Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu

 

Giáo đầu

Chiều Bích Câu

Lão núi

Mùi sầu riêng

 

Ảnh đại diện

Bóng chữ còn in bóng người

Vậy là “người phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn - Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần.

Cả bốn ông rồi ra đều đã được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhưng hơn hết, Lê Đạt, cùng với Hoàng Cầm, tuổi trời còn cho sống để được sống lại đời thơ của mình trong dòng chảy văn học chung của dân tộc, để được phát lộ mình dẫu muộn màng trong sự vận động mới của văn học nước nhà.

Lê Đạt trở lại với thi đàn sau gần 30 năm im tiếng là khắc ghi ngay ấn tượng của mình đối với giới thơ và công chúng yêu thơ. Lê Đạt của thời Cha tôi (1956) đã biết không cam chịu cảnh sống “Rũ đầu chết ngạt trong bùn / Năm tháng mài mòn bao nhiêu khát vọng”. Lê Đạt của thời Bài thơ trên ghế đá (1957) đã biết yêu tự do cho mỗi cảm xúc, tư tưởng. Khi ấy, Lê Đạt đang là một nhà thơ trẻ với tất cả sự hăng say và mạnh mẽ của tuổi trẻ cùng với lòng tin chân thành và lãng mạn của một thế hệ vừa làm xong cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng đất nước.

30 năm sau, khi đất nước làm một cuộc đổi mới, Lê Đạt đã ở tuổi lên lão, nhưng thơ ông được nung luyện trong tâm trí văn hoá của một người biết sống và biết đọc đã làm bất ngờ cả những người vốn chờ đợi. Không kể lớp trẻ như ông hoặc trẻ hơn ông thời trước, họ đã bị kinh ngạc. Tập thơ Bóng chữ (1994) của Lê Đạt như một tuyên ngôn, như một thách thức người làm thơ và người đọc thơ:

Tuổi lú lẫn ngược nhầm ga trẻ dại
Hay ngây ngô không biết lối về già
Thơ thẩn chữ ngã ba
Những câu thơ không dễ đọc do sự phối trí khác lạ âm và thanh, chữ và nghĩa, cùng với một tuyên bố nhà thơ là “phu chữ”, người làm thơ không thể chỉ biết tiêu thụ cái nghĩa tự vị của từ như trong từ điển, đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Chữ hay là bóng chữ mới là cốt yếu của thơ. Có người đọc thơ Lê Đạt ngộ ra những khả năng, những chân trời mới của thơ. Có người, trái lại, đọc thơ ông mà thấy như lạc lối. Một cuộc tranh luận đã bùng ra quanh Bóng chữ. Nhiều người đọc, và khá nhiều người làm thơ, đã phải nghe giảng giải thơ là gì, thơ là thế nào, như để có một chiếc chìa khoá mở cửa vào thơ Lê Đạt.

Trong khi gây đột biến đó cho làng thơ, Lê Đạt vẫn âm thầm, miệt mài sự lao động chữ như khổ sai mà lại như khoái cảm của mình cho thơ. Mặc ai bàn tán, khen chê, ông cứ thẳng một đường mình đi.

Với ông, được làm thơ, được sống với thơ, được cùng thơ thoả khát vọng phiêu lưu cùng chữ và nghĩa, thế là đã đủ mãn nguyện, đã sung sướng được sinh ra đời làm một người sáng tạo.

Đọc Lê Đạt ở bất cứ cái gì ông viết ra nói ra, dù đó là thơ, là truyện, là bài tản mạn hay bài trò chuyện, tôi luôn bị ấn tượng bởi cách nói, cũng tức là phản ánh cách tư duy của ông. Một cách tư duy và một cách nói ra thành lời những điều tư duy in đậm cái nét riêng không thể lẫn trộn của Lê Đạt. Nó khiến người đọc không thể thờ ơ những điều ông nghĩ, ông nói. Nó khiến Lê Đạt vẫn hiện đại đồng hành cùng lớp trẻ đầu thế kỷ 21. Nó khiến người ta phải nhìn lại thơ bằng con mắt duy lý, ngoài sự thành kính, đam mê và cảm xúc. Ông không ngừng sục sạo các ngõ ngách của từ và tiếng, của chữ và lời, không ngại làm mới và không sợ bị coi là khác lạ. Thơ Lê Đạt cổ điển trong vẻ hiện đại, đẹp trong sự tân kỳ. Tưởng nhớ ông, hãy cùng đọc lại một bài thơ thành công nhất của ông:

Bóng chữ

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung
nhớMưa mấy mùa mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu.
Cái mùi hoa đi vắng mà vẫn làm thức vườn, cái sự em ở đâu khi em vẫn ở đây - đó chính là bóng chữ của Lê Đạt, chính là thơ ông.


Phạm Xuân Nguyên

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Mã thơ Lê Đạt

Tác giả: Đỗ Lai Thúy


Lòng mới ngỏ yêu
tim ngọng nói
Lời tỏ tình chưa sáng sõi bình minh

(Lê Đạt)

Cách đây khoảng hơn hai chục năm, tôi sống trong một căn phòng áp mái trong ngôi nhà lớn nhìn thẳng ra Hồ Gươm. Những buổi chiều, sau khi đi làm về, tôi "được lệnh" của vợ "ra nhà trẻ đón con rồi đưa nó ra hồ để thở". Đây là lúc thư thả nhất trong ngày. Tôi chọn một ghế đá, ngồi ôm con, nhìn thiên hạ diễu qua trước mắt. Trong cái đám đông đi dạo dưỡng sinh quanh hồ ấy, ngày nào tôi cũng thấy một người "tham trẻ sợ già" qua mặt tôi đến hai ba vòng. Ông khoảng năm mươi tuổi, đầu cắt ngắn, quần soóc, áo cộc. Khi thì đi trầm ngâm một mình, khi thì dăm ba người, cười cười nói nói. Một hôm, khi ông ngang qua, thấy tôi mải nhìn theo, ông già ngồi cùng ghế bỗng nói: "Anh biết ông ấy à? Ông bình vôi đấy!". Tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu, thì ông sẽ sẽ đọc:

Những người sống lâu trăm tuổi
y như một chiếc bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại


À ra Lê Đạt. Hình giờ mới biết, nhưng tiếng thì đã từ lâu với nhiều giai - huyền thoại. Có lẽ với tôi lúc ấy, văn chương còn là chuyện ngoại đạo, nên tôi chỉ ngồi từ xa mà nhìn ông như một tượng đài quá khứ. Mãi sau này, tôi mới biết rằng, cái tượng đài ấy không chỉ biết phong rêu và trang nghiêm đứng cho đời chiêm ngưỡng, mà còn biết đi, biết đồng hành với thời gian.

Tôi chỉ thực sự quen Lê Đạt sau sự ra đời của cuốn Con mắt thơ (1992) của tôi và Bóng chữ (1994) của ông. Thực ra, sự làm quen trên thực tế này chỉ là một tiếp nối lôgích của những gặp gỡ trên chữ nghĩa từ trước. Trong khi đang chối từ lời chào mời đồng đội của đại lộ phê bình xã hội học để rẽ lối vào phê bình mới, tôi hạnh ngộ ở ông cũng một hành trình đi tìm cho thơ một ngôn ngữ mới. Thơ Lê Đạt, bởi vậy, là một môi trường lý tưởng để thực hành phương pháp phê bình ngôn ngữ học. Và, có thể, cũng chỉ có bộ công cụ ấy mới khai thác được những đóng góp mới mẻ của thơ Lê Đạt chăng?

*

Sau rất nhiều ướm thử, tôi đặt tên cho bài viết đương thai của mình là Mã thơ Lê Đạt. Cũng như trường hợp những người yêu nhau, cái tên cho đứa bé sắp ra đời là rất quan trọng. Nó không chỉ định hướng mà còn định hình cho sự phát triển và diện mạo của thai nhi. Chữ tôi dùng ở đây có hai nghĩa. Mã là tạng, tạng người, tạng thơ. Mã cũng còn là mật mã, là code của một hành ngôn thơ. Và người ta có thể thấy mã này (tạng thơ) nằm ở trong mã kia (code thơ), bởi thơ Lê Đạt là một ngôn ngữ.

Có lẽ, khi Cửa hàng Lê Đạt bị đóng, trong những tháng ngày cô đơn tầm thư học chữ ở Thư viện Quốc gia, câu nói nổi tiếng của S. Mallarmé: người ta không làm thơ bằng những tư tưởng, mà bằng những chữ, đã là một thứ công án làm nhà thơ đốn ngộ. Cái nghịch lý hiển nhiên, sự đối thoại trực diện của nó với một nề nếp thơ ca nói chí, chở đạo đã tạo ra một chấn động tâm lý, và vỡ một nhận thức, khai nguyên một ngôn ngữ mới. Lê Đạt đã mạnh dạn từ bỏ những mùa khem, những câu kinh kệ cũ mèm, Amen, để lột xác thành một nhà thơ mới. Ông ký đăng vào ngôi chùa Quốc ngữ như một đứa trẻ được bán khoán và chỉ tính tuổi mình, tiểu sử nói của mình theo giấy tái khai sinh:

Thuở ấy tôi rất già
Mở miệng
khuôn tổ tiên rập nói
Tôi bán khoán cửa
chùa Quán Ngữ
Lời chuộc tuổi mình
Nói thật khai sinh

(Chuộc tuổi)

Từ tư tưởng trên của Mallarmé, Lê Đạt coi "chữ bầu nên nhà thơ", hoặc nhà thơ là "phu chữ". Điều này đã vấp phải cái lương tri thông thường. Người này coi thơ Lê Đạt như sự lừa dối. Họ đọc thơ ông như bóc một tấm bánh: lột hết lớp lá ngôn từ này đến lớp lá ngôn từ khác mà chẳng thấy cái nhân tư tưởng ấy đâu.

*

Đọc Bóng chữ, người ta thấy rõ ràng ông bị từ nhập, từ ám. Ngoài nhan đề, các từ chữ, âm, trang, nghĩa… xuất hiện trong thi phẩm với một tần số rất cao:

- Vẩy chữ thăng hoa
- Bước thị thơm chân chữ động em về
- Tha thẩn chữ ngã ba
- Chữ khép lối đồi chim non câu ngủ
Trang tầm xuân
cau chưa mở nụ ngà
Đàn từ non
âm hé môi cong mỏ hót


Sức ám của con chữ (chứ không phải con tự, một thứ rửng mỡ như Tú Xương nói: "Chắc hẳn thịt xôi lèn chặt dạ, Không dưng con tự bỗng thòi ra") cũng mãnh liệt như sự ám ảnh của con dục (libido), có khi còn mạnh hơn, ít nhất ở một số nhà thơ. Nó thúc đẩy thi nhân phải đi tìm chữ. Lê Đạt có nhiều tuyên ngôn chữ, nhưng đặc hơn cả có lẽ là Chi Chi Chành Chành. Mượn lời thiêng con trẻ, nhà thơ sấm truyền thông điệp của mình:

Chi chi chành chành
Chữ đanh thổi lửa


Đanh là cái đinh, có thể là một dụng cụ đánh lửa của người xưa. Đanh cũng là rắn lại, co lại, sắt lại. Chữ đanh là chữ được cô đặc, nén chặt, hàm xúc. Lửa là năng lượng, sức nóng, sự toả sáng. vật chất càng đặc thì năng lượng càng lớn. Chữ càng đanh thì hàm nghĩa càng lớn. Và muốn có chữ đanh thì nhà thơ phải khổ công đi tìm trong đám vật liệu ngôn từ nhật dụng, một thứ "quặng chữ" theo cách nói của Maia:

Cấp kế đi tìm
Ta vẫn đi tìm


Đi tìm là một tư thế thường trực của nhà thơ, bởi vì trước khi con chữ xuất hiện chưa có nhà thơ, nhà thơ do những cử tri chữ bầu lên. Tìm ở khắp nơi kể cả bên kia thế giới:

Mai sau ta chết
Ai đó đừng quên
Đưa ta dăm đồng
Để ta ăn đường
Để ta sang sông
Để ta đi tìm


Cuộc tìm chữ một cách khổ công như vậy (Lê Đạt gọi nhà thơ là phu chữ) cũng chẳng phải là điều mới. truyền thống thơ Á Đông và thơ Trung đại thế giới là truyền thống tìm chữ. "Sự bao cấp tư tưởng" của đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, của các chế độ chuyên chế tìm kiếm cái đẹp ở những kiến trúc tổng thể, những tư tưởng và triết học của riêng mình, nên đành phải hướng tài năng vào việc tinh luyện câu chữ. Các nhà thơ Trung Hoa và Việt Nam đua nhau đi tìm các thần tự, nhãn tự. Đỗ Phủ làm thơ mà chưa hạ được một chữ kinh động quỷ thần khi ăn không ngon ngủ không yên. Giả Đảo mắc kẹp giữa hai chữ thôi, xao như con lừa chết đói giữa hai bó cỏ... Các nhà thơ xưa thường tìm nghĩa của chữ ở trong bản thân chúng, tức là ở trong cái hiện thực mà nó phản ánh. Họ không biết rằng, chữ nghĩa chỉ là một thứ ký hiệu mang tính võ đoán. Nghĩa của từ ở ngoài câu là ở dạng tiềm sinh. Nghĩa chỉ xuất hiện khi từ có quan hệ kề cận hoặc lựa chọn với các từ khác trong câu. Phát hiện này của F. de Saussure đã làm cho ngữ học thực sự trở thành một khoa học (với nghĩa là có đối tượng riêng, có phương pháp riêng). Các nhà thơ hiện đại không thể không biết đến ngữ học như là một khoa học về vật liệu, vật liệu ngôn từ. Nhưng nhà thơ không chỉ dừng lại ở vật liệu, mà phải biến vật liệu thành nghệ thuật, biến ngôn ngữ tiêu dùng (giao tiếp) thành ngôn ngữ thi ca, bằng sự cấu trúc hóa nó, nghĩa là đặt nó vào những tương quan mới để nó phát nghĩa mới.

