Tôi hãnh diện vì đã được nghe thầy giảng... với tấm bằng cử nhân thôi, thầy nói: "thời gian học tiến sĩ tôi để dàng chơi đàn, và tự học thêm ngôn ngữ"...Nghe giảng giải về âm nhạc dân tộc Việt Nam
Chuyện nhà thơ, nhà văn Lê Đình Bích, hiện là giảng viên trường Đại học Cần Thơ luôn được mời đi dạy cho trò Tây ở xứ ta không phải là chuyện lạ. Bởi người trong giới luôn biết đến ông như một giảng viên thông thạo văn hóa dân gian kiêm... hoạt náo viên có hạng.
Mỗi giờ dạy của ông - tất nhiên là chỉ những giờ dạy cho Tây - đều thấy lủ khủ những vật dụng mộc mạc cứ như vừa lấy vội ở chái bếp, đầu hè và không thể thiếu một ban nhạc đờn ca tài tử mang vác lỉnh kỉnh nào sáo, nào đàn bầu, nào đàn cò, đàn nhị... Cứ như là một gánh hát rong của thế kỷ trước. Ấy vậy mà học trò bên Tây lại thích, lại mê.
Thầy "ta" dạy trò Tây
Học trò Tây chăm chú với đờn ca tài tử - Ảnh: H.Hạnh
Được biết, ông Lê Đình Bích tham gia giảng dạy về Văn hóa Nam Bộ thuộc chương trình "Đồng bằng sông Cửu Long - Sinh thái văn hóa tự nhiên" nằm trong khuôn khổ Học phần nhiệt đới, hợp tác giữa trường ĐH Cần Thơ và trường Đào tạo Quốc tế (School of International Training, SIT) Mỹ. Từ năm 2005 đến nay đã có 5 khóa học như vậy với trên 30 sinh viên Mỹ. Ông Bích cho biết, những buổi tìm hiểu bản sắc dân tộc mỗi một vùng miền không bó khuôn bằng bài giảng mà đa phần được lồng ghép vào những buổi nghe đờn ca tài tử; tham gia đổ bánh xèo với người dân miệt đồng hoặc có thể là những buổi lênh đênh chợ nổi sông nước... Năm 2006, cô Cindy, sinh viên đến từ Mỹ mê mẩn quá đã dùng hết thời gian nghỉ sau mỗi buổi học để nhờ ông Hòa - một nghệ sĩ tài tử tại bến Ninh Kiều - dạy đàn cò cho bằng được. Khi ra đến Hà Nội, Cindy đã biểu diễn đàn cò cho nhiều bạn bè là người Việt thưởng thức, gây ngạc nhiên cho nhiều người. Hay cô sinh viên Rachel đã đem cái mõ ếch - một bộ gõ thú vị trong các nhạc cụ dân tộc Việt Nam - về Mỹ với hy vọng khi gõ lên sẽ liên tưởng một không khí phương Đông.
Bởi vậy mới có chuyện có một đoàn 15 vị giáo sư đến từ các trường khác nhau của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để tìm hiểu về chương trình này (từ ngày 21 đến 31.5). Bà Dương Vân Thanh, Giám đốc học thuật trường SIT Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết trong suốt 10 ngày đa phần các giáo sư sẽ đi điền dã tại các nông trang, làng sinh thái, tràm Chim, viện lúa... họ chỉ dự một buổi lên lớp của ông Lê Đình Bích. Bà Thanh hy vọng qua chuyến tham quan tìm hiểu này thì số sinh viên từ Mỹ đến VN sẽ đông lên. Hy vọng của bà Thanh là có cơ sở khi nhìn thấy các vị giáo sư đã chăm chú theo dõi và tâm đắc tại buổi lên lớp của ông Bích như thế nào (chiều ngày 23.5). Bản sắc văn hóa của vùng đất ĐBSCL đã hiển hiện qua những nhạc cụ dân tộc như sáo, kèn sona, đàn tam, đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị... mà giảng viên hoặc khách mời vốn là những người dân lao động bình thường đều sử dụng được. Hoặc họ thích thú trước những vật dụng dùng cho sinh hoạt hằng ngày bằng tre, bằng trúc lại ẩn dụ một quan niệm sống của cư dân châu thổ như thế nào. Cô Cynthia Fowler, đến từ Wofford College thích thú cho biết: "Ồ, văn hóa Đông - Tây cũng có nét tương đồng đấy chứ. Tôi cũng hay gặp bạn bè để đàn ca, họ cũng là nhạc công tài tử". Ông Michael H.Fisher, đến từ Oberlin College thì băn khoăn: "Văn hóa ĐBSCL có bản sắc rất thú vị, vậy làm sao giao lưu, để nơi khác có thể học hỏi được?". Chỉ hai tiếng đồng hồ nhưng vô số kiến thức đã được bổ sung.
Học trò "ta" muốn học như Tây
Ăn trái cây chấm muối cũng là nội dung trong buổi học
Ảnh: H.Hạnh
Nhân chuyện này lại muốn đặt ra một vấn đề khác - liệu học trò "ta" có thích học như Tây; liệu những kiến thức từ hiện thực sinh động của cuộc sống như vậy có hấp dẫn học trò "ta"; liệu tiết học của học trò "ta" có được như vậy hay không... Ông Lê Đình Bích trả lời ngay trò "ta" rất thích nhưng điều kiện không cho phép, cả về kinh phí, cả về phương pháp giảng dạy và cả về nội dung giảng dạy. Rất hiếm khi các tiết học của học trò ở đây lại có đủ các vật dụng như tiết học mà chúng tôi vừa mô tả; đa phần các sinh viên nghe, đọc, chép và nhìn vào màn hình slide những vật dụng vốn rất quen thuộc nếu chịu khó đi ra ngoại thành một chút (!). Ông Bích cho biết để chuẩn bị cho 2 tiết giảng vừa nêu ông phải mất 2 tháng tìm kiếm, nghiền ngẫm.
Mới đây, trong tháng 4, GS-TS Trần Văn Khê đã có hai cuộc lặn lội về miền Tây để đi thuyết trình về âm nhạc dân tộc cho sinh viên trường ĐH Cần Thơ và ĐH An Giang. Sinh viên tham dự rất đông, rất say mê. Bởi lẽ, GS Khê nói chuyện âm nhạc mà không chỉ là âm nhạc, lồng vào những bài ca, điệu hát quen thuộc là tính cách dân tộc, bản sắc vùng miền, làm tâm tính con người, là lòng tự hào dân tộc... điều mà bao bài giảng đạo đức muốn hướng đến. Chúng tôi thử đọc qua cuốn sách giáo khoa bộ môn Âm nhạc lớp 9 mới thấy học sinh ta học đủ thứ: từ cách đọc giọng Son trưởng, Mi thứ, Pha trưởng; từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương đến Trai-cop-xki; dân ca phải đầy đủ mọi miền đất nước; bài đọc thêm phải "tầm cỡ" như "âm nhạc và vũ trụ". Hoặc trong một đợt đi thực tế tại các tỉnh ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã bức xúc như thế nào khi thấy ngay tại các trường ở nông thôn vẫn trang bị những con châu chấu, con dế, con heo bằng nhựa để... giáo dục trực quan (!). Giá như chúng ta có thể giới thiệu cho học sinh những giờ học sinh động như học trò Tây. Nếu viện về kinh phí thì cũng chưa thuyết phục lắm. Ví dụ trong những giờ học cho Tây, những nghệ nhân đàn ca tài tử đến đàn ca minh họa đều tham dự "tài tử" cho vui, như là cái nghiệp chứ không phải vì thù lao. Đem điều băn khoăn này trao đổi với GS Trần Văn Khê, ông cho biết đây cũng là điều ông ấp ủ, mong muốn nhưng ngoài tầm tay, giáo sư đã nhiều lần đề nghị với Bộ Giáo dục-Đào tạo nhưng chưa thấy phản hồi.
Quả là chuyện học giữa "ta" và Tây còn khác nhau nhiều quá, từ cách tiếp cận kiến thức cho đến chọn lọc kiến thức để học. Và thêm một điều đáng nghiền ngẫm, tại sao Tây họ lại tìm hiểu một cách say mê, một cách tường tận văn hóa nước ta vậy mà chúng ta lại có quá ít cơ hội, quá ít thời gian để tìm hiểu học hỏi văn hóa nước mình!
Hồng Hạnh
Hôm ấy bãi trường,
Em đi... còn tôi ở lại
Gió đầy trời...
Gió lạnh phía người dưng.