Công khai và thách thứcBài đăng trên Đại Đoàn Kết (29/05/2012)Lâu nay người ta hay thầm thì, đồn thổi về những khối tài sản của các cán bộ, công chức, nhất là những lãnh đạo có chức, có quyền, có "lộc ăn, lộc để”. Điều mà dư luận đồn thổi, chủ yếu xuất phát từ việc các vị nọ không công khai, không kê khai tài sản của mình theo đúng quy định của pháp luật.Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến khối tài sản của một cán bộ, công chức, có quan hệ ruột rà với lãnh đạo đầu một tỉnh. Đó là trường hợp ông Bùi Thanh Tùng, cán bộ Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương, con trai của Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương đương nhiệm. Ông Tùng là chủ sử dụng, sở hữu khối tài sản trên diện tích hơn 4.000 m2 đất ở thôn Đông Tân, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Một cơ ngơi rộng hơn 4.000 m2, xây tường bao, thiết kế hiện đại, với hàng chục cây cổ thụ mà theo dư luận rất có thể là cây sưa có tuổi đời hàng trăm năm và nhiều khối đá có giá trị, và theo đồn thổi, giá trị khu vườn này có thể đến hàng trăm tỷ, hay hàng triệu đô. Với người dân của một vùng thuần nông, thì cơ ngơi nói trên đã gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với địa chủ, cường hào ngày xưa. So với thu nhập của một cán bộ, công chức hiện nay, thì là chuyện không bình thường như chính Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nhận xét.
Câu chuyện, vấn đề nổi lên giữa lúc Đảng ta đang tiến hành triển khai, thực hiện Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” do Hội nghị Trung ương 4 ban hành, cũng như thực hiện kiểm điểm, đánh giá công tác thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về phòng chống tham nhũng (PCTN)…Điều dư luận tập trung bàn luận ở chỗ liệu khối tài sản của ông Tùng kia có phải là tài sản chân chính? Đây là tài sản do sự lăn lộn, vất vả lao động của ông Tùng? Những vấn đề như thế đều rất nên, rất cần được minh bạch, công khai. Việc minh bạch, công khai là việc phải làm, để thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. Luật PCTN đã quy định rõ việc minh bạch tài sản, thu nhập. Tại Điều 44 của Luật đã quy định nghĩa vụ kê khai tài sản trong đó có đối tượng cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Năm 2007, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 37/CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Ông Bùi Thanh Tùng là một trưởng phòng của Sở LĐTB&XH sẽ phải chịu sự điều chỉnh của quy định này. Tài sản phải kê khai bao gồm từ quyền sử dụng đất, nhà cửa đến kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên, kể cả tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
Có một điều người ta dễ nhận thấy rằng, cái khối tài sản, khu vườn của ông Bùi Thanh Tùng đang rất công khai. Công khai và ngạo nghễ trước những người nông dân bình dân, trước những ngôi nhà tiêu điều, xác xơ của người nghèo. Đất đai? Còn đó! Đá cảnh, đá quý hay chỉ là đá xây dựng? Cũng đều còn đó! Cả những cây cổ thụ mà người ta đồn thổi là cây sưa cũng vẫn còn đó! Chỉ cần có một cơ quan, đơn vị kiểm định là có thể định giá toàn bộ khối tài sản kia trị giá bao nhiêu? Mấy chục tỷ, mấy trăm tỷ?. Tất cả đều có thể sẽ rất rõ ràng, công khai, minh bạch. Về đất đai, như UBND huyện Ninh Giang đã có báo cáo. Đây là phần đất ông Tùng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ 5 hộ dân với tổng số tiền 844.228.600 đồng (chính xác đến con số tiền trăm VND). Trong tổng số 4.152 m2 đất có 3.393 m2 đất vườn, 759 m2 đất nuôi trồng thuỷ sản. UBND huyện Ninh Giang cam kết việc chuyển nhượng đúng theo trình tự của pháp luật. Ngày 19-7-2011, UBND huyện Ninh Giang đã cấp GCNQSD đất cho ông Bùi Thanh Tùng. Ông Tùng đã được chuyển đổi 500 m2 đất, nộp phí theo quy định và được phép xây dựng nhà ở trên diện tích này. Có thể dư luận còn lắm nghi ngờ, như việc giá thành trên giấy tờ và giá thành thực tế như nhiều vụ mua bán, công chứng đã làm. Và rằng, nếu ông Tùng chỉ là một nhân viên hay cán bộ thường thì khó có sự chuyển đổi đất dễ dàng đến như vậy! Còn đá cảnh, cây cổ thụ…Theo tìm hiểu của một số cơ quan báo chí, số tiền đá cảnh mua, lắp đặt ước khoảng 400 triệu đồng, nhưng nhiều người dân chưa tin. Hoặc như thông tin về những cây cổ thụ là cây gì, gỗ gì. Những cây cổ thụ này có nguổn gốc ở đâu, có được phép trồng..v.v. dư luận vẫn chưa được rõ. Rồi nguồn gốc các tài sản, số tiền của cá nhân có được để có những tài sản này? Nhiều vấn đề rất cần được xác minh, làm rõ.
Điều 47 của Luật PCTN cũng đã quy định rõ việc xác minh tài sản, trong đó nêu rõ: "Việc xác minh tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản, trong các trường hợp phục vụ cho bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm bãi nhiệm, hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản khi xét thấy cần thiết”; hoặc "theo yêu cầu của Hội đồng Bầu cử hoặc cơ quan có thẩm quyền”; hoặc "có hành vi tham nhũng”. Phải chăng Luật còn bất cập, chưa quy định cụ thể, và rất nên có quy định như việc cần xác minh, làm rõ khi có sự phản ánh của dư luận, báo chí hay cá nhân người dân để xác minh làm rõ việc vi phạm hay minh oan, trả lại sự trong sạch cho người có tài sản.
Xung quanh khối tài sản cụ thể là khu nhà vườn của ông Bùi Thanh Tùng, nhiều người dân rất muốn biết ông Tùng, kể cả ông Bí thư Tỉnh uỷ có những tài sản gì? Phải chăng ông Tùng đang "công khai” tài sản của mình ở giữa vùng nông thôn, giữa thanh thiên bạch nhật này như để thách thức với việc che giấu tài sản của rất nhiều cán bộ có chức, quyền khác. Không ít cán bộ ở huyện, ở tỉnh mua nhà đất ở những thành phố lớn, khu đô thị lớn đứng tên người khác, hay còn che giấu với giá trị có thể gấp nhiều lần tài sản của ông Tùng? Không ít cán bộ các cấp có nhiều khối tài sản lớn, có những trang trại lớn, mà vẫn còn chưa kê khai trung thực? Mặc dù Luật PCTN đã quy định rõ về việc kê khai, xử lý người kê khai không trung thực, nhưng khi thực hiện vẫn còn lắm vấn đề. Ngay từ Đại hội Đảng X, Báo cáo Tổng kết công tác PCTN từng nhìn nhận: Một số quy định về minh bạch trong thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử theo quy định của Nghị quyết Trung ương 3 và Luật PCTN chưa được triển khai đầy đủ … Việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập hiệu quả thấp, mang tính hình thức; tác dụng thông qua kê khai, thu nhập để quản lý cán bộ, công chức nhằm phòng ngừa tham nhũng là không thực tế, vì kê khai tài sản không có cơ sở để đánh giá, thẩm định…. Và như Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội mới đây cho thấy, việc thực hiện công tác này chưa đồng đều, có nơi triển khai, thực hiện chậm; việc kê khai tài sản "còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp”; việc xác minh để đảm bảo tính trung thực của việc kê khai còn ít, kết quả kê khai chưa được công khai, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn..v.v.
Phải chăng, từ việc làm rõ những gì mà dư luận đang xôn xao về sự "công khai”, hay "thách thức” của một vị cán bộ, công chức như ông Bùi Thanh Tùng sẽ mở ra một sự đột phá trong công tác PCTN?
Kiên Long