[2]
Tổng trưởng quốc phòng giác ngộNgày hôm sau, Von Marbod từ Palm Spring về Washington với tướng Weyand, đã tới ngay văn phòng Schlesinger để đưa cho Schlesinger xem mấy bức thư của Tổng thống Nixon.
Đọc xong, ông đã hết sức ngạc nhiên! Nhất là sau khi mới đây, không biết vì áp lực hay sao mà ông lại như cố tình giảm bớt cường độ khủng hoảng tại Miền Nam. Bất chợt, ông mới biết là chính ông Ford cũng đã bị hoả mù. Là Tổng trưởng quốc phòng của một Đại cường quốc, ông cảm thấy phần nào cũng có mặc cảm vì chính ông cũng đã bị bưng bít. Sau này ông đã bình luận: "Tôi tin rằng Tổng thống Ford đã bị lừa bịp về những lá thư này…" 4 .
Dù là đã quá muộn, ông muốn Quốc hội Hoa kỳ phải biết việc này. Là viên chức cao cấp bên hành pháp, ông không thế trực tiếp thông báo cho Quốc hội. Vì vậy, ông đi qua ngả liên lạc cá nhân. Schlesinger khá thân cận với Thượng nghị sĩ Jackson và thường liên lạc với phụ tá của ông ta là Richard Perle.
Quốc hội và nhân dân Mỹ không hay biết?Ngày 8 tháng Tư, tại Washington, Thượng nghị sĩ Henry Jackson (Dân chủ, Washington) công khai tố cáo đã có "những thoả ước mật" giữa Hoa kỳ và Việt nam. Jackson nói ông đã được nguồn tin đáng tin cậy cho biết rằng "những thoả ước ấy bây giờ được tiết lộ là chính ngay cả Tổng thống cũng chỉ mới được nghe nói về chúng mấy hôm gần đây thôi".
Đáp ứng lời tố cáo của Jackson, chính quyển Ford công khai phủ nhận là đã không hề có một mật ước nào hết. Toà Bạch Ốc bối rối, họp bàn cách đối phó. Phụ tá Báo chí Ron Nessen viết lại trong Hồi ký (1978) :
Sau những cuộc bàn bạc rất lâu giữa các ông Ford, Kissinger, Scowcroft, Rumsfeld và tôi, tôi được phép xác nhận là Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu có trao đổi thư tín riêng, nhưng phải nói là: những lời tuyên bố công khai hồi đó đã phản ảnh nội dung những liên lạc riêng tư ấy rồi". 5 .
Henry Kissinger không chịu bình luận trực tiếp, nhưng cho phép một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nhắc cho báo chí biết về một lời tuyên bố trước kia của ông ta nói rằng Hoa kỳ "không có cam kết theo luật pháp" nào hết và những nghĩa vụ của Hoa kỳ chỉ là "cam kết tinh thần". Giới báo chí xôn xao về lời tố cáo của Jackson, nhưng không một ai đưa ra được việc trao đổi thư tín riêng với ông Thiệu.
Tuần báo TIME số ngày 21 tháng 4 còn làm ngay một nghiên cứu về "Ghi chép về những hứa hẹn đối với Sài gòn" (Records on Promises to Saigon") và cũng chẳng tìm được gì đúng như những lời tố cáo của Jackson. Bài này trích một cuộc họp báo của Kissinger sau Hiệp định Paris.
Hỏi: Có nghị định thư nào (protocols) đã được thoả thuận (với Miền Nam) không?
Kissinger: Không có sự thông cảm (understanding) bí mật nào hết.
Đúng là mánh khoé, quanh co: chỉ có "thư tín" thôi chứ đâu có sự "hiểu ngầm, thông cảm nào" (xem chương 2 về trường hợp Kissinger trả lời quanh co cho Bob Haldeman, Phụ tá ixon).
Uỷ ban Ngoại giao Thượng Viện cũng yêu cầu Toà Bạch Ốc cho xem những thư tín Nixon - Thiệu, nhưng ông Ford phản đối. Ông viết cho Uỷ ban:
"Tôi đã duyệt lại hồ sơ liên lạc ngoại giao riêng tư. Vì lẽ chính sách và ý định chứa đựng trong các sự trao đổi này đã được công bố rồi, cho nên không có một điều bí mật nào phải dấu diếm Quốc hội hay dân chúng Mỹ cả" 6 .
Trong hồ sơ của Hội đồng an ninh Quốc gia, theo Nessen, tìm thấy có bẩy lá thư Nixon viết cho ông Thiệu. Vậy thì những lá thư kia (riêng của ông Nixon, chưa kể thư ông Ford) đã chạy đi đâu? Sau này Nessen mới thú nhận: "Thực ra, những lời đảm bảo riêng tư của Nixon hứa với Thiệu đã đi xa hơn những lời tuyên bố yểm trợ (Việt nam) hồi ấy" 7 .
Là người đã từng chống chiến tranh từ ngày còn là phóng viên hãng NBC tại Việt nam (ông lấy vợ Việt nam), bây giờ ở địa vị quyền hành, Nessen không muốn ông thầy mình vướng mắc thêm vào Việt nam nữa. Ngoài Kissinger, có lẽ ông là người được ông Ford tin dùng nhiều nhất. Để trả lời những câu hỏi về vấn đề Tổng thống Ford có cam kết gì với VNCH hay không, Nessen công nhận là ông Ford có viết thư riêng cho ông Thiệu, nhưng lại không chịu nhắc gì tới lá thư đề ngày 9 tháng 2, 1974, một ngày sau khi nhậm chức, trong đó, Tổng thống Ford đã tái xác nhận những lời cam kết giữa Hoa kỳ và VNCH (của Nixon trước kia), và hứa rằng nó sẽ được "hoàn toàn tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi".
Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi mười năm sau, ông Ford kể lại rằng hồi đó "tôi có biết qua loa về sự trao đổi thư từ giữa Nixon và Thiệu, nhưng tôi đã không được đọc hết" 8 .
Sau đó, ông viết tặng tôi một cuốn "Hồi ký" của ông: "To Greg Hung, with warmest best wishes" (Tặng ông Hưng với những cầu chúc nồng nàn và tốt đẹp nhất; tên Công giáo của tôi là Gregory).
Một nghĩa cử trông cho đẹpLúc trở về Washington, Ford mới quyết định xem phải đối phó như thế nào với bản phúc trình của Weyand. Ông sắp ra trước Quốc hội để phúc trình về "tình trạng thế giới". Đó là dịp ông dự định sẽ xin thêm 722 triệu đô la quân viện bổ túc cho VNCH như tướng Weyand đề nghị. Cả Kissinger lẫn Nessen đều khuyên ông Ford hãy tránh né đi, đừng xin thêm quân viện nữa. Nhưng có lẽ vì đã được đọc mấy lá thư của Tổng thống Nixon viết cho ông Thiệu, nên Tổng thống Ford không nghe lời cố vấn của hai ông này. Ông Ford ghi lại trong hồi ký:
"Henry Kissinger đã hối thúc tôi phải nói với dân chúng Mỹ rằng Quốc hội Mỹ phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình tan rã tại Đông Nam Á. Quả thế, Henry đã thảo một bài diễn văn thuộc loại "cháy nhà bình chân như vại" (go down with the flag flying) để cho tôi đọc. Trực giác bảo cho tôi đó không phải là đường lối đúng cho lúc này" 9 .
Vì Ford đã tiết lộ ra như vậy, Kissinger bào chữa mới đây trong cuốn Chấm dứt chiến tranh VN (2003) rằng ông đã nói với ông Ford:
"Tim tôi đang rỏ máu khi phải nói điều này – nhưng có thể Ngài phải bỏ vấn đề Việt nam ra đàng sau lưng để đất nước không bị xâu xé thêm nữa…" Nhưng ông Ford không muốn nghe vì như ông nói: "Nó đi ngược bản chất của tôi"
Sau tất cả những hành động gian dối và tàn nhẫn đối với Việt nam chúng ta có thể tin được là tim ông Kissinger "đang rỏ máu" hay không?
Ngày 9 tháng 4, ngày trước khi ông Ford ra Quốc hội, Kissinger còn đem lời Ron Nessen (người mà Ford rất tin tưởng) ra để khuyên ông Ford: "Tổng thống phải lãnh đạo đưa nước Mỹ ra khỏi Việt nam chứ chớ có đưa vào nữa".
Buổi tối cùng ngày, một bức điện do Đại sứ Phượng đánh từ Washington nhận định rất bi quan về tình hình của khoản tiền mà Ford sắp đưa ra. Mọi người lo lắng đợi xem Ford nói thế nào với Quốc hội. Liệu ông có nói ra hết sự thật cho Quốc hội không? Liệu ông có công bố bức thư ông Thiệu, của Quốc hội VNCH nhân danh hai mươi triệu dân? Hoàn toàn không.
Mới đầu, Ford giải thích chính xác những hành động của Hoa Kỳ:
Vì luật pháp, ta tự ngăn cấm ta sử dụng khả năng bắt buộc phải tôn trọng Hiệp định (đình chiến), như vậy cho Bắc Việt cái đảm bảo là họ có thể vi phạm Hiệp định ấy mà không bị trừng phạt;
Kế đó, ta đã giảm viện trợ kinh tế và vũ khí cho miền Nam Việt nam;
"Sau hết, ta đã ra dấu hiệu cho biết càng ngày ta càng miễn cưỡng không muốn hỗ trợ dân tộc ấy nữa, trong lúc họ đang tranh đấu để tồn tại".
Bình luận như vậy rồi, ông đưa ra hai giải pháp lựa chọn:
"Hoặc là Hoa kỳ có thể không làm gì hết, hoặc: tôi có thể yêu cầu Quốc hội thẩm quyền để bắt phải tôn trọng Hiệp định Paris bằng cách sử dụng quân đội, xe tăng, máy bay, và trọng pháo của ta, để đẩy chiến tranh về phía bên địch".
Nói xong, ông đặt ra hai giải pháp khác "hạn hẹp hơn": hoặc giữ chặt lấy yêu cầu hồi tháng Giêng xin 300 triệu đô la bổ túc, hoặc tăng số yêu cầu viện trợ quân sự và nhân đạo khẩn cấp. Ông lập luận rằng: tăng viện sẽ có thể làm cho Miền Nam chặn đứng và đẩy lui được cuộc xâm lăng đang tràn tới, ổn định tình hình quân sự, đem lại cơ hội hoà giải chính trị qua đường lối thương thuyết giữa Bắc và Nam Việt, và, nếu như tình trạng tồi tệ nhất xảy ra, ít nhất cũng di tản được trong vòng trật tự kiều dân và một số những người Miền Nam bị nguy hiểm tới chỗ an toàn" 10 .
Sau cùng ông yêu cầu Quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu.
Nhưng dù có xin thêm quân viện, đây có thể cũng chỉ là một hành động chiếu lệ, vì sau khi yêu cầu, ông Ford lại ấn định một hạn chót để cho Quốc hội phải quyết định. Hạn chót đó là ngày 10 tháng 4, 1975, tức là chỉ còn có 10 ngày. Người ta có cảm tưởng là ông Ford vừa đưa ra thỉnh cầu về quân viện, vừa mở đường cho Quốc hội từ chối. Ngoài ra ông còn nói tới di tản.
Thực vậy, công khai thì xin thêm viện trợ trước Quốc hội, nhưng trong hậu trường thì lại khác. Sau những bài diễn văn của Tổng thống, thường thường Toà Bạch Ốc có những thuyết trình" (briefing), giải thích riêng cho báo chí về lập trường của Tổng thống. Dịp này, không biết báo chí đã được hướng dẫn như thế nào mà tờ tuần báo TIME (số ngày 21/4) đã bình luận: "Những biện hộ công khai và những thuyết trình tuy riêng tư nhưng là chính thức, đã đặt ra những câu hỏi (làm cho chúng tôi) hoang mang: có phải thực sự ông Ford đã yêu cầu viện trợ nhưng chẳng mong gì Quốc hội sẽ chấp thuận, hoặc là ông cho rằng quân viện sẽ còn giúp được gì để ổn định tình hình quân sự tồi tệ ở Miền Nam? Nếu ông nghĩ như vậy (còn giúp được) thì có phải là những thuyết trình sau hậu trường của nhân viên ông đã đánh bại mục tiêu của ông rồi phải không? 11
Tổng thống Ford đã đặt hoàn toàn trách nhiệm trên vai Quốc hội. Tờ TIME đặt câu hỏi: "Hay là ông Ford đã dựng Quốc hội lên như một bung xung để rồi đổ lỗi cho Quốc hội vì không cấp quân viện nên Miền Nam sụp đổ? 12 .
Ben Scowcroft, Phụ tá Tổng thống Ford, đã có câu trả lời rõ ràng trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi mười năm sau:
“Thực ra, không một ai trong chúng tôi tin rằng sẽ xin Quốc hội được khoản tiền ấy (722 triệu đô la). Việc xin như vậy chỉ là cách làm cho chúng tôi trông có vẻ như vẫn còn thật lòng về tất cả những cố gắng này. Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi" 13 .
Và Phillip Habib, Phụ tá Ngoại trưởng, đặc trách về Đông Nam Á -Thái Bình Dương cũng nói là hồi đó ông họp với các nghị sỹ Quốc hội để thúc giục họ chấp thuận chi viện "để rồi "nếu miền Nam có thất bại thì sẽ không phải vì lý do là ta đã không cung cấp cho họ quân viện" 14 . Sau này, Tổng trưởng Schlesinger bình luận:
"Hồi đó, tôi vô cùng sửng sốt khi được xem những lá thư đó. Tôi đã thật sự bối rối, nhất là vì chính quyền hồi đó đang muốn tung ra chiến dịch tìm cách đổ lỗi cho Quốc hội về sự bại trận tại miền Nam Việt nam" 15 .
Trong giờ phút nguy kịch như vậy, mà Tổng thống Ford chỉ bàn tới vấn đề Miền Nam trong khuôn khổ một bài diễn văn về "Tình trạng an ninh thế giới" rất dài bao gồm đủ mọi đề tài kể cả chuyện viếng thăm sắp tới của Hoàng đế Nhật Bản, đạo luật ngoại thương 1974, chính sách hoà hoãn với Nga Sô, đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược, vấn đề năng lượng, và những tài nguyên vùng đại dương. Trong điện văn do Đại sứ Phượng đánh về ngày 11 tháng 4 có viện dẫn lời Dân biểu Holt "tóm gọn là ông Ford đã không thành công trong việc thuyết phục cho Miền Nam"
Tệ hại hơn nữa: ông Ford tuy có đọc cho Quốc hội nghe một lá thư cầu cứu của quyền Tổng thống Kampuchia, nhưng tuyệt đối không đả động gì đến toàn bộ bốn văn thư cầu cứu của VNCH.
Dinh Độc Lập bối rối, rất lo ngại về việc im lặng này. Tới lúc đó thì mọi người đã tự tìm ra câu trả lời. Để cho bầu không khí bớt căng thẳng, tôi nói đùa chua chát với Chủ tịch Lắm: "Lần sau, cụ nên đích thân mang thư tới Quốc hội Mỹ thì có lẽ chắc ăn hơn". Ông Lắm không thay đổi nét mặt.
Như vậy là toàn bộ những văn kiện, cam kết trao đổi miệng, liên hệ tới sự sống còn của VNCH đã bị dấu nhẹm đi hết. Trước hết là 27 mật thư của Tổng thống Nixon gửi Tống thống Thiệu từ 1972 tới 1973; sau đó là: Những cam kết bằng miệng, do ông Kissinger thoả thuận với Ngoại trưởng Lắm lúc ký Hiệp định Paris hồi tháng 1, 1973;
Rồi 4 bức thư của ông Ford trấn an ông Thiệu, từ hè 1974 tới cuối tháng 3, 1975;
Tới bức thư cầu cứu của ông Thiệu gửi ông Ford ngày 25 tháng 3, 1975;
Thư Quốc hội VNCH gửi Tổng thống Hoa kỳ ngày 24 tháng 3, 1975; và
Hai thư Quốc hội VNCH gửi Thượng Viện và Hạ Viện Hoa kỳ ngày 25 tháng 3, 1975.
Đây là những văn kiện lịch sử quan trọng giữa VNCH và Hoa kỳ chứ đâu phải giữa những cá nhân Nguyễn Văn Thiệu với Richard Nixon; hay giữa Trần Văn Lắm với Nelson Rockefeller, và giữa Nguyễn Bá Cẩn với Carl Albert?
Trước khi sụp đổ, những lời cầu cứu sau cùng của đại diện dân cử Miền Nam cũng không được nhân dân Hoa kỳ nghe tới, ta có thể khẳng định chắc chắn được như vậy, vì nếu hai lá thư của ông Lắm và ông Cẩn đã được thông báo cho các Nghị sĩ, dân biểu, như phía VNCH yêu cầu, thì chắc chắn là các cơ quan truyền thông đã biết và đăng rầm rộ, bình luận sôi nổi. Ít nhất là lương tâm của Hoa kỳ cũng được đánh động phần nào.
Trong tất cả Hồi ký của các ông Ford và Kissinger, kể cả của ông Kissinger mới xuất bản năm 2003, cũng chỉ thấy in bức thư của ông Sirik Matak, cựu Thủ tướng Kampuchia gửi Đại sứ Dan (ngày 12 tháng 4, 1975). Ông Matak là người nghe lời khuyến dụ, đã đảo chính Cựu Hoàng Sihanouk năm 1970. Vào giờ Kampuchia bại trận, ông là người đã chấp nhận ở lại và từ chối đề nghị của Mỹ giúp di tản. Sau đây là lá thư ông Matak viết tay và bằng tiếng Pháp cho Đại sứ Dan: 16
Thưa Ngài Đại sứ và bạn thân mến,
Riêng với cá nhân Ngài và đặc biệt với xứ sở yêu dấu của Ngài, không bao giờ, dù chỉ một giây lát, tôi đã dám tin rằng, các Ngài nỡ lòng nào cam tâm bỏ rơi một dân tộc đã chọn đứng về phía tự do. Các Ngài đã nhẫn tâm từ bỏ, không bảo vệ chúng tôi, trong khi chúng tôi đang trong tình thế thúc thủ chịu trận.
Các Ngài đang ra đi, tôi xin cầu chúc Ngài và đất nước Ngài sẽ tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng, hãy ghi nhờ kỹ điều này, rằng nếu tôi có chết ở dây, trên mảnh đất này và tại quê hương yêu dấu của tôi, thì đó là chuyện bình thường, vì tất cả chúng ta đều được sinh ra thì rồi cũng phải chết.
"Tôi chỉ ân hận là đã phạm một sai lầm lớn khi đặt lòng ti tuyệt đối vào quý Ngài"
Sirik Matak
Chính sách bất công của Kissinger-Nixon đối với Kampuchia lại là chuyện khác và đã được tác giả William Shawcross bàn đến trong cuốn Sideshow - Kissinger, Nixon and the Destruction of Cambodia" (Simon and Schuster, 1979). Những hành động vô nhân, thiếu đạo đức mà ông đã hành xử đối với một số quốc gia khác thì mới đây đã được phanh phui trong cuốn "Xét xử Henry Kissinger" (The Trial of Henry Kissinger) do tác giả Christopher Hitchens xuất bản năm 2001.