Trang trong tổng số 12 trang (116 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

huongnhu

@ Chú Tuấn: Sao họ hông ghé thi viện tìm thơ trao giải ha chú?
Thơ hay có mà xe tải chở ba ngày hông hết!
Trao giải như kia, phí ghê!
Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

huongnhu đã viết:
@ Chú Tuấn: Sao họ hông ghé thi viện tìm thơ trao giải ha chú?
Thơ hay có mà xe tải chở ba ngày hông hết!
Trao giải như kia, phí ghê!
Không cứ gì trong thơ, các giải thưởng nói chung đều phải chọn những thứ ít có để trao bởi hai lẽ:

1. Sẽ có ít người tranh giành, cãi nhau...
2. Sẽ tốn ít kinh phí để làm giải thưởng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

BẤT CHỢT NGHĨ VỀ THƠ TỰ DO

THANH THẢO

http://nhathonguyentrongtao.files.wordpress.com/2012/06/thanhthao.jpg
Nhà thơ Thanh Thảo

Thơ văn xuôi – nói đúng hơn là thơ tự do – mà sự xuất hiện đã được Ioxip Brodski (thi hào Nga – giải Nobel) giải thích một cách chí lý: “Thơ tự do, một cá nhân nào đó muốn sử dụng nó thì phải đi qua lịch sử của thơ vận luật trước khi anh ta giải phóng chính bản thân anh ta khỏi nó”.

Vậy thì điều kiện đầu tiên để có thơ tự do là chủ thể làm thơ phải tự do. Thế nhưng, chủ thể làm thơ vận luật lại không tự do sao? Có nhà thơ đích thực nào lại không tìm được sự tự do trong tâm hồn khi làm thơ? “Thân thể tại ngục trung – Tinh thần tại ngục ngoại” (Hồ Chí Minh) cơ mà!

Có lẽ, ở đây I.Brodski muốn nói đến sự giải phóng khỏi những lề luật của thơ vận luật, một sự giải phóng không thể đến trước khi có ý thức về sự giải phóng cá nhân trong xã hội. Vận luật, niêm luật của thơ, nói cho cùng cũng là một thứ chế tài, một thứ yên cương đóng vào những cấu trúc chữ, nhằm tạo ra những con đường riêng, thiết lập những “cổng” riêng mà rất nhiều phong cách thơ có thể đi qua, có thể “chung đường” dù họ là những kẻ lữ hành xa lạ với nhau. Có lẽ, một đứa trẻ khi bắt đầu với Thơ, nó “nói” những câu thơ tự do, nhưng khi bắt đầu có ý thức “làm thơ” nó lập tức lại trở về với thơ vận luật, cố làm thơ cho đúng vần đúng nhịp. Ấy là khi nó bắt đầu có ý thức về những quy định, là khi những lề luật bắt đầu khống chế nó. Tới khi nó trở thành một nhà thơ, thì vận luật đã đi vào vô thức, đã hằn những “rãnh” trên tư duy sáng tạo, và cho dù có yên cương, thì những con ngựa hay vẫn là những con ngựa hay, nhiều khi “yên cương” niêm luật lại trở thành một thách thức, một đập chắn để dòng nước tự chứng tỏ được sức mạnh của mình. Nhưng là nhà thơ, bao giờ cũng nuôi khát khao vượt thoát một cái gì. Cái gì đó có khi chính là chữ, là vần, là nhịp, là nhạc, là tất cả những gì tạo nên cái vỏ vật chất của bài thơ. Khát khao vượt thoát, ý hướng tự giải phóng đó gặp được một hình thức thích hợp: đó là thơ tự do. Chính sự liên kết lỏng lẻo giữa các chữ, những khoảng trống giữa các câu, những kết nối mập mờ giữa phần lộ của nghĩa và phần ẩn của chữ, những nhạc điệu vượt ra ngoài ý nghĩa bài thơ, dường như có một giá trị độc lập tương đối nào đó… tất cả đã là tiền đề để có thơ tự do. Tiền đề ấy có sẵn trong những bài thơ Đường nghiêm nhặt nhất về niêm luật, hay trong những sonnet mười bốn câu chặt chẽ.

Về thể thơ, thì thơ tự do là kết quả của một quá trình phát triển rất lâu dài của hình thức thơ. Nhưng về thực chất, thơ tự do đã tiềm ẩn ngay từ khi nhân loại biết làm thơ, từ khi thơ có thể tách khỏi âm nhạc mà vẫn tồn tại được. “Nghệ thuật là sự giải thoát cho vật chất”. Hình như Octavio Paz đã nói như vậy, câu ấy rất đúng với Thơ. Mà đã được “giải thoát” nghĩa rằng đã có “tự do”, đứng về mặt nào đó.

Nhưng một khi đã có thơ tự do, đã làm được thơ tự do, thì nhà thơ đừng bao giờ quên rằng, tự do tâm hồn mình, tự do tư duy mình mới là cái “tự do đầu tiên và cuối cùng”, nó quyết định cho thơ tự do của mình có thật sự tự do không. Chứ nếu chỉ đánh vật với lời chữ, chỉ “tân hình thức” một cách rắc rối và vô bổ trong khi không biết mình đang “múa gậy trong bị” một cách thê thảm, thì chẳng bao giờ nhà thơ có được thơ tự do đúng nghĩa. Và cao hơn, có được tự do đúng nghĩa cho cuộc đời mình.

Trích bài đăng trên Nguyễn Trọng Tạo:

http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/06/07/thanh-thao-tho-tu-do/
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tuấn Khỉ đã viết:
LẠM PHÁT THƠ VÀ CỐ TRAO GIẢI THƯỞNG CHO THƠ

Bài đăng trên Hội Ngộ Văn Chương
Giả vờ hay

Thơ là tình yêu và viết về tình yêu
Từ lâu chúng ta yêu và nói yêu đều dối trá
Vậy nên chẳng có gì kỳ lạ
Khi đã lâu rồi thơ phải giả vờ hay.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Hiện tượng chệch chuẩn
trong một số câu ca dao, tục ngữ “chế” hiện nay


Ngôn ngữ nghệ thuật là chất liệu tạo nên tác phẩm văn chương. Một nhà văn lớn của dân tộc nào, trong điều kiện bình thường, cũng sử dụng ngôn ngữ của chính dân tộc mình để sáng tác. Dù là ngôn ngữ của dân tộc nào, khi trở thành ngôn ngữ nghệ thuật, nó đều được gọt giũa theo mục đích riêng của người viết, không còn cái nguyên xi của ngôn ngữ thông thường. Chính ngôn ngữ phong cách này là thứ “ngôn ngữ riêng”, ngôn ngữ tác giả.
Hiện tượng “lệch chuẩn” ngôn ngữ chỉ có được ở những nhà văn lớn, những nhà văn có phong cách. Đó là sự sáng tạo ngôn ngữ chứ không phải là chống lại chuẩn mực của ngôn ngữ dân tộc. Sự lệch chuẩn ngôn ngữ góp phần làm giàu bằng cách làm hoàn thiện hơn hoặc tạo ra những chuẩn mới, mở rộng hệ chuẩn của ngôn ngữ. Bởi vì sự sáng tạo chân chính trong lời nói nhà văn xét đến cùng đều bắt nguồn từ khả năng tiềm tàng của ngôn ngữ, từ những qui luật sâu xa của hệ thống. Thế nhưng, một bộ phận giới trẻ hiện nay đã lạm dụng hiện tượng này để tạo ra sự “mới lạ”, “phá cách”, “sáng tạo” ra một kiểu ngôn ngữ mang phong cách “phi chuẩn mực”, dí dỏm, hài hước mà người ta gọi là “chệch chuẩn riêng”. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến “công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và nếu không có sự điều chỉnh sớm sẽ có tác hại đến chuẩn mực ngôn ngữ dân tộc.
Ca dao, tục ngữ là loại văn chương truyền khẩu, biểu hiện nhiều mặt sinh hoạt của người Việt Nam, nhất là về đời sống tinh thần, tình cảm. Ngày nay, với một xã hội sôi động trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều giá trị có thể bị đảo lộn, giễu nhại trở thành một thái độ phổ biến, người Việt đang chứng kiến sự xuất hiện của những câu nói có vần vè, thường được coi là của giới trẻ, chế tác từ các sáng tác dân gian truyền thống (có người gọi là ca dao tục ngữ hiện đại). Trong những “tác phẩm” chế đó, cũng không khó để nhận ra sự xâm nhập của ngôn ngữ nước ngoài vào đời sống ngôn ngữ dân tộc. Sự “hiện đại” thể hiện ngay ở hình thức sáng tạo:

+ Sáng tạo theo kiểu chêm xen (thay đổi) quy tắc ngữ âm, thậm chí còn pha trộn ngôn ngữ theo trào lưu “Tây hóa”:

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Mai sau có lúc ngoài đường “on sale”.

"Trời mưa bong bóng phập phồng
Má đi lấy chồng con ở  dzí… boy”

"Đi đâu cho thiếp theo cùng
No  thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp… bye”

"Ai xứ Nghệ thì
Còn tao… tao cứ Thủ đô tao dzìa”

+ Chệch theo kiểu thay đổi một từ ngữ bằng một yếu tố mới:
       
"Học, học nữa, hộc máu”
"Gần mực thì… bia, gần đèn thì… hút”

+ Chệch theo lối thêm (bớt) cấu trúc của câu ca dao tục ngữ cũ:

"Học, học nữa, học mãi… đúp học tiếp”
"Học đi đôi với hành hành đi đôi với tỏi”

"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Chặt cây nhớ coi cảnh sát”

"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Chờ hoài chờ mãi chẳng thấy mẹ yêu
Sao giờ chưa thấy mẹ yêu gửi tiền”


Thiếu nụ cười sẽ dễ chuyển sang hành xử bạo lực, mà tác hại của nó thì không thể lường hết được. Những câu ca dao tục ngữ “chế” đã phản ánh một phần nào đó của cuộc sống xã hội hiện nay, có thể là:

+ Bệnh tật hoành hành:
   
“Ta về ta tắm ao ta
Bây giờ bệnh SARS lây ba bốn đường”

“Cá không ăn muối cá ươn
Con không ăn muối... thiếu Iot rồi con ơi”

+ Là giá cả leo thang:

"Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp tốn xăng dầu bấy nhiêu”

"Nhà sạch thì mát
Bát sạch tốn xà bông”

+ Tệ nạn xã hội:

“Làm trai cờ bạc rượu chè
Vợ có lè nhè thì  ghè nó luôn”

“Ăn trông “mồi”
Ngồi trông phong bì”

"Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con cũng theo trai/
Em út ba gửi dì hai
Để ba có cớ ba qua thăm dì”


“Làm trai cho đáng nên trai
Đi đâu cũng vác bộ bài sau lưng”

“Chớ chê e xấu, em già
Em đi sửa lại, đẹp ra bây giờ”

"Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời chơi  Nét mà không vương tơ tình”

“Con ơi nhớ lấy câu này
Thức đêm chơi Nét có ngày gặp ma”

“Lên cao mới biết non cao/
Chơi ghẹ mới biết rất là hao đô”

”Hoa hồng thì phải có gai
Con gái thì phải phá thai đôi lần”

“Làm trai cho đáng nên trai
Lang beng  cũng trải giang mai đôi lần”

"Sáng trăng chiếu trải hai hàng
Bên anh "xập xám”, bên nàng  “tiến lên”

+ Tiêu cực học đường:

“Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Sinh viên thi lại là điều hiển nhiên”

"Học làm chi, thi làm chi?
Tú Xương còn rớt huống chi là mình”

"Học cho lắm cũng ăn mắm với cà
Học tà tà cũng ăn cà với mắm
Học cho lắm cũng đi tắm cởi truồng
Học luồn xuồn cũng cởi truồng đi tắm”

”Ước gì môi em là cái đít bút
Anh ngồi học bài cắn đít bút hun em”...


+ Và thậm chí cái người ta gọi là "ca dao tục ngữ sex” cũng được thể hiện rõ, đó là bằng chứng cho thấy sự đe dọa tới văn hóa Việt Nam:

“Ước gì em biến thành trâu
Để anh là đỉa anh bâu vào đùi
Ước gì anh biến thành chầy
Để em làm cối anh giã ngày giã đêm”


Đi “chệch” với một số câu ca dao tục ngữ cũ, thêm bớt làm cho nó dí dỏm, vui nhộn, thể hiện cái tôi sáng tạo của lớp trẻ,… cũng từ đây ngôn ngữ này dường như phản chiếu một mặt nhỏ nào đó trong xã hội Việt: bệnh tật đe dọa con người (SARS, bị Biếu cổ do thiếu I-OT); hậu quả các tệ nạn mại dâm, Sida (HIV/AIDS), lang beng, giang mai; dân số đông làm cuộc sống con người không đảm bảo; tình trạng cờ bạc rượu chè, nguyên nhân đánh vợ của một bộ phận “nam giới”; hiện đại - đi đôi với nó là khoa học kỹ thuật phát triển, con người càng quan tâm hơn vẻ đẹp hình thể bên ngoài của mình, muốn xóa đi vẻ ngoài không “hoàn hảo” thay vào đó là “môi xinh, dáng chuẩn, mũi dọc dừa, mắt bồ câu…” thì sự xuất hiện các trung tâm thẩm mỹ (sửa đổi) vóc dáng là cần thiết, bạn sẽ có (vóc chuẩn hay eo thon và thậm chí là làn da trắng, khuôn mặt xinh…) để rồi có thể tự tin nói rằng: “Chớ chê em xấu, em già/  Em đi sửa lại, đẹp ra bây giờ”; hơn hết đó là tình trạng buông lỏng của gia đình, không quan tâm con cái dẫn đến tệ nạn chơi “Game, chát...” quên học hành của giới trẻ, xem việc học là điều không cần thiết, sự suy đồi đạo đức, ham chơi, xem thi lại là điều bình thường và hiển nhiên (Không thi lại không phải là sinh viên),…
Từ đây, những câu ca dao tục ngữ “chế” thông qua ngôn ngữ đã có vai trò “là một tấm gương phản chiếu xã hội”, giúp xã hội có thể nhìn nhận một cách thiết thực hơn, cần làm gì và phải hành động như thế nào để có hướng khắc phục những hiện trạng trên. Nhưng chính hiện tượng sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện, phóng tác theo trào lưu, theo cảm tính của một bộ phận giới trẻ, cách thể hiện riêng mà theo họ đó là độc đáo - cách tân mới lạ của mình đã làm tiếng Việt mất đi vẻ đẹp  trong sáng vốn có, cách sử dụng từ ngữ trái quy tắc ngữ âm tiếng Việt: Ziệt Nam, zô, zới, hok, nhìu chiện…, sự pha tạp ngôn ngữ Tây - Ta trong sử dụng một cách vô lối: Boy (trai), on sale (bán), no (không)…
Tình dục là một khía cạnh văn hóa, một sắc thái rất đặc trưng, một vấn đề rất đời thường và luôn luôn hiện diện trong cuộc sống của con người. Ca dao Việt Nam là một loại văn chương bình dân rất giản dị, thẳng thắn, trung thực không màu mè, chải chuốt, có một sức mô tả rất sinh động tất cả nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quán xã hội của đại đa số dân chúng. Xã hội hiện đại hóa, sự phát triển của  Internet đã tạo ra bước đột phá trong nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến cách sống, cách nghĩ của cả thế giới. Vấn đề tình dục, sex trên các phương tiện thông tin đại chúng lại càng phổ biến rộng khắp, thậm chí còn đi ngược lại với nét văn hóa truyền thống Việt Nam được gìn giữ từ bao đời. Vẫn biết rằng hiện đại thì cái đẹp có quyền phô ra, cái tôi cá nhân được tự do, thoải mái trong tất cả mọi mặt; “chế” trong ca dao tục ngữ sẽ tạo ra sự rung động về tình yêu, sự khao khát và nỗi đam mê về thân xác là rất thật, “rất người”, “rất đời” của con người trong thời đại mới. Nhưng cũng chính nó đã làm mất đi sự e ấp, nồng nàn. “Chế” sáng tạo mới đã đánh mất những đằm thắm, những dịu dàng, những tinh tế của con người. Nền văn minh lúa nước đúc kết bao kinh nghiệm, lưu truyền từ người này sang người khác. Thế là ca dao tục ngữ được hình thành. Nói đến ca dao tục ngữ người ta thường nghĩ ngay đến vẻ đẹp tinh thần của truyền thống dân tộc. Nhưng nhìn lại một cách toàn diện, những câu “ca dao tục ngữ “chế” hiện nay còn mang đầy đủ giá trị đó chăng?
Từ “chệch chuẩn” để nhìn về “chuẩn”, trong các chuẩn của đời sống xã hội thì chuẩn ngôn ngữ là rất quan trọng. Trường học cần đặc biệt coi trọng mục tiêu đào tạo những thiếu niên, thanh niên có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ, với ý thức về chuẩn ngôn ngữ. Nhưng rõ ràng là chuẩn ngôn ngữ không đơn giản mà khá phức tạp. Bởi hoạt động ngôn ngữ, con người chịu những bó buộc mà cũng có khả năng lựa chọn. Trong giáo dục ngôn ngữ chúng ta gặp rất nhiều trường hợp “chệch chuẩn”, ở cương vị người thầy, nên có ý kiến trước các chi tiết này. Tuy nhiên, cũng thận trọng vì nó dễ sinh ra không nhất quán, giáo dục ngôn ngữ không thể nào cắt đứt mối liên hệ giữa hệ thống với thực tiễn đời sống và văn chương. Mà văn chương thì biến đổi từ xưa tới nay, và nó rất đa dạng.
Là ngôn ngữ quốc gia của nước Việt Nam mở cửa và hội nhập, tiếng Việt đã và đang đứng trước một thách thức mới: với chức năng phản ánh, là “tấm gương phản chiếu xã hội”; tiếng Việt phải phản ánh được và thực hiện được chức năng giao tiếp của đất nước đang ở giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi vậy, khi sử dụng ngôn ngữ cần đảm bảo “tiếng Việt là tiếng Việt”. Việc sử dụng ồ ạt các ngôn ngữ thiếu chọn lọc vào trong lời ăn tiếng nói, theo mốt, theo cảm tính (nhất là giới trẻ hiện nay) là một cảnh báo và là nguyên nhân làm tiếng Việt phát triển theo hướng tiêu cực. Vì vậy, mỗi người cần có một cái nhìn động đối với ngôn ngữ, sử dụng các từ vay mượn, các từ ngoại lai sao cho phù hợp bản sắc ngôn ngữ, phù hợp điều kiện ngôn ngữ - xã hội của đất nước.

Kiều Nga


TÀI LIỆU THAM KHẢO
Công trình khoa học được công bố:

1. Hồ Thế Hà, Nghĩ về sáng tạo và tiếp nhận văn học hiện nay, nhoc-ngonngu.edu.vn
2. Hoàng Tuệ, Tuyển tập ngôn ngữ học, Nxb Khoa học Xã Hội, Hà Nội, 2001.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Hoàng Quang Thuận & dự án Nobel thơ

Bài đăng trên Trương Duy Nhất, Một góc nhìn khác lúc 0:00 am 12 August 2012

http://truongduynhat.vn/wp-content/uploads/2012/08/tapthonobel2.jpg


Từ một người không hề biết làm thơ, bỗng dưng được rắn hổ Kim Xà và phượng hoàng nhập hồn, biến thành một nhà thơ với những vần thơ “thiên giáng” dự giải… Nobel!

     Cà phê Trúc Lâm Viên, Đà Nẵng. Đang ngồi với Nguyễn Quang Lập và Huy Đức thì một gã đến chào. Người phốp pháp, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. Trông tướng vừa tựa Mã Giám Sinh, áo vét đen thẳng nếp chỉn chu như một quan chức hàng Bộ trưởng, lại vênh váo bất cần vẻ ta đây của một tay trọc phú thừa tiền ít chữ.

