Bước đột phá mới trong công tác xây dựng ĐảngBài đăng trên Đại Đoàn Kết (29/02/2012)Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 có nhận định: "Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc
Ảnh: Hoàng Long
Tôi cho rằng đây là một nhận định xác đáng và mang tính cách mạng trong hoàn cảnh hiện nay. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá:”Phải nói, về tính chất, là nghiêm trọng, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục. Về phạm vi, là tương đối phổ biến, có ở các cấp, các ngành ("một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”). Về xu hướng, là diễn biến phức tạp, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Về hậu quả, là làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; làm suy giảm vị trí, vai trò, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, Nhà nước. Những khuyết điểm đó nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta.” Rõ ràng chúng ta đều thấy không cần bổ sung gì thêm nữa. Việc Đảng dũng cảm nhận ra những suy thoái ở một bộ phận không nhỏ trong Đảng là một sự dũng cảm và khiến nhân dân thêm tin yêu Đảng. Bác Hồ đã từng nói: Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng (HCM, Về công tác tư tưởng, văn hóa, NXB CTQG, 2000, tr.129). Tuy nhiên băn khoăn của mọi người là liệu ai sẽ đủ can đảm vạch ra một bộ phận không nhỏ ấy? Tôi cho rằng nên dựa vào quần chúng nhân dân tại từng cơ sở Đảng. Bác Hồ căn dặn:
"Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” (Sách đã dẫn, tr.486). Quần chúng nếu được Đảng thật sự hỏi đến và đảm bảo sẽ xử lý nghiêm minh những phần tử thuộc cái bộ phận không nhỏ ấy , đồng thời đảm bảo không có bất kỳ hành động trù dập nào thì chắc chắn là không có quan thamnào lọt qua được mắt của quần chúng. Dân gian đã có câu vè
"Thập nhị quyền” để miêu tả những quan chức vừa kém tài vừa kém đức, nghe thật chua xót:
Bằng có người vực;
Chức có người bầu;
Mầu có người gói;
Nói có người nghe;
Đe có người sợ;
Dở có người khen;
Hèn có người giấu;
Nhậu có người bao;
Khao có người góp;
Họp có người ghi;
Chi có người bù;
Tù có người... chạy (!).Chúng ta cứ dựa vào các tiêu chí này sẽ tìm ra vô khối "con sâu” đang làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Lòng tin ấy vốn có từ lâu và rất sâu đậm. Nói là suy giảm có nghĩa là nhân dân còn chưa mất lòng tin. Bởi vì trong số trên 3 triệu đảng viên ở nước ta, đa số vẫn là những con người sống chân thật, không chạy theo tiền tài, địa vị và luôn được mọi người tin yêu, kính nể. Những đảng viên ấy không thiếu gì quanh mỗi chúng ta. Nếu họ có khuyết điểm thì chính là do đã giảm sút tính chiến đấu đối với các tồn tại như đã được nêu lên rất đầy đủ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4.
Đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích rất rõ: "Đó chính là do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta; do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục, lãnh đạo, quản lý; do sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính của một số cán bộ, đảng viên; sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân”. Đồng chí Tổng Bí thư đã nêu ra những công việc cần làm ngay là: Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; Cải tiến, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tôi không thể nào quên một lời dặn rất quan trọng của Bác Hồ:
Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng (Sđd, tr.119). Để hưởng ứng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 tôi kiến nghị Đảng cần khẩn trương xem xét để nghiêm trị những người đã phạm khuyết điểm trong sự việc thu hồi đất đai trái pháp luật ở Tiên Lãng (Hải Phòng), bất kể đó là cán bộ cấp nào trong Đảng. Nhân dân đang chờ đợi sự nghiêm minh của Đảng trong sự việc này, một sự việc tuy xảy ra ở một huyện nhưng đã gây bức xúc gay gắt trong nhân dân cả nước và có thể trở thành
bài học sinh động trong quan hệ với dân ở mọi nơi, mọi cấp.Đảng ta là Đảng cầm quyền, một Đảng có lịch sử đấu tranh rất anh dũng để đem lại một đất nước độc lập, thống nhất với biết bao tấm gương hy sinh anh dũng của những chiến sĩ cộng sản trong suốt chặng đường kháng chiến chống ngoại xâm. Đúng như nhận định của Tổng Bí thư: "Thực tế ở nước ta cho thấy, càng đi vào đổi mới, đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập lại càng cần phải có sự lãnh đạo của Đảng và coi trọng công tác xây dựng Đảng; đây là nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, nền độc lập tự chủ của Tổ quốc ta. Vào thời điểm này, chúng ta càng cần phải khẳng định mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng và ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng Đảng”. Tôi không băn khoăn gì về chuyện nước ta chỉ có một Đảng, nhưng cũng như mọi người dân yêu nước khác tôi mong muốn mỗi đảng viên phải thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ: "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác... Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là "tính Đảng” (Sđd, tr.119- 120). Đất nước ta đang trong quá trình Đổi mới, hướng tới mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Đó là một mục tiêu cao đẹp ai cũng hằng mong ước, nhưng quả thật không dễ gì đạt được vào thời điểm năm 2020 như đãxác định tại Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng, nhất là thấy Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị Cán bộ toàn quốc để phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị quyết Trung ương 4trong ba ngày liền nhằm tổ chức thảo luận Chỉ thị và Kế hoạch để có thể đưa Nghị quyết quan trọng này vào thực tiễn cuộc sống. Lúc này hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ:
Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân (Sđd, tr.563)
Tôi rất tâm đắc với nhận xét của đồng chí Tổng Bí thư: Trong quá trình chuyển đổi phương thức quản lý kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, có nhiều việc chúng ta phải vừa làm, vừa học, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm và chịu tác động mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập. Có không ít vấn đề tác động trực tiếp đến nước ta, vào cả tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta... Nếu Đảng ta không giữ được bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.
Đảng đã nhìn thấu suốt tầm quan trọng của một cuộc đột phá mới trong công tác xây dựng Đảng làm cho đông đảo nhân dân rất phấn khởi và kỳ vọng. Tôi mong muốn các biện pháp mà Hội nghị Trung ương 4 đã đề ra cần quán triệt đến từng chi bộ ở mọi ngành, mọi cấp. Đảng viên ở cương vị càng cao càng cần gương mẫu thực hiện các chỉ thị của Đảng trong việc triển khai ba vấn đề cấp bách hiện nay là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy. cơ quan đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tôi hy vọng việc triển khai Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 cần thể hiện đầy đủ nguyên tắc dân chủ và công khai.
Đây là lúc Đảng cần cụ thể hóa phương châm Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, một phương châm mà lâu nay hình như bị bỏ quên trong thực tiễn đời sống. Có lẽ không thừa khi nhắc lại ý kiến rất quan trọng của Bác Hồ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là công việc của dân ( Sđd, tr.187). Tôi rất mừng khi thấy Chỉ thị số 15-CT/TW đã quy định: Định kỳ hàng năm, cấp ủy ,tổ chức đảng có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, đóng góp ý kiến. Nếu làm tốt đúng như vậy thì tôi tin rằng nhân dân sẽ không còn thấy lặp lại những sự kiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền như vừa xảy ra ở Tiên Lãng.
GS.NGND Nguyễn Lân DũngỦy viên UBTƯMTTQ Việt Nam