☆☆☆☆☆ 25.00
Nước:
Mỹ7 bài thơ
Thơ đọc nhiều nhất
Thơ thích nhất
Thơ mới nhất
Tác giả cùng thời kỳ
Dịch giả nhiều bài nhất
Tạo ngày 06/07/2007 14:42 bởi
Vanachi, đã sửa 1 lần, lần cuối ngày 28/07/2007 08:08 bởi
Vanachi Thomas Stearns Eliot (26/9/1888 – 4/1/1965), nhà thơ, nhà viết kịch, nhà lý luận, phê bình văn học, sinh ra trong một gia đình tư bản Anh di cư sang Mỹ từ thế kỷ 17. Bố – Henry Ware Eliot là một doanh nhân thành đạt, mẹ – Charlotte Champe Stearns là người viết văn và làm thơ sùng đạo. Ông học triết học và ngôn ngữ ở đại học Harvard, sau đó học tiếp văn học và ngôn ngữ ở Đại học Sorbonne (Paris, Pháp), Đại học Marburg (Đức), Đại học Oxford (Anh). Từ năm 1914 thường xuyên sống ở Anh và năm 1927 nhập quốc tịch Anh. Eliot là người cả đời luôn làm lại mình, bắt đầu lại, sáng tạo lại: từ người Mỹ làm thành người Anh, từ công dân nước cộng hoà thành công dân nước theo chế độ quân chủ lập hiến, từ người theo đạo Tin lành thành tín đồ Anh giáo, từ người theo đuổi cách sống tự do, phóng túng thành người theo đuổi chủ nghĩa khổ hạnh. Và ông không thả mình theo cảm hứng của thơ ca mà bắt thơ ca đi theo tư tưởng của mình. Đã từng có một thời vì Eliot mà thế giới thơ ca Anh-Mỹ có sự phân rẽ sâu sắc: 3/4 các nhà thơ chịu sự ảnh hưởng thơ hoặc lý thuyết thơ của Eliot, 1/4 còn lại nhất quyết phản đối thi pháp mà Eliot đưa ra. Tuy vậy, một cuộc cách mạng thi ca mới đã không xảy ra. Không xảy ra vì trong thơ ca Anh-Mỹ vai trò chủ đạo thuộc về thơ ca bác học, mà thơ ca bác học ủng hộ Eliot. Ông là nhà cách tân thi ca, mặc dù vẫn tự nhận là học trò của Ezra Pound (1885-1972) – người phát hiện và cổ vũ, khuyến khích nhiều nhà thơ, nhà văn, trong số họ có nhiều người rất nổi tiếng như James Joyce (1882-1941), Robert Frost (1874-1963), Ernet Hemingway (1899-1961). Vinh quang đến với Eliot kể từ sau chiến tranh thế giới I trong khuôn khổ của dòng văn học “thế hệ mất mát” (lost generation). Eliot viết về sự mất mát của văn minh phương Tây, của cả nhân loại nhưng ngay từ đầu vẫn quan niệm đấy là bi kịch của thế hệ mất mát…
Sáng tác của Eliot T. S. có thể chia làm ba giai đoạn: từ 1909-1920, viết những tác phẩm có khuynh hướng bài tư bản và tôn giáo. Đây là thời kì tìm kiếm hình thức thể hiện và chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng. Năm 1917 ông làm biên tập tạp chí Egoist. Những năm 20 là một giai đoạn mới trong sáng tác của ông với những tác phẩm tiêu biểu như Đất hoang (1922); Những kẻ rỗng tuyếch (1925). Tính qui mô, triết lý sâu sắc và cách thể hiện hình tượng thơ ca độc đáo đã cho phép Eliot trở thành một nhà cách tân có ảnh hưởng lớn nhất đối với văn học Anh-Mỹ những năm 20-30. Năm 1922 Eliot sáng lập tạp chí Criterion (xuất bản đến năm 1939). Tạp chí này chủ yếu đang tải những tác phẩm của Eliot và những tác giả khác gần gũi về quan điểm với ông. Cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế giới quan của Eliot có những thay đổi cơ bản. Cảm hứng phủ nhận và lo lắng được thay bằng cảm hứng tìm kiếm những giá trị đích thực. Tiêu biểu của thời kỳ này là những tác phẩm: Thứ Tư tro bụi (1930), Bốn khúc tứ tấu (1943). Trong các tác phẩm này Eliot sử dụng những phạm trù triết học (thời gian, nơi chốn, sự vô tận vv…) cùng với học thuyết của Anh giáo. Và cũng như hai giai đoạn trên, sáng tác thơ ca của ông gắn liền với hoạt động của một nhà lí luận, phê bình văn học, nhà triết học. Những năm 30 Eliot cố gắng thử nghiệm trong hoàn cảnh lịch sử mới một thể loại quen thuộc của thời đại Elizabeth là kịch thơ: Vụ giết người trong nhà thờ (1935), Bữa tiệc Cocktail (1950), tuy vậy, sự thành công không mấy đáng kể… Năm 1948 ông được trao tặng giải Nobel văn học với tư cách là một nhà thơ.
Đối với bạn đọc nước ta thì T. S. Eliot hoàn toàn mới mẻ mặc dù trong bất kỳ cuốn từ điển nào (dù đó là từ điển tác gia, từ điển văn học, từ điển bách khoa…) đều có mục từ Eliot. Vẫn biết Eliot là nhà thơ lớn của thế kỷ 20, là tác gia cổ điển, nhà cách tân của văn học Anh-Mỹ nhưng tác phẩm của ông chưa thấy ai dịch ra tiếng Việt. Điều này có thể giải thích là tác phẩm của Eliot khó đọc đối với đa số bạn đọc. Để hiểu Eliot đòi hỏi một vốn kiến thức về triết học, tôn giáo, về văn hoá, văn học phương Tây cũng như phương Đông… Eliot là nhà cách tân – mới mẻ và khó hiểu thì đã đành nhưng ông thường xuyên sử dụng vốn cổ, từ Upanishads, Kinh Thánh đến Dante, Shakespeare và nhiều nhà thơ cổ điển khác. Bởi thế, sau mỗi tác phẩm dịch chúng tôi có giới thiệu hoàn cảnh xuất hiện của tác phẩm đó cũng như chú giải những chỗ khó hiểu nhất. Dù sao, kiến thức của người dịch còn nhiều hạn chế nên sai sót là điều khó tránh khỏi. Chỉ xin được coi như là một sự thử nghiệm bước đầu dịch T. S. Eliot ra tiếng Việt.
Tác phẩm:
- Bản tình ca của J. Alfed Prufrock (The love song of J. Alfed Prufrock, 1911), thơ.
- Prufrock và những quan sát khác (Prufrock and other observation, 1917), thơ.
- Suy ngẫm về thơ tự do (Reflexions on vers libre, 1917), tiểu luận.
- Rừng thiêng (The sacred wood, 1920), phê bình.
- Đất hoang (The waste land, 1922), trường ca.
- Những kẻ rỗng tuếch (The hollow men, 1925), trường ca.
- Lanczenot Endrus (1928), tiểu luận.
- Ngày thứ tư tro bụi (Ash wednesday, 1930), thơ.
- Chức năng của thơ ca và chức năng của phê bình (The use of poetry and the use of criticism, 1933), tiểu luận.
- Đá tảng (The rock, 1934), thơ.
- Vụ giết người trong nhà thờ (Murder in the cathedral, 1935), kịch.
- Những tiểu luận cũ và mới (Essays ancient and modern, 1936), tiểu luận.
- Những chú mèo (Old possum’s book of practical cats, 1939), thơ.
- Đoàn tụ gia đình (The family reunion, 1939), thơ.
- Bốn khúc tứ tấu (Four quartets, 1943), trường ca.
- Bữa tiệc cocktail (The cocktail party, 1949-1950), kịch.
- Ghi chép hướng tới việc định nghĩa về văn hoá (Notestowards the denfinition of the culture, 1950), tiểu luận.
- Thơ và kịch (Poems and plays, 1951), tiểu luận.
- Thư kí riêng (The confidence clerk, 1954), kịch.
- Về thơ và các nhà thơ (On poetry and poets, 1957), tiểu luận.
- Chính nhân khả kính (The elder statesman, 1959), kịch.
Thomas Stearns Eliot (26/9/1888 – 4/1/1965), nhà thơ, nhà viết kịch, nhà lý luận, phê bình văn học, sinh ra trong một gia đình tư bản Anh di cư sang Mỹ từ thế kỷ 17. Bố – Henry Ware Eliot là một doanh nhân thành đạt, mẹ – Charlotte Champe Stearns là người viết văn và làm thơ sùng đạo. Ông học triết học và ngôn ngữ ở đại học Harvard, sau đó học tiếp văn học và ngôn ngữ ở Đại học Sorbonne (Paris, Pháp), Đại học Marburg (Đức), Đại học Oxford (Anh). Từ năm 1914 thường xuyên sống ở Anh và năm 1927 nhập quốc tịch Anh. Eliot là người cả đời luôn làm lại mình, bắt đầu lại, sáng tạo lại: từ người Mỹ làm thành người Anh, từ công dân nước cộng hoà thành công dân nước theo chế độ quân chủ lập hiến, từ người theo đạo Tin lành thành tín đồ Anh giáo, từ người theo đuổi cách sống tự do, phóng túng thành người…