Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn...
Bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ là nỗi niềm của người bạn nhỏ hướng về miền Bắc, về Bác Hồ trong giai đoạn đất nước ta tạm thời chia cắt hai miền (1954 - 1975). Thông qua thể thơ lục bát giàu cảm xúc, hình ảnh thơ chân thực, Thanh Hải đã khái quát được tình cảm của thiếu niên, nhi đồng cả nước đối với Bác Hồ kính yêu.

Bài thơ mở đầu được tác giả giới thiệu địa điểm và nỗi niềm nhớ Bác của người bạn nhỏ:
Đêm nay bên bến Ô Lâu
Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ
Từ đó, cảm xúc nhớ Bác Hồ đi suốt bài thơ. Nỗi nhớ ở đây không chung chung mà cụ thể, chi tiết: nhớ chòm râu, nhớ hình Bác giữa bóng cờ, nhớ đôi má hồng hào, mái đầu tóc bạc, đôi mắt hiền sáng tựa vì sao. Không chỉ nhớ về chân dung Bác Hồ, bạn nhỏ trong bài thơ còn nhớ đến những tình cảm mà Bác hướng đến thiếu niên, nhi đồng cả nước. Bác tài trí, giàu lòng yêu thương và luôn quan tâm đến mọi người, nhất là thế hệ măng non:
Nhớ khi trăng sáng đầy trời
Trung thu Bác gửi những lời vào thăm.
Bốn câu thơ tiếp theo là hành động của bạn nhỏ ở bến Ô Lâu (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế) hướng về Bác với lòng kính yêu vô hạn. Tình cảm ấy cũng là tấm lòng của thiếu nhi miền Nam, đồng bào miền Nam luôn nhớ về Người.

Hai câu thơ kết bài thật đặc biệt, thể hiện tình cảm giao hoà giữa Bác và các cháu thiếu nhi. Tình cảm ấy thiết tha, mãnh liệt và cảm động vô cùng:
Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ
Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn.
Cháu nhớ Bác Hồ được Thanh Hải viết trong hoàn cảnh đặc biệt khi đang hoạt động bí mật trên mảnh đất miền Nam ruột thịt. Qua bài thơ, tác giả đã diễn tả nỗi lòng của người bạn nhỏ trong Nam hướng về Bác Hồ với tình cảm kính yêu vô hạn. Tình cảm ấy cũng là nỗi niềm chung của muôn vạn thiếu niên, nhi đồng đang hướng về Người nơi đất Bắc.


Lê Thành Văn
tửu tận tình do tại