉ những kẻ không có “căn tu” mà chỉ lợi dụng Phật pháp, tín ngưỡng, biến Thiền môn thành nơi trốn tránh tai ương, ngõ hầu ấm thân khi sa cơ lỡ vận, hoặc tiếp tục đội lốt từ bi để dung dưỡng mầm ác. Ấy là những thành phần mà trong “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính đã chỉ mặt, đặt tên: “Vả lại chỗ Phật Đường, phần người chân tu thì ít, mà phần người trốn chúa, lộn chồng, ăn bơ làm biếng, trốn sâu lậu thuế, mượn cửa bồ đề mà nương thân thì nhiều. Ấy lại là một cái hang để chứa kẻ bậy bạ nữa”!(3).

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chú thích:
(1) - Nguyên văn đoạn trích trong “Xứ Đàng Trong” chất lượng dịch tốt hơn: "“Mỗi năm vào khoảng tháng ba, tháng tư, quân nhân đi qua các làng, bắt dân từ 16 tuổi trở lên...đóng gông lại bằng một cái gông hình như cái thang, nhưng hẹp hơn, để giải về phủ sung quân...Tuổi chưa đến 60 chẳng được về làng cùng cha mẹ vợ con đoàn tụ. Hằng năm, thân thích đem áo quần vật thực đến thăm mà thôi. Vì cớ ấy, những dân còn lại ở nhà, toàn gầy yếu bệnh tật...Cha mẹ sợ con sớm phải đi lính, vừa lớn lên tức cho vào chùa làm sãi, hầu mong trốn tránh việc quan...”
           (2) - Nguyên văn trong “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức: “việc quan • dt. Việc nhà nước mà quan phải làm : Việc quan phải giữ lấy nhân làm đầu (NĐM). • Việc mà người dân phải đến cửa quan : Phải việc quan, lôi-thôi không đặng”.
         (3) - “Bách khoa tri thức” (Bachkhoatrithuc.vn) đã giải thích đúng hướng: “Trốn việc quan đi ở chùa tng 1.Trước đây người ta đi tu để lẩn trốn phu phen tạp dịch 2. Tìm nơi an nhàn yên tĩnh để lẩn trốn trách nhiệm hoặc công việc nặng nhọc”. Tuy nhiên, cách giải thích chưa thật chính xác. Bởi lẽ, “ở chùa” đây không phải đều là đi tu, mà có thể chỉ là “tạm trú” chốn Thiền môn, làm sãi vãi, thủ từ, tạp dịch...Vả lại, “Trốn việc quan đi ở chùa” chỉ là hiện tượng, không phải bản chất: “trước đây người ta đi tu để lẩn trốn phu phen tạp dịch”...Cũng không phải chỉ có trốn “phu phen, tạp dịch”, mà còn muôn vàn thứ việc quan và lí do khác (như chúng tôi đã nói trong bài viết).
http://tuancongthuphong.b...n-viec-quan-i-o-chua.html
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“ĐƯỜNG ĐI”, HAY “ĐƯỜNG TẮT”;
“TỐI”, HAY “RỐI”?


Có một câu tục ngữ Việt hiện tồn tại ít nhất ba dị bản được các nhà sưu tầm, biên soạn từ điển thu thập và giải nghĩa (chúng tôi nhấn mạnh những chỗ khác nhau để bạn đọc dễ theo dõi):“Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng”; “Đường TẮT hay TỐI, nói dối hay cùng”; và “Đường TẮT hay RỐI, nói dối hay cùng”.

-”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân) giải thích:“Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng Ý nói: kẻ nói dối một lúc nào đó sẽ bị lộ, không thể cứ tiếp tục dối mãi”.

“Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào): “Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng” [Đường TẮT hay TỐI, nói dối hay cùng]. Nói dối quanh thì dễ bị lộ tẩy, bộc lộ bản chất xấu; Không nên nói dối”.

-”Thành ngữ tục ngữ lược giải” (Nguyễn Trần Trụ): “Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng: Đường đi mãi hay gặp trời tối, nói đến (sic) mãi thì hay gặp chỗ cùng. Cũng có người giảng: đi đường quanh quẩn thì hay gặp trời tối, nói dối quanh quẩn thì hay gặp chỗ cùng”.

“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Đường ĐI [?] hay TỐI [?]; nói dối hay cùng”. Câu này được Nhà ngữ học chú thích: “Chắc là TẮT và RỐI,chứ chẳng phải ĐI và TỐI, nhưng đã bị chép nhầm”, đồng thời hướng dẫn xem giải thích dị bản: “Đường TẮT hay RỐI; nói dối hay cùng: Đường TẮT là thứ lối đi rất hay làm rối trí những ai chưa thạo; nói dối là lối hành xử dễ đẩy kẻ nói dối tới bước đường cùng (một khi bị hỏi dồn)”.

-“Tục ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng: Đường đi mãi thì hay gặp trời tối, nói dối mãi thì hay gặp chỗ cùng, không còn nói dối được nữa. Cũng có người giảng thế này, đi đường quanh quẩn thì hay gặp trời tối, nói dối quanh quẩn thì hay gặp chỗ cùng”.

