Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Tố Hữu » Từ ấy (1946) » Xiềng xích
Đăng bởi Vanachi vào 30/01/2007 19:55, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 18/01/2021 10:53
Từ thuở ấy, quăng thân vào gió bụi
Đến hôm nay phút chết đã kề bên
Đến hôm nay kiệt sức, tôi nằm rên
Trên ván lạnh không mảnh mền, manh chiếu.
Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa
Bạn đời ơi! Ta đã hiểu nhau rồi.
Nếu mai đây có chết một thân tôi
Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!
Hai mươi tuổi mới qua vòng thơ bé
Dù phải chết, chết một đời trai trẻ
Liệm thân tàn bằng một mảnh chiếu con
Rồi chôn xương rục thối dưới chân cồn
Hay phơi xác cho một đàn quạ rỉa?
Tôi chẳng tiếc, chỉ cười trong mai mỉa
Bao nhiêu hình ảnh đó vẽ quanh tôi.
Tiếc làm chi? Thế cũng đã sống rồi.
Trường giông tố mấy năm trời vật lộn
Với cách mạng, tôi không hề đùa bỡn
Và không hề dám chối một nguy nan.
Dẫu bao nhiêu thành quả của thanh xuân
Tôi mới hái một đôi lần ít ỏi
Và bên bạn, chỉ là tên lính mới
Gót chân tơ chưa dày dạn phong trần
Tôi vẫn hằng tự nghĩ: “Miễn quên thân
Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa
Thế cũng được, lựa chi nhiều tài trí
Mới là tên lính quý của đoàn quân?
Và lòng vui, trí nhẹ đủ trăm phần
Tôi sẽ chết bình yên, không hối hận.
Tôi sẽ chết như bao nhiêu số phận
Nẻo đường xa, đã mạnh dấn chân vào
Đã từng lăn trong máu dưới gươm trào
Thân đã nặng bởi bao gông xiềng xích!
Tôi sẽ chết, tuy chưa về tới đích
Nhưng cần chi, đã có bạn chung đời
Tung hoành trên mặt đất bốn phương trời
Trường giao chiến không một giờ phút lặng!
Rồi chiến thắng sẽ về ta, chiến thắng
Và tương lai, ta sẽ chiếm về ta!
Trường đấu tranh là một bản hùng ca
Ta sẽ chết trong điệu đàn tranh đấu.
Đây là tiếng, hỡi bạn đời yêu dấu
Của một người bạn nhỏ, trước khi đi
Đây là lời trăng trối để chia ly
Hãy đón nó, bạn đời ơi, đón nó!
Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ
Sống đã vì cách mạng, anh em ta
Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Vũ Hoàng Sơn ngày 17/05/2023 22:03
Tháng 10 năm 1940, sau việc tên đồn trưởng đánh chết đồng chí Lê Thế Tiết, Bí thư đầu tiên Tỉnh uỷ Quảng Trị, các tù nhân Lao Bảo tiến hành cuộc đấu tranh trong hơn một tuần lễ phản đối chế độ tra tấn, đánh đập tàn nhẫn, phản đối tội ác của bọn cai ngục và tổ chức lễ truy điệu đồng chí Lê Thế Tiết. Chính trong cuộc đấu tranh này bài thơ “Trăng trối” của Tố Hữu ra đời, ông Dung được chuyền tay đọc, coi đó như lời tuyên ngôn về lẽ sống chết của những người đi làm cách mạng để giành lại độc lập - tự do cho dân tộc. Tháng 11 năm 1940, một cuộc tuyệt thực dài ngày với quyết tâm cao của tù nhân phản đối chế độ của nhà tù Lao Bảo. Anh em lại một lần nữa chuyền tay nhau bài thơ “Con cá chột nưa” của Tố Hữu, khẳng định ý chí cách mạng kiên cường, không chịu khuất phục trước những cám dỗ đời thường của người cộng sản.