Thời đại của “quyền lực thông minh”?SGTT.VN - “Quyền lực thông minh” là sự phối hợp tinh tế giữa quyền lực mềm và quyền lực cứng, cộng thêm với một số yếu tố hỗn hợp khác...Joseph Nye được xem là cha tinh thần của “quyền lực mềm”, một quan niệm đã tạo nên danh tiếng của ông từ 20 năm nay. Ông nguyên là chủ nhiệm khoa của trường Quản trị Kennedy thuộc Đại học Harvard, nơi ông vẫn giảng dạy, là phụ tá cho thứ trưởng trong Chính quyền Carter sau đó là phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Bill Cliton.
Mới đây, Joseph Nye đã hiệu chỉnh một quan niệm mới – “quyền lực thông minh” - thích hợp hơn với những thực tế đương thời và sẽ trở thành nội dung cuốn sách sắp tới của ông, xuất bản trong năm 2011.
Như ông đã tiết lộ, nước Mỹ của Obama đang xem xét lại sự mở cửa của họ ra thế giới bằng cách thử phối hợp giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm, giữa sức mạnh dân sự và sức mạnh quân sự. Tóm lại, là cố gắng trở thành một cường quốc “thông minh”, cân bằng nhưng cũng có khả năng khoa trương sức mạnh nếu cần thiết.
Xin mới các bạn theo dõi cuộc trò chuyện dưới đây được đăng tải trên tạp chí Politique internationale giữa Joseph Nye và nhà báo kiêm nhà văn Olivier Guez để hiểu rõ thêm:
Ông đánh giá như thế nào về học thuyết an ninh quốc gia mà Tổng thống Obama đã công bố vào cuối tháng 5.2010?Tài liệu này không có tính trữ tình như một số bài diễn văn của ông nhưng nó đánh dấu một bước ngoặt mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ hoặc nói một cách chính xác hơn là một sự trở lại với một sự kiên quyết nhất định của chính sách ngoại giao của Oasinhtơn, đặc biệt là củng cố các liên minh và thừa nhận vai trò chủ yếu của các thể chế quốc tế.
Về điểm này, Obama cũng giống những người tiền nhiệm của mình; đặc biệt tôi nghĩ đến Eisenhower và Truman.
Phải chăng chủ nghĩa đơn phương trong những năm dưới thời Bush đã được sang trang hoàn toàn?Đúng, học thuyết mới trái ngược lại với những học thuyết của năm 2002 mở đường cho sự xâm lược Irắc vào năm sau đó và của năm 2006. Đã kết thúc sự lai ghép của thời hậu chiến tranh lạnh – bạn có nhớ bài báo nổi tiếng của Charles Krauthammer, được đăng năm 2001, trong đó, ông viết rằng Mỹ đã trở nên mạnh tới mức mà họ có thể thực hiện điều dường như là tốt đối với họ và rằng những người khác, các đồng minh cũng như các đối thủ, kể từ giờ chỉ có một lựa chọn duy nhất là: ngoan ngoãn nghe theo Mỹ. Giờ đây, chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ từ bỏ kiểu lai ghép này.
Tất nhiên do tình hình chiến lược hiện nay của Mỹ - sự phân tán các lực lượng của họ trên các vùng lãnh thổ của Irắc và Afganistan, tính bấp bênh của các nguồn tài chính công của họ - Obama chỉ có thể chú trọng đến chủ nghĩa đa phương và sự phục hồi kinh tế.
Thực tế, những hoàn cảnh áp đặt cho họ những định hướng lớn. Hiện nay, Mỹ không còn có thể tham chiến một mình như học thuyết năm 2002 đã “cho phép” họ làm điều đó nữa.
Cho nên, dường như đối với tôi sự so sánh giữa Obama và Eisenhower khá thích hợp. Ike là người đầu tiên cảnh báo về sự khuếch trương quá mức của các lực lượng vũ trang và sự triển khai của các lực lượng này ở quá nhiều vùng lãnh thổ. Ông cũng là người đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của một nền kinh tế lành mạnh và mạnh mẽ.
Mặc dù là một vị tướng và theo chế độ cộng hòa, nhưng Eisenhower vẫn luôn rất coi chừng để không nhượng bộ tất cả những đòi hỏi của các quân nhân: ông đã từ chối gửi quân tới Điện Biên Phủ trong khi những người có cấp bậc cao nhất trong quân đội gợi ý với ông điều đó và ông đã nỗ lực kiềm chế tổ hợp quân sự-công nghiệp nổi tiếng.
Chính sách đối ngoại của ông, tuy ít rực rỡ nhưng lại rất có hiệu quả. Obama có uy tín lớn hơn bậc tiền bối xa xưa của ông nhưng những định hướng của ông cũng gần giống như vậy. Tôi thấy trong đó một điểm tốt đối với phần tiếp theo trong nhiệm kỳ tổng thống của ông – và điều đó, diễn ra mặc dù khó khăn là không thể tránh khỏi.
Ông là cha tinh thần của “quyền lực mềm”, một quan niệm đã tạo nên danh tiếng của ông từ 20 năm nay. Liệu Obama có phải là hiện thân của quyền lực mềm này hay không?Tôi xác nhận điều đó: đó là một tổng thống của quyền lực mềm! Chắc chắn là người đầu tiên trong lịch sử của Mỹ từ thời Kennedy. Hiệu ứng Obama, đó là ngay từ khi đắc cử, ngay cả khi ông chưa tuyên bố một lời nào, nước Mỹ đã lại có sức lôi cuốn đối với đa số nhân loại!
Quyền lực mềm được đánh giá theo khả năng của một cường quốc lôi cuốn các nước khác vào quỹ đạo của mình và do đó, cũng được đánh giá theo việc tăng thêm khả năng đạt được những nhượng bộ lần lượt ở mức tốt nhất.
Nhờ có sự thuyết phục và thu hút, quyền lực mềm này cho phép tạo ra một môi trường thuận lợi cho những lợi ích của người sử dụng nó. Nó đặt người đó vào vị trí sức mạnh. Nhưng với một điều kiện: là nó đi kèm với một quyền lực cứng cổ điển hơn. Quyền lực này nếu không có quyền lực kia thì nó sẽ không tiến xa nhiều trong thế giới hiện nay.
Obama hiểu rõ điều đó, thể hiện qua học thuyết an ninh của ông: hơn cả một tổng thống có quyền lực mềm, ông là tổng thống có “quyền lực thông minh”, đó là sự phối hợp tinh tế giữa quyền lực mềm và quyền lực cứng, cộng thêm với một số yếu tố hỗn hợp khác…
Theo như ông nói, tôi đi đến kết luận chẳng phải là châu Âu rất “thông minh” đó sao?Quyền lực mềm là vô cùng lớn, hoàn toàn đặc biệt nhờ vào sự hòa giải Pháp-Đức: nó cho phép thu hút về phía mình tất cả các nước ở Trung và Đông Âu từ 20 năm nay. Nhưng nó không còn đáp ứng đủ cho châu Âu để trở thành một nhân tố lớn trên trường quốc tế, vì thiếu quyền lực cứng.
Cuốn sách sắp tới của ông, được xuất bản trong vài tháng tới, sẽ có chủ đề là quyền lực thông minh. Đâu là những chìa khóa quyền lực ở đầu thế kỷ 21 này?Tôi đã nói với các bạn về điều này: một cường quốc lớn phải phối hợp sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế, quyền lực mềm và phải làm chủ được cuộc cách mạng về các công nghệ thông tin.
Thế giới hiện nay đặc trưng rõ nét bằng việc phân chia lại các quân bài có lợi cho các nước mới nổi và bằng sự pha loãng sức mạnh để giúp cho các nhân tố phi nhà nước…
Hiện tượng này không phải có từ trước đây...Đúng vậy. Ngược lại, đó là điều mới có, đó chính là sự xuất hiện của “sức mạnh ảo”. Sức mạnh này không phải là một nhân tố xuyên quốc gia như các tổ chức phi chính phủ hay các tổ chức đa quốc gia. Nó phổ biến quyền lực chỉ nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ mới. Từ đó dẫn tới sự bùng nổ số lượng các nhân tố có một tác động tiềm tàng tới các quan hệ quốc tế. Tổng thống Obama đã ước lượng số tiền của những tổn thất do tình trạng tội phạm mạng năm 2009 lên tới 1000 tỷ USD.
Có phải trong khuôn khổ của những vụ gian lậu, ăn cắp các số liệu?Hoàn toàn đúng như vậy. Điều đó tiêu tốn nhiều hơn nhiều so với toàn bộ nạn buôn lậu ma túy ở quy mô thế giới!
Liệu có thể có một “cuộc chiến tranh mạng” hay không?Người ta có thể dự kiến điều đó. Những quốc gia hiện đại dễ bị tổn thương trong bối cảnh mà tất cả đều nối mạng trên Internet ở trong cũng như ngoài nước. Thế nhưng, thông thường sử dụng Internet là an toàn. Chúng ta hãy hình dung một cuộc tấn công mạng vào hệ thống kiểm soát các lò phản ứng nguyên tử của Pháp hay hệ thống điện của Mỹ, hay còn nữa là một “máy bay do thám mạng” được thực hiện để chống lại hệ thống tài chính hoặc vận tải hàng không.
Phải chăng từ giờ, các cường quốc lớn đã đưa vào hệ thống phòng thủ của họ tầm quan trọng của “mạng”?Đúng: sau đất, biển, không trung và không gian, kể từ giờ website giữ tầm quan trọng thứ năm trong nghệ thuật chiến tranh. Những trao đổi thông tin và số liệu đều có những hệ quả quân sự và kinh tế. Các cường quốc coi những mối đe dọa này là rất quan trọng: họ đang thành lập những cơ cấu mới để chống lại tội phạm mạng.
Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng cơ sở hạ tầng được số hóa của Mỹ là một tài sản chiến lược quốc gia. Tại Nhà Trắng, ông đã bổ nhiệm Howard Schmidt, người trước đây phụ trách an ninh của Microsoft, làm điều phối viên phụ trách về các vấn đề trên mạng.
Lầu Năm Góc cũng không chịu thua: mới đây, họ đã thành lập một bộ chỉ huy điều khiển mạng – có tên là Cybercom – mà quyền chỉ huy được trao cho tướng Keith Alexander, ông còn là người đứng đầu Cơ quan an ninh quốc gia (NSA).
Mặc dù không tiến bộ bằng Mỹ, nhưng các cường quốc khác cũng quan tâm tới vấn đề này. Điều đó không còn là khoa học viễn tưởng nữa!
PV (tổng hợp)Đứng giữa giới trí thức và giới chính trị, Joseph Nye là một nhân vật không thể lẩn tránh kể từ nhiều thập kỷ nay. Ông đã xây dựng danh tiếng quốc tế của mình dựa trên khái niệm “quyền lực mềm” mà ông đã truyền bá trong tác phẩm “Bound to Lead” của mình, được xuất bản năm 1990.
Trong đó ông khẳng định rằng trong thế giới của thời hậu chiến tranh lạnh, Mỹ có thể xem xét lại chính sách đối ngoại của mình bằng cách trông cậy hơn nữa vào các tổ chức quốc tế và vào những quân chủ bài “dân sự” của họ - ngôn ngữ, nền văn hóa, các trường đại học, các phương tiện thông tin đại chúng, sự giàu có của họ…
Dựa vào sự thuyết phục và tính lôi cuốn, “quyền lực mềm” cho phép tạo ra một môi trường thuận lợi cho những lợi ích của người sử dụng nó. Chủ nghĩa quốc tế tự do này là hòn đá tảng của chính sách ngoại giao của Bill Clinton. Nhưng sau các vụ khủng bố ngày 11.9.2001, một cách tiếp cận như vậy tỏ ra rất thánh thiện và không phù hợp với những thách thức hiện nay. Người ta biết, chính quyền Bush đã biến cái đó thành điều ngược lại khi họ xâm lược Irắc và tiến hành một chính sách đối ngoại đơn phương.Bấm vào đây xem bản gốc trên Sài Gòn tiếp thị online