-”Tục ngữ ca dao Việt Nam” (Vũ Ngọc Phan) ghi nhận: “Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng”.

Như vậy, trong ba dị bản, thì dị bản đầu tiên “Đường ĐI hay TỐI, nói dối hay cùng” phổ biến hơn cả. Tuy nhiên, theo chúng tôi, văn bản đúng của câu tục ngữ là:“Đường TẮT hay TỐI, nói dối hay cùng”, chứ không phải “đường ĐI hay tối”,hoặc “đường tắt hay RỐI”.  

Về nghĩa đen: “đường tắt” là con đường gần, nhưng quanh co, nhỏ hẹp, có khi cuối cùng là đường cụt, nên dễ dẫn đến chỗ bế tắc, trở ngại, không tìm thấy lối ra (“tối”). Ngược lại với con đường “tắt”, đường “tối”, là con đường “sáng”, đường”quang” rộng rãi (đường thẳng, đường chính). Nhóm Vũ Dung có ghi nhận dị bản “Đường TẮT hay TỐI...”, nhưng tiếc rằng các tác giả chỉ đưa vào phần tham khảo, xem như là một dị bản không phổ biến. Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã có lý khi đưa ra nghi ngờ “Chắc là TẮT và RỐI, chứ chẳng phải ĐI và TỐI, nhưng đã bị chép nhầm” . Tuy nhiên ông đề xuất thay “hay tối” bằng “hay rối”, theo chúng tôi không cần thiết, vì “hay tối” mới chính xác. “Tối” trong câu tục ngữ được hiểu là không thấy đường đi nữa, tức lâm vào đường cùng, đường cụt, hết đường (Trong khi “rối trí” đâu có nghĩa là lâm vào bước đường cùng, không có lối thoát?). Trái nghĩa với đường “tối” là đường “sáng”. Ví như có câu: “Đường quang không đi, đâm quàng bụi rậm”. “Quang” có nghĩa là “sáng”, “đường quang” chính là con “đường sáng”, đường lớn.

Theo đó, tục ngữ Hán cũng có câu: “Đạo nhi bất kính-道而不徑-Đi đường, chớ nên theo lối tắt”; “Tiệp kính quẫn bộ-捷徑窘步-Đường tắt có lúc sẽ khiến bước chân trở nên lúng túng” (“kính” 徑, có nghĩa là “đường tắt”, “lối tắt”); Tục ngữ Tày: “Chiếu rải không ngay ngắn không ngồi; đường khuất nẻo vắng vẻ không đi” (Vủc bố chính bố nẳng, tàng lẳc lặm bố pây); “Đi tối lạc đường; nói dối hay cùng” (Pây đăm lạc tàng phuối viàng hay chủn) (“Từ điển thành ngữ, tục ngữ dân tộc Tày”-Triều Ân-Hoàng Quyết-NXB Văn hoá dân tộc-1996). Ở đây, “đường tắt”, “khuất nẻo vắng”, hay “đi tối”, đều không phải cách đi, “đường đi”, đường lớn mà mọi người vẫn qua lại hàng ngày. Nếu “đường đi” nói chung mà “hay tối”, thì biết lựa chọn con đường nào khác nữa?

Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều dị bản đồng nghĩa cùng tồn tại và có giá trị sử dụng như nhau. Tuy nhiên, trong 3 dị bản nêu trên, thì “Đường tắt hay tối, nói dối hay cùng” là dị bản chính xác nhất.

Như vậy, nghĩa bóng câu tục ngữ là: đi đường không nên lựa chọn con đường tắt, mà cứ con đường thẳng, đường cái, đường sáng, đàng hoàng mà đi, sẽ không bao giờ hết lối, hoặc gặp phải đường cụt (Hiểu rộng hơn là không nên nóng vội, lựa chọn cách làm tắt, dễ dẫn đến bế tắc, dở dang, có khi còn lâu hơn cách làm theo lối thông thường); cũng như thẳng thắn, trung thực, thì sẽ không bao giờ lâm vào thếcùng, bế  tắc (không biết giải thích ra sao về hành động việc làm gian dối của mình).

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MẠ GIÀ RUỘNG NGẤU


-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân) giải thích: “Mạ già ruộng ngấu Đó là những điều kiện tốt để tăng năng suất lúa”.

-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Mạ già ruộng ngấu: Mạ càng già và ruộng càng ngấu (thì lúa càng chóng lên xanh và mùa màng càng dễ bội thu)”.

Các nhà biên soạn từ điển giải thích rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, “mạ già” hoàn toàn không phải là “điều kiện tốt để tăng năng suất lúa” (như GS Nguyễn Lân giảng), càng không phải “mạ càng già” thì “lúa càng chóng lên xanh” và “càng dễ bội thu” (như cách hiểu của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương). Thực tế, nếu cấy mạ già, mạ quá lứa, sẽ không cho năng suất cao, thậm chí không có thu hoạch. Bởi khi cấy mạ già, cây lúa đẻ nhánh kém (hoặc không đẻ nhánh), có khi chỉ sau một tháng, lúa đã có đòng, bông bé như bông may, hạt lép.

Sở dĩ dân gian đem “mạ già” đặt cạnh “ruộng ngấu”, vì trong canh tác lúa nước, có khi xảy ra hai trường hợp “vênh nhau” về điều kiện sản xuất: mạ đợi ruộng (mạ đủ tuổi cấy, mà đất chưa làm kịp); hoặc ruộng đợi mạ (đất đã cày bừa, chuẩn bị sẵn sàng, mà mạ lại còn non). “Ruộng đợi mạ” không đáng lo ngại, nhưng “mạ đợi ruộng” dễ dẫn đến mất mùa, vì mạ quá tuổi cấy. Thế nên, tục ngữ Tày có câu “Ruộng chờ mạ, ruộng kỹ càng tốt; mạ chờ ruộng mạ muộn chẳng được hạt nào”, nghĩa là: ruộng chờ mạ thì đất càng có thời gian ngấu kĩ, nhưng mạ chờ ruộng thì muộn tuổi, quá lứa, thành mạ già, cấy không cho thu hoạch[1].

Ngày xưa, nếu mạ già đến mức đã có đốt (lóng sinh trưởng tạo đòng lúa), nông dân sẽ bỏ không cấy. Thế nên tục ngữ Mường cũng có câu: “Tiếc ruộng gần nhà cấy mạ có đốt [Tiệc roóng khênh nhá cần má cò dột], ý nói: Ruộng gần nhà (ruộng tốt, tiện cày cấy, chăm sóc), mà đi cấy mạ có đốt (mạ đã quá già) thì phí quá, tiếc quá. Hay câu “Con gái trẻ lấy chồng già, khác nào ruộng trước nhà cấy mạ có đốt [Con mài lễ dầu rá nhơ trưa khênh nhá cần má cò đột], cũng có ý tiếc cho (hay lời khuyên) cô gái trẻ, lấy phải (hoặc không nên lấy) chồng già, phí hoài tuổi xuân[2].

Vậy, nên hiểu nghĩa đen câu “Mạ già ruộng ngấu” như thế nào?

Cần phân biệt nghĩa của “già” theo cách nói của dân gian: 1.già = giả cả, lão hoá, quá tuổi sinh trưởng, không còn sung sức (già >< trẻ); 2.già = già giặn, trưởng thành, không còn non nớt (đây mới là nghĩa của “già”, trong “Mạ già, ruộng ngấu”). “Mạ già” được hiểu là mạ ở độ tuổi cứng cáp (đối với mạ non, còn chưa đủ tuổi cấy). Khi hiểu “mạ già” là mạ đã đến tuổi cấy, có nghĩa sự “già” này cũng có thời điểm nhất định, chứ không phải “mạ càng già” (càng để lâu) càng tốt, “càng dễ bội thu”. Mặt khác, “Mạ già, ruộng ngấu” không nói về khả năng cho năng suất lúa, vì cấy mạ non hay mạ già, còn tuỳ thuộc vào thời vụ (ví như vụ xuân ưa cấy mạ non). Ở đây tục ngữ nhấn mạnh hai điều kiện: “mạ già” (đã đến tuổi cấy); “ruộng ngấu” (đất đã cày bừa kỹ nhuyễn) đều có đủ, tất cả đã sẵn sàng, không còn lý do gì không tiến hành công việc (cấy) nữa. Nghĩa bóng: 1. Cần triển khai công việc ngay, vì điều kiện khách quan và chủ quan (hay yếu tố cần và đủ) đều đã chín muồi; 2. Điều kiện tốt, có thể đem lại kết quả ngay sau đó.

Trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”, đoạn Sùng Ông tố cáo Thị Kính tội giết chồng, vờ gọi Mãng Ông sang, giọng mỉa mai: “Ông Mãng ơi, sang mà ăn cữ cháu”. Mãng Ông ngỡ thật, từ ngoài đi vào, vui vẻ nói: “Đấy tôi biết ngay mà! Mạ già ruộng ngấu, không cắm cây mạ thì thôi, chứ cắm là mọc ngay cây lúa cho mà xem”.

Sở dĩ Mãng Ông ví vợ chồng Thiện Sĩ và Thị Kính giống như “Mạ già ruộng ngấu”, vì cả hai lấy nhau đều đã ở độ tuổi thành thục. Trong khi xưa kia, nhiều gia đình hỏi vợ cho con trai thường muốn chọn con người gái đã trưởng thành (nhiều tuổi hơn con mình), mục đích về nhà đã biết lo làm ăn ngay. Do đó, có tình trạng chênh lệch tuổi tác khá lớn. Vợ 17-18 tuổi, chồng 12-13 tuổi, cưới xong phải đợi nhiều năm sau mới có con (chẳng khác nào tình trạng “mạ đợi ruộng” hoặc “ruộng đợi mạ”). Thế nên mới có câu ca than thân trách phận:

“Buồn tình em bế thằng bé nó lên,
Nó còn bé mọn, đã nên cơm cháo gì,
Nó ngủ nó ngáy khì khì,
Một giấc đến sáng còn gì là xuân?”

Hay:
“Chồng lên tám, vợ mười ba
Ngồi rồi, nu nống, nu na đỡ buồn
Mười tám vợ đã lớn khôn
Nu na, nu nống chồng còn mười ba
Mẹ ơi! Con phải gỡ ra
Chồng con nu nống, nu na suốt ngày
Đêm nằm khắc khoải canh chầy!...”.

Ngoài hiểu chưa đúng nghĩa đen của “Mạ già ruộng ngấu”, GS Nguyễn Lân và Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương còn giảng thiếu đi nghĩa bóng khá thông dụng của câu tục ngữ này.

         Như vậy, “Mạ già, ruộng ngấu”, được ví như những đôi trai gái đã trưởng thành, có đầy đủ sức khoẻ, thể chất, sinh lí thành thục, lấy nhau về là sinh con đẻ cái ngay[3]. Đó cũng chính là nghĩa bóng của “Mạ già, ruộng ngấu” mà Mãng Ông tội nghiệp đã xiết bao hy vọng khi gả Thị Kính cho nhà Sùng Ông, để rồi thay vì gia đình ông có “con đầu cháu sớm”, đứa con gái yêu của ông lại gặp ngay nỗi oan tày trời: tội giết chồng!

Hoàng Tuấn Công
5/2017
Chú thích:
[1] - Mạ thực chất là cây lúa non, được gieo và sống riêng trên ruộng tạm, sau đó mới đem xúc, hoặc nhổ cấy. Thời kì đầu, cây mạ có thể sinh trưởng trong điều kiện gieo dày. Tuy nhiên, đến thời kì đẻ nhánh, cần phải tách riêng từng khóm, cấy thưa, để cây lúa có điều kiện hấp thu, tích luỹ đầy đủ chất dinh dưỡng tạo đòng lúa và trổ bông, kết hạt sau này. Nếu cấy muộn (khi mạ đã quá già), cây lúa vừa bén rễ hồi xanh đã chuyển hoá đến giai đoạn tạo đốt sinh trưởng, phát dục. Do thời gian sống trên ruộng tạm quá dài, cây mạ thiếu ánh sáng, dinh dưỡng, nên chóng già, trổ sớm, lúa trổ bông nhưng không thể kết hạt. Tục ngữ Việt có câu “Mạ già chóng trổ” là vậy. Trong câu tục ngữ “Mạ già, ruộng ngấu”, ngoài nghĩa nói về điều kiện đã chín muồi, dân gian chủ yếu hướng đến một kinh nghiệm là “mạ già” gặp “ruộng ngấu” thì sẽ nhanh cho kết quả (trổ bông), chứ không nói đến năng suất cao hay thấp.
[2] - Hiện nay, nếu lỡ cấy phải mạ già, hoặc gặp “vụ xuân ấm” (ít rét), lúa sinh trưởng nhanh, bị trổ sớm, người ta dùng biện pháp kỹ thuật bón nhiều đạm, phun thêm phân bón qua lá, làm cỏ sục bùn, làm đứt hỏng rễ cũ, kích thích lúa ra rễ mới, điều khiển cho cây lúa “trẻ lại” và đẻ nhánh, tiếp tục sinh trưởng đủ ngày, đủ tháng mới làm đòng, trổ bông. Tác giả viết bài này đã từng nhiều lần xuống với nông dân, trực tiếp hướng dẫn bà con cách khắc phục lúa trổ sớm do cấy mạ già.
[3] - “Mạ già ruộng ngấu”, còn được dùng để khuyên đôi trai gái nào đó đều ở độ tuổi trưởng thành (mà vẫn sống độc thân), nên tìm đến với nhau.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“ĐẠO” TRONG
“TIÊN PHONG ĐẠO CỐT”


“Tiên phong, đạo cốt-仙風道骨” là một thành ngữ gốc Hán.

         -”Từ điển tiếng Việt” (Vietlex-2015) giảng:“tiên phong đạo cốt • 仙風道骨 [cũ] cốt cách, phong thái của tiên; vẻ đẹp và phẩm cách cao thượng của người không vướng những điều trần tục: một ông lão có dáng vẻ tiên phong đạo cốt”.

-”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”(GS Nguyễn Lân): “Tiên phong, đạo cốt (Nghĩa đen: Phong thái của người tiên, cốt cách người đạo đức)”.

-”Từ điển thành ngữ Việt Nam” (Nguyễn Như Ý- Nguyễn Văn Khang-Phan Xuân Thành-NXB Văn hoá-1993), giải thích: “Tiên phong đạo cốt: Có phong thái, phẩm cách cao thượng của một bậc vĩ nhân, ví như có phong thái của tiên, cốt cách của người có đạo đức”.

         -”Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán” (Viện ngôn ngữ học-Như Ý-Nguyễn Văn Khang-Phan Xuân Thành-NXB Văn Hoá-1994), có chú chữ Hán và giảng nghĩa rõ ràng nhất: “Tiên phong, đạo cốt-仙風道骨: Có phong thái, phẩm cách cao thượng của một bậc vĩ nhân, ví như có phong thái của tiên, cốt cách của người có đạo đức. [“Tiên phong”: phong thái của tiên, “đạo cốt”: cốt cách của người có đạo đức]”.

 Theo chúng tôi (trừ Từ điển của Vietlex giảng chưa cụ thể chữ “đạo” 道), thì các tác giả có chút lầm lẫn khi giảng hai chữ “đạo cốt” 道骨” là “cốt cách của người có đạo đức”. “Đạo” 道, vốn có nghĩa gốc là “con đường”, nghĩa giả tá dùng trong “đạo đức”, “đạo lý”, “đạo giáo”... Tuy nhiên, “đạo” 道, trong thành ngữ đang xét không phải là “đạo đức”, mà là đạo gia, đạo giáo, đạo sĩ:

-”Hán Việt từ điển” (Trần Văn Chánh) giảng nghĩa thứ ⑥ của “đạo” 道: “Đạo giáo, đạo Lão: 老道 Đạo sĩ của đạo Lão”.

        -”Hán điển” (漢典-zidic.net)  giảng nghĩa thứ 5 và thứ 6 của “đạo” 道 như sau:“5.指”道家”(中國春秋戰國時期的一个學派,主要代表人物是老聃和庄周);6.指”道教”(中国主要宗教之一,創立于東漢):道觀;道士;道姑;道行(僧道修行的工夫,喻技能和本领).

        Phiên âm: “5.Chỉ “đạo gia” (Trung Quốc Xuân Thu chiến quốc thời kỳ đích nhất cá học phái, chủ yếu đại biểu nhân vật thị Lão Đam hoà Trang Chu): 6.Chỉ “đạo giáo”(Trung Quốc chủ yếu tông giáo chi nhất, sáng lập vu Đông Hán): đạo sĩ; đạo cô; đạo hạnh (tăng đạo tu hành đích công phu, dụ kỹ năng hoà bản lĩnh)”.

        Nghĩa là: “5.Chỉ “đạo gia” (một học phái thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc, đại biểu cho học phái này là Lão Đam  và Trang Chu (tức Lão Tử và Trang Tử-HTC chú thích); 6.Chỉ “đạo giáo” (một tôn giáo lớn ở Trung Quốc, sáng lập vào thời kỳ Đông Hán), như: Đạo quán; Đạo sĩ; Đạo cô (Nữ đạo sĩ-HTC chú thích); đạo hạnh (tăng đạo tu hành công phu về kỹ năng và bản lĩnh)”.

Thành ngữ “Tiên phong, đạo cốt-仙風道骨”, vốn xuất xứ từ bài “Đại bằng phú”(大鵬賦) của Lý Bạch (李白), trong đó có câu: “余昔于江陵見天台司馬子微, 謂余有仙風道骨,可與神遊八極之表-Dư tích vu Giang Lăng kiến Thiên Thai Tư Mã Tử Vi, vị dư hữu tiên phong đạo cốt, khả dữ thần du bát cực chi biểu”. Nghĩa là: “Xưa ở Giang Lăng, ta có gặp Tư Mã Tử Vi (tức Đạo sĩ Tư Mã Thừa Trinh 司馬承禎, tự Tử Vi 子微[647-735], ẩn cư ở núi Thiên Thai -HTC chú thích), bảo rằng ta dáng vẻ “Tiên phong đạo cốt”, mộng tưởng tiêu dao khắp tám phương ngoài cõi tục...” (Hán điển 漢典).

Trong thành ngữ “Tiên phong, đạo cốt-仙風道骨”, “đạo” 道 được hiểu là người tu tiên-Đạo sĩ. (kết cấu “tiểu đối”: “tiên” 仙, là danh từ, đối với “đạo” 道 -người tiên-Đạo sĩ, Thuật sĩ, cũng là danh từ chỉ người).

-Đào Duy Anh giải thích: “Tiên phong đạo cốt 仙風道骨 -Phong thái người tiên, cốt cách người đạo = Phẩm cách cao thượng”. Chữ “người đạo” là cách Đào Duy Anh dịch từ“đạo nhân” 道人, mà hai chữ “đạo nhân-道人”, được chính ông giải thích là “người tiên” (Hán-Việt từ điển).

-”Hán điển” cũng giảng nghĩa rõ ràng như sau: “仙風道骨:骨:氣概.仙人的風度,道長的氣概.形容人的風骨神彩與眾不同.有神仙與修道者的風骨. 比喻人氣質超塵絕俗”. Phiên âm: “Tiên phong đạo cốt: “cốt”: khí khái. Tiên nhân đích phong độ, đạo trưởng đích khí khái. Hình dung nhân đích phong cốt thần thái dữ chúng bất đồng. Hữu thần tiên dữ tu đạo giả đích phong cốt. Tỉ dụ nhân khí chất siêu trần truyệt tục”. Nghĩa là: “Tiên phong đạo cốt: “cốt 骨”, ý nói cứng cỏi, cao thượng, không chịu khuất phục. Phong độ của người tiên; sự cao thượng của Đạo sĩ. Hình dung về người có phong cốt, thần thái khác hẳn người thường. Có phong thái của Thần tiên và Đạo sĩ, ví người có khí chất siêu trần, thoát tục”.

“Đạo nhân”, “Thuật sĩ”,  hay “Đạo sĩ”, chỉ “người tu chân đắc đạo, siêu thoát trần thế, có pháp thuật, thần thông quảng đại, trường sinh bất tử trong lý tưởng của Đạo giáo. Thuyết này bắt đầu ở “Trang tử-Tiêu dao du”, rằng: “Ở trên Cô Dịch (còn gọi Cô Xạ) có thần nhân ở, da thịt trong trắng như băng tuyết, yểu điệu như gái trinh, không ăn ngũ cốc, ăn gió uống sương, đi trên mây, cưỡi rồng bay mà rong chơi ngoài bốn biển.” (“Từ điển Nho Phật Đạo” -Lao Tử-Thịnh Lê-NXB Văn học-2001).

Như vậy, “Tiên phong, đạo cốt-仙風道骨” có nghĩa: Từ phong thái đến cốt cách đều đẹp đẽ, cao thượng, giống thần tiên, đạo sĩ, hiểu theo nghĩa khái quát mà Từ điển tiếng Việt (Vietlex) giảng là: từ cốt cách đến phong thái đều giống tiên cả(*).

HOÀNG TUẤN CÔNG
8/2016
(*)-Phạm trù đạo đức được hiểu theo nghĩa rất rộng. Tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cũng rất khác nhau, tuỳ từng thời kỳ lịch sử, hay quan niệm xã hội. Kẻ ăn mày khốn khổ cũng có đạo đức của mình. Bởi vậy, giảng “đạo cốt” nghĩa là “cốt cách của người có đạo đức” là cách hiểu rất khó chấp nhận.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“TRAI KHÔNG VỢ”,
CÓ “DÙNG VÀO VIỆC GÌ” ĐƯỢC KHÔNG?


Tục ngữ Việt Nam có câu đưa ra nhận xét, so sánh khá thú vị: “Voi không nài như trai không vợ”.

“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TPHCM-2013) giải thích: “Voi mà thiếu mất nài (thường cũng chẳng thể dùng vào việc gì) như là các chàng trai không có vợ vậy”.

“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân-NXB Văn hoá-1989) đưa ra cách hiểu khác: "(Nài là người quản tượng) Nói lên sự gắn bó giữa con voi và người quản tượng”. Hơn mười năm sau, khi biên soạn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (NXB Tổng hợp TP HCM-2000), GS Nguyễn Lân giải thích rõ hơn: "(Nài là người quản tượng chăm nom voi) Nói lên sự gắn bó giữa người quản tượng và con voi mà người ấy được giao chăm sóc •  Con voi này rất thông minh, nó không muốn rời ông quản tượng một bước, đúng như câu nói: “Voi không nài như trai không vợ”.

Theo chúng tôi:
-Cách giải  thích của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương hẳn sẽ khiến nhiều chàng trai tự ái, vì đâu phải cứ “không có vợ”, thì họ “chẳng thể dùng vào việc gì”?

-Với cách của GS Nguyễn Lân, có lẽ soạn giả cho rằng: “voi không nài”, thì nó sẽ “nhớ nài” không chịu nổi, cũng như chàng trai “không vợ” kia? Tuy nhiên, đã gọi là “voi không nài”, thì có “nài” đâu mà “gắn bó”, cũng như “trai không vợ” thì”gắn bó” với ai? Mặt khác, voi đâu phải “chó cưng”, mà chủ đi đâu cũng lẽo đẽo theo sau, “không muốn rời ông quản tượng một bước”? Thực tế, voi dù “thông minh” đến đâu cũng không hề có chuyện “luyến nài” tới mức “nài” đi đâu, voi theo đó. Ngược lại, khi “không nài” chính là lúc voi được tự do thoải mái nhất.

Voi là con vật khổng lồ, sống hoang dã. Bình thường, voi phá phách, hung dữ, chẳng ai dám lại gần. Tuy nhiên, khi bị thuần phục, thì nó trở nên hiền lành, ngoan ngoãn lạ kỳ dưới sự điều khiển của nài voi. Dù đã chịu thuần phục, nhưng bản năng hoang dã của voi vẫn rất mạnh. Nghĩa là ngoài quản tượng-người nắm được khẩu lệnh, hiệu lệnh và những điểm yếu của nó-thì không ai quản lý, điều khiển được. Về cách hiểu này, “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) đã giải thích đúng: “Voi không có quản tượng tự do tung hoành, không thể quản lý, điều khiển được”; “Từ điển tiếng Việt” (New Era): “Voi không có quản tượng tự do tung hoành, không thể quản lý, điều khiển được”. Tiếc rằng, hai cuốn từ điển này chỉ giải thích vế đầu, nghĩa quan trọng của vế sau không được nhắc đến.

Vậy, vế thứ hai “như trai không vợ” được hiểu như thế nào?

Con cái (đặc biệt là con trai), khi còn nhỏ thì chịu sự giáo dục, quản lý của gia đình, cha mẹ. Tuy nhiên, đến tuổi trưởng thành, tự lập, thì tính khí, sở thích thay đổi nhiều. Thanh niên, trai tráng thường thích sống tự do, phóng túng, có khi ngang tàng, đàn đúm bạn bè; ông bà, cha mẹ khó bề quản lý; cũng không hiểu hết tâm lý, sở thích của con cái nữa. Bởi vậy, kinh nghiệm thực tế dân gian cho thấy, chỉ có người vợ (hiểu rộng hơn là gia đình riêng) mới khiến người trai “dừng bước giang hồ”. Lúc này, “vợ” chính là người duy nhất hiểu được tính tình, sở thích, thậm chí là những “yếu huyệt chết người” của chàng trai, để rồi tuỳ cách mềm mỏng, hay cứng rắn mà “trị lại”.

Trong thực tế thời trẻ trai, có “chàng” lông bông đây đó, thậm chí chơi bời quá trớn, nhưng sau khi xây dựng gia đình thì thay đổi hẳn. Phần vì đã tìm thấy “một nửa” của mình, tự nguyện chịu sự ràng buộc, kiềm chế của người vợ, phần vì bản năng làm cha, sức ép lo toan cho cuộc sống gia đình, khiến họ trở nên “ngoan ngoãn”, tu chí, ổn định cuộc sống. Tác động của người vợ và cuộc sống gia đình đối với chàng trai chẳng khác nào con voi hung dữ phá phách, nhưng cuối cùng cũng phải chịu thuần phục ông quản tượng. Thế nên dân gian còn có câu đồng nghĩa: “Trai không vợ như ngựa không cương”. Sự “khắc chế” sau khi kết hôn không chỉ đối với phía chàng trai, mà còn là sự “ràng buộc” giữa đôi bên vợ chồng:“Gái có chồng như gông đeo cổ”; “Trai có vợ như rợ buộc chân”....

“Voi không nài như trai không vợ” là vậy.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHÓ KHÔN THA CỨT RA BÃI...


Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà”.

          “Từ điển thành ngữ và tục ngữ”(Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn hoá-2000), giải thích nghĩa bóng: “Việc làm dại dột ngu ngốc (thường dùng khi mắng chửi con cái dại dột)”.“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2010) giảng giải: “Chó hễ tinh khôn thì con nào cũng ưa tha chỗ cứt ăn chưa hết ra bãi (cho nhà đỡ bẩn); chó hễ khờ dại thì con nào cũng ưa tha chỗ cứt đang ăn dở từ ngoài bãi về nhà (để để dành). Hay dùng với ẩn ý:“Lũ thuộc hạ tinh khôn thường che giấu mọi chuyện chưa ổn của chủ (cho thiên hạ khỏi thấy); lũ thuộc hạ khờ dại thường mang mọi chuyện chưa ổn của chủ ra kể hết với người ngoài”.

         Theo chúng tôi, dù chưa giải thích nghĩa đen, cách hiểu nghĩa bóng của Nhóm Vũ Dung cũng chưa cụ thể, nhưng cơ bản là đúng. Trong khi Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương chỉ mới diễn giải câu nói của dân gian cho rõ hơn, chứ chưa phải giải thích nghĩa đen. Mặt khác, nghĩa bóng Nhà ngữ học đưa ra cũng khá khiên cưỡng, thiếu căn cứ, khi cho rằng “tha cứt về nhà” nghĩa là “giấu mọi chuyện chưa ổn của chủ”; “tha cứt ra bãi” là “mang chuyện chưa ổn của chủ ra kể hết với người ngoài”.

         Trong thực tế, có nhiều con chó rất khôn, (dân gian còn gọi “chó có nết”). “Chó khôn” khi chủ đe nẹt, dạy bảo, biết nghe lời, không dám ăn vụng, ỉa bậy, đái bậy, cắn càn... Nhiều con được chủ cho khúc xương liền cắp nắp ra xó vườn nhẩn nha gặm, chứ không dám nằm chình ình giữa nhà, hay giữa lối đi mà “thưởng thức”. Nếu may mắn kiếm được món gì khoái khẩu ngoài bãi rác, nó cũng tìm chỗ kín đáo mà đánh chén, chứ không bao giờ dám dại dột mang về nhà. Thậm chí lỡ có vật lộn chơi đùa quá trớn với bầy bạn, nó cũng lo rũ sạch bùn đất, dùng lưỡi vệ sinh sạch sẽ rồi mới dám len lét chạy vào sân, vào nhà. Dường như nó hiểu được một số nguyên tắc của ông chủ trong ngôi nhà nó đang sống, biết thế nào là bẩn, thế nào là sạch, được phép ăn gì, không ăn gì, chỗ nằm ở đâu...

         Thế nhưng, có những con “chó dại” (còn gọi “mất nết”). Chó đã “dại” thì sinh ra đủ thứ xấu. Nào ăn vụng, cắn càn, sủa bậy, ỉa bậy... Bị đánh cho đau đến vãi đái vẫn không chừa. Có khi vừa đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, nhưng mấy phút sau đâu lại hoàn đấy. Lại ăn vụng, ỉa bậy. Đêm thì ngủ từ đầu canh đến sáng bạch, mùa đông thì rúc vào bếp nằm cho ấm.

         Không chỉ ỉa bậy, loại chó mất nết này còn có một thói quen là đi rong ngoài đường, ngoài chợ, bãi rác, hễ kiếm được thứ gì bẩn thỉu như lá bánh, giẻ rách, đồ hôi thối... là tha ngay về nhà...Có khi là khúc xương đen sì, chó nhà người ta gặm chê chán, bỏ đi rồi, nó lại tha về nằm giữa lối đi, hoặc trong nhà, dưới bếp, mà nghiêng răng lựa bên này, kháo bên kia, vẻ ngon lành, thú vị lắm! Gặm chán rồi nó vứt lăn lóc ra nhà. Lâu lâu lại đem ra vờn nghịch, gặm lại cho đỡ buồn mồm. Thậm chí, có hôm nó chạy rông ngoài đồng, bắt được một “cục” kẻ “Thứ nhì Quận công” nào đó thải ra, nó vội cắp lấy, nhớn nhác lội tắt cánh đồng, nhong nhong chạy về nhà, sợ như có con chó nào giành mất.

         Thế là trong nhà bỗng dưng bốc mùi. Khi thối inh, lúc thoang thoảng mơ hồ như có như không. Chủ nhà nghi nghi, mới nhìn trước ngó sau...Quả không sai! Con “chó dại” đang nằm ngay đầu bờ giếng trước sân, hai chân giữ khư khư tỏ vẻ khoái chá và may mắn lắm...Cả nhà liền quát mắng, đuổi đánh nó ầm ĩ. “Chó dại” vội nhổm dậy. Tưởng nó biết đường mà tha đi chỗ khác, không ngờ nó cắp cái “cục” kia chạy tọt vào nhà...Nó sợ con chó khác giành mất, nên cậy gần nhà không xong, nó phải trốn hẳn vào trong nhà. Ghê quá! Xua đuổi, chửi mắng, thì nó chui tọt vào gầm giường, đôi mắt nửa như lấm lét, nửa như gườm gườm tức tối, oan ức: “Đâu, đâu?...thối đâu?...thối đâu? ô đâu?...nhiễm đâu? mùi đó ở trên trời, dưới đất nào đó chứ!...ngon mà!...ngon mà!...đây tôi ăn đây...ăn cho mà xem này...có sao đâu? sao đâu...gâu gâu...gừ gừ...”.

         Loại “chó dại” này rất khó dạy, nên chủ nhà thường lựa chọn giải pháp cuối cùng là “riềng mẻ”.

         Dân gian thường dựa vào quan sát, nhận thức sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày để đúc kết, khái quát nên thành ngữ, tục ngữ. “Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà” có nghĩa đen như vậy. Về nghĩa bóng, chủ yếu được nhấn mạnh và được dùng theo vế thứ hai: “chó dại tha cứt về nhà”.  Xưa kia, con cái trong nhà, hay người anh em họ hàng gây gổ đánh nhau, bầu bạn với kẻ xấu gây ra sự việc lôi thôi, rắc rối cho gia đình, thanh danh dòng họ; ham rẻ, tiêu thụ đồ bất chính khiến cả nhà, cả họ phải liên luỵ,v.v... là những tình huống được xem là “chó dại tha cứt về nhà”.

         Tục ngữ “Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà” có điểm đặc biệt, là trong khi nghĩa bóng theo cách dùng cũ vẫn còn, nghĩa bóng mới lại tiếp tục được mở rộng, trong phạm vi không phải là gia đình nữa, mà là phương diện Quốc gia. Ví như khi đất nước phát triển giao thương buôn bán, hợp tác với nước ngoài, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân đã bất chấp mối nguy hại gây ô nhiễm cho ngôi nhà chung, rước về những đồ phế thải mà quốc gia khác đang muốn đẩy đi. Ví như: nhập khẩu ắc quy cũ, rác thải công nghiệp; công nghệ máy móc cũ nát, lạc hậu; nước người vứt đi, thì mua lấy mang về, gọi là “đi tắt, đón đầu”; nhiều ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm nặng, các nước không muốn đầu tư, phát triển tại bản quốc, nên họ đưa sang nước khác. Thế là tưởng bở, vơ ngay vào, cứ như không nhanh tay thì kẻ khác giành mất không bằng!

         Thực tế, nhiều kẻ vì cái lợi trước mắt, hoặc cái lợi cá nhân nên làm như vậy, chứ không phải do họ “dại”. Tuy nhiên, suy cho cùng, thì cái “khôn” ấy cũng là “khôn dại”. Bởi ăn uống, vụng trộm ở đâu thì ăn, ai đi ăn vào thịt của chính mình, huỷ hoại chính ngôi nhà mình đang sống bao giờ?

         Ngày nay, nghĩa bóng tục ngữ “Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà”còn được hiểu ở cả vế thứ nhất. Theo đó, “chó khôn” hay “chó dại” trong câu tục ngữ đều đáng lên án, đáng bị  “riềng mẻ”, và chỉ có giải pháp “riềng mẻ” mới trị được tận gốc cái thói tham ăn, ưa ăn bẩn của chúng.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] [45] [46] ... ›Trang sau »Trang cuối