Thơ » Việt Nam » Nguyễn » Nguyễn Du » Thanh Hiên thi tập » Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804)
西湖花苑盡成墟,
獨吊窗前一紙書。
脂粉有神憐死後,
文章無命累焚餘。
古今恨事天難問,
風韻奇冤我自居。
不知三百餘年後,
天下何人泣素如。
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang,
Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ mà thôi.
Son phấn có linh hồn chắc phải xót chuyện xảy ra sau khi chết,
Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên luỵ, đốt đi còn sót lại một vài bài.
Mối hận cổ kim, thật khó mà hỏi ông trời,
Ta tự coi như người cùng một hội, một thuyền với nàng là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng.
Chẳng biết ba trăm năm sau nữa,
Thiên hạ có ai khóc Tố Như ta?
Trang trong tổng số 5 trang (47 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối
Gửi bởi Vanachi ngày 11/06/2005 17:40
Có 5 người thích
Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Gửi bởi Vanachi ngày 11/06/2005 17:41
Có 4 người thích
Hồ Tây hoa kiểng: dải gò hoang,
Cửa hé trang thư chạnh điếu nàng.
Hận luống vương thêm hồn phấn đại,
Tro chưa tàn hết luỵ văn chương.
Thanh thương khó hỏi oan chồng chất,
Phong nhã đành chung nợ vấn vương.
Rồi Tố Như, sau ba kỷ nữa,
Trần gian ai kẻ sụt sùi thương?
Gửi bởi Vanachi ngày 11/06/2005 17:41
Có 3 người thích
Tây hồ hoa cảnh thảy thành hoang,
Trước cửa tờ thư khóc điếu nàng.
Son phấn có hồn chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn mang.
Sầu hận xưa nay trời khó hỏi,
Nỗi oan phong nhã khách còn vương.
Ba trăm năm nữa trong thiên hạ,
Thiên hạ còn ai khóc Tố Như?
Gửi bởi Vanachi ngày 11/06/2005 17:42
Có 5 người thích
Nguyễn Du để lại ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Theo gia phả biết được tên ba tập sách. Nhưng các bài cụ thể cho đến giữa thế kỷ XX vẫn tản mát và chép lẫn lộn hoặc gộp chung vào một cuốn. Ở nhà cụ Nguyễn Mai, cháu xa Nguyễn Du, có được mấy chục bài. Vua Tự Đức cũng từng sai thu thập. Ông Đào Duy Anh từ trước năm 1945 có lẽ là người tìm được nhiều nhất (131 bài) mà theo nội dung thì là các bài từ cả ba tập thơ trên. Tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, 1959) do các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh dựa vào cuốn Thanh Hiên thi tập lưu ở Vụ Bảo tồn bảo tàng, chọn dịch 102 bài trong số 126 bài (74 bài của Thanh Hiên, 6 bài của NTTN, 46 bài của BHTL). Các cụ sắp xếp thành ba phần theo ba chặng viết của Nguyễn Du: Chặng Lê mạt, chặng làm quan triều Nguyễn, chặng đi sứ Trung Quốc. Bài Độc Tiểu Thanh ký này xếp ở phần đầu chặng đi sứ.
Cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du do các cụ Lê Thước, Trương Chính chủ trì biên soạn với sự tham gia của nhiều người (NXB Văn học, 1965) có 249 bài. Đây là lần đầu tiên thơ chữ Hán của Nguyễn Du được công bố nhiều nhất, được tìm hiểu xuất xứ và chú giải kỹ nhất. Bài Độc Tiểu Thanh ký được các soạn giả phát hiện: “bài này không phải làm khi nhà thơ đi qua mộ Tiểu Thanh, mà khi còn ở nhà” (trích “Lời giới thiệu” của Trương Chính). Bài thơ không xếp vào phần thơ đi sứ mà giữ trong tập THTT, ở phần “Làm quan ở Bắc Hà 1802-1804”. Bản dịch (cả dịch nghĩa và dịch thơ) được chọn dạy cho học sinh trung học, in trong sách giáo khoa lớp X, tập I, là của Vũ Tam Tập, rút từ Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, 1965). Tôi xin được dựa vào nguyên bản chữ Hán của Nguyễn Du, có tham khảo các bản dịch khác và xin được bàn luận về cách hiểu nghĩa và diễn thơ của Vũ Tam Tập.
Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư“Vườn hoa đẹp Tây hồ đã thành bãi hoang”. Đây là Tây hồ của Hàng Châu, Trung Quốc. Câu thơ mở bài nói một đổi thay tàn tạ, nhưng không phải chỉ để gợi cảm khái chung chung, mà gắn với một địa danh cụ thể, Tây hồ. Tiểu Thanh, đời nhà Minh tài sắc, nhưng phải làm lẽ, bị vợ cả hành hạ. Tây hồ là nơi nàng bị người vợ cả ép sống đơn lẻ ở đây đến phải chết buồn năm 18 tuổi. Bài thơ mang giọng Nguyễn Du tâm sự với Tiểu Thanh:
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Trước cửa sổ (ta) đọc cuốn sách, viếng nàng.Cuốn sách ấy là cuốn Ghi chép về cuộc đời Tiểu Thanh (Tiểu Thanh ký). Trong đó tôi đoán có chép lại 12 bài thơ còn sót lại khi tập thơ mang tâm sự bị người vợ cả đem đốt. Nguyễn Du đọc đời nàng, xem thơ nàng và xót thương thân phận nàng, chính là một hành động phúng điếu.
Chi phấn hữu thần liên tử hậuTôi trích hai câu liền vì hai câu đối ý quấn quýt tạo nên một mạch cảm xúc. Nhưng chuyển sang tiếng Việt xin được xét từng câu. Câu thứ ba, bản dịch nghĩa của Vũ Tam Tập in trong sách giáo khoa:
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết,Thơ chữ Hán thường nén chữ lại, phá vỡ kết cấu văn phạm thông thường, nên người đọc có thể hiểu theo nhiều cách. Riêng trong câu này ba chữ “liên tử hậu” (liên: thương; tử hậu: sau khi chết). Vũ Tam Tập chắc đã căn cứ theo tiểu sử Tiểu Thanh mà luận ra, bằng cách coi chủ từ của “thương” là hồn vía Tiểu Thanh. Và “sau khi chết” thì phải hiểu là “mọi việc xảy ra sau khi Tiểu Thanh chết”, ở đây ám chỉ việc người vợ cả đốt những bài thơ của nàng. Cách hiểu này có lý, tuy lập luận có lấn hơi nhiều ra ngoài chữ nghĩa của câu thơ. Nhưng điều đáng nói là hiểu như thế ý thơ bị hẹp lại, tình cảm cũng mất đi vẻ trữ tình thế sự, chuyển thành một thứ thơ kể chuyện đời Tiểu Thanh bằng phẳng, nhạt và bị rời khỏi tư thế trí tuệ của bài thơ.
Văn chương không mệnh mà mang luỵ cả lúc đã thành tro.
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở.Câu này dịch thế e mất ý. Mất chữ “luỵ”, vốn là nhãn tự của câu, nó ăn với chữ “liên” ở câu trên. Và cứ trong nghĩa câu dịch này mà hiểu thì hơi văn lại hoá ngô nghê: “Văn chương không có số mệnh... mà cũng bị đốt dở!”. Thế nghĩa là nó đáng phải được đốt cháy cho bằng hết(!). Câu thơ này gây hiểu lầm cũng ở ba chữ cuối “luỵ” (gây khó) “phần” (đốt) “dư” (còn lại). “Luỵ” cho đến cả phần “còn lại sau khi đốt” (luỵ cho tác giả) hay “phần còn lại sau khi đốt” còn đủ sức gây bận lòng người (luỵ cho độc giả)? Cả hai cách hiểu đều có lý và không mâu thuẫn. Người sau khi chết vẫn gây thương và thơ còn sót sau khi cháy vẫn gây khắc khoải (luỵ) cho người đời. Chính Nguyễn Du đang thể nghiệm cái mối luỵ ấy khi đọc bài ký về Tiểu Thanh. Bản dịch của Thảo Phương, trong Đọc và dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, 2007), câu này chuyển ngữ là: “Luỵ đến tàn tro, hỡi phú thơ!” thì mối luỵ đứng giữa độc giả và tác giả. Còn mối luỵ ám vào tác giả: Văn chương vô mệnh, nó không như người, không là sinh linh, chỉ là chữ trên giấy, mà đã mang đốt đi, thành tro rồi, vẫn còn để luỵ cho người viết ra nó. Cái “luỵ” ấy đủ mạnh để cân với sức nặng của chữ “thương” ở câu trên (thương người thương sang cả cõi ma). “Luỵ, đến tàn tro còn gây luỵ”... Đây cũng là một chiêm nghiệm phổ biến của giới chữ nghĩa. Cái luỵ văn chương xưa nay nhiều lắm. Nguyễn Du hẳn biết nhiều những “ngục văn tự” của tiền nhân. Và trong đời chắc hẳn chính ông cũng nhiều phen nghe lạnh sống lưng. Ấy là chưa kể đời sau, ông “con giời” Tự Đức đọc đến câu Kiều “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” còn muốn nọc Nguyễn Du ra đánh trăm trượng nữa kia. Có bất ngờ chăng là cái luỵ ấy lại rơi vào thân phận một cô gái làm lẽ tội nghiệp, văn chương rất nghiệp dư này. Cái nỗi hận ấy của Tiểu Thanh, mà nào có riêng Tiểu Thanh, Nguyễn Du từng chứng kiến bao oán hận khi Gia Long trả thù Tây Sơn: hành hình người sống, bật mồ người chết, rồi đốt xoá đục đẽo bằng hết mọi văn tự có dính dáng đến Tây Sơn... Oán hận ngút trời! “Cổ kim hận sự thiên nan vấn”. Cái nỗi hận xưa có, nay cũng có ấy, có ngửa mặt kêu trời mà hỏi, trời cũng bất lực, vô phương: “thiên nan vấn”. Nguyễn Du ý thức được đấy là chỗ bế tắc của đời. Và ngay câu sau đó, ông ý thức phận mình: “phong vận kỳ oan ngã tự cư”: phận ông cũng đã ở sẵn trong khối oan khiên ấy. “Ngã tự cư”: ta đã ở đấy rồi. Đấy là niềm bi phẫn hay nỗi yếm thế của Nguyễn Du? Chắc cả hai. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, cái chữ “tự” này sao nhiều phen bi thiết: “Nhân tự bi thê, thảo tự thanh” (người tự buồn thương, cỏ tự xanh) xanh là bản tính của cỏ, bản tính của người lại là buồn thương ư! Cái chất tâm hồn Nguyễn Du như thế, nên mới vừa chạm đến thân phận Tiểu Thanh, ông đã trùng điệp nỗi mình, dẫn đến câu kết như một di chúc, một câu hỏi cực thân hỏi vào hậu thế:
Bất tri tam bách dư niên hậuBốn câu cuối bài thơ, bản dịch Vũ Tam Tập đã hoàn hảo cả tình cả ý. Và bài Độc Tiểu Thanh ký này đã là một chìa khoá giúp ta mở vào nỗi lòng Nguyễn Du.
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Thiên hạ ai người khóc Tố Như)
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi Vanachi ngày 11/06/2005 17:42
Có 1 người thích
Tây hồ hoa uyển: đống gò hư!
Mảnh giấy bên song khóc người xưa.
Son phấn có thần, thương vẫn mất,
Văn chương không mệnh, xót tàn dự.
Xưa nay hận sự trời khôn hỏi,
Phong vận niềm oan khách tự mua.
Chẳng hiểu rồi ba trăm năm nữa,
Thiên hạ còn ai khóc Tố Như ?
Gửi bởi Vanachi ngày 11/06/2005 17:49
Có 4 người thích
Thiên hạ biết đến hai câu cuối:
Bất tri tam bách dư niên hậu,không biết mấy ai có dịp đọc hết cả bài thơ.
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Gửi bởi Vanachi ngày 31/03/2007 20:44
Có 2 người thích
Vườn cũ Tây Hồ mai xác xơ,
Viếng ai, song vắng một vần thơ.
Phấn son đất lấp thương còn để
Bút mực tro tàn luỵ vẫn lưa.
Việc lỡ xưa nay trời khó hỏi.
Niềm oan phong vận tớ còn vơ!
Ba trăm năm nữa người thiên hạ,
Chả biết còn ai khóc Tố Như?
Gửi bởi Vanachi ngày 31/03/2007 21:05
Có 1 người thích
Cảm ơn Mr. Hà Văn Trọng đã chia xẻ tâm sự và có lời khen tặng bài viết của tôi về bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký" của Nguyễn Du. Tôi xin thưa lại rằng: không còn tồn nghi gì nữa, bài thơ này có đử tám câu đúng như Lăng Già Nguyệt đã post lên mạng. Các nghi vấn mà Hà Vũ Trọng đã nêu ra trên đây hoàn toàn là có thật, nhưng có thể coi là đã giải quyết xong kể từ khi tập "Thơ chữ Hán Nguyễn Du" (Nxb. Văn học - Hà Nội) ra đời. Tôi chỉ có trong tay bản in lần thứ 2 (1978) của tập thơ này. Không thể nói tập thơ đã có đủ toàn bộ thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhưng đó là tập hợp đầy đủ nhất mà sau đó chưa thấy một tập thơ nào khác có thêm được cái gì mới. Các thông tin đủ để giải quyết tồn nghi nói trên có thể tìm được trong tập thơ này, tuy nhiên chúng không tập trung vào một chỗ, nhằm giải đáp vấn đề chúng ta đang bàn. Tôi xin thuật lại theo sự lĩnh hội của mình.
Việc thu thập, hiệu đính và dịch ra quốc âm, quốc ngữ các trước tác của Nguyễn Du chủ yếu được tiến hành tập trung từ đầu thế kỷ XX. Trước hết, các học giả tìm đến các thư viện, kho lưu trữ, gia phả và những người dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Tiếc thay, ở thư viện Viễn Đông bác cổ chỉ còn một tập thơ "Bắc hành tạp lục" và bây giờ thì ta biết, trong đó không có bài thơ về nàng Tiểu Thanh rồi, mặc dù xét về đề tài thì nó có thể thuộc loại thơ vịnh Bắc sử như rất nhiều bài thơ đi sứ khác của Nguyễn Du. Trong thư viện này, cũng còn lưu giữ được tên một tập thơ khác của Nguyễn Du, đó là "Nam trung tạp ngâm", nhưng chính tập thơ thì đã mất lúc nào không rõ. Tình hình sưu tầm tại nhà Nguyễn Du cũng gặp khó khăn. Khi biên soạn cuốn "Truyện cụ Nguyễn Du" (xuất bản năm 1924), Lê Thước và Phan Sĩ Bàng được biết, theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền thì Nguyễn Du để lại 3 tập thơ chữ Hán: "Thanh Hiên tiền hậu tập", "Nam trung tạp ngâm" và "Bắc hành tạp lục". Lúc đó, ông nghè Nguyễn Mai, cháu họ xa của Nguyễn Du nhưng là người gần nhất còn lại ở quê, có đủ cả bộ. Năm 1923, cụ Lê Thước đã mượn và sao chép lại, nhưng trong đó có lẽ không có bài "Độc Tiểu Thanh ký" hoặc nếu có thì chỉ còn sáu câu như Hà Văn Trọng đã nói và giới thiệu bản dịch của Vân Trình ở trên. Bởi vì, những ai đã tiếp xúc với bản "Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền" đều phải được biết rằng trong ấy ghi: trước khi mất, Nguyễn Du đã "khẩu chiếm" (kêu than lúc trăng trối) bằng hai câu thơ mà bây giờ là hai câu cuối của "Độc Tiểu Thanh ký"! Chính Lê Thước và Phan Sĩ Bàng công bố chi tiết "khẩu chiếm" nói trên và có trong tay đầy đủ cả bộ ba tập thơ (mà sau đó cũng chỉ cho ra mắt lẻ tẻ) thì dù bài thơ không có tiêu đề, chỉ cần có 6 câu thơ trên thôi, cũng không sớm thì muộn phải được ghép thử 2 phần thơ lại với nhau và có ý kiến khác với thuyết "khẩu chiếm" rồi. Tạp chí Nam Phong số 161, năm 1931, phần chữ Hán, có đăng "Tiên-điền Nguyễn Du di trước" nhưng chỉ có 13 bài thơ, trong đó không có "Độc Tiểu Thanh ký": thuyết "khẩu chiếm" vẫn ngự trị dư luận. Phải đến chục năm sau, khoảng năm 1940 - 1941, ông Đào Duy Anh mới tìm về họ Nguyễn Tiên Điền và lúc này được biết, ông nghè Nguyễn Mai chỉ còn giữ được một tập thơ khác với "Gia phả" và nhóm Lê Thước đã cho biết, mang tên "Nguyễn gia phong vận tập", trong đó có chép được mấy chục bài thơ của Nguyễn Du (cùng với thơ của nhiều người khác trong họ về đời trước và cùng thời). Trong số này, không thể có bài "Độc Tiểu Thanh ký" 6 câu bởi vì các bài thơ đều phải hoàn chỉnh theo yêu cầu của tuyển thơ dòng họ và, nếu có nguyên bài thì người ta phải xem lại thuyết "khẩu chiếm". Lý do ông Nguyễn Mai không còn trong tay bộ 3 tập thơ Nguyễn Du thật đơn giản: "vua Tự Đức có lệnh cho quan tỉnh Nghệ An đương thời thu thập tất cả di cảo của Nguyễn Du để xem" (Đào Duy Anh). Cụ Nguyễn Đình Ngân, cựu giám đốc Văn hoá viện ở Huế có cho biết là đã từng được xem tập di cảo thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhưng từ năm 1946 thì tổ chức cách mạng không mang đi theo kháng chiến được. Bây giờ nước nhà đã thống nhất, nếu chưa tìm ra được tập di cảo này, thật là tiếc (vì đó là chính bản). Ngay sau đó, ông Đào Duy Anh may được một người bạn ở Vinh cho mượn một tập thơ đề là "Thanh Hiên thi tập" gồm 131 bài, trong đó có chép lẫn 55 bài thuộc "Bắc hành tạp lục", còn thơ trong "Nam trung tạp ngâm" thì vẫn vắng bóng. Trong tập thơ này, có bài "Độc Tiểu Thanh ký". Theo ông Đào Duy Anh nói với chính tôi vào dịp tết năm 1973 (khi đó tôi là sinh viên khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà ở lô B5 Khu tập thể Kim Liên Hà Nội, đến chúc tết ông Đào Duy Anh ở B6; con đường chạy qua trước nhà tôi khi ấy, bây giờ được đặt tên ông): Khi đọc đến hai câu cuối của bài thơ đó, ông giật mình, nhớ ngay tới hai câu thơ "khẩu chiếm" . Và sau đó, ông đã có lời đính chính lại trong thời gian trước 1945, rằng hai câu thơ đó là trong bài "Độc Tiểu Thanh ký" chứ không phải là hai câu thơ tuyệt mệnh cùa Nguyễn Du, và rằng trong "gia phả" còn thêm một lầm lẫn lớn nữa là ghi Nguyễn Du có soạn bộ "Lê Quý kỷ sự" nhưng cũng chính ông (Đào Duy Anh) đã phát hiện ra và đính chính rằng đó là của Nguyễn Thu, một sử thần đời Tự Đức. Sau này tôi mới biết cụ thể là ông Đào Duy Anh có đính chính hai trường hợp trên thật, nhưng ở hai dịp khác nhau, một vào năm 1942 và một và năm 1959 (xem "Khảo luận về Truyện Thuý Kiều", Nxb. Văn hoá, H-1959). Như vậy là thuyết "khẩu chiếm" không còn đứng vững kể từ khi có bài "trần thuyết" cho tập "Nguyễn Du văn hoạ phổ" (xuất bản năm 1942) của Đào Duy Anh đọc tại Ban nghiên cứu của Hội Quảng Trị ở Huế cùng năm 1942, sau được đưa vào phần phụ lục của cuốn "Khảo luận" (1959) nói trên, đội tiêu đề "Thi tập của Nguyễn Du". Cùng năm 1959, nhà xuất bản Văn hoá cho xuất bản tập "Thơ chữ Hán Nguyễn Du", lấy cơ sở là bộ "Thanh Hiên thi tập" vốn là của thư viện họ Cao Xuân, Nghệ An. (Nhà của cha con ông Cao Xuân Huy-Cao Xuân Hạo và nhà ông Đào Duy Anh hồi ấy ở Hà Nội cùng ở B6 nói trên, cách nhau vài bước chân nhưng có thể họ đều không rõ và không trực tiếp tham gia lần xuất bản này vì bộ sách này đã thuộc Vụ bảo tồn bảo tàng (Bộ Văn hoá) quản lý và toàn quyền tổ chức xuất bản). Trong lần xuất bản lần thứ nhất này dưới chính thể miền Bắc, đã có bài "Độc Tiểu Thanh ký" gồm 8 câu như ta đã biết. Còn trong bản do nhà xuất bản Văn học tôi giới thiệu ở trên (do Lê Thước và Trương Chính chủ biên), tất nhiên là phải có.
Tóm lại là, bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký", do từ các nguồn khác nhau, ở những thời gian khác nhau thống nhất lại, cho thấy nó gồm 8 câu trong đó có câu cưối Nguyễn Du dùng tên tự Tố Như của mình. Bài thơ không phải được sáng tác trên đường đi sứ Trung Hoa, mà trong thời gian Nguyễn Du làm quan ở Huế. Chính Nguyễn Du là người đã sáng tác và đã "gắn" 2 câu thơ gan ruột của mình vào sau 6 câu mà lúc đầu có thể người ta sưu tầm chỉ được có vậy. Bài thơ luôn luôn nằm trong "Thanh Hiên hậu tập". Việc câu 8 thất niêm với câu 1, ngoài "thuyết ngủ gật" đã nói ở trên, còn có thể giải thích bằng "thuyết trục trặc kỹ thật". Do lối sáng tác thơ thất ngôn bát cú thường theo liên (từng cặp đề- thực- luận- kết), người ta có thể nghiền ngẫm trong đầu từng liên một, trong những thời điểm khác nhau. Riêng câu 8, do có tên Tố Như, không thể lựa chọn một khả năng thay thế từ nào khác, nên Nguyễn Du mê mải đưa vào mà quên chú ý tới niêm. Cuối cùng là cụm từ "tam bách dư niên". Chỗ này cho thấy Nguyễn Du không có thói quen tư duy chính xác kiểu toán học. Cụ là nhà thơ của thời không có khoa học tự nhiên, mà lại làm thơ tự tâm sự là chính. Ngay cả bây giờ, chúng ta mà không có đủ tài liệu tra cứu đầy đủ, cứ phỏng chừng (trong khi viết nháp, viết cho mình) thì còn lầm lẫn nhiều lần hơn là cái chắc! Riêng tôi vẫn mong Nguyễn Du "khẩu chiếm" lúc lâm chung bằng hai câu thơ nói trên để cho nó thành thơ tuyệt mệnh. Thời khắc này được "Đại Nam chính biên liệt truyện" chép rằng: "Đến khi ốm nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói với ông lạnh rồi, ông nói "được" rồi mất, không trối lại một lời".
Gửi bởi Vanachi ngày 31/03/2007 21:06
Có 1 người thích
Bài Độc Tiểu Thanh ký được dịch và in bằng chữ quốc ngữ khá sớm (1), nhưng phải đợi đến khi soạn giả sách giáo khoa đưa vào Văn 10 (2) thì giới nghiên cứu mới thực sự chú ý tới và tạo thành cuộc tranh luận khá sôi nổi, kéo dài ngót 5 năm, sau đấy tạm lắng xuống và cho tới nay vẫn còn nhiều điều cần bàn, nhất là những vấn đề về tư liệu và hướng nghiên cứu. Đấy cũng là mục đích của bài viết này.
Có lẽ người đầu tiên châm ngòi cho cuộc tranh luận bài Độc Tiểu Thanh ký là Ts. Nguyễn Danh Đạt. Ông cho rằng, bản dịch nghĩa và dịch thơ bài Độc Tiểu Thanh ký in trong Văn 10 “là chưa ổn” (3) và đưa ra cách dịch mới của mình. Chủ biên Văn 10 - GS. Nguyễn Đình Chú trả lời. Theo Giáo sư, muốn dịch một cách chính xác bài thơ, phải hiểu đúng hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và nguyên nhân dẫn đến cách hiểu khác nhau “là do hiểu về hoàn cảnh sáng tác bài thơ khác nhau” (4). Trên cơ sở định hướng đó, Giáo sư khẳng định: Bài Độc Tiểu Thanh ký được viết khi Nguyễn Du còn ở nhà chưa đi sứ. Tiếp theo, các học giả Trần Đình Sử, Đào Thái Tôn, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Phi... lần lượt viết bài trao đổi. Để trình bày cách hiểu nội dung bài thơ, trong trao đổi, các vị đi theo hai hướng:
Một là, xác định thời điểm ra đời bài Độc Tiểu Thanh ký.
Hai là, truy tìm tư liệu liên quan tới Tiểu Thanh.
Về thời điểm bài thơ ra đời, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận ngược chiều nhau. Một số tán thành ý kiến của các cụ Bùi Kỉ, Đào Duy Anh... trước đây; cho rằng Độc Tiểu Thanh ký được viết vào thời kì Nguyễn Du đi sứ Trung Hoa như Nguyễn Danh Đạt, Trần Đình Sử (5)... Số khác chẳng hạn Nguyễn Lộc, Nguyễn Đình Chú... thì đồng tình với Trương Chính: Độc Tiểu Thanh kí “không phải làm khi nhà thơ đi qua mộ Tiểu Thanh ở Hàng Châu, mà làm khi còn ở nhà” (6). Mỗi người đều đưa ra lí lẽ của mình và lí lẽ nào cũng có sức thuyết phục riêng. Tuy vậy, cũng có người muốn dung hoà rằng, “có thể Nguyễn Du đã viết bài thơ này trong thời kì đi sứ” (7).
Hướng truy tìm tư liệu về Tiểu Thanh, gồm Nguyễn Quảng Tuân, Trần Đình Sử, Nguyễn khắc Phi... Các ông đã lần lượt công bố Tiểu Thanh truyện trong thư tịch cổ Trung Hoa như Nữ liêu trai chí dị (8), Ngu sơ tân chí (9), Tình sử (10). Tuy nhiên, các ông mới tìm thấy Tiểu Thanh truyện. Thế thì, có cái gọi là Tiểu Thanh ký không? Hoặc giả, Tiểu Thanh ký là Tiểu Thanh truyện như có nhà nghiên cứu đã phỏng đoán?
Để giải quyết những vấn đề trên, chúng tôi nghĩ, trước hết cần biết Tiểu Thanh là ai; sau nữa phải truy tìm những tư liệu viết về Tiểu Thanh có liên quan đến các câu thơ Nguyễn Du. Những tư liệu tìm được sẽ cho ta lời giải đáp.
Bây giờ xin lần lượt trình bày từng vấn đề theo tư liệu chúng tôi đã có.
I/ Tam bách dư niên
1. Để tìm ẩn số 300 năm, vấn đề đầu tiên cần biết: Tiểu Thanh là ai?
Nói chung, trong các thư tịch của mình, người Trung Hoa viết về Tiểu Thanh khá thống nhất. Chỉ có điều, họ chưa thật nhất trí trong việc, nên xếp Tiểu Thanh theo họ hay theo tên trong từ điển. Chẳng hạn, cùng một bộ Từ hải nhưng sách do Trung Hoa thư cục xuất bản thì xếp Tiểu Thanh vào từ mục “Tiểu Thanh”, tra chữ tiểu [?] 3 nét; còn sách do Thượng Hải từ thư xã xuất bản lại đặt vào từ mục “Phùng Tiểu Thanh”, tra chữ phùng [?] 12 nét. Lấy chữ “Phùng” hay chữ “Tiểu” làm đầu mục từ, đều thể hiện quan điểm về phụ nữ của các soạn giả. Khi tôn trọng ai đó, người Trung Hoa thường dùng họ để gọi, khi bình thường thì chỉ gọi tên là đủ. Vì lẽ đó, cuốn từ điển do Thượng Hải từ thư xã in năm 1989, các soạn giả lấy chữ “Phùng” làm đầu mục từ để tra. Bởi không lưu ý tới đặc điểm này nên, khi tra “Tiểu” trong từ mục “Tiểu Thanh” ở Từ hải của Thượng Hải từ thư xã không thấy, có nhà nghiên cứu đã hốt hoảng thốt lên rằng khi tái bản, “cuốn Từ hải mới (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, Thượng Hải, 1989) mục “Tiểu Thanh” đã bị lược bỏ” (11). Thực ra, họ đâu có “lược bỏ”! Chỉ tại, sách thì lấy tên, sách thì dùng họ làm đầu mục cho từ điển mà thôi.
Về cuộc đời Phùng Tiểu Thanh, thoạt đọc, ta cũng thấy hiện tượng dường như mâu thuẫn. Chẳng hạn, Trung Hoa thư cục ghi, Tiểu Thanh là “tên người con gái ở Giang Đô, thời Minh... giỏi thơ từ, biết âm luật. Bởi vợ cả không dung, dời đến ở nhà riêng tại Cô Sơn; có người bà con là Dương phu nhân thương xót, nói bóng gió khuyên đi lấy chồng khác nhưng không nghe, buồn đau thành bệnh; sai hoạ sư vẽ ảnh mình, tự tế rồi chết, năm chỉ mới 18 tuổi; chôn ở Cô Sơn, Tây Hồ. Có người họ hàng thu thập thơ từ của nàng, khắc in thành Phần dư cảo. Vở tạp kịch Xuân ba ảnh của Từ Hối thời Minh là lấy từ câu chuyện về Tiểu Thanh mà phổ ra” (12). Thượng Hải từ thư xã lại viết: Phùng Tiểu Thanh là “nhân vật trong truyện văn học. Tương truyền, nhà ở Dương Châu, giỏi thơ, tài hoạ. Năm 16 tuổi lấy con trai họ Phùng làm thiếp. Bị người vợ cả ghen tuông, đưa ra an trí tại Phật Xá, Cô Sơn do một ni cô cai quản, tinh thần đau khổ, uất ức mà chết. Vở kịch truyền kì Liệu đố canh của Ngô Bính thời Minh đã lấy sự kiện này làm đề tài” (13). Tuy viết có vẻ khác nhau như vậy, nhưng thực ra, họ đâu có mâu thuẫn. Chỉ vì, Trung Hoa thư cục dựa vào cuộc đời thực của Tiểu Thanh để biên soạn, còn Thượng Hải từ thư xã lại dựa vào tác phẩm văn học để viết về Tiểu Thanh. Ngay cả thời điểm Tiểu Thanh sống, họ viết cũng có vẻ khác nhau, song thực chất vẫn thống nhất. Chẳng hạn, Từ hải nói, Tiểu Thanh người thời Minh; Từ nguyên bản in năm 1988 bảo người thời Minh Mạt; còn Từ nguyên bản in năm 1938 và Trung Quốc nhân danh đại từ điển lại viết, nàng người thời Thanh Sơ... Bảo Tiểu Thanh người thời Minh, thời Minh Mạt hoặc Thanh Sơ đều đúng cả, vì mỗi sách lấy từ một nguồn khác nhau. Hơn nữa, trong văn chương, người viết thường dùng con số ước lượng.
2. Liên quan đến Tiểu Thanh là ai, có vấn đề mộ Tiểu Thanh
Về mộ Tiểu Thanh thì, 3 trong 5 bộ từ điển là Từ nguyên (bản in năm 1938 và năm 1988) và Trung Quốc nhân danh đại từ điển đều khẳng định: Nay ở Cô Sơn, Tây Hồ có mộ Tiểu Thanh. Trong ba tư liệu trên, đáng chú ý nhất vẫn là Trung Quốc nhân danh đại từ điển, một loại sách công cụ chỉ dẫn tên người Trung Hoa có thật, đã thừa nhận: “nay ở Cô Sơn Tây Hồ Hàng Châu có mộ Tiểu Thanh”.
Vậy, hiện nay ở Cô Sơn, Tây Hồ có mộ Tiểu Thanh không? Rất may là, gần đây trên một trang web của mạng Dương Châu (Trung Hoa), mục Dương Châu mĩ nữ (năm 2004) có đưa tin về Tiểu Thanh và hai bức ảnh: mộ Tiểu Thanh (ảnh này cách đây hơn 70 năm, Phan Quang Đán cũng đã công bố (14)) và ảnh màu cảnh Cô Sơn bên hồ Tây Tử. Nhấn mạnh vấn đề này, chúng tôi không nhằm mục đích khẳng định hoặc phủ định Tiểu Thanh là người có thật hay không có thật. Chỉ biết, Nguyễn Du viết bài Độc Tiểu Thanh ký và người Trung Hoa có ảnh mộ Tiểu Thanh. Vấn đề chúng ta cần là thời điểm Tiểu Thanh hiện diện trên đời vì liên quan tới câu “tam bách dư niên” trong thơ của Nguyễn Du.
Thực ra, vấn đề Phùng Tiểu Thanh diễn ra tương tự hiện tượng Vương Thuý Kiều. Thoạt đầu, nàng là người có thật, sau đấy, các văn nhân tài sĩ đua nhau tiểu thuyết hoá để thành các câu chuyện khác nhau.
3. Thời điểm Tiểu Thanh hiện diện trên thế gian này
Có lẽ do mới tìm thấy Tiểu Thanh truyện, nên chúng ta lúng túng khi lí giải thời gian hơn 300 năm. Tính từ bao giờ để đến Nguyễn Du (1765-1820) được 300 năm? Ngu sơ tân chí thì nói, Tiểu Thanh mất năm Nhâm Tí niên hiệu Vạn Lịch 1612. Xin lưu ý, chỉ có sách Ngu sơ tân chí nói thời điểm Tiểu Thanh qua đời, các tài liệu khác như Tình sử, Nữ liêu trai chí dị và một số tài liệu chúng tôi mới sưu tầm không đề cập tới vấn đề này. Dù tính toán bằng cách nào thì, từ năm Tiểu Thanh mất (theo Ngu sơ tân chí) 1612, hoặc năm Tiểu Thanh sinh 1595 đến thời điểm Nguyễn Du ra đời 1765, hoặc Nguyễn Du đi sứ 1813, thậm chí tới lúc Nguyễn Du mất 1820 cũng chỉ được 225 năm (1820 – 1595 = 225) huống chi lại “hơn 300 năm”! Song, tài liệu Dương Châu mĩ nữ sẽ giúp ta giải đáp phần nào nghi vấn này.
Để giới thiệu các mĩ nữ nổi tiếng thời Minh của Trung Hoa, trong mục “Bi kịch thảm thương của Phùng Tiểu Thanh - đại diện cho các cô gái đẹp ở Dương Châu” địa chỉ www.yzmn.cn, tác giả viết: “Bên Tây Hồ ở Hàng Châu có hai ngôi mộ mĩ nhân thường khiến du khách phải buồn đau than thở. Thứ nhất là ngôi mộ cô đơn của Tô Tiểu Tiểu, một thi sĩ - danh kĩ nổi tiếng thời Nam Tề (15), nằm tại bờ tây Lãnh Kiều; ngôi thứ hai là mộ Phùng Tiểu Thanh, một oán nữ thời Minh Sơ, nằm yên tĩnh đã lâu trong khu rừng mai dưới chân núi Cô Sơn. Hai ngôi mộ cô quạnh cỏ xanh phủ kín khiến cho bờ hồ Tây Tử tăng thêm vẻ đẹp đượm buồn. Người tới đây tưởng niệm, không khỏi hồi tưởng đến câu chuyện thê lương của hai giai nhân bạc mệnh.”
Đoạn văn trên nói rõ, Tiểu Thanh sống thời Minh Sơ, mộ hiện ở Tây Hồ. Chẳng những thế, tác giả còn kể tỉ mỉ thân phận nàng: “Phùng Tiểu Thanh vốn là con gái nhà thế gia ở Quảng Lăng. Trước đây, vị tổ của nàng từng theo Chu Nguyên Chương nam chinh bắc phạt, có công trong việc dựng nên giang sơn nhà Đại Minh. Sau khi nhà Minh định đô ở Nam Kinh, gia tộc họ Phùng được hưởng quan cao, lộc hậu. Đến đời phụ thân Phùng Tiểu Thanh, ông được thụ phong làm Thái thú Quảng Lăng. Thuở ấu thơ, Phùng Tiểu Thanh sống trong phủ Thái thú ở Quảng Lăng. Đó là những ngày có thể nói rằng, vàng son chói lọi, áo gấm xênh xang, kẻ hầu người hạ tấp nập. Từ nhỏ, Phùng Tiểu Thanh đã xinh đẹp đoan trang, thông minh linh lợi, rất được yêu chiều.”
Về gia thế thân mẫu Phùng Tiểu Thanh, tác giả kể: “Mẹ nàng cũng là một khuê tú, xuất thân từ gia đình đại gia, giỏi văn chương, thạo đàn phách và chỉ có một cô con gái cưng như báu vật là Phùng Tiểu Thanh. Từ nhỏ, Tiểu Thanh đã được gia đình quan tâm dậy dỗ, mong sau này trở thành tiểu thư tài mạo xuất chúng.”
Thời thơ ấu của Tiểu Thanh như vậy. Nhưng rồi, một biến cố trọng đại bất ngờ ập xuống gia đình nàng. Tác giả kể tiếp: “Nhưng ai hay, trời có gió mây bất trắc; người có phúc hoạ khôn lường. Năm Kiến Văn thứ tư, Yên vương Chu Đệ mượn danh nghĩa “dẹp nạn” đã đoạt lấy ngôi vua của Kiến Văn đế. Khi Chu Đệ tiến quân vào Nam Kinh, thân phụ Phùng Tiểu Thanh bấy giờ đang là bề tôi của Kiến Văn đế nên đem quân cương quyết chặn lại. Sau khi Chu Đệ lấy được thiên hạ, Phùng gia tự nhiên trở thành ma không đầu dưới lưỡi dao của vị vua mới này và bị giết cả nhà. Lúc đó Phùng Tiểu Thanh vừa tuổi cập kê, lại đúng dịp đang theo một người bà con là Dương phu nhân ở nơi xa, nên may mà thoát nạn. Trong cảnh hỗn loạn ấy, nàng theo Dương phu nhân chạy đến Hàng Châu.”
Kiến Văn là niên hiệu của Chu Huệ đế nhà Minh, lên ngôi năm Kỉ Mão 1399. Như vậy, năm thứ tư sẽ là năm Nhâm Ngọ 1402. Vào thời điểm ấy, Tiểu Thanh đang tuổi cập kê, nghĩa là 14 hoặc 15 tuổi. Nàng mất ở tuổi 18, nghĩa là ba bốn năm sau, khoảng 1405-1406. Nếu tính từ 1405-1406 đến năm Nguyễn Du ra đời 1765 thì sấp sỉ 360 niên, còn tính đến năm vua Gia Long lên ngôi 1802 thì phải hai 3 năm nữa mới đủ 400 năm và nếu tính đến năm Nguyễn Du đi sứ 1813 thì đã 407-408 năm. Điều này có lẽ cho thấy, Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh ký trước khi vua Nguyễn Gia Long lên ngôi, thậm chí viết rất sớm, trước khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc năm 1786. Có điều rất lạ là, khi biên soạn Thơ chữ Hán Nguyễn Du, chẳng hẹn mà nên, cả hai nhà khoa học, ông Trương Chính và Đào Duy Anh đều khẳng định, Tiểu Thanh “sống vào đầu đời Minh” (16), đúng với tài liệu Dương Châu mĩ nữ. Hoặc giả, hai ông Trương - Đào đã được đọc tài liệu mà sau này mạng Dương Châu công bố chăng? Tiếc rằng, hai ông và cả tác giả Dương Châu mĩ nữ không cho biết xuất xứ tư liệu các vị đã dùng. Dựa vào tài liệu mạng Dương Châu mới công bố gần đây và chú thích của hai ông Trương - Đào, ta có thể coi như bước đầu đã giải quyết xong câu “bất tri tam bách dư niên hậu” và cũng có thể coi như giải đáp một phần vấn đề thời điểm Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh ký. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cũng không nên chỉ hiểu “tam bách dư niên” là thời điểm tính từ Tiểu Thanh qua đời đến Nguyễn Du đọc Tiểu Thanh ký. Ngoài nghĩa chủ yếu ấy ra, có lẽ Nguyễn Du còn muốn đề cập tới nghĩa thứ hai: chu kì vòng đời của một con người. Xin đưa ra để tham khảo thêm.
Cổ nhân cho rằng, giới hạn đời người là trăm năm. Vì vậy, khái số “trăm năm” được dùng để tính một kiếp. Triết học phương Đông cổ đại lại quan niệm, vòng đời con người gồm 3 kiếp (cũng gọi là “tam sinh” hoặc “tam thế”). Bởi vậy, “tam bách niên” cũng đồng nghĩa với một vòng đời. Sau khi hết một vòng đời 300 năm của mình, biết hậu thế có ai khóc Tố Như? Đấy có thể là ý nghĩa thứ hai của câu thơ: Bất tri tam bách dư niên hậu... Vả chăng, trong văn học, người trung đại thường dùng con số theo kiểu ước lượng, chứ không làm phép tính cộng trừ chuẩn xác như chúng ta ngày nay.
4. Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh ký ở Việt Nam hay trên đường đi sứ năm 1813?
GS. Trần Đình Sử có lí khi đặt câu hỏi: “Nếu bài thơ viết trước khi đi sứ, thì sao biết được Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang?” (17).
Để giải đáp câu hỏi của GS. Trần, xin cung cấp một tư liệu khác: Tây Hồ giai thoại cổ kim di tích (gọi tắt là Tây Hồ giai thoại) của Cổ Ngô Mặc lãng tử [?]; tác phẩm ra đời vào thời Thanh với lời tự đề Tựa cho bản in ghi năm Quý Sửu niên hiệu Khang Hi 1673 của chính tác giả. Chúng tôi xin chỉ đề cập ở đây những gì trong tác phẩm này liên quan tới Độc Tiểu Thanh ký.
Sách in, khổ 17,8 cm x 11,5 cm. Bìa gồm ba cột dọc, đọc từ trên xuống. Cột giữa in 4 chữ cỡ lớn: “Tây Hồ giai thoại”; cột bên phải, 6 chữ nhỏ: “Tinh hội thiết sắc toàn đồ”; cột bên trái, cũng 6 chữ cỡ nhỏ: “Kim Lăng Vương nha tàng bản”. Nội dung của sách gồm:
a - Bài Tựa do chính tác giả tự đề, lạc khoản ghi: “Khang Hi tuế tại Chiêu dương Xích phấn nhược, Mạnh xuân Trâu nguyệt, Vọng nhật, Cổ Ngô Mặc lãng tử đề”. Ngày rằm tháng Giêng năm Quý Sửu niên hiệu Khang Hi là năm 1673. Tại trang này có hai dấu triện vuông. Dấu trên khắc ba chữ: “Mặc lãng tử”; dấu dưới bốn chữ: “Tây Hồ đắc nhân”.
b - Cấu trúc của sách: Sách gồm 2 phần.
* Phần đầu: một quyển với tên gọi Quyển đầu, có:
+ Bài Tựa của Cổ Ngô Mặc lãng tử;
+ Mục lục về 10 cảnh đẹp Tây Hồ là: Buổi sớm trên đê Tô Thức, Hương sen ở Khúc Viện, Nghe tiếng chim oanh hót ở Liễu Lãng, Xem đánh cá ở Hoa Cảng, Tiếng chuông buổi sáng ở Nam Bình, Sắc thu ở Bình Hồ, Lưỡng Phong cao chạm mây, Trăng in bóng ở Tam Đàm, Chiều tà chiếu tháp Lôi Phong, Tuyết cuối mùa ở Đoạn Kiều.
+ Tranh vẽ và thơ: 2 bức Tây Hồ toàn đồ và 10 bức tranh ứng với 10 mục kể trên. Bên mỗi bức Tây Hồ giai cảnh đều có một bài thơ, soạn giả ghi rõ, ai vẽ, đề thơ của ai.
* Phần hai: 16 quyển viết về danh nhân Trung Hoa là: Cát Hồng, Bạch Lạc Thiên, Tô Thức, Lạc Tân Vương, Lâm Hoà Tĩnh, Tô Tiểu Tiểu, Nhạc Phi và Tần Cối, Vu Khiêm, Lâm Đạo Tế, Biện Tài, Văn Thế Cao, Tiền Lưu, Viên Trạch và Lí Nguyên, Phùng Tiểu Thanh, Bạch Xà nương và Hứa Xương, pháp sư Liên Trì.
Trong bài Tựa, chúng tôi đặc biệt chú ý tới đoạn kết. Cổ Ngô Mặc lãng tử khẳng định: “Ngày nay và mai sau, có ai hâm mộ hồ Tây Tử mà không được tận mắt nhìn, thì mở bức hoạ đồ này ra, xem qua một lượt là dường như có thể như đang ngoạ du trên hồ Tây Tử vậy”. Thế thì, nếu Nguyễn Du đã đọc Tây Hồ giai thoại, đã mở xem 12 bức vẽ về Tây Hồ trong sách, có lẽ ông chẳng cần đến tận Tây Tử mới biết “Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư”! Hơn nữa, đa phần các thiên trong Tây Hồ giai thoại thường được kết cấu theo kiểu: Mở đầu bằng cảnh Tây Hồ tươi đẹp tràn đầy sức sống và hấp dẫn con người, nhưng khép lại bằng cảnh nhân vật chết, hoặc chết bi phẫn như Nhạc Phi, hoặc chết uất hận như Tiểu Thanh, Tô Tiểu Tiểu...; hoặc sau khi nhân vật chết rồi, chỉ còn lại di tích một ngôi mộ hoang, một ngôi nhà quạnh vắng thê lương, một khu vườn trống... như các thiên Cát Lĩnh tiên tích, Bạch Đê chính tích, Linh ẩn thi tích, Tây Lãnh vận tích, Nhạc phần trung tích... Và, chữ “khư” [?] đâu chỉ có một nghĩa là “gò hoang”? Khư ít nhất 7 nghĩa, trong đó có nghĩa là “nền hoang”, “hoang phế”... Cho nên, ta có thể hiểu “Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư” như các dịch giả của cả ba công trình Thơ chữ Hán Nguyễn Du: “vườn hoa bên Hồ Tây đã thành bãi hoang rồi” (trang 96 bản Bùi Kỉ..., năm 1959; trang 162 bản Lê Thước, năm 1965; trang 173 bản Đào Duy Anh năm 1978). Ngoài ra, thiên số 7 trong Tây Hồ giai thoại: Nhạc phần trung tích viết về Nhạc Phi và Tần Cối còn giúp thêm tư liệu khẳng định thời điểm ra đời bài Độc Tiểu Thanh ký. GS. Nguyễn Đình Chú rất tinh tế khi nhận xét: “Nhạc Vũ Mục mộ là viết về mộ của Nhạc Phi ở Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang) thì xem ra lại không đến mà viết” (18). Đúng vậy! Tây Hồ giai thoại đã chứng thực điều đó.
Vậy là, về cơ bản, ta đã giải quyết xong câu đầu “Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư” và 2 câu kết “Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.
II/ Cổ kim hận sự... Phong vận kì oan...
“Hận sự” ở đây là gì? Tiểu Thanh bị oan tới mức nào khiến Nguyễn Du gọi là “kì oan”? “Phong vận kì oan...” đi liền với “cổ kim hận sự...” thành một cặp, không thể tách rời. Tình sử, Ngu sơ tân chí (19) và kể cả Nữ liêu trai chí dị chưa phản ánh được cái gọi là “hận sự” và “kì oan” của Tiểu Thanh. Nhưng thiên 14 Di tích về nỗi hận ở gò mai trong Tây Hồ giai thoại đã chỉ rõ điều này.
Sau khi kể xong cuộc đời Phùng Tiểu Thanh, Cổ Ngô Mặc lãng tử kết luận: “Kẻ có lòng liên tài, phần lớn coi việc Tiểu Thanh buồn uất mà chết là nỗi hận. Ta thì không nghĩ vậy. Giá như Phùng sinh không sợ tên đố phụ kia và vợ Phùng sinh không đố kị Tiểu Thanh, thì chẳng qua Tiểu Thanh chỉ là kẻ thê thiếp tham ân trộm ái, nhận sự sủng phúc tầm thường, dù tên tuổi có mĩ miều thì trong khoảnh khắc cũng tan biến, sao có thể trăm năm sau vẫn khiến văn nhân tài sĩ, mỗi khi qua ngôi nhà riêng ở Cô Sơn, điếu tưởng ánh tịch dương rực rỡ nơi núi chiều, nhớ tới Tiểu Thanh phong lưu như đang còn?
Than ôi! Điều mà trời kia không nhất thời thành tựu cho Tiểu Thanh lại chính là để thành tựu cho nàng ngàn năm! Sao lại có hận?”.
Đấy là cách nói của Mặc lãng tử. Nếu không coi cuộc đời của Tiểu Thanh là một nỗi hận lớn, hà cớ tác giả lại đặt nhan đề Mai tự hận tích – (Di tích về nỗi hận ở gò mai) cho câu chuyện về Tiểu Thanh, mà không đặt Tiểu Thanh truyện như Trương Triều trong Ngu sơ tân chí, như Phùng Mộng Long trong Tình sử? Hơn nữa, mở đầu câu chuyện, Mặc lãng tử còn đặt câu hỏi: “Tây Hồ là đất ăn chơi. Hoa đua cười, chim tìm bạn. Xuân qua, thu lại, bốn mùa đều làm người ta vui vẻ. Vậy sao lại có nỗi hận?” Từ nhan đề, đến phần mở đầu, phần kết thúc câu chuyện, Mặc lãng tử đều tập trung vào một chữ hận. Chữ hận được khắc sâu bởi một kì oan. Nỗi kì oan của Tiểu Thanh bắt đầu xẩy ra năm nàng 16 tuổi khi cùng Phùng sinh kết duyên. Phùng sinh là đầu mối mọi nỗi oan nghiệt của Tiểu Thanh và chính nàng cũng gọi chàng là “oan nghiệp phu”.
Mặc lãng tử kể: “Phùng sinh là một công tử giầu có ở Tây Hồ. Tính chàng hám sắc, nhưng bị người vợ hay ghen giàng giữ, nên chẳng thể ho he gì được. Về sau, nhờ nhiều lần khẩn cầu thống thiết, vợ chấp nhận cho cưới thiếp, nhưng không cho lấy người ở gần, vì sợ những kẻ đó có quan hệ bất chính với chàng từ trước; lệnh phải lấy ở nơi xa, tận Duy Dương và hẹn vừa đi vừa về chỉ trong vòng nửa tháng, nếu quá hạn sẽ không cho người thiếp kia bước chân vào cửa. Ý của cô ta là, do thời hạn gấp gáp chắc gì chàng tìm được người; mà nếu tìm được chăng nữa, vị tất có người đẹp.” Hơn nữa, cô còn nghĩ: “con gái Duy Dương phần nhiều bị các trưởng quan lấy hết rồi; nếu còn, thì cũng chỉ là loại thê thiếp tầm thường”. Nhưng cô biết đâu, số trời đã định, chồng cô lại gặp mĩ nữ Phùng Tiểu Thanh sắc tài toàn vẹn. Khi Tiểu Thanh xuất hiện, dù nàng “đã phải cúi đầu hạ dọng cung kính không dám lộ một chút phong lưu, vậy mà phong thái kiều diễm tự nhiên của Tiểu Thanh càng giấu, lại càng rực rỡ” khiến lòng đố kị của vợ Phùng trở nên uất kết. Cô ta “thấy Tiểu Thanh hạ mình, càng ngờ rằng, nàng có thâm ý gì, nên luôn luôn theo sát, không để cho chồng có thể cười nói riêng với nàng một lời”. Để ra oai, trước tiên cô thu vứt hết son phấn do Tiểu Thanh mang về, rồi đốt sạch sách vở Tiểu Thanh đem theo, sau đó cấm cố nàng trong phòng, không cho giao thiệp với bất cứ một ai dù chỉ nửa lời. Kể tới đây, Mặc lãng tử đã mỉa mai: “Đúng là cái gọi, “yêu thương bánh vẽ, tình lang trong tranh”! Đến như muốn làm Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm gặp nhau một lần cũng không thể”.
Đây mới là khúc dạo đầu cho bản trường hận ca Phùng Tiểu Thanh. Những chi tiết chúng tôi vừa nêu trên đều không có trong Tình sử và trong Ngu sơ tân chí.
Một lần, vợ Phùng sinh đi dâng hương tại chùa Thiên Trúc, sợ Tiểu Thanh ở nhà sẽ lén lút gặp chồng nên bắt cô đi theo. Lúc về tới nhà, hai người gặp Phùng sinh đang đợi trong phòng. Trông thấy chồng, Tiểu Thanh e ngại tránh mặt. Ta hãy xem vợ Phùng sinh phản ứng ra sao? Cô lên dọng phán: “Đây là nhà của ta, không phải nơi để ngươi tránh mặt; đây là phòng ở của ta, lại cũng chẳng phải nơi để ngươi có mặt. Có mặt hay tránh mặt đều không thể”. Chi tiết này cũng không có trong Tình sử và trong Ngu sơ tân chí. Sau đó, cô đưa Tiểu Thanh đến ngôi nhà riêng tại gò mai núi Cô Sơn cho ở một mình và lệnh: “Ta có ba điều pháp quy ngươi phải tuân thủ là: chưa có lệnh ta mà chàng đến, không được gặp mặt; chưa được lệnh ta mà có thư từ chàng gửi đến, không được mở xem; ngươi có viết thư từ, phải đưa ta đọc, không được tự ý thư từ với người khác. Nếu có chút gì sai phạm, quyết chẳng nương nhẹ!”.
Cứ như vậy, vợ Phùng sinh từng bước dồn Tiểu Thanh đến chỗ chết: ban đầu, vứt hết phấn son, đốt sạch sách vở, cấm cố không cho giao tiếp với bất cứ ai kể cả chồng. Tiểu Thanh muốn như vợ chồng Ngâu mỗi năm gặp nhau một lần cũng không xong. Tiếp theo, sự có mặt hay tránh mặt của Tiểu Thanh đều không nơi. Rồi, tống nàng ra ngôi nhà riêng dưới chân núi Cô Sơn bắt ở một mình với ba điều pháp quy cấm ngặt không cho giao thiệp với đời. Như vậy khác nào chặt hết đường sống của nàng? Đến đỗi, nơi Cô Sơn “tuy cảnh núi sông tươi đẹp, (Tiểu Thanh) cũng không dám hé cửa sổ ngắm nhìn”. Nỗi cô đơn uất hận khiến Tiểu Thanh thành bệnh mà qua đời. Một chi tiết trong Tiểu Thanh truyện cũng như trong Mai tự hận tích đều có nhưng dường như ít được chú ý là, khi Phùng sinh mở màn nhìn Tiểu Thanh lúc biết tin nàng đã qua đời. Mặc lãng tử viết: “Chiều xuống, Phùng sinh lật đật chạy tới, mở màn ra nhìn, thấy Tiểu Thanh dung quang tươi đẹp, áo quần sạch tươm như thuở sinh thời chưa bị ốm, nhưng chẳng còn nói cười nữa, không nén nổi tiếng kêu bi ai, giẫy chân, hộc máu ra đến hơn một đấu”. Khi bị chết oan, gặp thân nhân như chồng con, bố mẹ..., người chết thường nấc lên rên, hộc máu ra rồi mới chết hẳn. Đáng tiếc rằng, các dịch giả Tiểu Thanh truyện lại cho đấy là hành vi của Phùng sinh, nên dịch: “người chồng bỗng dẫm chân gào lên một tiếng dài rồi thổ ra hơn một thăng huyết” (20), hoặc “Chập tối chồng hay tin chạy lại, vén màn thấy dung nhan như sống, xiêm áo tinh tươm, đau đớn khóc to, thổ huyết một thăng. Sau đó lục lọi tìm được...” (21) Nếu anh chồng đã “thổ ra đến hơn một thăng huyết” sao còn sức để “lục tìm hồi lâu, thấy được một quyển thơ...”, rồi lại “đau đớn gào lên: Ta phụ nàng! Ta phụ nàng!”? Đấy chính là cách biểu hiện cái “kì oan”, cái “hận sự” của Phùng Tiểu Thanh.
Ở đây nên hiểu “phong vận kì oan” như thế nào cho thoả đáng? “Phong vận” có hai nghĩa. Thứ nhất: người con gái có tư thái tốt đẹp; thứ hai: “chỉ phong cách tình thú của thơ văn, thư, hoạ” (22). Vậy là, không chỉ Tiểu Thanh, mà cả thơ văn, thậm chí cả bức vẽ Tiểu Thanh cũng mắc “kì oan”. Số phận Tiểu Thanh diễn ra đúng như vậy: chết trong uất hận, thơ từ và bức vẽ đều bị đốt...
Vì kì oan nên hận mà chết. Nỗi hận kia đâu chỉ xẩy ra với riêng Tiểu Thanh, mà xẩy ra đối với mọi kiếp người trên thế gian này và đi suốt thời gian kim cổ. Đấy là quy luật cuộc đời mà Nguyễn Du rút ra. Sau này, khi đã nhiều tuổi hơn, ông khái quát xã hội mình đang tồn tại bằng những câu thơ chua xót:
Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan,Thượng quan là Ngận Thượng, một tên quan luôn đố kị hiền tài, đã gièm pha Sở Hoài vương ruồng bỏ Khuất Nguyên, khiến Khuất Nguyên phải đâm đầu xuống sông Mịch La tự tử. Sông Mịch La nơi Khuất Nguyên tự tử, tượng trưng cho cõi chết. Con người toàn là kẻ nham hiểm đẩy hiền tài đến cái chết, mặt đất đều là nơi tử địa.
Đại địa xứ xứ giai Mịch La,
Ngư long bất thực sài hổ thực...
(Đời sau ai ai [tính cách] cũng đều như Thượng quan,
Mặt đất đâu đâu cũng chỉ là sông Mịch La,
Không bị ngư long ăn thịt, thì bị hùm sói ăn thịt...)
Gửi bởi Vanachi ngày 31/03/2007 21:08
Đây là một trong những bài thơ chữ Hán hay nhất của Nguyễn Du, nhưng cũng là một bài thơ khó dịch. Khó dịch ngay từ đầu đề của nó, bởi chữ “ký”. Các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh, Quách Tấn dịch “ký” là “bài ký” (Đọc bài ký truyện Tiểu Thanh(1), “Đọc bài ký về Tiểu Thanh(2)). Hai cụ Lê Thước - Trương Chính và cụ Đào Duy Anh không dịch chữ “ký” mà xem Tiểu Thanh ký là tên một cuốn sách “Đọc tập Tiểu Thanh ký”(3), “Đọc sách Tiểu Thanh ký”(4).
Theo một số từ điển của Trung Quốc giải thích, chữ “ký” có gần 10 nghĩa khác nhau. Thí dụ “ký” là “ghi chép” (động từ): Công dư tiệp ký (Ghi chép nhanh lúc việc công nhàn rỗi), Thượng kinh ký sự (Ghi việc ở kinh đô) v.v..; “Ký” là “một thể văn”: Nhạc Dương lâu ký (Bài ký về Lầu Nhạc Dương), Mai Đình mộng ký (Bài ký về giấc mộng Đình Mai) v.v..
Chữ ký; ở Độc Tiểu Thanh ký không phải là động từ. Khi dịch thành “bài ký”, nhóm cụ Bùi Kỷ hiểu “ký” là một thể văn. Xét về phương diện ngữ pháp cổ văn, dịch như các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ, Quách Tấn là đúng. Song về tập quán ngôn ngữ, khi viết về cuộc đời một nhân vật, thời xưa người ta thường dùng thể truyện chí, chẳng hạn Kim Vân Kiều truyện, Giả Nghị truyện v.v.. Hoặc dùng từ “hành trạng”, “sự tích”, như Bùi Tồn Am tướng công hành trạng, Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu sự tích...
Trong tự điển Từ hải chú “ký” có 7 nghĩa khác nhau, trong đó có một nghĩa là “sách vở”. Từ hải viết: “Kinh tịch dã, hựu phàm ký tái sự vật chi thư, giai viết ký”. Nghĩa là: [ký] là sách vở, phàm các sách ghi chép về sự vật đều gọi là ký”. Chúng ta có rất nhiều dẫn chứng: Lễ ký, Sử ký, Tây du ký, Nghệ An ký, Hoan Châu phong thổ ký, Lưu hương ký...
Các cụ Lê Thước - Trương Chính, Đào Duy Anh có lẽ đã căn cứ vào nghĩa này để dịch Tiểu Thanh ký thành “Tập Tiểu Thanh ký”, “Sách Tiểu Thanh ký”. Tôi tán thành với cách dịch của các Cụ, nhưng có lẽ nên viết gọn lại: “Đọc Tiểu Thanh ký” (giống như nói đọc Tây sương ký, đọc Sử ký...).
Trong bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, câu thứ hai, tức câu thừa đề, “Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”, theo tôi là câu có hai từ “điếu” và “nhất chỉ thư” cần được cân nhắc kỹ để dịch. Trong cả 4 bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du dẫn trên, “điếu” đều được dịch là “viếng”. Còn “nhất chỉ thư”, trừ bản của cụ Đào Duy Anh dịch là “tờ thư” (... viết một tờ thư viếng), 3 bản kia dịch “tập sách” (Viếng nàng qua một tập sách - Lê Thước - Trương Chính, Quách Tấn) và “tập giấy” (“Viếng một tập giấy” - Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh).
Nghĩa thứ nhất của “Điếu” là “vấn chung”: thăm hỏi, thăm viếng người chết (Từ Hải). Với người mới chết, “điếu khách” tới thăm viếng tang chủ và dự tang lễ. Người chết đã chôn rồi thì viếng thăm phần mộ. Thơ văn đời xưa thường có nhiều bài viết về chủ đề này. Thí dụ: Điếu cổ chiến trường (Thăm viếng bãi chiến trường xưa) của Lý Hoa, Điếu Sở Tam Lư Đại phu (Viếng quan Tam Lư Đại phu nước Sở (Khuất Nguyên)) của Ngô Thì Nhậm v.v..
“Điếu” là động từ. Nếu “nhất chỉ thư” trong câu “Độc điếu song tiền nhất chỉ thư” là “tập giấy”, thì về ngữ pháp, dịch như các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ “viếng một tập giấy” là không sai. Nhưng tại sao lại “viếng một tập giấy”? Rõ ràng không xuôi rồi. Có lẽ vì thế cụ Lê Thước, Trương Chính, mới dịch lại “Viếng nàng qua một tập sách”. Chữ “nàng” (Tức Tiểu Thanh) do các cụ thêm vào cho câu thơ hợp lý hơn. Mặc dầu vậy, ở đây vẫn còn sự “Bất ổn” - Trên thực tế không ai viết (hoặc nói), chẳng hạn, “tôi viếng nàng Kiều qua Truyện Kim Vân Kiều. Cổ văn chữ nghĩa hiểm hóc quá! Tôi lại đành phải “độc điếu” mấy tập từ điển và thấy trong Từ Hải giải thích “điếu” còn có nghĩa là treo (huyền quải). Trong Hiện đại Hán ngữ từ điển(5) cũng chú “điếu” là treo đồng thời đưa thí dụ từ ghép “điếu song”, nghĩa là cửa sổ treo, theo cách gọi thời cổ. Như vậy, trong câu thơ của Nguyễn Du, “điếu” không phải là “viếng” mà là “điếu song”, chỉ cửa sổ. “Độc điếu song tiền” là “Một mình trước cửa sổ”.
Bây giờ xin bàn đến “nhất chỉ thư”. Đã có mấy cách hiểu khác nhau về cụm từ này: “một tập giấy” (nhóm cụ Bùi Kỷ), “một tập sách” (Lê Thước - Trương Chính), “một tờ thư” (Đào Duy Anh)...
Qua ba lời dịch trên, chúng ta thấy cả ba đều hiểu “nhất” là lượng từ. Nhưng “chỉ thư” thì có sự hiểu không giống nhau. Trong các từ điển của Trung Quốc không có cặp từ “chỉ thư”, mà chỉ có “chỉ” và “thư”. “Chỉ” là giấy. Còn “thư”? Trong bài Mấy điều suy nghĩ về bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du, (Văn nghệ, số 28), anh Trần Đình Sử viết: “Tôi nghĩ, (...) Nói “viếng qua một tập sách” cũng không hợp, bởi chữ “thư” đây trong Hán văn cổ không phải là sách. Nó có nghĩa là “viết chữ”, “chữ viết” và “Bức thư”. Không hiểu anh Trần Đình Sử dựa vào đâu để nói trong chữ Hán cổ “thư” không phải là sách? Tra Thuyết văn giải tự là cuốn tự điển cổ nhất Trung Quốc do Hứa Thận người đời Hán soạn, thấy ở đó chú về chữ “thư” như sau: “Trứ ư trúc bạch vị chi thư” (Trước thuật trên tre, trên lụa, gọi đó là thư). Thời cổ chưa có giấy, người ta dùng thẻ tre, mảnh lụa để viết, nên mới có sách tre (trúc thư). Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn nhà nho, gọi là “Phần thư khanh nho”. Từ điển Từ hải giải thích rất rõ: “Sách vở gọi chung là thư”. “Thư mục” là mục lục sách. “Thư lâu” là lầu chứa sách (“Thư lâu nhà họ Lý có hàng vạn quyển” - Đường thư).. Trong thơ văn cổ, chữ “thư” nghĩa là sách rất nhiều: “Vạn ban giai hạ phẩm, Duy hữu độc thư cao”, “Độc thư phá vạn quyển”, “thập tải độc thư bần đáo cốt”... Chữ “thư” ngoài nghĩa “viết chữ”, “thư tín”, còn có nghĩa là “sách”. Theo nghĩa của từng chữ mà hiểu, “chỉ thư” là lá thư, trang sách. Có lẽ không thể hiểu khác được. Trước Nguyễn Du, Dương Cự Nguyên thời Đường trong bài tuyệt cú Thôi nương thi (Thơ nàng Thôi) đã dùng từ “nhất chỉ thư”:
Phong lưu tài tử đa xuân tứ,Còn Nguyễn Du, ngoài bài Độc Tiểu Thanh ký, ở bài Sơn cư mạn hứng của ông cũng có “nhất chỉ thư”.
Trường đoạn Tiêu nương nhất chỉ thư.
(Phong lưu tài tử bao tình tứ,
Đứt ruột nàng Tiêu một cánh thư).
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,(Em trai, em gái ở quê nhà vắng bặt tin tức, không được một lá thư để biết có bình yên không) “Nhất chỉ thư” trong bài Độc Tiểu Thanh ký, theo tôi, nên hiểu là trang sách, nó vừa tiếp ứng đề bài, vừa thể hiện sự tài tình, sáng tạo của Nguyễn Du trong sử dụng ngôn ngữ. “Nhất chỉ thư” có thể đổi thành “nhất quyển thư”, nhưng Nguyễn Du không dùng chữ “quyển”, vì “quyển” dày, nặng quá so với số kiếp quá mỏng manh của Tiểu Thanh. Nếu Tiểu Thanh là một người con trai, một người đàn ông, chắc chắn Nguyễn Du không dùng “nhất chỉ thư”. “Nhất chỉ thư” là để giành nói về một người con gái mệnh bạc, đoản mệnh, cuộc đời ngắn ngủi vừa đủ chép trong vài ba trang sách mỏng.
Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.Về hai câu thực của bài thơ:
“Trước cửa sổ một mình (với) một trang sách”.
Chi phấn hữu thần liên tử hậuTôi thấy có nhiều cách hiểu trái ngược nhau về chữ “thần”, chữ “mệnh”, về cấu trúc câu và ý nghĩa của cả câu:
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Vườn hoa bên Tây Hồ(6) đã thành bãi hoang cả,Khi dịch và bàn luận bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, chúng ta không thể không hiểu biết đôi nét về nhân vật Tiểu Thanh. Tôi có đọc lại phần chú thích về Tiểu Thanh trong các bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du thì thấy có một số chi tiết bị nhầm lẫn cần phải đính chính lại.
Trước cửa sổ một mình với trang sách.
Son phấn như có thần cũng thương xót sau khi nàng chết,
Văn chương không phải một sinh mệnh mà vẫn liên luỵ bị thiêu đốt.
Nỗi oán hận xưa nay thật khó hỏi trời,
Ta vốn dễ ở trong cảnh oan phẫn lạ lùng của kẻ phong nhã.
Không biết hơn ba trăm năm sau,
Thiên hạ có người nào khóc Tố Như?
Trang trong tổng số 5 trang (47 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối