Muôn việc cho hay số bởi trời,
Chiếc thân chìm nổi[1] biết bao nơi.
Mấy hồi tên đạn ra tay thử,
Ngàn dặm non sông dạo gót chơi.
Chén rượu Tân Đình[2] chưa mãn tiệc,
Vần thơ cố quốc chẳng ra lời.
Anh hùng chí cả nam nhi phận[3],
Hễ đứng làm trai chác[4] nợ đời.


Tháng 7-1864, quân Pháp đày Thủ khoa Huân 10 năm khổ sai tại đảo Reunion, theo sử Pháp tặng ngài là “Đề đốc Huân.” Thường ngày chúa ngục cho lãnh gạo muối và chút ít tiền lương để ra ở chỗ hoang vu bên triền núi mà chăn một bầy heo, với điều kiện mất thì phải thường, và mỗi ngày phải đào bao nhiêu lỗ để trồng cây và trồng mía. Cũng được nhàn hạ, lâu lâu chúa ngục mới ra viếng một lần và kiểm điểm việc làm. Thường ngày, bọn thổ dân đến trồng tỉa gần chỗ cụ ở. Nhờ đó, cụ học được ít nhiều tiếng Mọi. Một hôm, cụ nghe chúng nói với nhau: Bên kia triền núi cũng có “thằng như vậy”, nên cụ có biểu chúng nó rủ “thằng như vậy” qua chơi. Ngày qua tháng lại, nhằm lúc tối trời, Đề đốc Huân thung dung ngồi hút thuốc bên đống lửa. Bỗng có tiếng động đất. Rồi bỗng có tiếng hỏi: “Phải người Việt Nam đó không?” Như cơn trong mộng! Cụ Thủ khoa đáp mau: “Phải! Phải!” Một người từ ngoài a vào, hai người ôm choàng với nhau rơi lệ! Biết ra thì người kia cũng vì can án cách mạng đến đây cũng đã nhiều năm rồi. Cụ Thủ khoa liền hạ một con heo, với hũ rượu của ông bạn đem qua, anh em cùng nhau chén thù chén tạc cho phỉ tình thương mến với bạn cố hương, và làm bài thơ này.

Bài thơ này có bản chép tiêu đề là Nợ nước, Đi đày, hoặc Cảm xúc tự thuật.


Chú thích:
[1]
Có bản chép là “hồ hải”.
[2]
Thời Tấn, quân Hồ xâm lấn phía bắc Trung Quốc, triều đình phải dời đô về phương Nam. Những sĩ phu đi theo thường hợp nhau ở Tân Đình (đình này nay thuộc huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Đông) uống rượu bàn chuyện thời cuộc rồi cùng than thở.
[3]
Có bản chép là “Cương thường bởi biết nên mang nặng”.
[4]
Chuốc lấy, gánh lấy. Có bản chép là “trả”.


[Thông tin 5 nguồn tham khảo đã được ẩn]