[2]
Tác động phía miền NamMột mặt thì ngăn chặn Washington gửi TQLC vào Sài gòn, một mặt ông lại cố tác động phía Miền Nam để giữ cho tình hình khói xáo trộn. Ông làm ba hành động: một là sinh hoạt hết sức bình tĩnh để không đổ thêm dầu vào lửa, không làm xôn xao thêm dư luận là Mỹ đang bỏ chạy; hai là cố kéo dài cuộc di tản người Mỹ để giúp một số người Việt ra đi; và ba là cho di tản sớm một số phi công và gia đình quan chức, tướng lãnh nòng cốt. Ông giải thích cho Quốc hội Hoa kỳ đầu năm 1976:
Điều lo ngại nhất của chúng tôi lúc đó là tránh khỏi cảnh hoảng hốt, hỗn loạn. Sự lo nghĩ này nó ảnh hưởng đến tất cả những hành động khác. Liên quan tới điều này là mối lo âu thứ hai của tôi, có là: nếu chúng ta không cư xử cho đúng mức thì Đồng minh của chúng ta (phía VNCH) sẽ cảm thấy mình đang bị bỏ rơi, và trở mặt với Mỹ trong những ngày cuối cùng".
"Bởi vậy phải hết sức bình tĩnh nếu muốn di tản được người Mỹ, những người Việt có liên hệ gia đình với Mỹ, và càng nhiều nếu có thể được, số người Việt mà Mỹ có trách nhiệm đối với họ" 11 .
Dù bị Kissinger hối thúc liên tục, tại tư thất cũng như văn phòng làm việc, ông Martin nhất định không chịu đóng gói. Đồ đạc, sách vở, hồ sơ, hình ảnh trên tường vẫn được để nguyên vẹn, không xê dịch. Ngày 18 tháng 4, ông còn cho Giám đốc Thông tin Hoa kỳ, ông Lan Carter lên TV Sài gòn để tham dự một cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi và trả lời được soạn kỹ lưỡng trước, nhằm làm giảm nhẹ những lo âu là Mỹ đang bỏ Việt nam. Việc đầu liên Carter phải làm là đánh tan cái tin đồn là "nếu Quốc hội Mỹ không chấp thuận quân viện cho VN vào hạn chót như Tổng thống Ford đã đặt ra (đó là 19-4), thì toàn bộ người Mỹ sẽ được di tản".
Tôi còn nhớ là ngày 11 tháng 4, sau khi ông Ford ấn định ngày 19 tháng 4 là ngày Quốc hội phải quyết định có hay không cấp quân viện phụ trội cho VNCH, toàn bộ Nội các hết sức xôn xao. Ông Thiệu cũng hỏi tôi tại sao lại là ngày 19-4? Tôi trả lời là thực sự tôi cũng không hiểu. Sau đó tôi tới Đại sứ Martin hỏi, ông nói lơ mơ là không có gì đặc biệt. Rồi ông soạn một trang gợi ý cho ông Thiệu mấy điểm để giải thích lập trường của ông Ford (xem chương sau).
Trong cuộc phỏng vấn trên TV, ông Carter đã nhan mạnh "Ngày 19 tháng 4 chỉ là một ngày đề ra cho Quốc hội hành lang, chẳng có gì quan trọng cả. Ngoài ra, ông nói: "Ta cũng nên nhớ rằng Tổng thống Ford đã tuyên bố ông sẽ còn yêu cầu những $1.29 tỉ quân viện cho VNCH vào tài khoá tới (1975/76)".
Để chứng tỏ là tình hình vẫn bình thường, Carter nói thêm: "Nếu quý vị ghé thăm tư thất Đại sứ và bà Martin, quý vị sẽ thấy hoàn toàn không có đóng gói gì hết. Và ở nhà riêng tôi cũng vậy".
Được hỏi về lời đồn thổi là Văn phòng lãnh sự Mỹ đã cấp chiếu khán cho một số người Việt di tản, Carter chối phắt đi:
"Đây cũng chỉ là một lời đồn đại khác nữa, không có một chút sự thật nào cả" 12 .
Người ta kể lại là ông Martin đã rất khó chịu với ông Polgar (trùm CIA) khi nghe tin ông này đã đóng gửi đồ đạc gia dụng đi từ đầu tháng 4 13 . Theo ông Von Marbod, Đệ nhất Phó phụ tá Bộ trưởng quốc phòng kể lại, dù đã tới ngày 28 tháng 4, ông Martin cũng vẫn còn chưa muốn cho Marbod di chuyển số máy bay còn lại và quân cụ nặng ra khỏi VN vì e ngại ảnh hưởng tới tinh thần quân đội VNCH. Dĩ nhiên là Marbod cứ tiếp tục vì ông đã có lệnh từ Washington.
Vì sao phi công VN được di tản trước?Ngoài bà vợ viên chức tình báo cao cấp, Đại sứ Martin đã sắp xếp để đưa một số khá nhiều phi công VNCH và gia đình được ưu tiên ra đi. Tất cả khoảng 2,000 người di tản trước hết là tới phi cảng Utapao ở Thái lan. Mục đích của việc này là để giảm thiểu khả năng trả thù và đụng độ với lực lượng Mỹ. Trình bày cho Quốc hội về việc này, ông Martin cho rằng nếu cảm thấy bị bỏ rơi quá tàn nhẫn, phía Việt nam sẽ trút sự giận dữ trên đầu những người Mỹ còn lại:
"Tình báo của chúng tôi đã có rất nhiều những báo cáo chính xác là nếu chúng ta mang số đông TQLC vào để di tản người Mỹ, chúng ta sẽ phải chiến đấu để mở đường tháo chạy; Không quân Việt nam sẽ bắn rơi các máy bay vận tải của mình, khi chúng ta bỏ rơi chiến hữu, phó mặc họ cho Bắc Việt" 14 .
Ông Martin cho rằng phi công là những phần tử trong quân đội VNCH bị uất hận nhiều nhất nên có thể phản ứng:
"Tôi có một sự lo nghĩ trong lòng nhưng nó đã được giải quyết trước ngày cuối cùng của cuộc di tản, đó là một phần đông không quân Miền Nam đã được bay sang căn cứ Utapao ở Thái Lan. Như vậy là đã di chuyển được khả năng (chiến đấu) của một số phi công chống đối trên bầu trời, họ có lẽ là phần tử uất hận nhất trong các quân chủng. Và để trả thù, họ sẽ ngăn chặn cuộc di tản cuối cùng của chúng ta" 15 .
Nếu phi công VNCH bắn rơi ba bốn chiếc máy bay vận tải Mỹ chắc chắn là sẽ có nhiều trong số 6,000 người Mỹ phải chết. Thêm vào đấy là số thương vong không thể lường của quân đội hai bên. Dĩ nhiên là không lực từ Đệ thất hạm đội sẽ vào uy hiếp, dẹp tan hết mọi cuộc tấn công. Nhưng Sài gòn sẽ đổ nát như Baghdad, và bao nhiêu người dân sẽ là nạn nhân. Về điểm này, Đại sứ Martin đã trình bày với Quốc hội hết sức dứt khoát. Ông nói rằng nhân dân Mỹ đều "biết đếm", họ đếm được những kết quả việc ông đã làm, đó là 16 :
- Giúp cho bất cứ người Mỹ nào muốn di tản đều đã đi được;
- Tránh khỏi sự hoảng hốt lúc Mỹ ra đi;
- Sự chuyển tiếp qua ba Chính phủ trong mười ngày ở Miền Nam đã không bị lộn xộn, và vì vậy, đã vớt vát được chút đỉnh tính cách hợp hiến, hợp pháp ở Miền Nam;
- Sài gòn đã không bị tàn phá, chúng ta đã không bị Đồng minh trước đây của chúng ta (VNCH) tấn công khi rút đi"; và
- Cuộc triệt thoái đã được diễn ra tương đối với đôi chút phẩm cách.
Trong tình huống có xô xát lớn giữa quân đội của hai Đồng minh vào những ngày cuối cùng, thì ngay tức khắc VNCH sẽ trở thành thù địch của Hoa kỳ. Trong trường hợp này thì đã không một người nào trong chúng ta được di tàn.
Và nếu đã là thù địch, nếu đã không có di tản đợt đầu thì làm sao có đợt hai, đợt ba, làm gì có chương trình "Ra đi có trật tự" (ODP), và chương trình "Chiến dịch nhân đạo" (HO).
Chắc chắn là đã không có "Little Saigon" ở Nam Cali hay Eden Center" ở vùng Washington D.C. Lịch sử Hoa kỳ sẽ ghi lại: "Chính Miền Nam là kẻ phản bội, sát hại một Đồng minh đã tiêu phí 150 tỷ đô la, hy sinh trên 53,000 mạng người để yểm trợ họ ròng rã hai mươi năm trời". Ngày nay, người Mỹ sẽ nhìn người Miền Nam với con mắt như thế nào? Nghĩ lại mà rùng mình! Như ông Martin đã đánh giá tình hình lúc đó: "Nếu chỉ có một việc gì bất ngờ xảy ra dù là nhỏ nhoi tới đâu, thì rất có thể gây ra tình trạng vô cùng hỗn loạn!" Thử tưởng tượng: đang khi TQLC Mỹ ào ào túa vào, dân chúng chắn trước cổng Toà đại sứ, đường phố Sài gòn bế tắc, phi trường Tân Sơn Nhất lộn xộn, chỉ một quả lựu đạn nổ, làm chết vài người lính Mỹ là tan vỡ rồi, chứ đừng nói tới không quân bắn vào máy bay vận tải Mỹ.
Huỷ bỏ "kế hoạch điên rồ "Trước sự phản đối liên tục và mạnh mẽ của Đại sứ Martin, ông Ford sau cùng đã được thuyết phục. Ông lập luận theo ông Marlin và cảnh cáo các thượng nghị sĩ của Uỷ ban Ngoại giao trong một cuộc họp kín tại Bạch Cung 17 :
"Nếu quý vị tuyên bố là sẽ không di tản người Việt nam, quý vị sẽ có khó khăn lớn để đưa 6,000 người Mỹ ra".
Về cuộc họp này, Ron Nessen kể lại như sau 18 :
"Kissinger, với vẻ mặt mệt mỏi và phiền muộn, đã báo cáo rằng một quan chức Sài gòn có nói với ông: "Nếu các Ngài rút người Mỹ ra và bỏ rơi chúng tôi trong hoạn nạn, các Ngài có thể sẽ phải đánh nhau với một sư đoàn quân đội Miền Nam để có lối ra".
Trong hồi ký của ông xuất bản năm 1979, Tổng thống Ford cũng đã kết luận về cuộc di tản đúng như nhận xét của ông Martin hồi đó 19 .
"Chúng tôi cảm thấy rằng một cuộc di tản vội vã sẽ có những hậu quả trầm trọng. Một tình trạng hoảng hốt lớn tại thủ đô miền Nam sẽ có thể phát sinh, và trong sự chua cay là bị "phản bội", quân đội miền Nam có thể quay súng vào người Mỹ".
Cảnh cáo các Nghị sĩ xong, cũng theo Nessen, ông Ford vẫn tiếp tục yêu cầu cấp $722 triệu quân viện mà tướng Weyand đã đề nghị. Ford và Kissinger nghĩ rằng đối với Chính phủ VNCH, yêu cầu Quốc hội khoản tiền này sẽ có tác động hối lộ". Tổng thống Ford cảnh cáo quý vị nghị sĩ: "Tôi không thể đảm bảo được rằng nếu chúng ta nói "không cấp tiền nữa", mà ông Thiệu … lại không có thể làm một chuyện gì đó là hoàn hoàn phi lý"
Nói rõ hơn, ông Ford còn thêm: nếu rút hầu hết người Mỹ cùng một lúc sẽ làm cho người Việt nam nghĩ rằng Mỹ đang tháo chạy, sẽ có thể gây ra hoảng hốt, rồi những cuộc tấn công vào những người Mỹ còn lại".
Sau cuộc họp, Ford còn dặn các nghị sĩ là chớ có để cho báo chí biết là tất cả phiên họp chỉ toàn bàn tới chuyện di tản.
Quý vị hãy nói: "Chúng tôi chỉ bàn chuyện làm thế nào để ổn định tình hình lại Miền Nam".
Cầu cứu Nga XôĐó là tác động về phía Miền Nam. Còn đối với Bắc Việt thì sao? Trong cuốn sách vừa xuất bản năm 2003 về "Kết thúc chiến tranh Việt nam" ("Ending the Vietnam war"),
Kissinger có tiết lộ rằng, tác động duy nhất mà Mỹ có thể làm được về chính trị vào lúc đó là tiếp xúc với Liên Xô. Ông cho rằng mặc dù có những đình trệ trong cuộc thương thuyết về nhiều vấn đề, Nga Xô vẫn tiếp tục thấy quyền lợi của mình trong mối bang giao giữa hai nước. Bởi vậy, Kissinger viết 20 : "Ngày 19 tháng 4, tôi gửi một "lời nhắn miệng" của Tổng thống Ford cho Tổng Bí Thư Brezhnev qua Đại sứ Dobrynin rằng chúng tôi cần có một cuộc đình chiến để "di tản công dân Mỹ và những người Miền Nam có liên hệ trực tiếp và đặc biệt với Mỹ". "Chúng tôi đã liên lạc với Moscow vì, dựa trên quyền lợi hỗ tương và lâu dài giữa hai nước, tình hình phải được kết thúc mà không gây phương hại tôi quan hệ Mỹ-Nga, hoặc có ảnh hưởng tới thái độ của dân chúng Mỹ đôi với các vấn đề quốc tế khác".
Ông còn tin rằng để làm cho giải pháp cầu cứu phía Nga Xô có hiệu quả, "Chúng tôi đã nhấn mạnh thiện chí chúng tôi muốn thảo luận về những tình huống đặc biệt cần thiết cho cuộc đình chiến - nói cách khác, tới một sự thay đổi về tình thế chính trị ở Sài gòn".
"Về thay đổi tình thế chính trị", ý Kissinger muốn nói về nhượng hộ chính trị, đó là thay đổi Chính phủ Thiệu. Ông bình luận thêm trong cuốn sách: "Chúng tôi giả bộ nêu ra những hậu quá nguy hiểm nếu phi trường hay phi cơ dân sự bị tấn công - tuy nhiên, một người quá chuyên môn về những cuộc tranh luận tại Quốc hội Hoa kỳ như ông Dobrynin thì cũng chẳng thấy một chút trọng lượng nào trong lời hăm doạ ấy" 21 .
Hà Nội không can thiệp di tảnSau này, khi được hỏi về vai trò của Nga Xô trong những cuộc thương thuyết từ trung tuần tháng 4, 1975, Đại sứ Martin có xác định lại là: "Phía Nga Xô có cho phía Hoa kỳ hay rằng Hà Nội sẽ không làm trở ngại cuộc di tản của chúng ta"
Về thái độ của Liên Xô, Kissinger kể lại: "Ngày 24 tháng 4, ông Dobrynin gọi điện thoại cho tôi lúc 4 giờ chiều và đọc cho tôi nghe lời phúc đáp về đề nghị ngày 19 tháng 4 của Mỹ. Lời phúc đáp này có vẻ đã bật đèn xanh cho cuộc di tản người Mỹ, và cũng nói rằng Hà Nội muốn tìm một giải pháp chính trị theo hướng Hiệp định Paris. Hà Nội còn nhắn với Moscow là "họ không có ý định làm tổn thương tới uy tín của Mỹ…" Và như vậy, Brezhnev đã cố ngăn cản Mỹ can thiệp bằng quân sự: ông ta đã mạnh dạn hơn để kìm hãm cái bản chất phiêu lưu mà thực sự đã không có của Hoa kỳ lúc đó, bằng cách bày tỏ hy vọng là Mỹ sẽ không có những hành động có thể làm cho tình hình tại Đông Dương thêm trầm trọng hơn" 22 .
Trong khi chờ đợi Liên Xô tham khảo với Hà Nội để trả lời, ngày 24 tháng 8, lúc 8:25 phút, Mỹ đáp lại lời nhắn của mình: "Theo như phúc đáp xây dựng của phía Nga Xô, phía Hoa kỳ đang tiến hành cuộc di tản với tin tưởng là điều kiện sẽ tiếp tục thuận lợi".
Kissinger còn thêm:
"Tổng thống Ford trấn an Brezhnev là… bao lâu cuộc di tản không bị cản trở thì Hoa kỳ sẽ không có hành động gì có thể làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn". (tức không can thiệp trở lại).
Tại Sài gòn, Đại sứ Martin lại không mấy lo về phía Hà nội.
Kissinger cũng xác nhận điều này: "Tin rằng, ngay trước mắt, sự hoảng hốt ở Sài gòn còn đáng lo ngại hơn những kế hoạch tấn công của Hà nội, ông phấn đấu để cho cuộc di tản chậm nhiều hơn là chính Tổng thống Ford, Scowcroft, hay là tôi - con diều hâu trong Chính phủ- đã cho là thích ứng" (xem Chương 14).
Ông Martin trình bày lại cho Quốc hội: "Vì phải được bảo mật, tôi là người duy nhất ở Sài gòn nhận được thông tin do Bắc Việt chuyển qua phía Liên xô cho hay rằng họ sẽ không can thiệp bằng quân sự vào cuộc di tản của chúng ta" 23 . Ông còn tin rằng sở dĩ Bắc Việt vẫn muốn điều đình một giải pháp chính trị, vì họ cũng không muốn bước vào Sài gòn trên một đống gạch vụn". Lý do khác, theo ông: "Hà nội còn muốn nhận được viện trợ quốc tế nữa" 24 .
Nhưng nếu Hà Nội không can thiệp vào di tản thì tại sao lại có vụ pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất ngày 29 tháng 4?" Ông Martin trả lời: "Theo sự suy nghĩ của tôi, lý do có pháo kích vào phi trường sáng ngày 29 tháng 4, là vì ngày hôm trước đó, chúng tôi bắt đầu cho một số Không quân Việt nam đưa máy bay ra ngoại quốc; tôi nghĩ rằng vụ pháo kích nhằm mục đích chỉ là để ngăn chặn việc di chuyển này mà thôi (chứ không vì muốn chặn cuộc di tản) 25 .