     Tôi chưa từng gặp và cũng chẳng nghe cái tên Hoàng Quang Thuận bao giờ. Lão cũng vậy, nghe anh Lập và Huy Đức giới thiệu Trương Duy Nhất mà cứ ngơ ngơ như bò đội nón. Huyên thuyên về tiền và các mối quan hệ từ tầm Hữu Thỉnh, Hữu Ước trở lên.

     Khi gã đi rồi, Nguyễn Quang Lập mới tủm tỉm: nhà thơ Hoàng Quang Thuận, ông đã nghe bao giờ chưa? Về bấm google sẽ ra, một nhân vật khá… hay đấy!

     Thế rồi sự việc cứ trôi qua khiến quên béng đi. Cái tên Hoàng Quang Thuận quá lạ, không đủ hấp lực để buộc tôi phải gõ google tìm kiếm. Dáng hình phốp pháp nhẵn nhụi mày râu vênh váo bất cần như bao hình mẫu thường nhật cũng vụt qua mau, chẳng để lại ấn tượng gì.

     Bất chợt mấy hôm rồi đọc báo thấy thổi ỏm tỏi chuyện một lão nhập đồng làm “dự án” thơ tham gia giải Nobel. Trông khuôn mặt quen quen, cố nhớ mãi, hóa ra là cái lão áo vét chỉn chu nhẵn nhụi mấy tháng trước gặp ở cà phê Trúc Lâm Viên.

     Lần này thì không kiềm nổi. Gõ google mới tá hỏa: hóa ra lão này quá… nổi tiếng! Một “hiện tượng văn chương”, những vần thơ “thiên giáng”!!!

http://truongduynhat.vn/wp-content/uploads/2012/08/HoiThaoHoangQuangThuanVoiNonThiengYenTu_HuuThinhTangHoaHoangQuangThuan.jpg
Nhà thơ Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh
và nhà thơ “thiên giáng” Hoàng Quang Thuận (ảnh Vănvn.net)


     Trước khi nhận định về “những vần thơ thiên giáng” và hiện tượng Hoàng Quang Thuận, hãy tìm hiểu xem ông là ai và cơ duyên nào đã khiến ông đến với thơ để trở thành một “hiện tượng văn chương” ứng viên tiềm năng của giải… Nobel?

     Sinh năm 1953, quê Quảng Bình, là giáo sư tiến sĩ, Viện trưởng Viện công nghệ viễn thông – Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Hoàng Quang Thuận cho biết từ trước 1997, ông chưa bao giờ biết làm thơ. Nhưng duyên nghiệp thơ ca đã đến với ông khi lần đầu tới thăm non thiêng Yên Tử.

     Khi từ đỉnh chùa Đồng xuống đến chùa Hoa Yên, ông gặp một tay thanh niên người dân tộc đang ngồi rao bán một con rắn hổ chúa có mào đỏ chót nghe nói vừa bắt được tại gốc sứ cổ thụ 700 năm tuổi, sát cạnh mắt rồng của khu lăng mộ tổ vua Trần. Ông Thuận đã mua “ngài” hổ chúa rồi phóng sinh. Con hổ chúa được vị ni sư Huệ Giác đặt tên là Kim Xà. Điều kỳ lạ: ngay khi được thả, Kim Xà bèn ngẩng cao đầu hơn 1m, gật đầu ba lần chào ông Thuận rồi mới trườn vào rừng thiêng Yên Tử.

     Từ đó ông như bị thần nhập và bắt đầu biết làm… thơ! Chỉ trong 3 đêm, cứ từ 12 đến 5 giờ sáng, ông viết liền một mạch 63 bài thơ về Yên Tử. Những vẫn thơ “thiên giáng” ấy được in thành tập “Ngọa vân Yên Tử”. Sau này ông cho bổ sung, tái bản thành tập mới là “Thi vân Yên Tử” với 143 bài. Độc bản 143 bài “Thi vân Yên Tử” nặng 120kg sau đó được trao giải “kỷ lục châu Á”.

     Một tập thơ khác của Hoàng Quang Thuận cũng đượm chất kỳ bí bởi được khoác vào câu chuyện “tiền nhân mượn bút”.

     Trong dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long, ông và nhà thơ Dương Kỳ Anh về “cầu thơ” tại khu du lịch tâm linh Tràng An – Bái Đính. Khi thuyền qua đền Trình, ngang cửa hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu… thì bỗng thấy hiện lên một con chim phượng hoàng tuyệt đẹp cánh trắng, mỏ vàng bay lướt qua rặng cây ven suối. Lập tức lúc đó người ông như trào dâng một cảm giác rất đặc biệt, như đột nhiên bị lôi chìm vào một không gian trầm mặc, trang nghiêm và kỳ bí của mấy nghìn năm trước.

     Sau khi lễ tại đền Trần, Dương Kỳ Anh và Hoàng Quang Thuận ở lại qua đêm mỗi người một phòng trong khu nhà lầu hình bán nguyệt. Hai ông đã cùng nhau làm một cuộc tâm nguyện trước bàn thờ Phật tổ rồi ký tên vào những xấp giấy trắng (khổ A4) để ứng nghiệm thơ thiền (xin thần nhập về để làm… thơ). Hai người ký chéo những tờ giấy trắng và trao đổi cho nhau. Hoàng Quang Thuận nhận 141 tờ có chữ ký của Dương Kỳ Anh và ngược lại. Đến 12h đêm, mọi thứ vẫn yên bình không động tĩnh gì. Khuya, Hoàng Quang Thuận chợt thấy mát lạnh trong người, như có một luồng gió lạ thổi qua. Ông lấy một tấm chăn choàng lên người và ngồi vào bàn viết. Kỳ lạ, như có “tiền nhân” nhập hồn, những câu thơ cứ tự thế tuôn trào, ông ngồi viết liền một mạch trong trạng thái rất vô thức. Khi giật mình choàng tỉnh thì đã 4h sáng. Nhìn trên mặt bàn, ông thấy la liệt những tờ giấy mình vừa viết, thu lại đếm được tất cả 121 bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt Đường luật. Chính ông cũng ngỡ ngàng không tin được điều kỳ lạ vừa xảy ra. Trong khi Dương Kỳ Anh chỉ làm được vỏn vẹn… 4 câu.

     Thật hư câu chuyện Kim Xà mào đỏ và chim phượng hoàng cánh trắng mỏ vàng ra sao không rõ. Bởi chẳng ai thấy, chỉ nghe ông Thuận kể lại. Nhưng chuyện ông bỗng dưng biết làm thơ, thơ tuôn trào đến hàng trăm bài thì có thật.

     Chính Dương Kỳ Anh cũng phải khâm phục và kinh ngạc trước sự “nhập thơ” thần bí kỳ lạ này. 121 bài thơ Đường luật “tiền nhân mượn bút” đó sau này được Hoàng Quang Thuận in thành cuốn “Hoa Lư thi tập”. Độc bản “Hoa Lư thi tập” nặng 54kg được đem trưng bày tại khu vực hoàng thành Thăng Long trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.

     Nếu độc bản “Thi vân Yên Tử” được trao giải “kỷ lục châu Á”, thì độc bản “Hoa Lư thi tập” (kích thước 109cm x 70cm x 10cm, nặng 54kg) đang được ông Thuận làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là… di sản ký ức nhân loại!

     Lịch sử văn chương Việt chưa bao giờ có được một “hiện tượng thơ” độc đáo và kỳ bí đến vậy. 3 tập “Thi vân Yên Tử”, “Ngọa vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi Tập” được in và tái bản tới 4 lần với các bản tiếng Việt – Anh – Pháp. Riêng tập “Thi vân Yên Tử” được một vị giáo sư tên David đem về sử dụng để… giảng dạy trong trường đại học ở Mỹ (!?)

     Đặc biệt và hoảng hốt hơn: Từ năm 2009, ông Thuận đã cho làm hồ sơ dịch 2 tập “Thi vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi Tập” sang tiếng Anh để gửi tham dự giải Nobel văn chương quốc tế. (xem kyluc.com, an ninh thủ đô, phongdiep.net)

(Còn tiếp...)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Hoàng Quang Thuận & dự án Nobel thơ

Bài đăng trên Trương Duy Nhất, Một góc nhìn khác lúc 0:00 am 12 August 2012

(Tiếp theo và hết)

     Hoàng Quang Thuận với những tập “thơ thần” và “dự án” Nobel của ông đã tạo nên một hiện tượng hiếm hoi có một không hai. Nhiều bàn cãi, chê thì thậm tệ mà khen cũng ngút trời.

     Nhà thơ Trần Trương (tạp chí Thơ) cho rằng: “Tác giả bảo trong 4 giờ của một đêm, hình như có “tiền nhân” nhập vào hồn nên ông viết liền 121 bài thơ theo thể tứ tuyệt Đường luật. Tôi nghe xong thấy kinh hãi, và tự hỏi: đây là một thiên tài hay một người tâm thần vì ông đã quyết định gửi tập thơ “Thi vân Yên Tử” đi dự giải Nobel thế giới. Tôi đọc tập “Thi vân Yên Tử” và nghe qua nhiều phát ngôn của bạn đọc và các nhà thơ khác thì tập thơ này là tập thơ tả cảnh một cách trực giác nhưng vô hồn, một tập thơ của người chơi ngông, và chắc chắn là hầu hết các bài làm theo kiểu “Đường luật” thì đều sai luật” (nguồn: báo Thanh Niên)

     Nhà phê bình Nguyễn Hòa cũng khá nặng nề: “Dù tác giả làm nhiều bài thơ tứ tuyệt, hoặc ghép hai bài tứ tuyệt thành một bài thất ngôn bát cú cho có dáng dấp Đường luật, thì ngay cái việc cố gắng ép vần cũng đã đưa lại ý từ khôi hài…”

     Trong khi nhiều nhà phê bình gọi Hoàng Quang Thuận là “dòng thơ thiền”, thì Nguyễn Hòa và Nguyên An gọi đó là loại thơ “vịnh cảnh”. Nguyễn Hòa cảnh báo: “Xin chớ nghĩ hễ trong bài thơ có hình ảnh chùa chiền, non cao, bóng núi, cây đa, mây trời, trăng treo, tiếng hạc… là bài thơ sẽ có chất thiền”.

     Dù sao, vẫn thấy nhiều người ca bốc hơn chê. Hay tại thiên hạ vẫn quen nếp thấy “bất thường” tí là cười khẩy bỏ đi không thèm dây vào?

     Hội nhà văn Việt Nam lại có vẻ như bắt được cái mạch thơ “thiên giáng” của Hoàng Quang Thuận. Chủ tịch hội, ông Hữu Thỉnh đã nhìn nhận thơ Hoàng Quang Thuận là “nghệ thuật cao nhất của thơ ca”. Đề cập tới bài “Am xưa”(Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc/Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm/Tiếng sáo thiền ca vui bất tận/Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Đây là bài thơ tiêu biểu cho hai bút pháp thiêng liêng hóa và đời thường hóa, nhân vật trong bài thơ này phải là người tu đắc đạo mới lấy trăng thay cho giường chiếu mà không sợ phàm tục, nhìn thấy trong trăng còn nhiều trăng nữa, tức là qua một vật mà nhìn thấy cái vô biên của vạn giới”

     Một đại hội thảo về “hiện tượng” thơ Hoàng Quang Thuận đã được Hội nhà văn Việt Nam tổ chức một cách kỳ công, như thể là bước chuẩn bị… thành kính làm bệ đỡ cho khát vọng Nobel của ông Thuận.

     Cùng với nhà thơ Chủ tịch hội Hữu Thỉnh, rất rất nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu tên tuổi đều hết lời ngợi ca và tỏ ra thích thú với hiện tượng “thần phật linh ứng nhập hồn” biến một lão ông không hề biết làm thơ thành một “nhà thơ” kỳ bí cho nền thơ Việt.

     Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên viết “Đối với Hoàng Quang Thuận, không có ma quỷ nào đưa lối dẫn đường cả, mà chỉ có thần, phật phù hộ độ trì từ khi ông phát tâm nguyện làm một đệ tử trung thành nơi cửa thiền, để rồi từ đấy những vần thơ thấm đẫm chất linh nghiệm báo ứng của tiền nhân hiện về”. Nhà phê bình Đặng Hiển lại cho rằng, nét đậm nhất của “Thi vân Yên Tử” là dấu tích của vua phật Trần Nhân Tông trên Yên Tử. Ông cũng nói thêm “nhưng đó là dấu tích trong lòng người, trong lòng thi nhân”. Nhà phê bình trẻ Thế Trung nhận xét, với hơn một trăm bài thơ, Hoàng Quang Thuận đã vẽ ra trước mắt người đọc một quang cảnh tuyệt mỹ của vùng núi mây Yên Tử, đồng thời được tìm về cội rễ của thiền phái Trúc Lâm. Thế Trung nói: “Thi vân Yên Tử” tập hợp những vần thơ vừa thanh tao, tĩnh lặng, vừa huyền diệu, xa vắng, mang nhiều hàm ý sâu xa, lại gần gũi với đời thường dễ dàng thấm sâu vào lòng người”. Đăng Lan lại cảm nhận: “Thi vân Yên Tử” – Bằng tâm hồn nhạy cảm, tứ thơ hiền hòa, thanh thoát, ám ảnh đậm chất biểu trưng nên tạo khởi rất nhanh, biến ảo trong cái thế giới liên tưởng trong tâm hồn người đọc. Nó là tiếng nói của cảnh giới xuất thế biểu hiện sự sâu lắng; nơi đây giáp mặt cả bốn bề tâm sự; lắng nghe, tỏ bày, đốn ngộ…”

     Nhiều vị nhắc đến và đánh giá cao những câu thơ “thần” viết về Am Ngọa Vân của Hoàng Quang Thuận có tên “Am xưa” như nhà thơ Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Hữu Việt, nhà phê bình Trần Thị Thanh, Ngô Hương Giang: Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc / Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm / Tiếng sáo thiền ca vui bất tận / Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng”.

     Còn ông Dương Kỳ Anh, nhà thơ, cựu Tổng Biên tập báo Tiền Phong thì nhận xét đấy là “những câu thơ hay đến lạnh người”. (nguồn: evan.vnexpress.net)

     Thậm chí (mô Phật!), nghe nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã bình thơ của nhà “thiên giáng” Hoàng Quang Thuận rằng “đọc những bài thơ hay đượm gió ngàn cao, thấm nguồn suối núi, những bài thơ của một con người đầy tư tưởng nhân văn”. (nguồn: báo điện tử đảng Cộng sản VN)

     Còn tự ông Hoàng Quang Thuận nói về những bài thơ “tiên giáng” của mình thế nào?

     Ông bảo “đó là tiền nhân mượn bút tôi viết thơ”. Phản ứng trước nhận xét của một số người cho rằng thơ ông chỉ là thể thơ du ký, loại tức cảnh sinh tình bình thường xuất hiện nhan nhản trong đời sống văn học hiện nay, ông Thuận nói: “Những bài thơ du ký là bài thơ làm về con người thực, địa danh thực do họ nhìn thấy, cảm thấy, còn tôi du ký trong một đêm sương gió, trong một đêm huyền ảo, du ký trong tâm tưởng. Nhiều địa danh xuất hiện trong thơ tôi ở Hoa Lư, Yên Tử sau đó các nhà sử học phải tìm lại, dân ở đó còn chả nhớ, phải tra lại mới ra, có chỗ phải dịch chữ Hán mới ra”.

     Sau 2 sự kiện ly kỳ như ông kể, liệu “tiền nhân” có còn tiếp tục nhập hồn “mượn bút” ông viết thơ nữa không?

     Ông Thuận bảo “Cái này không nói trước được. Phải có những thời khắc lịch sử nhất định, hòa hợp âm dương nhất định mới ra đời. Ví dụ như dịp tròn 700 năm vua Trần Nhân Tông về Yên Tử thì mới có “Thi vân Yên Tử”, dịp nghìn năm Thăng Long thì mới có “Hoa Lư thi tập”… (nguồn: phongdiep.net)

     Thú thật, tôi không thể tin nổi vì sao thơ lại có thể “nhập” được vào một khuôn tạng như ông Thuận. Nhớ lại buổi gặp tình cờ ở cà phê Trúc Lâm Viên, hình dung lại cái khuôn mặt, cách tiếp chuyện khiến cứ phải liên tưởng đến… Đinh La Thăng! Ông Thăng cũng có làm thơ. Thơ ông được phổ nhạc, nhưng không dự Nobel, mặc dù ông Thăng vẫn có một khát vọng… Nobel khác! (xem “Đinh La Thăng và khát vọng Nobel”)

     Cái tên Đinh La Thăng giờ nhiều người nghe là sợ. Sợ ổng lâu lâu nổi hứng nảy ra một “sáng kiến” thì dân tình méo mặt. Trước tôi chưa biết chưa nghe đến cái tên Hoàng Quang Thuận. Nhưng giờ đây ra đường, hễ cứ nghe ai nhắc đến Hoàng Quang Thuận là giật thót mình lui người lại.

     Không biết bạn đọc đánh giá hiện tượng thơ “thiên giáng” và nhân vật Hoàng Quang Thuận ra sao, chứ tôi hoảng quá. Hoảng còn hơn cả khi nghe ông Hữu Thỉnh tuyên bố tổ chức đại lễ thơ, hoảng hơn cả khi nghe có ông đại biểu quốc hội đòi phải ban hành “luật thơ”, hoảng hơn cả khi nghe ai đó đề xướng ý tưởng đòi UNESCO công nhận Việt Nam là… cường quốc thơ!

     Thương thay cái dân tộc của tôi. Một dân tộc mà ai ai cũng làm thơ, toàn dân làm thơ, toàn dân thành nhà thơ. Có lẽ đây chính là một biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý và tư duy của người Việt. Vì thế, trong hàng triệu triệu nhà thơ, bỗng hôm nào đó  một vài vị bỗng dưng được rắn-phụng-chuột-mèo-chó-chim nhập hồn, hóa thành thần nhập thiên giáng như “hiện tượng” thơ Hoàng Quang Thuận cũng là điều dễ hiểu.

     Chỉ có điều cứ nghe nhắc là phản xạ giật thót mình lui người lại như phải tránh một cái điều gì đó rất vô hình, vớ vẩn, mông lung.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Nói thật về thơ của ứng viên giải Nobel Hoàng Quang Thuận

Bài đăng trên nguyentrongtao 11.08.2012

       NTT: Những gì thái quá rồi cũng bị phản ứng để đưa nó về đúng chỗ. Mấy hội thảo thơ gần đây việc khen chê có triệu chứng “vô lối”, nó khiến người ta nghĩ đến sự cơ hội của các nhà khen chê. Nhưng điều quan trọng hơn là chính các nhà thơ cũng bị ngộ nhận về mình, thậm chí còn tranh thủ lợi dụng cả những lời khen chê quá thái ấy để quảng cáo cho mình. Đó là xu hướng suy đồi nguy hiểm, làm cho thật giả lẫn lộn. Những người hiểu biết thì mỉm cười khinh khi. Những người đọc bình thường thì không biết nghe bên nào, như gà mắc tóc không có lối ra. Cuối cùng thì cũng có một người dám nói thật, đó là nhà thơ Trần Trương, khi ông nói về thơ của GSTS Hoàng Quang Thuận – tự ứng cử viên giải thưởng Noben…

ỨNG VIÊN NÔ - BEN hay hội chứng Nô Đùa ?

