Trang trong tổng số 12 trang (116 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

@ Đồ Nghệ: Ấy thế nó mới buồn. Đọc gần cả bài của ông làm mình vui lên một tý. Nhưng đến cái từ cuối cùng của ĐN: "Nhưng..." lại làm mình buồn tiếp. Ở cái sân chơi ảo này nhiều cái tốt và ý định tốt cũng...Đấy , ông thức toét cả mắt ra mà chả nên cơm cháo gì. Còn nói gì đến ngoài đời.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

trai chí

XUÂN DIỆU từng viết:"tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn",có lẽ THÁI THANH TÂM ở trong trạng thái ấy chăng?
Thân là trai lấy chí làm đầu
Dẫu mệnh gian nan quyết chẳng sầu
Đã ở trên đời sống phải ích
Chớ nên hoài phí tuổi thanh xuân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Viễn Phương và chỗ 'nghiệt' trong thơ Đường luật



Không ít người thuộc lứa tuổi lớn lên sau ngày thống nhất đất nước lần đầu tiên nghe cụm từ "lăng Bác" bắt đầu từ câu hát "con ở miền Nam ra thăm lăng Bác" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Viễn Phương.
Thời ấy tôi nghe giới thiệu cái tên Viễn Phương từ hệ thống loa phường, lớn lên đi học lớp 6, được giảng cả bài  Viếng lăng Bác, cũng lấy làm khoan khoái. Nhưng khi học luật thơ Đường, không hiểu sao bố tôi lại dẫn ra một bài thơ Đường luật của nhà thơ Viễn Phương ông đọc từ một tờ báo nào đó và cho rằng: bài này “nghiệt” lắm.
Dân miền trung hay dùng chữ “nghiệt” cho những gì cần nói về tính đặc biệt độc đáo, độc đáo ở tận cùng phía tích cực và gần giao với tiêu cực. Nếu nhận xét người võ sĩ nào “có ngọn roi nghiệt lắm”, tức là mang ý nghĩa này.
Hồi ấy còn nhỏ, bài thơ nghe từ bố tôi nên cũng không nhớ tựa đề. Chỉ nhớ chính xác tám câu Đường luật rất chuẩn như sau:

Đen thủi đen thui tợ thổ thần
Chiều chiều nhớ vợ đứng tần ngần
Cơm ăn ba bữa lưng lưng dạ
Cứt gánh hai thùng oải oải gân
Trước có đánh Tây làm chiến sĩ
Sau thường múa bút gọi văn nhân
Ở tù chỉ có hai quần cụt
Hết áo nên tôi thích ở trần"



(Viễn Phương)

Đây là bài thơ của một người tù, viết theo lối thất ngôn bát cú, xét về niêm, luật, vần rất chuẩn. Và lúc nhỏ khi nghe, tôi chỉ để ý bấy nhiêu thôi.
Bố tôi, ngoài câu nhận xét rặt miền trung, chỉ một chữ “nghiệt” bí hiểm vậy, cũng không giải thích gì thêm nữa. Rồi thôi, năm tháng qua đi, tôi chẳng để ý cái bài thơ này, cũng quên luôn lời nhận xét “trong nhà” của bố.
Nhưng không hiểu sao, tám câu bảy chữ của bài thơ này vẫn khiến tôi có cảm giác hình như có cái gì đó khang khác ở bài thơ này. Ngẫm nghĩ, thấy cái thần trong thơ Đường luật chính là chỗ phép đối. Phép đối là nghệ thuật, là thử thách, là tinh hoa, là ngụ ý và cũng là chỗ thâm thúy nhất của loại thơ khắt khe câu chữ từ ngữ này.
Nếu tính trung bình, hàm lượng đối chiếm tỷ lệ cao nhất trong một bài thơ Đường. Bởi chỉ có tám câu, nhưng trừ hai cặp “đề” và “kết” ra, hai cặp thực luận đều bắt buộc phải đối. Nhà thơ Viễn Phương thích thực chuyện ở tù bằng cặp câu 3-4: “Cơm ăn ba bữa lưng lưng dạ; Cứt gánh hai thùng oải oải gân”, từng từ đối nhau chan chát, nhưng kỳ lạ nhất là nhà thơ đã lấy “cơm” đối với “cứt”. Chính chỗ này làm bài thơ mang một trạng thái kỳ đặc khó chịu.
Xét trong bố cục toàn bài, đây là một bài luật Đường hoàn chỉnh, từ cấu tứ tới những khuôn khổ niêm luật. Cứ xem cặp luận, nhà thơ tự ngẫm về mình: “Trước có đánh Tây làm chiến sĩ; Sau thường múa bút gọi văn nhân”. Dung dị mà nên thơ, đem “đánh tây” đối với “múa bút” quả có nét hào sảng lãng mạn.

Ấy là chưa kể cái tâm trạng nhớ vợ được Viễn Phương gieo ngay vào vị trí thừa đề sau câu phá đề tự tả bản thân mình nghe rất cảm động: “Đen thủi đen thui tợ thổ thần; chiều chiều nhớ vợ đứng tần ngần”. Hình ảnh một người tù quắt queo đen đúa tự ngắm vóc dáng thân mình rồi dõi mắt nhớ vợ trong buổi chiều tà ở chốn “lao lung” còn gì buồn hơn thế.

Đường thi, mà câu chữ tự nhiên hiện đại đến vậy, là Viễn Phương đã vượt lên trên hẳn các nhà thơ cùng thời làm thơ Đường theo lối tầm chương trích cú cũ kỹ. Chỉ có điều, không hiểu sao nhà thơ lại hạ tay đưa chữ "cứt" vào đối với chữ "cơm" một cách lạ thường đến thế.

Người xưa xem một bài thơ Đường như chính tâm trạng của người làm thơ gắn liền với bối cảnh sống hiện thời. Không gian của thơ Đường là không gian của tâm trạng, và được kiểm chứng bằng bối cảnh thực tại. Thế nên Đường thi mới có tả cảnh ngụ tình, và tâm sự về tình nhưng không thoát ly khỏi cảnh.

Có lẽ, công việc gánh cứt của người tù khổ sai khiến nhà thơ Viễn Phương ám ảnh đến mức khi nói về miếng ăn vẫn không thoát khỏi sự ám ảnh này. Cũng có thể thân phận người tù bị hạ thấp đến mức giữa thức ăn và chất thải cũng không xa nhau mấy, cộng với nét kiêu bạc của một người chiến sĩ cộng sản đã khiến Viễn Phương mạnh dạn dùng một phép đối vô tiền khoáng hậu của thơ Đường Việt Nam.

Đối như thế, là phi luận bình, bởi nguyên tắc chung đã bị phá vỡ, mỹ cảm thông thường bị vượt qua, câu thơ như một tiếng vỗ cánh của đại bàng, lay động cành non lá mởn, làm đảo lộn những đường bay của các đàn chim khác, và trước khi có ai nhận ra nét đẹp tiềm ẩn trong khoảnh khắc ấy, bóng vỗ của cánh đại bàng khiến nhiều người giật mình.

Sau này vào TP HCM, trong một lần gặp nhà thơ Viễn Phương tại trụ sở hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (81, Trần Quốc Thảo), tôi có nhắc bài thơ này khi vui chuyện, ông chỉ cười hiền và nói “bài đó làm lúc tôi ở tù”.

Bây giờ, khi ông đi xa, tôi mới giật mình nhớ lại mình đã quên hỏi cớ sao ông lại nảy ra một tứ đối lạ lùng và “nghiệt” đến như vậy. Vì rằng, có lúc nào đó, nếu ai nhắc đến các phép đối trong hệ thống thơ đường Việt Nam, mà bỏ quên chi tiết này của Viễn Phương, e vẫn còn thiếu sót vậy

Lam Điền
(Nguồn: Tuổi Trẻ)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vì sao nhà thơ Hữu Thỉnh hết lời ca ngợi những câu thơ tẻ nhạt của Trần Gia Thái



Trần Mạnh Hảo



Tạp chí “Nhà Văn” số 9-2011 ( tạp chí của Hội nhà văn Việt Nam) trang 144 đến 146 có in bài “MỘT TẬP THƠ TƯƠI LÊN NHIỀU HI VỌNG” của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kiêm chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ca ngợi hết lời tập thơ “ Lời nguyện cầu trước lửa” ( NXB Hội nhà văn 2011) của ông Trần Gia Thái – Tổng giám đốc Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, kiêm chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội. Bài viết trên của ông Hữu Thỉnh cũng vừa được trang mạng của nhà văn Phạm Viết Đào phổ biến, xin  in kèm dưới bài viết này của chúng tôi để rộng dường dư luận.

Vì chưa có tập thơ này của ông Trần Gia Thái trong tay, chúng tôi chỉ căn cứ trên những câu thơ được ông Hữu Thỉnh trích ra bình phẩm, ngợi ca để đánh giá bài viết khác thường này của ông Hữu Thỉnh thực hư ra sao.

Mở đầu bài tụng ca thơ Trần Gia Thái, ông Hữu Thỉnh lập ngôn, bằng cách xác định lại bản chất của thi ca.

Câu văn đầu tiên Hữu Thỉnh viết đã không chuẩn về tu từ : “ Tôi kiên trì thói quen đọc thơ để hiểu người” ( chữ nghiêng đậm do TMH nhấn mạnh). Nên chỉnh sửa câu văn này cho trong sáng tiếng Việt : “ Tôi có thói quen đọc thơ để hiểu người”. Ngay sau đó, Hữu Thỉnh tung ra một quan niệm chưa chuẩn về thơ : “Bởi vì thơ là nghệ thuật ít giấu mình được nhất”. Thơ giấu mình tài lắm ông Thỉnh ạ. Có người tâm ác mà toàn làm thơ về sự ngay lành, thánh thiện. Có người tâm Phật mà thơ thì khẩu nghiệp, chướng tai. Có người giả dối còn hơn cuội mà thơ thì nói toàn chuyện thật thà. Người Trung Hoa từ thời thượng cổ đã có quan niệm :” Thi tại ngôn ngoại”, một định nghĩa rất hay và rất đúng về thơ. Người Việt ta từ xưa đã cho thơ là nghệ thuật kỳ ảo, diệu vợi, hàm súc, dư ba, ẩn chứa khôn cùng tình cảm tư tưởng của nhà thơ trong và ngoài câu chữ. Nói cho cùng, ngược lại với quan niệm chưa đúng của Hữu Thỉnh, thơ chính là nghệ thuật giấu mình, giấu tư tưởng tâm hồn, cảm xúc, thông điệp của nhà thơ tới muôn vàn mai hậu, để chỉ dành riêng cho tri âm tri kỷ thưởng thức mà thôi. Nếu cứ nói toẹt ra hết thì còn gì là thơ ?

Hàng trăm năm đã trôi qua, dễ gì chúng ta đã hiểu hết nghệ thuật giấu mình, đa ngữ nghĩa, đa chiều kích, đa nội hàm của câu ca dao tuyệt vời : “ Gió đưa cây cải về trời / Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” ? Hàng trăm năm đã qua, dễ gì chúng ta đào hết được chiều sâu của tư tưởng tâm hồn Nguyễn Du giấu mình trong câu Kiều tráng lệ : “ Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao” ?

Cổ xúy cho lối thơ nói toẹt ra, phơi cạn kiệt mình trên trang giấy như những câu nói thông thường phi hình ảnh, phi hình tượng, đơn nghĩa để Hữu Thỉnh có “cơ sở lý luận” ca ngợi thơ của Trần Gia Thái là việc không thể làm ngơ. Chúng tôi sẽ chứng minh cụ thể sau.

Hữu Thỉnh tiếp tục lập ngôn không chuẩn về thơ : “Cho nên, trong các châm ngôn về sự viết, tôi quý nhất lời dạy này : “Chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ” “. Đại từ điển tiếng Việt ( NXB Văn hóa &Thông tin 1999, trang 326) định nghĩa từ “Chân thành” như sau : “ Chân thành tt. Thành thực, không khách sáo, không giả dối : tấm lòng chân thành , chân thành với bạn bè”. Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, chân thành là thái độ sống, đạo đức sống; nó không phải là nghệ thuật. Chỉ có kẻ quen sống giả dối mới coi chân thành là một nghệ thuật để đóng vở kịch thật thà đặng lừa tha nhân.

Thơ là nghệ thuật của CHÂN-THIỆN MỸ. Nếu chỉ có CHÂN ( thật, đúng), thậm chí kèm thêm THIỆN ( tốt), thì chưa thể gọi là thơ được. MỸ ( hay, đẹp) mới là phẩm chất cao quý nhất của thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung, chứ không phải “CHÂN THÀNH là nghệ thuật cao nhất của thơ” như Hữu Thỉnh nhầm lẫn. Nếu nghệ thuật đã đạt được yếu tố MỸ ( hay, đẹp, xúc động) nó đồng thời đã mang được cả nội hàm CHÂN và THIỆN vậy. Những quan niệm A, B, C về mỹ học sơ đẳng này, người ta đã dạy cho học sinh từ thời trung học, ông Hữu Thỉnh chưa học qua hay sao ? Nhất là Hữu Thỉnh từng làm các chức vụ quan trọng của đảng, nhà nước, từng đi đến các hội trường quan trọng để đọc diễn văn, để huấn thị, để khơi mào các hội thảo lớn về văn học nghệ thuật, về triết học, lẽ nào chưa thông bài học vỡ lòng mỹ học Mác-xít ; rằng văn học nghệ thuật coi tính đảng, tính giai cấp, coi định hướng chính trị là bản lề, là cốt lõi nhất của tác phẩm, nhưng nếu nó không có tính nghệ thuật thì cũng chỉ có cách là …vất đi thôi. Bàn về thơ thì phải lấy tiêu chí câu thơ bài thơ có hay không, có đẹp không, có xúc cảm hàm súc dư ba không, nghĩa là có tính nghệ thuật không, chứ sao chỉ lấy sự chân thành làm thước đo quan trọng nhất của thơ như Hữu Thỉnh ngộ nhận?

Với những quan niệm sai lầm về thơ như thế này, nền thơ Việt Nam hôm nay quá bất hạnh vì Hữu Thỉnh thường là chủ tịch các ban giám khảo thi thơ văn, bình chọn thơ văn, chấm giải thơ văn trong tất cả các giải thưởng về thơ văn lớn nhỏ suốt 15 năm nay.

Ca ngợi Trần Gia Thái sống và viết theo quan niệm lấy chân thành làm nghệ thuật, làm gốc, làm “nguyên tắc nhất quán “; Hữu Thỉnh trích hai câu nói thông thường mạo nhận thơ của Trần Gia Thái ra khen  :
“Thật đáng sợ khi mọi thứ đều trơn tuột
Và trong ta xúc cảm chết trong mồ”  ( Sợ)

Thưa rằng, hai câu gọi là thơ trên của Trần Gia Thái chỉ là câu nói vụng về, dễ dãi, rằng sợ nhất là cái ta viết không có gì đọng lại, viết không cảm xúc. Câu nói rất tầm thường này không ai cần đặt ra khi cầm bút; vì đó là lẽ đương nhiên. Cũng như không ai đặt ra khi viết ta phải có giấy mực, hay phải có bàn phím máy tính. Một đứa trẻ đói bụng cần ăn, đâu có băn khoăn chuyện dông dài vô nghĩa rằng : “ Thật đáng sợ nếu như ta nhịn đói / Và trong miệng ta cơm biến mất khi nào”.

Thế mà Hữu Thỉnh bình hai câu nói ngô nghê trên của Trần Gia Thái, coi đó là “nguyên tắc nhất quán”, đao to búa lớn như sau : “Đây là một quan niệm nghiêm túc nhưng nguy hiểm đấy Trần Gia Thái ạ. Bởi vì nó đòi hỏi sự hết mình, đòi hỏi sự tận cùng, đòi hỏi vô tận sự tâm huyết” ( hết trích).

Khen ngợi kiểu rất phường tuồng ba câu gọi là thơ : sáo, nhạt, vô hồn của Trần Gia Thái, Hữu Thỉnh viết không đâu nhập vào đâu, như sau : “ Khi yêu, anh cho ta thấy mọi cung bậc sắc màu, hương vị, thậm chí có thể đo được độ nóng của trái tim anh. Nào là trách móc, nào là nhớ nhung, nào là say đắm, và cái được nhất của anh là được một không gian, một từ trường của cảm xúc :
“ Gần đến thế mà sao không tới nổi
Bến bờ ơi
Em ảo ảnh đến muôn nghìn” ( Ảo ảnh)

“ Đây chưa hẳn đã là thất tình, càng chưa phải là tuyệt vọng. Ngẫm cho kỹ , đây là thước đo. Tôi không thấy mùi vị của sự chán nản, ngược lại, tôi nhận ra sự cao giá của người tình” ( hết trích)

Than ôi, bình thơ theo kiểu đồng bóng, áo thụng vái nhau, chân giả lẫn lộn, bốc một tấc lên trời như Hữu Thỉnh là một cách treo cổ thơ hữu hiệu nhất vậy. Ba câu thơ dở kia của Trần Gia Thái đọc lên không thể nhịn cười, lại càng không thể nhịn cười khi Hữu Thỉnh khát quát “ ảo ảnh” chính là thước đo. Cầm thước đo ảo ảnh siêu hình trên tay, Hữu Thỉnh đo thơ kiểu thày cúng thày mo đo hồn vía người ốm, thì thơ ơi, ta chào mi, mi chỉ còn nước biên sắc biến !

Để bình bốn câu thơ toàn nói của Trần Gia Thái sau đây, Hữu Thỉnh lại bộc lộ một nhận thức sai về nghệ thuật làm thơ, khi ông viết : “Ở trong thơ, nói và hiểu là hai việc khác nhau. Đó là nghệ thuật phô diễn”. Thế thì chẳng lẽ THƠ lại là phường nói một đàng, hiểu nột nẻo, nói một đàng làm một nẻo hay sao ? Không, thơ hay là thơ phải có nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen ( hiểu) đi cùng câu chữ, bám sát lời thơ, trung thành với lời thơ, chứ không phải khác nhau với câu chữ như Hữu Thỉnh quan niệm. Từ cơ sở của hiểu đúng nghĩa đen, thơ bước vào hành trình nghĩa bóng; nghĩa là một lối hiểu và cảm đa chiều, tượng trưng, biểu cảm, nhòe mờ, mở rộng hiểu ra cõi dư ba, vô bờ, có cảm tưởng như phi ngữ nghĩa, phi lý trí, phi hiểu vậy. Có thể nói, thơ vừa đồng điệu với sự hiểu của thực-tại-lời ( ngôn từ) vừa bước qua giới hạn của hiểu để vào thế giới ảo diệu, vô bờ của cảm, của hư ảo, siêu nhiên. Đó là một quá trình đồng thời chứ không phải bước một là hiểu, là nghĩa đen, bước hai là cảm, là nghĩa bóng.

Xin xem Hữu Thỉnh “thổi” Trần Gia Thái lên tiên : “ Trần Gia Thái cho ta thấy biết bao nhiêu cung bậc của tình cảm anh khi yêu, kể cả khi anh nói nhún, anh tự ti, anh bơ vơ,mộng du, đau khổ…thì đấy là một trường tình, tất cả hiện ra, nhưng không một lần ta thấy anh nhỏ bé. Kể cả khi anh thú nhận :
“ Cơn bão giữa lòng người
Cơn bão trong trời đất
Bão quật anh tơi bời
Giữa hai bờ còn? mất ? ( Em đi)

Ôi, chàng trai si tình ! Anh có thể bước đi không vững trong cơn say nhưng tình yêu của anh thật cường tráng”. ( hết trích)

Thơ hết biết nên lời bình cũng một đồng một cốt, hết biết luôn ? Chỉ có Hữu Thỉnh mới phát hiện ra thứ “tình yêu thật cường tráng” của thơ Trần Gia Thái mà thôi. Ôi “người yêu ảo ảnh”, nàng thơ sương khói của Trần Gia Thái lẽ nào lại nhận được lời tỏ tình rất phồn thực rằng, em yêu ơi,  anh sẽ chứng tỏ ngay bây giờ cho em thấy tình yêu của anh rất chi là cường…tráng !

Hữu Thỉnh còn dùng nhiều lời có cánh rất ngoa ngôn, rất hoành tráng để ca ngợi những câu thơ vô cùng nhạt nhẽo và dễ dãi của Trần Gia Thái; hầu như coi ông này là một phát hiện về thơ nói thật, lấy thật là gốc, lấy thật làm thước đo, lấy sự nói toẹt ra làm tiêu chí hay dở. Có khi quên mất mình vừa viết như trên, Hữu Thỉnh bèn nói ngược với mình, rằng Trần Gia Thái lấy “ẢO ẢNH” LÀM THƯỚC ĐO”…Lạy trời, sự đãng trí của nhà bình thơ thật là cao qúy.

Xin trích lời tụng ca của Hữu Thỉnh với những câu thơ nước ốc quá nôm na, quá dễ dãi tầm thường của Trần Gia Thái như sau :

“ …Ở mảng thơ này, anh biến hóa sinh động, tươi tốt hẳn lên. Có lúc rất mộc : “Ổ rơm chân đất manh chiếu rách / Một mùa được mấy bữa no nê” ( Sao mà nhớ). Có lúc xót xa, cay đắng : “ Năm mươi ba tuổi ta bầm dập thương tích/ Đòn vu hồi từ những kẻ vẫn xưng là bạn là anh” ( tuổi 53). Có lúc vô cùng thương cảm viết về người cha đã khuất :
“ Cứ tưởng người đi dạo lúa dạo đồng
Người đi chở cát với vôi nồng
Người đi đội đá xây mương nối
Đong bát mồ hôi đổi cháo không

Bát cháo đồng chiêm cơ cực ơi
Nuốt vào cay đắng nuốt không trôi
Mồ hôi thì mặn nước mắt chát
Đeo đẳng đời cha từng giọt rơi ( Nhớ cha)
( hết trích)

Chúng tôi không dám trích lời Hữu Thỉnh khen ngợi thơ Trần Gia Thái thái quá làm đoạn kết cho bài viết tụng ca thứ thơ giả, thơ dởm của ông, sợ làm phiền thêm bạn đọc.
Bài viết “ Một tập thơ tươi lên nhiều hi vọng” của Hữu Thỉnh hết sức sai về quan niệm thơ, lại bốc thơm một thứ thơ dở của Trần Gia Thái lên mây xanh, gây tai hại vô cùng cho định hướng thẩm mỹ thơ lớp trẻ. Bằng sự đánh tráo hay-dở, thật-giả trong thưởng thức thơ kiểu này, hình như ông Hữu Thỉnh muốn xui bọn trẻ cứ làm thơ như Trần Gia Thái, chắc chắn sẽ được giải thưởng lớn? Có phải đây là thời cái dở lên ngôi, cái xấu lên ngôi, cái giả lên ngôi hay không thưa nhà thơ Hữu Thỉnh ?

Sài Gòn ngày 21-9-2011
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Hồng Hải

Đọc thật kỹ bài viết của tác giả Trần Mạnh Hảo mà Bác đăng lên, tôi thật thấy băn khoăn Bác ạ.
Tác giả Trần Mạnh Hảo được một số người trong giới cầm bút và gõ phím đánh giá là một người có những bài viết bình luận thơ văn khá sắc sảo, thẳng thắn... Tôi có đôi lần đọc được một vài bài viết của Tác giả, nhưng quả thật cũng không có ấn tượng gì riêng biệt lắm...Mà nói cho cùng nếu như tôi có ấn tượng thì điều ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì khi tên của tác giả được cập nhật trên WIKI, trên Google. Ai muốn quan tâm chỉ cần ấn phím. Rất giản đơn khi để biết về một người...
Càng đọc các bài viết phê bình trong lĩnh vực văn học càng thấy buồn. Bây giờ người ta phê nhau, bình nhau sống sượt quá, chợ búa quá. Nó bây giờ nhuốm màu của PR, không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả...Tôi cảm nhận được người ta đang tách hai chữ phê bình ra làm đôi. Phê và bình hiểu theo nghĩa nào cũng được cả. Điều quan trọng là làm nó nổi bật lên để người ta tò mò, người ta biết đến càng nhiều, càng tốt. Người ta lẫn lộn giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ đời thường. Đọc các bài phê bình như bài viết của tác giả Trần Mạnh Hảo thấy không có điều gì mới. Điều người đọc muốn, người viết mong để bài viết được tốt hơn, sắc sảo hơn, tinh tế hơn thì không thấy chỉ toàn những câu chữ mà nếu chỉ là một người không biết gì về văn học, cũng sẽ viết được.
Tôi may mắn được đọc những suy nghĩ của một người bạn khi nói về nút thank. Bạn ấy viết: Nếu không có người viết, chúng ta không bao giờ biết được văn chương là cái gì. Thế nên khi đọc một bài viết của ai đó, có thể hay, có thể không đúng với tâm trạng của người đọc nhưng chúng ta nên cảm ơn họ vì qua bài viết đó chúng ta nhìn nhận cuộc sống quanh ta rộng hơn, đa đạng hơn. Tư tưởng, suy nghĩ và hành động của chúng ta sẽ qua đó mà có sự chuyển biến. Nhìn thấy điều không tốt, không hay hoặc tốt hoặc hay chứng tỏ là ta đã có nhận thức, có tri thức. Tuy nhiên điều ta hiểu và ta nghĩ chỉ của riêng ta, cái quan trọng là khi ta viết, ta nói làm sao để người đọc cũng hiểu và cảm nhận được tri thức, nhận thức mà ta đang có. Văn chương và tác giả chỉ làm được một nữa, một nữa còn lại thuộc về bạn đọc trong đó có nhà phê bình.
Đọc bài viết của Tác giả Trần Mạnh Hảo thấy có những câu như: "...thơ chính là nghệ thuật giấu mình, giấu tư tưởng tâm hồn, cảm xúc, thông điệp của nhà thơ tới muôn vàn mai hậu, để chỉ dành riêng cho tri âm tri kỷ thưởng thức mà thôi. Nếu cứ nói toẹt ra hết thì còn gì là thơ ?" và tiếp nữa: "...Thơ giấu mình tài lắm ông Thỉnh ạ. Có người tâm ác mà toàn làm thơ về sự ngay lành, thánh thiện. Có người tâm Phật mà thơ thì khẩu nghiệp, chướng tai. Có người giả dối còn hơn cuội mà thơ thì nói toàn chuyện thật thà..."
Tôi tự hỏi đây có phải là suy nghĩ khá sắc sảo, thẳng thắn mà WIKI tóm tắt đưa lên trang web của mình hay đây chỉ là những bộc phát trong lúc trà dư hậu tửu...
Có rất nhiều khái niệm, định nghĩa về thơ. Mỗi một người viết thơ đều có sự cảm nhận và đưa vào thơ những suy nghĩ chắt lộc tinh tuý nhất của mình nhưng nói về thơ như tác giả Trần Mạnh Hảo đã ghi như tôi trích dẫn thì có điều gì đó không ổn bởi cái ẩn dụ trong thơ hay lắm, nhẹ nhàng lắm, sâu lắng và tinh tế lắm chứ không phải cái ẩn như tác giả bài viết đã nhận xét.
Có nhà thơ cả cuộc đời thơ ca viết cả hàng vạn vạn bài thơ nhưng có khi chỉ có vài bài đọng lại trong lòng bạn yêu thơ nhưng cũng có những người không được cái may mắn ấy. Thơ là duyên, không thể nào khiên cưỡng. Thơ là suy nghĩ, là cảm xúc của người viết nhưng viết làm sao để cảm xúc ấy luôn ở lại trong lòng người đọc. Đó là điều mà không phải ai cũng làm được.
Nhưng viết như tác giả Trần Mạnh Hảo thì nếu muốn ai cũng sẽ làm được...
Ta về khuất bóng tây sơn nhạn
Tịch mịch rả cánh bay
Quay đầu là núi
Gửi lòng bằng hữu
Chỉ chút hương cay.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

vịt anh

Hihi,ông Thái đứng giữa ông Hảo và ông Thỉnh,số xui nên chịu báng thôi :))
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

@ Bây giờ người ta còn có phong cách phê bình của hàng tôm, hàng cá nữa, chợ búa lắm. Mình đành chịu khó thôi, nghệ thuật là món ăn tinh thần mà các tác giả là những đầu bếp thực sự. Hên xui cho mình thôi. Nếu gặp đầu bếp giỏi thì ta ngon miệng, dở thì tiền mất toi. Và mệt nhất là các đầu bếp choảng nhau chẳng biết đâu mà lần, làm đầu độc bầu không khí văn hoá của dân chúng.
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

letam đã viết:
đầu độc bầu không khí văn hoá của dân chúng.
Gi gỉ gì gi
Cái gì cũng thế
Đọc cho vui vẻ
Có thể thì cười
Không thể thì thôi
Lấy vui làm chính
Còn chuyện nghiêm chỉnh
Đừng dính làm gì
Gi gỉ gì gi
Cũng không tin được!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

LẠM PHÁT THƠ VÀ CỐ TRAO GIẢI THƯỞNG CHO THƠ

Bài đăng trên Hội Ngộ Văn Chương

http://badamxoe.files.wordpress.com/2012/05/nguyc3aan-hieu1.jpg?w=180&h=120
Nhà văn Nguyễn Hiếu

NGUYỄN HIẾU

Tôi viết bài này đã lâu, cũng chẳng muốn đăng làm gì vì thiết nghĩ dù sao tôi cũng nghĩ đến cái tình anh em. Nhưng khổ một nỗi có thể do trình độ tôi có hạn nên tôi không hiểu vì sao Hội Nhà văn lại tán tụng thứ thơ “lai căng như kiểu người nước ngoài nói tiếng Việt không sõi”, làm hỏng thẩm mỹ của người đọc thơ, làm băng hoại ngôn ngữ Việt Nam muôn ngàn yêu quí của chúng ta, nên sau đôi hồi nghĩ ngợi, tôi quyết định cho Bà Đầm xòe công bố bài viết này. Có thể đúng, có thể sai về những ý kiến của tôi, rất mong anh em  xa gần góp ý, dậy bảo. Vẫn biết là một hội viên Hội Nhà văn, bài viết này sẽ có thể ít nhiều làm một số vị lãnh đạo hội không hài lòng. Nhưng vì tồn vong của thi ca, sự trong sáng của tiếng Việt, tôi quyết định cho đăng. Cám ơn những ai đọc bài này.

Vì sao thơ bung ra đến độ lạm phát?

Có một mệnh đề trong lí luận kinh điển theo chủ nghĩa đang bao trùm lên thể chế  này mà bất kì một ông cán bộ nào có chút địa vị của xã hội ta mặc dù chả biết gì về triết học, kinh tế học nhưng rất thích nhắc đến đó là “hạ tấng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc”- Diễn nôm ra, tức là cơ sở vật chất tác động quan trọng đến suy nghĩ, tư duy. Chả biết câu này đúng sai thế nào nhưng nhìn vào sự phát triển thơ đối chiếu với nền kinh tế nứơc ta thì quả là như vậy. Gần chục năm nay nưóc ta đi vào cơn khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy biểu hiện qua chỉ số lạm phát kỉ lục. Chưa đầy một thập kỉ mà giá trị đồng tiền giảm tới hơn mười lần khiến giá cả tăng vọt, dân tình điêu đứng. Vậy mà trong thời gian này, thơ – một thứ sản phẩm trí tuệ ra đời từ những bộ óc siêu việt trong thời thịnh trị, dân an quốc vượng thì trong thời lạm phát mọi mặt của nước ta, thơ bỗng nhiên trở thành sản phẩm gia tăng vùn vụt của đủ hạng người, trong đó có thứ người no cơm ấm cật đang cần một cái danh mang tính hào hoa, phong nhã. Vì lẽ đó thơ cũng theo kinh tế mà rơi vào tình trạng lạm phát ghê gớm.

Ngoài nguyên nhân do ham muốn của số người thích mua danh ba vạn thì còn thêm hàng loạt nguyên nhân khiến sự lạm phát thơ ngày càng mạnh mẽ. Thứ ngưòi gọi là “nhà thơ”sinh sôi nhanh hơn cả chuột – giống động vật đẻ vô tội vạ – đến độ có người đã báo động cầm một hòn sỏi ném vu vơ ra ngoài đường thì thể nào cũng trúng một nhà thơ. Sự lạm phát này đã làm thơ, một thể loại cao quí, bị tầm thường hóa đến độ không ít người phát sợ.

Có người khi vui miệng đã đề nghị nên thành lập một trại “cai nghiện thơ”, và trước cửa nhà người,  không muốn bị làm phiền vì thơ ca, đã để tấm biển “đề nghị để giầy, dép và thơ ở ngoài”.

Nguyên nhân thứ hai khiến thơ trở thành lạm phát phải kể đến là đặc trưng ngôn ngữ xứ ta dễ bắt vận, dễ nói thành vần – không phải ngẫu nhiên những kẻ tâm thần, đầu óc không bình thường hay nói vần, thích đọc vè là vì vậy.

Một tác động làm thơ tăng như một đại nạn là cơ chế bỏ tiền ra in thơ. Thời mọi sự còn tử tế để in một tập thơ thì chí ít phải là nhà thơ đàng hoàng có môn bài, có danh là Hội viên Hội Nhà văn. Nay thì bất kì một vị nào có tiền khi đã no chán mọi thứ chơi vật chất như chó cảnh, chìm muông …lại có đôi chút khả năng biết bắt vần viết ra những câu có đôi chút nhịp điệu là loay hoay thế nào cũng chôm một ít tiền vợ mang đến các nhà xuất bản xin giấy phép in thơ mình. Ông nào rủng rỉnh tài chính còn thuê một vài cây bút đôi chút có danh để viết bài giới thiệu. Và, nếu chỉ căn cứ vào những bài tựa các tập thơ này thì dân An nam ta sẽ hí hửng tưởng xứ ta đang được ông Hoàng Mười phù hộ nên mới mọc ra nhiều đệ tử của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm , Puskin, Gớt đến thế.

Trong sự cấp giấy phép in thơ này thì Nhà xuất bản Hội Nhà văn – một nhà xuất bản có một thời danh giá nay trở thành một tổ hợp thủ công chuyên cấp giấy phép để in thơ.

Một nguyên nhân nữa để thơ bung ra như mối gặp trời mưa là hai ông chánh, phó chủ tịch, ông Trưởng ban Tổ chức Hội Nhà văn đều là nhà thơ.

Ông chủ tịch Hội thì với thơ ai cũng đều có câu khen rất tài hoa trong ngôn từ, mặc dù hình như ông chẳng đọc thơ của ai bao giờ, trừ những tập ông được mời viết lời tựa.

Câu bình cửa miệng của ông mỗi khi nói về thơ ai cũng hao hao như nhau “Nhan sắc lắm, lay động lắm”.

Làm thơ và đựơc gọi là nhà thơ trong thời lạm phát dễ như thế nên người ta đổ xô làm những thứ gọi là thơ. Viết một truyện ngắn, một vở kịch và cao hơn cả là một tiểu thuyết thì cực khó, còn để đẻ ra một bài văn vần gọi là thơ thì quá dễ. Vì vậy thơ bung ra nhan nhản, từ ông thứ trưởng đương chức đến các sinh hoạt hội người cao tuổi, đều ngày ngày cặm cụi gò lưng làm thơ để hi vọng đựơc gọi và đựơc tự phong là nhà thơ.

Thơ lạm phát kéo theo sự gia tăng khủng khiếp một thứ, đó là ngưòi đựơc gọi là nhà thơ. Vì nhà thơ có vai vế trong hội nghề như vậy nên những đợt kết nạp và những giải thưỏng hàng năm đầu nghiêng về ngưòi làm thơ và thơ.

Với tình trạng này, danh hiệu và giải thưởng một thời cao quí là Hội viên , giải thưỏng Hội Nhà văn Việt Nam bỗng bị hạ thấp rất nhiều, nếu không muốn nói là rẻ rúng khi chỉ cần có trong tay hai ba tập thơ tự in, chất lượng nhàng nhàng, nhưng được sự chiếu cố của ông trưỏng ban, ông Chủ tịch hội thì sớm muộn sẽ được vào hội.

Còn giải thưỏng thì thật tuỳ hứng, nếu không muốn nói là giải thưỏng này đã được chỉ đạo theo kiểu chỉ định thầu trong kinh tế.

Tôi không tin dư luận cho rằng, vì yếu tố kinh tế nên năm nào Hội Nhà văn cũng kết nạp hàng đống các vị làm thơ chỉ ở trình độ nghiệp dư vào hội viên.

Nếu đây là sự thật thì nó có khác gì sự mua quan bán tước đang hoành hành ở nứơc ta.

Và như để chứng minh cho sự đúng đắn trong chiến lược phát triển hội viên Hội viên Hội Nhà văn Việt Nâm nên trên dưói một thập niên vừa qua, giải thưởng hàng năm, nhiều tập thơ xoàng xoàng đựơc các vị có chức quyền trong Hội Nhà văn để mắt tới, đã trúng giải.

Hiện trạng này đến năm 2011 vừa qua đã trở thành điển hình.

Ngoài hai tác phẩm cũng chẳng lấy gì làm đặc sắc lắm của hai ông Ủy viên Ban chấp hành thì có không ít các tập thơ của đám viết thơ trẻ.

Về thơ trẻ tôi xin mượn cách đánh giá của nhạc sĩ Văn Dung khi nói đến nhạc trẻ “đó là kiểu thơ chỉ để ý đến hình dáng, điệu bộ. trang phục mà quên đi nội dung, chất giọng”.

Cũng trong động tác để nhấn thêm sự khẳng định đúng đắn trong sự phát triển hội viên, sự phát triển đáng tự hào của phong trào thơ nước nhà của các vị lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, ngưòi ta đã tổ chức hàng loạt các cuộc hội thảo để tôn vinh một vài nhà thơ, xem như một biểu tượng, một thứ “đề can” cho hiện trạng thơ phát triển ầm ĩ đến lạm phát như hiện nay (sự hội thảo này có lẽ chỉ đúng nhất khi nói đến thơ của Đồng Đức Bốn- một tài năng vượt trội trong thể thể lục bát đặc sản của thi ca Việt Nam).

(Còn tiếp...)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

LẠM PHÁT THƠ VÀ CỐ TRAO GIẢI THƯỞNG CHO THƠ

Bài đăng trên Hội Ngộ Văn Chương

NGUYỄN HIẾU

(Tiếp theo phần trước)

Thử bàn về cái gọi là hiện tượng thơ Mai Văn Phấn.

Như trên tôi đã nói, số lượng các tập thơ ra đời hàng năm, từ khi có cơ chế tự in cùng với sự dễ dãi, mất công bằng trong việc kết nạp người làm thơ vào Hội Nhà văn thì hàng năm cả nứơc ta không dưới hai, ba ngìn tập thơ được xuất bản, và mỗi năm có hàng nghìn người tham gia vào đội ngũ làm thơ (đọc thơ dễ hơn đọc văn (vì nó phù hợp với sự lười đọc đang bao phủ toàn bộ nền văn hoá đọc của xứ ta). Vì thế, người ta không lấy làm lạ khi Nhà văn Tuyết Sương TPHồ Chí Minh, tác giả 5 cuốn tiểu thuyết trong đó có cuốn “Cô y tá nhỏ” khá nổi tiếng, rồi nhà văn Trần Chiến, tác giả cuốn tiểu thuyết vào hàng xuất sắc bao năm vẫn không được các vị trong Ban chấp hành để mắt tới).

Không gì dễ hơn khi tự tạo lập cho mình danh hiệu nhà thơ. Tôi biết có một người không hề có chút thiên bẩm nào trong sáng tác văn nghệ, nhưng có thể cho ra đời mọi tác phẩm đủ mọi thể loại: cầm kì, thi, họa, trừ tiểu thuyết.

Thời buổi thưong mại này, khi người ta có tiền thì muốn thành nhà gì cũng được, trừ thành một tiểu thuyết gia, huống hồ làm một nhà thơ.

Trên số lượng về thơ và nhà thơ mà hai ông nhà thơ chánh phó, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã cố tạo ra vài cái đỉnh khẳng định sự thắng lợi của sự bội thu thơ. Sự biểu dương và tôn vinh cố ý thơ Mai Văn Phấn là một trường hợp như thế.

Phải công nhận về mặt phương pháp luận thì Mai Văn Phấn tỏ ra khôn ngoan khi chọn một kiểu thơ “không phải là thơ”, một thứ văn xuôi cắt ngắn, một cách viết giống hệt bản dịch ra tiếng Việt từ tiếng nứơc ngoài của người đang ở độ tuổi trí tuệ còn chưa lú lẫn. Trong khi hầu hết những người viết thơ đang sáng tác theokiểu cú pháp, hình thức thơ cũ kĩ, mà trong chiều sâu của tâm hồn và nhận thức của họ, cũng thấy không mấy hấp dẫn thì Mai Văn Phấn quả là khôn ngoan đi theo một lối đi tưởng như mới trong làng thơ ta hiện nay.

Nhưng đọc kĩ một chút thì thơ Mai Văn Phấn là sự lặp lại hiện tượng giống như thơ của Nguyễn Quang Thiều cách đây trên dưới hai mươi năm. Hồi đó Nguyễn Quang Thiều đang sung sức, cũng bắt đầu nhàm chán cáí lối thơ và tư duy thơ cổ lỗ của các bậc đàn anh đi trứơc, lại sẵn có khả năng ngoại ngữ nên Thiều đã chọn con đưòng mô phỏng thơ nứơc ngoài, chủ yếu là thơ tiếng Anh mà ít nhiều tôi nhìn thấy tựa tựa cách viết theo những bài thơ lừng lẫy trong tập lá cỏ của Witman.

Thơ Thiều thủa sung sức giống hệt như những bản dịch từ thơ nứơc ngoài.

Cũng xin nói thêm khi Nguyễn Quang Thiều làm những bài thơ này, cũng là lúc nền văn chương nước ta đã bắt đầu đổi mới. Các cây bút đã chán ngấy một kiểu văn chương minh hoạ, những câu thơ cũ kĩ nặng chất truyền thông, thì Thiều quả là khôn ngoan khi đem đến cách viết mới mà thực ra là sự mô phỏng lối nghĩ, lối cấu trúc của thơ nứớc ngoài.

Thời đầu đổi mới đó văn xuôi còn để lại Nguyễn Huy Thiệp trong sự phá phách lật đổ các thần tượng, giải thiêng những điều húy, kị;  còn trong thơ thì ồn lên sự làm mới của thơ Thiều .

Tôi chỉ hơi lạ, trong văn xuôi, Thiều có những cách viết có cảm hứng hướng về làng quê thôn giã (tiêu biểu là truyện ngắn “mùa hoa cải bên sông”), thì trong thơ Thiều “sự cách tân” lại hướng ngoại mà thực chất là sự mô phỏng thơ nước ngoài.

Hơn hai hai mươi năm sau, Mai Văn Phấn lại rập lại cách đi đó của đàn anh.

Điều này cắt nghĩa, vì sao hai ông nhà thơ chức dịch của Hội Nhà văn bỗng nhiên lại tán tụng thơ Mai Văn Phấn và kéo theo hàng đống các vị, một là theo voi ăn bã mía, hai là sợ mình bị đánh giá là ngu dốt khi không tán dưong thơ Mai Văn Phấn theo kiểu Trạng Quỳnh đã từng diễu “địt mẹ thằng nào bảo thằng nào”.

Ngôn ngữ, tư duy của ngưòi Việt ta khác hẳn ngôn ngữ, cách tư duy của người nứơc ngoài. Vậy mà, Nguyễn Quang Thiều và nay Mai Văn Phấn lại tung ra những đoạn chữ mà ngưòi ta gọi là thơ cùng những suy nghĩ gần như rập lại cách nói, cách tư duy của ngưòi nước ngoài, cụ thể là tư duy của dân đất mới châu Mỹ. Trong suy nghĩ người Việt rất kiêng kị khi nói về quạ (theo quan điểm cổ xưa đó là loài chim chuyên mang điều gở), nay Mai Văn Phấn lại mô phỏng cách nghĩ nứơc ngoài, cũng nói về con quạ với những câu gọi là thơ, giống như thơ dịch, với kiểu tư duy và cách đặt câu xa lạ với ngôn ngữ, cách tư duy truỳên thống của người đọc xứ ta

Con cá nhẩy vào đám mây tự vẫn”-  Biến tấu con quạ.

Rồi lảm nhảm, loằng ngoàng nói về mái nhà như một người ngớ ngẩn đang học nói tiếng Việt:

Thùng rác quay mắc phải khung ảnh, quạt trần, dây điện thoại. Chiếc quần lót mặc kẹt giữa tủ bát đĩa và máy tập thể hình. Chổi cùn, bình diệt muỗi, đĩa CD chui vào tủ lạnh …- Chạy theo mái nhà.

Trời ạ! Thế mà ngưòi ta dám gọi là thơ thì thật là liều.

Tôi còn nhớ Chế Lan Viên đã từng có ý định cách tân hình thức thơ bằng kéo dài câu thơ một cách bất thường. Dạo đó ta gọi là thơ văn xuôi. Đọc lại bài thơ tiêu biểu cho sự cách tân này của ông là bài : những cành phong lan bể:

xanh biếc mùa thu bể như hàng nghìn mùa thu còn tâm hồn nằm đọng lại/ Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh thôi không trở lại làm trời/ Nếu núi làm con trai thì bể là mùa thu đã biến thành con gái , mỗi đêm ngày da thịt sóng sinh sôi”.

Ta vẫn thấy một cách nghĩ Việt Nam, những âm điệu của ngôn ngữ Việt cực kì thơ ẩn dấu trong hình thức văn xuôi mang đặc trưng mà chỉ có thơ mới có.

Còn đọc thơ Mai Văn Phấn chỉ thấy những câu văn không ra văn, thơ không ra thơ, mang đủ thứ suy nghĩ vớ vẩn, theo kiểu bạ đâu nói đó. Tối nghĩa và hạ thấp rất nhiều, chẳng những thể loại thơ, mà còn làm mất đi vẻ đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt.

Tôi nhớ trong làng thơ xứ ta hiện nay, không ít vị làm thơ muốn đổi mới sự thể hiện thơ. Điều này là một yêu cầu chính đáng, cần khuyến khích. Nếu Lê Đạt muốn cách tân bằng sự đảo lộn cú pháp, trật tự ngữ pháp để tạo ra sắc thái mới của thơ, Lê Huy Quang cũng đi theo hứơng này và cũng có ít nhiều thành công, hay Nguyễn Đình Chính cách tân bằng đưa ngôn từ trầm tục vào thơ ..

Nhưng, dù tôi không tán thành việc dung tục hoá trong thơ Chính, nhưng vẫn phải công nhận NguyễnĐình Chính, ngoài tư cách là một tiểu thuyết gia ưa tìm tòi, thì ông là một nhà thơ đầy nội lực thi ca. Nội lực này lại càng đựơc đẩy lên khi chất công dân của ông được thể hiện một cách dữ dội và bản lĩnh trong những câu thơ muốn phá bung khuôn khổ …

Hoặc ca từ trong những ca khúc tài danh của Trịnh Công Sơn. Trong những ca từ mang nặng chất thơ của Trịnh Công Sơn, nếu tách ra từng dòng hay để hiểu trực diện nghĩa thì thật khó, nhưng ở những ca từ đó tràn ngập sự hư ảo, lung linh, cao siêu của triết ly thiền, nên tạo ra quá nhiều tầng nghĩa mà ngưòi đọc chỉ cảm chứ không thể diễn thành lời một cách rành mạch.

Trở lại thơ Mai Văn Phấn. Để chứng minh thơ Mai Văn Phấn là hiện tượng đổi mới thơ ca, Hội Nhà văn không ngần ngại tiến hành một loạt hoạt động để ghi nhận hiện tượng này. Làm hội thảo, rồi trao giải thưởng cho Mai Văn Phấn và trao giải cho các cây bút trẻ có lối viết hao hao như Mai Văn Phấn, là Đỗ Dõan Phương.

Xin đọc mấy câu mà ngưòi ta cố gọi là thơ của cây bút trẻ này:

Bây giờ là quãng đường dài nhất/ mọi ngưòi giúp cô tiền đò, tiền đường/ và bắc những cây cầu bằng vải đỏ / hát những câu an ủi dặn dò…/ khắc ghi vào đầu khuôn mặt già nua của cô để từ nay nhớ hoặc sợ" - Thăm vườn nhà cũ.

Kì quặc thật. Thế này mà người ta gọi là thơ thì tôi nghĩ, một là ngưòi đó bị nhiễm sự lai căng dở dang của kẻ quá yêu tiếng nứơc ngoài chê bai tiếng mẹ đẻ, hai là cái đầu đó có vấn đề về tâm thần.

Tôi có cảm thấy một chu kì đã thành qui luật là mỗi khi ngưòi ta tôn vinh thứ thơ lai căng này thì cũng là lúc các nhà thơ của ta đang đi vào bế tắc, cả trong tư tưởng và cách biểu hiện.

Thơ Mai Văn Phấn và một số tập thơ nhận giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2011 không chỉ là những ví dụ cho sự bế tắc mà còn vô tình tạo ra một thứ sai lầm khi làm hỏng thẩm mỹ về thơ của ngưòi đọc Việt nam, làm rối ngôn ngữ nước ta, trong khi đáng ra với chức phận nhà thơ phải làm cho ngôn ngữ này ngày càng đẹp hơn,dân tộc hơn và trong sáng hơn.

Khi viết đến thơ Mai Văn Phấn tự nhiên tôi lại nghĩ đến đề xuất thu phí phượng tiện giao thông cá nhân của ông Bộ trưởng Bộ GTVT- Đinh La Thăng: vô lý, cửa quyền, tai hại cho đời sống của ngưòi dân. Nó cũng hao hao giống Hội Nhà văn cố trao giải cho những tập thơ này, như là sự cưỡng ép thiên hạ phải công nhận thơ lai căng như thơ của Mai Văn Phấn và một số nhà thơ trẻ như là thành tựu của nền thơ Việt Nam đưong đại. Buồn thay!

Quỳnh Mai 6/4/2012

ĐT: 0913535270
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 12 trang (116 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối