Thơ » Trung Quốc » Thịnh Đường » Vương Duy
單車欲問邊,
屬國過居延。
征蓬出漢塞,
歸雁入胡天。
大漠孤煙直,
長河落日圓。
蕭關逢候騎,
都護在燕然。
Đơn xa dục vấn biên,
Thuộc quốc quá cư duyên.
Chinh bồng xuất Hán tái,
Quy nhạn nhập Hồ thiên.
Đại mạc cô yên trực,
Trường hà lạc nhật viên.
Tiêu quan phùng hậu kỵ,
Đô hộ tại Yên Nhiên.
Ngồi trên xe hỏi đường đi,
Thân làm quan ta đi tới biên thuỳ.
Ngọn cỏ bồng bay ra khỏi ải Hán,
Nhạn bay về vào trời Hồ.
Sa mạc mênh mông, ngọn khói bay thẳng lên trời,
Sông dài, mặt trời lặn tròn vo.
Ra tới ải Tiêu Quan, gặp lính cưỡi ngựa (đi trinh sát),
(Báo rằng) quan đô hộ đang ở Yên Nhiên.
Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]
Dừng xe hỏi chốn biên thuỳ,
Nước láng giềng đến còn đi xa, gần?
Thân bồng ra với vùng biên,
Khác chi cánh nhạn về miền cao xanh.
Một làn khói thẳng mong manh,
Chiều buông, trời vẫn tròn vành trên sông.
Tiêu điều cửa ải lính trông,
Quan ngồi trong tiệc ung dung rượu nồng.
Gửi bởi Vodanhthi ngày 01/11/2013 21:21
Xe hướng về biên cương
Qua thuộc quốc Cự Duyên
Cỏ bồng dời đất Hán
Chim nhạn về trời Hồ
Khói buồn cao đại mạc
Ráng chiều phơi trường hà
Tiêu quan gặp binh mã
Bình định đất Yến Nhiên.
Gửi bởi Lâm Xuân Hương ngày 26/10/2016 06:51
Dừng xe hỏi đường lên biên giới
Tới Cư Duyên đất mới thuộc ta
Cỏ bồng ải Hán lăn ra
Nhạn đi trốn lạnh về qua trời Hồ
Khói sa mạc lửng lơ lên thẳng
Mặt trời tròn lặn xuống sông dài
Tiêu Quan gặp lính trông coi
Nói quan chủ tướng đóng ngoài Yên Nhiên.
Gửi bởi Lương Trọng Nhàn ngày 29/07/2019 17:42
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Lương Trọng Nhàn ngày 18/12/2020 19:44
Ngồi xe đi ải hỏi đường,
Ta thân quan, đến biên cương sứ thần.
Cỏ bồng ải Hán bay thân,
Nhạn đi trốn lạnh bay vần Hồ thiên.
Mênh mông sa mạc khói lên,
Sông dài, trời lặn hình nền tròn vo.
Tiêu Quan, gặp lính ngựa to,
Báo quan đô hộ đang chờ Yên Nhiên.
Gửi bởi Hung Tran Dai ngày 06/02/2020 15:32
Lên xe giục hỏi thẳng biên thuỳ
Đây nước láng giềng cũng một khi
Đất Hán xưa đi nay trở lại
Trời Hồ én lạc đã sang thì
Xóm thôn hoang vắng chiều loang khói
Sông nước nhạt mầu nắng khép mi
Trên ải quạnh cô vài lính thú
Tướng quan... thủ trại, biết đâu thì
Gửi bởi Tiểu hài nhi ngày 07/05/2021 00:16
Có 1 người thích
Nhiều năm về trước, cháu cùng các a/c bên tangthuvien dịch 1 truyện kiếm hiệp, có nhờ các bác, các cô, các anh chị yêu thơ trên diễn đàn dịch hộ bài thơ này. Bên cháu đã tìm hiểu khá nhiều thông tin về tác giả/bài thơ nhưng rồi... không có ai dịch giúp cả.
Cuộc sống lu bù cứ trôi đi nhưng bài thơ vẫn canh cánh trong lòng cháu. Mùa covid rảnh rỗi, cháu tình cờ đến topic này, được xem những bản dịch rất sáng tạo, rất phiêu thoát của các cô bác/anh chị cũng ... rất hay nhưng nếu trở lại ngày ấy thì cháu cũng không thể đưa vào truyện được vì các bản dịch bỏ qua/sai ý khá nhiều những “nhãn tự”, những nét vẽ “thi trung chi hoạ” truyền tải cái hồn của bài thơ, tâm ý của Thi Phật Vuơng Duy.
Cháu xin tổng hợp lại những tìm hiểu của nhóm dịch ngày ấy nhé:
Câu 1: “đơn xa”
“Vấn biên” - thăm biên giới, uý lạo tướng sỹ luôn là một hành động đẹp, thể hiện lòng quan tâm, yêu thương của lãnh đạo đối với những binh sỹ đổ xuơng máu giũ gìn biên cuơng đất nước, nhất là những binh sỹ ấy vừa giành được một chiến thắng vang dội. Thế nhưng hình ảnh “đơn xa” - một chiếc xe lủi thủi trên con đường “vấn biên” trang trọng - là một tuơng phản lớn, cho thấy tình cảnh bi đát của tác giả lúc đó
Câu 2: “chúc quốc”
Cháu nghĩ từ này nên chọn âm “chúc” hơn là “thuộc” vì thời Đường có chức quan “Điển chúc quốc” phụ trách bang giao với các nước khác.
Tác giả tự dùng quan hàm để nhắc đến mình, biểu thị tác giả chấp nhận thân phận bị thất sủng của mình, không oán thán
Hai câu thực 3&4: hình ảnh “chính bồng”, “quy nhạn” và tích của chúng đã nói lên tất cả.
Hai câu luận 5-6 là phần đẹp Nhất, hay nhất của bài thơ:
- Một Quang cảnh hoành tráng:
sa mạc rộng mênh mông, một luồng khói xông thẳng lên trời cao. Khói này không “lửng lơ”, không “loang chiều”, không “mong manh” gì cả mà tuơng truyền đây là loại khói của Phong Hoả đài trên Vạn lý trường thành, dùng phân chó sói đốt lên sẽ tạo thành một cột khói đơn lẻ, đậm đặc (“cô”) bốc thẳng đứng (“trực”) báo hiệu có địch xâm lấn, mang đầy mùi vị chiến tranh.
Mặt trời đỏ rực đang lặn xuống (“lạc”) đằng cuối của dòng sông dài, tròn vành vạnh (“viên”). Có thể hình dung ra một không gian huyết hồng như vẽ bằng máu của bao binh sỹ đã ngã xuống, nhưng đã kết thúc rồi, đã viên mãn rồi.
- một tâm tư sâu kín: VDuy phải chăng dùng hình ảnh này để thể hiện cái tâm của mình?
Trong triều đình như một sa mạc mênh mông, cái gian, cái nịnh nhan nhản thì ông ví mình như một làn khói “cô”, lẻ loi nhưng lại “trực” vì ông là Gián sát ngự sử, dẫu thế nào vẫn “trực”, vẫn là ngay, là thẳng, là can, là gián
Trong suốt dòng đời làm quan, dẫu hiện thời đang thất sủng, xuống còn là Điển Chúc quốc như ông đã tự xưng trong câu 2 nhưng lòng trung vẫn không thay đổi, vẫn nguyên vẹn 10 phân vẹn 10, như hình ảnh “lạc nhật” vẫn “viên”.
—-
Gửi bởi Tiểu hài nhi ngày 08/05/2021 21:21
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Tiểu hài nhi ngày 09/05/2021 08:02
Cháu xin bổ sung thếm mấy ý về hình ảnh “chính bồng” và “quy nhạn” cho các cô bác a/c không có thời gian tra cứu ạ.
- Chinh bồng: bồng là cỏ bồng, thuộc chi Ngải, tượng trưng cho người quân tử
Theo Kinh Lễ (Lễ Ký), khi nhà quyền quý sinh con trai, sẽ lấy cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng, bắn 6 hướng: trên, dưới, đông, tây, nam, bắc. Ý chỉ người con trai khi lớn tung hoành khắp nơi giúp đời.
“… Xạ nhân dĩ tang hồ bồng thỉ lục, xạ thiên địa tứ phương.”
(Người bắn lấy cung gỗ dâu, tên cỏ bồng sáu cái, bắn lên trời, xuống đất và bốn hướng – Lễ Ký, thiên Nội tắc)
Tang bồng từ đó cũng mang nghĩa cái chí lớn của người nam nhi.
“Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Dở đem thân thế hẹn tang bồng.
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.”
(Nguyễn Công Trứ, Đi thi tự vịnh)
Cỏ bồng ý nói người quân tử không gặp thời. Khi Khổng tử hỏi Lão tử về Lễ, Lão tử có nói: Người quân tử gặp thời thì tiến nhanh như đi xe ngựa kéo, khi không gặp thời thì an nhiên tự tại như cỏ bồng lăn đi mà đợi thời.
- “Quy nhạn”: nhạn về, hình ảnh được sử dụng nhiều trong thơ ca cổ, thể hiện nỗi nhớ da diết, tấm lòng lo lắng cho quê huơng và mong ước được trở về. Đỗ Phủ có bài thơ Quy nhạn thể hiện rõ ý này:
Đông lai vạn lý khách,
Loạn định kỷ niên quy.
Trường đoạn giang thành nhạn,
Cao cao hưởng bắc phi.
Cháu tạm dịch:
Khách từ vạn dặm phương Đông
Chờ cho hết loạn vài năm sẽ về
Giang Thành trông nhạn - tái tê
Cao cao sải cánh hướng về Bắc phương
(Đỗ Phủ đang vật lộn với nỗi nhớ, lo lắng cho quê huơng trong thời chiến loạn, thấy chim nhạn trên bầu trời sông Tấn Giang ở Thành Đô tự do bay về phuơng bắc, còn mình vẫn lưu lạc, không khỏi đau lòng)
- Thơ Đường vốn “ý tại ngôn ngoại”, chứ cứ dốc hết tâm tình lên mặt chữ thì làm gì có những vụ án văn tự thảm thiết trong lịch sử TQ. Hỏi Vuơng Duy bị giáng chức, biếm sang xứ Hồ thì có tâm tư không? Chắc là có. Nhưng có thể bắt lỗi đc ông không? Chắc là không, vì Vuơng Duy lồng hoạ vào thi, dùng hoạ để bày tỏ lòng mình.
Trong 2 câu thực 3&4, Vuơng Duy đã vẽ nên cận cảnh trong chuyến đi “vấn biên” của mình, có lẽ là vào mùa xuân có cỏ bồng bay theo về hướng bắc (gió đông), có chim Nhạn di cư trở về. Vậy thôi, rất thực.
Nhưng nỗi tủi thân “đơn xa”, nhận mệnh “Chúc quốc” trong 2 câu đề đã được ông nâng lên thành bất bình trong 2 câu thực này. Ông tự ví mình là “bồng”, là nam nhi, là quân tử, chỗ của ông phải là ở chính trường, triều đình, vậy mà lại bị đẩy đi “xuất Hán tái”. Ông coi mình là Quy Nhạn, lo lắng cho vua, mong muốn được trở về, thế mà lại phải “nhập Hồ thiên”. Khẽ trách thôi, trách người đã không hiểu mình, không sử dụng cái tài của mình đúng chỗ, để rồi trong 2 câu luận 5&6, ông vẽ tiếp cảnh tượng hoành tráng hơn, nêu rõ cái hay của mình là “trực”, cái quý của mình là “viên”.
- Sẽ là thiếu nếu không nói đến 2 câu kết 7&8, Kết mà không sầu hoan bi hỷ, cũng chẳng ý kiến ý cò gì về những chuyện ở trên cả, nghe thoáng qua thì chẳng có gì là kết cả (ải Tiêu gặp lính kỵ, Đô hộ ở Yên Nhiên), chỉ như một câu kể bình thường nhưng lại là một cách kết quá ý nhị cho người mà ông muốn giãi bày lòng mình - vua. Đây là báo cáo kết quả đi sứ: tên Đô hộ này có vấn đề. có thất sủng cũng là sứ giả, vậy mà đến tận nơi cũng chỉ có mấy tên lính quèn ra đón, vậy mặt mũi vua ở đâu? Còn hắn ở đâu? - Yên Nhiên. Mà Yên nhiên là nơi nào? - là nơi khắc ghi công trạng của tướng lĩnh biên giới, trong thơ ca cổ dùng để chỉ việc thành lập quyền lực bên lề (baidu). Chỉ là một câu kể, nhưng đó chính là cái kết mà VD muốn nói: thần - cúc cung tận tuỵ.
—-
Người xưa dùng thơ phú để thể hiện mình với vua mong được trọng dụng, ở ta có Mạc Đĩnh Chi với bài phú Ngọc tỉnh liên vậy. Vuơng Duy sau loạn An Lộc Sơn cũng được giữ chức to hơn, không biết có phải nhờ bài thơ này không, nhưng âu cũng là kết quả tốt cho một bài thơ hay và một thi hào.
—
Tự nhiên viết nhiều quá, Mong sơm được đọc bản dịch hay, sát nghĩa. Tks