Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [38] [39] [40] [41] [42] [43] [44] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

CỎ NỘI HOA HÈN


Câu 2197 của Truyện Kiều là: ‘Rộng thương cỏ nội hoa hèn’. Đây là lời của Kiều, dùng bốn tiếng cỏ nội hoa hèn để nói với Từ Hải về thân phận của mình.

Đào Duy Anh giảng là “Cỏ ngoài đồng, hoa hèn mọn, tỷ dụ người đàn bà hèn mọn” (Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974). Còn Nguyễn Khắc Bảo thì giảng là “Cách nói khiêm nhường của phụ nữ vốn mềm yếu như cỏ ngoài đồng nội, hèn mọn như bông hoa dại” (Truyện Kiều, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.497).

Cách hiểu như trên cũng đã được ghi nhận vào Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành biên soạn (NXB Văn hoá, Hà Nội, 1993) với lời giảng: “Người phụ nữ quê mùa, theo cách nói khiêm tốn của chính họ”. Dù sao thì quyển từ điển này cũng không gắn lời giảng của mình với câu 2197 của Truyện Kiều. Còn lời giảng của Đào Duy Anh và Nguyễn Khắc Bảo thì chưa sát với chữ nghĩa Truyện Kiều.

Đúng với chữ nghĩa Truyện Kiều thì cỏ nội hoa hèn là do bốn chữ Hán nhàn hoa dã thảo [閑花野草] mà trang zdic.net/hans giảng là “1.- Chỉ dã sinh đích hoa thảo. 2.- Cựu thời tỉ dụ chính thức phối ngẫu dĩ ngoại sở hiệp ngoạn đích nữ tử. Diệc chỉ kỹ nữ” [1.指野生的花草 .– 2.旧时比喻正式配偶以外所狎玩的女子。亦指娼妓。], nghĩa là “1.- Chỉ hoa cỏ mọc hoang. 2.- Thời xưa [dùng để] ám chỉ những phụ nữ [mà đàn ông] dan díu ngoài người vợ chính thức. Cũng dùng để chỉ kỹ nữ”. Với nghĩa 2, bốn tiếng này thường được dịch sang tiếng Anh thành promiscuous women (những người đàn bà lang chạ). Ở câu này, Nguyễn Du để cho Kiều dùng bốn chữ cỏ nội hoa hèn thật là đắc địa: Đây là lần sơ kiến nên trong ý nghĩ của mình, Kiều tưởng rằng Từ Hải cũng chỉ là một gã khách làng chơi nên đã tự nhận là cỏ nội hoa hèn (nhàn hoa dã thảo), nghĩa là gái làng chơi chứ đâu có ngờ đến chuyện Trai anh hùng, gái thiền quyên - Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cỡi rồng [c.2212 - 2213]).

Còn như lời giảng của Lê Văn Hoè thì lại càng vô lý. Ông viết: “Chữ cỏ nội mượn ý câu sách Luận-Ngữ để suy tôn đức lớn của Từ-Hải lúc làm nên” (Truyện Kiều chú giải, Quốc-Học thư-xã, Hà-Nội, 1953, tr. 520, chú thích số 1810). Thực ra, cả hai danh ngữ cỏ nội và hoa hèn đều là ẩn dụ dùng để chỉ những thân phận thấp hèn chứ làm gì có chuyện cỏ nội mà lại dùng để “suy tôn đức lớn”.

Thực ra, xuất phát từ bốn chữ nhàn hoa dã thảo của tiếng Hán, như đã nói, thành ngữ cỏ nội hoa hèn vốn dùng để chỉ (miêu tả, kể lể, nhận định, đánh giá…) những thân phận yếu hèn, đặc biệt là phụ nữ, chứ không hề là cách nói khiêm nhường của riêng phụ nữ như Nguyễn Khắc Bảo và các tác giả của Từ điển thành ngữ Việt Nam đã nhầm lẫn vì chỉ căn cứ vào lời nói của Kiều ở câu 2197.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LẤY DÂN LÀM GỐC


“Lấy dân làm gốc” là chính sách cai trị đất nước mà rất nhiều vị Vua thời cổ đại áp dụng. Cách cai trị này thực sự không chỉ đem lại cuộc sống an bình, phồn vinh cho dân chúng mà còn thể hiện ra sự minh trí và đạo đức cao thượng của người cai trị.


“Lấy dân làm gốc” hiểu theo nghĩa bề mặt chính là làm mọi việc đều phải đặt người dân lên vị trí trọng yếu. Làm được điều này quả thực không phải việc dễ dàng. Trong lịch sử thực sự đã có những vị Vua đề xướng và thi hành được chính sách cai trị này. Trong đó Hoàng đế Khang Hy là một trong những ví dụ điển hình nhất.

Thánh Tổ của triều nhà Thanh là Khang Hy hoàng đế Ái Tân Giác La – Huyền Diệp, tám tuổi lên ngôi, làm vua trị vì đất nước suốt 61 năm, là một trong những nhà cai trị tại vị lâu nhất trong lịch sử thế giới. Thời gian tại vị của ông được xem là mở đầu của “Khang Càn thịnh thế” kéo dài hơn 100 năm. Vậy trong chính sách cai trị “lấy dân làm gốc” của ông bao gồm những nội dung chủ yếu nào?

Dùng nhân từ đối đãi dân chúng

Khi Khang Hy lên ngôi, thù trong giặc ngoài, dân chúng lầm than, việc thống nhất đất nước vẫn chưa hoàn thành, dân chúng mâu thuẫn lớn với triều đình. Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang hỏi ông nghĩ gì, Khang Hy đáp: “Duy nhân giả vô địch.” (Tạm dịch: Chỉ có người nhân từ là không có kẻ thù).

Ông nói với các đại thần: “Định loạn chi phương, duy sùng thượng khoan đại, khoan tắc đắc chúng. Trì thiên hạ chi đạo, dĩ khoan vi bản.” (Tạm dịch: Để dẹp loạn, chỉ có duy trì lòng khoan dung, tấm lòng rộng rãi ắt được lòng dân. Đạo lý trị vì thiên hạ, lấy khoan dung làm căn bản).

Năm 16 tuổi, với trí tuệ siêu phàm và dũng khí hơn người, ông đã sắp xếp kế hoạch diệt trừ được quyền thần Ngao Bái chuyên quyền bạo ngược. Sau đó ông bình định loạn Tam phiên, 2 lần thân chinh Chuẩn Cát Nhĩ, phía Bắc chống Sa Hoàng, xây dựng thiên hạ, hoàn thành xong việc thống nhất toàn dân tộc Trung Hoa.


(Hình chân dung Hoàng đế Khang Hy: Qua Wikipedia)
Không sát hại người vô tội, khoan dung người lầm lỡ

Đối với loạn Tam Phiên, Khang Hy từng nhiều lần nói rõ quyết tâm bảo vệ biên giới quốc gia của mình, đồng thời hy vọng họ lấy lợi ích quốc gia làm trọng. Nếu như họ đình chỉ làm loạn thì triều đình cũng sẽ không trách lỗi xưa. Sau khi bình định được rồi cũng yêu cầu: “Xử lý phải khoan dung, không can thiệp ảnh hưởng quá nhiều người”.

Quan đề đốc Thiểm Tây là Vương Phụ Thần, bị Bình Tây Vương Ngô Tam Quế lung lạc mua chuộc, khởi binh nổi loạn. Lúc ấy cả nhà của con trai Vương Phụ Thần là Vương Kế Trinh đều đang ở tại kinh thành, các đại thần đều đề nghị lập tức bắt giữ họ vì tội mưu phản. Khang Hy tuy rất sốt ruột, nhưng ông vẫn bình tĩnh để cho Vương Kế Trinh đưa tin cho cha, nói rõ rằng triều đình lượng thứ vì ông ta mưu phản không phải là bản ý, lầm lạc mà biết quay lại, sẽ không truy cứu trách nhiệm.

Vương Phụ Thần vô cùng cảm động, nên đã lập tức dẫn binh sỹ hướng về triều đình bái lạy, bởi vì trong lòng vẫn còn có điều trăn trở, nên vẫn chưa chịu đầu hàng. Khang Hy bổ nhiệm Đồ Hải làm Phủ viễn Đại tướng quân.