Trong ngôn từ nhật dụng, mỗi từ thường chỉ phát một nghĩa, bởi nếu phát nhiều nghĩa thì tạo ra sự nhiễu tin làm ách tắc quá trình giao tiếp. Đa số những người làm thơ hiện nay vẫn sử dụng kiểu phát nghĩa đơn tuyến này. Người phu chữ Lê Đạt không đi tìm những thần tự, nhãn tự để làm sang cho thơ. Sự tìm chữ của ông thực chất là tìm cách phát nghĩa mới: chữ đanh thổi lửa. Mỗi từ của Lê Đạt đều phát nhiều nghĩa, bởi nó nằm trong nhiều mối quan hệ với các từ khác trên cả trục kề cận lẫn trục liên tưởng.

Đọc Bóng chữ, người ta thấy có nhiều từ mới, có lẽ, của riêng trong tự vị Lê Đạt. Ông sáng tạo chúng bằng cách ghép những từ mà trong đời sống tự nhiên chúng chẳng bao giờ có duyên kết hợp với nhau với nhau. Cuộc hôn phối này sở dĩ đứng được là do ông Q thợ trời biết nhúng chúng vào một tiểu khí hậu thơ. Nhân tạo thành thiên nhiên, kỹ thuật thành nghệ thuật. Đó là những từ nai phố, tấm chữ (phiến, cô Tấm), boong phố (Boong phố nổi chàm nê ông lạ), tim môi (Mộng anh hương/tim môi anh bói đỏ), tuổi đèn (Gió ăng ten / Phố mấy tuổi đèn), bát mộ (Hồn có nhà/ hay bát mộ đi xanh)...

Cũng có khi, để tăng khả năng phát nghĩa của từ, nhà thơ đặt từ B vào giữa từ A và từ C (theo kiểu A-B-C) để B tham gia vào cả hai mối quan hệ, nên nó có hai nghĩa khác nhau cùng phát một lúc:

- Thu mở mùa chim mây vỡ tổ
- Nay mùa đông lúa
Ngô bồng bông con


mùa chim thì chim là thật, ở chim mây thì chim là ẩn dụ. Người ta có thể đọc Thu mở mùa chim/mây vỡ tổ hoặc Thu mở mùa/chim mây vỡ tổ. Nhưng đọc thơ là đọc cùng một lúc và toàn khối, nên ta có đồng thời hai nghĩa của chim. Sự chuyển dịch từ nghĩa này sang nghĩa kia tạo nên hứng thú. Cũng như vậy, mùa đôngđồng lúa, bồng bôngbông con, rồi bồng... con, như một hình ảnh thơ.

Trên đây là đặt từ trong mối liên hệ kề cận, liên hệ tuyến tính, còn trong mối liên hệ liên tưởng thì mỗi từ đều có quan hệ với các từ khác nhờ trường ngữ nghĩa. Như trong hai câu thơ Mưa rửa đền/ Hoa tuổi trắng lau quên, chữ lau có thể là hoa lau, màu bạc trắng, gợi một niềm quên lãng, mầu thời gian. Nhưng câu trên có chữ rửa, cho nên chữ lau còn có thể được hiểu như là chùi, xóa. Cả hai cách hiểu đều có nghĩa. Hơn nữa, chữ đền cũng có hai nghĩa: 1) Là ngôi đền do liên ý mưa rửa chùa (trước ngày hội hay trước ngày Phật đản); 2) là đền bù. Cũng nằm trên trục liên tưởng, mật từ nằm trong văn bản, do cách dùng đặc biệt của nó, có thể gợi nhắc đến những từ khác hoặc ngữ liệu khác vắng mặt trong văn bản, nhưng thường trực trong kho kinh nghiệm và tri thức của người đọc.

Một đàn ngày trắng phau phau
Bì bạch bờ xoan nước mát

(Thủy lợi)

Câu trên làm người ta nhớ đến câu đó - câu ca dao "Một đàn cò trắng phau phau / Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm". Chữ bạch ở câu dưới bất giác làm ta nhớ đến câu đối kiểu của Đoàn Thị Điểm ra cho Quỳnh, khi anh chàng tinh nghịch này nhòm trộm nàng tắm: "Da trắng vỗ bì bạch". Những liên văn bản này đều nói đến "tắm", đến "nước", những bổ sung cần thiết cho chủ đề thủy lợi.

Phong cách ngôn ngữ thơ Lê Đạt, theo cách hiểu hiện hành, là một phong cách không thuần nhất, "hầm bà làng". Trước hết, đó là sự trở về với những nguyên âm. Bóng chữ sử dụng rất nhiều nguyên âm. Có điều, do đặc điểm của tiếng Việt, các nguyên âm ấy đều mang nghĩa, mà phần nhiều đều là một từ: o (Ngò trắng ổ hoa vườn trứng cuốc / Tù và ngà ai ọ nghé đồng tranh; Đèn mơ ngơ/ Xuân ớ/ Ngã từ ờ...), (Gió ú đầu ga / Mưa oà thiên hà), e (Chỉ bóng anh / ò e / xe Văn Điển), u (Ngõ trắng bời bời mây nổi / U ú thiên hà / tàu nhả khói ngã ba; Tim ù ù / gió ú / một nguyên âm…). Nguyên âm, có lẽ, là những tiếng đầu tiên của con người chuyển từ "ngôn ngữ" không phân tiết của loài vật sang ngôn ngữ phân tiết của người. Sự ú ớ của họ mang nặng bao tình cảm, kinh nghiệm của thời tiền sử. Việc Lê Đạt sử dụng nhiều nguyên âm u (u là mẹ, u là đất, đất mẹ) như một tiếng mời gọi trở về với cội nguồn nguyên thủy, cội nguồn vô thức. Ngoài ra, ông còn sử dụng nhiều từ thuần Việt và các ngữ liệu dân gian, như Bống bống, Tấm, Bích câu, Từ Thức... để tạo thành một chiều sâu văn hóa. Tuy vậy, ông không quên đưa những từ hiện đại và đời sống hiện đại vào thơ như: tạm ứng (Nhận ra tôi chỉ gốc cây gạo cụt / Tạm ứng nửa trời hoa trước đón nhau), Kênh hoa sen, cấm vận (Tại bến nu đòng em khép mọng / Kênh hoa sen /mùa cấm vận / môi đèn), ăng-ten (Mái cao thấp/ chiều ngổn ngang tần số/ Đầu ăng-ten/ trời quê ngoại kênh chờ), trung tâm ngoại ngữ (Em trung tâm nào, Ngữ ngoại tim anh), điện toán, chương trình, (Chương trình yêu/ phiếu đục thừa lỗ nhớ). Thậm chí, tác giả không ngại dùng nguyên cả những từ nước ngoài như pastel (Tuổi dậy thì pastel phố lụa), aquarium (Kính biếu trời aquarium phố)...

Lê Đạt cũng rất thích "chơi chữ". Ông không ngại "chơi chữ Tây" đã Việt hóa. Lợi dụng những âm tiết tương tự về cách đọc, sự có nghĩa của âm tiết ta, nhà thơ viết:

- Nắng tạnh heo mày hoa lạnh
Mimôza chiều khép cánh mi môi xa
- Tiếng xắc xô cong đoạn tình mua lụt
Để xô lô buồn khúc ruột xe lô


Kiểu chơi chữ này không mới, cái khó là làm cho sự chơi không gượng. Có lẽ, thần tình hơn cả là chơi chữ ta:

Hay em biến trong gương
một người giống em
trở lại
Má má môi
mà mỗi mỗi xa

(Gương)

Đây là một bài thơ tình. Tác giả sử dụng sự đối xứng gương, để đối lập hình và bóng, gần và xa, còn và mất...

Bóng chữ cũng nói đến tính dục, nhưng không phải như thứ mắm ớt nhục dục phụ gia, mà như một chiều kích trong con người và trong đời sống người:

- Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió
Đùi bãi ngô non
ngo ngó sông đầy
Cây gạo già
lơi tình
lên hiệu đỏ
La lả cành
cởi thắm
để hoa bay

(Quan họ)

- Bầy em én
tin xuân
tròn mẩy áo
Hội kênh đầy
chân trắng ngấn sông quê
Nắng mười tám
má bờ đê con gái
Cây ải cây ai
gió sải
tóc buông thề

(Sông quê)

Có thể nói, người ta gặp trong Bóng chữ cả dân gian lẫn hiện đại, cả Đông lẫn Tây, cả nhất thời lẫn vĩnh cửu (vấn đề tuổi thơ, tính dục). Sự đa tạp, dân chủ, "chung sống hòa bình" của những yếu tố dường như trái ngược nhau này, trong một tác phẩm nghệ thuật, hiện nay được gọi là phong cách "hậu hiện đại". Các yếu tố này ở Lê Đạt được gắn kết với nhau ở sự dùng từ một cách đặc biệt ("nhịu nói") trong một cú pháp - đặc biệt ("ngọng nói") để tìm cách phát nghĩa mới, một không gian thẩm mỹ cho thơ.

Bóng chữ, như vậy, không là một không gian thẩm mỹ khác nhau, xếp chồng hoặc bao hàm nhau; đó là một thứ không gian nhiều chiều, không gian cong, phi Euclid. Như một chữ (hình) được chiếu dọi từ nhiều nguồn sáng đặt ở những phương vị khác nhau, tạo ra nhiều bóng đổ vào nhau, lồng vào nhau. Từ đơn nghĩa trở thành đa nghĩa, đơn mạch trở thành đa mạch. Những luồng sáng giao nhau tạo thành sự tán xạ, sự nhoè nghĩa, đôi khi tạo thành mê lộ làm lúng túng những khách tham quan thẩm mỹ vốn quen được hướng dẫn. Điều có lẽ phù hợp hơn với bạn đọc hiện tại thích dân chủ và muốn được làm kẻ đồng sáng tạo với thi nhân.

Nhân đây cũng nói về sự khó hiểu của thơ Lê Đạt.

Điều đó, như trên đã nói, trước hết là ở tính nhiều chiều của không gian thẩm mỹ còn chưa tạo ra được một lớp người đọc của mình. Người đọc còn quen với thơ tải cảm đơn thuần, thơ phát nghĩa một chiều. Bài thơ như một bình năng lượng có thế năng lớn. Độc giả chỉ việc mở kênh và chờ năng lượng từ bình chảy vào mình. Bóng chữ là thơ gợi ý, gợi cảm, nên người đọc phải tự dấn thân vào kỳ trận chữ. Ở đây, ấn tượng thẩm mỹ là phi hình thể. Hơn nữa, thơ xưa là "dĩ ngôn chí", thơ công cụ, gói ghém một tư tưởng, một triết lý, một tôn giáo... Đọc thơ là quá trình vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với những lý tưởng này. Có người, quen với cách đọc trên, bóc mãi các lớp vỏ ngôn từ mà không thấy cái nhân tư tưởng thơ Lê Đạt đâu, nên đã coi như bị nhà thơ đánh lừa. Thực ra, sự hấp dẫn của Bóng chữ không phải ở tư tưởng, triết học, tôn giáo bên ngoài, được chất lên xe tải của chữ.

Ở ngay bên trong mạch IC của chữ, mỗi chữ phát nghĩa như một con rệp điện tử. Ở Bóng chữ, ta thấy một nỗ lực cải tiến vật liệu, thay đổi công nghệ chữ.

Hiện nay, người ta đang gia tăng sức bền, độ nhẹ, độ truyền dẫn của vật liệu (tức tạo ra một vật liệu mới) bằng cách phá vỡ cấu trúc và tái cấu trúc tinh thể của vật liệu. Sự phá vỡ ngữ nghĩa tiêu dùng để tạo thành một ngữ nghĩa khác, sự phát nghĩa nhiều chiều, tính bất định của không gian thẩm mỹ mà Lê Đạt đang theo đuổi phải chăng có thể coi cũng là một tư tưởng, một thẩm mỹ? Trên con đường chông gai nhưng đầy hấp dẫn đó không phải lúc nào Lê Đạt cũng thành công. Nhưng thiết tưởng đôi lời cổ vũ đối với người vận động viên chạy đường dài vùng bán sơn địa kia cũng là một thuần phong mỹ tục đáng khuyến khích.


Hà Nội, tháng 4/2008

Nguồn: http://hoiluan....tnam.org/?p=199
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Đọc Bóng chữ

Tác giả: Văn Chinh


Dăm năm trước khi Bóng chữ ra đời, 20 bài trong nó được trích để in chung với 16 bài của Dương Tường thành tập 36 bài tình (NXB Trẻ, 1989). Đây là sự trở lại văn đàn sau 30 năm im lặng của Lê Đạt, người ta đón đợi sự tiếp tục cái gay gắt với tiêu cực của tác giả Cha tôi (1957) nhưng không thấy, lại chỉ thấy ông chi chành những trầu già át cơ đâu đâu. Có người còn đem chuyện rồng trong mây để nói rằng cánh nhân văn chỉ như rồng ẩn mới thiêng, chứ phơi ra giữa trời thì cũng không...có gì.

Có người viết bài phê bình cả tập, cho là thơ dâm, có người bảo thơ tây gỗ. Tôi lấy làm lạ về cách đánh giá ấy, nhưng im lặng. Đó là lúc mà xoá bao cấp đã bộc lộ tính nguy hiểm của nó với thói quen được bao cấp. Văn đàn từ năm 1987 thoải mái nói đi nói lại đang dần trở nên quá đà mà chợt căng thẳng và nhiều ý kiến bắt đầu lo lắng đến xu hướng phủ nhận những giá trị đã được khẳng định từ quá khứ.

Một ngày tháng Tư năm 1994, tôi đến Hội có việc kinh phí cho Hội nghị Nhà văn trẻ, nhân đó “vừa xin vừa lấy” một quyển Bóng chữ còn thơm mùi mực. Về nhà đọc một mạch hết 108 bài thơ được ôm bởi cái bìa sang trọng không cố tình của Nguyễn Quân. Sớm hôm sau gặp Lê Đạt ở Hội nghị Nhà văn trẻ, tôi xá ông rồi nói:
- Xin cám ơn chú về tập Bóng chữ, rất hay, rất độc đáo và dân chủ (ở chỗ ta có thể hiểu từng bài, từng chữ theo những cách khác nhau). Xin chú một chữ ký vào đây.

Lê Đạt nhân đó thông báo rằng ông mới có cuốn Hèn đại nhân (NXB Phụ nữ- 1994), nhưng tôi đã từ chối một gợi ý tế nhị, đơn giản vì không thích văn xuôi ông.

Tôi muốn viết về Bóng chữ, nhưng nghĩ ngợi chưa xong thì văn đàn có cuộc trao đổi về thơ rồi nhanh chóng trở thành cuộc tranh luận gay gắt và không còn là vấn đề thơ thuần tuý nữa. Thơ Lê Đạt và thơ nói chung không thể đọc trong những lúc to tiếng, lúc vượt dốc. Nó không kén bạn đọc mà kén tâm thế khi bạn đọc nó. Nên tôi lại im lặng.

Trong cuộc tranh luận ấy, tôi thấy người to tiếng nhất và có vẻ thắng thế cũng khôn ngoan không nói gì đến thơ hiện tại, chỉ dẫn thành tựu thơ chống Mỹ để khẳng định thơ ta hay rồi, không cần đổi thi pháp, không cần cách tân; cuộc đánh tráo mục đích này thì việc thi nghé với trâu đực kềnh của ông cha cũng chỉ trên có nửa bậc. Ngay cả cái lỗi thủ cựu, ở kinh tế thì sẽ bị dọn đường cho đổi mới cơ chế, riêng thơ thì không cần đổi mới, lỗi bị cho qua, vì người ta khen thơ mình hay quá nên quên tiệt mục đích của tranh luận là mở đường cho thơ đi lên. Rốt cục, nó khẳng định quá khứ. Tôi nói khôn vì nếu dẫn thơ hiện tại thì nguy lắm. Nhiều nhà thơ nổi tiếng và có nhiều khả năng sẽ vào văn học sử nhưng giờ đây đang chịu chung số phận với các nhà thơ bán thóc vợ in thơ, là bị bạn đọc hờ hững. Người ta có cắt nghĩa việc này, nhưng chỉ có ít ý kiến dè dặt cho rằng chất lượng của thơ là một trong các nguyên nhân, và tất cả còn lại thì đổ riệt cho tại cơ chế thị trường, tại thị hiếu bạn đọc xuống cấp. Ô hay! Các nhà thơ thời Thơ Mới được bạn đọc thời cơ chế thị trường vồ vập đấy chứ? Và bạn đọc thơ hôm nay là do chính các nhà thơ về cơ bản lành mạnh của ta nuôi dưỡng thị hiếu đấy chứ?

Đằng khác, tôi thấy thơ giờ đây không dở. Nếu bình tĩnh đọc lẻ từng bài trội của mỗi nhà thơ, dù trẻ dù già, đều có câu hay trên cái nền khá vững chãi của cấu trúc bài; chỉ có điều, đọc xong bạn đọc lơ đãng ngay bởi hình như đã đọc ở đâu đó những gì na ná như vậy, đâu như giai đoạn 1930-1942, giai đoạn 1942-1964 hoặc 1964-1975 và từ đó đến nay. Tôi tạm gọi đó là hiện tượng nhờn thơ. Có lẽ quen và nhàm thì đúng hơn, nhưng tôi muốn so sánh với hiện tượng nhờn thuốc. Một củ sâm thời các cụ có thể làm tăng lực, khiến người sắp chết có thể sống thêm vài tháng để chờ đông đủ con cháu, còn giờ đây chính củ sâm ấy có thể làm lửng dạ mà biếng ăn. Tôi muốn cắt nghĩa tính biếng thơ của bạn đọc như vậy, không phải để an ủi các nhà thơ mà để nói rằng bạn đọc hôm nay đã khác một cách biện chứng và lành mạnh. Trước khi đọc anh, người ta đã học và đọc cả 4 giai đoạn thơ- nơi từ đó anh đi ra.

Đứng trước thực trạng bạn đọc đã khác, Lê Đạt tìm đến họ bằng một cách thơ khác. Ông quan niệm rằng cách nói khác sẽ là cách tốt nhất để chống lại thói quen nghe mà chả nghe gì (nhờn). Và, ông liền bị thói quen nghe chống lại. Ví dụ, ông có một câu thơ:
    Mua rừng hoa múa tím

Liền bị người đánh máy bỏ dấu sắc của chữ múa. Tác giả sửa lại, thợ sắp chữ lại bỏ. Biên tập viên lấy lại, thợ sửa morat lại bỏ. Rồi cuối cùng câu thơ được in ra:
    Mua rừng hoa mua tím

  Quá trình ấy thật khăng khăng như một... thói quen. Và, hình như thói quen ấy là do các nhà thơ góp phần lập nên vì quan niệm thơ cần dễ hiểu với công chúng, hệ quả là, thơ dần dần bị bình dân hoá? Một ví dụ khác. Tôi được nghe chị Thuỵ Khuê đọc bài bình Bóng chữ của chị. Thuỵ Khuê đã chuyển dấu huyền của từ ồ sang chữ hô ở câu cuối đoạn thơ:
    Đội mắt em đi mấy nắng rồ
    ơi em rất ô
    ơi em rất hồ

Trắng vỗ ồ hô trúc bạch (Vào hè) chị Thuỵ Khuê đọc thành Trắng vỗ ô hồ Trúc Bạch

Câu thơ vốn có thềm văn hoá “da trắng vỗ bì bạch” khiến tứ thơ chợt chuyển động trong không gian khác, đến một thời gian khác (từ vào hè hôm nay vòng về giai thoại cổ rồi quay lại lối nói bình dân tô hô). Nhà phê bình chỉ thêm bớt một dấu huyền đã làm mất đi của bạn đọc một sướng khoái. Nhân thể cũng nói một điều để khỏi phải quay lại.
    Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên

Bức khoả thân thơ nói trên của cụ Nguyễn Du treo ổn định hai thế kỷ qua, bạn đọc thì rất khoái rồi, đặc biệt cụ Chu Mạnh Trinh. Chỉ đến khi các cụ thời phong kiến cãi nhau thì có mấy người mới gọi đó là dâm thư, vì hình ảnh rõ ràng trong ngọc trắng ngà mà hôm nay người trí thức gọi lại nuy, người bình dân đơn giản nói là cởi truồng, là tô hô tênh hênh. Vẻ đẹp cổ điển có giá trị tự nó và giá trị phát minh. Còn vẻ đẹp hiện đại không những thế, còn phải khác, phải chuyển động mới không sa vào vị thế người thứ hai ví người đẹp với hoa hồng.

Khác và chuyển động nhằm gợi sự lắng tai, sự tò mò nơi bạn đọc vừa là đặc điểm thứ nhất của cách thơ Lê Đạt, tôi tạm gọi là cách chống thói quen nhờn thơ. Lê Đạt còn những cách khác. Ông chủ trương mỗi chữ đều tham gia phát nghĩa cho câu thơ, bài thơ, nhưng không phải nghĩa tự vị mà ông gọi nó là nghĩa tiêu dùng; nghĩa mới của chữ có được do nó được đặt trong tương quan câu, trong nhịp thơ đi, độ vang vọng của nó hoặc do nó được đảo trật tự, được hợp tác với chữ (cụm chữ) trước và sau nó. Ta hãy so sánh thơ Lê Đạt với Thâm Tâm ở câu thơ hay theo thi pháp điển hình của Thơ Mới:
    Người đi / ừ nhỉ / người đi thực

Nó chỉ có một thông tin và một cách đọc như tôi đã tách thành nhịp 2-2-3. Còn cách thơ Lê Đạt thì khác:
    Sống khác làng
                                 chết cùng quê liệt sĩ
   Đọi máu thay lời
                                 trang nghĩa trăng soi. (Hoa nghĩa trang)

