Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha.
(Tố Hữu)
Bác yêu đồng bào miền Nam vô hạn và nhân dân miền Nam yêu Bác khôn cùng. Miền Nam mong chờ Bác vào thăm nhưng nước nhà chưa thống nhất, người chưa kịp thực hiện ý nguyện vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt thì đã đi xa mãi mãi; để lại trong lòng mỗi người dân Việt Nam một nỗi nhớ thương day dứt không nguôi. Nỗi nhớ thương ấy đã thôi thúc Viễn Phương từ miền Nam ra thăm lăng Bác. Bài thơ Viếng lăng Bác đã thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của tác giả trước lăng Bác. Viễn Phương đã thay mặt đồng bào miền Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng đối với lãnh tụ – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Mở đầu bài thơ như một lời tự sự nhưng đã chứa dựng bao nhiêu cảm xúc:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.
Viễn Phương đã mang theo bao tình cảm thắm thiết của đồng bào miền Nam ra miền Bắc để viếng lăng Bác, Đến Ba Đình, nhà thơ đã nhìn thây hàng tre ẩn hiện trong làn sương mờ ảo. Khung cảnh ở đây thật thiêng liêng. Hình ảnh hàng tre bát ngát gợi lên một quang cảnh đẹp mang đậm nét làng quê. Cảnh quang ấy đã làm cho nhà thơ cảm nhận nơi đó có một linh hồn quen thuộc của quê hương đất Việt:
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Từ hàng tre cụ thể bên lăng Bác, nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh cây tre Việt Nam, liên tưởng đến sức sống dẻo dai, mãnh liệt và bản lĩnh kiên cường của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh hàng tre xanh xanh ấy đã làm tác giả biểu lộ niềm tự hào sâu sắc. Rồi hoà với dòng người tiến vào trong lăng Bác, tác giả đã càng dậy lên niềm xúc động, tự hào:
Ngày ngày Mặt Trời đi qua trên lăng
Thấy một Mặt Trời trong lăng rất đỏ.
Mặt trời đi qua trên lăng Bác là Mặt Trời của tạo hoá, thiên nhiên đang toả ra ngàn tia nắng ấm. Còn mặt trời rất đỏ trong lăng là Bác Hồ vĩ đại. Bác được ví như vầng thái dương chói lọi, sưởi ấm cho muôn loài. Mặt trời ấy là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng sáng ngời ấy như ánh mặt trời vĩnh hằng trên trái đất. Bởi vậy, Bác ra đi là sự mất mát lớn đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước, mất mát lớn đối với toàn thể dân tộc ta. Bác để lại muôn vàn nhớ thương trong tâm khảm mỗi con người:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Không chỉ có một ngày, hai ngày mà ngày ngày đều có người đến viếng lăng Bác. Dòng người như một tràng hoa với muôn ngàn sắc hương từ mọi miền đất nước dâng lên Bác. Trong khung cảnh trang nghiêm, tĩnh lặng ấy, ai cũng xúc động, thành kính và tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Cùng, với dòng người đi vào bên trong lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương không nén được xúc động trong lòng:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà xao nghe nhói ở trong tim!
Tác giả đã cho ta cảm nhận không gian và thời gian như ngưng đọng trước một hình ảnh thiêng liêng. Ta cảm nhận như Bác đang ngủ một giấc ngủ bình yên vì lí tưởng của Bác đã được thực hiện. Bác đi về cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh Bác vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Hình ảnh vầng trăng sáng dịu hiền trong bài thơ là một liền tưởng độc đáo của tác giả. Có thể liên tưởng ấy bắt nguồn từ hiện thực. Đó là ánh sáng của vầng trăng dịu nhẹ, trong trẻo chiếu xuống lăng Bác. Vầng trăng dịu ngọt ấy gợi ta nghĩ đến tâm hồn cao đẹp của Bác. Vầng trăng dịu hiền là biểu tượng về con người Bác, tấm lòng nhân ái bao la của Bác. Từ hình ảnh vầng trăng, nhà thơ lại tiếp tục liên tưởng đến trời xanh. Đó cũng là biểu tượng về Bác. Tâm hồn Bác lồng lộng như vũ trụ bao la. Công đức của Bác kì vĩ như trời cao, biển rộng. Nhìn Bác kính yêu đang yên giấc nghìn thu, nhà thơ đau xót cực độ, tiếc thương Bác đã ra đi mãi mãi không về. Tình cảm ấy đã làm cho nhà thơ lưu luyến khi phải rời xa lăng Bác:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Điệp ngữ muốn làm lặp lại ba lần đã gợi tả cảm xúc thiết tha, tình yêu nồng cháy của tác giả đối với Bác. Nhà thơ muốn làm con chim ca hát và làm đoá hoa toả ngát hương thơm để đem niềm vui đến cho Bác, muôn tỏ lòng trung hiếu để đền đáp công ơn như trời biển của Bác, muốn ở mãi nơi lăng Bác như hàng tre xanh ngát bốn mùa ở Ba Đình lịch sử.

Bài thơ Viếng lăng Bác thật giàu hình ảnh và giàu cảm xúc, có mấy ai đọc bài thơ mà không thấy rung cảm trong lòng. Giọng điệu bài thơ phù hợp với nội dung tình cảm, nhịp thơ chậm thể hiện sự trang nghiêm, lòng thành kính và cảm xúc sâu lắng. Riêng ở khổ thơ cuối với nhịp thơ nhanh hơn, phù hợp với sắc thái của niềm mong ước, khát vọng của nhà thơ.

Bằng nghệ thuật sử dụng biện pháp ẩn dụ và biểu tượng, tác giả thể hiện tình cảm chân thành của mình đối với Bác. Hình ảnh Bác không chỉ trong tâm khảm dân tộc Việt Nam mà còn trong trái tim nhân loại. Bác ra đi để lại một tấm gương sáng ngời thật cao quí, đó là “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà cả dân Việt Nam đã và đang hướng tới để hoàn thiện mình.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)