Trong những ngày đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam sắp đến thắng lợi hoàn toàn, nhà thơ Viễn Phương được ra Bắc viếng lăng Bác. Trước khi chia tay, nhà thơ đã để lại một bài thơ bày tỏ niềm cảm xúc sâu xa, tình yêu thương vô hạn và lòng cảm phục, tôn kính của mình đối với Bác Hồ vĩ đại - người từng lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
Đoạn thơ mở đầu gợi ra cảnh tượng thiêng liêng, thành kính. Tác giả xưng”con”- đứa con bao năm xa cách nay mới được trở về đứng trước lăng mộ của vị cha già dân tộc. Cách xưng hô đó còn gợi lên một tình cảm ấm áp gần gũi- tình cảm trong gia đình. Tình cảm gần gũi ấm áp đó còn được thể hiện qua hình ảnh” hàng tre bát ngát” trong sương. Hàng tre quen thuộc biết bao. Từ bao đời nay tre vẫn được xem là bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam. Một hình ảnh thật có ý nghĩa.

Tác giả tiếp tục mạch suy tưởng khi đứng trước lăng Người:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ,
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
Mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là mặt trời của vũ trụ, của thiên nhiên. Mặt trời soi sáng tất cả thế gian. Mặt trời thượng tượng trưng cho chân lý. Dưới ánh mặt trời, mọi vật, mọi việc đều sáng rỏ. Chỉ mặt trời đỏ mới nhìn và “thấy mặt trời trong lăng rất đỏ”. “Mặt trời trong lăng” chính là hình ảnh Bác Hồ vĩ đại với trái tim rực đỏ. Trái tim ấy, mặt trời ấy mãi mãi soi sáng cho dân tộc Việt nam, mặt trời thiên nhiên, mặt trời vũ trụ được nhân hoá thể hiện niềm cảm phục của nhà thơ đối với sự nghiệp, con người, cuộc đời của Bác. Nhà thơ còn sáng tạo hình ảnh dòng người kết thành “tràng hoa” dâng bảy mươi chín mùa xuân để thể hiện tấm lòng nhân dân cả nước hướng về Bác.

Khi vào trong lăng tác giả lại tiếp tục suy tưởng:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
Với dân tộc Việt Nam, Bác Hồ không bao giờ mất, Bác vẫn sống. Nằm trong lăng chỉ là giây phút nghỉ ngơi của Bác. Bác ngủ bình yên thanh thản bới Bác đã cống hiến tất cả cuộc đời mình cho đất nước, cho dân tộc. Bác đang nằm “giữa một vầng trăng sáng dịu hiền. Đây cũng là hình ảnh ẩn dụ “vầng trăng sáng dịu hiền” chính là tấm lòng của nhân dân đối với Bác. Tác giả bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với Bác: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”. Vẫn biết Bác không bao giờ mất nhưng sự thật là sự thật! Bác đã vĩnh viễn ra đi. Cái “đau nhói trong tim” không chỉ là nỗi đau của riêng nhà thơ mà là nỗi đau của tất cả mọi người.

Tác giả chia tay Bác trong niềm cảm xúc dâng trào:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng...
Viễn Phương bộc lộ một cách thành thực ý nghĩ, tình cảm của mình đối với Bác. Đó là phong cách của đồng bào Nam Bộ: rõ ràng, dứt khoát. Đó cũng là tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác. Ước nguyện của tác giả hết sức giản dị mà sâu lắng: muốn làm con chim, muốn làm đoá hoa, muốn làm cây tre. Ước nguyện ấy thật chân thành và cảm động. Đó là sự vấn vương lưu luyến của tất cả những ai đã có dịp viếng lăng Người.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh hàng tre, kết thúc bài thơ là hình ảnh cây tre hiền lành, quen thuộc. Nhưng đây cũng là một lời hứa của tác giả trước an linh của Bác: luôn giữ mãi cốt cách, phẩm chất của người Việt Nam!

Viếng lăng Bác của Viễn Phương vừa giàu hình ảnh, vừa giàu trữ tình đằm thắm. Bài thơ đã thể hiện một cách chân thành sâu sắc tình cảm của tác giả, của đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu. Viếng lăng Bác đã được phổ nhạc trở thành một trong những bài hát được nhân dân cả nước yêu thích.