Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Người gửi những trăn trở giáo dục vào toán học

* LAN PHƯƠNG (báo Tuổi Trẻ)



Tiến sĩ toán học Trần Lương Công Khanh vừa được Nhà xuất bản Éditions Universitaires Européennes (Nhà xuất bản Đại Học Châu Âu) xuất bản tác phẩm La notion d’intégrale dans l’enseignement des mathématiques au lycée: une étude comparative entre la France et le Vietnam (Khái niệm tích phân trong dạy học toán ở trung học phổ thông so sánh giữa Pháp và Việt Nam).

Ông sống tĩnh lặng, vui vẻ với tình yêu của mình dành cho gia đình, con cái, với âm nhạc và sách vở ở một góc nhỏ TP Phan Thiết, Bình Thuận. Ông rất ít nói về chuyện mình viết sách, in sách hay học tập như thế nào.

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/238/423238.jpg

TS Trần Lương Công Khanh nói: “Toán học là vẻ đẹp bay bổng mà cuộc đời sư phạm đã đem lại cho tôi” - (Ảnh: L.P.)

Trăn trở

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM khoa toán năm 1987, ông Khanh giữ trong mình những đam mê với môn khoa học nhọc nhằn này, lặng lẽ làm việc, giảng dạy cho đến những ngày ông nhận được học bổng đến TP Grenoble (Pháp), bắt đầu ba năm nghiên cứu sinh tại đại học Joseph Fourier.

Năm đầu tiên khi bắt đầu nghiên cứu, ông Khanh nhớ lại: “Tôi quan sát về giáo dục trung học phổ thông ở Pháp, ngạc nhiên vì thấy sao học sinh cấp III của họ chỉ học những điều đơn giản”.

Ông tò mò với những bài giảng cấp III đơn giản, quá trình học tập phổ thông nhẹ nhàng để rồi nhận ra: “Đó là cách tiếp cận khoa học luận. Người viết sách nghiên cứu, trong quá trình tiến triển, các nhà khoa học gặp phải chướng ngại gì? Người ta tìm ra những chướng ngại toán học mà trong quá trình sáng tạo các nhà toán học mắc phải. đó cũng có thể chính là những chướng ngại mà sinh viên mắc phải”.

Từng là sinh viên sư phạm, giảng viên đại học, ông Khanh chứng kiến những sinh viên sư phạm phải ngồi viết hàng chục bài tập mẫu theo dạng toán, những bộ đề luyện thi đại học có phân loại từng kiểu, cách làm bài, dạng bài cụ thể, đôi khi chỉ cần... học thuộc. “Người ta đã chứng minh được là một em học sinh không hiểu gì về một dạng toán vẫn có thể giải bài rất dễ dàng và đúng khi đã học cách giải của dạng toán đó” - ông Khanh nhớ lại.

Sau thời gian nghiên cứu ba năm (2003-2006) tại Pháp, luận án tiến sĩ Khái niệm tích phân trong dạy học toán ở trung học phổ thông so sánh giữa Pháp và Việt Nam của ông được xếp loại xuất sắc bởi hội đồng thẩm định của trường.

Đầu năm 2010, Nhà xuất bản Đại Học Châu Âu gửi một bức thư đề nghị ông cho xuất bản luận án tiến sĩ của ông dưới dạng một quyển sách. Tháng 3-2010, ông dành thời gian hơn một tháng chỉnh sửa lại luận án để tác phẩm phù hợp hơn với người đọc số đông. Đến cuối tháng 4, tác phẩm của ông được chào bán trên hệ thống bán sách nổi tiếng thế giới Amazon.com. Ngày 23-5, ông tự hào cầm trên tay quyển sách được nhà xuất bản gửi về, 354 trang, in trọn vẹn và trân trọng những tâm huyết mà ông đã dành ra suốt ba năm nghiên cứu khi xa nhà.

Toán học mở đầu những bay bổng

Thỉnh thoảng, người ta vẫn đọc được những bài viết của tiến sĩ Trần Lương Công Khanh về bài hát Bonjour Vietnam, về Balzac, về hội họa, âm nhạc, về Việt Nam trong lòng nghệ thuật Pháp... trên một số tờ báo Việt Nam.

Ông cười: “Rất nhiều người yêu toán là những nhà thơ. Rất nhiều nhà toán học là nghệ sĩ violon, viết văn, làm thơ... Vẻ đẹp của toán học có khi là những không gian rất nhiều chiều, đầy tưởng tượng, mê hoặc”. Những lời đầu tiên trong trang “Lời cảm ơn” của quyển sách vừa được xuất bản, ông viết: “Ba tôi là thợ hồ, mẹ tôi là nông dân...”. Tinh thần đơn giản và khiêm nhường đó đã nuôi lớn ông, trong khoa học và trong cả tình yêu với gia đình và nghề nghiệp của mình. Ông vui vì biết đã gửi được những suy nghĩ, trăn trở trong giáo dục của mình đến với những người nghiên cứu khác trên thế giới cũng quan tâm về vấn đề này.

Một thành quả hợp tác giáo dục Việt - Pháp

TS Lê Thái Bảo Thiên Trung - giảng viên toán ĐH Sư phạm TP.HCM - nói: “Đề tài nghiên cứu của thầy Khanh được in thể hiện thành quả thật sự của việc hợp tác giáo dục giữa Pháp và Việt Nam. Thầy Khanh đã đưa ra một so sánh trong việc giảng dạy tích phân. Từ đó, người làm giáo dục có thêm một cái nhìn tham khảo khi làm việc, cũng như thế, người ta sẽ tiếp tục có những so sánh ở những khía cạnh khác trong việc dạy học môn toán này”.

TS Trần Lương Công Khanh công tác tại Phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Bình Thuận từ năm 1994.

Năm 1996, ông học một năm tu nghiệp về quản lý và thanh tra giáo dục tại Trung tâm Nghiên cứu sư phạm quốc tế (CIEP) của Pháp.

Năm 2003-2006, ông là nghiên cứu sinh tại đại học Joseph Fourier, làm việc tại Laboratoire Leibniz (nay gọi là Laboratoire d’informatique de Grenoble).
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

gái có chồng

Phượng Hoàng Lửa đã viết:
.

           SUY NGHĨ TỪ VỤ CHÁU HÀO ANH


Phạm Nguyễn

Vụ việc vợ chồng chủ đầm tôm Mã Ngọc Thơm và Huỳnh Hoàng Giang ở đầm dơi (Cà Mau) hành hạ dã man như thời trung cổ người làm thuê là cháu Hào Anh suốt cả năm ròng đã khiến dư luận cả nước phẫn uất đến tận cùng.

Sự phẫn uất vẫn được thể hiện  ngay cả vào tối qua, khi bản án được Hội đồng xét xử TAND Cà Mau tuyên với 46 năm tù chia đôi cho đôi vợ chồng “ác quỷ” thì nhiều người vẫn cho là còn nhẹ.

