Tặng các đồng chí chuyên gia Liên Xô

Tiếng đàn Ba-la-lai-ca
Như ngọn gió bình yên
Thổi qua rừng bạch dương dìu dặt
Nghe rụt rè
Như tia mắt
Người thiếu nữ soi mình trong đáy giếng mùa thu.

Nghe mơ hồ
Như tiếng hát
Trong bồng bềnh sương núi
Nghe vời vợi
Như cánh thiên nga
Bay khuất nẻo mây xa...

Tiếng đàn Ba-la-lai-ca
Như ngọn sóng
Vỗ trắng phau ghềnh đá
Nghe náo nức
Những dòng sông nóng lòng tìm biển cả
Như khúc dân vũ Cáp-ca
Nhịp chân quay khiến mắt nhìn chếnh choáng...
Nghe hào phóng
Như ngọn gió Xi-bia
Thổi hút cuối trời...

Trên sông Đà
Một đêm trăng chơi vơi
Tôi đã nghe tiếng Ba-la-lai-ca như thế
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.

Lúc ấy cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà
Ngày mai chiếc đập lớn nối liền hai khối núi
Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên
Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả
Từ công trình thuỷ điện lớn đầu tiên.

Khi ấy những người bạn Nga sẽ ở đâu?
Ở hàn cực Véc-khôi-an
Hay đỉnh cao Iếc-cút?
Ở những vùng nào trên Liên bang Xô-viết
Lại đi mở tiếp những công trình cộng sản vẻ vang
Nhưng vĩnh viễn sẽ còn ở Việt Nam
Tiếng đàn Ba-la-lai-ca lay động
Tiếng đàn. Ấy là biểu tượng
Cho tâm hồn nước Nga
Như đêm nay
Rung một khoảng sông Đà...


Hà Nội, 11-1979

Một đoạn trích của bài thơ này được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt 4 (tập 2) giai đoạn 1990-2003 và lớp 5 (bộ mới).

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Nguyên tác

Theo em được biết thì đây chỉ là đoạn trích thôi. Nhà thơ Quang Huy có rất nhiều bài thơ được đưa vào SGK, nhưng dường như rất ít bài đưa trọn vẹn, mà tìm trên mạng cũng rất hiếm. Thật trớ trêu khi tìm một bài thơ đã được đưa vào SGK trên mạng lại là chuyện đau đầu với nhiều học sinh (nhất là học sinh tiểu học) và cả người lớn nữa.

Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
474.02
Trả lời
Ảnh đại diện

Sách giáo khoa

Nếu trong sách giáo khoa in từng ấy, thì cũng có thể đưa lên Thi viện, theo chị. Vì dù sao đó cũng là một trong những nguồn tin cậy. Còn nếu nhà thơ "kiện" Bộ giáo dục thì khi ấy tính sau hihi, mặc dù quả thật chị thấy bài thơ mà dừng ở đó thì cụt lủn.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
303.67
Trả lời
Ảnh đại diện

Sách giáo khoa

@Cô Hoa Xuyên Tuyết: Dạ không, đưa bài này lên Thi viện là tốt quá chứ ạ, nhưng cháu nghĩ cần có thêm chữ "trích" xinh xinh ở đầu văn bản thì tốt hơn ạ.

Có điều cháu luôn thắc mắc tại sao bộ giáo dục không đưa ra những nguồn tin đàu đủ nhất về văn bản được dạy trong SGK. Do phạm vi của SGK những văn bản như trên chỉ được trích lại, vì thế nếu có thêm thông tin cho học sinh tìm hiểu thì tốt hơn rất nhiều.

Việc SGK cung cấp thiếu thông tin phổ biến nhất là ở SGK bậc tiểu học. Những văn bản dạy cho học sinh tiểu học có nội dung rất trong sáng, ý nghĩa, nhưng SGK chỉ ghi tên tác giả, chỉ tên tác giả mà thôi, không có tên tác phẩm, không có tiểu sử tác giả, không có hoàn cảnh sáng tác. Ví dụ như SGK lớp 5 (cháu không nhớ rõ lắm là lớp mấy) có dạy đoạn trích Gavroche trên chiến trường, nhưng chỉ ghi tên tác giả là "theo Hugo" (cháu nhớ không lầm thì chữ Victor bị xén mất), còn chẳng thấy tên tác phẩm "những người khốn khổ" đâu cả. Tương tự là trường hợp của De Amicis và "Những tấm lòng cao cả". Còn những bài thơ hay như "Thợ rèn", "Ai thổi sáo gọi trâu đâu đó/Chiều in nghiêng trên mảng núi xa" (cháu quên mất tên bài thơ), "Bè ta xuôi sông La"... thì cháu tìm kiếm trong vô vọng đã 3 năm rồi. Ở bậc trung học, học sinh gặp khó khăn chẳng kém khi tìm những "Ramayana", "Xống chụ xon xao", vân vân... Cháu đã rất bất ngờ khi biết bài thơ "Lều cỏ Lê-nin" của Tố Hữu với những câu thơ rất quen thuộc: "Tuổi mười hai đuổi bướm bắt chim/Em ở đây bên bác Lê-nin" tìm trên Google không thấy. Mỗi khi tìm kiếm như thế cháu có cảm giác như mình bị đánh đố.

Cháu nghĩ việc cung cấp thông tin phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh là trách nhiệm đương nhiên của bộ giáo dục. Việc không tổ chức nào đứng ra thành lập một trang web chuyên lưu trữ văn học một cách chính quy nhất mà phải để Thi viện là trang web cá nhân của anh Điệp làm cũng khiến cháu suy nghĩ.

Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
253.72
Trả lời
Ảnh đại diện

trích

Ừ, bạn nói đúng. Nhưng mà trong SGK họ có ghi là trích không?

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
203.90
Trả lời
Ảnh đại diện

Trích

Dạ có ạ :)

Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
232.78
Trả lời
Ảnh đại diện

thử bình luận

theo tôi bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để ta cảm nhận rõ cái hay của bài thơ này(tuy chỉ là một đoan trích)


người yêu thơ
193.05
Trả lời
Ảnh đại diện

trả lời bạn Diệp Y Như

@Diệp Y Như: bài "ai thổi sáo..." mình cũng thích nữa,bài đó là bài "Trâu đồi":
Ai Thổi sáo gọi trâu đâu đó
Chiều in nghiêng trên mảng núi xa
Con trâu trắng dẫn đàn lên núi
Vểnh tai nghe tiếng sao trở về

Trâu đực chạy rầm rầm như hổ
Trâu thiến rong từng bước hiền lành
Cổ lững lững như chum như vại
Móng hến hằn in mép cỏ xanh

Những chú nghé lông tơ mũm mĩm
Mũi phập phồng dính cánh hoa mua
Cổng trại mở trâu vào chen chúc
Chiều rộn ràng trong tiếng nghé ơ...

"Bè xuôi sông La"

Bè ta xuôi sông La
Dẻ cau cùng táu mật
Muồng đen và trai đất
Lát chun rồi lát hoa.

Ta nằm nghe, nằm nghe
Giữa bốn bề ngây ngất
Mùi vôi xây rất say
Mùi lán cưa ngọt mát
Trong đạn bom đổ nát
Bừng tươi nụ ngói hồng
Đồng vàng hoa lúa trổ
Khói nở xoà như bông.

Sông La ơi sông La
Trong veo như ánh mắt
Bờ tre xanh im mát
Mươn mướt đôi hàng mi.

Bè đi chiều thầm thì
Gỗ lượn đàn thong thả
Như bầy trâu lim dim
Đằm mình trong êm ả

Sóng long lanh vẩy cá
Chim hót trên bờ đê.

ko biết khúc dưới còn không nữa...

183.11
Trả lời