23.00
23 bài thơ
3 bình luận
Tạo ngày 23/07/2007 22:21 bởi Vanachi
Tập thơ Bàn tay lá cỏ, tập 1, NXB Văn học xuất bản năm 1993

 

 

Ảnh đại diện

2 bài viết về 2 tập thơ: Bàn tay lá cỏ (1 và 2) của Nguyễn Anh Nông

Tác giả: Khánh Văn, Đỗ Trọng Khơi


NỖI NIỀM THƠ TRONG BÀN TAY LÁ CỎ
(TẬP 1- NXB VĂN HỌC NĂM 1993)

 Thơ Nguyễn Anh Nông bắt đầu xuất hiện trên báo vào năm 1982. Từ đó tới nay, đều đặn, thơ anh có mặt trên tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Thanh niên, báo Tiền phong, báo Người Hà Nội. Tiếng thơ anh xuất hiện trong chương trình thơ thiếu nhi - Đài Tiếng nói Việt Nam.
 Năm 1992, bài thơ "Với chim câu trắng" của anh được giải thưởng cuộc thi thơ - Hội thơ Thanh Xuân- Hà Nội.
Và bây giờ, xinh xắn một tập "Bàn tay lá cỏ" (1) hiện diện của hơn 10 năm, đường thơ trong đường đời.
Ba mươi nhăm bài thơ, minh chứng cho những nỗi niềm thường thấy ở các nhà thơ đương đại, bằng những sự cảm nhận riêng. Đó là những bông hoa bằng lăng "chọn một mùa để nở" Đó là những giọt nước tưởng như bình dị như đương nhiên, hiển nhiên lại "tích tụ ngọn nguồn gió mưa" rất nặng nghĩa đời, là tiếng chim queng quý hót lúc canh khua đất Cao Bằng, những năm người lính Nguyễn Anh Nông sống xa nhà... Những hình ảnh thơ ấy hoà quyện trong một không gian thơ lẳng lặng, bồng bềnh trong một khối nhiều mảng, nhiều cạnh. Sự lẳng lặng ấy đã níu kéo những nỗi niềm đau đáu thành sự bàng hoàng trước thực tại. Bắt đầu từ sự giật mình với nỗi lo âu lớn lao, nỗi lo âu không biên giới của nhà thơ.
Trái đất như một con người bị moi dần tim, gan, lá lách
Một ngày kia
Trái đất như người già, đớn đau tật bệnh
(Cảm xúc trước ban mai)
Dường như không phải Nguyễn Anh Nông làm thơ. Anh đang thốt lên những lời kêu cứu của trái đất với cả nhân loại. Nỗi buồn bị bao phủ bởi sự lo âu.
Và đau hơn nữa, cụ thể hơn nữa là khi:
Ôi buồn nhất
Người thân ta ngoảnh mặt ?
Đời tha hương ngay ở trái tim mình
(Tha hương)
Cái đau khônng phải bao giờ cũng nói ra được:
Ngửa mặt lên nhìn trời
Ngẩn ngơ chùm mây liệng...
(Với quê)
Nhưng đó không phải là nỗi niềm xuyên suốt. Ta bắt gặp những cảm xúc tinh tế hoà nhập trong những hình ảnh thơ chân xác, bình dị. Từ khối mông lung của những hình ảnh, những tình ấy, hiện ra một hình bóng mải mê tìm kiếm, xăm xăm bước như cậu bé nhìn theo người đi tìm lá diêu bông trong thơ Hoàng Cầm. Có điều, cái hình bóng này nó không hư ảo mà rất thực. Có lúc nhìn thật gần, thật rõ.
Con bò buồn rời bãi đê. Thực ra nó chẳng buồn đâu. Nỗi niềm của nó chỉ là cỏ non hay không non mà thôi. Chính lòng anh đang buồn trong "một chiều tìm em" đấy. Cái trống trải trong anh mà lại nhờ nó giữ hộ (cảnh vật ấy) thì có gì đó chông chênh quá nhưng nó lại tạo được ấn tượng. Cái tinh khiết, hoanh sơ của "mây xanh Thác Bạc" toả ra sự lạnh lẽo đến trống vắng:
Chiều
Không em
Khập khiễng - đất Cao Bằng...
(Ngẫu hứng chiều)
Cả tập ba mươi nhăm bài là một tập thể thơ với những mảng mầu rất riêng, dưới một góc độ phân định tương đối.
Mảng thứ nhất: Chiều không em. (gồm những bài: Một chiều tìm em, mây xanh Thác Bạc, Ngẫu hứng chiều, Lá rụng, Mưa tím, Ngẫu hứng, Dưới trăng, Tìm, Trái thu, Nỗi niềm trăng, Em, Buồn, Không đề, Cô gái trong tranh, Hoa và em). Sự trống trải và khát khao được lấp đầy, được giải toả, được hoà hợp, được mình nhận ra mình. Nỗi buồn không sâu, chỉ gợn, gợn nhẹ. Nhưng sâu chuỗi những gợn ấy thì thấy thấm, thấy nao nao.
Mảng thứ hai: Bằng lăng (gồm những bài: Đêm ở rừng nghe tiếng chim queng quý, Giọt nước, Mắt ơi, Mùa xuân, Với cỏ, Khen, Tam giác hoàng hôn, Hoa bằng lăng). Sự trải lòng mình ra với thiên nhiên, một thiên nhiên "tóc tách" và "thủ thỉ", một thiên nhiên ngập cỏ Bồng thi như lạ, như quen. Giữa những bức tranh thiên nhiên ấy chợt hiện lên hình bóng "rưng rưng chén rượu ta cười với ta". Sức toả và khả năng cảm nhận. Bằng lăng quá, tím thẫm màu xót xa, không chút hoài niệm.
Mảng thứ ba: Minh triết của hoa (Gồm những bài: Khúc tưởng niệm bên dòng suối, Tình tự với Thạch An, Cảm xúc trước ban mai, Vàng, Minh triết của hoa, Với quê, Tô Thị, Trước lá vàng, Tự bạch một con thuyền, Với Uýt man, Tha hương). Vẫn là mối giao cảm với thiên nhiên nhưng mang nặng nỗi niềm hơn. Từ ngọn cỏ hoá thân làm một kiếp người, đau đớn trước sự độc ác của con người đang moi dần trái đất đến cái chông chênh của con thuyền số phận, nỗi buồn ngơ ngác và đau đáu trước cảnh quê nhà bão lụt, để rồi từ cái tàn lụi thai nghén niềm hạnh phúc. Đây là mảng sáng nhất, giàu chiêm nghiệm, suy tư.
Ba mảng trong một bức tranh lập thể thơ đan xen và hoà quyện tạo ra một hồn thơ trong trẻo nương níu những nỗi niềm. Thơ Nguyễn Anh Nông, nét thơ chủ đạo vẫn là truyền thống. Bắt gặp đâu đây hình bóng nàng Kiều qua:
Nỗi hoa lụi tàn- nỗi tôi nát nhàu
(Hoa và em)
Nhưng, ta thấy Nguyễn Anh Nông là người đi tìm và phá vỡ.
Tóc
Tách
Thời gian
Nhễu
Giọt xanh
Thành:
Tóc. Tách. Thời gian. Nhễu. Giọt xanh.
(Em I)
Bài thơ "Tam giác hoàng hôn" được trình bày theo hình tam giác. Chưa phải là mới. Hãy coi đó là những thử nghiệm. Nhưng đó, chắc không phải là thế mạnh của anh. Ưa tìm tòi, muốn thể nghiệm những hình thức mới. Điều đó tạo ra sự đa dạng của tập thơ nhưng chính vì đa dạng nên sự nhất quán trong giọng điệu lại thành ra chông chênh.
Trong tập, nếu tách ra thành tưng bài, sẽ bắt gặp những câu thơ có sức nương níu:
Thức giấc khuỷa khuya, lẳng lặng
Ngụp lặn tìm rờ rỡ cái hôn đau
(Tìm)
hay trong "không đề":
Chiều
Buồn
Ngồi bứt cỏ
Nhớ em.
*
Xanh xao ngọn gió
Chưa có gì cả. Chấm phá đôi nét về cảnh. Thế thôi. Đến câu cuối: Tiếng vạc kêu ruỗng đêm.
Đằng sau tiếng kêu ấy là "con mắt thơ". Phải chăng, thơ cũng như người, hành trình trên đường đời với nỗi niềm tha hương.
Thăm thẳm trời may
Hun hút gió
Đăm đắm bàn tay lá cỏ.
(Tha hương)
Một sự khiêm nhường, nâng niu, trong một nỗi niềm hun hút, đăm đắm, tác giả găm vào đó nỗi lo thế sự, nỗi đau trần thế. "Bàn tay lá cỏ" ấy đã từng vục nước suối: "xao xuyến, tần ngần" trong Khúc tưởng niệm, với những tình đồng đội đã hy sinh. Chất lính trong thơ anh không có cái ồn ào, sôi nổi, trẻ trung mà giàu chiêm nghiệm. Nghe tiếng chim queng quý hót trong rừng khuya, biết người lính ấy trăn trở, nỗi niềm lớn hơn tuổi. Nhà thơ bao giờ chả vậy.
"Như người mắc nợ" với cuộc đời, mà mỗi ngày, nợ ấy càng nhiều thêm. Nỗi niềm ấy rưng rưng tha thiết. Trước thơ, trước cuộc đời, chúng ta trân trọng cái rưng rưng ấy.
Nguyễn Anh Nông trước khi đến với thơ đã là người lính. Trên đường đời, sự gặp gỡ với thơ phải chăng là "duyên thơ"?. Tập Bàn tay lá cỏ, là thành công bước đầu. Để vượt qua mình, anh còn phải trăn trở và giàu chiêm nghiệm hơn nữa. Mong sao hôm nay "những lá cỏ", ngày mai sẽ kết thành hoa: "Cái đớn đau đẻ ra niềm hạnh phúc" như anh đã cảm nhận./.
Hưng Hà, Thái Bình, 1993

Khánh Văn (Giáo viên văn)
Địa chỉ hiện nay: Trường THPT Bắc Duyên Hà, huyện Hưng Hà, Thái Bình.
ĐT: 036.861.226



ĐỌC BÀN TAY LÁ CỎ – HAI TẬP
(Thơ Nguyễn Anh Nông. NXB Văn học 1993 – 1995)
Đỗ Trọng Khơi

Ô hay, giọt nước con con
Mà sao tích tụ ngọn nguồn gió mưa

Câu thơ trong bài "Giọt Nước"Nguyễn Anh Nông đề tặng người thầy giáo thủa đầu đời của mình. Có thể nói, khơi nguồn từ "Giọt nước con con" tri thức ấy, đôi "Bàn Tay Lá Cỏ"- (NXB Văn học vừa cho ra mắt bạn đọc) được phôi thai và lớn nên.
Ta hãy đọc niềm tâm sự trong bài thơ "Với quê"(Bàn Tay Lá Cỏ - tập 1- BTLC 1) anh viết trên đường tha hương khi nghĩ về cảnh bão lụt nơi trôn rau cắt rốn:

Dẫu yến tiệc quê người
Vẫn không sao ngon miệng
Ngửa mặt nên nhìn trời
Ngẩn ngơ chòm mây liệng...

Hay khi anh thổn thức với số phận một người bạn lính:

Sớm chiều bạn tôi gõ kẻng
Âm ỉ quả bom câm
Bom câm còn có tiếng
Đời bạn tôi âm thầm..
(Bên quả bom câm – BTLC II)

Tình thơ như thế,ngôn ngữ thơ mộc mạc mà hàm súc, sâu lặng, người bình thơ không phải cắt nghĩa, lý giải dài dòng, bạn đọc thơ dù trình độ nào cũng tiếp cận, đồng cảm được.
Theo bước chân người lính - người thơ Nguyễn Anh Nông, ta thử bước chân "hình thể vật chất"khi lên núi rừng Cao Lạng, lúc xuôi dòng Trà Lý đồng quê Thái Bình, hay cùng anh trước tượng người xưa, tình xưa:

Nàng lặng lẽ bồng con đứng đợi
Giữa bão táp mưa sa mong ngóng bóng chồng về
Nước mắt nghìn năm hoá sông hoá suối
Nàng hoá non ngàn tình tự với người đi.
(Tô Thị BTLC I)
Ân tình mà khái quát với người nay, tình nay:

Mưa lai rai rét mứơt nổi da gà
Cơn sốt đến, bạn không rời cây súng
Lũ giặc còn lẩn quất gần xa...
Đời bạn tôi dừng lại tuổi thanh xuân
Nơi tổ quốc cần, bạn tôi có mặt
Dẫu đồng đội có người quay quắt
Bạn tôi như mạch suối nhỏ trong lành...
(Khúc tưởng niệm bên bờ suối – BTLC I)

Sự hi sinh giản dị mà lớn lao, tự hào là thế, song cuộc đời người lính vẫn phải chịu không ít thiệt thòi, mất mát này vào thơ Nguyễn Anh Nông mặn mòi, xa xót, cái xa xót của một tình yêu, một niềm tin:

Những tháng năm ở rừng
Sốt rét tái màu da
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng.
(Những tháng năm ở rừng – BTLC II)

Còn theo bước chân "Vô tình", bước chân của nội tâm, của tinh thần khát vọng thì ta cùng anh gặp:

Tình yêu hay là ảo ảnh
Trăm năm cỏ rối tơ lòng...
(Với cỏ – BTLC I)
Cái vời xa, thẳm sâu vô cùng khó nắm bắt, khó chuyển hoá tình yêu, ước mơ thành hiện thực khiến có lúc anh thấy:

Em đi sương khói
Anh về hư không...
(Em II – BTLC I)

Hay:
Một bước ngỡ tới đâu
Ngàn vạn bước chửa tới mình...
(Tha hương – BTLC I)

Tôi nghĩ, con người ta ai sống đa mang nhiều khát vọng và giàu trải nghiệm thì ít nhiều trong lòng cũng có luồng tâm trạng, cảm nhận này. Như thế là có nghĩa rằng Nguyễn Anh Nông đã có được những sáng tác tới cõi của thơ.
Tuy vậy, là cây bút sáng tác trong thời điểm hiện nay, trước sự cách tân thi pháp đang diễn ra có lúc khá ồn ào, Nguyễn Anh Nông cũng phân tâm, chịu sự chi phối không nhỏ. Đọc hai tập "Bàn Tay Lá Cỏ", nhất là ở tập II, ta thấy rõ điều đó. Thơ anh đã bắt đầu để câu chữ lấn cảm xúc. Sự giản dị trong cấu tứ, gần gũi đời thường trong các vấn đề,ý tưởng của thơ vốn là điểm mạnh của thơ anh, nay đang đánh mất đi trong hướng tìm tòi cách tân hình thức, cấu trúc ngôn ngữ, cách biểu cảm mới. Những bài như: Câu, Sen II, Sợ... người đọc dù có cố ngụp lặn, kiếm tìm với anh rồi kết cục cái vấn đề, ý tưởng anh dụng công thể hiện vẫn vô tăm tích, và cái còn lại toàn xác chữ nổi lên mặt nước. Nhiều cây bút chung dòng kiếm tìm sự cách tân thơ cũng từng chịu số phận vậy.
Cách tân thi pháp, tìm đến lối cấu trúc ngôn ngữ, khởi nguồn cho một dòng thơ mới, thiết nghĩ là điều cần thiết. Có đạt tới sự cách tân nào đó thì diện mạo thơ, giá trị nghệ thuật thơ của một thời đại mới được xác định độc lập, riêng biệt. Song nếu cách tân chỉ là sự cách tân hình thức thì dễ dẫn đến cái phi thơ. Sự thật từ lâu đã xác định: Giá trị lớn nhất: vĩnh hằng cần có trong thơ là giá trị tư tưởng, tinh thần thông qua nhạc điệu của xúc cảm tâm hồn thơ. Không chỉ cái bản (gốc – cội rễ), mà cả cái thể (xác - hình thức) của thơ vốn cũng chỉ được phép hoài thai, lớn lên trong cõi "vô" này thơ hiện ra, đi đứng, biểu cảm như một giá trị vật chất hiện hữu trong sức nương dậy của hơi thở, tâm thế cuộc sống, thời đại.
Bàn rộng ra như vậy khi đọc thơ Nguyễn Anh Nông, bởi cứ mỗi lần đặt những bài thơ được viết giản dị mà thành công, như các bài: Hoa cỏ tía, Cây đa đôi, với Uýt Man... bên những bài anh dụng công cách tân, cao giọng thì tôi lạ thấy tiếc thay cho anh. Giá như...
Nhưng thôi, nói tới chữ "nuối tiếc, giá như..." bao giờ chả dễ. Hãy nghe chính anh giãi bày: "Anh làm sao vẽ được – Nét thần tình toả hương..." (Với nguyên mẫu – BTLC II), thì hay, anh hàng tâm niệm, ý thức rõ về sự khó khăn, kỳ bí của nghệ thuật thơ.
Nương vào, tin vào sự nhận thức này, người đọc hi vọng: Với hai tâp thơ đã xuất bản, với tuổi đời còn trẻ, sức viết đang vào độ chín, Nguyễn Anh Nông sẽ có đủ tâm liệu, thi liệu để tạo dựng cho mình một con đường dẫn vào lâu đài thơ quân đội, nơi cư ngụ những tên tuổi lừng danh của các bậc đàn anh.
Xin chúc mừng anh, và chia sẻ niềm hi vọng cùng anh!

(*) Nguồn: Bài đã in báo Quân đội nhân dân cuối tuần, ngày 21- 4 – 1996.

Đ.T.K
Địa chỉ Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi hiện nay:
Ngõ 31-Tổ 11
Phường Phú Khánh
Thành phố Thái Bình
ĐT: 036.845.060

Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Cảm nhận "Bàn tay lá cỏ II"

Tác giả: Lê Thi Hữu


CẢM NHẬN "BÀN TAY LÁ CỎ II
(Tập II - NXB văn học Hà Nội 1995)
Thơ Nguyễn Anh Nông

Tình cờ "Bàn tay lá cỏ"của anh "hút" tôi bởi những bàn tay lá cỏ vươn dài, đan quấn nhau ẩn sau những thân cây trực chỉ ảo mờ tạo nên thế -cương - nhu hoà phối đẹp mắt.
Đọc" Bàn tay lá cỏ" suốt đêm trời trở lạnh trong vòm quê yên tĩnh. Chỉ còn lại những tiếng động - những tiếng động bổng trầm từ phía thơ anh. bất giác như đang đối ẩm với anh, uống với anh những giọt thơ ngọt ngào kì diệu.
Hình như đồng hồ vừa điểm chuông hai giờ sáng.
Gấp cuốn sách lại mà giai điệu thơ còn ngân mãi với những âm hưởng cuộc đời...
"Bàn tay lá cỏ" chiếm tôi bằng lối viết gây ấn tượng khá mạnh. Đó là cách biểu đạt nghệ thuật ngôn từ, là ý, tứ thoáng đạt vừa thắm tình người, vừa pha trộn tính triết lí hóm hỉnh, đáng yêu!
"Bàn tay lá cỏ" như một tập thơ phát hiện những màu sắc, góc cạnh cuộc sống bằng tư tưởng khát khao vươn tới giữa bao nhiêu day dứt, trăn trở đời thường.
Trong thơ anh: Tình yêu vừa hồn nhiên mơ mộng, vừa pha chú nuối tiếc buông bắt, chập chờn như thực, như ảo. tập thơ gồm 36 bài, 36 góc nhìn không giống nhau để tập hợp thành một áng thi ca nhân văn. hợp thanh "bàn tay lá cỏ " với những âm ba réo rắt lòng người.
Hai trạng thái ngược lý "tĩnh và động" mở đầu cho tập thơ được tác giả miêu tả như sự hợp phối nhịp nhàng. cái không gian đa chiều ấy (trong "tĩnh" có "động" trong "động"có"tĩnh") là màu xanh - cây. Là kiểu dáng - hòn non bộ. Là chấp chới cánh chim. Là vô thức trái rụng...
Nếu đó là cảnh thực của trần gian? của cõi người? thì "cõi người " cũng đáng yêu lắm chứ!
Chả đáng yêu sao tiên lại rung động cả hồn:
"Nghìn năm trầm mặc tiên đứng đấy
Có thấy hồn rung tận cõi người "
(Tĩnh và động)
Ơ hay! " cây đa đôi" rõ là hai gốc thế mà hai ngọn sao quấn quýt nhau thành một.
Tình cây còn khăng khít, gắn bó huống hồ lứa đôi:
"Cây được gần nhau còn quấn quýt
Trách gì trai gái cứ thành đôi"
(Cây đa đôi)
Cách sử dụng ngôn từ theo lối ví von là thi pháp thường gặp ở thơ anh, "Em - cây lúa" "Anh - mưa" tạo ra vẻ ý nhị, mềm mại của thơ ca:
"Em như cây lúa đồng khô cạn
Khao khát mưa- anh - đến cháy lòng"
(Cây lúa và giọt mưa)
Trước cái không còn gì để mất trong vườn thưa nhặt tiếng chim, niềm tin vẫn bật ra như tiếng reo: "Rất may, rất may - em ơi, chưa mất". Tôi đồng cảm với thái độ tự tin của anh, chỉ tiếc rằng chưa bao giờ tôi reo được tiếng "Rất may" tiếng "Rất may" của tái ông trong cổ tích...!
Khi cùng bè bạn:
"Tuý luý cái tình cái nghĩa" mà lời thơ vẫn kịp nhận ra:
Gió mưa đổ hột trong người "
(Thủ thỉ với Bằng Giang)
Phải rồi! đa tình là vướng khổ! anh trách anh hay nhắn gửi cuộc đời:
"Tình ơi, sao như chú bướm
Gặp hoa nào cũng xao lòng
Tơ vương trăm hương sắc lạ
Trách gì lắm nỗi long đong"
(Với hoa)
Đưa con "đom đóm " vào goc nhìn của thơ... hoá ra đó là những tàn lửa "Cháy hoài, cháy mãi chẳng tàn tro". Lối biểu đạt này làm thơ anh trẻ hơn, ngồ ngộ, đáng yêu hơn!
Cách so sánh: giống "như " giữa "cỏ tía" và" hoa" - ẩn trong góc khuất một ý " gợi " kín đáo, gây cho ta cảm giác tò mò - khám phá:
"Cỏ tía như là hoa tím pha..."
ừ, "Giống hoa" chứ đâu phải là hoa- vì cái "giống" đó mà cỏ tía mơ hồ chăng:
"Cỏ tía như là hoa tím pha..."
Giống hoa" chứ đâu phải là "Hoa" giữa thực ảo nhạt nhoà này là điều gì muốn nói???
"Tiễn" thật dễ xúc độngvới ngôn ngữ mộc mạc qua những lời thơ không khóc mà đằm nước mắt. Cuộc chia tay của anh có gì khang khác ư?
Vâng! " Anh đã quen" điệp ngữ ấy giấu trong đó những giọt nước mắt rất người:
" Anh đã quen cô đơn rồi
Anh đã quen với mưa nguồn gió núi
Anh đã quen hoang lạnh mỗi đêm đêm"
(Tiễn)
Viết về nỗi đau âm thầm của người vợ lính, của dư âm chiến tranh, sự ngắt nhịp trong câu thơ anh như dao cắt lòng người:
" Từng nhát chổi
lia ngang
tơi tấp gió
Những nhát chổi trong chiều
nào có bớt cô liêu?"
(Nhát chổi trong chiều)
ở " Tản mạn nghĩa trang" nỗi đau không bộc trực mà ẩn kín trong:
" Se se ngọn gió hồng hoang"
" Ngẩn ngơ lạc mất lối về"
Và: " Mấy người lỗi hẹn biệt ly.."
(Tản mạn ở nghĩa trang)
Trước dòng sông sóng bạc và chiều loay xoay bóng lá, niềm vui và nỗi buồn của người đi câu, của cá mắc câu là hình ảnh đối lập:
" Niềm vui-
Cắn câu rồi
rung rinh chiếc cá
Nỗi buồn-
vướng câu rồi-
tong tả rác rong"
(Câu)
Viết đến đây tôi nhớ Lê Liêu- một bạn thơ ở tỉnh N.B - anh đi câu nhưng khi câu được cá anh lại thả cá ra- lạ nhĩ! có phải đó là tính" nhân ái' của thơ chăng?
Kỷ niệm " Đêm rừng", Những tháng năm ở rừng là nỗi hoài niệm da diết quê hương:
" Ngày mấy bận ngóng thư
Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió"
Là nỗi niềm chia xẻ buồn vui:
" Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói
Tin quê: bão bùng lụt lội..."
(Những tháng năm ở rừng)
Anh bạn lính và quả bom câm là hai hình ảnh tương phản, nao lòng:
" Bom câm còn có tiếng
Mà bạn tôi âm thầm"
Sen? hay biểu tượng quê nghèo vươn lên từ bùn đất, ngan ngát hương thơm:
" Bông sen tựa trái tim
Trái tim hồng như lửa
Lửa ngan ngát hương thơm"
Với chất ngụ ngôn nghộ nghĩnh trong" Anh bạn tôi hành nghề câu ếch" tạo ra một tứ thơ dung dị lạ lùng- tứ thơ Nguyễn Anh Nông:
" Riêng tôi rất sợ
Nếu bỗng một hôm
Em- cô ếch cốm
Trong giỏ bạn tôi".
Đôi khi ta bắt gặp những vần thơ thực ảo, nhạt nhoà ẩn hiện giữa mông lung hơi thu, giữa ảo mờ sương tuyết trong dáng dấp vừa đường nét, vừa sương khói chập chờn:
Hình như mắt như mi và như tóc
Giàn giụa thu- cõi lẹ- sương tan"
(Hát dưới trăng vàng)
Đằng sau vẻ đẹp huyền ảo của cảnh vật, đằng sau sự tinh khiết của hương hoa là hình ảnh của mẹ càn cù, lam lũ:
" Run run rứt ngọn cỏ gà" quên cả" Chiều sập buông rồi" vì... chưa đầy gánh cỏ. Câu kết bài thơ khúc ca bên cỏ bật ra từ lời rao ứa lệ;
"- Ai thương cỏ với không?"
Đọc tới đây tôi nhớ tới thơ lê trí viễn trong câu:
"Mẹ nghèo buồn ế giỏ cua.."
(Quê nghèo)
Thơ Nguyễn Anh Nông có nhiều câu gợi, dễ cảm động:
"Chim câu trắng vừa bay vừa khóc
(Với chim câu trắng)
Hoặc gọi về hoà nhập cố hương:
"Mưa như buổi đầu ta xa nhà nhĩ"
"Tôi tìm lại một khoảng trời ngơ ngác
Đến lời bà ru thời thơ ấu:
"Cái cò cái vạc..." để kết lại những hình ảnh giếng làng và cô thôn nữ:
"Đây giếng làng như một mảnh hương trời
Em gái nhỏ chiều chiêu gánh nước
Em gánh cả bồng bềnh mây thổn thức
Chùng chình sóng sánh - nỗi đầy vơi"
(Về chốn cũ)
Anh viết: thơ anh như "Tạc vào đá vào hoa rừng ", "Gõ vào cồng vào chiêng"(Thơ trên đá)-Quả không ngoa ngữ.
Đọc thơ anh tôi yêu cái tính bướng bỉnh "Cóc sợ ai - kể cả trời" (Sợ)
Vì ngay cả ông trời cũng chỉ: "Lơ ngơ như cây cỏ thôi mà". Thì có gì mà đáng sợ?
Vâng! "Bàn tay lá cỏ" đã vươn tới độ chín của người cầm bút, nhiều bài, nhiều câu đã gây được ấn tượng, tuy chưa đạt đến "ý- cảnh- thần" nhưng lối biểu đạt nghệ thuật khá đa dạng, dễ cảm, dễ mến dù ở một số bài lối viết còn buông thả, cảm xúc còn lờ mờ đôi khi ngôn ngữ nặng về kiểu dáng, sắp xếp khiến chất thơ không thoát ra được:
"Trong- mù- mây -giáo -điều" (Sám hối).
"Loảng xoảng
Em cười
Gương rơi"
(Em cười)
Vâng! ra một tập thơ để chiếm được cảm tình của bạn đọc như " Bàn tay lá cỏ" không phải dễ dàng gì. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng tập thơ đã để lại trong tôi, trong bạn đọc một ấn tượng khó quên, một phong cách Nguyễn Anh Nông, để rồi càng đọc anh càng thấy say, thấy yêu như sắt bị hút vào cực nam châm vậy.
Cuối cùng tôi cũng học ở anh cái bướng bỉnh rất thơ:
" Cóc sợ ai
Kể cả trời"
Và ngồi viết dòng cảm nhận quê kệch này./.

Ninh Bình, 24/11/1997

Lê Thi Hữu
Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình

Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Đọc Bàn tay lá cỏ - Hai tập

Tác giả: Đỗ Trọng Khơi


Ô hay, giọt nước con con
Mà sao tích tụ ngọn nguồn gió mưa

Câu thơ trong bài “Giọt Nước”Nguyễn Anh Nông đề tặng người thầy giáo thủa đầu đời của mình. Có thể nói, khơi nguồn từ “Giọt nước con con” tri thức ấy, đôi “Bàn Tay Lá Cỏ”- (NXB Văn học vừa cho ra mắt bạn đọc) được phôi thai và lớn nên.
Ta hãy đọc niềm tâm sự trong bài thơ “Với quê”(Bàn Tay Lá Cỏ - tập 1- BTLC 1 ) anh viết trên đường tha hương khi nghĩ về cảnh bão lụt nơi trôn rau cắt rốn:

Dẫu yến tiệc quê người
Vẫn không sao ngon miệng
Ngửa mặt nên nhìn trời
Ngẩn ngơ chòm mây liệng...

Hay khi anh thổn thức với số phận một người bạn lính:

Sớm chiều bạn tôi gõ kẻng
Âm ỉ quả bom câm
Bom câm còn có tiếng
Đời bạn tôi âm thầm..
(Bên quả bom câm – BTLC II)

Tình thơ như thế ,ngôn ngữ thơ mộc mạc mà hàm súc, sâu lặng, người bình thơ không phải cắt nghĩa, lý giải dài dòng, bạn đọc thơ dù trình độ nào cũng tiếp cận, đồng cảm được.
Theo bước chân người lính - người thơ Nguyễn Anh Nông, ta thử bước chân “hình thể vật chất”khi lên núi rừng Cao Lạng, lúc xuôi dòng Trà Lý đồng quê Thái Bình, hay cùng anh trước tượng người xưa, tình xưa:

Nàng lặng lẽ bồng con đứng đợi
Giữa bão táp mưa sa mong ngóng bóng chồng về
Nước mắt nghìn năm hoá sông hoá suối
Nàng hoá non ngàn tình tự với người đi.
(Tô Thị BTLC I )
Ân tình mà khái quát với người nay, tình nay:

Mưa lai rai rét mứơt nổi da gà
Cơn sốt đến, bạn không rời cây súng
Lũ giặc còn lẩn quất gần xa...
Đời bạn tôi dừng lại tuổi thanh xuân
Nơi tổ quốc cần, bạn tôi có mặt
Dẫu đồng đội có người quay quắt
Bạn tôi như mạch suối nhỏ trong lành...
(Khúc tưởng niệm bên bờ suối – BTLC I)

Sự hi sinh giản dị mà lớn lao, tự hào là thế, song cuộc đời người lính vẫn phải chịu không ít thiệt thòi, mất mát này vào thơ Nguyễn Anh Nông mặn mòi, xa xót, cái xa xót của một tình yêu , một niềm tin:

Những tháng năm ở rừng
Sốt rét tái màu da
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng.
(Những tháng năm ở rừng – BTLC II)

Còn theo bước chân “Vô tình”, bước chân của nội tâm, của tinh thần khát vọng thì ta cùng anh gặp:

Tình yêu hay là ảo ảnh
Trăm năm cỏ rối tơ lòng...
(Với cỏ – BTLC I )
Cái vời xa, thẳm sâu vô cùng khó nắm bắt, khó chuyển hoá tình yêu, ước mơ thành hiện thực khiến có lúc anh thấy:

Em đi sương khói
Anh về hư không...
(Em II – BTLC I )

Hay:
Một bước ngỡ tới đâu
Ngàn vạn bước chửa tới mình...
(Tha hương – BTLC I )

Tôi nghĩ, con người ta ai sống đa mang nhiều khát vọng và giàu trải nghiệm thì ít nhiều trong lòng cũng có luồng tâm trạng, cảm nhận này. Như thế là có nghĩa rằng Nguyễn Anh Nông đã có được những sáng tác tới cõi của thơ.
Tuy vậy, là cây bút sáng tác trong thời điểm hiện nay, trước sự cách tân thi pháp đang diễn ra có lúc khá ồn ào, Nguyễn Anh Nông cũng phân tâm, chịu sự chi phối không nhỏ. Đọc hai tập “Bàn Tay Lá Cỏ”, nhất là ở tập II, ta thấy rõ điều đó. Thơ anh đã bắt đầu để câu chữ lấn cảm xúc. Sự giản dị trong cấu tứ, gần gũi đời thường trong các vấn đề,ý tưởng của thơ vốn là điểm mạnh của thơ anh, nay đang đánh mất đi trong hướng tìm tòi cách tân hình thức, cấu trúc ngôn ngữ, cách biểu cảm mới. Những bài như: Câu, Sen II, Sợ... người đọc dù có cố ngụp lặn, kiếm tìm với anh rồi kết cục cái vấn đề, ý tưởng anh dụng công thể hiện vẫn vô tăm tích, và cái còn lại toàn xác chữ nổi lên mặt nước. Nhiều cây bút chung dòng kiếm tìm sự cách tân thơ cũng từng chịu số phận vậy.
Cách tân thi pháp, tìm đến lối cấu trúc ngôn ngữ, khởi nguồn cho một dòng thơ mới, thiết nghĩ là điều cần thiết. Có đạt tới sự cách tân nào đó thì diện mạo thơ, giá trị nghệ thuật thơ của một thời đại mới được xác định độc lập, riêng biệt. Song nếu cách tân chỉ là sự cách tân hình thức thì dễ dẫn đến cái phi thơ. Sự thật từ lâu đã xác định: Giá trị lớn nhất: vĩnh hằng cần có trong thơ là giá trị tư tưởng, tinh thần thông qua nhạc điệu của xúc cảm tâm hồn thơ. Không chỉ cái bản ( gốc – cội rễ), mà cả cái thể (xác - hình thức) của thơ vốn cũng chỉ được phép hoài thai, lớn lên trong cõi “vô” này thơ hiện ra, đi đứng, biểu cảm như một giá trị vật chất hiện hữu trong sức nương dậy của hơi thở, tâm thế cuộc sống, thời đại.
Bàn rộng ra như vậy khi đọc thơ Nguyễn Anh Nông, bởi cứ mỗi lần đặt những bài thơ được viết giản dị mà thành công, như các bài: Hoa cỏ tía, Cây đa đôi, với Uýt Man... bên những bài anh dụng công cách tân, cao giọng thì tôi lạ thấy tiếc thay cho anh. Giá như...
Nhưng thôi, nói tới chữ “nuối tiếc, giá như...” bao giờ chả dễ. Hãy nghe chính anh giãi bày: “Anh làm sao vẽ được – Nét thần tình toả hương...” ( Với nguyên mẫu – BTLC II), thì hay, anh hàng tâm niệm, ý thức rõ về sự khó khăn, kỳ bí của nghệ thuật thơ.
Nương vào, tin vào sự nhận thức này, người đọc hi vọng: Với hai tâp thơ đã xuất bản, với tuổi đời còn trẻ, sức viết đang vào độ chín, Nguyễn Anh Nông sẽ có đủ tâm liệu, thi liệu để tạo dựng cho mình một con đường dẫn vào lâu đài thơ quân đội, nơi cư ngụ những tên tuổi lừng danh của các bậc đàn anh.
Xin chúc mừng anh, và chia sẻ niềm hi vọng cùng anh!


(*) Nguồn: Bài đã in báo Quân đội nhân dân cuối tuần, ngày 21- 4 – 1996.

Đ.T.K
Địa chỉ Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi hiện nay:
Ngõ 31-Tổ 11
Phường Phú Khánh
Thành phố Thái Bình
ĐT: 036.845.060
Chưa có đánh giá nào