Thơ » Việt Nam » Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn » Mạc Thiên Tích » Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh
Đăng bởi Vanachi vào 25/09/2008 04:41
Lơ thơ kìa núi nọ non,
Đời bao mấy lũ, cảnh còn nhưng nhưng.
Mắt láo lưng, mảng nhìn hoa cỏ,
Một Đông Hồ là thú Võng Xuyên.
Vũng bằng nước trải trời liền,
Chén quỳnh rượu cúc dòng thuyền giúp vui.
Nguyệt sao soi một vùng vãn vãn,
Tượng giữa dòng in sẵn cung nga.
Khách tiên vầy lũ đôi ba,
Trên khoe mặt ngọc, dưới loà đài gương.
Một mình mang muôn trùng xa cách,
Nhìn nhau thì trong sạch nước thu.
Nổi chìm đã hẳn trước sau,
Lòng không chốn hiểm quản đâu lạnh lùng.
Hiu hiu ai phất gió đông,
Trên hồ tinh tú một dòng lung lay.
Kẻ gió mây người thì non nước,
Hai phía đều chiếm được thu thanh.
Cảnh lành như đợi người lành,
Mua nhàn một khắc giá đành nghìn cân.
Thấy tinh thần tấm lòng phơi phới,
Cảnh vẽ vời xui lại nguồn tham.
Khuyên ai chưa trả áo cơm,
Đã say thế nước, lại ôm thế trời.
Mấy khách chơi xa gần tòng tụ,
Rượu thơ bày chẳng ngủ năm canh.
Say sưa xem cảnh hoà thanh,
Ca xoang dưới nguyệt tiếng đoanh trên ngàn.
Mấy khách thuyền mỗi tài mỗi đủ,
Thưởng giai kỳ kẻo phụ lương tiêu.
Hoà nghe, hoà tỏ, hoà xiêu,
Gió mưa phủi động nước bèo khiến tan.
Chút lời hoan giải vần tả cảnh,
Miễn đừng cười, dễ sánh tiền chương.
Thơ rằng:
Một hồ lẻo lẻo tiết thu quang,
Giữa có vần trăng nổi rõ ràng.
Đáy nước chân mây in một sắc,
Ả Hằng nàng Tố lố đôi phương.
Rạng thanh đã hứng thuyền Tô Tử,
Lạnh lẽo càng đau kiếng Nhạc Xương.
Cảnh một mà tình người dễ một,
Kẻ thì ngã ngớn kẻ sầu thương.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên ngày 20/06/2009 13:50
Đông hồ ấn nguyệt (chữ Hán: 東湖印月,) có nghĩa hồ phía đông in hình trăng, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh[1].
Cả hai thi phẩm đều nói về một khu đầm tự nhiên nằm ở phía Đông trấn Hà Tiên xưa, nay thuộc phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (Việt Nam).
Đông Hồ rộng khoảng 1.047 ha (có nguồn ghi 14 Km2), là nơi hợp lưu giữa kênh Vĩnh Tế với sông Giang Thành trước khi đổ ra vịnh Thái Lan. Lẽ ra nơi đây phải được gọi là đầm, phá hay vũng; nhưng người xưa đã quen gọi là hồ, vì lẽ từ trên cao nhìn xuống, núi Tô Châu (đại Tô Châu, tiểu Tô Châu), núi Kim Dữ và núi Bình San vây quanh, không còn trông thấy cửa biển, nên nó trông giống một cái hồ hơn.
Sách Gia Định thành thông chí giới thiệu hồ như sau:
Ấy là hồ ở trước trấn thự, phía nam khóa thủy khẩu của hải cảng Hà Tiên chặt chẽ để giữ địa khí, bề ngang 5 trượng, sâu 10 thước ta. Phía bắc tiếp với hạ lưu sông Vĩnh Tế. Lòng hồ mênh mông rộng 71 trượng, gọi là hồ Hà Tiên, còn gọi là Đông Hồ, vì hồ ở về phía đông vậy. Giữa hồ có nổi cồn cát non, phía đông và phía tây nước sâu trên dưới 5 thước ta, thuyền bè ở sông ở biển đến đậu chen nhau, người buôn tụ hội đông đảo. Cảnh trăng nước mênh mang, trong 10 cảnh ở Hà Tiên đây là cảnh Đông Hồ ấn nguyệt (trăng in Đông Hồ).
Ngày trước, nối hai bờ Đông hồ là một chiếc cầu phao, bây giờ đã có cầu bê tông.
Thơ:
Bài chữ Hán (xem bên trên)
Bài chữ Nôm
Đây là một khúc vịnh 34 câu (2) được Mạc Thiên Tứ viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát gián thất (Song thất lục bát), mà cuối đoạn gắn liền với một bài thơ luật (8 câu). Thể thơ này rất thịnh hành thời cuối Lê.
Bài thơ luật như sau:
Một hồ lẻo lẻo tiết thu quang,
Giữa có vầng trăng nổi rỡ ràng.
Đáy nước chân mây in một sắc,
Ả Hằng nàng Tố ló đôi phương.
Rạng thanh đã hứng thuyền Tô Tử,
Lạnh lẽo càng đau tiếng Nhạc Xương.
Cảnh một mà tình người dễ một
Kẻ thì ngả ngớn kẻ sầu thương.
Cả hai bài đều chú trọng tả cảnh một vầng trăng in bóng xuống mặt hồ, thành đôi bóng song song trên trời dưới nước. Đề cập đến bài Hán thi, theo thi sĩ Đông Hồ thì toàn thể bài không nói lên được ý cảnh của đầu bài là “ấn nguyệt”. Tác giả chỉ nói được tư thế của mình cũng có thể sánh với triều đình nhà Thanh và nhà Nguyễn. Hai câu luận (5 &6) bộc lộ ý rõ ràng: “Trời” và “biển” được dùng để chỉ hai triều đình trên.
Với bài thơ Nôm, thi sĩ Đông Hồ có lời bình đại để như sau:
Tả một hồ nước trong vắt đương tiết mùa thu quang đãng. Tại sao lại chọn vào tiết mùa thu? Bởi núi thì đẹp vào mùa xuân mà nước thì đẹp vào mùa thu. Một vầng trăng vành vạnh nổi giữa thanh không in bóng xuống mặt hồ trong leo lẻo. Dưới như hô như ứng, như tiếng vang, như ảnh tùy hình. Ở hai câu đầu, hồ và trăng riêng rẽ, đến hai câu thực (ba & bốn), trời với nước mới hòa đồng, trăng với hồ mới hỗn hợp. Trong cảnh sắc đó, có người hân hoan như chàng Tô Tử thả thuyền trên sông Xích Bích, nhưng cũng có người đeo mối bi ai như nàng Nhạc Xương[3]. Mới biết ngoại cảnh là một, mà cảnh ngộ tâm tư đâu đã giống nhau.
Tóm lại, bài thơ Nôm có tám câu, mà câu nào cũng vừa đúng với ý cảnh, với tâm tình. Nửa bài trê, tả cảnh trăng cảnh nước, nửa bài dưới, đáng lẽ nói lên niềm vui trọn vẹn thì tác giả lại để vào đó một niềm bi thu não nuột, làm cho chúng ta thấy cuộc hoan lạc ở đời, không bao giờ được hoàn toàn. Bài thơ vì thế có đôi chút triết lý nhẹ nhàng...
So lại, bài thơ Nôm hay hơn, trau chuốt hơn bài Hán thi. Cách đây hơn hai thế kỷ mà lời thơ đã trau chuốt, lọc lõi đến như thế, thật là một điều đáng lạ và đáng quý...[4].
Bùi Thuỵ Đào Nguyên, giới thiệu.