Than ôi!
Dân mất nước, nghĩ càng đau quá, dế, giun, kiến, mối nghĩ còn hơn;
Giặc có quyền, thương đến ai đâu, súng, đạn, gươm, đao thôi mặc ý.

Sóng Âu Á hai mươi thế kỷ;
Cuộc biển dâu trải mấy phen này.

Trói tay chân, pháp luật là dây;
Bưng tai mắt, văn minh rành vỏ.

Đem nông nỗi mấy năm gần đó, tư bản cường quyền Pháp quá sức hoành hành;
Nên anh em sáu triệu xứ mình, Việt Nam quốc dân đảng là đường tự vệ.

Lòng yêu nước gốc lòng trời đẻ, ai có xui ai;
Tính thương nòi vốn tính loài người, tội chi mà tội.

Nào hay bị quân hùm sói;
Diễn thêm một cuộc oán thù.

Làng Cổ Am há phải giặc đâu, toàn những người cày bẫm cuốc sâu, đóng sưu nạp thuế;
Xã Xuân Lũng ấy thẩy dân lành, đâu có kẻ tranh thành cướp đất, đắp luỹ xây đồn.

Huống gì đoàn chiu chít bé con;
Với những thân gầy còm già yếu.

Đáng thương thật đầu mun mặt trú, gánh vác nặng nề, dưới nhà nước tha hồ đè nén.

Xứ cấy cày đâu phải bãi sa trường, tường ngõ gà kêu chó sủa, đất há hẹp gì;
Chúng làm ăn nào biết việc đua tranh, chắc là thuế ráo sưu xong, trời cùng thương đến.

Hoạ ao cá vì ai xui khiến;
Nạn tàu bay vô cớ sán nhào.

Đoàn già lũ trẻ, thây chết nhôn nhao, thảm hoạ ấy vì sao, ơn khai hoá vài trăm khẩu súng;
Mẹ goá con côi, máu sôi tản mản, sự tình thật quá ngán, quyền tự do mấy chục quả bom.

Đã đành than lấp bùn chôn, giữa nước lửa chỉ là mồ dân Việt;
E nữa trời cùng đất kiệt, ngoài non sông đâu tá cảnh nguồn Đào?

Thương ôi!
Gương cũ treo cao;
Cuộc sau gấp tỉnh.

Hăm lăm triệu may ai còn tính mệnh, thịt đầu đe há phải điềm vui;
Toàn ba kỳ nếu sẵn có nhân tài, chim ngoài lưới phải lo đường sống.

Hát vô dụng mà khóc càng vô dụng, duy mong mỏi dòng Hồng giống Lạc, bà con anh chị một lòng gìn giữ máu tiên vương;
Hoạ phi thường thì phúc cũng phi thường, những ước ao núi Tản sông Lô, hồn phách tính linh hộ cả nước mở nền Tân Việt.

Mấy lời tâm huyết!
Chín suối hồn nghe!
Thượng hưởng.


Khởi nghĩa Yên Bái nổ ra lúc 1 giờ sáng ngày 10-2-1930. Quân cách mạng đánh chiếm thị trấn này rất dễ dàng, nhiều sĩ quan và binh lính Pháp tử trận, nhưng cuối cùng Yên Bái lại bị Pháp tấn công lấy lại được. Quân cách mạng phải rút về miền Hải Dương thủ hiểm ở các làng La Hào, Võng La, Cổ Am, Xuân Lũng, Kha Lâm, Sơn Dương, Khúc Thủ,... Thế là các làng này sau đó liền bị hàng chục chiếc phi cơ của Pháp bay đến thật thấp và dội bom xuống, nhất là làng Cổ Am, làm thiệt hại nhiều thường dân vô tội. Chúng còn bắt chặt hết tre, rồi buông lửa đốt cháy làng. Áo quần, thóc gạo, gà lợn, trâu bò, các đồ vật của thường dân, có làng thì chúng cho chạy ra, có làng thì chúng bắt bỏ lại để cho cháy hết.

Bài văn này để tế những người bỏ mạng vì thảm hoạ máu xương trên. Có tài liệu cho là khuyết danh.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]