Rất nhiều nước mắt đã rơi. Đó là những giọt nước mắt thương cảm. Nước mắt giận dữ. Và, có cả những giọt nước mắt xót xa,…

Với vụ việc này, có thể coi như kết thúc “có hậu” khi cái ác đã bị trừng trị và nạn nhân đã được cứu thoát. Nhưng sau vụ việc này, chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em, có luật Phòng chống bạo lực gia đình bên cạnh luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và hàng loạt các luật khác liên quan tới công tác bảo vệ trẻ em. Vậy nhưng, hàng ngày, hàng giờ và ngày càng nhiều những vụ bạo hành trẻ em được phát giác. Đặc biệt là tính chất, mức độ vụ việc ngày càng nghiêm trọng. và ngặt một nỗi, vụ nào cũng vậy, các cơ quan chức năng “mãi là người đến sau”.

Điều đó cho thấy rằng, mạng lưới bảo vệ trẻ em của chúng ta hiện đang quá yếu, chưa đồng bộ, phải đi qua nhiều cấp. Và hơn thế , đó là nhận thức không đầy đủ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đã có quá nhiều vụ việc, người dân phát hiện, báo chí phanh phui thì chính quyền mới vào cuộc một cách lấy lệ.

Và một điều nữa cũng cần phải nhìn nhận, cái ác đang hoành hành, bắt nguồn từ sự thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm của chính mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội. Có thể đây là một nhận xét nghiệt ngã, nhưng là sự thật đau xót vô cùng!.

Nói về vụ việc bé Hào Anh bị hành hạ, bà Ngô thị Minh – Phó chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá giáo dục thanh thiếu niên Quốc hội đã nói rằng : “Tôi thực sự đau xót cho tuổi thơ của cháu Hào Anh, vừa thấy phẫn nộ trước hành động vô nhân tính của vợ chồng Giang – Thơm, vừa thấy thật đáng trách người mẹ sinh ra cháu Hào Anh và vừa thấy trách bản thân mình vì chưa làm hết trách nhiệm”.

Đúng vậy! Nhưng không chỉ riêng bà Minh. Mỗi sự việc đau lòng  như trên xảy ra, chúng ta cần nhìn thấy phần trách nhiệm của mình trong đó.

Và, cũng đã đến lúc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần phải đặt vấn đề này lên bàn nghị sự và phải khẩn trương tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để chấn chỉnh ngay những băng hoại đạo đức này.

Nó còn quan trọng hơn rất nhiều vấn đề khác mà chúng ta đang mất thì giờ sốt sắng!.
Về cá nhân, tôi thấy còn nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ cho thật tường tận khi bảo:"đã đến lúc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần phải đặt vấn đề này lên bàn nghị sự và phải khẩn trương tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để chấn chỉnh ngay những băng hoại đạo đức này."
Về phía nhà nước, trách nhiệm và những điều cần làm, tôi nghĩ mọi người đều thấy, đó là cả một nỗ lực vì trẻ em là tương lai của đất nước. Bao nhiêu luật, văn bản ...bao nhiêu tổ chức, đoàn hội ra đời...bao nhiêu hoạt động tuyên truyền nhằm mục đích cho trả em được bảo vệ và phát triển một cách tốt nhất, an lành nhất...
Vậy vấn đề còn lại là gì và thuộc về ai...
Vấn đề còn lại không thuộc về xã hội lớn nữa vì vừa qua xã hội lớn đã rất mạnh mẽ và quyết liệt nghiêm trừng rất nghiêm khắc đối với loại tội phạm này...Vấn đề còn lại là xã hội nhỏ...Vậy xã hội nhỏ là ai...LÀ CHÍNH GIA ĐÌNH...
Tôi vẫn thường nghe nhắc đến cụm từ: GIA ĐÌNH LÀ TẾ BÀO CỦA XÃ HỘI...Ở đây gia đình không co nghĩa là bố mẹ và con cái...gia đình mở rộng là cả một họ tộc...gọi chung là giọt máu đào ấy...Nếu mọi người trong cái gia đình bé nhỏ ấy có trách nhiệm và triệt tiêu ngay từ gốc rễ cái mầm mống tội ác đấy thì tôi nghĩ cả một xã hội lớn sẽ không phải dành nhiều thời gian và công sức để xứ lý vấn đề thuộc phạm vi gia đình nhỏ...Xã hội lớn đang cần rất nhiều thời gian để làm những việc to lớn hơn và nếu từng thành viên gia đình nhỏ ấy không có trách nhiệm với chính mình, với chính cuộc sống của mình thì gia đình nhỏ sẽ diệt vong và xa hơn xã hội sẽ như thế nào nếu có những con người đối xử với cộng đồng người thân của mình bằng những hành vi không nhân tính ấy...chắc chắn đấy chỉ là CON chứ không phải NGƯỜI...
Điều quan trọng là sống cho trọn vẹn chữ người ...trong mỗi gia đình - xã hội nhỏ ấy...
Không có thất bại, chỉ là chưa thành công...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhà nghèo, em nhường anh đi thi đại học

* KHÁNH HIỀN (báo Dân Trí)



Hai anh em Hoàng Thanh Hợi và Hoàng Thành ở thôn Mỹ Duyệt, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ba mẹ hai em làm nông, mẹ lại hay bệnh. Vừa rồi, Hợi ra Đà Nẵng dự thi vào Đại học Kinh tế.

Hợi kể: “Năm ngoái em đã thi đậu vào một trường cao đẳng Quảng Bình nhưng em phải quyết định bỏ học vì lúc đó mẹ trở bệnh rất nặng. Mẹ em bị u vú, lúc đó mẹ nhập viện chưa biết là u lành hay u ác. Nếu em lên thành phố học thì lo mẹ ở nhà không ai chăm khi bố em phải lo làm lụng cáng đáng mưu sinh lo cho cả nhà, em trai vẫn còn đi học. Mà lúc đó, tiền dành dụm, vay mượn được bao nhiêu cũng phải dành chăm lo viện phí, lo sức khỏe của mẹ trước hết”.


http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2010/07/06/nho%20sv06072010.jpg
Hợi (đeo ba lô) đang nhờ các tình nguyện viên tiếp sức mùa thi tìm giúp chỗ trọ giá rẻ. (Ảnh: Khánh Hiền)

Một năm qua, Hợi vừa chăm cho mẹ, vừa tập trung ôn luyện thi đại học.

Hiện bệnh tình của mẹ Hợi đã có phần đỡ hơn, nhưng năm nay, đến lượt em trai của Hợi cũng thi đại học. Hai anh em Hợi và Thành bàn nhau, lo cùng lúc cho cả hai anh em đi thi sẽ rất tốn kém. Mà nếu cả hai anh em cùng đậu thì chắc chắn ba mẹ cũng không thể xoay xở cho cả hai anh em cùng đi học. Vậy là anh em Hợi quyết định chỉ một người đi thi thôi.

Lấy lý do năm ngoái anh Hợi đã đi thi, có kinh nghiệm, lại ôn thi suốt 1 năm qua, nắm chắc phần thắng hơn nên Thành nhường anh đi thi trước. Còn Thành nhận phần ở nhà phụ giúp gia đình, “khi nào nhà mình đỡ hơn em sẽ đi thi”.

Hợi cho biết: “May mắn là khi vào Đà Nẵng, em được các anh chị tình nguyện viên tìm cho chỗ ở giá rẻ, 20.000 đồng/ngày, ngay gần điểm trường thi nên không tốn kém tiền xe ôm đi lại. Thi xong khối A vào Đại học Kinh tế, em sẽ tiếp tục ở lại Đà Nẵng dự thi khối B vào Cao đẳng Y dược Đà Nẵng. Em tính tiền trọ thi ở thành phố, ăn uống tiết kiệm một chút, tiền bố mẹ cho mang theo đi thi cũng vừa đủ. Miễn đừng có phát sinh chi thêm…”.

Đi thi với nỗi trăn trở canh cánh trong lòng, phải thi cả phần của em trai nên Hợi gắng làm bài thi thật tốt. Hợi hy vọng sẽ đạt kết quả cao vì em làm bài thi khối A khá ổn. Chỉ có mấy câu trong đề Toán và Lý quá khó, nên Hợi không giải đề thi được trọn vẹn.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hệ thống đại học giống như ngoài thị trường

* TƯ GIANG thực hiện phỏng vấn



SGTT - Gần đây, uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tiến hành giám sát một số trường đại học. Phó chủ nhiệm uỷ ban, GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về một số phát hiện trong đợt giám sát này.

Được biết, gần đây uỷ ban đã giám sát một số trường đại học. Ghi nhận chính của uỷ ban là gì?

Vừa qua chúng tôi đi giám sát ở 51 trường thì chưa phát hiện trường nào vi phạm nghiêm trọng chính sách giáo dục cả. Nếu thấy trường nào vi phạm rất nghiêm trọng thì chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý. Có một số trường vi phạm thì bộ đã xử lý rồi. Nhưng xử lý cũng phải từng bước, trước hết là tạm ngừng mở ngành đào tạo hoặc tạm ngừng tuyển sinh của trường. Sau đó mới đến mức đóng cửa chứ không thể làm vội được.

Ông thấy chuyện các địa phương mở trường đại học tràn lan trong vài năm qua như thế nào?

Đúng là có tình trạng rất nhiều tỉnh xin mở trường. Tuy nhiên, hiện chỉ có năm tỉnh thành đóng góp vào ngân sách trung ương, mười tỉnh khác cân đối được ngân sách, còn các tỉnh khác đang phải trông chờ vào ngân sách trung ương. “Ông” đang phải trông vào ngân sách trung ương để ăn, mà mở trường đại học thì “ông” lấy đâu ra tiền cho nó. Các tỉnh mở thêm trường thì khác gì nhà nghèo mà đẻ thêm con, làm sao mà tốt được. Đó là chuyện các trường công.

Còn trường tư, cách hoạt động hiện nay là lấy mỡ nó rán nó, tức lấy tiền học phí để tái đầu tư. Nhưng cũng có trường chúng tôi phát hiện ra lấy học phí đi kinh doanh bất động sản, làm sao mà đảm bảo được.

Khi ngân sách cho giáo dục chỉ chiếm 20% ngân sách nhà nước, hay khoảng 6% GDP, nghĩa là chi cho mỗi sinh viên khoảng 200 USD/năm thì không có cách gì nâng cao chất lượng được. Theo tôi phải thay đổi suất đầu tư.

Uỷ ban có ý giám sát các trường đại học nước ngoài đã mở tại Việt Nam hay không?

Trong báo cáo giám sát chúng tôi có đề nghị Chính phủ báo cáo chủ trương xây dựng các trường đại học quốc tế, xoay quanh câu hỏi xây dựng để làm gì, cho ai, đầu tư như thế nào, tốt hay không?

Riêng về trường đại học Việt Đức, theo thành viên uỷ ban phản ảnh lại, Nhà nước tuyên bố cho vay 100 triệu USD để xây dựng, trong khi nó trị giá gần 200 triệu USD. Khi đoàn giám sát tìm hiểu thì có 28 sinh viên theo học thôi, học phí hàng ngàn USD/tháng, Nhà nước tài trợ cho một nửa. Vậy nó có tạo ra công bằng không? Nhà nước đổ ngân sách cho 60% chi thường xuyên của trường đó. Tại sao Nhà nước đổ tiền đổ của vào đây cho 28 sinh viên, vậy còn bao nhiêu sinh viên khác thì sao?

Thông tin ông đưa ra liệu có chính xác? Trường này có vốn đầu tư 180 triệu USD trên 50ha cơ mà?

Thông tin này chuẩn. Thành viên của uỷ ban đến tìm hiểu và về báo cáo lại. Tuyển sinh khoá đầu được 36 em vào học, có tám em rút nên còn 28. Mà hiệu trưởng lại là giám đốc về hưu của một trường cao đẳng Đức. Vậy làm sao xây dựng trường thành đẳng cấp quốc tế?

Trong khi hệ thống giáo dục đại học đang ở trong tình trạng như thế, bộ Giáo dục và đào tạo lại chưa có người chính thức đứng đầu, điều này có ảnh hưởng gì không?

Trong khi đoàn giám sát của Quốc hội đi tìm hiểu gần đây, đã có một số động thái như có chỉ thị của Thủ tướng về nâng cao chất lượng đào tạo, có một vài quyết định của bộ về việc ngưng mở các ngành mới, tạm dừng tuyển nghiên cứu sinh ở những cơ sở không đảm bảo. Theo tôi, đó là những động thái tích cực. Thế còn lãnh đạo ngành là chuyện của cả hệ thống, mình không sợ chuyện đó, các đồng chí thứ trưởng còn nguyên ở đây.

Trong bối cảnh giáo dục đại học bị thương mại hoá như thế, ông có lo rằng con em của nông dân và người nghèo đô thị không thể tiếp cận giáo dục đại học hay không?

Không, chuyện này không ngại, những em ở gia đình như thế mà học tốt vẫn có thể theo học được ở trường công. Còn những trường tư học phí cao ngất nghểu thì đương nhiên không theo học được rồi. Tuy nhiên các em này phải vào đại học bằng con đường học thực sự. Ở các trường công, việc tuyển sinh chưa đến mức tồi lắm đâu. Bây giờ móc ngoặc để đưa một người vào trường đại học là chuyện không đơn giản, cũng có thể có trường hợp như thế nhưng rất hiếm. Anh chấm thi phải thông đồng với bao nhiêu cấp mới có thể làm một trường hợp như thế mà vớ vẩn là đi tù nên ít người dám.

Ông có quá bi quan về chất lượng giáo dục đại học so với thực tế hay không?

Tôi không bi quan nhưng phải đánh giá cho đúng. Thế hệ của tôi và của anh được giáo dục ở các trường đại học ở Việt Nam, cũng có nhiều người làm việc được chứ không đến nỗi vứt đi. Thế nhưng so với yêu cầu phát triển hiện nay thì rõ ràng nó có vấn đề. Và thực tế hệ thống giáo dục của mình đang còn hỗn độn. Nó giống ở ngoài thị trường, người ta muốn tiêu tiền gì cũng được: đôla, nhân dân tệ, euro... Nay thì mở trường Anh, Pháp, Mỹ, Úc… nhồi nhét đủ các loại chương trình vào đây. Các chương trình hỗn loạn như thế này thì không biết bản sắc của nền giáo dục đại học Việt Nam sẽ đi đến đâu.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

"Sách đen" bao vây trẻ em:
Truyện tranh biến thái

Chất cổ tích bị biến dạng hoàn toàn khi ngôn ngữ của các nhân vật đều là ngôn ngữ của tuổi teen hiện đại. Còn truyện tranh nhập ngoại thì đầy sex và bạo lực.
Quá nhiều truyện ma, kinh dị
Tại các hội thảo về văn hóa đọc, nhiều ý kiến cho rằng văn hóa đọc đang xuống cấp vì giới trẻ, bao gồm cả thiếu nhi thời nay ít đọc sách. Thực tế ngược lại, thanh thiếu niên rất “chịu” đọc sách, điều đáng nói là các em rất mê đọc những loại sách không được khuyến khích, có nội dung không lành mạnh.  
Bên cạnh truyện ma kinh dị, đông đảo độc giả tuổi học trò đang bị cuốn vào các loại truyện tranh không còn dừng lại ở chuẩn mực giải trí, giáo dục mà là sự biến chất nội dung, lệch lạc những giá trị sống.

Không còn là truyện cổ tích

Cái nôi đẹp nhất nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ là truyện cổ tích đã không còn giữ được cái hồn tinh túy và nét đẹp truyền thống của nó nữa. Khi nhiều đơn vị đầu tư làm sách đã làm mới truyện tranh cổ tích bằng cách mang tiếng cười và ngôn từ hiện đại vào truyện cổ tích, nét vẽ và lời thoại cũng hài hước như truyện tranh nước ngoài.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/tranh.jpg
Những hình ảnh tươi mát trong những truyện tranh gợi dục


Mới đầu, những bản truyện cổ tích cải tiến đầu tiên ít nhiều thu hút được độc giả nhờ nét vẽ được chăm chút tinh tế, hình ảnh đẹp, màu sắc đa dạng và câu chuyện có lồng ghép những mảng hài hước ý nhị, không ảnh hưởng hay làm thay đổi giá trị nội dung cốt truyện.
Nhưng sự dễ dãi càng lúc càng quá lố, họa sĩ và tác giả ngày càng phóng bút cẩu thả; sự hài hước ngày càng lấn át và chất cổ tích bị biến dạng hoàn toàn khi ngôn ngữ của các nhân vật Lang Liêu, vua Hùng, Mai An Tiêm, nàng Út ống tre... (trong các bộ tranh truyện cổ tích Việt Nam do các đơn vị NXB Giáo dục, NXB Kim Đồng cấp phép xuất bản) đều là ngôn ngữ của tuổi teen hiện đại.
Ở truyện Sự tích bánh chưng bánh dày, cổ tích nguyên bản là Lang Liêu thấy thần về báo mộng lễ vật dâng lên vua Hùng thì trong truyện tranh cải tiến lại là Lang Liêu mơ lạc vào cuộc thi làm bếp và người dẫn chương trình toét miệng giới thiệu “Xin chào mừng quý vị đến với cuộc thi Vào bếp với người nổi tiếng” và từ đó Lang Liêu đã biết được cách làm bánh chưng bánh dày (!).
Những người con khác của vua Hùng khi ăn thử thức ăn thì bị ngộ độc phải đi cấp cứu bằng xe cứu thương, vua Hùng trước khi nếm các sơn hào hải vị cũng lo sợ bị ngộ độc thực phẩm; và hình ảnh vua Hùng được vẽ cực kỳ nhí nhố... Đó là một ví dụ điển hình cho sự làm mới sai lệch một cách cẩu thả của truyện tranh cổ tích.
Chưa kể việc mất chi tiết, sai chi tiết hay sai tên nhân vật trong một số truyện tranh cổ tích khác, như: Chú mèo đi hia, Công chúa lọ lem, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Cây tre trăm đốt...
Sự thay đổi ngôn ngữ và hình ảnh này làm cho truyện tranh Việt thu hút độc giả hơn nhờ tạo ra tiếng cười nhưng vì chiều theo thị hiếu tiếng cười dễ dãi đã ngày càng làm biến dạng các nét đẹp truyền thống của truyện cổ tích dân gian, đồng thời khiến nhận thức của các em thiếu nhi về truyện cổ tích cũng không còn nguyên vẹn.

Truyện tranh ngoại: Sex và bạo lực

Mối nguy hại nhất với các độc giả tuổi học trò hiện nay chính là làn sóng truyện tranh nước ngoài đổ bộ vào thị trường sách Việt với hàng loạt bộ truyện nội dung nhảm nhí, chỉ đề cập vấn đề tình dục cùng những hình ảnh tươi mát thô thiển và cũng không thiếu phần bạo lực. Loại truyện này được cho thuê nhan nhản ở các cửa hàng cho thuê sách.  
Và cùng với game online chứa hình ảnh gợi dục, loại truyện này cũng được phát tán tràn lan trên mạng mà đối tượng độc giả không ai khác hơn là các em thiếu nhi.
Những tựa truyện có vẻ bình thường, như Ichigo – kỷ niệm xanh, Mặt trời bé con, Tam nữ hiệp, Nụ hôn đầu, Chàng trai trong truyện tranh... (đều do NXB Thanh Hóa xuất bản) tràn ngập hình ảnh tươi mát, các nhân vật độ tuổi thiếu niên trong truyện thoải mái nói năng chớt nhả, gợi tình, thực hiện cả những hành vi như người lớn.
Có truyện lố bịch đến mức một độc giả lớn tuổi khi nhìn thấy đã phải thốt lên gay gắt: “truyện tranh gì mà không khác một cẩm nang dạy cách làm tình!”.  
Nhân vật nữ thường xuyên bị vẽ “lột trần” (bộ truyện Một nửa Ramma), nhân vật nam theo kiểu “anh hùng bạo lực” sẵn sàng cầm dao, mã tấu đi thanh toán “kẻ thù” trong trường. Truyện kiếm hiệp cũng không quên đưa vào vài chi tiết sex.
Một biên tập viên NXB cho biết truyện tranh Nhật khi xuất bản đã được cắt xén, biên tập những hình ảnh nhạy cảm nhưng đó chỉ mới giảm bớt một phần rất nhỏ khi mà nội dung cuốn truyện chỉ quẩn quanh chuyện tình cảm và hình ảnh tươi mát. Chưa kể, những bản truyện được chuyển ngữ đăng tải trên mạng được giữ nguyên những hình ảnh đó.
Bất chấp nội dung có tính giáo dục hay gợi dục, các đơn vị làm sách cũng đã bỏ túi được một khoản lợi nhuận khổng lồ khi đánh vào tâm lý tò mò của tuổi học trò và được các cơ quan chức năng thả nổi công tác quản lý. Bộ Thông tin và Truyền thông từng xử phạt hành chính 2 bộ truyện của NXB Văn hóa Thông tin – đơn vị “tạo nguồn” truyện tranh khá dồi dào - và cấm phát hành 2 bộ truyện của NXB Thanh Hóa. Nhưng xem ra, đây chỉ như bắt một - hai con sâu trong khu rừng rậm có quá nhiều sâu.

Truyện tranh Việt chưa hấp dẫn

Tranh truyện Việt bao nhiêu năm vẫn chỉ lặng lẽ và phát triển không bền vững. Nhiều nhà làm sách cũng đã nỗ lực cho ra mắt những bộ truyện tranh lịch sử, cổ tích nhưng xem ra vẫn chỉ là những nốt trầm nhỏ nhoi giữa cơn bão truyện tranh của nước ngoài đang lấn át.

Nhã Nam vừa mới phát hành bộ truyện tranh cổ tích “made in Viet Nam”. NXB Trẻ cũng giới thiệu những tập tiếp theo của bộ truyện tranh lịch sử Việt, trước đó là các bộ truyện Danh nhân Việt Nam qua các thời kỳ, NXB Kim Đồng cũng phối hợp với các họa sĩ vẽ các truyện tranh về tấm gương đời thường...

Tuy nhiên, nhược điểm của truyện tranh Việt là cách vẽ cảnh vật tĩnh, thiếu hành động, kịch tính như các truyện tranh nước ngoài nên chưa thu hút được người đọc.



Theo Hàn Đông
NLĐ
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Quốc hoa trên thế giới: Đơn giản, ý nghĩa và đặc trưng


Quốc hoa có thể hiểu là một loài hoa đặc trưng nhất cho một đất nước, nổi tiếng nhất và phổ biến nhất ở đất nước đó. Tại Việt Nam, vào ngày 21/4, Bộ VH - TT&DL đã ra quyết định thành lập Ban biên soạn và Tổ biên soạn Đề án Quốc hoa Việt Nam và đến ngày 16/6 đã có cuộc hội thảo phạm vi hẹp về sự cần thiết tôn vinh và tiêu chí lựa chọn Quốc hoa. Nhân sự kiện đang có nhiều ý kiến về vấn đề này, xin giới thiệu tới bạn đọc quốc hoa một số nước.

Đặc biệt hơn những loài hoa thông thường, ở quốc hoa người ta thường tìm thấy nét văn hóa rực rỡ, lịch sử lâu đời của một đất nước có cương vực lãnh thổ hoàn chỉnh. Nhắc đến loài hoa ấy, người ta có thể liên tưởng đến những đức tính tốt đẹp của con người, dân tộc đó.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/HoaDaoHaNoimoidoXuanve1.jpg
Hoa đào Hà Nội mỗi độ xuân về


Trên thế giới hiện có hơn 100 quốc gia có quốc hoa. Để được tôn vinh lên tầm quốc hoa thì chí ít loài hoa ấy cũng phải phân bố rộng rãi trên lãnh thổ quốc gia ấy, “ngoại hình” hấp dẫn, hàm chứa những giá trị văn hóa, truyền thống hoặc gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc và đời sống thường ngày của người dân.
Không có tiêu chuẩn nào chung nhất trong việc lựa chọn quốc hoa cho tất cả các nước. Cũng không phải mọi quốc gia trên thế giới đều xác định quốc hoa, giống như những yếu tố thiêng liêng khác mang tính biểu trưng như quốc kỳ, quốc ca, quốc huy. Tuy nhiên, trong thực tế các loài quốc hoa trên khắp các vùng miền khác nhau của trái đất này, mặc dù đa dạng về hương sắc, giống loài và biểu trưng cho những giá trị khác nhau, ta vẫn có thể tìm thấy những điểm chung nhất về quốc hoa.
Trên khía cạnh nào đó quốc hoa còn có giá trị kinh tế nhất định (hoa phong lan của người Thái, hoa tulip của Hà Lan, hoa hồng ở Trung Đông...)

Hà Lan, xứ sở của hoa Tulip

Nhắc đến Hà Lan, một quốc gia châu Âu, người ta sẽ nghĩ ngay đến hoa Tulip. Tuy nhiên, đây lại không phải là loài hoa bản địa nhưng Tulip đã trở thành một phần không thể thiếu của đất nước này. Tulip có nguồn gốc từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc với tên gọi Uất kim hương và cho đến ngày nay vẫn còn nhiều loại hoa Tulip sinh trưởng hoang dã.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/HoaTulip-HaLan2.jpg
hoa Tulip Hà Lan


Loài hoa 6 cánh hình chén và có nhiều màu sắc rực rỡ ấy nhanh chóng lan truyền sang khu vực Trung Đông cùng với hoạt động giao thương và được những người dân nơi đây đặc biệt ưa chuộng.  
Vào thế kỉ thứ XVI, một sứ giả của Hà Lan tại Thổ Nhĩ Kỳ đã mang giống hoa này về Hà Lan. Chỉ một thời gian sau đó, hoa Tulip nhanh chóng trở thành loài hoa được yêu thích nhất ở xứ sở này. Cho đến ngày nay, mặc dù hoa Tulip có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng hễ nhắc tới nó là người ta nhớ ngay tới Hà Lan.
Ngành du lịch Hà Lan thu hút được nhiều du khách quốc tế cũng chính nhờ những công viên, vườn hoa rực rỡ các loài Tulip. Ngoài ra cho đến nay, hoa Tulip vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Hà Lan với điểm đến là 125 quốc gia khác nhau trên thế giới, mang về cho đất nước này không ít ngoại tệ.

Anh đào, quốc hồn của xứ Mặt trời mọc

Anh đào được coi là quốc hoa của Nhật Bản. Mỗi mùa anh đào nở, người Nhật lại tổ chức những buổi tiệc ngắm hoa Anh đào. Những người già thường thích ngồi nhâm nhi chén rượu sa-kê dưới gốc Anh đào cổ thụ để thỏa sức ngắm hoa.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/HoaAnhdao-QuochonxuMatTroimoc3.jpg
Hoa Anh đào-Quốc hồn Nhật bản


Từ thanh niên đến các em nhỏ và nhiều du khách đều muốn được thỏa sức vui chơi dưới những hàng Anh đào trổ hoa rực rỡ. Ngắm Anh đào nở là một lễ hội truyền thống, nét văn hóa đặc sắc có một không hai trên thế giới. Đến Nhật Bản vào mùa Anh đào nở, nhiều người sẽ có cảm giác như lạc vào vườn địa đàng, cảnh tiên nơi cõi tục.
Người dân Nhật Bản, nhất là những võ sĩ Samurai, đặc biệt yêu thích hoa Anh đào bởi cái đẹp tinh khiết nhưng mong manh của nó. Loài cây này mọc phổ biến khắp nơi trên đất nước mặt trời mọc. Tuy vòng đời của mỗi cánh hoa ngắn ngủi nhưng hình dáng trong trắng của hoa khiến người Nhật liên tưởng đến hình ảnh  những võ sĩ Samurai xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Với tinh thần thượng võ, sự sống và cái chết nhiều khi đối với họ cũng nhẹ nhàng như chính những cánh hoa Anh đào, rơi xuống trong sự tinh khôi.
Trong vườn nhà, nơi góc sân, bên ruộng cải, đặc biệt là những triền sông, ven suối, mỗi độ xuân về nền đất bầu trời lại rực rỡ sắc hồng của những cánh hoa.

Hoa hồng, sự lựa chọn biểu trưng của nhiều quốc gia

Hoa hồng được mệnh danh là sứ giả của tình yêu nên được tôn là vua của các loài hoa và được nhiều người trên khắp thế giới ưa chuộng. Nhắc đến hoa hồng, mọi người thường nghĩ ngay tới Bulgaria với những cái tên như “xứ sở hoa hồng”, “thung lũng hoa hồng”. Khắp nơi trên đất nước này, đâu đâu cũng thấy hoa hồng. Hoa hồng trở thành quốc hoa của Bulgaria một cách hoàn toàn tự nhiên như chính sắc đẹp đi vào lòng người của nó.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/Hoahong4.jpg
Hoa Hồng- Sự lựa chọn biểu trưng của nhiều quốc gia


Vương quốc Anh cũng chọn hoa hồng làm quốc hoa, tuy nhiên hoa hồng ở Anh là tên gọi chung cho cả ba loài tường vi, hồng leo và loài hoa hồng phổ biến như ta vẫn thấy. Vẻ đẹp quý phái, kiêu sa của hoa hồng càng được nhân lên khi trên cành hoa luôn có những chiếc gai sắc nhọn để bảo vệ cái đẹp khỏi sự xâm hại từ bên ngoài, dù là vô tình hay hữu ý.
Người Mỹ cũng lựa chọn hoa hồng làm quốc hoa của mình, tuy nhiên hoa hồng biểu trưng cho nước Mỹ là loại hoa hồng phổ biến nhất hiện nay.
Ở Trung Đông, Iran cũng chọn loài hoa này làm quốc hoa, cụ thể là loài hoa hồng Damask. Quốc hoa của Maldives là hoa hồng Rose Polyantha trong khi người Romania lại chọn loài hoa hồng Rose canina.

Hoa hướng dương - Tâm hồn Nga, tính cách Nga     

Người dân Liên Xô trước đây chọn loài hoa hướng dương làm quốc hoa của mình bởi một lẽ đơn giản, họ và loài hoa này đếu hướng về phía mặt trời, hướng về cội nguồn ánh sáng. "Vật đổi sao dời",  Liên bang Xô Viết tan rã, nhưng nước Nga ngày nay vẫn chọn hướng dương là quốc hoa của mình bởi không một loài hoa nào lột tả hết được tính cách Nga, tâm hồn Nga như loài hoa ấy.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/HuongduongNGA5.jpg
Hoa Hương Dương- Tâm hồn Nga


Một cách tự nhiên như tên gọi, hoa hướng dương luôn luôn hướng về phía mặt trời. Theo vòng quay của Thái Dương, cuối ngày người ta lại thấy hoa hướng về phía Tây, đêm tối buông xuống nó lại tự động quay lại phương Đông để đón bình minh ngày mai.
Mỗi bông hoa hướng dương bản thân nó cũng như một mặt trời nhỏ tỏa ánh sáng rực rỡ xuống thế gian, tượng trưng cho tính cách hào sảng, đường hoàng và sự tỏa sáng.

Iris, loài hoa biểu trưng cho nước Pháp   

Cộng hòa Pháp được xem như đất nước của hoa cũng giống như Paris được ví như kinh đô ánh sáng. Trong muôn ngàn loài hoa khoe sắc, người Pháp chọn cho hoa Iris làm quốc hoa.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/HoaIris-Phap6.jpg
Hoa Iris-Biểu trưng cho nước Pháp


Tương truyền khi nhà vua Louis làm lễ rửa tội, Thượng đế đã ban cho ông một món quà là loài hoa Iris. Loài hoa này có vẻ đẹp thuần khiết và thế giống như cánh chim nên được coi là biểu tượng của thánh linh. Vua Louis thứ 6 đã khắc hình loài hoa này trên ấn tín của mình và những đồng tiền sử dụng trên vương quốc của ông.
Ngoài vẻ đẹp kiêu sa, Iris còn có giá trị rất cao trong chiết xuất hương liệu làm nên nhiều loại nước hoa thượng hạng của đất Pháp.

Thạch lựu thắp sáng Tây Ban Nha

Trên quốc huy của Tây Ban Nha có bông thạch lựu đỏ tươi, quốc hoa của xứ sở bò tót. Thạch lựu thường ra hoa vào dịp đầu hè, trong tán lá xanh mướt lập lòe những bông hoa như những đốm lửa hồng báo hiệu hè đến.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/HoaThachluuTaybannha.jpg
Hoa Thạch Lựu đỏ- Quốc hoa Tây Ban Nha


Người dân Tây Ban Nha thưởng thức vẻ đẹp của hoa thạch lựu và chỉ sau đó khoảng 3 tháng là được nếm những trái thạch lựu vừa ngọt, mát và giòn.
Với người Tây Ban Nha, hoa thạch lựu là biểu tượng của phú quý, cát tường và phồn vinh. Trên đất nước này, bất luận là thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, trong vườn hay ngoài công viên, đâu đâu người ta cũng thấy trồng thạch lựu.

Xương rồng, quốc hoa Mexico

Hiếm thấy loài cây nào có sức sống mạnh mẽ như xương rồng, ở những vùng đất đai cằn cỗi, khô hạn như sa mạc vẫn mọc lên những đóa hoa rực rỡ trên thân cây đầy gai góc, một sự biến đổi để thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Bởi lẽ ấy, xương rồng được coi như loài hoa “anh hùng sa mạc”.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/HoaXuongRongMexico8.jpg
Hoa Xương Rồng- Quốc hoa Mexico


Xương rồng có khoảng trên 2 ngàn loại khác nhau trong đó hơn một lửa số loài sinh trưởng ở Mexico. Trên những cao nguyên khô cằn sỏi đá nơi đây, chỉ có xương rồng là loài phát triển, vẫn nở hoa dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu.
Chính những rặng xương rồng trải khắp nơi trên đất nước này đã làm nên nét riêng biệt cho Mexico, với người dân nơi đây xương rồng là biểu trưng của nghị lực và tính cách ngoan cường, bất khuất.
Hàng năm vào trung tuần tháng 8, người Mexico thường tổ chức lễ hội hoa xương rồng ở vùng ngoại ô thủ đô Mexico City. Cả nhà chức trách địa phương lẫn người dân đều treo đèn kết hoa, tổ chức nhiều loại hình triển lãm nghệ thuật với đề tài cây xương rồng.

Theo VTC
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vì sao ít trí thức Việt kiều về nước làm việc?

* NGUYỄN QUỐC VỌNG
(Đại học RMIT, Melbourne Vic 3001, Australia)



Việt Nam có một lợi thế hơn hẳn so với các nước láng giềng là có khoảng gần 4 triệu người đang sinh sống khắp năm châu mà trong đó khoảng 300,000 người đã tốt nghiệp đại học và sau đại học. Trong số những trí thức Việt Nam này, có nhiều người là những nhà khoa học tên tuổi, chuyên gia đầu ngành hiện đang làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu và công ty nổi tiếng ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Hà Lan, Nhật như các đại học Harvard, Standford, Yale, Tokyo, Sydney… các công ty Microsoft, Monsanto, Mitsubishi...

Tuy nhiên vì nền kinh tế Việt Nam được thoát thai từ chế độ bao cấp, doanh nghiệp tư nhân chưa phải là chủ lực, tính cạnh tranh trong thương mại chưa cao nên mối liên hệ giữa viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp chưa được quan tâm. Vai trò của trí thức, nhất là ở đại học và viện nghiên cứu rất mờ nhạt. Chính vì vậy “kho tàng kiến thức” của những nhà khoa học tên tuổi, những chuyên gia đầu ngành Việt kiều ở nước ngoài không được thực sự quan tâm (thậm chí hầu như bị lãng quên).

Có thể khẳng định, nếu có sự hợp tác về giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu của trí thức Việt kiều, dưới bất cứ hình thức nào, cũng sẽ rất có lợi cho công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hoá đất nước.

Nhưng tại sao cho đến nay vẫn có rất ít trí thức Việt kiều trở về nước phục vụ? Qua thực tiễn 2 năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:

► Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại;

► Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên...) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước;

► Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức Việt kiều đảm trách vì trong     hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt nhất, thích hơp nhất và có lợi nhất cho đất nước;

► Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian;

► Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích “mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;

► Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình.

Từ những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp. Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Cũng thế Trung Quốc đã ứng dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến rất nhanh trong công cuộc hiện đại hoá công nghiệp hoá đất nước, trở thành nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Chỉ có Việt Nam, đã hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng, mà vẫn còn loay hoay mãi với câu hỏi về trí thức Việt kiều.


(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn...96&CategoryID=42)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ca từ trong một số ca khúc trẻ gây thảm họa cho nhạc Việt

* THANH HẰNG
(CAND Online)



Có lẽ, chưa bao giờ ca khúc lại được ra đời dễ như hiện nay với danh từ "nhạc sĩ" lạm phát như lúc này. Thế nhưng, đó lại không phải là điều đáng mừng của âm nhạc Việt Nam, khi mà, chất lượng của nhiều ca khúc chỉ làm tăng thêm nỗi lo âu của xã hội, bởi không mang lại tính thẩm mỹ cho công chúng, trong khi lại được không ít bạn trẻ đón nhận nhờ Internet.

Các nhạc sĩ chân chính không khỏi chạnh lòng khi giờ đây, vô số bài hát hiện nay không phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca từ và giai điệu, tiết tấu, mà thiếu tinh tế, thẩm mỹ nghệ thuật, ca từ chỉ là những câu chữ ngô nghê, thậm chí phản cảm. Nhiều bài hát quanh quẩn với đề tài tình yêu cá nhân bi lụy, đề cao cái tôi và dễ dàng bắt gặp những câu từ gần với khẩu ngữ, thậm chí, khó hiểu. Không ít ca khúc có tiết tấu giống nhau, hay sao chép nhạc nước ngoài! Thiếu bản lĩnh, non kinh nghiệm và vốn sống, nhiều ca khúc không có sự sáng tạo, đặc biệt là vốn văn học và tư duy hòa thanh.

Đáng tiếc, có những bài hát ca từ lặp đi lặp lại mà vô  nghĩa, khiến người nghe không hiểu tác giả định nói gì, như "Da nâu" (tác giả Nhật Đăng) chỉ có 13 từ: "Em sống trong khát khao. Em sống trong ước ao. Mang đến những ước ao. Mang đến những khát khao. Làn da nâu... làn da nâu... làn da nâu...". Sau khi phát sóng trong chương trình "Sức sống mới" của VTV1, bài hát đã được "phong tặng" là "thảm họa V-Pop 2010" và "một trong ba ca khúc khủng khiếp nhất Vpop 2009", khiến người đẹp hát bài này phải xin lỗi khán giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu (Nhạc viện Hà Nội) nhận xét: "Người viết nghiêng về tính đại chúng nhiều hơn nghệ thuật, cố gây "sốc" về hình thức hơn sự tinh tế nội dung. Thiếu khả năng thẩm thơ không sao, đuối khả năng thẩm âm cũng chẳng sợ, lời ca đâu cần chăm chút đến chất thơ hoặc hình tượng văn học, mà cứ ngôn từ đời thường đến mức tầm thường, còn giai điệu có thể vay mượn vô tư".

Nhạc sĩ Bá Quảng xót xa trước tình trạng "nhạc sĩ" corvest nhạc nước ngoài tuỳ tiện, còn ca từ hời hợt, sáo rỗng: "Họ vô tình đánh mất chính bản thân họ, đánh mất thuần phong mỹ tục của dân tộc, vô tình hạ thấp trình độ dân trí, xói mòn thị hiếu thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật và làm ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ sau".

Nhiều bậc trưởng lão của nền âm nhạc Việt Nam như Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên và Doãn Nho lại cho rằng, trách nhiệm chính để tình trạng ca khúc chất lượng kém hiện nay là do công tác lý luận phê bình âm nhạc còn yếu. Công tác quản lý cũng bị buông lỏng, thiếu sự thẩm định chuyên nghiệp trước khi phát hành. Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên có một trung tâm nghiên cứu và phát triển nhạc trẻ, gồm những nhà chuyên môn đủ đức tài, đủ uy tín và lý luận để phê bình và phủ nhận những sản phẩm chưa tốt, đồng thời giúp các tác giả trẻ giữ gìn bản gốc, tinh hoa âm nhạc Việt Nam. Dĩ nhiên, công tác phê bình lý luận âm nhạc vẫn phải là yếu tố hàng đầu.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chuyện phiếm và biếm trên báo Sài Gòn Tiếp thị

Máy vẫn thua người

Phòng thí nghiệm đại học Northwestern bang Illinois nước Mỹ vừa sáng chế rôbô viết báo. Một nhân viên gốc Việt tại đây thử cung cấp cho rôbô những dữ liệu lấy từ Việt Nam. Sau đây là sản phẩm của nó:

Có một nơi người ta làm việc như một nước chậm phát triển, tiêu xài như một siêu cường. Khi giao thông, mọi người giành giật nhau từng mét đường, đến công sở thì việc gì cũng nhường cho nhau. (z&*^$%jlp[}{“:hjz])

Sản xuất đình đốn, du lịch thiệt hại, dân tình sinh bệnh đều do mất điện, khi có điện người ta không cám ơn ngành điện, mà cám ơn trời. Cũng bằng tư duy xác định nạn kẹt xe là do... xe, còn tai nạn là do người lái, khi một con tàu ngập chìm trong nợ, người ta cho nó nhận thêm nợ để trả nợ. Ở đó người ngay sợ kẻ gian, cảnh sát sợ tài xế liều, kiểm lâm ngán lâm tặc. Tự hào là dân tộc thông minh, nhưng hễ có tiền là cho con đi học ở những nước không thông minh bằng. Bằng cấp càng thấp càng đáng tin cậy. Chức tước càng cao, trách nhiệm càng mơ hồ. Ở đó sữa đắt nhất thế giới, thuốc lá lại rẻ nhất. Cái cần sạch thì bẩn: thức ăn. Nơi cần vắng thì đông: bệnh viện. Xứ này nghèo vì giàu tài nguyên, nên không ít người ước rằng giá nước họ nghèo tài nguyên thì nay đã giàu rồi! (z&*^$%jlp[}{“:hjz])

Kết luận: quá nhiều ký tự rối loạn, cho thấy rôbô này hoặc chưa thể xử lý dữ liệu trái chiều, hoặc chưa viết được báo tiếng Việt.

NGƯỜI GIÀ CHUYỆN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Khi người ta trẻ, mà buồn...


Tuần trước, bọn trẻ sụt sùi vì chuyện anh chàng Park Yong Ha, nam diễn viên Hàn Quốc điển trai đã từng làm vô số khán giả châu Á, tất nhiên cả khán giả Việt Nam (cả mấy bà nội trợ vừa nấu cơm vừa xem phim truyền hình dài tập, không riêng bọn trẻ), tốn khá nhiều nước mắt với vai chàng Kim Sang Hyuk trong bộ phim truyền hình Bản tình ca mùa Đông bỗng dưng tự vẫn và chết tại nhà riêng ở Seoul, Hàn Quốc.

Sao Hàn tự vẫn nhẹ như không vậy đã là mấy người. Những người đẹp, trẻ, tài năng, giàu có và danh vọng… Lý do để không sống nữa của họ, ngoài một vài trường hợp do tài chính, chủ yếu do tâm lý, do buồn.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/Buonkhicontre.jpg
Ảnh minh họa


Lý do này đáng ngại lắm. Vì chẳng riêng người trẻ nước Hàn, người trẻ nước mình cũng… buồn? Tháng Sáu vừa rồi, kết quả cuộc Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) lần thứ hai do Tổng cục Dân số và Tổng cục Thống kê, với hơn 10.000 mẫu khảo sát ở 63 tỉnh thành, tiến hành từ năm 2008, được công bố. Nhìn vào đó, người ta thấy rằng: bọn trẻ gần đây, so với cuộc điều tra SAVY lần thứ nhất cách đây 5 năm, bày tỏ sự buồn chán của mình nhiều hơn hẳn.
Mà bây giờ bọn trẻ sống đủ đầy vật chất hơn, điều đó là hẳn nhiên. Lần điều tra này, có 2% bọn trẻ cho biết gia đình mình có ô tô và 11% lướt mạng tại nhà được.
Thế nhưng các nhà xã hội học cho biết tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên, từ 32% đến 73%. Kết quả cho thấy, 73,1% từng có cảm giác buồn chán; 27,6% từng “rất buồn”, thấy mình vô tích sự đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường. Có tới 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý nghĩ tự tử.
Và tệ hơn nữa, càng trẻ, cảm giác buồn chán lại càng nhiều hơn các nhóm tuổi khác. Có tới 75% người được hỏi trong độ tuổi 14 - 17 và 18 - 21 từng trải qua trạng thái đó, trong khi ở nhóm tuổi 22 - 25 là hơn 65%.
Kết quả điều tra này chắc chắn sẽ làm lo âu cả xã hội. Vật chất một khi không làm cho tinh thần tốt lên. Những ông bố bà mẹ chăm lo làm giàu nếu biết nghĩ sẽ phải có thời gian hơn để dành cho con cái, các hoạt động đoàn thể phải được chăm lo hơn… Điều này có vẻ như ai cũng biết. Nhưng làm cho trẻ hết buồn có lẽ không chỉ thế...
Câu trả lời chủ yếu dành cho người lớn. Mà người lớn thì… Một vụ như vụ ông chủ tịch tỉnh Hà Giang sẽ làm bao đứa trẻ buồn? Trong đó có con cái ông ta, những đứa trẻ chắc chắn không thiếu thốn vật chất như mấy cô học trò thầy Sầm Đức Xương. Gương xấu người lớn kể bao nhiêu cho đủ...
Nhưng thế chưa hẳn là nguyên nhân chính, vì bọn trẻ còn có những người lớn gần gũi dạy bảo khác, miễn là dạy bảo chân thành. Và không cười khi chúng gặp chuyện không may. Nói vậy là bởi một khi có một bài thi ngô nghê, báo chí đăng ngay để bêu riếu, sao không bêu riếu người dạy chúng để chúng làm bài như vậy?
Hoặc việc trẻ phải nhập viện tâm thần với tỷ lệ khá cao, việc này cũng bị một tờ báo đem ra cười cợt: Bi hài hội chứng “tâm thần phân liệt” của giới trẻ. Không hiểu sao ở đây người ta nhìn thấy khía cạnh hài, những chuyện lẽ ra nên khóc vì đau đớn, và người ta kể thành chuyện hài những ca mắc chứng tâm thần. Vô cảm thế, làm sao bọn trẻ không buồn?

Khi bọn trẻ buồn, hãy nhìn lại toàn xã hội!

Theo Remote
Thể thao Văn hóa
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối