Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Thái Sơn » Chiến tranh - chín khúc tưởng niệm (2009) » Khúc thứ ba: Hoà bình chiến tranh - đàn ông & đàn bà
Đăng bởi hảo liễu vào 09/11/2015 22:47
Với nhiều người Việt từng sống
đang sống
Thế kỉ Hai mươi dài
cực dài
chỉ Thập niên Sáu mươi đã lâu như cả thế kỉ yên bình
từng trôi qua lặng lẽ
Tây Ban cầm sáu dây
cây đàn huyền diệu của văn hoá văn minh Nhân loại
không dễ độc tấu mười chương khúc của Thập kỉ Sáu mươi
ta thửa đàn mười hai dây ghép bằng sắt gang tre nứa
chỉnh đàn đến không thể căng thêm
để dây khỏi đứt tung
âm thanh không lạc
thấp hơn nửa cung cao hơn nửa nốt
năm tháng - hàng phím lõm!…
sau chín năm kháng chiến
những người lính Trung đoàn Thủ Đô, Đoàn quân Tây Tiến
tuổi ba lăm bốn mươi
sung sức giữa thời trận mạc
đủ sức đuổi giặc đến mũi Cà Mau
bịt chặt cảng Đà Nẵng, Sài Gòn
không để giặc ngoại xâm đổ bộ lên đất liền lần nữa
những đại đoàn chủ lực
Quân Tiên Phong, Chiến Thắng, Đồng Bằng…
bừng bừng nhuệ khí
hạ trại ở Đồng Lê
án binh quanh Nhật Lệ
dừng cuộc trường chinh trước Khu Phi quân sự Vĩnh Linh
những người lính từng trải im lặng nhìn nhau
đất nước phải chia đôi?
không thể hiểu
không sao hiểu nổi!
Vĩ tuyến Mười Bảy
Vĩ
tuyến
Mười
Bảy
!!!
???…
sau ba ngàn ngày chiến trận
những dàn đại bác nguội dần
vỏ đạn, xác ca nô đợi hoá thân
thành nồi đồng điếu chảo gang
trăm vạn chiến binh náo nức thay nhau nghỉ phép
bao cô gái quê xốn xang ngóng trông bộ đội về làng
mơn mởn con gái tỉnh Đông xứ Đoài đồng dâu bãi mía
vừa kịp dậy thì
những cô hàng xén hàng tấm Hải Dương,
Bắc Ninh, Nho Quan, Phủ Lý
chải mượt tóc bồng lá bún
mơ làm con dâu Cụ Hồ - vợ vệ quốc quân
từ Tây Bắc, Sầm Nưa, Mường Lát
khoác áo trường chinh về lại kinh thành
những sĩ quan không cấp bậc quân hàm
oai hùng giầy đen
áo đại cán Tôn Trung Sơn bốn túi
lọt mắt xanh tiểu thư Hàng Bạc, Đồng Xuân
chiến binh Bắc Bắc, Thủ Đô, Tu Vũ
“hành quân” ngang dọc giấc mơ thôn nữ
khăn nâu đồng tiền khăn đen mỏ quạ
Từ Sơn, Lục Ngạn, Canh Diễn, Nhật Tân…
mẹ chồng sinh thêm con út con thêm
nàng dâu hai năm ba lần vượt cạn
làng quê phố thị râm ran pháo cưới
những cô đỡ trẻ các bà mụ vườn
bao năm nhàn nhã chân tê tay dại
ngày ngóng người mời đêm chờ kẻ gọi
bây giờ tất bật đi sớm về khuya
“từ nay bom đạn hết rồi
con thuyền xuôi ngược thảnh thơi giữa dòng…”
trẻ trồng na già giồng bạch đàn
xẻ đá nung vôi đắp lò nướng gạch
“Thẻ Nhận ruộng” trường tồn cùng phim ảnh
thành báu vật trong các viện bảo tàng
- kỉ niệm một thời gửi tới mai sau (?)
ruộng mới nhận vừa chia bị gom vào hợp tác
“chiêm mùa cờ đỏ ven đê
sớm hôm tiếng trống đi về trong thôn”
chỉ vài trăm người biết:
bộ đội công binh sắp mở đường mòn dọc Trường Sơn
chỉ mấy chục người hay:
những tàu không số đã âm thầm rẽ sóng biển Đông
vạch Đường Hồ Chí Minh trên biển
cây dương cầm cũ dưới tán đại ngàn
vang lên từng chùm hợp âm kết thành giai điệu
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết những nốt nhạc mở đầu
hành khúc “Giải phóng miền Nam”
- lại có chiến tranh!
- chiến tranh sắp nổ ra!
những người làm mẹ cha
giao thừa năm ấy vẫn không ngờ cuộc chiến khốc liệt đã gần
Tết ấy với bao cuộc đời đã là Tết cuối
“cả nước lên đường
xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục”
con trai lớn nhập ngũ
bố hoãn phục viên
cỏ thao trường chưa kịp hồi sinh
lại dập nát dưới đế giày lính mới
chồng thôi làm nhà ngói
vợ bán đong thóc trữ sắn khoai
con gái vội lấy chồng
gấp gáp đẻ con trai
cả những người dân thường cũng hiểu
chiến tranh lần này dằng dai khốc liệt
vợ chồng li tán gia đình nát tan
chục triệu người Việt Nam mang thương tích suốt đời
mấy triệu người sẽ chết…