TRẦN TRƯƠNG

       Vài tháng nay tôi được vinh dự đi dự một số cuộc hội thảo về THƠ, giới thiệu các tập thơ của các tác giả tên tuổi và chưa có tên tuổi. Hội trường khiêm tốn về chỗ ngồi của Hội Nhà văn VN luôn đầy ắp cử tọa nam, phụ lão ấu đến dự. Rồi thì băng rôn, khẩu hiệu, tiêu đề, lẵng hoa tràn cả ra sân và hành lang hội trường vốn còn chật hẹp và đông đúc. Giữa thời buổi kinh tế nước nhà đang chập chờn lúc lạm phát lúc thiểu phát, rồi bất động sản đóng băng, rồi hàng nghìn công ty thua lỗ, phá sản, rồi chạy trốn khỏi lệnh truy nã, rồi thì đại gia tự tử, rồi thì biểu tình đi đòi công lý, rồi thì cưỡng chế ép dân, rồi thì hàng hóa ế ẩm, rồi thì lừa đảo, cướp, giết, lừa tình, mại dâm chân dài, tàu hỏa đâm ô tô, xe điên lao vào cảnh sát, cảnh sát tát dân, thật là vô vàn kinh hãi, vậy mà hơn lúc nào hết con người bất chấp khủng hoảng,họ (cũng có không ít các quan chức thất thế về hưu đang muốn lưu danh với núi sông) cứ lao vào làm thơ, sáng tác thơ, in thơ hàng nghìn hàng vạn bản đua nhau lên sàn… “chứng kiến” và sau đó là một hội chứng Tọa đàm, hội thảo, PR, “lốp-bi”, viết bài bốc thơm tràng giang đại hải, và thấy “nhà thơ” nào cũng tâm, tài ngang ngửa, rộn ràng hơn cả không khí Ôlempic ở xứ Anh Quốc sương mù.

       Trong và ngoài hội thảo, tọa đàm nghe ra không khí huyên náo giữa hai “trường phái” bởi một bên ra sức ca bài ca đầy hy vọng, thậm chí có những câu nói dựng tóc gáy: Thơ ông Q vừa xuất phát đã tới đích!!? Thật là vô lối, vừa bước chân đã đến đích thế thì hơn cả Tôn Ngộ Không và chắc chắn ông nhà thơ ấy sẽ được thay ngay vận động viên điền kinh VN đi dự Ôlempic để giành tấm huy chương vàng môn chạy. Nói cho cùng chứ THƠ làm gì có đích! Ấy vậy mà cái bản tham luận của “nhà” triết học nửa mùa nào đó cứ xưng xưng lên rằng câu phát ngôn ấy biểu tượng cho sự khám phá, thật là một thứ  chân lý… cùn. (Những kiểu khen ấy cứ như lời nịnh quá mức làm cho cả người được khen cũng cảm thấy ngượng). Còn ở phía bên kia thì lại quá đáng bằng những câu phát ngôn vô văn hóa đến tột độ. Họ phủ nhận hết, thơ anh ấy là kệch kỡm, là Bút Tre, là con cóc , là vô lối… là báo tường, trong khi giới văn chương biết đến mấy ông cực đoan ấy chỉ là hạng xoàng, đời sống bê tha, bia rượu vô chừng, kiến thức ở dạng báo đọc ở giờ ít người nghe ở “Đài tiếng Lói”, văn chương ông ta lổn nhổn mà tác phẩm được đo bằng thước thợ mộc về chiều dày trang sách nhưng vô hồn về con chữ. Nhưng thôi, hôm nay không bàn về việc ấy mà tôi nói luôn vào cuộc hội thảo thơ của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận với “Thi vân Yên Tử”. Tôi cũng không bàn đến những đại biểu đến dự, mà muốn nói ngay vào tập thơ này. Một tập thơ dày cả bìa là 204 trang (in ra để biếu). Tôi đọc và tôi nghe qua rất nhiều phát ngôn của nhiều bạn đọc và các nhà thơ khác thì tập thơ này là tập thơ tả cảnh một cách trực giác nhưng vô hồn, một tập thơ của người chơi ngông, và chắc chắn là hầu hết các bài làm theo kiểu “Đường luật” thì đều sai luật. Người ta bảo làm thơ bẩy chữ thì sao lại phá cách mà không “Nhị tứ lục phân minh/ Nhất tam ngũ bất luận”. Có ông nhà thơ nào đó lại bênh rằng: Ông ấy đã hào phóng bất chấp luật!? Thế thì có ngày vượt đèn đỏ là tai nạn như chơi. Cứ xui dại người ta. Xin dẫn chứng:

       Hai MÙA xuân-hạ, đại NỞ hoa..
       …Hoa RỤNG sân chùa hương THƠM ngát


       Xin đánh chữ in hoa để các bạn thấy rằng bài thơ có 4 câu nhưng sai luật 2 câu, ấy vậy mà in ở nhà xuất bản Giáo Dục, ngõ hầu dạy học sinh làm thơ thì thật nguy quá. Nghe đâu sách thơ này còn có ý định được đưa vào dạy trẻ con ở một cái trường tận bên MỸ kia đấy. Nếu làm thơ tả cảnh như thế này thì việc gì phải lên đến Yên Tử để mà tả cảnh, cứ kiểu làm thơ này tôi ngồi ở Hồ Tây mà viết cũng kém chi: một anh làm thơ 7 chữ ngồi uống trà sen liền đọc cho tôi nghe bài tứ tuyệt của anh tức cảnh như sau:

       Sen hạ Hồ Tây đỏ một vùng
       Chuông chùa Trấn Quốc nhẹ ngân rung
       Cô gái hái sen in bóng nước
       Hương bay tỏa ngát đến vô cùng…


       Đấy thơ của một ông bạn già về hưu viết ra ngay, kém chi “Thi vân Yên Tử” nhỉ? Mà thật lạ các bài viết trên mấy báo đều tung hô tập “Thi vân Yên Tử” đến mức khó hiểu. Nào là được tổng thống Pháp đón nhận, Vua Thụy Điển kính nể, Giáo sư Mỹ kinh ngạc!? Một tập thơ vào loại dưới trung bình, câu cú thì cổ hủ, hành văn thì tùy tiện, gặp gì nói đấy, may mà không gặp cái cảnh nhà vua đi… vệ sinh, tôi e rằng đến đây mà không giữ bình tĩnh, xúc động quá mà tức cảnh thành thơ thì… khó tả. Tác giả bảo trong 3 giờ đồng hồ của một đêm, hình như có “tiền nhân” nhập vào hồn ông nên ông viết liền 121 bài thơ theo thể tứ tuyệt Đường luật! Tôi nghe xong thấy hãi, và tự hỏi: đây là một thiên tài hay một người tâm thần? Và ông đã quyết định gửi tập thơ Thi vân Yên Tử đi dự giải “LÔ-BEN”!!!

       Thưa quí độc giả, tôi không bao giờ có ý định phủ nhận thiên tài, nhưng thiên tài không bao giờ sinh ra từ tiền bạc.Vùng núi, vùng sâu xa xôi kia bà con các dân tộc còn đói lắm, hãy chắt chiu những đồng tiền ấy cho một ngày sống của kẻ nghèo khó hơn là in hàng nghìn cuốn sách vô bổ đưa vào khoảng không hão huyền và huyễn hoặc. Lao động nhà văn là một loại lao động đặc thù và vô cùng khó nhọc. Nhà thơ Mai-a-côp-xki đã dạy chúng ta(đại ý): Phải chắt lọc trong hàng nghìn quặng chữ, để tìm ra một chữ mà thôi. Xin ai muốn bước vào lãnh địa của thơ ca thì  đừng bao giờ huyễn hoặc mình hay nhầm tưởng câu nói của tên tội phạm ngày nào là “mọi cái đều mua được bằng tiền và nhiều tiền”… Vâng cũng có thể chức vụ thì mua được nhưng THƠ CA thì không có cách nào mua được cả, đấy là điều tiên quyết của bất cứ thời đại nào, chế độ nào.

Phản hồi của Nhà báo Lê Phương Dung:

       Tôi khẳng định là tôi không bao giờ thèm quan tâm hay đọc bất cứ một cái gì hay thơ thẩn của cái ông tờ sờ Hoàng Quang Thuận này, dù ông ta có là “bạn thân” của Bạn tôi thì tôi vẫn xem thường lắm lắm. Lý do tôi sẽ nói thẳng khi nào có dịp gặp mặt ông ta, và thực lòng mà nói thì tôi chắc chắn là ông tờ sờ này chưa bao giờ biết mặt tôi (có chăng chỉ trên Báo, mạng). Và ngược lại thì tôi cũng như vậy, lúc đầu tôi cũng cứ nghĩ chỉ là một dạng “tầm gửi” dây leo vô hại. Nhưng sau khi có những vụ việc xảy ra mà tôi được chứng kiến tường tận… thì tôi thậm khinh bỉ. Và tôi lại nhớ lại chuyện “ngửi văn”. Có một người mù cả hai mắt nhưng lại sành thưởng thức Văn chương, nói rằng chỉ ngửi hơi Văn cũng biết Văn hay dở,hà tất phải đọc. Ông Tú nọ đưa bộ Tây Sương Ký, anh ta lật qua lật lại rồi bảo: – Tây Sương Ký đây mà! Ông Tú hỏi sao biết? Anh ta trả lời: -ngửi có mùi son phấn! Ông Tú lại đưa bộ Tam Quốc ra hỏi. Anh ta ngửi, rồi bảo: – Tam Quốc Chí đây mà, ông Tú tặc lưỡi sao giỏi thế? Anh ta thủng thẳng: -thì ngửi có mùi binh đao. Thấy ông ta nói đúng quá, ông Tú phục sát đất, vốn là người tự phụ, cho rằng xưa nay chưa ai hiểu Văn chương “Uyên Bác sắp giật giải Lo-ben” của mình, bèn đưa tập Thơ mình mới làm ra hỏi, để hòng mong nhận một lời khen, anh chàng kia không đưa lên mũi ngửi mà lại đẩy ra xa rồi bảo:  - Văn này là của ông chứ gì? Quá ngạc nhiên và khoái trá, anh ta hỏi sao biết? Thì ngửi có mùi thum thủm… (…).

Nguồn: lethieunhon.com

TK xin đưa hai links có các bài thơ của Hoàng Quang Thuận để các bạn tham khảo:

Trang thơ Hoàng Quang Thuận trên VN Thư quán

HOA LƯ - THĂNG LONG THI TẬP (Song ngữ Việt Anh)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Hồi đầu năm ngoái, tôi được một cụ bạn thơ (Nói cụ bạn thơ là vì 2 nhẽ: Cụ ấy hơn tôi những 17 tuổi, năm nay cụ đã 83 tuổi rồi, và cụ ấy thỉnh thoảng cũng làm thơ vườn như tôi để giết thời gian)cho mượn tập thơ viết về Yên Tử và Tràng An Ninh Bình của ông Thuận. Tập thơ do ông Thỉnh (Cái ông Hữu Thỉnh ấy) - Chủ tịch Hội nhà văn VN viết lời giới thiệu bốc lên tận mây xanh. Cái việc ông Thuận bảo do Thần Phật nhập vào nên chỉ mấy tiếng làm xong hơn trăm bài thơ như in ở sách thì bịp trẻ con nó cũng không nghe rồi. Nhiều bài tứ tuyệt tự cho hoặc giới thiệu là Đường luật, tôi đã phải lôi cả công thức thơ Đường luật cổ và kim ra đối chiếu thì nhiều bài sai toét. Còn chất lượng từng bài đến đâu, loại thơ gì ai đọc sẽ rõ. Sau khi đọc khá nhiều bài, tôi đã làm một bài nói lên cảm tưởng của mình và đã đăng trong TV. Đến nay ông Thuận và ông Thỉnh lại đẩy sự việc lên bước nữa. Họ có quyền và tiền thì làm gì mà chẳng được. Biết đâu đến lúc Hội đòng xét giải Nô Bel thay tiêu chí thì ông Thuận hoặc con cháu ông theo sẽ đoạt giải cũng nên. Với tư cách một người đã đọc phải thơ của ông trước, tôi thành tâm có nhời với ai quý thời giờ thì nên để thời giờ làm việc khác. Nếu thích đọc thì tìm đọc bài vở khác. Trên đời này có nhiều thứ đáng đọc biết bao. Đừng tin mồm những anh đã bán linh hồn cho thần tiền nói.

Mê chữ

Tặng TS HQT

Nhặt nhạnh mãi được non bồ chữ
Bác cõng lên Yên Tử phơi sương
Rải vào chùa để thấm khói hương
Tải vào từng ngóc ngách Hoa Lư, Bích Động
Mong nhuộm khí thiêng từ ngàn xưa vang vọng
Ngỡ con chữ trường tồn cùng bao di tích thiêng liêng

Lời tựa đề cứ sóng sánh ngả nghiêng
Chao xuống chao lên qua từng mê chữ
Bao ảnh đẹp ghi thắng danh lịch sử
Hơn vạn lần từng mớ chữ kết đan

Biết bao nhà khoa học nước Nam
Dồn sạch chữ cho thơ phú cả
Do ngoại đạo nên thơ vô giá...
Còn khoa học nước nhà thêm một lẽ tụt sau...

Ha Nôi 10/2/11 -       TTT
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Bác Thái,

Bác hãy chờ xem bài viết sau. Nó hơi dài nên em phải cắt ra làm mấy khúc. Xin bác chịu khó đọc kỹ!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 12 trang (116 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối