Mùa xuân đã về trên khắp các thôn, bản quê hương. Những ngày xuân tràn đầy sức sống mới, những người yêu văn hoá dân gian lại bồi hồi nhớ về Tết cổ truyền xưa qua những vần thơ trong bài thơ
Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ.
Mở đầu bài thơ, ông miêu tả một ngày mới bắt đầu nơi thôn dã. Dải mây trắng trên đỉnh núi đang đỏ dần lên. Làn sương sáng được ánh mặt trời rọi chiếu như viên ngọc hồng lam đang ôm ấp nóc nhà gianh nơi thôn xóm. Những con đường quê uốn lượn ở mép đồi như những dải lụa màu xanh đưa bước chân người các ấp hớn hở, tưng bừng đi chợ Tết.
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam e ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Chỉ với vài câu thơ, Đoàn Văn Cừ đã làm lột tả được cái hồn của con người quê:
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng nghộ nghĩnh đuổi theo sau
Trong những bước chạy “lon xon” của các cậu bé là cả một tâm trạng háo hức, một niềm vui ngây thơ của trẻ nhỏ trong ngày chợ Tết được mặc áo mới, được chơi đùa thoả thích. Hành động “nép đầu bên yếm mẹ” miêu tả sự rụt rè, nhút nhát, bỡ ngỡ của những em nhỏ thôn quê lần đầu được đến với một phiên chợ Tết thấy bao điều mới mẻ, lạ lẫm... Người xen cảnh, cảnh xen người, người đọc chưa kịp hình dung hết vẻ đẹp của cảnh vật đã bị cuốn vào thế giới sinh hoạt rộn rã, hối hả nhưng cũng rất tưng bừng “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ”.
Đoàn Văn Cừ tả cảnh sinh hoạt ở phiên chợ bằng những câu thơ giản dị, như lời nói thường ngày của người dân quê nhưng lại toát lên được vẻ sôi động của phiên chợ, với đầy đủ những con người quê cùng chung một tâm trạng vui vẻ:
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Đám chợ như một đám hội thật đông đúc không hề hối hả, vội vã như những phiên chợ thường ngày bởi người ta đi chợ Tết không phải chỉ để mua bán mà còn là để đi chơi xuân:
Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Tác giả còn xen vào bài thơ những chi tiết ngộ nghĩnh nhưng không phồn tục:
Con gà trống màu thâm như cục tiết
Một người qua cầm cẳng dốc lên xem.
Đây là món hàng không thể thiếu của phiên chợ Tết vì “con gà sống” là vật tế dâng lên bàn thờ tổ tiên vào phút giao thừa thiêng liêng để cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, đó là một phong tục đẹp của người Việt từ bao đời.
Tâm sự về bài thơ, lúc đương thời thi sĩ cho biết: “cái chợ này là hồn vía của người Việt mình ở miền Bắc, mấy năm trước, bên làng Lao có một đoàn người sang gặp tôi cho rằng, đó chính là phiên chợ của làng họ, họ xin phép tôi cho khắc đá bài thơ” (Trích bài phỏng vấn của Y Ban – phóng viên
Giáo dục và thời đại năm 2004).
Giống như những ngôi làng khác ở Bắc Bộ, làng Đô Quan quê hương Đoàn Văn Cừ có nhiều đền, đình, chùa, miếu với nhiều lễ hội kì thú. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho nhà thơ viết nên những bài thơ:
Làng,
Trăng he,
Ngồi đình,
Tế thánh,
Năm mới,
Chợ làng vào xuân... Và không chỉ ở riêng làng Đô Quan, Đoàn Văn Cừ còn được tham gia lễ hội ở các làng lân cận như lễ hội chùa Cổ Lễ, hội chùa Keo, hội chợ Yên, hội chợ Viềng... đã giúp ông sáng tạo nên:
Đám cưới mùa xuân,
Đám hội... và đặc biệt là
Chợ Tết.
Đọc và cảm nhận bài thơ, tôi như lạc vào một bức tranh dân gian Đông Hồ đẹp và sinh động. Nếu như nghệ sĩ tranh dân gian dùng màu vẽ lấy từ những gì mộc mạc nhất của tự nhiên thì, Đoàn Văn Cừ cũng lấy chất liệu từ đời sống dân gian hết sức mộc mạc. Ông đã tạo nên bức tranh chỉ với những nét phác thảo giản dị nhưng đầy màu sắc về bối cảnh một phiên chợ Tết tươi vui, ngộ nghĩnh. Đồng thời, đem đến cho người đọc sự khát khao một lần được tham gia vào phiên chợ quê truyền thống, được ngắm “những mẹt cau đỏ chót tựa son pha”, hoà mình vào không khí Tết cổ truyền mà nhịp sống hiện đại đã làm mai một đi phần nào nét văn hoá đẹp đó.
Thanh Huyền