Lâu nay, thơ văn trong và ngoài nước viết về Bác Hồ kính yêu của chúng ta nhiều không kể xiết. Các nhà thơ, nhà văn đều viết về Bác với tâm huyết và tình cảm chân thành, trang trọng nhất. Trong số thơ văn ấy, phải nhắc tới bài Viếng lăng Bác đầy xúc động của nhà thơ Viễn Phương:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão tố mưa sa đứng thẳng hàng
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Đọc ngay đoạn mở đầu, lòng em đã thấy bồi hồi trước không khí ấm áp gần gũi mà thiêng liêng thành kính của một hình ảnh vô cùng quen thuộc, đó là hàng tre:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão tố mưa sa đứng thẳng hàng.
Nói đến hàng tre bát ngát là nói đến quê hương và con người Việt Nam với biết bao đức tính cao quý và trong sáng. Nói đến hàng tre là chúng ta nghĩ ngay đến ngôi nhà thân yêu, tuổi thơ đầm ấm, lời ru của mẹ dịu dàng, ấm áp, tiếng võng đưa kẽo kẹt trưa hè dưới bóng tre làng. Hình ảnh hàng tre xanh xanh bát ngát là khúc nhạc dạo đầu để nhà thơ đưa chúng ta đến bao suy tưởng mênh mông hơn:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
Vầng trăng, trời xanh… những hình ảnh kì vỹ rộng lớn nối tiếp xuất hiện làm em không khỏi xúc đọng. Em chợt hiểu rằng nhà thơ phải kính yêu Bác đến mức nào mới sử dụng được nhuần nhuyễn hài hoà các hình ảnh ấy.

Cái nhói tim của tác giả là nỗi đau của biết bao con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác. Ước nguyện gặp Bác của tác giả giờ không thể thực hiện được. Bác mãi mãi ra đi để lại trong lòng người con miền Nam niềm thương tiếc khôn nguôi. Đứng trước lăng mà lòng con bồi hồi, xúc động, xen lẫn nỗi đau mất mát. Sự chân tình, mộc mạc của người miền Nam đã thể hiện rất rõ trong từng lời thơ.

Đứng trước hình bóng Bác, nhà thơ như không muốn quay đi. Thực tế là con phải về, mai về. Ở miền Nam xa xôi rồi con sẽ rất nhớ Bác. Chính vì thế mà tác giả muốn hoá thân thành những hình tượng gắn liền với nơi Bác đang ngon giấc, để ru cho Bác ngủ giấc ngủ ngàn thu:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm bồng hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiểu chốn này.
Ước nguyện của nhà thơ cũng là ước nguyện của mọi người dân Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam. Thương Bác, nhớ Bác nên lòng con không muốn rời xa Bác. Đó là một tình cảm thiêng liêng mà mỗi người dân Việt Nam dành cho Bác.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh hàng tre, kết thúc bài thơ cũng có hình ảnh cây tre. Phải chăng cây tre tượng trưng cho sức sống bền bỉ của dân tộc Việt Nam, cho cuộc đời đầy gian truân nhưng thật vĩ đại của Bác? Nếu ở khổ thơ đầu, từ hình ảnh thực của rặng tre bên lăng Bác nhà thơ đẩy lên thành hình ảnh tượng trưng cho cả dân tộc kiên cường bất khuất đứng quanh Người, thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của Người, thì ở câu thơ cuối, vận động của ý thơ lại theo chiều ngược lại. Từ sự mong muốn trong tâm tưởng luôn được ở bên canh Bác, nhà thơ đi đến những hình ảnh cụ thể, thể hiện ý đó, nào con chim hót quanh lăng Bác, nào đoá hoa toả hương đâu đây và cuối cùng là làm cây tre trung hiếu chốn này.

Bài thơ Viếng lăng Bác thật giàu tình cảm vì sự chân thành, tha thiết và sâu lắng của tác giả. Bài thơ tưởng kết thúc trong sự xa cách về không gian đâu ngờ lại tạo nên sự gần gũi trong tình cảm và ý chí. Người bước chân ra đi nhưng lòng ở lại. Như thế cuộc ra thăm lăng Bác của những con người miền Nam đâu có kết thúc.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)