Đăng bởi Vòng Xoay Định Mệnh vào 13/07/2009 01:16
Tác giả: Võ Quê
(Cảm nhận tập thơ Đêm Trầm Tích của Trúc Linh Lan)
Lâu không về miền Tây. Nhớ. Nao lòng. Có khi bần thần tự hỏi vùng đất phương nam vời vợi đó có cái tình chi mà cứ vương víu trong tâm thức mình? Nay có có dịp đọc tập thơ của một người nữ được sinh thành nơi miền Tây thân thuộc ấy lại càng cầm lòng không đậu, lại càng xui khiến mình viết vài dòng tâm tưởng gọi là thương nhớ miền Tây. Gọi là để nhớ một vài khoảnh khắc mình với Võ Minh Đường, Trúc Linh Lan với các bạn thơ Tây đô lang thang vỉa phố, thơ rồi thẩn đúng nghĩa phong trần, không câu nệ thân sơ. Trước tiên, Đêm Trầm Tích, bài thơ được lấy để đặt tên cho tập thơ của Trúc Linh Lan đã cho tôi một cái nhìn toàn cảnh về miền sông nước xa xôi, diệu vợi kia với vô vàn thân ái. Từ trên cái nền chung được điều chuyển, bố cục bằng nhiều hình ảnh rất nam bộ, rất gợi của thanh, hương và sắc, tôi thấy có một Trúc Linh Lan hiện ra trong chứa chan tình, trong dào dạt cảm:
Tôi trải tim mình biếc cả mùa thơm
Theo tiếng sáo, cọng rơm vàng, phù sa, cánh cò của mẹ,
Mang câu dân ca, giọng hò, điệu lý...
Theo chân những người lam lũ đất phương Nam.
Đọc Đêm Trầm Tích hiểu sâu sắc thêm tấm lòng thơ của Trúc Linh Lan luôn gắn bó, yêu thương đất trời thiên nhiên phóng khoáng, luôn nâng niu cuộc sống phong phú, quý trọng từng con người chịu khó, chịu thương nhưng cũng rất hào hoa của xứ sở miệt vườn miền sông Hậu, mà nổi lên, quán xuyến hơn cả là hình tượng mẹ với những nỗi đời riêng chung, trắc ẩn, bao dung, nụ cười, nước mắt: Một ngày xin đừng đến (viết tặng mẹ), Đêm cuối năm với mẹ, Câu hát mẹ ru, Mẹ tôi, Đời mẹ dắt con đi, Nỗi nhớ của mẹ, Hàng cau quê mẹ...
Bên cạnh thiêng - liêng - mẹ cùng những đề tài khác mà Trúc Linh Lan phóng bút thành thơ, Tình Yêu trong Đêm Trầm Tích của Trúc Linh Lan cũng là một điểm nhấn cốt lõi, nhạy cảm đáng lưu tâm tìm đọc. Đọc để cùng san sẻ và chiêm nghiệm. Đọc rồi chợt ghi nhận; thì ra Trúc Linh Lan cũng bát - ngát - tình
Con chim thả cọng rơm vào trang thơ,
Câu thơ ửng vàng mùa giáp hạt,
Tôi bắt gặp giọt sương long lanh ánh mắt,
Tình yêu từ đó bay lên.
Từ đất đai, xứ sở tình yêu trai gái bay lên, nhưng đôi lúc cũng phải ngẩn ngơ kiếm tìm nhau trong từng không gian mùa thu:
- Thả tình theo câu thơ
Buồn theo chiếc lá rụng,
Vàng mùa thu mong chờ...
- Trên đóa tình hạnh phúc
Trên cụm tóc sương tìm được những gì..
đôi lúc còn làm kẻ đợi tình:
Tóc xanh năm tháng nhạt nhòa
Ta làm kẻ đợi tình xa - quên về
- Biết người đi sẽ không về nữa
Sao lòng ta cứ mãi đợi...ai về
"Độc ẩm" trong Chùm thơ xuân bốn bài tứ tuyệt là tâm trạng thật, giàu cảm xúc của Trúc Linh Lan. Người đọc dễ soi bóng mình với hình ảnh, câu chữ, suối nguồn rung động của nhà thơ. Và biết đâu cũng có người nghe câu "Hỏi ai" mà muốn làm tri kỷ trong bối cảnh đông tàn, xuân tới tràn trề thi tửu đầy khoái hoạt, nhã hứng:
Ta cầm chén rượu trên tay
Hỏi ai tri kỷ cùng say với mình,
Chiêm bao nhớ, chiêm bao tình,
Câu thơ bỗng rớt nửa chừng tiếng yêu
Thảng thốt hay hy vọng? Hạnh phúc hay đớn đau trong "bỗng rớt nửa chừng tiếng yêu" kia? Điều ấy có lẽ riêng nhà thơ mới thấu hiểu ngọn ngành. Tôi chỉ mong Trúc Linh Lan cứ hồn nhiên yêu "một tình yêu lãng mạn", cứ thả hồn ung dung, bồng bềnh "Bồng bềnh một đời thơ" và Đêm Trầm Tích mãi lắng đọng nhưng lung linh những tứ tình đắm say giữa miền phù sa yêu dấu ấy:
Câu ca dao rơi giữa đục - trong
Con cò mẹ bay về miền cổ tích
Con ong say giữa hương tràm tươm mật
Đất nước mình đâu cũng vành vạnh vầng trăng.