Lương Khải Siêu nói tiếp: “Thực lực hệ trọng hơn hết, không gì cho bằng nhân tài. Vậy thì tôi tính kế cho quý quốc bây giờ, trước hết ta hãy gắng công ra sức vun trồng nhân tài. Hễ nhân tài có đủ, thì chỉ đợi thời cơ đưa đến là ta làm việc lớn được dễ dàng”. Tôi rất phục lời họ Lương nói phải lắm.

Trở về nhà trọ rồi tôi thao thức suy nghĩ cả đêm, không sao nhắm mắt ngủ được. Dòm quanh thế giới như rồng bay hổ thét, như điện chớp mây tuôn, nhân tài có ngàn thứ muôn thứ, không có vẻ nào mà không mới lạ. Ngay đến một xó Đông Dương này, nước nhà mình so sánh đã đủ thua kém, người ta muôn phần, mình chẳng có một, còn nói Âu Mỹ làm gì?

Bởi vậy, nuôi dựng nhân tài là việc cần kíp của mình, không đợi phải nói nữa. Song muốn nuôi dựng nhân tài ta phải làm sao bây giờ, vì cái thực quyền giáo dục nằm cả trong tay chính phủ Pháp bảo hộ? Dầu vậy mặc lòng, anh em chúng tôi còn đây, không lẽ nào bó tay chịu chết sao đành. Giờ chỉ có cách là kêu gào bọn thiếu niên trong nước tỉnh dậy, liều mình trốn ra nước ngoài học tập, như thế thì ta được tự do mở mang trí khôn, mà nước nhà mới chóng có nhân tài đẻ ra được nhiều. Tôi bèn đặt ra bài văn cổ động bà con trong nước giúp tiền cho thanh niên qua Nhật cầu học. Bài này chỉ viết có lơ thơ mấy ngàn chữ, nhưng thật là một bài văn sinh bình tôi lấy làm đắc ý thứ nhất.

Là vì công việc tôi sắp đặt lo toan từ trước đến giờ, đều chuyên chú vào hiện tượng trước mắt, đến sự mưu đồ sự nghiệp lâu dài bền vững cho nước nhà, thời chỉ có bài văn này mà thôi. Nếu như có hiệu quả, người nước ta du học ngày thêm đông, nhân tài ngày thêm nhiều, dân trí ngày thêm cao, thì không gì nước Nam không có cơ sống lại.

Nhưng thủ đoạn người ta áp bức nặng nề dữ tợn, khiến cho làn sóng du học chưa được năm sáu năm, đã làm cái đích cho muôn ngàn mũi tên nhắm vào đó mà bắn, sự ấy trước kia tôi có dè đâu.Than ôi! Tài hèn sức mỏng, trăm việc làm đều không được như lòng mình muốn, thành ra đá hết rồi mà biển hận vẫn chưa lấp đầy, oan hồn Tinh Vệ, đâm ngày chỉ lênh đênh chìm nổi với ba đào, đau đớn thay!

Bài văn Khuyên thanh niên du học viết xong rồi, thuê in ra mấy ngàn tập, giao cho Tăng quân Bạt Hổ đem về nước phát hành. Mùa đông tháng Chạp năm Ất Tỵ (1905), Tăng quân về nước, cốt lo cổ động anh em qua bên Nhật học. Vừa khi đó ông Nguyễn Hải Thần ở nước nhà trốn qua tới Nhật, gặp tôi ở Hoành Tân được đọc bài văn của tôi, ông lấy làm mừng lắm, tình nguyện gánh vác khoản tiền tổn phí cổ động du học sinh.

Không bao lâu, tiếng vang dội của bài văn tôi làm rung động xôn xao cả nước. Tháng Giêng năm Bính Ngọ (1906), tôi đến nhà ông Khuyển Dưỡng Nghị để bàn tính về việc đưa học sinh sang học, sắp đặt cho anh em cả trường học, chỗ ở sẵn sàng. Lúc đó, ông Phước Đão đang làm hiệu trưởng Chấn Võ Học Hiệu tại Dông Kinh, tôi liền xin cho Trần Hữu Công, Lương Lập Nham và Nguyễn Điển 3 người vô học trường ấy. Còn một người nữa là Lương Nghị Khanh thì vô học Đồng Văn Thư Viện. Nước ta 4,000 năm nay chưa hề có người nào du học ngoại quốc, có chăng tự là 4 người này trước hết.

Ôi! Lịch sử quốc dân ta như thế ai bảo là thằng bé con lụ khụ trăm tuổi cũng phải. Tháng 2 năm đó, bọn ông Tử Kính đã phò tá Hội chủ Kỳ ngoại hầu đến Hương Cảng, viết thư sang Nhật gọi tôi qua.

Lúc bấy giờ, bốn người thiếu niên vừa mới được vô học trường Nhật, lại được nghe tin Hội chủ xuất dương yên ổn, thật mấy năm nay chi có chuyện này tôi thấy vui mừng khoan khoái hết sức. Tôi nóng nẩy muốn biết tình hình trong nước gần đây ra sao, lại sẵn có dịp đi nghênh tiếp Hội chủ, nên chi hạ tuần tôi đáp tàu qua ở Nhật sang Hương Cảng. Tới đây, vừa gặp Phan quân Châu Trinh mới từ nước nhà qua. Phan quân đi chuyến này, cốt muốn xem xét tình trạng văn minh của Nhật. Sau khi gặp mặt tôi rồi, ông cùng với tôi và Hội chủ cùng xuống Tàu sang Nhật.

Chúng tôi đến Hoành Tân vào hồi hạ tuần tháng 4. Tôi dẫn Phan quân đi xem khắp các trường học và các nơi danh tiếng ở thành Đông Kinh, lại giáp mặt nhiều danh nhân nước Nhật. Cách đây mấy tuần, ông nói với tôi:

Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ta ra so sánh, thật không khác gì muốn đem con gà con đọ với con chim cắt già. Giờ bác ở đây, nên chuyên tâm ra sức vào việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc mắt đui, còn việc mở mang dìu dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lãnh. Lưỡi tôi đang còn, người Pháp chẳng làm gì tôi được mà lọ. Tôi cho lời ông nói rất phải. Rồi tôi viết ra tập đầu Hải ngoại huyết thư. Nhân lúc Phan quân về nước, tôi gởi đem Huyết thư đó về. Đối với bà con trong nước, tôi là một người khua động chuông chiều trống sớm để thức tỉnh, thật là tập văn này nối gót Huyết lệ tân thư mà ra đời vậy. Cách không bao lâu, bọn anh em trong phái cấp khích ở Nghệ Tĩnh, như mấy ông Đại Đẩu, Thần Sơn, phần nhiều viết thư hối thúc tôi về việc quân giới.

Chỉ một vấn đề đó, khiến cho tôi hao tốn không biết bao nhiêu tâm huyết mà gây ra lắm nỗi thất bại thê thảm, thật là khổ não cho tôi! Các ông ông về phái cấp khích, có bầu máu nóng đáng kính, nhưng đầu óc các cụ chỉ lo xông pha bôn tẩu trên một con đường bạo động mà thôi. Chính tôi lúc chưa bỏ nước ra đi, cũng chỉ có tư tưởng giống y như thế; chừng sau ra ngoài được rộng kiến văn và nhờ người ngoài giáo huấn, tôi mới biết sự nghiệp quang phục nước nhà, không sao có cơ sở thật bền vững thì không làm nên.

Bởi vậy, một mặt tôi cổ võ thanh niên du học, một mặt muốn mở mang tư tưởng ái quốc cho toàn quốc dân, tôi bèn viết ra Tân Việt Nam kỷ niệm lục, Việt Nam sử khảo, và tập Hải ngoại huyết thư nối theo. Mấy thứ sách này lời lẽ thống thiết lâm ly, chỉ có chủ ý là trông mong quốc dân ta lấy Chiêm Thành Chân Lạp làm dấu xe nên tránh và rán theo chân nối gót của Trưng vương, Lê hoàng, mà phát phần hăng hái, tìm lấy sự sống ở trong lúc chủng tộc chưa tiêu, tính mạng chưa tuyệt này, bằng không thì trễ mất.



[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại