Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [39] [40] [41] [42] [43] [44] [45] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG


Đây là một trong những thành ngữ mà các nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển khá thống nhất trong cách giải thích nghĩa đen:

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân): “SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG (Ngày xưa đám ma có nhà táng là đám ma nhà giàu mà nhà giàu làm đám ma thường mổ bò làm cỗ). Ý nói: Sợ điều gì có thể làm hại đến mình”.

-“1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia): “SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG. “Nhà táng”: Nhà làm giả bằng tre giấy, đốt trong đám ma lớn, với mong muốn để cho người chết có nhà mà dùng.

Nghĩa câu: Trong đám tang lớn của người chết thuộc gia đình giàu có thì mới có nhà mà táng, sau đó thì giết bò heo để thết đãi bà con thân thuộc trong đám tang. Vậy nên khi con bò thấy đám tang của nhà chủ có cái nhà táng thì nó lo sợ rằng họ sẽ giết nó mà đãi ăn. Ý nói sợ như sợ chết. Khi thấy có hiện tượng xấu mà liên quan tới mình thì mình lo sợ quá”.

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào) đưa ra dị bản: “LO NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG. [Như bò thấy nhà táng]. (nhà táng: nhà  bằng giấy úp trên quan tài người chết khi đi đưa đám ma. Chỉ khi nào có đám ma mới có nhà táng. Khi có đám ma, người ta mổ bò làm thịt). Hoảng sợ trước nguy cơ có hại cho mình”.

         Như vậy, các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển đều thống nhất giải thích nghĩa đen: vì đám ma hay mổ bò, nên khi nhìn thấy nhà táng thì con bò lo sợ sẽ đến lượt nó bị người ta làm thịt. Tuy  nhiên, theo chúng tôi, cách giải thích này cần xem lại, vì một số lẽ:

         - Xưa kia, nuôi trâu bò chủ yếu dùng làm sức kéo phục vụ sản xuất. Chính quyền phong kiến cấm giết mổ trâu bò bừa bãi, phạt tội ăn trộm trâu bò rất nặng. Theo đó, việc mổ trâu bò để làm ma (kể cả đối với nhà giàu) cũng rất hãn hữu. Mà đã hãn hữu, thì không đủ để tạo nên ấn tượng, nếp nghĩ, cứ đám ma là mổ bò.

         - Giả sử trong thực tế có chuyện hễ có đám ma là mổ bò, thì dẫu nhìn thấy nhà táng, con bò cũng không thể biết được sự nguy hiểm đến tính mệnh của nó. Bởi vì, với con bò, đám cưới, đám ma, hay bất cứ lễ hội, đình đám gì (mổ bò hay mổ trâu, mổ lợn; nhà táng hay cái kiệu hoa, kiệu bát cống), nó đều không nhận thức, phân biệt được. Nếu sợ, có chăng nó chỉ sợ khi trực tiếp nhìn thấy đồng loại của nó bị giết ngay trước mắt, chứ không phải vì nhìn thấy nhà táng, nghĩ đến đám ma, nghĩ đến phong tục mổ bò làm ma, rồi liên tưởng đến cái chết (vì sắp đến lượt mình). Đó là kết quả của tư duy, liên tưởng của con người, chứ không phải của loài vật.

         Theo chúng tôi,  nghĩa đen “Sợ như bò thấy nhà táng” liên quan đến tập tính của con bò và hình thù cái nhà táng.

Đúng như các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển đã giảng. “Nhà táng” ở đây là nhà bằng giấy hoặc vải, có trang trí, úp trên quan tài khi đưa đám ma. Tuy nhiên, nhà táng có thể là loại chỉ sử dụng một lần (xong là đốt luôn cho người chết; thành ngữ “Vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy”). Cũng có khi nhà táng được làm chắc chắn để sử dụng nhiều lần (gỗ, sơn thếp, hoặc khung gỗ, sắt, trang trí bằng vải). Thông thường, mỗi làng, xã có một vài cái nhà táng loại này. Bởi vậy, ngoại trừ hạng cùng đinh, “khố rách áo ôm”, thì khi chết mới không có nổi cái nhà táng giấy đặt lên quan tài.

Nhà có người chết, thì một trong những đồ tế khí được làm, hoặc mang tới đầu tiên, đó là nhà táng. Nhà táng để sẵn ở đầu ngõ, hoặc đầu trục đường đi vào lối ngõ nhà có đám, có khi tới 2-3-4 ngày, trước khi đưa ma. Người viếng đám ma, dù ở xa hay gần, đến đầu ngõ, nhì thấy nhà táng, nghe tiếng trống kèn là biết ngay đường vào.

Đường ngõ xưa chật hẹp, trâu bò (khu vực đường ngõ có đám ma) ra đồng hay về nhà, đều phải đi ngang qua cái nhà táng ấy. Trong mắt con bò, cái nhà táng chẳng khác nào con quái vật, to lớn, màu sắc sặc sỡ, vằn vện. Mái nhà táng cong cong, chìa ra như những chiếc sừng thú kì dị; riềm, tua vải bay phần phật, phấp phới tựa như con quái vật đang cựa mình chực lao tới. Thế nên, khi phải đi ngang qua nhà táng, thì con bò sợ hết hồn hết vía.

Ban đầu nó ngần ngại dừng bước. Người ta dắt thừng buộc nó đi qua, thì bốn chân bò bước lập cập như chạy, khi đến gần thì mắt bò trợn lên, mồm há ra, phát tiếng kêu ồ ồ kinh hãi. Có con bò nép sát bờ rào, len lén, vừa đi vừa dè chừng rồi chạy vụt đi thật nhanh; có con hoảng hốt, giật cả giây thừng, nhảy quàng nhảy quáng, lồng lên chạy mất biến.

Vấn đề là tại sao con bò lại hiện diện trong thành ngữ, chứ không phải trâu, hay ngựa?

Trâu tuy chậm chạp, nặng nề, nhưng bù lại có sức vóc cực khoẻ, cặp sừng làm vũ khí rất lợi hại. Bình thường, trâu có vẻ nặng nề, nhưng khi “lâm trận” thì cực dũng mãnh, gan lì, sẵn sàng nghênh chiến, chống lại cả hổ báo, sư tử. Ngựa không chỉ khoẻ, mà còn có thể tung ra cú đá hậu song phi như trời giáng. Nếu đến nước phải “tẩu vi thượng sách” thì ngựa tung bốn vó phi nước đại…Đó chính là lý do để trâu ngựa tự tin hơn trước những mối đe doạ trong cuộc cạnh tranh sinh tồn... Trong khi đó, bò tuy húc cũng biết, đá cũng hay (kể cả đá song phi tầm thấp), nhưng sức vóc và lực ra đòn của bò chỉ thuộc diện làng nhàng, kém xa so với trâu, ngựa. Bò tuy nhanh nhẹn hơn trâu, nhưng nếu cần chạy thoát thân, thì cũng chẳng nhanh hơn trâu, và kém xa ngựa. Có lẽ chính bởi vậy, mà trời phú cho bò một thứ vũ khí phòng thân (bản năng tự vệ) khác, đó là cái tính “nhát”  (phương ngữ Thanh Hoá gọi là “nản”). Bò dè chừng, cảnh giác, và tránh xa tất cả những “vật thể lạ” có thể là mối đe doạ đến tính mạng của nó.

       Với trâu, ngựa, không phải chúng hoàn toàn không sợ khi nhìn thấy nhà táng, hay vật thể lạ. Tuy nhiên, chúng ít sợ, và kiểu sợ, dè chừng của chúng rất khác. Trâu thì dừng lại quan sát, nghênh sừng lên, có khi mắt long sòng sọc, vừa phì phì gẩy sừng, nửa như đe doạ, xua đuổi đối phương, nửa như sẵn sàng nghênh chiến. Với ngựa, thì dẫu có sợ hãi bỏ chạy, thì thói quen hý vang, nhảy chồm lên, hoặc đi, chạy như phi của nó cũng chẳng có gì ấn tượng như nỗi khiếp đảm, run rẩy ở bò.

Điều đáng chú ý, một số từ điển tuy không giải thích nghĩa đen, nhưng cách giải thích nghĩa bóng là đúng:

-“Thành ngữ tiếng Việt” (Nguyễn Lực-Lương Văn Đang): “SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG: Sợ hãi, hốt hoảng: “Ông trông mặt dữ tợn lại nghiêm, nên mọi người sợ ông như bò thấy nhà táng”. Xem thêm: “Hết hồn hết vía”.

         -“Từ điển thành ngữ Việt Nam” (Nguyễn Như Ý-Nguyễn Văn Khang-Phan Xuân Thành): “SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG: Quá hốt hoảng, sợ hãi đến mức chạy biến, lẩn trốn, không dám ở lại hoặc ngồi đối mặt nhau lâu. Từ cái vụ tôi xạc nó cái tội làm ăn dối trá, gian lận đến bây giờ hễ thấy tôi là cu cậu lại sợ như bò thấy nhà táng ấy”.

Xưa kia, cuộc sống làng xã khép kín, nhà táng là một “vật thể lạ” điển hình, nếu không nói là duy nhất, mà con bò không nhìn thấy hàng ngày. Theo đó, thời hiện đại, nếu con bò nào ít tiếp xúc với ô tô, hay đơn giản thấy lá cờ bay phần phật bên đường, tấm vỏ chăn chăn sặc sỡ phơi trên rào; rồi cái rạp đám cưới có phông màn bay phấp phới, nó đều sợ hoảng hồn, chẳng khác nào thấy nhà táng (ai từng đi chăn bò, hoặc sống ở thông quê, sẽ thấy điều này). Bởi vậy, “Sợ như bò thấy nhà táng” là cái sợ khi con bò trực diện nhìn thấy một vật lạ, chứ không phải nỗi sợ của sự liên tưởng về sự nguy hiểm (phong tục mổ bò làm đám ma) diễn ra phía sau cái nhà táng ấy. Theo đó, dị bản “LO NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG” (do nhóm Vũ Dung thu thập) chỉ là sản phẩm của sự nhầm lẫn khi hiểu về nghĩa đen của “SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG” mà thôi.(*)

HOÀNG TUẤN CÔNG
(*) Đáng chú ý, trong sách “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm”, Lê Gia có dẫn cách giải thích của một cuốn từ điển (không thấy ghi rõ tên):  “Trên nhà táng còn có tàn, lọng, cờ quạt…Sau khi chôn cất xong, nhà táng đốt cạnh mộ. Loài bò thấy cái gì là lạ là ưa đến nhìn. Nhưng cũng chính cái lạ đó đã làm cho chúng sợ. Nhà táng có sức hấp dẫn loài bò, nhưng gió động rung rinh nên bò sợ nhà sập phải cong đuôi chạy. Ngụ ý câu này nói đến nỗi sợ hãi do hốt hoảng mà nên.(?)”

       Theo đó, Lê Gia chê cách giải thích này:
      “Theo chúng tôi: Nhà táng chỉ có sức hấp dẫn loài bò thôi chứ không hấp dẫn loài nào khác sao? Con bò thấy nhà táng bị gió thổi hơi rung rinh nên sợ nhà sập mà bỏ chạy, vậy đâu có phải là “ngu như bò”, ngoài việc sợ nhà táng sập, còn bò không sợ cái gì nữa sao? Vị tác giả này giàu óc tưởng tượng quá!”

Quả thật, tác giả cuốn từ điển nào đó đã mâu thuẫn, vì nếu “Sau khi chôn cất xong, nhà táng đốt cạnh mộ”, thì còn đâu nhà táng để con bò phải sợ. Mà bãi tha ma mênh mông, nếu con bò sợ nhà táng trên mộ, nó sẽ chủ động tránh đi. Cũng không có căn cứ nào để nói, loài bò thấy cái gì lạ thì ưa đến nhìn, rồi cũng chính cái lạ đó làm chúng sợ, mà sợ “nhà sập”, lại càng khó tưởng tượng, bởi con bò đâu chui vào cái nhà táng ấy đâu mà “sợ sập”? Bò cũng đâu biết hoạ “nhà sập” là thế nào.

Theo đó, xét cách giải thích của Lê Gia: “khi con bò thấy đám tang của nhà chủ có cái nhà táng thì nó lo sợ rằng họ sẽ giết nó mà đãi ăn”, cũng “giàu óc tưởng tượng” không kém. Tuy nhiên, công bằng nhìn nhận, thì cách giải thích của tác giả từ điển nọ, theo hướng chính xác hơn các tác giả khác, tức con bò sợ hình ảnh nó nhìn thấy trực diện, chứ không phải là nỗi sợ vụt đến trong ý nghĩ, kết quả tư duy về tục mổ bò làm ma.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MỐI TƯƠNG ĐỒNG LÝ THÚ
GIỮA TỤC NGƯ VIỆT NAM
VÀ TỤC NGỮ NƯỚC NGOÀI


Mọi ngôn ngữ đều có những câu nói ngắn gọn nhưng chứa đựng những nhận xét sắc bén về kinh nghiệm sống. Tên của những câu nói ngắn gọn đó là Tục Ngữ trong tiếng Việt và Hán, Proverb trong tiếng Anh, Proverbe trong tiếng Pháp, Dicho trong tiếng Tây ban nha, Proverbio trong tiếng Ý, và Sprichwort trong tiếng Đức. Với khả năng tóm gọn ý tứ, tô điểm cho lời văn thêm mặn mà, và chứng minh lý lẽ một cách hùng hồn, tục ngữ đóng một vai trò đáng kể trong ngôn ngữ thường nhật.

Điều nổi bật nhất là sự tương đồng trong nội dung của tục ngữ nhân loại. Chẳng hạn, các tục ngữ Yêu Ai Yêu Cả Đường Đi của người Việt, Love Me, Love My Dog của người Mỹ, và Ái Ốc Cập Ô 爱 屋 及 烏 của người Tàu đều có chung một ý nghĩa. Có khác chăng thì chỉ là phương tiện diễn tả. Người Việt yêu thơ nên đề cập đến người mình yêu và con đường mang dấu chân người ấy; người Mỹ mê chó cho nên khi mê ai thì cũng mê chó của người ấy luôn cho tiện việc; và người Tàu thì diễn tả kinh nghiệm ấy như một bức tranh thuỷ mặc, rất có thể đã căn cứ vào một điển tích nào đó. Trong tiếng quan thoại, Ái Ốc Cập Ô phát âm là [àiwu-jíwu], với điều đáng nói ở đây là lối chơi chữ: Hai từ [wu] đồng âm nhưng dị nghĩa; từ thứ nhất nghĩa là “nhà” và từ thứ hai nghĩa là “quạ.” Vậy thì nghĩa đen của tục ngữ này là nếu yêu một căn nhà nào thì yêu luôn cả mấy con quạ (một loại chim đen đủi xấu xí với tiếng kêu buồn thảm) đậu trên mái nhà đó. Ba tục ngữ vừa kể nói lên một sự thực tâm lý khó chối cãi mà tiếng Anh mệnh danh là “the halo effect” (hiệu lực hào quang).


“Love Me, Love My Dog”, câu tục ngữ tương đương trong tiếng Việt là “Yêu Ai Yêu Cả Đường Đi”
Trong tiến trình học hỏi ngoại ngữ của tôi, một điều lý thú là tìm xem trong các ngoại ngữ ấy (Hán, Anh, Pháp, Tây ban nha, Ý, Đức) có những tục ngữ nào tương đồng về ý nghĩa và hình thức với tục ngữ Việt của chúng ta. Bài viết này chia sẻ với độc giả điều lý thú ấy.

Khi so sánh nội dung của tục ngữ trong các ngôn ngữ khác nhau, chúng ta sẽ thấy những tương đồng, tốt phần do bản chất đại đồng của kinh nghiệm đời sống loài người. Thí dụ, để nhắn nhủ người đời không nên hấp tấp mà hỏng việc, tiếng Việt có câu Đi Đâu Mà Vội Mà Vàng, Mà Vấp Phải Đá Mà Quàng Phải Dây? Cùng một nội dung ấy là các câu sau đây: More Haste Less Speed (Anh: vội bao nhiêu chậm bấy nhiêu); Plus On Se Hâte Moins On Avance (Pháp: vội bao nhiêu càng ít tiến bấy nhiêu); Chi Va Piano Va Lontano (Ý: ai đi chậm thì đi xa); và Dục Tốc Tắc Bất Đạt 慾 速 則 不達 (Hán: muốn mau chóng thì không thành được).

Nếu nội dung các tục ngữ tương đương trong các ngôn ngữ cùng gốc (như Pháp và Tây ban nha, hoặc như Anh và Đức) giống nhau như đúc thì cũng dễ hiểu thôi. Chẳng hạn, mang máng với câu Vặt Đầu Cá Vá Đầu Tôm của chúng ta là các câu Découvrir Saint Pierre Pour Couvrir Saint Paul (Pháp: lột quần áo thánh Pierre để mặc vào thánh Paul), Desnudar A Uno Santo Para Vestir A Otro (Tây ban nha: lột quần áo một vị thánh để mặc vào một vị thánh khác), Rob Peter To Pay Paul (Anh: cướp tiền Peter để trả Paul), và Dem Peter Nehmen Und Dem Paul Geben (Đức: lấy của Peter và đưa cho Paul). Vì vậy, tôi thấy thú vị hơn nhiều mỗi lần gặp các câu tục ngữ tương đương giữa tiếng Việt và một ngoại ngữ chẳng liên hệ họ hàng gì với tiếng Việt cả (thí dụ như tiếng Anh trong trường hợp này), như các cặp tục ngữ Được Đằng Chân Lân Đằng Đầu và Give Him An Inch And He Will Take A Mile (cho hắn một tấc thì hắn đòi một dặm); Gieo Gió Gặt Bão và Sow The Wind And Reap The Whirlwind (gieo gió gặt gió lốc); Lắm Thầy Thối Ma và Too Many Cooks Spoil The Broth (quá nhiều người nấu bếp thì hư nồi canh); và Thờn Bơn Méo Miệng Chê Trai Lệch Mồm và The Pot Calling The Kettle Black (cái nồi mà chê cái ấm đen).

Về hình thức cấu tạo, khá nhiều tục ngữ của nhân loại giống nhau ở điểm chúng có thể được chia ra làm hai phần quân bình lẫn nhau với cú pháp và âm điệu song hành. Thí dụ, các tục ngữ tương đương của Xa Mặt, Cách Lòng trong một vài ngôn ngữ khác cũng cho thấy một cấu tạo và một nội dung tương đồng với tiếng Việt: Out Of Sight, Out Of Mind (Anh: khuất mặt, khuất tâm trí); Loin Des Yeux, Loin Du Coeur (Pháp: xa mắt, xa tim); Aus Den Augen, Aus Dem Sinn (Đức: khuất mắt, khuất tâm trí); Ojos Que No Ven, Corazón Que No Siente (Tây ban nha: mắt không thấy, tim không cảm); và Lontano Dagli Occhi Lontano Dal Cuore (Ý: xa mắt xa tim).

Trong số các tục ngữ được coi như châm ngôn cho một nếp sống đạo đức, tiếng Việt có câu Khôn Ngoan Chẳng Ngoại Thật Thà để nhắc nhở người đời tránh xa sự lươn lẹo. Nội dung châm ngôn này được diễn tả bộc trực hơn trong tiếng Anh qua câu Honesty Is The Best Policy (lương thiện là chính sách tốt nhất). Ý nghĩa câu Gần Mực Thì Đen, Gần Đèn Thì Sáng rõ như ban ngày. Câu này chắc là do các cụ nhà nho khi xưa đã chuyển ngữ thật sát nghĩa từ câu chữ Hán Cận Mặc Giả Hắc Cận Đăng Tắc Minh 近 墨 者 黑 近燈 則 明. Những kẻ chỉ thích “gần mực” hoặc “cận mặc” thôi thì sẽ liên kết thành một bầy để cùng nhau làm những chuyện không hay, như được ám chỉ trong câu tục ngữ Hán-Việt đã hoàn toàn Việt hoá Ngưu Tầm Ngưu Mã Tầm Mã 牛 尋 牛 馬 尋 馬 (trâu tìm trâu ngựa tìm ngựa), và trong các câu Birds Of A Feather Flock Together (Anh: chim cùng thứ lông tụ tập thành bầy), Dis-Moi Qui Tu Hantes, Et Je Te Dirai Qui Tu Es (Pháp: nói tôi nghe anh giao du với ai, tôi sẽ cho anh biết anh là loại người nào), Cada Cual Con Los Suyos (Tây ban nha: kẻ nào đi với phường nấy), Gleich Und Gleich Gesellt Sich Gern (Đức: hai kẻ giống nhau kết hợp dễ dàng), và Dio Li Fa E Poi Li Appaia (Ý: thượng đế sinh ra họ rồi kết hợp họ với nhau).


“Birds of a feather flock together” – “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Tiểu nhân hay đắc chí, và mỗi khi đắc chí họ cười lâu lắm. Tiếng Việt dành cho những tiểu nhân có đầu óc nông cạn ấy lời nhắc nhở này: Cười Người Chớ Vội Cười Lâu, Cười Người Hôm Trước Hôm Sau Người Cười. Trong vài ngôn ngữ khác, lời khuyên ấy ngắn gọn hơn và cũng đều dành thắng lợi cho người cười sau cùng: He Laughs Best Who Laughs Last (Anh: người đáng được cười nhất là người cười sau cùng), Ride Bene Che Ride L’ultimo (Ý: cười xứng đáng là người cười sau cùng), và Rira Bien Qui Rira Le Dernier (Pháp: người sẽ cười xứng đáng là người sẽ cười sau chót).

Tục ngữ phản ánh những điều xảy ra hàng ngày trên bàn cờ xã hội và cung cấp cho thế gian những lời khuyên khôn ngoan để đối phó với cuộc sống. Câu Cá Lớn Nuốt Cá Bé mô tả một lối sống hung bạo trong xã hội ngày nay, khi biết bao công ty nhỏ đang bị các công ty lớn hơn ăn sống nuốt tươi trong một thế giới mà người Mỹ tả chân là A Dog-Eat-Dog World (một thế giới chó-ăn-chó). Trong mọi liên hệ, phải có đi có lại thì mối giao tình mới bền, theo châm ngôn Bánh Ít Đi, Bánh Quy Lại của người Việt hay châm ngôn You Scratch My Back, I’ll Scratch Yours (anh gãi lưng tôi, tôi sẽ gãi lưng anh) của người Mỹ. Và xin chớ quên là trong một cuộc tranh chấp, kẻ có tiền thường có nhiều lợi điểm, vì Nén Bạc Đâm Toạc Tờ Giấy, cũng như Đa Kim Ngân Phá Luật Lệ 多 金 銀 破 律 例 (Hán: nhiều tiền bạc phá luật lệ) và Money Talks (Anh: tiền nói giùm). Kín đáo là một biện pháp an toàn, vì Tai Vách Mạch Rừng, hoặc Las Paredes Oyen (Tây ban nha: những bức tường biết nghe), hoặc những câu sau đây mà ý nghĩa đều là tường có tai: Walls Have Ears (Anh), Les Murs Ont Des Oreilles (Pháp), I Muri Hanno Orecchi (Ý), Die Waende Haben Ohren (Đức), và Cách Tường Hữu Nhĩ 隔 墻 有 耳 (Hán). Tránh Voi Chẳng Xấu Mặt Nào là lời cổ nhân khuyên chúng ta nên làm mỗi khi bị kẻ vũ phu đe doạ tấn công. Nếu tiếng Việt ví kẻ vũ phu như voi thì tiếng Tây ban nha ví hắn như bò mộng hoặc kẻ khùng điên, như trong câu Al Loco Y Al Toro Darles Corro (với kẻ khùng điên và bò mộng, hãy nhường chỗ).

Tục ngữ cũng khá rành khoa tâm lý và cung cấp những khuyến cáo thực dụng. Con người phải biết rằng nhiều khi Sự Thật Mất Lòng, một ý niệm được gói ghém bộc trực trong câu The Truth Hurts (Anh: sự thật làm đau lòng) cũng như trong câu khuyên răn tế nhị Toute Vérité N’est Pas Bonne À Dire (Pháp: không phải sự thực nào cũng nên nói ra đâu). Vì Lời Nói Chẳng Mất Tiền Mua, người khôn ngoan phải Lựa Lời Mà Nói Cho Vừa Lòng Nhau. Châm ngôn dành cho những ai ăn nói vụng về để mất lòng người khác một cách vô tích sự này tương ứng với câu Cortesía De Boca Vale Mucho Y Poco Cuesta (Tây ban nha: sự nhã nhặn bằng miệng có nhiều giá trị và chẳng tốn bao nhiêu).

Người Việt khôn ngoan ít khi Thả Mồi Bắt Bóng vì họ biết rõ Một Con Nằm Trong Tay Hơn Mười Con Bay Trên Trời. Người phương tây cũng diễn tả sự khôn ngoan đó một cách dễ hiểu, như câu trong tiếng Anh A Bird In The Hand Is Worth Two In The Bush (một chim trong tay đáng hai chim trong bụi), hoặc như câu trong tiếng Ý Meglio Un Uovo Oggi Che Una Gallina Domani (một trái trứng hôm nay tốt hơn một con gà mái ngày mai), hoặc như câu thi vị hơn trong tiếng Đức là Ein Spatz In Der Hand Ist Besser Als Eine Taube Auf Dem Dach (một chim sẻ trong tay tốt hơn một bồ câu trên nóc nhà).

Khi đã bị nạn một lần rồi thì người ta trở nên sợ bóng sợ gió, thấy cái gì na ná với nguyên nhân gây ra tai nạn cũ thì vội lánh xa. Đó là điều câu Đạp Vỏ Dưa, Thấy Vỏ Dừa Cũng Sợ ám chỉ trong tiếng Việt. Người Tàu diễn tả sự sợ bóng sợ gió ấy bằng câu tục ngữ nên thơ Kinh Cung Chi Điểu Kiến Khúc Mộc Nhi Cao Phi 驚 弓 之 鳥見 曲 木 而 高 飛 (con chim sợ cây cung thấy khúc cây cong thì vội bay cao), trong khi các ngôn ngữ tây phương sử dụng nội dung cụ thể hơn, như Once Bitten, Twice Shy (Anh: một lần bị cắn, hai lần nhát), Chat Échaudé Craint L’eau Froide (Pháp: mèo bị bỏng sợ nước lạnh), Gato Escaldado Del Agua Fría Huye (Tây ban nha: mèo bị bỏng chạy xa nước lạnh), Gebrannte Kinder Scheuen Das Feuer (Đức: trẻ nít bị bỏng thì sợ hãi lửa).

Sau hết, tục ngữ cũng mang lại hy vọng cho người đời. Thực vậy, cuộc đời này không hẳn lúc nào cũng xấu đâu, vì Sau Cơn Mưa Trời Lại Sáng, một mối lạc quan được diễn tả qua câu chữ Hán Khổ Tận Cam Lai 苦 盡 甘 來 (hết đắng thì đến ngọt), câu tiếng Pháp Après La Pluie Le Beau Temps (sau cơn mưa trời đẹp), và câu tiếng Anh After A Storm Comes A Calm (sau trận bão yên tĩnh trở lại). Nếu “trời lại sáng” và cho ta một cơ hội, ta đừng để mất cơ hội ấy. Đó là lời nhắn nhủ của câu Cờ Đến Tay Phải Phất cũng như của câu tiếng Anh Strike While The Iron Is Hot (đập khi thỏi sắt đang nóng). Nhưng khi “phất cờ” hoặc “đập thỏi sắt đang nóng” ấy, ta chớ quên rằng tinh thần hợp tác là điều không thể thiếu, vì Một Cây Làm Chẳng Nên Non. Câu này mang ý nghĩa thật gần với các câu Cô Thụ Bất Thành Lâm 孤 樹 不成 林 (một cây không thể thành rừng) trong tiếng Hán, Une Hirondelle Ne Fait Pas Le Printemps (một con én không làm nên mùa xuân) trong tiếng Pháp, và Eine Schwalbe Macht Keinen Sommer (một con én không làm nên mùa hạ) trong tiếng Đức.

Đàm Trung Phán
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LỜI THẲNG KHÓ NGHE


“Trung ngôn nghịch nhĩ” là câu nói xuất ra từ “Sử Ký. Lưu Hầu thế gia”. Nguyên văn của câu nói là: “Trung ngôn nghịch nhĩ lợi vu hành, độc ( lương ) dược khổ khẩu lợi vu bệnh”, nghĩa là lời nói ngay thẳng khó nghe nhưng có lợi cho hành động, thuốc tốt tuy đắng nhưng có lợi cho trị bệnh.

Câu chuyện thành ngữ này như sau: Năm 207 TCN, sau khi Lưu Bang dẫn đại quân đến Hàm Dương, chiếm được cung nhà Tần liền tiến vào xem xét. Vừa thấy cung thất nguy nga tráng lệ với vô số vàng bạc châu báu, Lưu Bang đã vô cùng kinh ngạc, hoa mắt vì chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như vậy. Mỗi bước đi, lại có rất nhiều cung tần mỹ nữ xinh đẹp hướng đến ông ta mà quỳ lạy. Lưu Bang càng xem xét càng thấy hào hứng, mới lạ, hứng thú càng lúc càng cao hơn.

Sống kiếp người lánh nạn ở nơi thôn dã phần lớn quãng đời trưởng thành, Lưu Bang đã bị choáng ngợp bởi sự xa hoa của cung điện và vô số cung tần mỹ nữ nơi đây.

Ông quyết định ở lại cung điện để được trải nghiệm cuộc sống của Tần Vương trong vài ngày trước khi trở về Bá Thượng nơi các binh sĩ của ông đang chờ đợi.

Thuộc cấp Phàn Khoái của Lưu Bang biết được ý định ông muốn ở lại cung điện, liền hỏi: “Liệu bệ hạ muốn được cả thiên hạ hay chỉ muốn làm người giàu sang phú quý?”

Lưu Bang trả lời: “Ta đương nhiên là muốn được cả thiên hạ!”

Phàn Khoái chân thành nói với Lưu Bang rằng: “Tâu bệ hạ, Ngài thấy trong cung có vô số châu báu và hàng nghìn mỹ nữ. Tất cả những thứ này chính là điều đã làm nhà Tần diệt vong. Thần mong bệ hạ lập tức trở về doanh trại, ngàn vạn lần không nên ở lại nơi đây.”

Lưu Bang nghe những lời khuyên can này của Phàn Khoái thì cho là không đúng. Ông bỏ ngoài tai những lời can gián của Phàn Khoái và khăng khăng ở lại trong cung.


Sau khi mưu sĩ Trương Lương biết được chuyện này đã thưa với Lưu Bang: “Tần Vương vô đạo, sống xa hoa hủ bại, dân chúng tạo phản lật đổ ông ta bệ hại mới có thể vào đây. Ngài vì thiên hạ mà diệt trừ bạo quân hại dân, lẽ ra nên cần cù tiết kiệm. Bây giờ vừa vào đến đất Tần đã muốn hưởng thụ. Tục ngữ nói: ‘Lời nói ngay thẳng chính trực thường không dễ nghe nhưng có lợi cho hành động, thuốc tốt tuy có vị đắng, nhưng chữa được bệnh.’ Thỉnh Bệ hạ nghe theo lời khuyên chân thành của Phàn Khoái.”

Lưu Bang nghe xong những lời khuyên này đã tỉnh ngộ, lập tức hạ lệnh cho đại quân đóng cửa cung điện, trở về Bá Thượng.

Con người trong quá trình sinh ra và lớn lên, bởi vì chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những yếu tố bên ngoài nên trong tư tưởng sẽ sản sinh ra rất nhiều loại quan niệm. Những lời nói phù hợp với quan niệm của mình thì thường vui vẻ tiếp nhận còn những lời nói không phù hợp với quan niệm của mình thì lại cực lực bài xích, có tiếp nhận cũng là miễn cưỡng.

Nhưng lời nói thật, chân thành và ngay thẳng tuy khó nghe nhưng lại có lợi cho hành động. Học được cách lắng nghe ý kiến bất đồng và lời khuyên của người khác sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho bản thân chúng ta. Bậc trí giả xưa nay đều có thể tiếp nhận được cả những ý kiến bất đồng với mình.

An Hoà
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LƯNG CHỮ CỤ
VÚ CHỮ TÂM


Một tấm lưng thẳng, cân đối, giống như phần trên chữ “cụ” 具-Ảnh: ST
Trong truyện dài “Đứa con của thần linh”, Nhà văn Trần Quang Vinh viết: “Ngày ấy bà được khen là cô gái đẹp nhất làng, (...) những chuẩn mực thể hiện khả năng sinh con đàn cháu đống của người đàn bà như thắt đáy lưng ong, lưng chữ cụ vú chữ tâm cũng hội tụ ở người con gái ấy”.

         Tiểu thuyết “Một trăm và chín chín” (Trần Chiểu) viết: “Cụ Cố khen tôi “lưng chữ cụ vú chữ tâm”, hai núm như hai hột đào tơ, mắn đẻ, khéo nuôi con, cụ muốn lấy tôi làm vợ bé...”

Bài “Vẻ đẹp phụ nữ qua lăng kính nhà phẫu thuật thẩm mỹ”, TS Vũ Ngọc Lâm viết: “Những cô gái đẹp có tiếng của làng, của thôn, xã, huyện, tỉnh thường là có đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu, da trắng môi đỏ, hình thể thì cũng đến “thắt đáy lưng ong”, “cổ cao 3 ngấn”, “lưng chữ Vụ, vú chữ Tâm”...” (báo “Sức khoẻ đời sống”).

Theo đây, thì “Lưng chữ cụ (hay “vụ”), vú chữ tâm”, là vẻ đẹp chuẩn mực của phụ nữ, cũng là tiêu chuẩn chọn vợ của đàn ông xưa. Vậy, “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” trông thế nào mà hấp dẫn nam giới đến vậy?

         1 - “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Lưng chữ “cụ”, vú chữ “tâm” Lưng (hơi gù như dáng) chữ “cụ” (trong tiếng Hán) và vú (hơi bầu như dáng) chữ “tâm” (của tiếng Hán) là hai nét hay gặp ở các cô gái mắn đẻ và khéo nuôi con [như Lưng gù chữ “cụ”, vú lồi chữ “tâm”]”.

         2 - “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm  [Lưng gù chữ cụ, vú lồi chữ tâm]. (lưng gù chữ cụ: lưng cong hình chữ cụ; vú lồi chữ tâm: vú to, nhọn, không chảy sệ, như hình chữ tâm - tiếng Hán). Một kinh nghiệm xem tướng: người phụ nữ có hình dáng lưng, vú như vậy là người lắm con”.

         3 - Bài “Đặc điểm văn hoá – giới tính qua tục ngữ Việt”, GSTS Đỗ Thị Kim Liên viết: “Còn những người: Lưng chữ cụ, vú chữ tâm là với ý những người đàn bà lưng hơi gù và vú bầu bầu thì mắn đẻ và khéo nuôi con”.


Kiểu vú song song, chảy sệ, đầu vú hướng xuống, hơi giống “mộc qua nhũ” (vú đu đủ)-Ảnh: St
Một số từ điển khác ghi nhận dị bản “Lưng chữ NGŨ, vú chữ tâm”:

         4 - “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Lưng chữ NGŨ, vú chữ tâm (Tức lưng hơi gù và vú bầu bầu). Người ta thường cho rằng người phụ nữ lưng hơi gù và vú bầu bầu thì mắn đẻ và khéo nuôi con”.
 
         5 - “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” (Nguyễn Cừ): “Lưng chữ Ngũ, vú chữ Tâm: Chữ Ngũ có đường vòng ví như lưng con gái, chữ Tâm tròn bầu như vú đàn bà. Đây là cách nhận dạng nhân tướng phụ nữ nào lưng hơi gù, bầu vú bầu bĩnh thì người ấy mắn con, dễ đẻ, dễ nuôi và sinh lý mạnh”.


Tấm lưng thẳng, cân đối, đầy đặn, đi đôi với dáng vẻ bộ ngực chữ tâm của một mĩ nhân-Ảnh: St
6 - Sách “1575 câu thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm”, Lê Gia đưa ra dị bản “đặc biệt” hơn: “Lưng chữ cú (句) vú chữ tâm. Nghĩa câu: Lưng thì hơi cong gù như hình chữ cú (句) có nét chính hơi cong như cái lưng gù. Hai vú thì xệ xuống như hình chữ ‘tâm’ (心) có nét chính cong vòng xuống như quả mướp cong, gọi là ‘vú quả mướp’. Đây là nói về tướng người phụ nữ có hình dáng hơi xấu nhưng mắn đẻ”.


Vẻ đẹp của tấm lưng thẳng, đầy đặn, cân đối-Ảnh:ST


Vẻ đầy đặn, cân đối của “lưng chữ cụ” trong tranh vẽ của Hoàng Tân Hưng-Nguồn ảnh: FB Soi Dong Hoang
7- Bài “Siêu mẫu Quỳnh Thi- vẻ đẹp mạnh mẽ, hoang dã”, Bùi Sĩ Nguyên lại đưa ra dị bản “lưng chữ THÚ” với cách giải thích cũng “thú vị” không kém: “Các cụ nhà mình dạy rằng “lưng chữ thú, vú chữ tâm”, nghĩa là đường cong nơi lưng nên mềm mại (chữ thú là bộ khuyển, dáng cong rất đẹp), còn ngực nên cao và tròn vành như chữ tâm.” (thegioidanong.net).


Một số kiểu vú theo cách đặt tên của người Tàu (từ trái qua phải) 1.Vú nho khô (vú lép); 2. Vú quả táo;3.Vú anh đào; 4.Vú quả chanh; 5. Vú quả dừa; 6.Vú quả lê; 7.Vú đu đủ; 8.Vú quả xoài; 9.Vú nịt áo(?) 10. Vũ lọ;11. Vú hoả sơn (núi lửa, trông giống vú chữ Tâm) 12.[không rõ chữ]; 13. Vú dưa hấu;14.Vú hoa sen; 15.Vú bát tô; 16.Vú quả chuối; 17. Vú quả bóng.
Cứ theo đây, thì cô gái “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” chẳng có gì đặc biệt ngoài cái lưng gù và cặp vú “bầu bầu”, “hơi bầu” hoặc “vú mướp”, mắn đẻ, khéo nuôi con.

          Tuy nhiên, theo chúng tôi, phân tích tục ngữ về tướng pháp, nhưng các nhà nghiên cứu biên soạn từ điển lại không tìm hiểu về tướng pháp, nên có sự hiểu lầm.

         Phép xem “tướng lưng” [bối tướng 背相], cho rằng, lưng là nền móng của thân (bối vi thân chi cơ chỉ - 背為身之基祉). Người mạnh khoẻ hay bệnh tật; phú quý hay bần tiện; trường thọ hay yểu mệnh, đều biểu hiện qua tấm lưng. Sách về tướng pháp “Nhân luân đại thống phú” [人倫大統賦] của Trương Hành Giản [張行簡], thuộc “Tứ khố toàn thư” [四庫全書] của Tàu viết: “Lưng phải đầy đặn làm chỗ dựa yên ổn cho thân. Nếu lưng mà cong vạy, thì nghèo, chết non, hoặc tuyệt tự; lưng rộng, ĐẦY ĐẶN, CÂN ĐỐI thì được hưởng phú quý.” [nguyên văn: 夫背所貴者豐隆,身乃恃安定, 偏側貧夭絕嗣者欹斜, 富貴有后者闊厚平正].


Ảnh: St
Sách cổ về tướng pháp của Tàu, “Đỗng vi ngọc giám” [洞微玉鋻] cũng viết: “Lưng dầy mà không thô, dáng như lưng rùa mà bằng rộng, đầy đặn; nhìn phía trước như đang ngẩng, xem đàng sau tựa đang cúi, ấy là người có phúc tướng vậy.” [nguyên văn: 背須得豐隆不俗,如龜背而廣厚平闊,前看如昂,後看如俯者, 福相也].


Lưng đầy đặn, vai nở nang, vuông vắn, mông rộng bằng vai
rất giống hình chữ cụ.-Ảnh:ST
Sách “Nhân tướng học toàn thư” (Thiệu Vĩ Hoa - NXB Thời đại, 2010) viết: “Lưng tốt hội đủ các yếu tố: ĐẦY ĐẶN, RẮN CHẮC, CÂN XỨNG, nở nang. Trái lại, lưng mỏng, thế yếu, LƯNG CONG...đều là các loại tướng xấu, nội tạng không ổn định, tinh thần suy nhược. (...). Eo lưng là thành quách của bụng, mọi sự an nguy của bụng đều dựa vào eo lưng cả (...) Đàn bà nếu eo lưng quá nhỏ và bó lại ở phần giữa, đường tử tức có rất nhiều điểm bất lợi. Tướng eo tốt, nên CÂN ĐỐI, đầy đặn, to, mông nở, tròn, bằng. Khi NGỒI, eo THẲNG, BẰNG PHẲNG. Nhìn từ phía trước, mặt eo như thót lại, nhìn từ mặt sau, EO VUÔNG VỨC là quý tướng.” (HTC nhấn mạnh).


Lưng thẳng, đầy đặn, vai và eo lưng nở nang, cân đối như chữ CỤ 具-Ảnh: ST
Xét về mặt khoa học, thì bất kể đàn ông, hay đàn bà, tấm lưng đều là nơi gánh đỡ toàn bộ cơ thể, là chỗ dựa của lục phủ ngũ tạng, cũng là trung tâm chi phối sức mạnh của toàn thân.

        Một người phụ nữ có tấm lưng gù làm sao đảm đương tốt thiên chức làm mẹ (riêng chuyện mang nặng khi thai ngén đã là một bất lợi, nói chi chuyện nuôi con). Có bao giờ tạo hoá lại ưu ái, trao quyền năng đặc biệt trong việc duy trì nòi giống cho một người gù lưng không? Theo chúng tôi là không. Với loài cầm, thú cũng vậy. Bất kể trống mái , hay đực cái, những con vật tạo hoá ban cho khả năng sinh sản tốt, đều có ngoại hình cân đối, khoẻ mạnh, tấm lưng vững chắc. Con người không nằm ngoài qui luật của tạo hoá.


Hai hình ảnh đối lập, khá điển hình:-Bên trái, vú bánh dày-Bên  phải, vú chữ tâm-Ảnh: ST
Xét tự hình chữ “cụ” 具, rất giống một tấm lưng VUÔNG VỨC, CÂN ĐỐI của người ĐANG NGỒI (nhìn từ phía sau), trong đó, nét ngang dài dưới cùng, giống như mặt phẳng để ngồi, cũng là biểu thị phần cuối của tấm lưng (ngồi là tư thế thể hiện rõ nhất kiểu dáng của cái lưng).


Chữ CỤ hình dáng như một tấm lưng người đang ngồi, cân đối, khoẻ mạnh-Hình chữ: ST
“Lưng chữ cụ” là tấm LƯNG THẲNG, CÂN ĐỐI, giống như hình chữ “cụ” 具[1], chứ không phải là tấm “lưng gù” (chữ “cụ” 具, chữ “ngũ” 五, chữ “vụ”, đâu có gợi tả hình dáng cái lưng “gù”. Còn nếu “gù” đến mức giống chữ “cú” 句, chữ “thú” 狩, thì đây phải hiểu là người tàn tật mới đúng!)[2]. Mặt khác, trong thực tế, cũng không có căn cứ nào cho thấy, phụ nữ lưng gù mắn đẻ hơn người có tấm lưng bình thường.


Eo lưng nở nang, đầy đặn, lưng cân đối-Ảnh: ST
Vậy còn “vú chữ tâm” là kiểu vú thế nào? Nếu hình dung “vú bầu bầu”, “hơi bầu” như cách giảng của các nhà biên soạn từ điển, thì vú nào chẳng thế? Đến như Lê Gia hình dung “vú chữ tâm” thành “vú quả mướp” thì lại càng tệ hại! Dĩ nhiên tiêu chuẩn, quan niệm về cái đẹp có sự thay đổi theo thời gian. Nhưng tôi không tin một bộ ngực có hình dáng mơ hồ (“bầu bầu”) hoặc thõng “vú mướp”, gắn với tấm lưng gù lại thể hiện sức sống của người phụ nữ, và trở thành cái đẹp chuẩn mực khiến đàn ông phải si mê.


-Bên trái là kiểu bầu vú song song, đầu vú hướng chính diện
-Bên phải bầu vú ngoảnh ra hai bên, đầu vú hướng thương chính là vú chữ tâm.-Đồ giải: ST
“Vú chữ tâm” là kiểu vú đẹp. Cơ ngực, tuyến vú “chữ tâm” phát triển, mô mỡ dưới da đầy đặn, hai bầu vú cân đối, “NGOẢNH” RA HAI BÊN; “vú chữ tâm” không quá to, mềm mại và săc chắc, nên chỉ hơi sệ; trong khi bầu vú và đầu vú vẫn thây lẩy hướng thượng, tựa nét “ngoạ câu” (móc nằm), của chữ tâm 心.


Chữ TÂM, nét  móc nằm giống bầu vú ngoảnh ra phía phải, đầu vú hướng lên.
Nếu thêm nét đối xứng bên trái, sẽ thành hình dáng bộ ngực chữ tâm hoàn hảo.-Minh hoạ: HTC


Không cần quan sát phía sau, cũng có thể biết cô gái này sở hữu tấm lưng thẳng, cân đối;
cũng không khó nhận ra “chữ Tâm” rất đặc trưng.-Ảnh:ST


-Ảnh: St
Có nghĩa bầu vú và đầu vú “chữ tâm” không hướng chính diện kiểu “vú bánh giầy” [vú tròn hơi bẹt, không sệ, kém phát triển]; cũng không thòng xuống dưới như “vú mướp” [vú nhỏ, dài, nhão, cơ ngực và mô mỡ kém phát triển, Tàu gọi là “mộc qua” -木瓜 - vú đu đủ]; không quá to như “vú quả dừa” [lang tử nhũ-椰子乳], hay “vú dưa hấu” [tây qua nhũ - 西瓜乳]).


Vú chữ tâm-Ảnh: ST
Có thể nói, tục ngữ “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” đúc kết kinh nghiệm về “tướng lưng” [bối tướng 背相] và “tướng vú” [nhũ tướng 乳相] của nữ giới. Theo đó phụ nữ đẹp phải có thân hình khoẻ mạnh, cân đối, lưng thẳng, vai và eo lưng nở nang; bộ ngực săn chắc, căng đầy, bầu vú thây lẩy ra hai bên theo chiều cho con bú. Đây chính là hình mẫu phụ nữ đẹp, có khả năng về tình dục, sinh sản tốt, nhiều sữa nuôi con, lại đáp ứng được yêu cầu sức khoẻ lao động trong cuộc sống làng xã xưa kia.


Điển hình của vú chữ TÂM, săn chắc mà mềm mại, thây lẩy hai bên, đầu vú hướng thượng-Ảnh: ST
Tuy lấy tự hình chữ Hán làm trực quan so sánh, nhưng hiện chúng tôi chưa tìm thấy yếu tố gốc Hán, hoặc một dị bản gốc Hán nào liên quan đến tục ngữ “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm”. Đây là có lẽ là một kiểu đúc kết kinh nghiệm nhân tướng học dân gian theo cách riêng của người Việt: Một tấm lưng thẳng, cân đối (phía sau, trông như chữ “cụ” 具), đi đôi và tương xứng với một bộ ngực săn chắc, đầy đặn (hình dáng như chữ “tâm” 心 đằng trước). Đó chẳng phải là sự kết hợp hài hoà, hoàn hảo của tạo hoá hay sao! Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, khi các cô gái đẹp thường sở hữu đặc điểm “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” khoẻ mạnh, mắn đẻ, khéo nuôi con, được người đời ca ngợi, kén chọn về làm vợ, làm dâu con./.[3]

HOÀNG TUẤN CÔNG
3/2017
------------------------------
Chú thích:
[1] - “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) có ghi nhận khái niệm “lưng chữ cụ” và giảng là “lưng người ngay chừ”, nghĩa là lưng thẳng, nguyên văn: “lưng chữ cụ • dt. Lưng người ngay chừ : Lưng chữ cụ, vú chữ tâm (tng”); mục  “ngay chừ • bt.” hướng dẫn xem “Ngay chò: Cây chổi ngay chừ; nằm ngay chừ”; mục “ngay chò • tt. C/g. Ngay chừ, thật ngay : Cái cây ngay chò”.
         “Ngay”, ở đây có nghĩa là thẳng, chính là cách hiểu đúng về kiểu “lưng chữ cụ”, tiếc rằng Lê Văn Đức đã không liên hệ được nghĩa của nó với câu “Lưng chữ cụ, vũ chữ tâm”, nên ở mục “Lưng chữ ngũ”, chính ông đã lặp lại sai lầm như nhiều người khác, khi giảng: “lưng chữ ngũ • dt. Lưng người khòm, cúp cong ở giữa: Lưng chữ ngũ, vú chữ tâm (tng)”.
[2] - Vì lúng túng, mơ hồ về câu tục ngữ, nên mỗi người đẻ ra một dị bản (chữ cụ 具, chữ vụ 務, chữ ngũ 五, chữ cú 句, chữ thú 狩...rồi thêm thắt thành “Lưng gù chữ cụ, vú lồi chữ tâm”). Thậm chí “Từ điển tiếng Việt” (New Era) lại cho rằng “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm, Ngụ ý câu này cho rằng đàn ông mà có tấm lưng thẳng và rộng, đàn bà có cặp vú tròn trĩnh là người có dáng vóc đẹp đẽ”, và giảng “Lưng gù chữ cụ, vú lồi chữ tâm”, như “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm”. Tuy nhiên, cách diễn đạt của câu tục ngữ không cho phép người ta hiểu vế đầu nói về lưng đàn ông, vế sau nói về ngực (vú) phụ nữ. Mặt khác, vừa giảng “lưng chữ cụ” là “tấm lưng thẳng và rộng” của đàn ông xong, lại cho rằng, “Lưng chữ cụ vú chữ tâm” giống như  dị bản “Lưng gù chữ cụ vú lồi chữ tâm”, là sao? Hoá ra “gù” nghĩa là “thẳng”?
[3] - Tham khảo một số cách hiểu liên quan đến câu tục ngữ đang xét:
- “Bầu vú  như là biểu trưng cho sức sống mãnh liệt và khả năng sinh sôi nẩy nở truyền nòi giống của người phụ nữ. Cho nên người Hán và những dân tộc Hán hoá đã mô tả người phụ nữ hấp dẫn là người có “lưng chữ cụ (具),vú chữ tâm (心.  Ngay trong thời hiện đại này, “vòng một” cũng là một tiêu chuẩn trong các cuộc thi chọn hoa hậu; chọn người phụ nữ chuẩn mực (chủ yếu về mặt hình thể)”. (Bầu vú với văn hoá nhân loại - Lê Đình Khẩn).
- “Các cụ kén con dâu là phải chọn những người tốt nái. Lưng chữ cụ, vú chữ tâm. Nghĩa là lưng hơi gù một chút và vú phải dài thì mới mắn đẻ. Cứ làm như chuyện đẻ hoàn toàn tuỳ thuộc vào người đàn bà không bằng. Ngày nay làm gì có những người con gái có nét đẹp này cho các cụ chọn! Lưng chữ cụ thì phải tập đi đứng cho ngay ngắn còn vú chữ tâm thì phải tầm sư học đạo để kéo nó lên!” (Bà Ba Phải-Giadinhhoangtrong.wdr).
- “Lưng chữ cụ vú chữ tâm” (lưng tôm, vú ngang hơi thòng)”. (Muôn kiểu làm đẹp và dụng cụ làm đẹp của quý bà quý cô trong lịch sử-Nguyễn Hữu Hiệp - Dân Vietj.com).
- “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm. (Đây là dạng người phụ nữ đẻ dễ, mắn đẻ, nhiều con)”. (Tham khảo nhân tướng học để chọn người-TS Nguyễn Hoàng Điệp-Vanhien.net).
- “Lưng chữ Cụ, vú chữ Tâm. khẽ đâm là chửa” (Vòng quay kì diệu-Lão Hà-Trannhuong.net).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

DANH CHÍNH NGÔN THUẬN


“Danh chính ngôn thuận” là câu thành ngữ mang ý nghĩa chỉ danh nghĩa chính đáng. Khi một người có danh nghĩa chính đáng rồi thì nói mới được thông. Ngoài ra, nó cũng bao hàm ý nghĩa là khi làm một việc gì mà đã có lý do đầy đủ, chính đáng, đúng lý hợp tình thì sẽ thông thuận, dễ đạt được thành công. Còn một tầng ý nghĩa cao hơn, chính là làm người, làm việc phải thuận theo Thiên lý.

Câu thành ngữ này xuất phát từ cuốn “Luận Ngữ. Tử Lộ”: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng, hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc” ý nói, danh không chính tắc thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì sự sẽ không thành, sự không thành thì lễ nhạc không hưng thịnh, lễ nhạc mà không hưng thịnh thì hình phạt sẽ không thoả đáng, hình phạt không thoả đáng thì dân sẽ bối rối, không biết phải làm gì mới phải.

Năm 501 trước công nguyên, Khổng Tử 51 tuổi làm quan Trung Đô Tề cho nước Lỗ. Một năm sau, vì có nhiều thành tích nên ông được đề bạt làm Tư Không, quản lý việc kiến thiết công trình. Sau đó không lâu, ông lại chuyển sang làm quan Tư Khấu. Khi Khổng Tử 56 tuổi, ông lại làm chức tướng quốc. Ông chỉ tham gia vào việc chính sự của nước Lỗ chỉ vẻn vẹn ba tháng, nhưng đã khiến cho tục lệ của Lỗ quốc cải biến rất lớn.

Thành quả của Khổng Tử khiến vua của nước Tề là Tề Cảnh Công cảm thấy sợ hãi. Ông ta đặc biệt chọn ra 80 cô gái xinh đẹp và cho họ ăn mặc áo hoa gấm lụa, cho họ học vũ đạo, hơn nữa còn chọn thêm 120 con ngựa tốt để cung phụng Vua Lỗ Định Công ăn chơi hưởng lạc. Vua Tề Cảnh Công làm như vậy nhằm để việc chơi bời hưởng lạc ăn mòn ý chí của Lỗ Định Công. Kế sách này quả nhiên có hiệu quả, Lỗ Định Công chìm đắm vào ca múa dâm lạc, không còn hỏi han đến việc triều chính nữa.


Học trò Tử Lộ của Khổng Tử thấy tình hình ấy thì hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Chúng ta hãy rời khỏi nơi này đi!”

Khổng Tử trả lời:“Nước Lỗ hiện giờ sắp làm tế lễ ở vùng ngoại ô. Nếu họ có thể chiểu theo lễ pháp là biếu thịt sau tế lễ cho các quân thần thì chúng ta có thể ở lại, không đi nữa.”

Kết quả là Vua Lỗ Định Công đã vi phạm nghi thức bình thường, không đem thịt sau cúng tế phân phát cho các đại thần. Vì thế, Khổng Tử đã rời khỏi nước Lỗ, sang nước Vệ.

Khi tới nước Vệ, vua của nước Vệ là Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử rằng: “Bổng lộc của ông ở nước Lỗ được bao nhiêu?” Khổng Tử trả lời rằng, ông được sáu vạn đấu gạo. Thế là vua Vệ Linh Công cũng trả cho ông từng đó gạo.

Đám học trò đi theo Khổng Tử gặp được chỗ an thân, ai nấy đều vô cùng mừng rỡ. Tử Lộ đặc biệt vui vẻ hỏi Khổng Tử: “Vua nước Vệ cho thầy cai quản việc triều chính thì trước tiên thầy sẽ làm gì?”

Khổng Tử suy nghĩ một lát rồi nói: “Ta nghĩ trước tiên phải sửa cho đúng cái danh phận.”

Tử Lộ không khách khí hỏi: “Thầy có phần cổ hủ rồi. Việc này đâu có gì mà phải cải chính ạ?”
Khổng Tử nói: “Con thật là sơ suất! Người quân tử chỉ hoài nghi những gì mà trong tâm chưa rõ. Danh phận không chính thì đạo lý cũng sẽ giảng không thông. Đạo lý không được giảng thông thì sự tình làm cũng sẽ không thành. Sự tình làm không thành thì việc giáo hoá lễ nhạc của quốc gia cũng sẽ không thiết lập được. Giáo hoá lễ nhạc mà không hưng thì hình phạt sẽ không thoả đáng. Hình phạt không thoả đáng thì dân chúng sẽ không biết xử sự như thế nào cho phải. Cho nên, danh phận mà người quân tử dùng nhất định phải có thể nói ra đạo lý, đạo lý nói ra thì nhất định phải làm được thông.”

Xã hội thời xưa, cổ nhân vô cùng coi trọng “danh chính ngôn thuận”, mấy ngàn năm qua cũng đều là như vậy. Ngày nay có rất nhiều người là “hữu danh vô thực”, như thế cũng chính là “danh không chính” cho nên “ngôn không thuận” và “sự không thành”.

An Hoà
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SƯỢNG MẸ, BỞ CON


Củ khoai lang khổng lồ, nằm trong đất tới 6 tháng ở Hà Nam-Ảnh: Dân Trí
Tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” có nhiều cách giảng rất khác nhau.

-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Sượng mẹ bở con: (Củ cái khoai sọ càng) sượng thì củ con tất càng bở. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Đừng vội coi khinh những thứ có vẻ ngoài xấu xí vì lắm thứ thực chất vốn khác xa vẻ ngoài”.

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Sượng mẹ bở con: Sượng là nói khoai chưa thực chín, còn sần sật) Ý nói: Mẹ phải chịu đựng khó khăn để cho con được sung sướng”.

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Sượng mẹ bở con: Một kinh nghiệm chọn khoai sọ (cây thân cỏ cùng họ với ráy, lá to, cuống dài hình măng, củ hình cầu, thường mang nhiều củ con, nhiều bột dùng để ăn): củ cái ăn sượng, cứng, không ra gì, củ con ăn ngon, bở”.

         -“1576 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia), sách này bác đi cách giảng của GS Nguyễn Lân, Nhóm Vũ Dung, và đưa ra cách hiểu khác: “Theo thói thường thì giống khoai nào thì củ mẹ sẽ đẻ ra các củ con theo giống ấy. Củ mẹ thuộc giống bở thì sẽ đẻ ra củ con cũng bở, củ mẹ sượng thì sẽ đẻ ra củ con cũng sượng. Đàng này củ mẹ thuộc giống sượng, mà lại đẻ ra củ con thuộc giống bở, thật là sự hãn hữu, ít có vậy. Ý nói: mẹ dở mà sinh con hay, mẹ xấu mà sinh con tốt. Câu này cũng giống câu “Xấu giây tốt củ” (Giây (sic) khoai lang quá già hoặc sâu sia, hoặc đã hơi héo...đem trồng xuống và tưởng rằng sẽ ít củ, củ xấu...vậy mà lại có số củ rất nhiều, rất tốt). Thí dụ: “Đúng là ‘sượng mẹ bở con’, gia đình nó chẳng ra gì mà nó thì lại rất đàng hoàng”.

         Theo chúng tôi, cách hiểu “Mẹ phải chịu đựng khó khăn để cho con được sung sướng” (GS Nguyễn Lân) khó thuyết phục. Vì mẹ ăn miếng chưa chín, nhường con miếng đã chín, không phải là sự “chịu đựng khó khăn” (chuyện đó nếu có, chỉ là khó khăn chốc lát).

         Cách hiểu của Lê Gia càng không ổn.[1] Vì đối với một số cây trồng bằng hạt (như cây ăn quả) có thể có hiện tượng cây con không giữ được ưu thế của cây mẹ (ví như cây mẹ cho quả ngọt, nhưng trong số 10 cây con, sẽ có một cây cho quả chua). Tuy nhiên, với loại cây lấy củ, gây giống bằng hom, hoặc củ, như sắn, khoai, thì giống mẹ thế nào, sẽ cho củ như thế. Nếu cùng một giống, thì tỉ lệ tinh bột chủ yếu phụ thuộc vào chất đất, dinh dưỡng, thời vụ...Đất giàu lân, ka li, tơi xốp, thoát nước tốt, trồng đúng thời vụ, thì củ nhiều tinh bột (bở). Ngược lại, với loại đất thịt nặng, trũng nước, nghèo lân, ka li, trồng trái vụ, thì tinh bột kém. Cũng không có quy luật củ mẹ càng sượng thì “củ con tất càng bở”, như Nguyễn Đức Dương giải thích (chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau).


Cùng bụi khoai tây, nhưng củ nhỡ, củ “bi” ăn ngon hơn củ to-Ảnh: Sưu tầm
Trong thực tế, tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” được dùng với nghĩa là kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các loại khoai, củ (sắn, dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ...) Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon. Nguyên do: Củ là phần thân ngầm (hoặc rễ) dưới đất phình ra, chứa chất dinh dưỡng dự trữ, dùng để nuôi cây trong một số thời điểm (ví như thời kì thân lá tàn lụi trong mùa đông, không còn khả năng quang hợp, thì cây sẽ sử dụng nguồn dự trữ dinh dưỡng từ củ để tồn tại trong lòng đất).

         Một số loại cây hàng năm như: gừng, nghệ, khoai lang, khoai tây, khoai sọ, khoai riềng (còn gọi dong riềng, dong tây), dong ta... thường được nông dân trồng bằng củ. “Củ cái” (củ mẹ, củ giống) sau khi nảy chồi, đẻ nhánh (sinh củ con) vẫn tiếp tục sinh trưởng và tồn tại trong đất. Khi thu hoạch, thường “củ cái” đã tiêu đi (khoai tây); nếu còn (nghệ, gừng, khoai sọ...), ăn sẽ bị sượng, do đã cung cấp chất dinh dưỡng cho quá trình nuôi thân, tạo rễ, củ mới.


Theo bào Dân Trí, củ khoai lang này tồn tại dưới đất đến 6 tháng (trong khi với giống dài ngày nhất, thì cũng chỉ 4 tháng là phải thu hoạch). Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra loại củ “mẹ” to như thế này, nhưng ăn không ngọn, không bở.

Còn một loại củ cái (củ mẹ) nữa, được hiểu là củ sinh ra từ lứa đẻ đầu tiên. Với cây hàng năm, hết một chu kì sinh trưởng, thì thân lá sẽ tàn đi. Toàn bộ phần củ nếu không được thu hoạch, thì vẫn tồn tại trong đất, sống bằng nguồn dinh dưỡng dự trữ. Đến chu kì sinh trưởng mới, chất tinh bột trong lứa củ cái vụ trước dần chuyển hoá thành đường để nuôi cây trong quá trình nẩy chồi, phát triển thân lá và đẻ ra lứa củ mới.[2] Bởi vậy, những loại củ cái, củ mẹ quá lứa hoặc tồn tại từ vụ trước tuy to, già nhưng do còn ít tinh bột nên ăn sượng. Các củ con có kích thước tương đương củ mẹ, hoặc nhỏ hơn, nhưng thuộc loại “bánh tẻ” (không non, không già), ăn bở, ngon, vì vừa đủ thời gian sinh trưởng, chất tinh bột nhiều. Bởi thế, cùng một bụi dong, hoặc bụi sắn, nhưng có củ rất bở, nhiều bột, có củ lại sượng; cùng bụi khoai tây, nhưng củ to ăn sượng, nhạt, củ bi ăn bở, ngon, là vậy.


Sắn là cây hàng năm, nhưng có thể tồn tại dưới lòng đất nhiều năm
Khi thu hoạch, củ to, quá lứa ăn sượng, hoặc dẻo, củ nhỏ ăn bở-Ảnh: Sưu tâm
Từ thực tế đó, đối với cây trồng có chu kì sinh trưởng hàng năm như khoai, sắn, khi thân lá bắt đầu úa vàng, có dấu hiệu “xuống mã”, thì nông dân thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ví dụ, đối với khoai lang, dựa vào thời gian sinh trưởng của giống và kết hợp quan sát, nếu thấy có biểu hiện ngừng sinh trưởng (các lá phần gốc ngả màu vàng), bới kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa, thì tiến hành thu hoạch. Theo đây, nếu để quá lâu trong đất, sẽ đến lúc cả củ mẹ lẫn củ con đều sượng, chứ không có chuyện củ mẹ “càng sượng”, thì “củ con tất càng bở”; và nghĩa bóng không phải là “Đừng vội coi khinh những thứ có vẻ ngoài xấu xí vì lắm thứ thực chất vốn khác xa vẻ ngoài” (như cách giải thích của Nguyễn Đức Dương), vì thực tế hoàn toàn ngược lại, tức là dân gian khuyên: đừng ham chọn củ to, củ nhỏ mới là củ ngon! (kể cả loại củ to một cách bất thường do đột biến gien, ăn cũng không ngon).

         Như vậy, từ “sượng”, trong câu “Sượng mẹ, bở con”, được hiểu theo nghĩa thứ hai mà Từ điển Vietlex đã giảng: “ở trạng thái nấu chưa được chín, hoặc do bị kém phẩm chất, không thể nào nấu cho chín mềm được.” Củ “mẹ” sượng, là củ đã quá lứa, củ “con” bở là củ bánh tẻ, vừa độ thu hoạch.


Thu hoạch khoai lang
Cách hiểu của Nhóm Vũ Dung là đúng hướng, nhưng chưa đúng bản chất vấn đề. Nghĩa là “sượng mẹ, bở con” không chỉ được hiểu riêng với “khoai sọ”. Mặt khác, trong thực tế, còn một loại củ con nữa, đó là củ non (sinh sau lứa củ nhỡ, ăn bở), do chưa đủ thời gian chuyển hoá đường thành tinh bột, nên ăn cũng rất sượng. Bởi vậy, không đơn giản cứ củ to là sượng, còn củ con là bở.

         Như vậy, có thể hiểu, tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” là kinh nghiệm lựa chọn, phân loại, đánh giá chất lượng các loại củ, cũng là kinh nghiệm xác định thời điểm thu hoạch để có được sản phẩm củ chất lượng cao nhất.

Hoàng Tuấn Công
3/2017
--------------------------
[1]- Lê Gia giảng câu “Xấu giây tốt củ” nghie là “Giây (sic) khoai lang quá già hoặc sâu sia, hoặc đã hơi héo...đem trồng xuống và tưởng rằng sẽ ít củ, củ xấu...vậy mà lại có số củ rất nhiều, rất tốt”. Cách hiểu này hoàn toàn phi khoa học. Vì chọn “dây” (hom giống) khoai lang phải là loại “bánh tẻ” (không non, không già), mập mạp, không sâu  bệnh, càng đem trồng kịp thời càng tốt. Không có chuyện hom “quá khoai lang quá già hoặc sâu sia” mà lại cho “số củ rất nhiều, tốt”. Câu tục ngữ “Xấu dây, tốt củ”, được hiểu như thế nào, chúng tôi xin hẹn bạn đọc trong một bài khác.
[2] Ngay cả với củ khoai lang, hoặc khoai tây đã thu hoạch, cất trữ rồi, nhưng để lâu chưa ăn đến, thì lượng tinh bột cũng sẽ tự chuyến  hoá thành đường, khiến củ kém bở. Bởi vậy, khoai lang để lâu, hoặc “mót” được củ sót lại trên ruộng, ăn sống thì rất ngọt, nhưng luộc lên lại kém bở là vậy.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NAM TÔN NỮ TY


Nói đến “nam tôn nữ ti”, rất nhiều người cho rằng đây là Khổng Tử có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cho rằng thân phận của người nam thì cao quý còn người nữ thì thấp hèn. Nhưng kỳ thực, cách hiểu như vậy là không thoả đáng!


Nguồn gốc của “Nam tôn nữ ti”

Sử sách ghi chép rằng, Khổng Tử từng nhiều lần hỏi các quốc gia chư hầu về Chu Lễ (bộ sách xuất hiện vào thời Chiến Quốc ghi chép về chế độ quan lại cùng những tập tục lễ nghi của đời Chu). Nhưng phải sau khi nghiên cứu “Kinh Dịch” (Chu Dịch), Khổng Tử mới tìm được đáp án cho mình. Lúc ấy ông mới chính thức hiểu được nội hàm bản chất của Chu Lễ là gì, vì thế ông viết tác phẩm “Khắc kỷ phục lễ”. Đồng thời ông cũng viết “Dịch Kinh – Hệ từ thượng hạ truyện” là những điều mà ông hiểu được về “Kinh Dịch”. Cho nên có thể nói, tư tưởng của Khổng Tử chịu ảnh hưởng nhiều bởi “Kinh Dịch” và thực sự hoàn thiện sau khi ông nghiên cứu “Kinh Dịch”.

Câu “Nam tôn nữ ti” được Khổng Tử viết có nguồn gốc từ “Kinh Dịch”. Trong “Hệ Từ” của “Kinh Dịch” viết: “Thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ …” càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ. Ý nói rằng, trời ở trên cao đất ở dưới thấp, càn khôn đã được định rõ là như thế. Lấy tôn cao ti thấp để trình bày rõ, cao thấp ra sao đã sẵn ở vị trí đó rồi … Cung càn tạo thành nam, cung khôn tạo thành nữ.

Trong văn hoá truyền thống, “Kinh Dịch” là tác phẩm kinh điển để nghiên cứu quy luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Nó giữ vai trò trọng yếu trong văn hoá truyền thống, nó ảnh hưởng rất lớn đến Nho gia, Đạo gia, trung y hay dưỡng sinh… Trong đó, Càn chỉ những đối tượng như trời, người nam, quân vương… Khôn chỉ những đối tượng như đất, người nữ, hoàng hậu, phi tần…

Để phù hợp với đạo, người phụ nữ phải có tấm lòng bao dung, khiêm tốn, có đức dày để nâng đỡ vạn vật, vô tư không oán hận giống như đại địa. Tương tự như vậy, người đàn ông để phù hợp với đạo thì phải cao xa, chính trực, không ngừng vươn lên giống như trời xanh vậy.

Thiên tôn là có ý nói bầu trời rộng lớn, cao vời vợi, công chính vô tư, không thiên vị, không có ý nói rằng tự bản thân trời là cao quý. Địa ti là nói đến sự kiên định, gần gũi của đất, bao dung hết thảy chẳng phân biệt sạch sẽ hay uế bẩn, cao quý hay hèn mọn ra sao. Trong “Kinh dịch” viết: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật.” (Đất có tính nhu hoà, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật).


Hàm nghĩa chân chính của “Nam tôn nữ ti”

Trong “Nam tôn nữ ti”, người nam có đặc tính của người nam, người nữ có đặc tính của người nữ.  Chính sự khác biệt về đặc tính ấy quyết định sự phân công công việc của người nam và người nữ là ở nhà hay ngoài xã hội.

Người nam và người nữ một khi thuận theo đạo, tuân thủ nghiêm ngặt vị trí, địa vị của mình thì gia đạo tự nhiên sẽ hưng vượng. Đây là phù hợp với đặc tính tự nhiên của nam nữ và cũng là phù hợp với học thuyết âm dương.

“Nam tôn”, “tôn” ở đây là động từ, ý chỉ người đàn ông phải có phẩm chất cao thượng, chính trực, làm cho người khác phải tôn trọng, tôn kính mình. “Nữ ti” tức là người nữ phải luôn khiêm tốn, bao dung, khiến cho người khác cảm thấy gần gũi, dễ chịu. “Ti” ở đây cũng là động từ, trong cổ ngữ có nghĩa là khiêm tốn, dễ gần, thân thiết gần gũi.

“Nam tôn nữ ti” là an vị hợp với tự nhiên và âm dương hài hoà. Cho nên, “nam tôn nữ ti” là đạo lý để người đàn ông và phụ nữ trong cuộc đời hay trong hôn nhân nên sống như thế nào cho hài hoà, không có hàm nghĩa chỉ sự bất bình đẳng, coi trọng người nam mà khinh thường người nữ.

Một người đàn ông có phẩm chất cao thượng thì người phụ nữ tự nhiên sẽ tôn kính họ, thân cận với họ. Trong gia đình, người chồng chính trực cao thượng, người phụ nữ khiêm tốn khoan dung thì gia đình sẽ luôn hoà thuận. Trong một gia đình, một xã hội, nếu người nam và người nữ làm được như vậy thì cũng tự nhiên có được địa vị tôn kính tương ứng mà không bị phân biệt đối xử, cũng không cần đấu tranh mới có được.


Khổng Tử thông hiểu Kinh dịch

Khổng Tử sau khi học tập, nghiên cứu Kinh Dịch, đã viết tác phẩm “Dịch Kinh – Hệ từ thượng hạ truyện”. Trong đó, ông miêu tả: “Thiên tôn đích ti, kiền khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ.” ‘Kiền đạo thành nam, Khôn đạo thành nữ. ’ Ý nói rằng, Trời ở trên cao Đất ở dưới thấp, càn khôn đã được định rõ là như thế. Lấy tôn cao ti thấp để trình bày rõ, địa vị cao thấp ra sao đã sẵn ở vị trí đó rồi … Cung càn tạo thành nam, cung khôn tạo thành nữ. Điều này nói rõ, Khổng Tử hiểu thấu rằng vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều được an vị theo tầm quan trọng của bản thân nó.

Tư tưởng cốt lõi của “Kinh Dịch” chính là nhấn mạnh sự cân bằng, hài hoà của âm dương. Phàm là những gì không cân đối, không hài hoà thì cuối cùng sẽ bị lệch khỏi quỹ đạo. Mà vạn sự vạn vật trong vũ trụ cuối cùng đều phải quy về hài hoà và cân bằng. Thông hiểu điều đó nên Khổng Tử cũng từng giảng: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, mối quan hệ phản ánh ra cũng chính là cái “địa vị” ấy. Ý tứ chính là làm Vua thì phải ra Vua, làm thần tử phải ra thần tử, làm cha phải ra cha, làm con phải ra con. Người ở vị trí nào thì đều phải xử thế sao cho phù hợp với đạo của vị trí ấy.

Thuận theo sự thay đổi của xã hội, ngày nay có rất nhiều nữ giới là đồng nghiệp của nam giới. Nhưng sự khác biệt thiên tính (đặc tính) giữa nam và nữ vẫn tồn tại một cách khách quan, nó không thay đổi theo ý nguyện của con người. Bởi vậy mà trong các cơ quan, doanh nghiệp, người lãnh đạo khéo léo vẫn ít nhiều căn cứ vào đặc tính ấy giữa nam và nữ mà phân công công việc cho phù hợp. Một số học giả đời sau, khi nghiên cứu tư tưởng Khổng Tử có thể do ý nghĩa sâu xa của cổ ngữ nên trong lúc vô tình hay hữu ý đã áp đặt tư tưởng bất chính của mình cho Khổng Tử khiến người đời hiểu sai khác đi như vậy.

An Hoà
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THUỐC NAM ĐÁNH GIẶC
THUỐC BẮC LẤY TIỀN


Xuyên sơn giáp (Tàu) con trút (ta)-Ảnh: ST
Trong cuộc gặp gỡ lần hai giữa Quang Trung Nguyễn Huệ và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, “Huệ hỏi: “nghe thầy học tinh lý-số, lại hay mưu lược. Nay Tôn-Sĩ-Nghị nó sang, thầy nghĩ chước nào?” Thầy Nguyễn Thiếp thưa rằng: “Quân quý thần tốc”. Huệ nói rằng: “Phải, phải, tôi nay ra đánh cho nó chết. Tôi mà dẹp được giặc Tầu xong, thì xin rước thầy ra dạy học. Tôi muốn khí-dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu”. Thầy Nguyễn Thiếp lại thưa rằng: “Chỉ có thuốc Bắc phải dùng của Tầu mà thôi”.(1)

Cứ theo lời Nguyễn Thiếp, thì nước Nam có thể tự sản, tự túc được tất thảy “khí-dụng”, trừ “thuốc Bắc”. Nghĩa là thuốc Bắc được Nguyễn Thiếp đề cao một cách tuyệt đối. Ấy vậy mà dân gian lại có câu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền”.

Và, cứ theo cách giảng của các nhà biên soạn từ điển, thì thực tế hoàn toàn ngược lại quan điểm của La Sơn Phu Tử: thuốc Nam mới công hiệu, còn thuốc Bắc chỉ được cái “đắt tiền”, “lấy tiền các con bệnh” mà thôi:

-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Thuốc nam đánh giặc, thuốc bắc lấy tiền: Thuốc nam là thứ vốn dùng để đánh thẳng vào bệnh tật; còn thuốc bắc là thứ được dùng để lấy tiền các con bệnh mà thôi. Hay dùng để chỉ rõ vai trò hệ trọng của các loại thuốc nam so với thuốc bắc”.

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân):  “Thuốc nam đánh giặc, thuốc bắc lấy tiền Ý nói: Thuốc nam công hiệu, còn thuốc bắc thì đắt tiền”.

- Sách “1575 câu tục ngữ thành ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia) không đồng ý với cách giảng như từ điển của GS Nguyễn Lân, và cho rằng, ý câu tục ngữ là: “Hai người cùng một khả năng, cùng tính làm một việc, nhưng khi người này bỏ nhiều công sức và chịu đựng nhiều khó khăn gian hiểm và làm nên việc thì người kia lại hưởng mọi quyền lợi, câu này gần giống câu “Cốc mò cò xơi”.

Theo chúng tôi, chuyện đề cao tác dụng của thuốc Bắc là một thực tế. Bởi vậy, không có cơ sở nào để nói rằng, thuốc Bắc chỉ là thứ “đắt tiền”, “lấy tiền của các con bệnh”, chứ không “công dụng” hoặc có tác dụng “đánh thẳng vào bệnh tật như thuốc Nam”. Với Lê Gia, tuy ông làm nhiệm vụ “bàn thêm”, nhưng cũng chỉ đưa ra cách hiểu theo nghĩa bóng, không ăn nhập gì với tục ngữ, còn nghĩa đen thế nào, không thấy nói tới.(2)

         Chúng tôi cho rằng, câu tục ngữ phản ánh một thực tế khác: có những vị thuốc Nam vốn mang tên và có nguồn gốc bản địa (Việt Nam), nhưng được các thầy thuốc Bắc, hoặc thương nhân Trung Quốc khai thác, sao chế, sử dụng, bán ra với cái tên thuốc Bắc (xuất xứ Trung Quốc) giá đắt gấp nhiều lần.

         Phương Nam và phương Bắc khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng, nên nhiều vị thuốc Bắc chỉ có ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không ít vị thuốc mà cả Bắc và Nam đều có. Có vị khai thác ở Bắc tốt hơn Nam; có vị khai thác ở Nam tốt hơn Bắc. Xét về đặc điểm sinh học, dược tính, thì có khi hai vị thuốc (một Nam, một Bắc) hoàn toàn giống nhau, chỉ khác tên gọi. Ví dụ: binh lang 檳榔 (hạt cau già), trần bì 陳皮 (vỏ quýt rừng); chỉ xác 枳殼 (quả quýt hôi); long nhãn 龍眼 (cùi nhãn); đại hồi 大茴 (hoa hồi)(3); quế chi 桂枝 (vỏ cành quế)...


Đại hổi (hoa hổi)-Ảnh: ST
Nhiều người quan niệm, thuốc Bắc chủ yếu sử dụng thành phần củ, rễ cây cây thuốc; còn thuốc Nam sử dụng thành phần thân lá. Điều này không hoàn toàn đúng. Vì thực tế, thuốc Nam hay thuốc Bắc, tuỳ từng vị, từng phương mà sử dụng củ, rễ, thân, vỏ, lá, hay hoa, quả...thậm chí là những vị có nguồn gốc động vật.(4)

Nhiều vị thuốc (cây cỏ) khai thác ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, khí hậu, thổ nhưỡng giống Trung Quốc. Về mặt dược tính, những cây thuốc Nam này không khác gì thuốc Bắc, nhưng nó chỉ có giá trị thương mại cao khi khoác lên cái tên thuốc Bắc.

Điều này Đỗ Tất Lợi cho biết rõ: “có tình trạng cùng một vị thuốc, nhưng ở tỉnh này thì ta xuất sang Trung Quốc với một tên này, ở tỉnh khác ta lại nhập với tên khác và mang danh thuốc bắc. Ví dụ: Lào Cai xuất củ gấu tàu và hoàng liên, thì Hải Phòng lại nhập cùng những vị đó với tên ô đầu và hoàng liên bắc v.v...”; hay: “Xuyên Khung chủ yếu được trồng tại tỉnh Tứ Xuyên, còn mọc ở Vân Nam, Quí Châu (Trung Quốc) [...]. Tuy nhiên, tại SaPa (Lào Cai) có đồng bào nói cây đó có sẵn tại tỉnh này từ trước.” (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

Lại có những vị thuốc có sẵn ở ta, nhưng chỉ được sử dụng, phối hợp trong đơn (bài) thuốc Bắc. Trong “Đất lề quê thói”, Nhất Thanh viết: “Ở đất ta cũng có nhiều thứ cây, lá, củ, rễ, hoa, quả, hạt, là những vị thuốc Bắc, tỉ như sen, quế, sa-nhân, ý-dĩ, đậu khấu,...mà thuốc Nam không dùng”.


Quế chi-Ảnh: ST
Vì “thuốc Nam không dùng”, người Nam không biết dùng, nên từ xa xưa, người Bắc (Trung Quốc) đã biết khai thác, mua lại để dùng, sao chế rồi có khi bán lại cho ta với danh nghĩa thuốc Bắc. Sách “Đàng Trong thời chúa Nguyễn” cho biết: “Hàng hoá mà người Trung Hoa mua lại của Đàng Trong gồm có vàng, ngà voi, gỗ quí, đường, cau, gỗ đóng tủ, xạ hương, tiêu, cá khô, tổ yến và các loại dược thảo mà họ kiếm được trên núi...” (HTC nhấn mạnh).

Lê Quí Đôn trong “Phủ biên tạp lục” cũng từng chép về việc người Tàu mua hạt cau già (binh lang 檳榔) của ta: “Gia Định nhất thóc nhì cau”, dân địa phương thường bỏ không thu, cau già lấy hột bán cho người Tàu”.(4)

Khi điều tra cây thuốc ở vùng Quảng Ninh, Đỗ Tất Lợi còn cho biết: “vì giao thông thuận tiện, có nhiều người Trung Quốc đã đến sinh sống từ lâu đời, họ biết khai thác nhiều vị thuốc mà cha ông họ đã biết khai thác, sử dụng ở Trung Quốc; nay sang đây họ tiếp tục khai thác để sử dụng hay xuất về nước, trong khi nhân dân ta chưa chú ý khai thác”.

         Mà đâu chỉ riêng chuyện các vị thuốc Nam mang tên thuốc Bắc. “Chế hoá” nguyên liệu của người thành sản phẩm của mình là “nghề” của những người Tàu làm ăn buôn bán khắp nơi trên thế giới. Trong sách “Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ”, Đào Trinh Nhất cho biết: “Biên Hoà: tỉnh này giồng nhiều chè (tức chè Huế), Hoa kiều mua rồi chế hoá thế nào, làm thành như chè của Tầu, mà lại bán cho ta (...). Nói tóm lại ngay những vật liệu ta thường dùng, trong 100 phần phải ngưỡng cấp [“ngưỡng cấp: trông chờ người khác cấp cho”- nguyên chú của sách-HTC] ở Hoa kiều đến 80 phần, chưa kể đến những nguyên liệu của ta mà họ lợi dụng để chế ra các sản vật đem ra bán ở ngoại quốc nữa, thì đủ biết nghề nghiệp của họ phát đạt như thế nào”.

         Với nguồn dược liệu dễ lẫn lộn, khó nhận diện như thuốc Nam và thuốc Bắc, lẽ dĩ nhiên, qua công đoạn bào chế và khoác cái tên cao quý của người Tàu, hạt cau già sẽ trở thành vị “binh lang 檳榔”; củ mài  thành “hoài sơn - 淮山”; hạt bo bo thành “ý dĩ nhân - 薏苡仁”, dây tơ hồng thành “thỏ ti tử-兔絲子”; củ cây cơm nếp thành “hoàng tinh-黃精”; mằn năng ón thành “hà thủ ô-何首烏”; đầu vù, rễ kế thành “tục đoạn-續斷”.v.v...

         Ngoài ra, còn vô số vị thuốc có nguồn gốc động vật ở ta, được khoác cái tên “huyền bí” của Tàu, như: “ô tặc cốt-烏賊骨” (mai mực); “xuyên sơn giáp-穿山甲” (vảy con tê tê, hay con trút); “thuỷ điệt-水蛭” (con đỉa); hoà trùng 禾虫 (con rươi);; “địa long-地龍”, hay “khâu dẫn-蚯蚓” (giun đất); “dạ minh sa-夜明沙”, hay “thiên thử phẩn-天鼠糞” (phân con dơi),v.v...

         Cũng cần nói thêm, “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền” không chỉ phản ánh thực tế khai thác sử dụng vị thuốc nguồn gốc Nam vào bài thuốc Bắc của thầy thuốc Tàu, mà còn đối với cả người Việt hành nghề thuốc Bắc. Nghĩa là thầy thuốc Bắc của ta biết rõ các vị thuốc nguồn gốc bản địa, có cái tên nôm na gần gũi, nhưng trong đơn, thầy vẫn kê với tên thuốc Bắc linh diệu, như trần bì-陳皮 (vỏ quýt), chỉ xác-枳殼(quả quýt hôi phơi khô); “quy bản-龜版” (yếm rùa); “miết giáp-鱉甲” (mai con ba ba)... Ngay cả với những cây thuốc bản địa, nếu so sánh với thuốc Bắc, thì nó hoàn toàn khác nhau về đặc điểm sinh học, nhưng vì có dược tính gần giống, nên được sử dụng để thay thế, hoặc sử dụng như thuốc Bắc, nhưng vẫn không mang tên bản địa, mà là mang tên vị Bắc, ví như: vỏ cây núc nác, được gọi là “nam hoàng bá” 南黃柏; củ súng gọi là “khiếm thực” 芡實, hay “nam khiếm thực” 南芡實; củ cây vú bò gọi là “bạch hà thủ ô” 白何首烏,v.v...


Miết giáp (mai con ba ba)-Ảnh: ST
Điều này có hai lí do: bản thân các bài thuốc này được đúc kết, truyền dạy theo y lí của Trung y. Bởi vậy, khi kê đơn, bốc thuốc, thầy thuốc người Nam hành nghề thuốc Bắc cứ y theo tên chữ trong sách thuốc của Tàu mà ghi. Thứ hai, bản thân thầy thuốc Bắc cũng không muốn con bệnh biết rằng, trong đơn thuốc, nhiều vị có thể khai thác ngay trên đất Việt Nam. Có như vậy, những dược liệu phương Nam ấy mới được bán theo giá thuốc Bắc. Thế nên trước đây ở thôn quê, mỗi khi đi lấy thuốc Bắc về, trước khi sắc, người ta thường giở ra xem vị và lượng thế nào. Người thông thạo chút ít về thuốc thường “giải thiêng” bằng cách chỉ vào từng thứ rồi vanh vách “đọc vị” cả tên Nam lẫn tên Bắc.

         Vậy chẳng phải “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền” là gì?

         Như vậy, “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền” ý nói, các vị thuốc nguồn gốc bản địa (thuốc Nam), được người Tàu thu mua, bào chế, rồi đưa vào bài thuốc Bắc. Thuốc chữa khỏi bệnh (“đánh giặc”) thực chất là vị Nam (sẵn có và rẻ), nhưng lại mang danh thuốc Bắc (giá cao), để tiền thu vào túi thương nhân Tàu, thầy thuốc Tàu.(5)

Hoàng Tuấn Công
------------------------
Chú thích:
[1]- Theo “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn”. Không biết thực hư đoạn đối đáp giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp đến đâu. Nhưng sau đại thắng quân Thanh (1789), vua Quang Trung có mở cuộc thi “đối sách” về “Nam dược trị Nam nhân”. Bài “đối sách” của Nguyễn Hoành hợp ý Quang Trung nên được tuyển làm Ngự y quan. Nguyễn Hoành chính tên Nguyễn Viết Hoành, tự Văn Đỉnh, (1741-1800), quê quán thôn Thiên Linh Đông, xã Thiên Linh, tổng Văn Trinh, huyện Quảng Xương (hiện nay là thôn Yên Đông, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương). Khi triều đình Phú Xuân lập Nam dược cục (Viện nghiên cứu thuốc Nam), Quang Trung sai Nguyễn Hoành làm Ngự y chánh Nam dược cục chánh cục. Thời kì này, Nguyễn Hoành soạn một số sách về y dược. Đáng chú ý nhất là tập “Y học toát yếu quốc ngữ ca” viết bằng chữ Nôm (vua Quang Trung chú trọng chữ Nôm).
[2] -Tham khảo thêm một số cách hiểu:
1.Bài “Lịch sử thuốc Nam” (yduocqueviet.com.vn), tác giả Lê Quế Việt viết: "Tiền nhân có câu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lập công” là chỉ tác dụng của thuốc Nam là công phạt hợp với chứng thực, thuốc Bắc thiên về bổ dưỡng chữa chứng hư”. Cách giải thích này không đúng. Vì ngay cả cách điều trị bằng thuốc Bắc, thì thầy thuốc vẫn phải phân biệt “thực chứng” và “hư chứng” (ví như hàn giả nhiệt, hoặc nhiệt giả hàn) để mà có cách bổ hay tả cho đúng.
2. Bài “Nghề làm thuốc ở nước ta, Sự thực đã chứng minh nước ta có một nền quốc y riêng” (Bắc Hà, Tràng An báo, 1938), viết: “Nhờ thế, dân gian càng ngày càng tìm ra được nhiều vị thuốc Nam hay lắm. “Thuốc nam đánh giặc thuốc bắc lấy tiền”, cây nói ấy xuất phát ra từ đấy”. Ở đây, tác giả cũng chỉ hiểu được vế thứ nhất, còn tại sao “thuốc Bắc lấy tiền” thì không giải thích.
3.Trong “Đất lề quê thói”, Nhất Thanh có viết: “Nói về công hiệu thì thuốc Nam thuốc Bắc đều hay nếu dùng đúng chỗ. Vì thuốc Nam rẻ tiền lại thường được mách bảo không cần thày, mà cũng nên công nhiều khi tuyệt diệu, cho nên dân chúng có câu “Thuốc Nam đánh giặc thuốc Bắc lấy tiền”. Theo đây, Nhất Thanh cũng không giải thích tại sao lại “thuốc Bắc lấy tiền”.
         [3]-“Đại hồi” thực chất là quả cây hồi, có năm cánh, giống bông hoa, nên dân gian gọi là “hoa hồi”, sản nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn.
         [4]- Theo “Danh từ thuật ngữ y - dược cổ truyền” Hạt cau già (binh lang 檳榔) chủ trị: “Thực tích khí trệ, bụng đầy táo bón, tả lỵ mót rặn, ký sinh vật đường ruột: giun, sán; Trị sốt rét do muỗi truyền”.
         [5]-Một số tài liệu tham khảo và trích dẫn:
-“La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn” (NXB Giáo dục, 1998).
-“Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn-NXB Văn hoá thông tin, 2007)
-“Vân đài loại ngữ” (Lê Quý Đôn-NXB Văn hoá, 1962)
- “Danh từ thuật ngữ y - dược cổ truyền” (NXB Y học, 2016)
- “1575 câu tục ngữ thành ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia-NXB Văn Nghệ, 2009)
- “Đất lề quê thói” (Nhất Thanh-Cở sở ấn loát Con đường sáng, Sài Gòn 1970)
-“Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ” (Đào Trinh Nhất-NXB Hội Nhà văn, 2016).
- “Đàng Trong thời chúa Nguyễn” (Nguyễn Duy Chính-NXB Hội Nhà văn, 2016).
- “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (Đỗ Tất Lợi-NXB Hồng Đức, 2015).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THIÊN HẠ VÔ SONG


Câu thành ngữ “Thiên hạ vô song” ý nói trong thiên hạ không có người thứ hai giống như vậy. Câu thành ngữ này có nghĩa tương đương với câu “Độc nhất vô nhị”. Có thể nhiều người đã nghe đến câu thành ngữ này nhưng nguồn gốc của nó từ đâu thì không nhiều người biết rõ.

Về nguồn gốc của câu thành ngữ này, xưa nay đều tồn tại hai loại thuyết pháp như sau:

Thuyết pháp thứ nhất có liên quan đến công tử nước Nguỵ là Tín Lăng Quân: Tần Vương muốn tiến quân đánh nước Nguỵ. Vua Nguỵ mệnh lệnh phong Tín Lăng Quân làm Thượng tướng quân. Tín Lăng Quân dẫn quân của sáu nước đồng minh là Nguỵ, Tề, Hàn, Sở, Yến, Triệu đánh bại quân Tần ở Nam Ngạn, Hoàng Hà. Quân của Tín Lăng Quân thừa thắng xông lên, uy hiếp Hàm Cốc Quan.

Lúc ấy, danh tiếng của Tín Lăng Quân uy chấn thiên hạ. Ông hiểu rõ binh pháp, bởi vậy, các quốc gia chư hầu phàm là có các sáng tác binh pháp thì đều mang đến thỉnh giáo ông, nhờ ông xem qua. Bởi vì các sáng tác binh pháp này đều được Tín Lăng Quân xem qua, nên được xưng là “Binh Pháp Nguỵ Công Tử”. Thái độ xử thế của Tín Lăng Quân được người đương thời ca ngợi là “Thiên hạ vô song” (không ai trong thiên hạ sánh được).

Đôi nét về Tín Lăng Quân: Tín Lăng Quân tên thật là Nguỵ Vô Kỵ là công tử nước Nguỵ thời Chiến Quốc. Nguỵ Vô Kỵ là con út vua Nguỵ Chiêu Vương, em cùng cha khác mẹ với Nguỵ An Ly Vương. Năm 277 TCN, Nguỵ Chiêu Vương chết, Nguỵ An Ly Vương lên ngôi, phong Nguỵ Vô Kỵ là Tín Lăng Quân. Vì vậy người đời sau đều gọi ông là Tín Lăng Quân.

Vào lúc nhà Nguỵ bị suy sụp, Tín Lăng Quân học theo Mạnh Thường Quân và Bình Nguyên Quân coi trọng người hiền, thu thập thực khách, bồi dưỡng kẻ sĩ lên đến mấy ngàn người, thành một thế lực mạnh. Ông chiêu hiền đãi sĩ, khi người khác gặp khó khăn không có người giúp đỡ, Tín Lăng Quân sẽ thu nạp họ. Ông từng cầm quân đánh bại quân Tần, cứu nguy cho Triệu quốc và Nguỵ quốc. Nhưng Tín Lăng Quân nhiều lần bị Nguỵ An Ly Vương hiềm nghi nên không được ban cho trọng trách quan trọng.

Thuyết pháp thứ hai: Thời cổ đại, Hoàng Hương là người Giang Hạ, Hồ Bắc (nay là thành phố Vũ Hán). Năm Hoàng Hương lên chín tuổi thì mẹ cậu qua đời, cha của cậu là một vị quan nhỏ. Hai cha con họ sống nương tựa vào nhau, cuộc sống bần cùng khốn khổ. Hoàng Hương là người có tri thức rộng, lại hiểu biết lễ nghĩa, đối với cha vô cùng hiếu thảo. Hàng ngày cậu đều giành làm những công việc tương đối nặng nhọc để cho cha mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Vào ngày hè nóng bức, Hoàng Hương biết cha mình không chịu được nóng, thời tiết nóng thường làm ông không ngủ được, lại còn bị muỗi đốt nữa. Vì thế mà mỗi tối trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương thường dùng quạt quạt gối và chiếu cho mát, rồi đuổi muỗi xong mới mời cha đi ngủ. Đến mùa đông lạnh giá, Hoàng Hương sợ cha bị lạnh, cậu bèn nằm trên giường ủ ấm chăn chiếu, rồi mới mời cha lên giường nghỉ ngơi.

Sau này, Hoàng Hương lớn lên làm quan. Khi ông đảm nhận chức Thái Thú ở Nguỵ Quận một lần bị nạn lũ lụt, nhà cửa ở địa phương bị nước lũ cuốn trôi, nhiều người không còn nhà để về, không đủ cái ăn cái mặc. Hoàng Hương bèn lấy hết gia sản và bổng lộc của mình cứu đói những người dân gặp nạn.

Lòng hiếu kính đối với cha, tri thức uyên bác và lòng yêu thương dân chúng của Hoàng Hương khiến người đời ca ngợi không ngớt. Lúc ấy trong kinh thành truyền lưu một câu ca dao dân gian: “Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng Hương”, tức là hiếu thuận như Hoàng Hương ở quận Giang Hạ, e rằng thiên hạ không có người thứ hai.

An Hoà
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GÁI THƯƠNG CHỒNG ĐƯƠNG ĐÔNG BUỔI CHỢ
TRAI THƯƠNG VỢ NẮNG QUÁI CHIỀU HÔM


1.
Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm là một câu tục ngữ (TN) hết sức ý vị. Vậy mà cho mãi tới giờ, giới nghiên cứu chúng ta vẫn chưa thể nhất trí được với nhau về cái nghĩa đích thực của lời nhắn gửi này. Tại sao lại xảy ra tình trạng đáng buồn ấy? Và làm cách nào để trả lời thoả đáng câu hỏi: ông cha ta muốn nhắn nhủ gì cùng con cháu qua câu đang xét?
2.
Trước khi trả lời mấy câu hỏi ấy, có lẽ chúng ta hãy cùng nhau đọc lại lời diễn giải từng được sách vở ở ta trích dẫn nhiều nhất: lời diễn giải của sách Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ (1988) do GS. Hoàng Văn Hành cùng các cộng sự biên soạn rất công phu và được in đi in lại nhiều lần kể từ ngày ra mắt tới nay.

Theo sách trên, câu TN đang bàn muốn nêu rõ ba điều:

(a) “[…] phản ánh sự chênh lệch, bất bình đẳng trong quan hệ yêu thương vợ chồng. Tình cảm người phụ nữ bao giờ cũng đậm đà, đầy đặn, mặn mà như buổi chợ đương đông, bởi ngoài lí do giới tính ra, người phụ nữ còn chịu sự ràng buộc của tam tòng tứ đức. Ngược lại, tình thương yêu của người con trai đối với vợ thường nhạt nhẽo, thoáng qua, ví như nắng quái chiều hôm le lói một lát rồi tắt ngấm khi mặt trời lặn;

(b) […] phản ánh mức độ khác nhau trong tình yêu vợ chồng. Người con gái luôn luôn thương yêu chồng bằng tình yêu đậm đà, mặn mà, đầy đặn khác nào đương đông buổi chợ. Còn tình cảm của người con trai chỉ đôi lúc nhưng mãnh liệt như cái nắng quái chiều hôm vậy. Nắng quái chiều hôm tuy ngắn ngủi nhưng sức nóng, sức cháy bỏng của ánh nắng xiên khoai này thật là ghê gớm;

(c) […] nói về tính chất biểu hiện tình thương vợ chồng. Khi đã thương yêu chồng, tình cảm của người con gái được thể hiện ra bằng sự hoạt bát, vui nhộn như đương đông buổi chợ. Và người chồng chẳng khó khăn gì trong việc tìm hiểu tình cảm của vợ đối với mình. Ngược lại, chàng trai thâm trầm hơn trong tình yêu. Thậm chí, có khi tình yêu thương của chàng được thể hiện cả bằng sự cáu gắt, khắt khe, nghiệt ngã như nắng quái chiều hôm” (tr. 166).
3.
Mấy lời diễn giải kiểu “vọng văn sinh nghĩa” vừa nhắc rõ ràng rất khó thuyết phục được ai. Ấy là chưa kể lối diễn giải đó còn để lộ thêm hai điểm yếu quá lớn rất nên tránh khi diễn giải các đơn vị TN.

Thứ nhất là đã quá sa đà vào việc miêu tả dài dòng, một lối biểu đạt hết sức xa lạ đối với TN, vì TN, như tất cả chúng ta đều biết, là thể loại sáng tác dân gian chỉ chuộng đưa ra những nhận định súc tích (kiểu như Ruồi vàng; bọ chó; gió Than Uyên - Chó treo; mèo đậy - Vàng gió; đỏ mưa - Nhà gỗ xoan; quan ông nghè, v.v và v.v.) hoặc những lời nhắn nhủ cô đọng (kiểu như Chị ngã em nâng - Ăn đấu trả bồ - Ra đường hỏi già; về nhà hỏi trẻ - Yêu trẻ trẻ đến nhà; kính già già để tuổi cho - Ăn cây nào rào cây ấy, v.v. và v.v.).

Thứ hai, có lẽ GS. Hoàng Văn Hành cùng các cộng sự đã nhầm khi coi câu TN này là câu so sánh (tức Gái thương chồng NHƯ đương đông buổi chợ; trai thương vợ NHƯ nắng quái chiều hôm), bất chấp một sự thật là trong câu chẳng hề có một từ NHƯ nào và câu cũng chẳng hề có một dấu hiệu hình thức tường minh hoặc ẩn mặc nào đòi hỏi chúng ta phải diễn giải như thế.

Lời diễn giải chẳng mấy sát sao đó, đến lượt mình, còn đẩy tác giả tới chỗ phải phạm thêm một sơ suất nữa: buộc tác giả phải xử lý hai cụm từ “đương đông buổi chợ” và “nắng quái chiều hôm” như là hai bộ phận chỉ phương thức/mức độ của động từ “THƯƠNG” trong câu. Do đã lỡ xử lý thế rồi, nên các tác giả đành gán cho hai cụm này nhiều nội dung mà nó chẳng hề có và cũng khó lòng có thể có được cho dù xuất hiện trong bất cứ ngôn cảnh nào.

Sự khiên cưỡng quá lộ liễu ấy như thầm nhắc chúng ta: hãy tránh đi theo con đường mà các tác giả đã đi. Tức là nên tránh coi câu đang xét như là câu so sánh, mà hãy xử lý nó như là câu tỉnh lược (rút gọn), một lối diễn đạt còn thông dụng trong TN hơn cả so sánh gấp hàng trăm, hàng trăm lần.

Và một khi đã xử lý như thế rồi thì câu có lẽ sẽ được viết lại như sau:

“Gái thương chồng [thì hãy cư xử như thế nào để có thể bày tỏ được tấm lòng yêu thương ấy ngay cả khi] đương đông buổi chợ (tức đang lúc buôn may bán đắt); trai thương vợ [thì hãy cư xử như thế nào để có thể bày tỏ được tấm lòng yêu thương ấy ngay cả trong cái] nắng quái ác lúc xế chiều”.

Đến lúc này thì phần việc cần làm chắc hẳn chỉ còn là: đi tìm hai biểu thức ngôn từ [linguistic expression] súc tích nhưng vẫn đủ để diễn đạt thoả đáng các phần đã bị lược bỏ kia. Do đề tài của câu là nói về tình yêu giữa vợ với chồng nên biểu thức ngôn từ đắc địa hơn cả chắc hẳn phải là: “HÃY HẾT LÒNG CÙNG CHỒNG/HÃY HẾT LÒNG CÙNG VỢ”.

Bây giờ ta thử thay hai biểu thức vừa đưa ra vào mấy chỗ bị rút gọn bên trên, và hãy kiểm nghiệm lại xem câu có còn đúng ngữ pháp nữa không và, nhất là, có còn giữ nguyên được cái nghĩa vốn có.

Kết quả thu được từ phép thử này tỏ ra rất đáng khích lệ: “Đã thương chồng thì người vợ HÃY HẾT LÒNG CÙNG CHỒNG ngay cả khi buổi chợ còn đang đông đúc [tức còn đang có cơ buôn may bán đắt]; đã thương vợ thì người chồng HÃY HẾT LÒNG CÙNG VỢ ngay cả khi đang phải khốn khổ với cái nắng quái ác lúc xế chiều”.

Từ những gì vừa trình bày, chắc hẳn chúng ta đã có thể đi đến nhận định: hai biểu thức ngôn từ vừa đề nghị trên đây chắc hẳn là những điều mà ông cha ta muốn nhắn gửi cùng con cháu mai sau. Nói cách khác, ông cha ta muốn nhắn nhủ cùng chúng ta rằng: đã thực lòng yêu nhau thì hãy hết lòng cùng nhau ngay cả khi khó có cơ may bày tỏ được tấm lòng yêu thương thắm thiết ấy.

NGUYỂN ĐĂNG DƯƠNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [39] [40] [41] [42] [43] [44] [45] ... ›Trang sau »Trang cuối