Hoa hậu bán dâm, thầy ném "phao": Trẻ học ai?
(VnMedia) - Tuần qua, liên tiếp hai vụ việc tiêu cực liên quan đến những “giới” có ảnh hưởng nhiều đến thế hệ học trò đã xảy ra: Người mẫu, hoa hậu bán dâm và thầy, cô giáo tự tay ném “phao” cho học sinh quay cop... Đây quả là điều đáng lo ngại cho những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường...
Hoa hậu, người mẫu: Không thể cần tiền là bán dâm!Liên tiếp những vụ hoa hậu, người mẫu kiêm diễn viên bị bắt quả tang hoặc bị phanh phui có liên quan đến đường dây mại dâm bị phát hiện trong tuần qua khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi dù chỉ là người mẫu hạng xoàng hay hoa hậu tỉnh lẻ, thì họ cũng được mang danh là người của công chúng.
Hãy thử hỏi một bé gái, xem ước mơ của bé sau này lớn lên là làm gì, chắc chắn nhiều bé sẽ nói rằng, bé muốn làm người mẫu hay hoa hậu. Còn nếu quan sát những bé gái lớn hơn, trong độ tuổi teen, sẽ thấy tràn ngập trong cặp sách, trong phòng riêng... những tấm hình của người mẫu, ca sĩ, diễn viên và hoa hậu.
Đối với các em, những tâm hồn non nớt, những hình ảnh đẹp đẽ không thể mang bên trong một nhân cách “bẩn”. Các em thần tượng họ, bởi các em chỉ nhìn thấy những khuôn mặt xinh đẹp, những nụ cười rạng rỡ, những bước đi đầy mê hoặc trên sàn diễn, những lời hứa “có cánh” khi đăng quang...
Chính vì vậy, nhân cách của người mẫu, diễn viên hay hoa hậu có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ “tuổi teen”.
Có vị đại biểu Quốc hội nói, mại dâm “gắn với sự tồn tại của xã hội từ khi loài người sinh ra.”, và “đừng nhìn nhận nó với góc độ tệ nạn và tội phạm mà nên quản lý có khuôn khổ, có địa điểm, có thu thuế”. Điều này còn phải tranh luận, bàn cãi vì có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng cho dù đến lúc xã hội Việt Nam chấp nhận mại dâm là một nghề, thì người chọn cách kiếm tiền bằng nghề bán dâm sẽ không được phép khoác trên mình cái danh “người của công chúng”.
Thầy giáo ném phao: Khủng hoảng lòng tin!Ngay khi những vụ hoa hậu, người mẫu bán dâm còn đang trong quá trình điều tra và vẫn còn nhiều “chân dài” khác đang có nguy cơ bị vạch mặt thì vụ clip ném và sử dụng phao thi tại hội đồng thi Đồi Ngô (Bắc Giang) lại khiến dư luận “sôi sùng sục”.
So sánh thì có vẻ khập khiễng, nhưng cũng như chuyện bán dâm có từ đời nảo đời nào, thì chuyện học sinh quay cop cũng không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, việc thầy cô giáo, giám thị coi thi ngang nhiên ném bài, tổ chức cho học sinh quay cop tự do và đặc biệt, bị quay clip để tung lên mạng thì có lẽ đây là lần đầu tiên xuất hiện.
Điều đáng nói là, trong một phòng thì, người bị để ý, giám sát phải là thí sinh, còn người canh chừng để các em không mắc sai phạm là những giáo viên, thì ngược lại, trong vụ việc này, học sinh chính là người quay lại cảnh vi phạm trắng trợn của một số thầy cô giáo và giám thị.
Chắc chắn, điều này đã diễn ra từ lâu, kéo dài và công khai đến nỗi khiến chính học sinh cũng phải bức xúc. Đừng ai bao biện rằng, họ làm như thế là vì học sinh, là vì “thương” các em 12 năm đèn sách. Nếu họ thương các em thực sự, thì họ phải bằng tri thức, bằng tâm huyết của mình, đưa kiến thức đến cho các em, để các em sau này có thể dùng kiến thức ấy mà lập thân. Nếu họ thương các em, thì họ phải dùng nhân cách của mình để dạy các em làm người, để các em ra đời thì ngẩng cao đầu, và khi quay lại thì kính cẩn với thầy cô.
Nhưng ở đây, họ làm điều đó là vì thành tích của chính họ, của những người lớn, những thầy cô mà tỷ lệ đỗ của trường sẽ đem lại danh tiếng, lời khen cho chính họ: tỷ lệ đỗ năm nào cũng cao!
Chỉ có các em và gia đình mình là thiệt thòi, bởi lẽ, 12 năm các em vất vả đến trường, cũng là 12 năm cha mẹ phải nai lưng kiếm tiền nuôi con ăn học. Nào tiền ăn, tiền mặc, nào tiền học phí, tiền sách vở, rồi thì tiền học thêm học nếm. Đó là còn chưa kể đến những khoản tiền Tết cô, Lễ thầy (nếu có)… Để rồi bây giờ con cái họ học được điều gì?
Kiến thức ư? Chưa chắc. Bởi nếu các em học được kiến thức thì vì lẽ gì các em phải trông chờ vào mấy tờ phao? Kỹ năng sống, đạo đức làm người ư? Càng mơ hồ hơn, bởi các em đang bị ảnh hưởng bởi “kỹ năng” lừa dối, đối phó.
Những người thầy, đáng lẽ phải là tấm gương để các em soi vào mà học làm người, thì lại đang có những cách hành xử thiếu trung thực với cấp trên, với xã hội để che đi cái kết quả dạy học kém cỏi và để khoe một thứ thành tích ảo.
Một danh nhân đã nói: “Giáo dục sẽ vô hiệu nếu không có gương mẫu”. Và như vậy, sẽ cực kỳ tai hại nếu người làm giáo dục lại nêu một tấm gương xấu trước mắt học trò.
Xã hội đang có những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức, và người ta đổ nó cho cơ chế thị trường. Tuy nhiên, không có cơ chế nào cho phép bất cứ ai mang danh người của công chúng hay đứng trên bục giảng mà lại có những hành vi làm vấy bẩn tâm hồn trong trắng, làm tổn thương đến những ước mơ đẹp đẽ của các em.
Mỹ HạnhMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)