TRÂU GIẬT, LỢN MẸT, GÀ MÂM
Bạn tôi đi du lịch miền Bắc trở về chụp hình cái bảng hiệu có ghi câu:
“Nhà hàng chuyên trị:
“Trâu giật, lợn mẹt, gà mâm
Gà cựa, gà chọi, Xín Mần, cá Lô”
rồi đố: “Vậy chứ trâu giật là gì?”.
Tưởng dễ, nào ngờ, sau khi điện thoại hỏi bè bạn thì mỗi người lại trả lời mỗi phách.
Tạm liệt kê:
1. Thịt con trâu đã giật giải trong cuộc chọi trâu, vì nó giật giải nên ăn ắt hên
2. Miếng tươi rói đến độ bỏ vào miệng cắn cái sực mà miếng thịt vẫn đang còn giật giật
3. Nhà hàng trói bốn chân trâu, giật ra bốn góc, ai thích miếng nào thì cứ việc xẻo miếng ấy đem chế biến
4. Thịt trâu được hoá kiếp bằng cách cho điện giật.
Xem ra cách giải thích thứ 2 hợp lý hơn cả.
“Giật/ giựt” còn là từ đồng âm với hàm nghĩa kéo mạnh, chẳng hạn, giật dây cho té nhào. Tuỳ ngữ cảnh “giật dây” còn được hiểu là xúi giục, đứng phía sau điều khiển ngấm ngầm. Khi ai đó mếu máo: “Bị giật điện thoại rồi”, tức cái điện thoại đã bị kẻ khác đoạt/cướp mất tiêu.
Còn giật trong câu nói này là gì? Một người bảo: “Chưa tới kỳ lãnh lương, cậu cho tớ giật đỡ vài triệu”, ta hiểu “giật” ở đây là vay, mượn tạm, mượn đỡ lúc túng thiếu.
Thành ngữ có câu: “Giật gấu vá vai” “Giật đầu cá vá đầu tôm” là chỉ hành động xoay xở, lấy chỗ nọ bù chỗ kia lúc túng quẫn chỉ có tính chất “chữa cháy”, tạm thời.
Dám quả quyết rằng, “trâu giật/ trẻ trâu/ sửu nhi” là những từ mới xuất hiện gần đây thôi. Nhiều tay đầu bếp thiện nghệ cho biết: “Trâu teo, heo nở” lúc đem luộc thì miếng thịt trâu tóp lại, trong khi đó thịt heo thì ngược lại. Vì lẽ đó, ông bà ta dặn dò: “Làm rể chớ nấu thịt trâu, làm dâu chớ rang cơm nguội”. Bởi tính chất co giãn của thịt trâu, cơm rang nên dễ gây hiểu nhầm, chi bằng, lúc ấy… né đi vẫn tốt hơn (!?).
“Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm”, thịt rắn ở đây hoàn toàn không liên quan gì đến con rắn. Rắn là rắn chắc, săn cứng do đó, ăn thịt gà cựa dài chẳng ngon lành gì. Tương tự, nếu chọn “Chó già, gà non” là ngon ắt cũng không phải người sành điệu ẩm thực. Cứ nhìn bảng hiệu các quán thì rõ, đâu đâu cũng chỉ ghi “Cầy tơ”.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công câu trên là “dị bản rút gọn của câu “Chó thiến già, gà thiến non” hoặc “Chó hoạn già, gà hoạn non”, nói về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất chứ không phải lựa chọn món ăn ngon. Cách rút gọn này ngắn gọn đến nỗi có tính quy ước. (Giống như “Khôn chi khôn trẻ, khoẻ chi khoẻ già” được rút gọn thành “Khôn trẻ, khoẻ già”, nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ sai lầm)”.
Truyện rằng, vua Hùng Vương khi kén rể cho con gái Mỵ Nương, Ngài ra điều kiện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, phải dâng sính lễ: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Nghe qua đã thấy choáng, trên đời làm gì có? Biết tìm ở đâu ra?
Xin lạm bàn, “chín” ở đây không phải là số lượng mà chỉ về tính chất của sự vật: chín chắn, thuần thục, đứng đắn, chắc chắn, kỹ lưỡng… “Chư công rằng: “Hãy kín hơi/ Nghĩ cho chín, mới là người tri cơ” (Nhị độ mai).
Vua Hùng Vương ngụ ý rằng, voi, gà, ngựa sính lễ phải là những con vật đã trưởng thành, khoẻ mạnh, sung mãn. Và cũng không loại trừ, ngài còn sử dụng từ “chín” theo quan điểm là con số 9 chỉ sự khái quát nói chung về một sự vật thuộc hàng cực đỉnh, chẳng hạn “chín bệ” chỉ ngôi vua; “chín tầng mây” chỉ khoảng rất cao từ trên không trung v.v…
Hoặc: Số giàu tay trắng cũng giàu/ Số nghèo chín đụn, mười trâu cũng nghèo; Một sự nhịn, chín sự lành; Một miệng thì kín chín miệng thì hở…
Vậy nói tắt một lời, câu trên cần hiểu theo nghĩa bóng của nó, chứ không thể chăm bẳm vào con số 9 cụ thể. Suy luận này có thuyết phục không? Rất mong các bậc hiền nhân quân tử chỉ dạy thêm.
Gà cựa còn gọi gà chọi. Chọi là ngang sức ngang tài cùng đấu nhau một/nhiều trận nhằm tranh giành thắng, thua. Em ơi anh bảo câu này/ Trứng chọi với đá có ngày trứng tan; Chó săn gà chọi; Có chọi mới gọi là trâu; Đông như đám chọi gà… Nhưng chọi cũng đồng âm với chợi theo nghĩa là ném/liệng/vứt.
Ai cũng biết, lợn mẹt là ngon, nhưng nhiều người cầu kỳ đòi hỏi phải là lợn mọi (heo mọi)/ lợn Mán/ lợn lửng/ lợn Mường/ lợn cỏ/ lợn lai rừng thì mới đúng điệu. Có một điều thú vị, cách gọi trên đã dần dần được thay thế bằng cụm từ vui tai hơn, chẳng hạn, lợn cắp nách, lợn hoả tiễn…
Với người Việt ngày trước, cũng là con lợn nhưng khi dâng lên cúng thần lại gọi bằng cái tên nhẹ nhàng ra phết: Ông ỉ.
LÊ MINH QUỐC