Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI

             Tác giả : Nhật Khánh

 Phụ nữ hiện đai không biết hát ru. Mỗi khi con khóc ,họ ấn ngay cái núm vú cao su vào miệng con, nếu vẫn còn khóc họ vỗ khe khẽ vào mông con và bảo: "nín đi,nín đi". Không hiểu tại sao các công ty nghe -  nhìn không sản xuất băng đĩa hát ru bán cho các bà mẹ trẻ thời hiện đại. Vì hiện nay, hàng triệu trẻ em của nước ta, suốt những năm tháng ấu thơ không có truyện kiều, không có những câu ca dao tuyệt vời của việt nam ,chỉ có bơ sữa và bột dinh dưỡng.
 Phụ nữ hiện đại không thạo nấu nướng, vì thế họ ngại vào bếp . Món mà họ ưa dùng nhất là cơm hộp và các thực phẩm chín bày bán đầy ở hè phố. Họ càng không biết gì về các món ăn dân tộc, búp khoai kho tép, cá rô đốt muối, vịt bọc lá sen...
 "Anh đi anh nhớ quê nhà
  Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương..."
  Con cái họ chỉ biết "cà dầm tương" trong ca dao, còn mùi vị nó như thế nào thì suốt cuộc đời không biết.
  Phụ nữ hiện đại yêu rất nhanh và chia tay cũng rất nhanh. Một đời con gái không biết "đánh rơi "bao nhiêu mối tình. Nếu như phụ nữ ngày xưa luôn bị những "mảnh vỡ" của những mối tình đã tan cứa vào tận tim gan làm nhức buốt lâu dài, thì phụ nữ thời hiện đại kết thúc mối tình nhanh gọn và nhẹ nhàng hơn nhiều. Những "mảnh vỡ" được vứt ngay vào sọt rác và họ sẵn sàng chờ đón một mối tình mới với những kinh nghiệm giàu có hơn. Trong lĩnh vực này, khả năng quên của phụ nữ hiện đại cao hơn và quên cũng là một cách tự vệ.
 Phụ nữ hiện đại mạnh bạo hơn phụ nữ ngày xưa, đi đứng mạnh bạo, nói cười mạnh bạo, có thể ngồi gếch chân lên bàn mặc dù váy rất ngắn, với niềm tin rằng "đàn ông họ thích thế". Những môi cười cắn chỉ và những  duyên thầm con gái đã bị họ bỏ lại sau luỹ tre làng.
 Trong khi đàn ông thời hiện đại vẫn coi trinh tiết của phụ nữ giá ngàn vàng thì phụ nữ hiện đại không coi trọng lắm nên không phải cố gắng giữ gìn cho bằng được. Vả lại, thời hiện đại có nhiều thứ để đổ thừa, ngã xe, tập thể thao, thể dục nhịp điệu...
 Phụ nữ hiện đại giỏi kiếm tiền hơn nên ít bị phụ thuộc vào chồng. Nếu đức lang quân kém cỏi việc xông pha kiếm tiền thì họ sẽ xông pha để kiếm sống và gạt ông chồng đáng kính vào vị trí quét nhà, rửa bát. Chính điều này làm nên sức mạnh mới của người phụ nữ hiện đại. Họ tự khẳng định mình và khi cần thiết có thể tự giải phóng mình, không bị tờ giấy kết hôn giam cầm như một bản án tù chung thân.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

gái có chồng

Phụ nữ- ngàn đời vẫn là phụ nữ- vẫn khát khao thực hiện thiên chức và bản năng mà thượng đế đã phú cho mình. Sinh cho người đàn ông mà mình yêu thương những baby xinh xắn, giống tạc một nữa của mình và rồi mỗi khi baby khóc, họ vẫn muốn ôm chặt một nữa yêu thương của mình để cất tiếng hát à ơi. Những làn điều, lời ru đã ngấm vào máu thịt và từng nơ-ron thần kinh mà thuở thiếu thời họ đã được nghe bà và mẹ hát. Việc không thể cho con bú hoặc không thể hát ru con- điều ấy chỉ là trong một khoảnh khắc thời gian nhất định không thể thực hiện được do thời gian, do công việc... chứ điều ấy không làm nên người phụ nữ hiện đại...
Người phụ nữ hiện đại không hẳn là không biết nấu nướng, thậm chí có những chị nấu nướng rất giỏi, tinh tế và có chiều sâu khi tổ chức những buổi tiệc gia đình...hoặc xa hơn, những người phụ nữ Việt Nam sống, làm việc và học tập ở những nước bạn vẫn biết gắn kết quê hương, nguồn cội bằng những câu ca, bài hát và bằng những món ăn dân dã đầy hương vị của quê hương để mong tìm về với cội nguồn...mà những người phụ nữ ấy phải chăng là không hiện đại...
Và không có người Phụ nữ nào theo tôi nghĩ- trong gia đình người Việt Nam lại muốn mình phải nổi trội hơn chồng và gạt chồng vào vị trí phải đeo tạp dề và rửa bát cả...vạn bất đắc dĩ mới phải làm điều ấy vì những lý do hết sức chính đáng khi một nữa yêu thương của mình gặp sự cố không may...họ vẫn và mãi muốn mình là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà thôi...Đâu đó trên một số tờ báo vẫn kể về những chị phụ nữ với vai trò người lãnh đạo của một tỉnh, thành nhưng cuối giờ làm vẫn chăm chút cho gia đình nhỏ bé của mình với tất cả sự yêu thương, vun vén ...mà họ thì chắc chắn là người phụ nữ hiện đại đấy chứ...
Cuộc sống gia đình theo tôi nghĩ là sự gắn bó , đồng cảm và chia sẻ...thực tế ở ngoài xã hội vẫn có một số rất ít những người phụ nữ hiện đại có kiểu sống như bạn đã đề cập nhưng tôi nhấn mạnh...chỉ là một số rất ít và số rất ít đấy tôi tin chỉ trong một khoảnh khắc nào đấy thôi, chứ thật lòng họ cũng mong muốn có một mái ấm, một gia đình để nâng niu chia sẻ và chăm chút hàng ngày...người phụ nữ Việt Nam bản tính nhu mì và chịu hy sinh nhiều lắm...Một số ít và rất ít đấy không thể nào tạo nên cụm từ" Phụ nữ hiện đại" được  ...
Chúng ta đang thực hiện việc bình đẳng giới, phụ nữ dần được tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn, năng động hơn và bản lĩnh hơn khi quyết định một vấn đề liên quan đến sự sống còn của tổ ấm...khác với ngày xưa" Nhìn ra ngoài trời tối đen như mực...đen như cái tiền đồ của chị.." trong những tác phẩm văn học xưa...chúng ta đã hoà đồng và chung sống hoà bình , thân thiện với hiện đại nhưng chúng ta vẫn giữ được bản sắc của mình để không hoà tan theo dòng chảy nghiệt ngã của thời đại...
Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm...muôn đời người phụ nữ chúng ta là thế, dù hiện đại hay không...
Không có thất bại, chỉ là chưa thành công...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

vịt anh

Người phụ nữ ngày xưa,cái thời mà  xã hội vẫn theo quan điểm trọng nam khinh nữ í,trước khi lấy chồng họ hầu như chỉ học 1 mảng thôi,đó là học làm vợ.Phụ nữ thời nay thì có nhiều thứ để học hơn,nên 1 số ít chị em không trang bị đầy đủ hành trang trước khi kết hôn...Thành ra như vậy :D
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

SỰ TINH TẾ CỦA TÂM HỒN
                              ELIZABETHBYRD


 Cách đây một năm, trong chuyến sang thăm Ecosse, tôi có một người phụ nữ bạn đường lớn tuổi, gầy ốm, vốn là chủ trại. Bà bảo rằng tôi đi về phương bắc vào giữa mùa đông lạnh lẽo thế này thật là gay go. Ở đấy thời tiết hết sức khó chụi.
 Tôi trả lời rằng tôi không ngại gì bão tố vì phải sưu tầm ít nhiều tư liệu cần thiết để hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử, muốn được gặp gỡ chuỵên trò với những người dân sống ở miền quê, làm quen với những truyền thuyết của họ cùng với những phong tục bản xứ hình như không mấy thay đổi , qua bốn thế kỷ.
 Bà chủ trại mời tôi nghỉ đêm tại nhà bà:
 -Nhà không được lớn, nhưng bà nghỉ lại ở đây sẽ ấm áp hơn. Tôicũng hân hạnh được bà ghé lại, vì tôi cảm thấy cô độc trong lúc chồng tôi   vắng nhà.
 Mưa như trút nước khi tôi đến được căn nhà nhỏ bé của bà xây bằng những tảng đá lớn, trên một sườn đồi lộng gió. Bầy chó chăn cừu sủa vang đón tiếp chúng tôi. Tôi bước vào một phòng khách bày biện nghèo nàn nhưng rất sạch sẽ. Bỗng các ngọn đèn nhấp nháy rồi tắt, bà chủ trại thở dài :
- Cúp điện rồi!
 Bà thắp nến và nhóm lửa thì có tiếng gọi cửa. Bà đến mở cửa cho một cậu bé, giúp bỏ áo choàng và chiếc mũ nồi đẫm nước. Đứa trẻ đến gần lò sưởi, tôi nhìn qua ánh lửa sáng thấy em tuổi khoảng mười hai, và là một kẻ tật nguyền. Sau khi đã được nghỉ mệt, em nói:
  -Ba cháu muốn gọi điện cho bà, nhưng đường dây đã bị cắt. Cháu đến xem bà có bình yên không.
 -Cảm ơn cháu,John.
 Bà chủ nhà giới thiệu cho mọi người quen biết nhau. Cuồng phong mỗi lúc mỗi mạnh, đập vào những cánh cửa. Tôi nói:
 -Tôi yêu bão tố trong cơn lồng lộn, và thích những giờ phút như thế ngồi nhìn ngọn lửa sáng rực trong lò,
 Bé John hỏi tôi:
 -Bà không sợ sao?
 Tôi vừa định nói là "không", nhưng bà chủ trại - một người phụ nữ vững chắc, rõ ràng chẳng biết sợ là gì - vôi vàng trả lời, như đáp ứng lại những gì mà mọi đứa trẻ ước mơ nghe thấy:
 -Dĩ nhiên là thấy sợ chứ. Nhưng bây giờ thì đã có được người đàn ông ở trong nhà rồi.
 Một phút im lặng, rồi em bé nói:
 -Để cháu đi xem cửa ngõ đóng kỹ chưa.
 Và khập khiễng từng bước, em rời khỏi phòng vẻ ít nhiều quan trọng.
 Sự kiện ấy đã làm tôi xúc động, nó tiếp tục ám ảnh tôi suốt nhiều tuần lễ. Tại sao tôi không tìm thấy, như bà chủ trại, một câu trả lời khôn ngoan và đầy trìu mến cho cậu hỏi của em bé?. Và bao nhiêu lần rồi, trong cuộc đời mình, lòng ích kỉ ngăn cản tôi thấy được những sở cầu của người thiên hạ?
  Có lẽ tấm lòng của tôi ngủ yên trong nhiều năm rồi, và lần này nó thức dậy, cảm thấy ước vọng lớn lao đuổi bắt thời gian đã mất, trong đó có cả một sự hiếu kỳ nhiệt thành. Do phép màu nhiệm nào mà bà chủ trại đã biến đứa bé tật nguyền thành một con người tự tin như thế? Lòng tốt của bà phải chăng khởi phát từ một bản năng hay từ một sự suy nghĩ? Phải chăng đó là trắc ẩn , là khôn khéo, hay tổng hợp những điều đó? Tôi bỗng nhớ lại thành ngữ mà một triết gia, trong đám bạn hữu của tôi, đã dùng để chỉ hình thức quảng đại như thế, và ông gọi đó là SỰ TINH TẾ CỦA TÂM HỒN.
 Nhớ lại, tôi hiểu rằng mình đã từng đã nhiều lần được con người có khiếu ấy cứu đỡ , mình đã cảm động trước một câu nói hay một hành vi thiện ý. Và biết bao lần mẹ tôi cũng đã hành động như thế, khi tôi còn nhỏ và dễ xúc động, bà đã dùng một cử chỉ tế nhị để cho tôi thấy ý nghĩa quý  báu của phẩm giá con người.
 Khi tôi lên bảy, một hôm mẹ tôi chuẩn bị chu đáo tiệc trà thết đãi những người bạn thân. Muốn phụ giúp mẹ, tôi đã hái một bó bồ công anh đem đến cho bà. Biết bao người mẹ, sau khi cám ơn con gái của mình, hẳn đã vứt hoa cỏ ấy trong hũ đựng sữa tồi tàn nào đấy, rồi dẹp xuống bếp. Mẹ tôi thì đem đoá hoa đáng thương cắm vào chiếc bình đẹp nhất, đặt trên chiếc đàn dương cầm , giữa hai cây đèn nhiều ngọn khá lớn. Bà cũng tự nén không muốn õng ẹo giải thích cho bạn bè rằng đấy là hoa của cháu bé Betty. Ngày nay, nhìn những bông hoa được trưng bày trong các cuộc họp, tôi nhớ đến niềm kiêu hãnh ngày xưa, khi tôi nhìn thấy những cành hoa dại của mình lại được ưu ái hơn những đoá hồng.
 Sự tính tế nơi tâm hồn khởi phát từ mối cảm thông sâu sắc đối với xúc động tha nhân. Khi tôi còn nhỏ, anh tôi đã dạy tôi về điều đó trong một vũ hội. Một cô gái không có gì nổi bật, thẹn thùng ngồi nép mình trong góc phòng. Cảm động trước sự khốn khổ của cô gái đó, anh tôi đến mời cô nhảy và sự kỳ diệu đã xảy ra :cô tìm được sự tự tin, cảm thấy phấn khởi và khá xinh đẹp. Rồi một người khác lại đến mời cô, và cô vui nhảy trọn đêm ấy.
 Kiểu lịch sự như thế giúp những liên hệ giữa người thành mật thiết hơn . Trong đời sống vợ chồng, nó đem lại màu sơn mới để cuộc sống chung càng thêm tươi đẹp. Một bà bạn tôi kể lại, ngày bà ở tuổi 40 bà bị suy sụp tinh thần. Ở thời đại đó, con người bị tác động bởi nhiều âu lo xã hội nên không đánh giá được đúng ni tấc mọi việc. Bạn tôi nhìn tương lai rất đen tối, và tự buồn thảm với mình. Buổi sáng hôm ấy, cùng dùng điểm tâm với chồng, bà cố nén lại nỗi buồn nhưng khi người chồng đi làm thì bà ngồi khóc. Buổi chiều khi người chồng về, bà hơi bình tĩnh nhưng không nguôi buồn. Sau khi ăn tối, người chồng bảo vợ:
 -Em vào xem các món quà.
 Họ vẫn thường mua cho nhau những quà thiết dụng, người vợ nghĩ hẳn chồng mình đã mua cái máy hút bụi mà họ ao ước lâu nay. Nhưng chị vô cùng ngạc nhiên khi thấy đôi giày cườm thật đẹp và một áo ngủ tuyệt vời. Chị đã kể tiếp:
 -Anh ấy không nói lý do của sự lựa chọn, điều đó quả không cần thiết. Tôi biết anh ấy muốn nói gì rồi. Hẳn anh muốn tôi hiểu rằng tôi vẫn xinh đẹp, tôi vẫn đáng yêu, đáng quý. Và điều sung sướng là tôi tin tưởng như thế.
 Một tấm lòng tinh tế luôn tìm được cách để tự biểu lộ. Tôi có nghe nói đến một em bé cô độc, gắn bó kì lạ với một món đò chơi của mình, là con gấu nhỏ làm bằng bông vải tồi tàn, một mắt. Hôm em phải đến bệnh viện chữa trị cuống họnh, em vẫn ôm chặt món đồ chơi ấy vao lòng. Khi bác sĩ giải phẫu đến, cô y tá đưa tay toan gỡ món đồ chơi ra khỏi tay em bé thì vị bác sĩ nói rất nghiêm chỉnh:
 -Cứ để yên con gấu đây. Chúng ta còn phải chăm sóc đến nó.
 Khi bé tỉnh lại, em thấy con gấu nằm lọt ở tròng lòng gối, và con mắt chột đã được băng bó kỹ lưỡng bởi một bàn tay bậc thầy.
 Có biết bao cơ hội để ta thể hiện lòng tinh tế ấy. Một hôm tôi đi chợ với chị bạn và chị để ý đến một em bé trai chừng 8 tuổi phụ giúp người cha bán các mặt hàng rau cải tạp nhạp . Em có vẻ rất tự hào khi bán một mớ bông cải cho bà khách, và chờ bà trả tiền, nhưng bà khách này chẳng để ý gì đến em lại đưa tiền cho người cha, khiến em bé thật bối rối. Bà bạn của tôi thầm nghĩ:"Mình phải nâng đỡ tinh thần chú bé". Rồi bà gọi em, chọn những rau quả, bỏ vào giỏ mình và mặc dầu bà có thể tính toán song đã đưa tờ bạc lớn để cho em bé thối lại. Em phải để mất ít phút nghĩ thầm trong óc, rồi với khuôn mặt rạng rỡ, em trả lại đúng số tiền còn thừa. Bà bạn tôi nói:
 -Cám ơn cháu nhiều. Thật cô không thể tính nhanh được như cháu vậy.
 Vừa liếc nhìn sang cha mình, cậu bé trả lời:
 -Ồ thưa bà, việc này khó khăn gì đâu.
 Nhưng trên thực tế, đó là việc lớn đối với em bé. Và tất nhiên, cả bốn chúng tôi đều cùng cười,do niềm vui từ chuyện nhỏ ấy gây ra.
 Người bạn triết gia của tôi nói:
 -Kẻ có tấm lòng tinh tế nương nhẹ thể giá của người đối thoại và làm củng cố thêm thể giá đó, như vậy nhân cách kẻ ấy càng được phát triển. Nếu buổi chiều về, bạn thấy đứa con của bạn chạy đến nói cho bạn biết, với vẻ quan trọng:"Má biết chuyện gì xảy ra ở ngã tư chưa?" thì dẫu biết rõ, lòng tinh tế buộc bạn phải tự ngăn lại để nghe con mình kể lể sự việc. Nếu bạn lỡ nói:"Má biết chuyện ấy cách đây có trên cả tiếng đồng hồ" thì điều đó có nghĩa rằng tấm lòng của bạn chỉ chứa đầy bạn mà thôi.

                         VŨ HẠNH  DỊCH
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

gái có chồng

Nhìn lại dự án "Gửi tới mai sau" và...

Câu hỏi "để làm gì và gửi cái gì?" của nhà sử học Dương Trung Quốc đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Còn nhà sử học Lê Văn Lan cũng vẫn giữ nguyên quan điểm: "Đó là dự án "tam vô": vô nghĩa, vô lý và vô bổ".

Không phải đến bây giờ, mà vài năm trước, khi các nhà khoa học được mời tư vấn cho dự án "Gửi tới mai sau", đã nêu nhiều ý kiến không đồng tình.

Món quà hay "nồi lẩu"?

Dự án "Gửi tới mai sau" được hình thành cách đây chừng 5 năm, sau khi ông Vũ Phương, Giám đốc Quỹ Văn hóa Hà Nội, đến thăm nơi lưu giữ hiện vật gửi tương lai 600 năm ở Seoul (Hàn Quốc) và thấy Hà Nội cần phải học tập. Vậy là, dự án "Gửi tới mai sau" ra đời.

Theo Ban tổ chức (BTC), các vật phẩm "Gửi tới mai sau" nhằm giúp hậu thế biết được đời sống thường nhật, trình độ văn hóa ứng dụng và khoa học công nghệ của xã hội ở thời điểm Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Sẽ có 1.000 vật phẩm được chọn và lưu giữ trong một thiết bị hình quả chuông có thể tích 1.000 lít, với ý nghĩa tượng trưng cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Quả chuông có chiều cao 3,087m, đường kính 2m, bên trong chứa 4 thùng thép không gỉ, có kết cấu đặc biệt, được chế tạo để hút chân không, nhằm bảo vệ lâu dài các vật phẩm.



Mô hình thùng chôn đồ vật

BTC dự kiến: 1.000 vật phẩm được chọn lưu giữ trong "quả chuông" gồm 63 vật phẩm, do 63 tỉnh, thành phố chọn lựa gửi đến, còn 937 hiện vật do nhân dân cả nước đề xuất. Hạn chót cùng góp ý kiến là ngày 15/7/2010. Một hội đồng tuyển chọn vật phẩm gồm các thành viên là các nhà văn hóa, khoa học hàng đầu sẽ được thành lập, để nghiên cứu các ý kiến đề xuất và chọn ra 937 vật phẩm. Ngày 9/10/2010 sẽ làm lễ "hạ thổ" 1.000 vật phẩm "Gửi tới mai sau".

Theo BTC, vật phẩm "có thể là những vật dụng đơn giản như  nhãn mác của mặt hàng nổi tiếng, báo hay tạp chí, tấm ảnh, đồng xu, đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động v.v... Các vật phẩm cần có kích thước nhỏ gọn, độ bền vĩnh cửu, khối lượng không quá 1.000cm3".

Khu lưu giữ vật phẩm có hình bông sen, nằm trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội, một công trình chưa chắc đã kịp đúng hẹn với Đại lễ 1000 năm. Phía dưới đài sen là nơi lưu giữ 1.000 vật phẩm, mặt đài sen có 999 lỗ nhụy hoa, tượng trưng 999 năm tới. Hàng năm, vào ngày 10/10, Hà Nội lại làm lễ đặt một viên đá khắc số của năm đó vào lỗ nhụy hoa.

Những vật phẩm đánh mất cội nguồn

Thực ra, ý tưởng "Gửi tới mai sau" không mới ở chính Việt Nam. Vào tháng 1/1983, tại Công trường Thủy điện Hòa Bình đã có một nghi lễ đặt "Thông điệp gửi đời sau" vào một khối bê tông hình thang nặng gần 10 tấn, để đến ngày 1/1/2100, thư sẽ được mở. Lá thư là một công trình tập thể, do một số nhà trí thức tên tuổi được mời tham gia và được nhiều cấp, ngành bàn bạc kỹ càng với đa số đồng thuận, đủ thấy sự tôn trọng cả hiện tại lẫn tương lai của những người có trách nhiệm.

Dự án "Gửi tới mai sau" đi sau, nhưng lại vấp phải nhiều ý kiến do thiếu tính thuyết phục và lúng túng trong khâu tổ chức. Có lẽ ít hoạt động dành cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được mọi người quan tâm đến thế. Ngay sau khi báo chí đưa tin, các diễn đàn, các blog đã rôm rả bàn về việc "chôn" gì cho 1.000 năm sau. Có điều, đa phần là những lời giễu cợt, kiểu như "chôn theo mấy kẻ tham nhũng", hay "gửi hình ảnh tắc đường Hà Nội: đặc sản mới của thủ đô", hoặc "gửi những lô cốt của Sài Gòn"... Âu cũng là dễ hiểu, khi chính Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội còn "không biết ai sẽ thay mặt thế hệ chúng ta" để gửi và gửi vật phẩm gì cho tương lai.

Tiêu chí chọn vật phẩm rất mông lung, lặt vặt, cho thấy BTC chưa đủ tầm để định hướng những hiện vật thật sự mang ý nghĩa tiêu biểu gửi cho hậu thế. Hơn thế, một điều đáng ngạc nhiên là, mục đích của món quà là để hậu thế hướng về cội nguồn, nhưng chính BTC lại quên đi tính dân tộc cần phải có: Lẽ nào bao nhiêu người trong BTC lại ngây thơ (hay cố tình ngây thơ?), để không nhận thấy toàn bộ mặt ngoài của "quả chuông" dùng lưu giữ 1.000 vật phẩm, không có lấy một chữ Việt, mà chỉ có tiếng Hàn bên con số 2010 - 3010.

Thế này thì, 1.000 năm sau, hậu thế sẽ đinh ninh rằng, ở thời điểm Hà Nội 1.000 năm tuổi, tổ tiên chúng là người... Hàn, hoặc sử dụng ngôn ngữ Hàn, chứ chả liên quan gì đến người Việt. Ở hiện vật quan trọng này còn thế, chả trách, BTC cho phép gửi vào tương lai cả đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động, những thứ đều xuất xứ từ nước ngoài. Mà không phải do Việt Nam sản xuất, ta làm gì có quyền nhận thông điệp gì từ món quà hổ lốn này đây?



Toàn cảnh mô hình khu lưu giữ 1.000 vật phẩm

Việc đưa ra tiêu chí chọn vật phẩm của BTC cũng bộc lộ sự thiếu hiểu biết: yêu cầu "có độ bền vĩnh cửu", nhưng lại có thể là "ảnh, báo chí, đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động v.v...". PGS. TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ Việt Nam), một người giàu kinh nghiệm về khảo cổ học, cho biết: Rõ ràng những người thực hiện đã không hỏi ý kiến của các nhà khảo cổ,  mới nghĩ rằng những vật liệu như giấy, tấm ảnh, đĩa DVD, điện thoại di động, có thể lưu giữ được qua 1.000 năm. Dù trong môi trường hút chân không, chúng cũng không thể tồn tại nổi, mà chỉ có 3 vật liệu đã được kiểm chứng là đá, gốm và sứ.

Có nhiều năm chuẩn bị, nhưng đến lúc này, chỉ còn cách thời điểm "hạ thổ" vật phẩm 6 tháng, mà khi được hỏi về công tác chuẩn bị, BTC trả lời một cách thành thật rằng: vẫn như... trên mô hình.

Tức là chưa có gì. Vật phẩm của TP Hà Nội gửi đến mai sau cũng vẫn chưa xác định. Lẽ ra, là nơi thực hiện dự án, Hà Nội đã phải hoàn tất món quà của mình, để vui mừng công báo, chứ không phải đến giờ này vẫn "phải giữ bí mật" như ông Giám đốc Sở VH-TT&DL nói. Thế thì việc chuẩn bị 1.000 vật phẩm để "Gửi tới mai sau" đến bao giờ mới hoàn thành? Nếu cứ cố làm cho xong, thì liệu có đảm bảo chất lượng?

Tiếng là lấy ý kiến nhân dân, song dự án "Gửi tới mai sau" lại không được tuyên truyền rộng rãi như cần phải có. Hai cuộc họp báo được tổ chức, nhưng phần lớn các báo không được biết. BTC công bố trang web guitoimaisau.zing.vn đưa thông tin về hoạt động này, nhưng cho đến tận hôm nay, vẫn chả thấy gì, ngoài cái thông cáo báo chí đã có trong cuộc họp báo. Với cách thông tin "càng bó hẹp càng tốt", người dân làm sao biết để mà góp ý hay gửi kỷ vật? Chưa có ai gửi vật phẩm sau 2 tháng kể từ ngày phát động, cũng là dễ hiểu.

Cuộc họp báo về dự án "Gửi tới mai sau" có 2 vị Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cùng Giám đốc Quỹ Văn hóa Hà Nội có mặt. Nhưng khi báo chí đồng loạt lên tiếng, thì Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội lại khẳng định: "Có một số điều người trong cuộc nói ra là có thật, nhưng không đúng với sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền...".  Không lẽ nào, phát biểu trước các cơ quan truyền thông mà lại tùy tiện thế, thì ai còn lòng tin để "gửi tới mai sau"?

Tiếng nói các nhà khoa học

Trước dự án "Gửi tới mai sau", nhiều nhà nghiên cứu, khoa học tên tuổi đã tỏ rõ quan điểm không đồng tình, với lý do đầy sức thuyết phục: Hà Nội hôm nay còn nhiều việc phải làm hơn.

Nói đến người hiểu và yêu Hà Nội, không thể không nhắc đến nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Vậy mà ông cũng cho rằng, dự án "Gửi tới mai sau" tốn tiền của chẳng để làm gì, khi 1.000 năm nữa, trái đất, cuộc sống, thậm chí cả giống người, liệu có như bây giờ?

Biết dự án này từ ngày đầu, mà đến nay, nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn chưa hết băn khoăn: Những hiện vật BTC "Gửi tới mai sau" mang thông điệp gì cho 1.000 năm tới? Nếu chúng ta xây dựng một Đài Độc lập, thì hôm nay cũng như thế hệ sau này, còn cảm được. Chứ có gửi thiết bị hiện đại nhất, thì với tốc độ phát triển theo cấp số nhân, sau 1.000 năm, cũng là đề tài hóc búa với các nhà khoa học để vận hành được. BTC kêu gọi đóng góp hiện vật, nhưng nhân dân biết tìm ở đâu thông tin đầy đủ về vấn đề này? Ai hướng dẫn? Hội đồng lựa chọn hiện vật là ai? Hiện vật có tính tiêu biểu và được mọi người nhất trí không? Tôi không cảm nhận được sự nghiêm túc trong hoạt động này, cũng như thấy không xứng tầm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc cho gửi những nhãn mác, thương hiệu sản phẩm cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan, như bản quyền.

PGS. TS Trịnh Sinh cũng bày tỏ, ngoài chất liệu, phải chọn lựa thông điệp gì để thế hệ mai sau hình dung được thủ đô Hà Nội hôm nay và vật phẩm phải thể hiện được tính dân tộc. Điện thoại di động, đầu thu kỹ thuật số là của thế giới, nên họ tự lưu giữ chứ có cần chúng ta làm hộ đâu?



Bên ngoài thiết bị lưu giữ không có một chữ tiếng Việt

Xin được nêu ra đây cả nỗi băn khoăn của một số nhà sử học trước việc "quả chuông" chôn ở dưới đất, khi đây là thứ phải được treo cao. Do đó, câu chuyện về chuông Quy điền thời Lý từng mở đầu cho một điều không may mắn trong lịch sử đất nước, cũng cần được nhắc nhớ trong thời khắc thiêng liêng này.

Trước sự lên tiếng của công luận, ông Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội đã có hành động dũng cảm là lên tiếng xin lỗi vì đã để xảy ra "những sai sót có thật". Nhưng dự án thì vẫn tiến hành. Liệu rằng, 1.000 món quà mà Hà Nội sẽ gửi cho mai sau có xứng với tầm vóc của thủ đô 1000 năm tuổi hay không? Câu hỏi này là cần thiết, khi BTC đã có tới vài năm chuẩn bị dự án, mà đến nay vẫn còn lúng túng, thì với thời gian chừng 200 ngày, họ sẽ xoay sở sao đây?

Theo Ngô Thanh Hằng (ANTG)
Không có thất bại, chỉ là chưa thành công...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đọc sách miễn phí ở công viên

* Tác giả: PHI LONG



Chủ nhật nào Nguyễn Thị Thảo và Nguyễn Thu Hiền - sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM - cũng dậy sớm hơn thường lệ để có mặt ở công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM) đúng 6g. Sau đó, cả hai khệ nệ bày ra hơn 400 cuốn sách...

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=412643

Hôm nay (chủ nhật 18-4) đặc biệt hơn mọi ngày vì là thời điểm kỷ niệm 10 tuần “tiệm sách” ở công viên này ra đời: mong muốn chia sẻ những cuốn sách của mình với mọi người, đôi bạn đã cho ra đời một thư viện sách nhỏ giữa công viên để ai cũng có thể đến đọc miễn phí.

Góc đọc giữa công viên

Bác Đặng Văn Thuận, 64 tuổi, sau khi kết thúc mấy vòng chạy thể dục buổi sáng liền thủng thẳng dừng chân, chọn cho mình một cuốn sách rồi ra chiếc ghế đá quen thuộc ngồi đọc. Nhà ở Bình Thạnh nhưng nhiều năm nay bác vẫn đều đặn đạp xe lên công viên tập thể dục gần như mỗi buổi sáng, và khi thư viện nhỏ ra đời bác bổ sung cho mình “món” đọc sách sau khi tập.

“Chẳng thể tìm ra một nơi nào ở đâu đó hợp hơn công viên để đọc sách. Thật hay khi giờ đây ngoài việc tập thể dục, ngồi hóng mát tôi và những người bạn già lại có thêm người bạn sách vào những buổi sáng cuối tuần. Chỉ cần chọn sách và đọc chứ không phải làm thủ tục mượn sách rắc rối như trong thư viện”, bác nói.

Cũng từ khi biết có gian sách này, chủ nhật hằng tuần Dương Quốc Thái - một bạn trẻ đang phụ quán cơm ở quận 8 - đều đặn đón xe buýt đến đây để đọc. Thái nói: “Mê sách lắm nhưng tiền lương ở quán chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Thư viện này mở ra hoàn toàn miễn phí nên rất thích hợp với những người như tôi”. Trước đó, Thái đã học hết cấp III, muốn học đại học nhưng quá nghèo, không có tiền.

Anh Henry, giảng viên Trường ĐH RMIT (TP.HCM), cùng vợ tình cờ đến công viên và cũng chọn cho mình vài cuốn để đọc. Anh cho biết loại hình đọc sách miễn phí nơi công cộng xuất hiện khá nhiều ở Mỹ nhưng “đây là một ý tưởng thú vị và mới lạ ở Việt Nam”. Anh đang nghĩ cách đóng góp thêm cho thư viện.

10 tuần và bắt đầu những ý tưởng mới

Ý tưởng làm một thư viện di động bắt đầu khi Thảo và Hiền xem một chương trình thư viện miễn phí (trên tivi) ngay tại ngã tư đường phố của một nhóm SV ở Mỹ. Tại Úc cũng có một chương trình tương tự nhưng thực hiện ở các khu lao động nghèo, hướng đến đối tượng trẻ em. “Tại sao mình không mang sách đến công viên để chia sẻ với mọi người?”, Hiền nói với Thảo và cả hai cùng bắt tay thực hiện.

Lần đầu tiên xin phép ban quản lý một công viên ở Q.10, nơi đây từ chối và đề nghị “nếu trả phí thì được”. Không nản lòng, cả hai chuẩn bị hồ sơ đến gõ cửa tiếp công viên Lê Văn Tám và nhận được cái gật đầu cùng sự giúp đỡ rất nhiệt tình. Thấy Thảo và Hiền phải cặm cụi chở sách từ tận Bình Thạnh và Phú Nhuận sang công viên buổi sáng, rồi chiều tối lại chở về nên một bạn đọc nhà ở đối diện công viên đã cho gửi nhờ sách sau khi thư viện “đóng cửa”. Không chỉ đọc, nhiều độc giả bắt đầu kết thân với hai cô gái trẻ và góp sách vào thư viện, mỗi người vài ba cuốn.

Đã 10 tuần trôi qua, cả Thảo và Hiền đều cảm thấy hạnh phúc khi mình làm được một việc có ích nho nhỏ: mang văn hóa đọc chia sẻ cho nhiều người trong công viên. Một nhóm góp sách cũng ra đời với thành viên là những bạn đọc của thư viện, để từ gần 200 cuốn sách giờ đây thư viện này đã có hơn 400 đầu sách khác nhau.

“Trước mắt là đưa thư viện vào hoạt động ổn định. Còn lâu dài chúng tôi sẽ phát triển thêm nhiều điểm ở các công viên khác. Chúng tôi muốn chia sẻ những cuốn sách mình có với hi vọng văn hóa đọc của giới trẻ sẽ phát triển hơn, và quan trọng nhất là truyền thông điệp hãy chia sẻ sách để cùng lập nên nhiều thư viện cộng đồng và hoàn toàn miễn phí”, Thảo nói.


BOX

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=412645

Nguyễn Thị Thảo (sinh 1989), quê Bắc Giang, đang là SV năm 3 khoa marketing, còn Nguyễn Thu Hiền (sinh 1989) ở TP.HCM, đang học năm 3 khoa tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Thảo và Hiền đã lập nhóm góp sách để bổ sung thường xuyên cho thư viện miễn phí và đã góp gần 200 cuốn sách.

Hiện đã có hơn 10 tình nguyện viên tham gia hoạt động của thư viện vào các ngày chủ nhật trong tuần và nhóm có dự định mở cửa nhiều ngày trong tuần hơn để phục vụ nhu cầu của bạn đọc.

(Nguồn:http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=374336&ChannelID=7)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Đọc bài này lòng thấy vui. Bên cạnh những điều nhí nhố, ngông nghênh, phung phí thời gian, tiền của mà một bộ phận giới trẻ vẫn "dẫn đầu" thì trong xã hội vẫn còn thật nhiều bạn trẻ dễ thương bởi cái tâm trong sáng, cái tình hồn nhiên mà thắm đượm, lan tỏa...
Mong sẽ có nhiều bạn trẻ như thế ở khắp đất nước mình, để cuộc sống vẫn có nhiều niềm vui và sự tin tưởng vào người tốt, vào giới trẻ. :)

Cảm ơn bạn Vodanhthi vì đã đưa bài này lên Thi viện. =D>
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Phong Lan

Nguồn: http://tuoitre....g%E2%80%9D.html

Thứ Năm, 22/04/2010, 08:56 (GMT+7)

Thời sự & suy nghĩ

“Sính ngoại” và “sính bằng”

TT - Shirakawa-go, một ngôi làng cổ trên núi của Nhật Bản, là di sản văn hóa thế giới từ năm 1995. Làng có 1.800 người dân sinh sống, nhưng trung bình mỗi năm đón tới 1,7 triệu lượt khách, trong đó có đến 1,6 triệu lượt khách nội địa.

>> Không có phố cổ, chỉ có phố cũ

Trưởng làng nói: “Chúng tôi tự hào không chỉ vì làng chúng tôi là di sản văn hóa thế giới, mà điều chủ yếu là vì đến giờ này dân làng vẫn giữ được những ngôi nhà cổ “mái chắp tay” bằng tranh dày đến 1m, độc nhất vô nhị trên thế giới.

Và hằng năm, mỗi khi nhà nào có việc cần sửa chữa hoặc thay mái tranh mới, cả làng vẫn đến làm giúp, chỉ một ngày là đã tươm tất. Khách nước ngoài đến đây ít vì đường sá quá xa xôi. Nhưng chúng tôi biết với Shirakawa-go, điều quan trọng là cuộc sống dưới những mái tranh “chắp tay” này là truyền thống tinh thần của người Nhật mà chúng tôi cố gắng gìn giữ”.

Trông người mà ngẫm đến ta. Hàng loạt di sản của chúng ta đang cố gắng để được đưa vào danh sách di sản thế giới bằng mọi giá, để khách quốc tế đến bằng mọi giá. Quan họ, ca trù được công nhận rồi xẩm, xoan ghẹo cũng phải trình hồ sơ, sau này có thể cả tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, ví dặm... Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng được xướng tên trên bảng vàng rồi thì Cúc Phương, Phanxipăng cũng nhấp nhổm xếp hàng.

Tâm lý “UNESCO hóa”, quốc tế hóa hay nói thẳng ra là “sính ngoại” đang lan tràn...

Cách đây gần mươi năm, lúc sinh thời, cố GS Trần Quốc Vượng từng than thở: không gì khổ tâm bằng đi điền dã, về làng nào, xã nào cũng thấy các cụ bô lão, tóc bạc phơ, xách con gà chai rượu đến “có lời” với các giáo sư: “Các thầy chấm cho đình (chùa, lăng, miếu, nhà thờ họ) làng (họ, xã) chúng em thêm điểm để lên di tích. Đình (chùa, lăng, miếu) làng bên có hơn gì làng chúng em đâu mà cũng được cấp bằng quốc gia hết rồi!?”.

GS Vượng chua chát: “Cứ làm như không có cái bằng di tích quốc gia thì đình làng mình không đẹp, chùa làng mình không thiêng, nhà thờ họ mình không tôn nghiêm bằng những thứ của làng bên cạnh”!

Trong khi thói “sính bằng” trong quản lý di sản vẫn đang còn rất trầm trọng thì đến thời của bệnh “sính ngoại”. Bất chấp nhiều chuyên gia như KTS Hoàng Đạo Kính, nhà sử học Dương Trung Quốc... kiên trì nhẫn nại thuyết phục từ 15 năm nay là Hà Nội chỉ có phố cũ, nhiều người vẫn kiên quyết “phong tặng” nó danh hiệu phố cổ.

Một “đại sứ di sản”, ông Trương Quốc Bình, nguyên cục phó Cục Di sản, kể lại những bài học đau đớn khi đi thuyết minh hồ sơ di sản với các chuyên gia UNESCO: “Khi chúng tôi đang ra sức kể về giá trị của rừng nguyên sinh, của những hang động đá vôi, của những cây chò ngàn tuổi và thảm thực vật độc đáo ở Cúc Phương thì “ùng, oàng”- tiếng mìn phá đá nổ như sấm, đất đá văng tung tóe, văng cả vào người chúng tôi lẫn chuyên gia”.

Có thể hình dung ra sự ngượng ngùng, khó xử, thậm chí bẽ bàng của vị “đại sứ di sản VN” lúc ấy, và hiểu vì sao ông kết luận: “Vấn đề của Cúc Phương không phải là danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới, mà là phải chấm dứt nạn phá rừng và nổ mìn phá đá lập tức”.

Cũng như thế, với ca trù, quan họ, bia Văn Miếu, kinh thành Huế hay Hội An..., điều chúng ta cần đâu phải chỉ là một danh hiệu, một tấm bằng? Có lẽ chúng ta cần con cháu biết nghe ca trù, biết hát quan họ, biết tôn trọng danh nhân trên bia, biết đi bộ và không xả rác trên phố cổ, vào Thế Miếu biết bỏ mũ, đi qua chùa Cầu biết nhẹ chân vì nó bằng gỗ và đã hàng trăm năm tuổi...

Những giá trị bé nhỏ đơn sơ vô hình ấy không danh hiệu nào, bằng cấp nào đong đếm được. Chỉ có “ta” biết với “ta”, “ta” tự trải nghiệm và giáo dục “ta”.

Chỉ khi đó, di sản mới thật sự là di sản, chưa cần đến “ngoại” và “bằng”, như ngôi làng cổ trên núi của Nhật Bản, quý nhất là mùa xuân đến cả làng vẫn xúm nhau lại để giúp một nhà cùng thay mái tranh mới.

THU HÀ

http://i79.photobucket.com/albums/j148/hoaphonglan1911/Shirakawa-go.jpg
http://i79.photobucket.com/albums/j148/hoaphonglan1911/Shirakawa-go-2.jpg
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thư gửi ba

* Tác giả:PHẠM PHƯƠNG THẢO
(11 văn, Trường PT Năng khiếu TP.HCM)



Năm nay con mười bảy tuổi. Mười bảy năm, một chặng đời, nhưng đã thấm gì đâu so với cuộc đời ba trải xuống vì con, ba nhỉ!

Con gái xa nhà sớm, lên trọ học nơi thành phố, xa ba... Cái ngày chân ướt chân ráo nơi đô thị nhộn nhịp, bỡ ngỡ, con rút mình lại, khép nép bên ba như ngày đầu  tiên đi học, ba nhớ không!... Ba đôn đáo lo chỗ ở, dọn phòng, sắm sửa bao thứ. Con vẫn nhớ những giọt mồ hôi lăn tròn trên vầng trán cao, thấm ướt cả cổ áo ba, những giọt yêu thương.

Lúc ra về, ba khẽ xoa đầu: "Ráng học tốt nha con!", ánh mắt ba sao lưu luyến quá, ánh mắt làm con yếu đi, bịn rịn không muốn rời xa. Xe chuyển bánh, bóng ba đổ vạt dài trên nền đất, khuất dần, khuất dần trong cái chuệch choạng của buổi chiều buông... Con bắt đầu một cuộc sống mới: xa nhà, xa ba...

Con đã cố thật nhiều, đã làm thật nhiều rồi con quen dần với guồng quay hối hả chốn thị thành. Con quen những sáng đứng chen chúc trên chiếc xe buýt, quen những chiều kẹt xe hằng giờ, quen những buổi cơm bụi và quen cả cái vị của đất Sài thành, ba ạ! Con sống gấp gáp dần. Con không còn ngày ngày  được nhìn thấy khuôn mặt ba, mẹ, em Triết nữa; không còn được kể chuyện trên lớp trong những bữa ăn tối cho cả nhà mình nghe nữa. Một cảm giác mất mát, chóng vánh đến thắt lòng, nhưng rồi cũng nguôi ngoai dần, lao vào cái guồng hối hả ấy con không có thời gian để hoài niệm về những cái "ngày xưa", "hồi đó” nữa...

Con chỉ nghe được giọng nói của ba qua những cuộc điện thoại vội, những lời hỏi thăm rồi như khỏa lấp nỗi nhớ một cách tức thời nhưng cũng làm mờ nhòe đi hình ảnh khuôn mặt rám nắng, vầng trán cao và đôi mắt sâu thẳm, mờ nhòe dần đi ba ạ... Con vẫn lao vào những chuyến xe tốc hành của cuộc sống với bộn bề bài tập, bài kiểm tra, với những con điểm, lời phê... Những lúc tranh thủ về nhà, mệt nhoài sau một chuyến xe dài, sau một tuần vắt kiệt sức lao động, con ngủ say như đứa trẻ.

Phải, con đã lạc vào thế giới hững hờ, hời hợt của một đứa trẻ rồi ba ơi! Con không còn nói chuyện cùng ba nhiều như ngày trước nữa, như có một ranh giới vô hình cách ngăn con lại; con không hăm hở khoe với ba những bức vẽ như lúc còn học mẫu giáo nữa, không còn được ba nựng nịu khuôn mặt lấm lem như hồi xưa nữa. Bây giờ con trình ba phiếu báo kết quả học tập, điểm phẩy, xếp hạng và nhận lại nụ cười trầm ngâm... Con vẫn cứ sống như thế...

Một buổi tối ba đi công tác muộn, con ngồi "hàn huyên" cùng mẹ. Mẹ bảo dạo này con ít nói hơn, vì con lớn rồi - con giải thích. Mẹ nói con mất đi cái  dễ thương của "bé Hằng Nga" ngày xưa, vì con không còn con nít nữa - con lại giải thích. Mẹ nói con ít quan tâm tới gia đình quá, vì con còn phải rối bù với cả núi bài tập của mình - và con lại giải thích...

Nhưng rồi con sững người khi nghe mẹ kể những lúc ba mong cuộc điện thoại con gọi về, những khi ba thấp thỏm hỏi: "Khi nào nó về?". Giọng mẹ run run và cổ họng con nghẹn đắng, con vừa bước ra cơn mê hời hợt của cái thế giới con đang dấn thân vào, ba ơi! Con bước ra để nhìn thấy sự thật: con đánh rơi nhiều thứ quá rồi...

Đêm đó, con nằm trằn trọc. Con suy nghĩ về con đường mà con đang bước, về lối đi mà con đã chọn: vồn vã, cuống quýt và nhạt vị quá. Mười bảy tuổi đủ để người ta soi rọi và nhìn nhận một vấn đề như vậy, phải không ba? Rồi nỗi nhớ ùa về. Chóng vánh. Quạnh quẽ. Những cái ngày xưa ấy tràn về, bấu víu và  xoáy chặt vào tâm trí, chúng đan vào nhau thành những mạch ký ức nhuộm màu kỷ niệm...

Con nhớ những tối nằm nghe ba kể chuyện ngày xưa. Chuyện cô bé quàng khăn đỏ mang bánh cho bà và khi ấy con lém lỉnh reo lên: "măm, măm, măm". Con nũng nịu trong lòng ba để làn hơi ấm mơn trớn cho đến khi con chìm sâu vào giấc ngủ. Đáng yêu quá phải không ba!

Con nhớ lúc được ba chở đi chơi, ngồi phía trước mà lòng con háo hức. Một chiếc xe buýt chạy vụt qua, phả khói và khi đó ba giơ bàn tay chắn bụi cho con. Bàn tay chở che cho cả cuộc đời con, nấp sau bàn tay ấy con vững tin vào một cảm giác an toàn đến tuyệt đối.

Con nhớ mái tóc "bum bê” ba cắt cho con, ngố ngố nhưng đáng yêu nhường nào. Ba là nhà báo, chỉ biết cầm bút và khi cầm kéo, ba "sáng tác" những đường cắt "tuyệt mỹ”. Suốt thời cấp I, con đi học với mái tóc "bum bê” ngang cằm đó. Bạn bè có tủm tỉm cười, con vẫn hếch mũi tự hào: "Ba tui cắt cho tui đó”.

Con nhớ những lúc ba dạy con ê a đánh vần, dạy con từng chữ cái một. Cái bài học chữ "ư” và chữ "u" đấy ba nhỉ; sao con cứ lộn mãi, khác nhau một cái dấu móc mà con nhầm lẫn cả tối. Ba cốc đầu con một cái - ba vẫn nóng tính thế mà - con thút thít nhưng rồi lại phân biệt rõ mồn một - ba làm con tỉnh. Mẹ vẫn thường bảo: "Khoanh tay lại xin lỗi ba đi", con khoanh tay xin lỗi rồi ôm hôn ba: "Con thương ba nhất trên đời".

Ai đó đã nói có những thứ chỉ có thể gọi tên bằng kỷ niệm, vậy thì con sẽ đặt tên cho chuỗi kỷ niệm ấy là "ba", có được không ba? Con không dám thay "con nhớ" bằng "làm sao con quên được" vì thật sự là con đã từng quên, ba à! Con đã từng đánh rơi những điều ấy để tìm kiếm những điều vụn vặt hơn rất nhiều.

Rồi dần dần con nhận  ra những vết nhăn sâu hơn trên vầng trán ba, những đường gân như khắc khoải hơn trên bàn tay ba. Con bắt gặp hình ảnh ba nằm gác tay lên trán khi ngủ, một cái gì đó trầm ngâm và sâu thẳm chứ không bình thản như trước nữa. Vì con, phải không ba?

Con chợt nhớ tới câu chuyện kể rằng có một loại người như cái giếng nước, bình thường người ta dễ lãng quên nó nhưng đến khi khát cháy, múc nước lên uống, người ta mới nhận ra vị mát lành tinh khiết của nó. Con là một trong số những người như vậy đó ba. Con đã uống những ngụm nước mát lành ấy khi còn thơ bé và con lãng  quên nó để rồi hôm nay con mới chợt ngộ ra. Giếng nước tình yêu của ba vẫn đều chảy, vẫn dào dạt và đã tưới mát tâm hồn con thêm một lần nữa. Nhưng có bao giờ con làm đầy lại được phần nước đã uống cạn đâu và cũng chẳng bao giờ con hiểu hết được chiều sâu nơi lòng giếng đó...

Giá mà được ba cốc đầu một cái để tỉnh dậy sớm hơn thì tốt biết mấy, ba nhỉ, nhưng ba lại chỉ nhìn con bằng ánh mắt chan chứa yêu thương...

Con vẫn thường nghĩ đến những ngày mai, đến tương lai mà chính con tự phủ hồng nó bằng những mộng tưởng để rồi con đánh rơi hiện thực, đánh rơi những khoảnh khắc của hôm nay. Con không còn nhận thấy sự nhớ nhung trong giọng nói run run của mẹ khi gọi cho con, con phớt lờ những câu chuyện cười trẻ con của em Triết và con không mảy may nghĩ đến sự đợi chờ khắc khoải của ba. Con gái hư quá, phải không ba! Có còn được phép khoanh tay lại nói xin lỗi rồi ôm hôn ba mà hét lớn: "Con thương ba nhất trên đời!", để rồi ba sẽ xoa đầu âu yếm: "Con gái rượu của ba ngoan quá”. Có còn kịp để làm vậy nữa không ba?

Ba vẫn dạy con khi người ta lớn thì sẽ nói ít hơn để suy nghĩ và thấu cảm nhiều hơn. Con thấm thía dần rồi ba ơi! Con nhận ra cái quý giá của sự chiêm nghiệm trong lặng yên. Bài học của tuổi mười bảy, bài học đẩy con bước thêm một bước nữa trên đường đời để rồi sau này con sẽ lại tự hào rằng: "Ba tui dạy tui đó”, nha ba!

(Nguồn: http://phienban...nnelID=414)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sự cô đơn của người đọc

* Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên



Lâu nay, chỉ nghe người ta nói đến người viết là những kẻ cô đơn. Có thể là, trong 100 người viết tuyên ngôn rằng mình cô đơn thì chưa đến 30% là nói thật. Dù sao thì cũng nên xuê xoa hiểu rằng, tất cả họ đang “phấn đấu cô đơn” theo cách tằm rút ruột nhả tơ.

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=102965

Tuyệt nhiên, khi cánh viết lách nói chuyện về cái sự cô đơn như một cách thiêng hoá sự ẩn mật trong công việc của mình, họ quên rằng, chính người đọc sách hôm nay mới thực sự xứng đáng gọi là cô đơn – nếu cô đơn là một giá trị chứ không phải một “mốt” làm sang.

Quả thật, ngày nay việc đọc sách là một hành vi hướng đến sự cô đơn. Cô đơn hơn trong chính cái bối cảnh đời sống tiêu dùng thực dụng, đầy tốc độ, đầy rẫy toan tính vật chất, và cô đơn ngay từ việc chọn lựa hình thức giải trí lặng lẽ và bị coi buồn tẻ, ít tìm được sự đồng cảm chung như đến rạp xem phim, đi nhảy nhót, nghe nhạc hay tìm vui trong việc làm giàu, mua sắm…

Cô đơn vẫn là điều tiên quyết để bạn đọc tìm đến sách. Trước hết, đó là cô đơn chống lại sự cám dỗ của những dự tính, dự toán cải thiện nhân sinh để hướng đến trọng tâm của việc đọc, đó chính là kiếm tìm, theo đuổi một sự cải thiện khác hướng đến đời sống nội tâm.

Quả thật, khi cầm một cuốn sách lên đọc, tôi đã đặt vào nó một niềm hy vọng, hy vọng đây là một cuốn sách hay. Hay nghĩa là sao? Nghĩa là làm cho tâm lý của tôi sẽ khác đi, sự hiểu biết của tôi sẽ được bồi đắp hơn, tinh thần tôi sẽ khá hơn, nhận thức tôi sẽ trở nên sáng sủa sâu sắc hơn để nhìn cuộc đời, hành xử trong cuộc đời sau khi đọc. Có thể tôi sẽ sống với sách theo nghĩa, cuốn sách đã sống thật và chi phối cách nhìn – nghĩ – sống trong tôi.

Vì thế, tôi sẽ để dành cho sách một thời gian thu nhận, một không gian đáng kể để chứa đựng và lắng đọng, một năng lượng đáng kể để suy tư. Nghĩa là tôi phải hy sinh, hạn chế nạp vào những thứ dự liệu khác; hy sinh và hạn chế thời gian đàn đúm, kiếm tiền hay chìm vào các trò tiêu khiển “thức thời” khác trong khoảng thời gian đọc, nghĩ về, sống với nó.

Đọc, nghĩa là can đảm tách mình ra khỏi dòng sống ồn ào để khu biệt một thế giới mà ở đó, chỉ có mình đối diện với mình, rảo bước chậm với chính mình trong thế giới của chữ nghĩa, tri thức và hiểu biết. Đọc cũng có nghĩa là tiến hành quá trình khảo sát nội thức đầy nghiêm cẩn, một sự giải trí có dáng dấp khổ hạnh, một cuộc truy cầu có tính chất dấn thân lạ lùng, một sự lầm lũi đơn thân độc mã tránh xa mọi hứng thú bầy đàn để tìm ra nghĩa lý tồn tại qua việc bồi đắp hiểu biết.

Dĩ nhiên, việc đọc của một lữ khách nơi bến tàu trong lúc chờ xe sẽ khác việc vùi mình trong thế giới sách của một nhà nghiên cứu, việc đọc tiểu thuyết lâm ly của chị tiểu thương khác với việc một sinh viên truy vấn nhọc nhằn một diễn ngôn triết học.

Nhưng, về cơ bản, tất cả giống nhau ở chỗ: thực hiện hành vi đọc, nghĩa là thực hiện một sự hứng tâm, rời lìa (tạm thời hay lâu dài, chuyên chú hay đứt đoạn) cái cuộc sống xô bồ đang diễn ra để dấn bước theo đường đi của chữ, đường đi giữa đôi dòng chữ. Người đọc đích thực là người biết chắc rằng, việc chọn lựa một cuốn sách là chọn lựa xứng đáng, không hối tiếc trước những đối trọng trong các tiểu chí bất cân xứng khác theo thói thường đời sống.

Người ta nói nhiều đến vai trò của việc đọc: đọc sách là một phương tiện bồi dưỡng trí nhớ và tư duy, là biểu tượng của văn hoá và văn minh, là nhu cầu phát triển ý thức của cá nhân và của xã hội… Tất cả đều đúng. Nhưng, trước hết, điều nói lên đúng bản chất của hành vi đọc đó là sự chấp nhận cô đơn đi trên một con đường với niềm tin nó sẽ dẫn đến cái đích duy nhất: bắt đầu thay đổi thế giới từ việc trang bị để thay đổi nội tâm, cái nhìn của mỗi người. Mọi sự chia sẻ, mọi sự hoan hỉ hay bàn luận sẽ là những việc đến sau.

Hình ảnh những người lặng lẽ chú mục vào trang sách dù trên ga tàu hay trong thư viện, với tôi, những hình ảnh đó đều toả ra một thứ ánh sáng hiền hoà mà lộng lẫy, nó làm cho cuộc sống được neo giữ, không trôi tuột đi, nó làm cho cái thế giới cõi người hỗn loạn này không trở nên quá sức lạnh lùng, ồ ạt huyên náo và tàn nhẫn đến đáng sợ.

Sự thay đổi đặt trên nền tảng tri thức, tinh thần lành mạnh luôn có sức hấp dẫn mê đắm. Thế giới thay đổi bắt đầu từ những vận động, đổi thay, cộng hưởng từ tâm thế của những cá nhân sống trong đó. Và người đọc, hơn ai hết, sẽ tìm thấy trong những trang sách hình ảnh của những hành trình nối tiếp những hành trình, nỗi cô đơn không bi luỵ xu thời khép kín như chúng ta vẫn thường nói về nó mà đó chính là sự ẩn mình đầy hân hoan, kỳ thú khi có được cõi nhìn sáng sủa, luôn được soi chiếu bằng thứ ánh sáng bất diệt của hiểu biết và văn minh.

Người đọc là những kẻ không ngừng dấn bước trên con đường ấy với sự kiêu hãnh trầm lặng của mình.

Chúc mừng cho những ai có được sự cô đơn của một người đọc.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối