Cuộc chiến lạ đang nổ ra?Bài đăng trên Tuần VietNamNet 3/6/2012 06:30Nhưng hẳn rằng, hầu hết độc giả đều hi vọng cuộc chiến này không trở thành một cuộc thư hùng, đọ "gậy gộc giáo mác".1. Có vẻ khá bất thường, khi không còn bao xa sẽ đến kỷ niệm ngày
Báo chí cách mạng Việt Nam, một cuộc chiến đang nổ ra và hiện chưa hề hạ nhiệt trong nội bộ làng báo. Với tư duy chào mừng thông thường - liệt kê thành tích và tiện thể nhắc đến một vài hạn chế yếu kém còn tồn tại - thì đây được xem như một cách chào mừng xưa nay chưa từng xảy ra.
Để tóm lược một cách đơn giản cuộc chiến, có thể tạm gọi hai bên "lực lượng" là: phe Cải và phe Phê (phán) Cải (lưu ý: tên gọi không mang tính định nghĩa).
Nhìn sơ qua, cũng có thể thấy cuộc chiến này đã được phe Phê Cải chuẩn bị công phu, bài bản với series bài viết cùng "đồng khởi" trên một số "cứ điểm". Điều này thể hiện ở số lượng "cải" hùng hậu và sống động được phe Phê Cải đưa ra nhằm chứng minh "sự xuống cấp của đạo đức truyền thông, những biến tướng dị dạng của báo chí" mà phe Cải gây ra.
Tuy ở vị trí "phản đòn", phe Cải không hề bị động, mà xung trận hùng dũng nhằm chứng minh phe Phê Cải mới đích thực là cải chính hiệu. "Tử huyệt" mà phe Cải chọn để nhắm vào phe Phê cải là chuyện hoạt động trên "nguồn đóng góp qua thuế của người dân" nhưng lại chật vật trong bán báo và thu hút người đọc.
Một lực lượng ngôn từ - tức vũ khí - rầm rộ được huy động trong cuộc bút chiến. Nào là: xúc phạm, trơ trẽn, thô tục, bôi bẩn, thô thiển, đánh hội đồng, thiếu văn hóa, bịa đặt, rẻ tiền, câu khách, đơm đặt, dựng chuyện, tầm phào, nghiệp dư, tẻ nhạt, vô vị, dốt nát... Bên cạnh đó, không thiếu những hình ảnh ví von vô cùng sinh động, kiểu như: chuông rè, trống thủng, bôi tro, "ươm mầm cỏ dại", "tự ngửa mặt lên trời mà nhổ nước bọt", v.v...
Giới showbiz, vốn thường xuyên phải đối mặt với scandal và khẩu chiến, nhưng lại mang tiếng đầu không kịp dài bằng chân, hẳn phải mang sách vở mà ghi lại toàn bộ "lời vàng ý ngọc" này để còn tung ra lúc cần kíp. Còn về phía độc giả, những người đóng thuế, lắm khi nhai phải sạn của báo chí mà chẳng biết than thở trên phương tiện nào, vì vốn dĩ người "nắm đằng chuôi" chính là các cơ quan ngôn luận, thì đây có thể coi là một dịp "được lời như cởi tấm lòng".
Nhưng hẳn rằng, hầu hết độc giả đều hi vọng cuộc chiến này không trở thành một cuộc thư hùng, đọ "gậy gộc giáo mác". Hi vọng đó là một cuộc đấu tranh xuất phát và hướng tới một cuộc phê và tự phê thực chất, mang tính xây dựng, để ngày kỷ niệm 21/6 là một dịp tốt cho báo chí tự "soi gương", dù hình ảnh trong gương hiện ra có gây choáng váng.
Rất mong, trong lần tự soi gương này, sẽ không chỉ tràn ngập tinh thần nhìn thẳng vào... báo bạn. Cũng rất mong, kết quả nhìn thẳng vào báo mình sẽ không cho ra những kết quả tự phê kiểu như: Chúng tôi có khuyết điểm là quá nhiệt tình đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, hay thiếu sót lớn nhất của chúng tôi là quyết liệt quá mức trong việc theo đuổi sự thật đến cùng...
Ảnh minh họa
2. Trong khi sôi sục với cuộc "lên tiếng" bất thường của chính mình, thì hơn tuần nay giới báo chí cũng sôi sục không kém với
sự im lặng "lạ" của một số bộ ngành. Sau những kêu gọi "thông tin", "giải trình", "minh bạch"..., một số tuyên bố chính thức từ các lãnh đạo chịu trách nhiệm cũng đã được truyền đi.
Công luận và báo chí đã thỏa mãn với các tuyên bố đó hay chưa vẫn còn là "hồi sau sẽ rõ". Nhưng chắc chắn, nhiều công dân đóng thuế khó có thể hài lòng khi việc phá vỡ sự im lặng chỉ đến sau rất nhiều sức ép, chứ không phải chủ động kịp thời từ ngay khi sự việc xảy ra.
Xếp đầu bảng trong sự im lặng gây nóng nhất gần đây không thể nằm ngoài chuyện
mọi trình tự đều đúng mà bổ nhiệm vẫn chưa đúng người của bộ quản chuyện đường sá, đi đứng của người dân.
Một sự im lặng khác, tuy không gây dậy sóng bằng, nhưng lại liên quan đến sinh tử của con người - chỉ trong hơn 1 tháng, hàng loạt vụ
tai biến sản khoa gây ra cái chết của hơn chục sản phụ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, theo phản ánh, sau mỗi tai biến được báo chí đưa tin, lãnh đạo Bộ Y tế cũng vào cuộc nhưng cũng chỉ ở mức "yêu cầu báo cáo". Rồi sau gần 2 tháng "im lặng", cuối cùng bộ này cũng lên tiếng khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng y tế để trấn an dư luận.
"Chết là hết", câu nói ấy hẳn không thể áp dụng trong các trường hợp ra đi bất thường của các sản phụ và đứa trẻ mà họ hoài thai 9 tháng 10 ngày. Những nỗi tức tưởi, bức xúc, bất an sẽ còn ám ảnh người thân, gia đình họ chừng nào mọi chuyện còn chưa được làm minh bạch, sáng tỏ, và những người chịu trách nhiệm vẫn ung dung. Và nói như một lãnh đạo trong ngành y tế, nếu không mở ra được "bí mật" của cái chết để tìm rõ căn nguyên, thì "tình trạng tai biến sản khoa sẽ cứ thế tái diễn".
Cái chết "tái diễn" kiểu đó đang hoành hành ở những
vùng bệnh lạ!
Cũng liên quan đến chuyện chết chưa phải là hết, tuần qua nhiều người lại phải rùng mình trước một "thế giới ngầm" nơi bệnh viện bị phanh phui -
chung chi cho nhân viên và cò nhà xác để được đưa thi thể người thân về. Theo đó, người xấu số sẽ rất chật vật trong hành trình về nơi an nghỉ cuối cùng nếu người nhà của họ không chịu chi "đẹp".
3. Chuyện chết là vậy, và chuyện sống càng chẳng dễ dàng. Vì sống trong đời là còn phải đối mặt với nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ. Cứ chẳng hạn như cái việc
im lặng và lên tiếng, phê và tự phê. Tất cả đều phải đối mặt, và những người lãnh đạo, cũng như báo chí càng khó có thể đứng ngoài.
Hải Tâm