"Ta đi trong băng giá
Mùa xấu nhất trong năm
Đằng đẵng cuộc hành trình
Con đường dài và gió
Buốt giá của mùa đông"(2).

Và những con lạc đà trầy da chân
Lì lợm nằm trên tuyết.
Còn ta, đôi khi cảm thấy buồn
Nhớ những cung điện mùa hè, sân gác
Những cô gái mượt mà mang ra đồ ngọt
Những kẻ cai lạc đà lời tục tĩu tuôn ra
Họ chạy đi đòi rượu và đàn bà
Và tắt lửa nhưng lều riêng không đủ
Và thù địch ở những thành phố to, không cảm tình ở những thành phố nhỏ
Những ngôi làng bẩn thỉu và giá cả rất cao
Trong thời buổi khó khăn như vậy ta đi vào.
Cuối cùng ta đã đi thâu đêm suốt sáng
Ngủ ngáy chỉ đôi khi, thỉnh thoảng
Và ta nghe những giọng hát bên tai
Tất cả chỉ là điên rồ, cuồng loạn.

Rồi buổi bình minh ta đến miền thung lũng
Nơi dưới tuyết mùi hoa cỏ bốc lên
Dòng suối rì rào, cối xay nước gõ nhịp vào bóng đêm
Và dưới bầu trời thấp có ba cây gỗ(3)
Và con ngựa bạch phóng nhanh trên đồng cỏ(4).
Ta đến bên quán rượu có treo những cành nho
Sáu cánh tay mở cửa ném những miếng bạc ra
Bàn chân giẫm lên túi da đựng rượu nhưng đã hết
Nhưng không ai biết gì và ta đi tiếp
Rồi ta đến nơi vào buổi chiều, không một chút sớm hơn
Rất tốt đẹp, như dự định mà ta cần.
Đã từ rất lâu, bây giờ tôi nhớ lại
Nhưng có một điều, giá mà tôi được hỏi
Giả sử là
Một điều này: những con đường của ta
Vì Sinh hay Tử? Đã từng là Sinh, hẳn thế
Ta đã biết điều này. Tôi đã từng thấy cả Sinh và Tử
Nhưng mà chúng khác nhau, đó chính là Sinh
Thật đắng cay, ta sống như là chết với cái chết của mình
Và ta đành quay trở về Vương quốc
Nhưng chẳng tìm ra cho mình sự bình yên
Con người vẫn bám chặt vào thần thánh của mình.
Bởi thế, tôi vui mừng đón chào cái chết khác.


(1) Bài thơ này in lần đầu trên thiệp Giáng sinh của nhà xuất bản "Faber and Faber" năm 1927. Cũng trong năm này T. S. Eliot nhập quốc tịch Anh và cải đạo sang Anh giáo. Bài thơ này dựa theo câu chuyện kể về sự Giáng sinh của Chúa Giê-su (Tân Ước_Ma-thi-ơ 2:1-12). Tuy vậy, ngay từ dòng đầu Eliot đã viết theo cách của mình. Bài thơ không nhắc đến ngôi sao dẫn đường, không nói gì về lễ vật là vàng và nhũ hương hay sự vui mừng của các đạo sĩ. Eliot chỉ nói về sự khó nhọc của con đường đi đến lòng tin mới (việc cải đạo của mình). Nhân vật chính của bài thơ là một đạo sĩ hồi tưởng lại cuộc hành trình sau nhiều năm đã trôi qua. Và, hoá ra là con đường có rất nhiều ngờ vực, có thể, "tất cả chỉ là điên rồ, cuồng loạn". Nhưng sau khi đã trở về Vương quốc (Anh) cuộc sống cũng chẳng yên bình hơn. Sự hồi sinh này đòi hỏi cái chết, và chỉ sau cái chết này, có thể, sẽ sinh lại lần hai.
Cả bài thơ dựa trên hai phạm trù triết học: Sinh và Tử. Người kể chuyện chưa tiếp nhận hết lòng tin mới, mà muốn chết để giải thoát mối nghi ngờ của những người sống quanh mình, những người vẫn tôn thờ những đạo sĩ cổ xưa. Bài thơ cho thấy việc cải đạo sang Anh giáo của T. S. Eliot không một chút dễ dàng.

(2)Khổ thơ đầu trong ngoặc là những lời thuyết giáo đêm Giáng sinh của giáo chủ người Anh, Lancelot Andrews (1555-1626).

(3)Đây là ba cây gỗ treo ba cây thập ác để đóng đinh Chúa Giê-su cùng với hai tên trộm-cướp ở hai bên (Tân Ước_Luca 23: 32,33).

(4)Con ngựa bạch trong Khải huyền: "Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, có một con ngựa bạch hiện ra; Đấng cưỡi trên ngựa ấy gọi là Đấng Trung tín và Chân thật; Ngài lấy lẽ công bằng mà xét đoán và chiến đấu..." (Tân Ước_Khải huyền 19:11).