Năm 1939, đang hoạt động sôi nỗi trong phong trào Thanh niên dân chủ, Tố Hữu bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam ở Huế. Bài thơ Tâm tư trong tù được Tố Hữu sáng tác trong nhà lao Thừa phủ. Ta hãy tìm hiểu tâm tư của người chiến sĩ Cách mạng trẻ tuổi đang hăm hở say mê hành động vì lí tưởng bỗng bị tù đày, sống cô đơn tách biệt với bên ngoài qua bài thơ Tâm tư trong tù.

Vào đầu bài thơ là một điệp khúc biểu lộ nỗi cô đơn của nhà thơ khi bị tách rời với cuộc sống bên ngoài:
Cô đơn thay là cảnh thân tù
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực,
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức,
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Đây là tâm trạng của một thanh niên mười chín tuổi mới giác ngộ lí tưởng, đang hăm hở hoạt động. Cho nên lần đầu tiên bị giam cầm, toàn bộ suy nghĩ và cảm xúc của nhà thơ đều hướng về cuộc sống bên ngoài, thể hiện sự khao khát tự do. Từ hiện thực hoàn cảnh nhà tù âm u, lạnh lẽo, khắc khổ, sầm u:
Đây âm u…………
………………………….
Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ
Đây sàn lim manh ván ghép sầm u...
nhà thơ hình dung thế giới bên ngoài thật vui tươi, sung sướng:
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Càng rơi vào cảnh cô đơn, nhà thơ càng cảm thấy gắn bó với cuộc sống. Thấy ánh nắng chiều vàng len vào ô cửa nhỏ, nhà thơ lắng nghe (tai mở rộng) và cảm nhận (lòng sôi rạo rực):
………. đôi ánh lạt ban chiều,
Len nhẹ nhẹ qua rào ô cửa nhỏ,
…………………………………………
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức.
Thế giới bên ngoài nhà tù được tái hiện cụ thể, sinh động. Điệp từ “nghe” diễn tả sự dồn dập những âm thanh của cuộc đời thường, nhưng nhà thơ cảm thấy những thanh âm quen thuộc ấy thật đáng trân trọng, mến yêu:
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều,
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh.
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh,
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...
Trí tưởng tượng mở rộng, nỗi khao khát gắn bó với cuộc đời càng được nâng cao. Tâm hồn của người thanh niên tràn ngập những cảm hứng lãng mạn. Đoạn thơ thể hiện những cảm nhận tinh tế, trí tướng tượng phong phú của nhà thơ khi tô vẽ lên cuộc đời với mọi sắc thái tươi vui: sức khoẻ của trăm loài, một trời rộng rãi, đời sây hoa trái, hương tự do thơm ngát... Tâm tình này còn được giải bày trong một số bài thơ trong tù vào tháng 7 - 1939:
Vườn râm dậy tiếng ve ngân,
Bắp rây vàng hạt, đầy săn nắng đào.
Trời xanh càng rộng càng cao,
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không.
(Khi con tu hú)
Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi,
Đâu luồng tre mát thở yên vui,
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn,
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi.
(Nhớ đồng)
Nhưng ngay sau đó, nhà thơ tự biện luận rằng một người chiến sĩ Cách mạng thì không thể có những tình cảm uỷ mị mà phải nhận thức đúng vấn đề. Từ chuỗi liên tưởng về cuộc sống bên ngoài nhà tù sây hoa trái với hương tự do thơm ngát, nhà thơ chợt dừng lại và nhận ra rằng những suy tư trên chỉ là ảo tưởng:
Ôi! bao nhiêu ảo tưởng của hồn ngây.
Không thể đối chiếu cảnh sống trong tù với cuộc sống bên ngoài một cách đơn giản. Tù đày là mất tự do. Nhưng tự do cũng không hề có được đối với những người đang ở ngoài nhà tù:
Ở ngoài kia... biết bao thân tù hãm,
Đoạ đày trong những hố thắm không cùng!
Ở ngoài kia vẫn là nhà tù. Tác giả đã so sánh mình như con chim bị nhốt trong lồng con, còn cả dân tộc vẫn đang đắm chìm trong vòng nô lệ của thực dân như giữa một lồng to:
Tôi chiều nay giam cấm hận trong lòng
Chỉ là một giữa loài người đau khổ
Tôi chỉ một con chim bé nhỏ
Vứt trong lồng con giữa một lồng to
Nhà thơ tiếp tục biện luận, tự phê phán và tự hào với tư thế vững vàng của người chiến sĩ đang dấn thân trên con đường đầy lửa máu:
Chuyển đời quay theo tiếng gọi tự do
Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu
Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu
Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ!
Sau khi nhận thức được chân lý đấu tranh, tâm hồn của người chiến sĩ trẻ tuổi trở nên thật trong sáng:
Tôi, hôm nay, dầu xa tạm ngọn cờ
Hồn tranh đấu vẫn còn thôi thúc não!
Đầy tin yêu lạc quan:
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin
Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn.
Điệp từ “nghĩa là” dồn dập như hơi thở và nhịp đập trái tim sôi nổi của nhà thơ, thể hiện niềm say mê chiến đấu để trừ diệt kẻ thù của dân tộc, của giai cấp:
Tôi chưa chết, nghĩa là chưa hết hận
Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời
Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi
Còn trừ diệt cả một loài thú độc!
Kết thúc là một tiếng còi thôi thúc đấu tranh, thật phù hợp với suy nghĩ và cảm hứng của nhà thơ:
Có một tiếng còi xa trong gió rúc...
Tóm lại, bài Tâm tư trong tù thể hiện trung thực tâm tình của một người chiến sĩ Cách mạng trẻ tuổi: cô đơn, khao khát tự do, hoạt động bằng những tình cảm thiết tha và trong sáng. Qua đó, bài thơ thể hiện niềm say mê lí tưởng và nhiệt tình Cách mạng của người thanh niên cộng sản mang tính hồn nhiên, chân thật, đáng mến yêu.