Đồ Hải nói với các tướng sỹ rằng: “Noi theo tấm gương nhân nghĩa, thể theo đức lớn của hoàng thượng, trước tiên chiêu hàng họ, nếu không được mới đánh dẹp. Không được sát hại người vô tội!“.

Đạo quân lớn của Đồ Hải đánh đâu thắng đó, Vương Phụ Thần bị ép phải đầu hàng. Khang Hy lại phong cho ông ta làm Tĩnh Khấu tướng quân, ra lệnh cho ông ta và Đồ Hải cùng nhau trấn thủ Hán Trung. Vương Phụ Thần vô cùng xấu hổ, nhưng Khang Hy đã nhiều lần sai Đồ Hải an ủi ông ta.

Khi chinh phục Cát Nhĩ Đan, Khang Hy nói với các đại thần: “Dùng lòng nhân từ để cảm hoá thiên hạ, không thể dùng quyền uy để khuất phục. Cát Nhĩ Đan hung bạo, Trẫm khoan dung với dân chúng, Cát Nhĩ Đan gian xảo, Trẫm lấy thành tín để đối đãi với dân chúng“. Quần thần xin Hoàng đế đặt tôn hiệu, Khang Hy kiên quyết cự tuyệt, nói: “Trải qua ngọn lửa chiến tranh, cuộc sống của dân chúng đã khốn khổ lầm than rồi nên cần phải thiết thực, đừng chạy theo hư danh“.


Bức tranh miêu tả một cảnh Hoàng đế Khang Hy – nhà Thanh đi tuần (Ảnh: Qua v.ifeng.com)
Giảm thuế, giảm hình phạt và kiểm soát việc xây sửa công trình

Khang Hy chú trọng khôi phục và phát triển sản xuất, cùng dân nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhiều lần ông hạ lệnh đình chỉ việc khoanh vùng lãnh thổ, bãi bỏ thuế ruộng hơn 545 lượt.

Ông tuyên bố:“Sinh thêm nhân khẩu, vĩnh viễn không tăng thêm thuế“, khiến các loại thuế giảm xuống, đỡ gánh nặng cho nông dân. Ông coi trọng quản lý sông Hoàng Hà, tự mình giám sát việc trị thuỷ suốt hơn 10 năm để nhân dân đỡ khổ vì nạn lũ lụt.

Lúc ấy, cửa Bắc Trường Thành bị nghiêng lún rất nhiều, công bộ và nha môn xin xây dựng tu bổ lại. Khang Hy nói với các đại học sỹ: “Việc Đế vương trị vì thiên hạ đều là có căn nguyên của nó, không phụ thuộc vào việc thành quách hiểm. Từ khi nhà Tần xây dựng Trường Thành tới nay, các triều Hán, Đường, Tống cũng đã thường sửa chữa, lúc ấy thật sự không gặp tai hoạ biên cương nào nữa sao?

Cuối đời nhà Minh, đại quân của Thái Tổ tiến quân thần tốc, toả đi mọi hướng, đều không có ai dám đương đầu. Có thể thấy rằng đạo lý giữ nước, chỉ có tu đức an dân, hợp lòng dân mới chắc chắn giữ được đất nước, vùng biên cương tự nhiên vững chắc, đây cũng là điều mà người ta gọi là mọi người đồng tâm hiệp lực thì sức mạnh sẽ như bức tường đồng không thể phá.”

Một lần, Khang Hy đang đi thị sát ở khu vực phía Bắc Trường Thành, ông phát hiện thấy một người nằm bất động bên đường. Ông tự mình tiến đến hỏi thăm, biết người này tên là Vương Tứ Hải, là một người làm thuê, trên đường về nhà bị đói quỵ xuống không dậy nổi. Khang Hy lập tức sai người cho ông ta ăn chút cháo nóng. Khi Vương Tứ Hải tỉnh dậy, hoàng đế mang ông ta về hành cung, rồi cho tiền lộ phí và phái người đưa ông ta về tận nhà.

Khang Hy thi hành rộng rãi chính sách loại bỏ, giảm bớt hình phạt. Năm Khang Hy thứ 22, toàn bộ số phạm nhân bị phán quyết án tử hình trong cả nước chỉ có chưa đến 40 người.


Tuyển chọn người tài đức phục vụ dân

Khang Hy không những quan tâm chăm sóc trăm họ, mà còn yêu cầu quan lại cũng phải yêu thương dân như con. Ông mặc dù không hạn chế trong việc tuyển chọn nhân tài, nhưng tiêu chuẩn để lựa chọn thì yêu cầu hết sức nghiêm ngặt.

Ông dùng người trước sau đều giữ vững một tiêu chuẩn là: “Quốc gia dùng người, lấy đức làm gốc, tài nghệ là thứ yếu“. “Tài đức đều cao thì tốt, nếu có tài mà không có đức, thì cũng không bằng người có đức mà không có tài“.

Ông còn nói: “Xét tài năng thì phải lấy đức làm căn bản, đức hơn tài thì là người quân tử, tài hơn đức là kẻ tiểu nhân“.

Để trấn an quan lại dân tộc Hán, Khang Hy đã nhiều lần lặp đi lặp lại “Mãn hay Hán đều là bề tôi của trẫm“, “Mãn Hán là một thể thống nhất“, “Quan lại lớn nhỏ trong triều đều là những người mà trẫm tín nhiệm, các quan đều cần phải khuyên can, dâng sớ, không được thoái thác trách nhiệm“. Một số ít trí thức ẩn cư trong rừng núi đã ra làm quan, sự ngăn cách giữa dân tộc Mãn với dân tộc Hán và các dân tộc khác dần dần tan biến, rồi cuối cùng dung hợp với nhau.


(Một cảnh đi tuần của Hoàng đế Khang Hy. Ảnh: Qua kedo.gov.cn)
Tiết kiệm, giản dị, nghiêm trị quan tham

Để hình thành nên nếp sống tốt đẹp và thanh liêm cho quan lại, Khang Hy nhiều lần hạ chiếu để cho các quan lại triều đình tiến cử quan thanh liêm. Ông cũng nhiều lần đích thân tuyên dương những vị quan lại thanh liêm. Quan thanh liêm dưới triều đại Khang Hy xuất hiện rất nhiều, như: Lý Quang Địa, Trương Bá Hành…Những vị quan này nhậm chức ở nơi nào, thì dân chúng ở nơi ấy được hưởng ân huệ, lợi ích.

Vu Thành Long ở Sơn Tây tuy làm quan tướng soái, nhưng không hề mưu cầu tư lợi cho bản thân. Mỗi ngày 2 bữa, ông chỉ ăn cơm thô và rau xanh nên được mọi người đặt cho biệt hiệu là “Vua rau xanh”.

Ông lấy mình làm gương, ra mệnh lệnh cấm quan lại đút lót và nhận hối lộ, được dân chúng rất ủng hộ và yêu mến. Khi ông qua đời, các vị tướng quân và quan lại dưới quyền ông đến phúng viếng, họ mới thấy trong cái hòm bằng trúc để trong nhà ông chỉ có một chiếc áo dài, đầu giường của ông chỉ có một ít muối ăn, ai nấy đều cảm động rơi nước mắt. Dân chúng nhà nhà đều treo bức hoạ chân dung của ông và tưởng nhớ về ông, Khang Hy cũng ca ngợi ông là “Đệ nhất thanh quan đương thời”.

Khang Hy vô cùng chú ý nghiêm trị tham quan. Ông nói, quan tham cần phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn những cái khác, tội của tham quan là tuyệt đối không thể tha thứ được, nếu không sẽ không có tác dụng răn đe.

Trong một lần thẩm tra, ông tự mình răn đe cảnh cáo một loạt các tội phạm tham ô lớn. Đối với các quan lại vùng biên giới, ông yêu cầu càng nghiêm khắc hơn. Ví dụ quan Tuần phủ Thiểm Tây tên là Mục Nhĩ Tái ăn hối lộ làm trái pháp luật, Khang Hy nói: “Đối với tội phạm quan trọng rõ ràng nhơ nhuốc như thế, nếu không dùng hình phạt nặng thì không thể được, cho nên lập tức xử tử.” Từ năm 1681 kéo dài trong suốt 25 năm, chính sách này đã có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn những hành vi tham ô hối lộ.

Trong việc thống nhất đất nước, trị quốc bình thiên hạ, hoàng đế Khang Hy được người đời ca ngợi là một vị minh quân hiếm có trong lịch sử Trung Hoa, luôn một lòng vì dân, nghĩ đến dân, lo cho lợi ích của dân, lấy dân làm gốc, không mảy may tư lợi, hưởng thụ bản thân. Ông là tấm gương sáng mà người đời thường lấy ra để học tập.

An Hoà
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NÓI BA NGÀY BA ĐÊM
KHÔNG HẾT


Khi có người hỏi chúng ta một vấn đề rắc rối phức tạp khiến chúng ta không thể trả lời xong ngay, chúng ta thường sẽ đáp lại rằng: “Việc này có thể nói ba ngày ba đêm không hết, xin bạn đừng hỏi nữa”. Vậy nguồn gốc của câu “nói ba ngày ba đêm không hết” từ đâu mà có?

Điển cố “nói ba ngày ba đêm không hết” xuất xứ từ câu chuyện trong «Sử ký – Quyển 74 – Mạnh Tử Tuân tử truyền»: “Sau khi gặp Thuần Vu Khôn nói chuyện ba ngày ba đêm không chán. Huệ Vương muốn ban chức khanh tướng để giữ lại, nhưng Khôn cảm tạ rồi cáo từ”.

Điển cố này liên quan đến Thuần Vu Khôn, đại phu nước Tề thời Chiến quốc, là người có học vấn uyên bác, trí nhớ siêu phàm, giỏi hùng biện và quan sát nắm được tâm ý người khác. Có người tiến cử Thuần Vu Khôn với Huệ Vương, vì thế Lương Huệ Vương đã gặp riêng Thuần Vu Khôn hai lần, nhưng cả hai lần chỉ thấy Thuần Vu Khôn im lặng. Thái độ khiến Huệ Vương cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi người tiến cử rằng: “Ngươi ca ngợi Thuần Vu Khôn, nói rằng đến Quản Trọng và Yến Anh cũng không bì kịp, nhưng ông ấy dường như không muốn nói chuyện với ta, ta cũng hết cách. Chẳng lẽ ta không xứng đáng để ông ấy nói chuyện sao? Cuối cùng là vì nguyên nhân gì?”.

Người tiến cử nói lại những lời của Lương Huệ Vương với Thuần Vu Khôn thì nghe đáp lại: “Lần đầu tôi gặp đại vương thì thấy suy nghĩ của ông ấy toàn liên quan đến xem tướng ngựa; lần thứ hai gặp đại vương thì thấy ông ấy chỉ nghĩ chuyện nhan sắc. Vì thế mà tôi im lặng không nói gì”.

Người tiến cử lại truyền lại lời của Thuần Vu Khôn với Lương Huệ Vương, Huệ Vương nghe thế không khỏi giật mình, nói: “Ôi! Thuần Vu Khôn tiên sinh đúng là thánh nhân! Lần đầu tiên đó là vì có người vừa tặng ta một con ngựa tốt, ngay lúc ta đang định xem thì Thuần Vu Khôn đến. Lần sau đó lại có người tặng ta một cô ca kỹ, ta chưa kịp ngắm nhìn thì lại đúng lúc Thuần Vu Khôn đến. Vì thế khi gặp ông ấy lòng ta chỉ nghĩ đến những chuyện này, quả đúng như thế”.

Không lâu sau Lương Huệ Vương lại tiếp kiến Thuần Vu Khôn, lần này hai người chuyên tâm trò chuyện liên tục ba ngày ba đêm không chán. Lương Huệ Vương muốn phong chức quan to cho Thuần Vu Khôn nhưng Khôn khách khí từ chối. Lương Huệ Vương liền tặng cho Thuần Vu Khôn một xe ngựa có 4 con tuấn mã kéo chứa đầy vải vóc và ngọc bích với cả trăm lạng vàng. Nhưng cuối cùng Thuần Vu Khôn vẫn không chịu ra làm quan.

Về sau, người ta dùng câu “nói ba ngày ba đêm không hết” xuất xứ từ câu chuyện này để ví về chuyện rắc rối phức tạp, không thể nói tường tận, dần dần cách nói này ngày càng phổ biến, thành câu nói quen thuộc hay được dùng.

Mộc Vệ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐẢ THẢO KINH XÀ


“Đả thảo kinh xà” (Đập cỏ cho rắn sợ), xuất phát từ tích như sau. Đời Đường có viên quan huyện Vương Lỗ hay ăn của đút, tham ô, sách nhiễu dân ghê gớm. Một lần, dân chúng họp nhau, làm một lá đơn kiện tên thuộc hạ của Vương Lỗ phạm pháp, nhận của hối lộ. Vương Lỗ xem thì thấy trong đơn kiện liệt kê rất nhiều tội trạng, tất cả đều không khác gì tội của mình, nên vừa xem vừa run lẩy bẩy, rồi buột miệng nói: “Cái này...cái này...chẳng phải là đang nói về ta hay sao?”.

         Họ Vương càng xem đơn càng kinh sợ, không còn biết phải phê đơn thế nào cho đúng, tự dưng viết ra trên giấy tám chữ: “Nhữ tuy đả thảo, ngô dĩ xà kinh” (汝虽打草,吾已蛇惊), nghĩa là tuy ngươi đập cỏ, nhưng ta lại tưởng mình là con rắn hoảng sợ trong đám cỏ đó (*).

         Về sau, thành ngữ này được dùng với nhiều nghĩa:

1. Trừng phạt người này, để cảnh cáo kẻ khác.
2. Hành động thiếu thận trọng, sở hở, khiến đối phương đào thoát.
3. Chưa đủ sức để diệt trừ được kẻ ác đã nôn nóng, lớn tiếng, khiến kẻ ác được phòng bị và quay trở lại làm hại chính mình.
4. Biết kẻ ác đang ẩn nấp đâu đó, nhưng không đủ sức diệt trừ, nên đánh động để đối phương biết mà chuồn đi.

(Kế này hay được áp dụng trong thực tế: Khi phải lội vào đám cỏ cây rậm rạp, người ta thường xua đập, tạo ra tiếng động lớn, để nếu có rắn trú ẩn, thì chúng sẽ trườn đi).

         “Đả thảo kinh xà” cũng là một kế hay. Tuy nhiên, với rắn độc thì đánh ra đánh, đập ra đập, vì dân gian cho rằng, giống rắn độc hay trả thù. Đánh rắn mà không chết, nó sẽ quay lại báo thù, hậu hoạ khôn lường. Thế nên có câu “Đả xà bất tử, hậu hoạn vô tận” [打蛇不死後患無盡].

    
                                                                                 HOÀNG TUẤN CÔNG
         (*) -Nguyên văn (theo chengyu.t086.com): 唐朝的时候, 有一个名叫王鲁的人, 他在衙门做官的时候, 常常接受贿赂, 不遵守法规. 有一天, 有人递了一张状纸到衙门, 控告王鲁的部下违法, 接受贿赂. 王鲁一看,状纸上所写的各种罪状, 和他自己平日的违法行为一模一样. 王鲁一边看着状纸, 一边发着抖: “这...这不是在说我吗?”. 王鲁愈看愈害怕, 都忘状纸要怎么批, 居然在状纸上写下了八个大字: “汝虽打草,吾已蛇惊”.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGƯỜI CHẾT VÌ TIỀN
CHIM CHẾT VÌ ĂN


Nhân vị tài tử, điểu vị thực vọng” (Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn) là câu thành ngữ có thể rất nhiều người đã từng nghe đến. Nhưng để biết được nguồn gốc của câu chuyện này thì không phải ai cũng biết.

Trong văn hoá truyền thống mấy ngàn năm của nhân loại, truyền lưu rất nhiều những thành ngữ, ngạn ngữ vốn là những lời cảnh tỉnh, giáo huấn của cổ nhân cho người đời sau.

Nhưng thuận theo sự trượt dốc của đạo đức xã hội, hay vì những mưu đồ cho cá nhân, có rất nhiều câu thành ngữ đã bị bóp méo. Ví dụ như, “Vô độ bất trượng phu” (người vô độ, buông thả, không có chừng mực thì không phải bậc trượng phu) bị bóp méo thành “Vô độc bất trượng phu” (không độc thì không phải trượng phu) hay “Ma cao một thước, Đạo cao một trượng” bị bóp méo thành “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”.

Có một số câu tuy rằng mặt chữ không bị cải biến nhưng bổn ý của cổ nhân thì đã bị bẻ cong, đi ngược lại với ước nguyện ban đầu khi truyền lưu những câu thành ngữ này. Ví dụ như, “Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong”, rất nhiều người không biết nguồn gốc của câu nói này.

Thậm chí có người còn cho rằng, câu thành ngữ là cổ nhân đề xướng hậu nhân phải xem đây là tiêu chuẩn sinh tồn, cứ thế nó trở thành lời răn của không ít người. Bởi vậy, việc quay lại lịch sử tìm hiểu lại chân tướng, trở về với những giá trị thực sự của văn hoá truyền thống là điều vô cùng quan trọng.

“Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong” (người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn) có nguồn gốc từ câu chuyện sau:

Vào thời cổ đại, trong thôn làng nằm bên cạnh bờ sông có một tên vô lại là A Tam. Anh ta hết ăn lại nằm, luôn muốn “không phải làm mà được hưởng thụ”. Anh ta đến khắp nơi tìm kiếm xem có chỗ nào có thể không cần làm mà được phát tài, giàu có.
Vừa hay, ở nơi A Tam sinh sống cũng có một con chim to lớn, rất tham lam và cũng rất hung ác. Mỗi ngày nó đều ăn thịt những con dê mà người dân trong vùng nuôi. Thời gian lâu sau, những người dân trong vùng vì thế mà chuyển đến nơi khác sinh sống. Bắt đầu từ đó, đồ ăn đối với con chim trở thành một vấn đề lớn.

Một hôm, A Tam nằm trong sân vừa phơi nắng vừa mộng tưởng được giàu có thì con chim từ trên trời sà xuống. A Tam sợ hãi vội vã trốn vào trong nhà. Con chim nói với A Tam: “Chẳng phải ngươi muốn giàu có sao? Ta có thể giúp được ngươi!”

A Tam vừa nghe thấy từ “giàu có” thì lập tức quên hết sợ hãi, từ trong phòng ló đầu ra hỏi: “Làm thế nào để được giàu có?”

Con chim trả lời: “Ở sâu trong biển Đông có một hòn đảo nhỏ, khắp cả hòn đảo nhỏ này đều là vàng. Ta sẽ đưa ngươi đến đảo để nhặt vàng. Sau khi trở về, ngươi trả cho ta mỗi ngày một con dê là được!”

A Tam suy ngẫm thấy vụ thương lượng này có lợi cho mình liền gật đầu đồng ý. Con chim to nói bổ sung thêm: “Nhưng trước khi trời sáng chúng ta phải nhanh chóng rời khỏi đảo. Nếu không, chúng ta sẽ bị ánh sáng mặt trời cao ngàn trượng thiêu cháy.”
A Tam không chờ đợi thêm được nữa. Anh ta sốt ruột nói: “Biết rồi! Biết rồi!”
https://trithucvn.net/wp-...ads/2017/04/Trieu-Cao.jpg
Con chim liền cõng A Tam trên lưng, bay qua núi cao, lướt qua biển rộng, cuối cùng cũng đến được hòn đảo nhỏ ấy. A Tam mở to mắt nhìn, chỉ thấy trải dài trên hòn đảo đều là vàng óng ánh. Anh ta bắt đầu nhặt một cách vội vã. Anh ta một mực tập trung nhặt vàng và không còn nhớ đến lời cảnh báo của con chim “phải rời khỏi đảo trước khi mặt trời mọc”.

Chẳng mấy chốc trời đã sáng. Con chim to liên tục thúc giục A Tam mau rời khỏi đảo, nhưng anh ta luôn miệng nói: “Chờ một chút!” Cuối cùng, con chim thấy tình hình không ổn, nó liền bỏ lại A Tam mà bay lên không trung. Ngay tại thời khắc ấy, mặt trời nhô lên, A Tam vì mải nhặt vàng đã bị lửa thiêu cháy.

Con chim to càng nghĩ càng tức giận. Nó nghĩ mình đã cõng A Tam đi xa như vậy, kết quả lại không được thứ gì cả. Nó càng nghĩ càng bực mình, dê cũng không được ăn mà ngay cả thi thể A Tam cũng không được miếng nào. Vì thế, cuối cùng nó quyết định bay trở lại hòn đảo, lấy A Tam làm bữa tiệc lớn. Nhưng nó chỉ mải ăn mà quên mất thời gian. Mặt trời lại một lần nữa mọc lên và con chim tham lam ấy cuối cùng cũng phải chịu kết cục giống như A Tam.

Người có đạo đức cao xưa nay đều tuân thủ nguyên tắc: “Vô công bất thụ lộc”(không có công, không nhận lộc) hay “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (Người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý). Từ xưa đến nay, trong mọi tầng lớp xã hội, trình độ học vấn khác nhau, gia cảnh khác nhau đều có những người giữ đúng nguyên tắc này. Bởi vì họ không cầu gì ngoài việc giữ tâm mình được thanh thản, bình yên, không tham lam, ham muốn lợi ích vô độ.

Người xưa vẫn cho rằng, làm chuyện thất đức, dù không ai biết thì vẫn còn có Trời biết, Đất biết, bản thân mình biết. Hay nói cách khác, mình có thể lừa mình, nhưng không lừa được Thần linh, Thượng đế.

Suy ngẫm một chút về xã hội ngày nay, chẳng phải cũng có rất nhiều người “không muốn trả giá” nhưng lại tham lam, mong muốn giàu có, tìm mọi cách để được hưởng thụ cuộc sống vật chất đầy đủ sao? Cuối cùng, họ đã bị lòng tham làm mê mờ và kết cục mà họ nhận được chẳng phải cũng giống A Tam và con chim tham lam kia?

An Hoà
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĂN TRỘM CÓ TANG
CHƠI NGANG CÓ TÍCH


Tham tụng Hà Tông Huân phá án gian dâm giết người
“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân) giải thích: “ăn trộm có tang, chơi ngang có tích Nói những kẻ gây rối trong xã hội”.

Dĩ nhiên, đây là lời giảng hoàn toàn sai (soạn giả nhầm lẫn với “đầu trộm đuôi cướp” hoặc “du thủ du thực” chăng?)

“Chơi ngang” là gì? “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng 2 nghĩa: “đg. 1 [id] có hành động ngang ngược, bất chấp phép tắc: cậy thế chơi ngang. 2 có quan hệ nam nữ bất chính khi bản thân đã có vợ, có chồng: “Có chồng càng dễ chơi ngang, Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai?” (Cdao)”.

Theo đó, nếu hiểu “chơi ngang” trong câu tục ngữ là “nói những kẻ gây rối”, có thể tạm chấp nhận được, nhưng “ăn trộm” sao gọi là “gây rối”?

Thực ra, đây là câu tục ngữ liên quan đến lĩnh vực hình án, tầm quan trọng của tang chứng, vật chứng với hai tội “trộm cắp” và “gian dâm”. “Tang” hay “tích” ở đây đều có nghĩa là tang chứng, vật chứng của vụ việc. Theo đó, người thi hành luật pháp luôn coi trọng tang chứng hơn lời cung khai (Trọng chứng bất trọng cung). Bởi vậy, tục ngữ Hán cũng có câu: “Bắt trộm phải có tang vật, bắt kẻ gian dâm phải cả cặp gian dâm [捉賊見贓,捉奸捉雙-Tróc tặc kiến tang, tróc gian tróc song]”. Và “Kẻ cướp đi bên đường, không tang chứng chẳng thể định tội cho hắn” (強盜沿街走無贓不定罪-Cường đạo duyên nhai tẩu, vô tang bất định tội). Nghĩa là dù biết rõ kẻ khác phạm tội, nhưng để kết tội nó, phải có chứng cứ rõ ràng.

Xưa kia, khi khoa học hình sự chưa phát triển, thì tang chứng, vật chứng là những điều kiện vô cùng quan trọng để luận tội. Ví như “Luật Gia Long” về “Các tội trộm cướp và sang đoạt”, thì tội ăn trộm tiền của, súc sản (trâu bò), thóc lúa ngoài đồng, đều phải căn cứ vào vật chứng và giá trị của vật chứng để định tội. Đến như tội “ăn trộm nước tưới”, cũng phải căn cứ vào vật chứng là số nước lấy cắp tưới cho bao nhiêu mẫu ruộng mà xử phạt.

Riêng với “Tội thông gian và giết chết kẻ thông gian”, “Luật Gia Long” không chỉ coi trọng tang chứng, mà phải là tang chứng ngay tại chỗ. Ví dụ, điều 254 chép như sau: “Phàm thê thiếp ăn nằm với đàn ông khác mà chồng y bắt được cả gian phu và gian phụ ngay tại nơi diễn ra sự gian dâm và người chồng đã giết chết cả hai tên thông gian đó thì luật không bắt tội; còn nếu như chỉ giết chết có tên gian phu thì tên gian phụ kia sẽ bị khép vào tội hoà gian (tức “thông gian”-HTC) và xử chém không tha. Nhưng nếu đó chỉ là sự giao du vui chơi, chứ chưa thành gian dâm hoặc là đã diễn ra sự gian dâm nhưng không bắt được ở chính tại nơi diễn ra sự gian dâm, mà người chồng ấy lại giết chết họ, thì khép tội đối với người chồng vào tội tự tiện giết người để trừng phạt.” (Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn-TS Huỳnh Công Bá, NXB Thuận Hoá, 2017).

Về nguyên tắc hình án, tục ngữ Hán còn có dị bản “Gian dâm phải có đôi, trộm cướp phải có tang vật, giết người phải có thương tích” [捉奸見雙,捉賊見贓剎人見傷-Tróc gian kiến song, tróc tặc kiến tang, sát nhân kiến thương”].

“Thuỷ Hử truyện”, hồi 25 “Cửu Thúc giấu xương chờ khách hiệp; Võ Tòng giết chị tế hồn anh”, đoạn Võ Tòng dẫn hai nhân chứng Hà Cửu Thúc và Vận Kha đến Huyện đường Dương Cốc kể tội Tây Môn Khánh và chị dâu thông gian, lập mưu giết chết anh trai Võ Tòng là Võ Đại.

Bấy giờ Huyện quan mới bảo Võ Tòng: “Gian dâm phải có đôi, trộm cướp phải có tang, giết người phải có thương tích” [捉奸見雙,捉賊見贓剎人見傷], nay anh ngươi đã chết, xác không còn lại, chính ngươi cũng không bắt được sự gian. Nếu bằng cứ chỉ là lời nói hai đứa làm chứng này, mà cho ngay là có việc giết người, chẳng phải là chuyện quá hồ đồ hay sao?”.

May thay, vì biết bản chất sự việc là gian dâm giết người, nên Hà Cửu Thúc đã giấu lại “hai mảnh xương đen” (của Võ Đại chết do trúng độc), “một đĩnh bạc mười lạng” (do Tây Môn Khánh lót cho Cửu Thúc, nhờ khâm liệm Võ Đại), và tờ giấy “viết rõ ràng ngày tháng tên tuổi những người đi tống táng”, thảy đều bỏ chung vào một gói, đợi ngày Võ Tòng trở về. Theo đó, dù ít hay nhiều, đây cũng chính là những tang chứng cực kì quan trọng để người thi hành luật pháp có căn cứ điều tra, trị tội cặp gian phu dâm phụ.

Việc có tang chứng vật chứng không chỉ đảm bảo tránh oan sai, mà khi thực hiện hình án, kẻ phạm pháp cũng khó bề chối tội.

Như vậy, câu “Ăn trộm có tang, chơi ngang có tích” (dị bản “Đạo tang, dâm tích”) có thể hiểu theo hai nghĩa chính: Những việc làm phi pháp bao giờ cũng để lại dấu tích, tang chứng, cuối cùng sẽ bị phát hiện; Cần phải có tang chứng cụ thể, rõ ràng mới kết tội được”. Đây cũng là lời khuyên rất hữu ích khi đi bắt kẻ gian dâm, trộm cắp: hãy cố gắng có được tang chứng thật rõ ràng, “bắt tận tay, day tận trán”. Bởi “Gái đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan”, “Tặc vô tang, ngạnh tự cương-賊無贓,硬似鋼”, bắt trộm mà không có tang chứng thì nó cãi cứng như thép!

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGŨ PHÚC LÂM MÔN


Trong những dịp gặp mặt đầu năm, người ta thường chúc nhau sống lâu sống thọ, gia đình an khang hạnh phúc. “Phúc” ấy có lẽ là điều rất nhiều người mong chờ, mà tốt đẹp nhất lại chính là “Ngũ phúc lâm môn”. Vậy năm loại phúc ấy là gì?

“Thư kinh” viết, “Ngũ phúc” bao gồm: “trường thọ”, “phú quý”, “khang ninh”, “hảo đức” và “thiện chung”. Trong đó “trường thọ” là chỉ sinh mệnh không bị chết yểu, chết trẻ, hơn nữa còn sống lâu sống thọ, cao tuổi mà khoẻ mạnh. “Phú quý” là chỉ tiền tài dư dật, giàu có, sung túc, hơn nữa còn có địa vị tôn quý, cao sang trong xã hội. “Khang ninh” là chỉ thân thể khoẻ mạnh, không ốm đau bệnh tật, hơn nữa, còn có tâm linh an bình, yên vui. “Hảo đức” là phẩm hạnh, đạo đức tốt đẹp, là có tính cách nhân từ lương thiện, hơn nữa còn khoan dung, độ lượng. Đặc biệt nhất là “thiện chung”, nghĩa là có thể dự đoán trước được cái chết của mình. Người có phúc “thiện chung” thì những năm tháng cuối đời, không gặp phải tai hoạ bất ngờ, thân thể không bị ốm đau hành hạ. Trong nội tâm người ấy cũng không lo lắng hay phiền não, sợ hãi mà an tường tự tại rời khỏi nhân gian. Đó là một cái chết an lành, nhẹ nhàng, không có đau đớn khổ sở, giống như sắp đi đến một nơi tốt đẹp hơn.

Năm loại phúc này hợp lại thì cấu thành nên một cuộc đời mỹ mãn, tròn đầy. Nhưng trong những năm tháng đời người, có mấy ai được hưởng trọn vẹn cả năm loại phúc ấy. Có người sống thọ nhưng nghèo khổ, bần hàn thành ra lo âu, phiền não. Có người giàu sang nhưng mệnh yểu hay sức khoẻ không tốt nên luôn cảm thấy đau khổ. Cũng có người nghèo khổ nhưng lại được “thiện chung”, có người giàu có nhưng lại vô cùng “lao tâm khổ tứ”, con cháu bất hiếu, nên trong tâm không lúc nào được yên bình…


Trên thực tế, người sống có đức thường không tranh giành, đấu đá, tâm niệm thiện lương, ưa thích làm điều lành, tránh xa điều dữ, từ đó đạt được nội tâm an hoà, không có lo âu, sầu khổ, oán hận, tâm bình khí hoà mà đạt được thân thể khoẻ mạnh, gia đình yên vui. Một người nếu đang được hưởng phúc nhưng không biết ăn ở tích đức thì cái phúc kia cũng khó mà có thể an bền cho được.

Cổ nhân dạy rằng “hảo đức” gồm có tám phương diện, bao gồm: hiếu, đễ (nhường nhịn), trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Tám chữ này được gọi chung là “bát đức”, hay còn gọi là “bát đán”, cũng là tiêu chuẩn đạo đức của con người. “Luận Ngữ” có viết: “Hảo đức thể hiện ra hành vi bao gồm năm phương diện: Ôn hoà, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, nhường nhịn.” “Ôn hoà” tức là mềm mại, nhẹ nhàng, tâm tình ôn hoà có thể khiến tâm sinh lý khoẻ mạnh. “Lương thiện” là nhân từ, thương yêu mọi người.

Người lương thiện, nhân từ bởi vì thường xuyên bố thí, giúp đỡ người khác mà có thể sống lâu, sống thọ. “Cung kính” là giữ lễ, người biết giữ lễ nghĩa, lễ độ thì thường tránh được tai ương, bảo trì được tâm thái bình tĩnh, an tường. “Tiết kiệm” chính là cần cù, không hoang phí. Người cần cù tiết kiệm thì sẽ mang đến tài phú và thân thể khoẻ mạnh bởi không sa đà vào lòng tham mà đánh mất lương tâm, phẩm đức. “Nhường nhịn” chính là khiêm tốn, nhún nhường, lễ nhượng. Nhường nhịn có thể khiến cho ôn hoà, lương thiện, cung kính, tiết kiệm phát huy được tác dụng của nó.

Người ta sống vẫn luôn truy cầu hạnh phúc. Vì thế ai ai cũng ra sức làm lụng, ước mong có thể dùng tài sản để thay đổi cuộc đời mình hay để lại cho thế hệ sau. Nhưng kỳ thực, các bậc hiền đức xưa đều cho rằng, chỉ có trọng đức hành thiện mới có thể thực sự lo cho tương lai lâu dài của bản thân cũng như của con cái. Lợi ích chân chính bắt nguồn từ một lý trí thanh tỉnh sáng suốt, biết phân biệt rõ đúng sai, từ đó mà lựa chọn con đường nhân sinh đúng đắn, có được phúc báo, có được tương lai tốt đẹp.

Bình An
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGHE HƠI NỒI CHÕ


Bài “Nghe hơi nồi chõ” (báo Tuổi trẻ Online) viết: “theo từ điển tiếng Việt nghĩa đen “nghe hơi nồi chõ” là nghe tiếng hơi nước trong chõ đồ xôi, do phải nghe qua thành nồi bịt kín nên khó đoán định đúng độ sôi của nước bên trong”.

Sách “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Nghe hơi nồi chõ Thăm chừng xem hơi có bay lên trong nồi chõ không (để đoán xem cái đang đồ đã chín chưa). Hay dùng để ví với việc quen đoán già đoán non qua những tin đồn thất thiệt tình cờ nghe được”.

Không rõ “từ điển tiếng Việt” mà bài trên báo Tuổi Trẻ dẫn của tác giả nào, nhưng cách giải thích nghĩa đen này, theo chúng tôi không ổn. Bởi khi nồi đáy của chõ xôi sôi, hơi nước nóng bắt đầu thoát lên, đồng nghĩa với “độ sôi của nước bên trong” luôn ở 1000C, không hơn không kém. Thế nên, không ai đi “đoán định” độ sôi của nước trong nồi chõ làm gì.

Cách giải thích của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương, xem ra cũng khó thuyết phục. Vì người ta lấy thời gian đun nấu để xác định thời điểm đồ ăn đã được hấp/nấu chín hay chưa, chứ không phải quan sát qua hơi nước bốc lên. Mặt khác, chỉ cần nồi chõ sôi một lúc, đủ làm nóng đều gạo, thịt phía trên, là bắt đầu nhìn thấy hơi nước/khói bốc lên, phì ra, chứ không phải đợi đến lúc xôi chín mới thấy hơi. Ấy là chưa nói đến việc nếu cần biết “hơi có bay lên” không, người ta chỉ cần quan sát hơi khói bên ngoài, mà không cần “thăm chừng xem hơi có bay lên trong nồi chõ không” (tức phải nhìn vào trong nồi chõ).[1]

Sách “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm”, tác giả Lê Gia sau khi bác bỏ cách hiểu (giống báo Tuổi Trẻ trích dẫn), đã “bàn thêm” như sau: “Cái nồi chõ để nấu xôi không làm chín xôi một cách trực tiếp bằng nước sôi mà bằng hơi nước nóng ở dưới nồi bốc lên, như vậy là nước đã làm chín xôi một cách gián tiếp bằng nước nóng. Ý nói: Nghe được điều gì đó một cách gián tiếp qua trung gian, chứ không phải có mặt tại chỗ mà nghe, mà thấy. Thí dụ: “Sách báo y chẳng có đọc, cứ đi nghe hơi nồi chõ ở đâu đó rồi cãi bướng”.

Tuy nhiên, cách giải thích của Lê Gia càng không ổn. Vì tuy “làm chín xôi một cách gián tiếp”, nhưng xôi vẫn chín thơm ngon, có kết quả mắt thấy tay sờ, đâu có gì sai lệch, không chính xác, chắc chắn? Ví dụ, trong “Cái sân gạch”, Đào Vũ viết: “Điểm yếu nhất của lão là lão chỉ nghe hơi nồi chõ, chứ thật tình chưa thực mục sở thị”. Theo đây, cái chính là tục ngữ ám chỉ việc chỉ nghe hơi, nghe mùi (tức chuyện của nhà khác, người khác) chứ không tận mắt nhìn thấy. Hơn nữa, “làm chín xôi một cách gián tiếp”, nghĩa là nói về cách nấu xôi, sao lại gọi là “nghe hơi”?[2]

Theo chúng tôi, mấu chốt của vấn đề là phải hiểu đúng nghĩa từ “nghe hơi”.

“Nghe” ở đây không phải là cảm nhận âm thanh, tiếng động bằng thính giác; “hơi” cũng không phải là hơi nước, hơi khói bốc lên từ nồi chõ (nhìn thấy bằng mắt), mà “hơi” có nghĩa là “mùi”. “Nghe hơi” là đánh hơi, nhận biết mùi gì bằng khứu giác.

Nhiều người cho rằng, đã gọi là “nghe”, thì phải là sự cảm nhận âm thanh bằng tai, chứ không ai “nghe” được mùi, và lại là “nghe” bằng mũi. Và từ “nghe mùi” ở đây chẳng qua là tiếng địa phương Thanh Hoá. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. “Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình Tịnh Paulus Của) ghi nhận: “nghe mùi • biết mùi”;  “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) giảng: “nghe • Nhận được mùi bằng mũi: Nghe hôi-hôi, nghe có mùi thúi”; “nghe hơi • đt. Đánh hơi, nghe mùi phảng-phất: Nghe hơi tanh, lằng bay tới. • (B) Nghe phỏng, không đích-xác: Nghe hơi rồi nói phỏng”. Hay “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí): “hơi • 1 Khí, mùi <> Hơi đất, hơi nước, hơi bùn, hơi khó ngửi. Văn-liệu: Quen hơi bén tiếng. Nghe hơi nồi chõ…”. Điều thú vị là trong tiếng Hán, chữ “văn” 聞, ngoài nghĩa là “nghe thấy”, cũng còn có nghĩa là “ngửi thấy”.

Ngoài ra, không phải “nồi chõ” chỉ dùng để đồ xôi. “Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình Tịnh Paulus Của) cho biết: “Chõ .n. Đồ bằng đất có hông, phía dưới có xoi lỗ để mà xôi, mà hấp. Cái chõ. Id; Chõ xôi. Đồ bằng đất để mà xôi xôi”; “Xôi.n. Lấy hơi nước sôi mà làm cho chín; nếp đã nấu chín cách ấy”.

Theo đây, nồi chõ là một dụng cụ để mà “xôi, mà hấp” nhiều loại đồ ăn, chứ không chỉ riêng có xôi. Nghĩa là người ta không chỉ “xôi” gạo nếp mà còn “xôi ngô”, “xôi sắn”,  “xôi thịt”, “xôi bánh”… “Hơi nồi chõ” theo nghĩa rộng, được hiểu là tất cả các loại mùi vị thức ăn do nấu nướng mà bay ra, khiến ta có thể cảm nhận, đoán định bằng khứu giác.

Vì là xôi/nấu thức ăn bằng hơi nước nóng bốc lên, nên mùi thức ăn từ chõ cũng xông lên, lan toả rất mạnh. Ở thôn xóm xưa kia, cái đói cái thèm dường như luôn dày vò và tác động mạnh đến mọi giác quan người ta. Bởi vậy, mùi thức ăn thơm ngon toả ra từ nơi nào, luôn gây được sự chú ý, phán đoán thế này thế kia. Ví dụ: “Hi..ít…h…à! Nhà ông B đồ xôi hay sao mà thơm quá!”; “Mùi gì như mùi cốm nếp ấy nhỉ!”. Thậm chí chỉ là cảm thán "Mùi gì mà thơm thế nhỉ!"...

Vì không được tận mắt nhìn thấy nồi chõ, chỉ “nghe hơi”, nghe mùi thoang thoảng, như xa như gần trong gió, nên rất khó biết nó toả ra từ hướng nào, nhà nào, và đích xác nó là mùi của loại thức ăn gì. Ví như tuy cảm nhận là mùi thơm của xôi nếp, nhưng thực tế không phải từ chõ xôi, mà là từ nồi…cháo nếp, hoặc chõ bánh nếp; không phải đến từ nhà ông B, mà là từ nhà bà A. Thậm chí, mùi “xôi” ấy, thực chất chỉ là hương của nắm lá cây cơm nếp, được hấp trong nồi cơm tẻ để tạo mùi. Và dù có phỏng đoán thế nào, thì tất cả cũng chỉ là “nghe hơi”, hóng chuyện, ngửi mùi thức ăn của nhà khác mà thôi!

Như vậy, về nghĩa bóng, “Nghe hơi nồi chõ”, không đơn thuần nói việc “chỉ nghe qua lời đồn đại, không có gì chắc chắn” (“Từ điển tiếng Việt”-Vietlex), mà dân gian còn có thâm ý chế giễu, chửi khéo kẻ thích nghe ngóng, hóng hớt, “chõ mũi” vào chuyện người khác, chẳng khác nào đánh hơi, nghe nghe mùi thức ăn từ nồi chõ nhà khác, rồi phỏng đoán, bàn ra tán vào như thật, trong khi chính mình cũng không tận mắt nhìn thấy, không biết thực hư ra sao. Theo đây, dù đều có ý ám chỉ sự “nghe qua lời đồn đại” rồi nói theo, nhưng kiểu ví von “nghe hơi nồi chõ” của dân gian “đau” hơn nhiều[3].

Hoàng Tuấn Công
Chú thích:
[1]-Một số cuốn từ điển khác chúng tôi có trong tay chỉ giải thích nghĩa bóng:
1-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Nghe hơi nồi chõ. (chõ: nồi có lỗ ở đáy để đồ xôi). Chỉ nghe qua người khác nói, không có gì chắc chắn”.
2-“Thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Bùi Hạnh Cẩn): “Nghe hơi nồi chõ: Chỉ nghe lại qua người khác nói, không có gì chắc chắn”.
3-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “Nghe hơi nồi chõ thng. Hay tin nhà nào có đám tiệc hoặc đình chùa có cúng thì đến kiếm ăn”.
[2]-Lê Gia dẫn một số cách giải thích, nhưng không cho biết cụ thể trong sách nào: “1) Chỉ nghe đồn đại, nghe qua người khác, không có gì chắc chắn cả, ví như nghe hơi nước trong chõ đồ xôi, do phải nghe qua thành nồi bịt kín thì khó mà đoán định đúng độ sôi của nước bên trong.(?). 2) “Nồi chõ”: Nồi hông hay cái xửng bao giờ cũng được đặt trên một nồi nước sôi. Nồi nước này sôi thì phần bếp ở trên nồi hông (hay xửng) mới nhờ hơi nóng đó mà chín thành hơi được. Do đó mà tiếng nước sôi không phải là do nồi hông (chõ) mà chính là của nồi nước. Nếu nghe hơi nồi chõ thì không chính xác(?)”.
Tác giả Lê Gia phản biện hai cách hiểu trên như sau: “Theo chúng tôi: Đây đâu phải là nghe tiếng nước sôi ở dưới nồi qua cái hơi ở chỡ mà là xôi chín gián tiếp theo hơi nước nóng, tức nghe qua hơi gió đưa đi chứ không nghe trực tiếp, và “chín thành hơi” là chín thế nào”.
[3]-Tục ngữ Hán có câu đồng nghĩa "“Đạo thính đồ thuyết-道聽塗說 (Nghe chuyện ngoài đường rồi nói lại chuyện ngoài đường). Nguyên câu này trong sách “Luận Ngữ”: “Tử viết: Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã-道聽而塗說德之棄也-Khổng Tử nói rằng: Những kẻ nghe chuyện ngoài đường rồi thuật lại chuyện ngoài đường, thì bỏ mất cái đức của mình đi vậy”.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MƯU SỰ TẠI NHÂN
THÀNH SỰ TẠI THIÊN


Trong cuộc sống luôn có những việc, cho dù người ta có lao tâm khổ tứ thì kết quả cũng bằng không. Đó chính là điều mà cổ nhân gọi là “Hữu tâm trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”. Mà ẩn sâu trong đó chính là đạo lý “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.”


Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Gia Cát Lượng từng “lục xuất Kỳ Sơn (sáu lần dẫn quân ra Kỳ Sơn), chinh phạt Tào Nguỵ. Nhưng Gia Cát Vũ Hầu (tên gọi khác được hậu thế đặt cho Gia Cát Lượng) túc trí đa mưu, liệu sự như thần, đến cuối cùng vẫn không thể giành lại được Trung Nguyên.
Tục ngữ nói: “Nhân toán bất như thiên toán” (người tính không bằng trời tính), thiên ý trong câu nói ấy là sâu thẳm không lường. Con người vĩnh viễn không có cách nào tranh sức mạnh với Trời được.

Trong xã hội hiện đại ngày nay có rất nhiều người không tin vào Thiên mệnh (số Trời). Họ một mực cho rằng mệnh là do tự mình nắm giữ, chỉ cần cố gắng là có thể làm chủ điều khiển được mà không biết rằng “người thuận đạo trời thì thanh nhàn, người nghịch đạo trời thì thống khổ”. Người có thể thuận theo tự nhiên thì mọi việc dễ thành, nghịch thiên thì hết thảy đều là “cực khổ mà không nên công trạng gì”.

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” đã trở thành câu nói vô cùng thông dụng, cũng là câu thành ngữ hàm chứa tính triết lý rất lớn lao. Nó được xuất ra từ 103 hồi của tác phẩm nổi tiếng “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Trong đó, Gia Cát Lượng vắt hết óc, tính toán tỉ mỉ để dẫn dụ cha con Tư Mã Ý vào Thượng Phương cốc bằng cách cho người nói với Tư Mã Ý rằng toàn bộ lương thực của quân Thục đều ở trong ấy. Hơn nữa, khi cha con Tư Mã Ý vừa vào hang thì quân Thục ném rơm rạ, củi lửa chặn bít hai đầu. Gia Cát Lượng liền cho quân phóng hoả thiêu cháy cha con Tư Mã Ý.

Cha con Tư Mã Ý cùng Nguỵ binh không có đường tiến thoái lại gặp phải cảnh bị lửa đốt tai ương ngập đầu. Nhưng đúng lúc ấy, cuồng phong gào thét, mưa rào ập đến tầm tã, toàn bộ lửa đều bị mưa lớn dập tắt. Nhờ đó, cha con Tư Mã Ý chạy thoát khỏi Thượng Phương cốc. Gia Cát Vũ Hầu chỉ có thể ngửa mặt lên trời than rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Bất khả cường dã!”(Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, không thể cưỡng lại được).

Có thể nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” đã nói rõ ra huyền cơ ẩn sau sự thành công nơi thế gian. Mọi việc đều không phải là ngẫu nhiên, vô duyên vô cớ mà là có nguyên do, có Thiên ý. Mỗi một sự việc thành công đều không phải do sự cố gắng nhiều ít hay sự nổ lực của một người mà quyết định được. Con người có trăm ngàn suy tính nhưng ông trời chỉ có một suy tính là dựa vào “Đức” mà thôi, nhưng một suy tính này lại quyết định kết quả cuối cùng.


Mưu tính của con người (“Nhân mưu”) là một quá trình, còn “Thiên thành” là kết quả, “Nhân mưu” là trước, “Thiên thành” là sau. Trong cuộc sống có rất nhiều việc, cho dù là hao hết trăm cay nghìn đắng nhưng kết quả đều là bằng không. Đây chính là điều mà người xưa nói “Hữu tâm trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”. Bởi vậy có thể thấy rằng, một người vì mục tiêu của mình mà cố gắng thì chỉ có thể đạt được kết quả ở trong một mức độ hạn định. Còn “Thiên” trong các yếu tố bên ngoài lại có ảnh hưởng vô cùng to lớn, thậm chí còn là mấu chốt quyết định sự thành công của một người.

Một người vô luận là lúc nhỏ có lý tưởng gì, có hoài bão muốn trở thành kỹ sư, giáo sư, hay khoa học gia, hoạ sĩ, bác sĩ, nhà thơ đều là những ước mơ tốt đẹp của bản thân. Nhưng cuối cùng người ấy làm ngành nghề gì lại rất có thể không do họ quyết định, không phải muốn gì liền có thể làm được. Do đó, có rất nhiều điều trong cuộc sống con người không kiểm soát nổi, đều là muốn làm mà không thể làm được mà nhiều việc tưởng không làm được thì lại có kết quả tốt đẹp. Cũng chính vì điều này mà cả đời người ta đều buồn khổ vì không đạt được như ý muốn, luôn bị ham muốn của mình vây hãm.

Con người là một phần của thiên nhiên, cho nên tất nhiên cũng phải tuần hoàn theo quy luật tự nhiên. Vì để đạt được lợi ích vật chất của bản thân mà phá hoại tự nhiên, nghịch thiên đạo mà hành. Kết quả nhất định là ngày càng xa rời thiên đạo, khoảng cách để được khoái hoạt càng ngày càng xa. Nhưng bởi vì con người ai cũng có rất nhiều dục vọng (ham muốn) nên dễ bị mê lạc mất, tính toán rất nhiều mà không nhận ra rằng “thành sự tại Thiên”.

Những người tu hành, bậc quân tử, cao nhân thời xưa đều hiểu mệnh. Họ tin rằng mọi sự đều đã được an bài, bất luận sự tình gì đều ẩn chứa thiên ý. Họ chọn cách sống thuận thiên ý, thích ứng với mọi hoàn cảnh, không cưỡng cầu để đạt được những thứ không thuộc về mình, cảm ơn cuộc đời nên luôn ung dung thản đãng, tự do tại tại, không tranh với đời.

An Hoà
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MÔN ĐƯƠNG, HỘ ĐỐI


Nội hàm của “Môn đương” và “Hộ đối”
Trong “Thuyết văn giải tự” ghi rằng: “Môn” là cửa có hai cánh, “hộ” là cửa một cánh. “Môn hộ” là nói cái chỗ chui ra chui vào, không phải nói nguyên cái nhà.
“Môn đương” và “Hộ đối” trước hết là một bộ phận tạo thành kiến trúc đại môn của dân cư thời xưa. Khi xưa, trước nhà quan thường có những chi tiết điêu khắc đặt ngay lối ra vào, dùng trấn gia trạch theo phong thuỷ, trong đó có “môn đương” và “hộ đối”. Ngày nay, loại kiến trúc này đã không còn nhiều lắm.

“Môn đương” nguyên là một đôi trống bằng đá được đặt ở trước cổng lớn. Bởi vì tiếng trống vang, dội và uy nghiêm như tiếng sấm sét, có thể xua đuổi được tà ma, ác khí. Không phải nhà ai cũng được phép dùng Môn đương, mà phải quan lớn từ tam phẩm trở lên mới được dùng.

Nhà của quan văn dùng Môn đương hình tròn, nhà của quan võ dùng Môn đương hình vuông. Quan tam phẩm thì có hai Môn đương, chánh tam phẩm được bốn, nhị phẩm có sáu, nhất phẩm có tám. Chỉ duy nhất trong cung vua mới được bày chín Môn đương. Bởi vậy, chỉ cần đứng từ xa đếm Môn đương là biết nhà của đại quan cỡ nào, và căn cứ vào hình dạng của nó thì cũng biết được đó là là nhà quan văn hay quan võ.

Còn “Hộ đối” là gì? “Hộ đối” chính là đôi điêu khắc bằng gạch hoặc gỗ được đặt ở thanh đà phía trên khung cửa. Phổ biến thường là một đôi hình trụ tròn và ngắn, đặt song song với mặt đất và vuông góc với cửa. Dùng đoạn hình trụ ngắn đại biểu cho “Hộ đối” là chỉ quan niệm trọng nam đinh, ngụ ý khẩn cầu sự hưng vượng cho gia đình.


(Hình minh hoạ môn đương: Qua kknews.cc)
“Môn” và “Hộ” là các huyệt vị quan trọng trên thân thể người

Trên thân thể người, “Môn” và “Hộ” là các huyệt vị mà thần khí và tà khí nhập xuất. Loại huyệt vị này phần lớn đều khép mở, lên xuống, nhập xuất có kiểm soát. Kết cấu của “Môn” lớn, rất nhiều thứ đều tiến vào và xuất ra ở đây.

Các huyệt vị được đặt tên là “Môn” đều là những huyệt vị rất trọng yếu, đóng vai trò trong việc kết nối âm dương. Ở đầu xương sườn tự do thứ 11 có một huyệt vị gọi là Chương môn. Con người một khi tức giận, không vui thì sẽ cảm thấy đau đớn ở huyệt Chương môn.

Trên phế kinh của thân thể người có hai huyệt vị vô cùng quan trọng là Vân môn và Khí hộ. Vân môn là huyệt thứ hai của phế kinh. Huyệt Vân môn nằm ở vùng ngực trước, trong chỗ lõm của hố dưới đòn, phía trong mỏm quạ xương vai. Huyệt Vân môn chủ quản thông hành kinh khí. Mát xa huyệt Vân môn có thể giảm nhiệt trong ngực, giải trừ những phiền não trong lòng, ho khan, thở hổn hển, đau nhức vai và cánh tay…

Huyệt Khí hộ được coi là nơi cửa ra vào của khí. Khi huyệt Khí hộ mở ra thì khí cơ bắt đầu lưu thông, thông suốt. Khi huyệt Khí hộ khép lại thì khí cơ liền bị thu nạp lại. Mát xa huyệt Khí hộ có thể trị đau ngực, viêm khí quản, khó thở…

“Môn đương, Hộ đối” và hôn nhân hoà hợp

Người xưa coi trọng hôn nhân phải “môn đương hộ đối”, nam nữ xứng đôi vừa lứa. Các cô gái con nhà giàu, tiểu thư khuê các phải xứng phối với các công tử con nhà giàu. Những cô gái ở tầng lớp thấp hơn thì xứng phối với con trai nhà nghèo.

Nhưng điều này cũng không tuyệt đối. “Môn đương hộ đối” là suy xét một cách tổng thể các phương diện chứ không phải chỉ chú trọng vào hoàn cảnh kinh tế gia đình hay địa vị để kết thông gia.

Cổ nhân cho rằng, vợ chồng hoà hợp với nhau, điều quan trọng nhất là có sự tương đồng về thế giới quan và giá trị quan. Trong văn hoá truyền thống của người xưa, họ cho rằng những cặp vợ chồng có giá trị quan giống nhau thì cuộc sống hôn nhân tương đối ổn định, hoà thuận. Trái lại, nếu vợ chồng có sự khác biệt lớn về giá trị quan thì hôn nhân dễ dàng xảy ra mâu thuẫn, xung đột.

Cổ nhân cho rằng rất khó thông qua cuộc sống chung để hoà hợp sự khác biệt về giá trị quan. Bởi vì giá trị quan của một người là có quan hệ mật thiết với hoàn cảnh xuất sinh, trình độ giáo dục và rất nhiều bối cảnh khác của người ấy từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành.

Trong cuộc sống hiện thực đã có rất nhiều ví dụ chứng minh điều này. Khi phương diện về bối cảnh gia đình, văn hoá và sự tu dưỡng của hai bên có sự khác biệt quá lớn thì cho dù cố gắng cũng rất khó để sống hài hoà cùng nhau lâu dài. Hơn nữa, ở phương diện giao lưu chia sẻ, thông hiểu lẫn nhau hay giáo dục con cái, quản gia, thói quen sinh hoạt, cách đối nhân xử thế cũng thường thường xuất hiện sự khác biệt nghiêm trọng. Đó là lý người người xưa thường chú trọng đến yếu tố “Môn đương hộ đối” trong hôn nhân.

Quan niệm về hôn nhân ngày nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng cho dù là như vậy, các đôi lứa yêu nhau cũng nên xem xét đến các yếu tố “Môn đương hộ đối” để có cuộc sống hôn nhân hoà hợp, bền vững và lâu dài.

An Hoà
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [38] [39] [40] [41] [42] [43] [44] ... ›Trang sau »Trang cuối