Cụm chữ chết cùng và cùng quê rất ít dính dáng đến nghĩa tự vị (rủ nhau tự tử, cùng bị bắn xuyên táo và đồng hương) mà đã phát nghĩa mới: Cùng chết ngoài mặt trận, nhưng lại cùng “sống mãi”, đồng hương ở quê mới có tên là liệt sĩ. Mặt khác, chúng chỉ được tạo bởi có ba chữ: chết cùng quê nhưng khi đọc lại phải dừng giữa chừng để cùng chuyển nghĩa cho chết rồi mới cho quê, rồi cả ba không còn nghĩa tự vị của chúng, thậm chí không chết mà là sống mãi. Bốn chữ trang nghĩa trăng soi (đảo trật tự trăng soi nghĩa trang vốn chỉ có một nghĩa) lại đạt hiệu quả mới (cái chết của các anh là) trang nghĩa, nghĩa trăng và trăng soi. Cũng vậy với:
    Mấy lũn cũn dê con
    Chân tân tất trắng (Ông cụ chăn dê)

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói về cách thơ Lê Đạt như sau: “ Sự việc được mô tả với sự di động của cái bóng của nó, toà kiến trúc được dựng lên bởi các vật liệu quen thuộc, giống nhau...nhưng bóng đổ của các thành phần tạo nên cái đặc sắc riêng của công trình; chính khoảng không, có bóng đổ và ánh sáng đổi thay mới là bản chất của kiến trúc. Thơ xưa nay vẫn vậy và ta chỉ thấy hết nó khi ta di động trong không gian của nó”.

Trong ký ức tôi đọng ba bài thơ của Lê Đạt viết năm ông ngoài hai mươi tuổi: Cha tôi, Bài thơ trên ghế đá và Gia đình. Giờ đọc kỹ thấy nó đã ủ mầm cách tân thơ nhưng về căn bản vẫn “hành bút” dưới bóng của Thơ Mới.
    (...) Hai người hôn nhau
         Chớp rạch chân trời
        Ghế đá rùng mình  
                                     lần đầu tiên
                                                          thấy chán đời làm đá

    (...)Hồi ấy chúng mình mới lớn
    Không hiểu sao yêu nhau
  Rồi: Pho tượng anh bóng đêm dài trước ngõ
                 Mưa gió gội trên đầu
            Vòi vọi nhìn lên khung cửa
            Sao gió lại được vào?

Ông sớm nhận thấy sự xế chiều của ban mai thơ dù ông không nhận thức được rằng bình minh của cách mạng thường rất dài. Một Tố Hữu tạt ngang vào buổi thoái trào của Thơ Mới, thổi vào đó hồn thiêng nước Việt ở khía cạnh chống ngoại xâm. Lửa bùng cháy vẻ đẹp lộng lẫy sử thi và Tố Hữu trở nên ngôi Sao Mai trên trời thơ đêm đang nhạt, trở nên một lực hấp dẫn, tạo trong quỹ đạo một quỹ đạo khác, cao thượng trong cảm xúc thi tứ, bình dân ngoài ngôn từ hình tượng. Tố Hữu xứng đáng vị trí soái chủ tao đàn thơ Việt từ 1942- 1966, (từ sau 1966 không thể dành trọng lực nhiều hơn cho thi ca.) Thế rồi...các nhà thơ sau ông vẫn cao thượng trong cảm xúc thi tứ, vẫn bình dân ngoài ngôn từ hình tượng nhưng không có ai có thể so sánh với ông về độ lớn của nhà thơ thuần tuý, tại sao?

Nếu hình dung của tôi trên đây mà đúng, thì nguyên nhân chủ yếu nằm ở thi pháp, tôi nghĩ vậy. Nhiều nhà thơ luôn tin cậy và đề cao tâm huyết, sự chân thực của cảm xúc; vâng, nhưng lý giải sao đây về hiện tượng một bài? Một câu? Chẳng lẽ sau bài thơ hay từ khi nhà thơ còn rất trẻ, anh ta không còn tâm huyết, không còn chân thực nữa?

Trở lại với cách thơ Lê Đạt, chúng ta hãy thử đọc và mường tượng:
    Nông nỗi heo may từ đó
    Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
    Đồi cốm đường thon ngõ nhỏ   (Thu nhà em)

Một dậy thì không cưỡng nổi, có chút rưng rưng thương cảm trước tình thế đương nở của một nụ hoa đến kỳ, ta tự thấy cần che chở nâng niu; tuổi nổi ao đầy tinh tế  và đẹp lắm nhưng cũng hớ hênh bất trắc lắm, bởi chính em còn chưa tự thức. Cổ kim thơ tả dậy thì nhiều, nhưng tôi chưa thấy ai tả nổi cái dậy thì đang diễn ra như thế, lại gây được niềm trân trọng nâng niu như thế và lại có được cảm giác bất yên nơi người đọc đến thế. Ở một cấp độ khác, ba câu sau đây đạt đến sự bất yên rõ rệt hơn, thành nỗi ám ảnh không ngừng:
    Cây gạo già
                        lơi tình
                                    lên hiệu đỏ
    La lả cành
                      cởi thắm
                                    để hương bay
    Em về nói làm sao với mẹ           (Quan họ)

Sau khi đọc những câu thơ như thế, đọc lại bài Cha tôi, Bài thơ trên ghế đá và nhất là Gia đình, tôi thấy rõ chúng là các áng văn xuôi có vần điệu. Và phải chăng đó là lý do Lê Đạt khước từ đỉnh cũ, dũng cảm đơn độc đi xuống để độc cước trèo một đỉnh mới hoang vu?

Nhưng Lê Đạt không phải là nhà thơ của chủ nghĩa phiêu lưu, chủ nghĩa tiên phong dù ông đã là chưởng môn phái của chính mình. Có rất nhiều dẫn chứng trong Bóng chữ để tin rằng khi rơi vào địa vị Robinson Crusoe, ông đã dùng gậy chọc đất mà gieo hạt ca dao, dân ca, cổ tích rồi mong chờ với một niềm kiên nhẫn khả kính cái mùa thơ bội thu ba chục năm sau:
    Anh rình trắng nghìn trăng nghiêng ngõ mộng
    Bước thị thơm chân chữ động em về           (Tấm chữ)

Đỉnh “hoang vu” là tôi học lối nói đa nghĩa thay cho sự cô độc, sự “pháp trường trắng” vốn là điều kiện tiên quyết của sáng tạo thơ; nhưng hoang vu còn bao hàm vốn văn hoá vỡ lòng của người Việt. Ở bài thơ Xin sau đây, Lê Đạt cũng đầy mặc cảm yếu bấy, dễ vỡ giữa thơ cảm thấy với thơ giấy trắng mực đen như mọi nhà thơ chân thành, vừa nhiều kiêu hãnh vừa thường trực một sự nghi ngờ:
    Một chữ xanh nghĩa nhà chưa thuần hoá
    Một góc tim hoang tình cả đại ngàn

Lê Đạt nói ra miệng, bằng lời người khác, rằng “chữ bầu lên nhà thơ”; nhà thơ mỗi lần viết là một lần ứng cử, thành bại được quyết định bởi chỉ năng lực thu phục các cử tri chữ mà thôi, ấy là đòi hỏi nghiệt ngã của thơ đối với các nhà thơ. Dừng tìm tòi thu phục chữ là coi như... xong! Tinh thần này chi phối nhà thơ lấy tìm làm mục đích tối thượng tới mức, ông đã viết trước cho cái lúc ò e xe Văn Điển một mình: Mai sau ta chết / Ai đó đừng quên / Đưa ta dăm đồng / Để ta ăn đường / Để ta sang sông / Để ta đi tìm / Chi chi...chành chành          (Chi chành)
  Nó như là một cầu nguyện thơ.

Ngay cả bài vừa dẫn, chất đồng dao dầy rậm suốt bài, nhưng đó là tinh thần của nó, được gợi ra từ vài ba chữ mới, thường là một chữ để ca dao sống lại trong một nghĩa khác, đôi khi là nghĩa khác hẳn thời nó ra đời. Nhà phê bình Thuỵ Khuê đã định tính được điều này: “Thơ Lê Đạt là thơ tạo sinh những giá trị cổ điển”:
    Mắt xưa xanh mưa mành sương liễu sóng
    Mùa sang may thu đánh ngải lông mày

Cũng có khi những chữ cụ thể của ca dao thì vắng mặt, nhưng vẫn “hiện diện” do các chữ cạnh nó, gần nó được dùng để gợi ra:
    Biết lập thu
    Heo mi rải hồ
    Biếc nổi mắt mùa xưa             (Tuổi Việt Minh)

Những chữ đã hết thời, đã chết: cây ải cây ai, hường (hồng), nhị (sao anh ăn ở với em nhị tình) cũng được Lê Đạt tái sinh tương tự như vậy:
    Nắng mười tám
                           má bờ đê con gái
    Cây ải cây ai
                         gió sải tóc buông thề          (Sông quê)

  Và: Anh muốn làm bông hoa
        Đầu xuân cài cỏ mộ
       Thơm em đôi nỗi hường            (Anh muốn)

Và đây nữa, chữ nhị tình đơn nghĩa trong bài hát cổ chợt làm nên một tứ thơ lạ lùng, hai mà một, một mà hai:
    Ôm em giờ
                   chưa giải đợi em xưa
    Em thật
                 gối chen kề em mộng
    Lòng một
                giằng chia
                                 nỗi nhị tình

Không chỉ ở văn chương truyền miệng, những chữ đã thuộc về văn hoá của các tác giả cổ điển đều được Lê Đạt phủi bụi đem dùng như một thái độ với quỹ chung văn hoá theo nguyên tắc làm nó tiếp tục sinh nở- nguyên tắc của tín dụng xanh (chữ của LĐ trong bài Gọi đò):
    Thiên lý chữ tuôn lòng nhật bạch
    Không tận xanh
                           thơ thở trắng trời    (Lý Bạch)

Và: Tim đã hạ tình sâu đáy huyệt
        Mà thanh thiên
                                 ai bỗng hiện về
       Ma người cũ
                               nhập cùng ma tình chết   (Liêu Trai)

Và đây nữa, nguyên bài Nguyễn Du:
    Nhớ liễu bồ
                             tới nhờ em xoã tóc
    Em vắng nhà  
                             bồ kết chửa đi xa
    Cầu nước chảy
                            bóng chiều xuân tha thướt
    Xanh thanh minh em thổi liễu vô hình

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến lời Tô Hoài nhận xét về việc tìm chữ của Lê Đạt: “Lê Đạt tìm chữ chứ không học chữ”. Vũ Quần Phương nói lại câu ấy rồi thêm: “Còn mình, mình thấy Lê Đạt tìm chữ, nhưng tìm ở trong phòng thí nghiệm” (VQP vốn là một bác sĩ). Sau đó có nhiều nhà phê bình còn nhắc đến mùi ê te, mùi vi khuẩn chết...khi viết về Bóng chữ hoặc ám chỉ nó; thực là vô lương tâm nghề nghiệp và non nớt về nhận thức. Về câu của Tô Hoài, thì ông quên rằng nhà thơ học chữ khác với kiểu học chữ  (tiếng nói, cách nói của các loại người) của nhà văn; còn câu của Vũ Quần Phương thì ông quên mất rằng mọi giá trị của Y khoa đều tiên khởi từ phòng thí nghiệm, nhưng quan trọng hơn, nhà thơ đã quên rằng ca dao, dân ca (mà tôi gọi là văn hoá vỡ lòng của dân tộc) và văn hoá cổ điển cũng có đời sống tự thân của nó, chứ không hề còn là phòng thí nghiệm. Lê Đạt đã tái sinh văn hoá cổ điển, để Nghuyễn Du chẳng hạn chợt ngẩn ngơ trước mùi bồ kết cùng thời với chúng ta.

Vả lại, những chữ của câu thơ Phố thi thì con gái thì học ở đâu? Học ở đâu những chữ này nữa:
    Cột đèn rớm điện
    Là ta gặp nhau
    Rằng tiên xuống trần
    Rằng ta gặp nhau           (Chiều Bích Câu)

Học chữ của vỉa hè nhưng Lê Đạt học cái tinh tuý của nó, nhất là những tiếng nói tắt khá tuỳ tiện để sự vật bật lên khỏi ngữ cảnh, kiểu người ta bỏ làm trong máy lạnh, bỏ gắn trong xe máy; ông đã bỏ gà trống trong con thiến:
    Ai xui em đẹp em xinh
    Ba lần con thiến gáy

Một nhà thơ chê chữ con thiến có nghĩa tục, không biết tục ở chỗ nào trong cái ngữ cảnh chủ yếu về nỗi đau? Mặt khác, câu thơ gợi ra thềm văn hoá của nó, Đức Chúa nói: “Trước khi gà gáy trong số các con có người phản bội ta.” Và như thế, câu thơ trên có nghĩa là, em xinh quá, nên dẫu đã bị thiến, con gà trống thiến rồi cũng cất tiếng...gáy! mà gáy những ba lần. Nhưng, hỡi ôi, con thiến gáy! ở bài Thanh minh, chữ bát phố (đi chơi phố) được dùng thành bát mộ cũng đã bật lên sức mạnh không ngờ của sức sống mùa xuân, của sức chữ:
    Hương thắp gọi ba lần
                                         không đáp lửa
    Hồn có nhà
                                        hay bát mộ đi xanh

Nhiều khi Lê Đạt sử dụng lối nói lái dân gian, lối đảo chữ, nhại chữ cố tình dùng lại sự đồng vọng của chữ tạo cộng hưởng và sức lan toả cho tứ thơ:
    Hay em biến trong gương
                             một người giống em
                                                            trở lại
    Má má môi
                             mà mỗi mãi xa          (Gương)

Hoặc như trong câu thơ sau, do nói trại từ đồng trinh ra đồng tranh, ta bỗng có một bức tranh mục đồng thật sống động và nhiều vô kể:
    Ngò trắng ổ hoa vườn trứng cuốc
    Tù và ngà ai ọ nghé đồng tranh      (Tù và)

Thơ Lê Đạt, nhất là ở những bài thành quen thuộc với nhiều chủng loại bạn đọc như Quan họ, Bóng chữ, Mùi sầu riêng, Tìm em, Hoa mười giờ...dường như mỗi chữ đều rất lẳng lơ, đôi khi là lẳng lơ tinh nghịch, rất gian díu những chữ cạnh nó, đôi khi cũng ở xa nó, chữ ngõ này ghẹo chữ ngõ kia; tạo cho bài thơ vốn rất ít chữ một độ vang vọng thật đằm thắm, thật dào dạt. Ông cũng đạt được hiệu ứng như vậy những khi đặt cạnh nhau các chữ vốn xa nhau, ngược nghĩa nhau:
    Sớm hạ búp sen đôi gió
    Sóng đòng buồm nhấp nhô thơm
    Tóc liễu trường tân thơ cổ
    Trời xanh cô ban rất đường            (Vào hè)

Hay như:
    Nhận ra tôi
                        chỉ gốc cây gạo cụt
    Tạm ứng nửa trời hoa trước đón nhau    (Thủa xanh hai)

Có thể nói tôi đã hơi nhiều lời nhưng chưa thể thống kê hết những thao tác làm nên cách thơ Lê Đạt. Và sẽ là kẻ theo chủ nghĩa hình thức muộn mằn nếu tôi còn chưa nói tới điệu tâm hồn Lê Đạt- cái đã chi phối cách thơ ông. Sau những hăng hái thái quá hồi còn trẻ, ông mắc bẫy của chính mình, Lê Đạt dần dà chín chắn hơn, chừng mực hơn - đó là tính cách của người văn minh trong xã hội văn minh. Sự chừng mực giữa trí tuệ và cảm xúc, giữa nghiệm sinh và mê đắm tình yêu lứa đôi vốn là phía khác của hồn thiêng nước Việt thủa thanh bình. Lê Đạt có buồn, cũng chỉ dám buồn đến độ, rồi làm nó mênh mang đi:
    Con trống mèo đen ăn thịt
    Con mái vào ra một mình
    Ấp lạnh bóng trăng rồi chết
    Vàng hồ bay
                        thư không người nhận
                                                          gió trả về    (Thư không người nhận)

rồi làm nó lặn đi như là một ứng xử lịch lãm:
    Chiều xểnh đàn
                               em chẳng gọi tên anh
    Đấy vô tình
                              nên đây hoá vô danh            (Tù và)

Điệu tâm hồn Lê Đạt khác hẳn nỗi buồn tê tái của thi nhân thời thuộc địa, nỗi đau xé ngực của lời ca thời kháng chiến. Ông như kẻ đơn độc ngoài vỉa hè, nhà của ông từ lâu đã được đăng ký trong thơ: 9 phố Lãn Ông, nhưng ở đó ngày ngày bà niệm Phật nếu không đi chùa, các con ông bán khăn giấy vệ sinh, ông thu mình trong gác xép, viết trên thùng hàng úp sấp, bê xếp hàng họ mỗi khi cần một chỗ cho bạn bè. Có thể nói ông luôn vắng mặt ở nơi ông hiện diện, nhưng suy cho cùng, có nhà thơ chuyên nghiệp nào lại có mặt ở mọi lúc mọi nơi?

Với một ghi chú phòng xa và với hệ thống thao tác kể trên, giờ đây chúng ta cùng đọc lại chùm thơ dài, bị kêu là khó hiểu, là tắc tị; chùm thơ có tên chung: Lão núi.

Lão núi được viết đầu những năm 1960, trên cái chõng tre của nhà cụ Lê, hợp tác xã Hà Biên, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Cụ là một phó cả vốn người Hà Nam, tỉnh kết nghĩa với Biên Hoà, nên người ta lập ở quê mới một HTX có tên như vậy. Tôi hiếu kỳ nên có lân la đòi xem bản thảo, hồi ấy cách thơ Lê Đạt chưa định hình hẳn, kiểu tranh siêu thực chưa cả quyết của các hoạ sĩ ta vẽ tranh chờ bán cho Tây ba lô giờ đây.

Ông phó cả ngựa viết về người thợ mộc tài hoa, nhân những gốc cành gỗ vứt ở rệ rừng, đã nhặt về đẽo gọt làm ngựa cho trẻ con chơi ở nhà trẻ hợp tác. Vì cụ rất tài hoa:
  Bậc phó cả
  dễ ít nhiều
  tạo hoá
  nên đàn ngựa gỗ đã có hồn:
  Lũ vật lớn bốc
  một đàn lốc nhốc
  guốc khua cốc cốc
  sơn bốn chân thò mộc
  lộc ngộc
  ngựa quần cộc
  ơi cái dậy thì của gỗ!

Và phải chăng do có hồn, do bị thang ghếch bỏ quên, thông đồng trời nên ngựa gỗ lù đù đã đập cánh viễn du? Hay đây là khát vọng của nhà thơ, muốn rằng chữ thơ đắc địa, buông bút là chúng sống cuộc đời độc lập của mình, ngoài ý muốn của ngay cả với người vừa sinh hạ ra chúng? Tôi không dám chắc. Nhưng tôi chắc rằng, ở những câu thơ có hàm lượng thi sĩ đậm đặc này không có bọn trộm đạo như Trần Mạnh Hảo nhìn gà hoá cuốc bảo có mặt chúng, nói chung, nhiều bài viết của Trần thi sĩ là xuyên tạc làm méo người khác nhưng ở chỗ này ông còn bầy tỏ trình độ thẩm thơ của mình. Hàm lượng thi sĩ còn tự phá vỡ sự chừng mực con người Lê Đạt, sự bất lực thì đúng hơn, trước một cảm xúc không sao cưỡng nổi:
    Có phải đời ngựa rồi
    cây vẫn nỗi niềm
    hoàng hôn tha thiết xanh

Nhưng trật tự của chừng mực liền đó đã trở lại:
    Ngựa lên mấy
    mà nghìn tuổi cây
    mà một tiểu sử người

Thắm lại, gửi trao, dâng hiến cho đám trẻ con buồn vui cả một kiếp người; cụ đã gửi vào vân tâm cây, vào ngựa gỗ:
    Cụ phó sinh năm Bính Ngọ
    Hai bên lại có tin tìm hiểu
    Bà kể chuyện dân gian
    mọc mộng
    bằng tuổi nước

Nhưng mùa xuân đã đến. Tuổi trẻ đã đến. Chúng nhảy phốc lên những long, những ly, thì sư thì hổ, rất mực tung hoành Xích Thố; để lại, cho dù tác giả ngựa đang mải đâu:
    Hay ông già bất giác
    Sự ngựa
    Ga Kỳ Lừa nào

Nhịp thơ trở nên tung hoành. Bài thơ đã sống cuộc đời của riêng nó. Nhà thơ - ông phó cả chỉ còn như kẻ ghé xem nhờ, dù vẫn chưa dứt khỏi tâm thế chia tay những con chữ - ngựa gỗ:
    Nhất thanh thản vẫn là món trẻ
    phốc tốc luôn mình ngựa
    Giật cương
    Nhong nhong cắt cỏ Bồ Đề
    xứ xứ đồng chiêm nước bạc
    đại lộ rừng chưa kịp tên

Đó là cách tôi hiểu Ông phó cả ngựa - phó cả chữ. Bạn không nhất thiết phải tin tôi. Bạn có thể coi đây là bài đồng dao về lòng yêu trẻ của một ông già không may mắn (lấy đâu ra may mắn cho người tuổi Bính Ngọ?) và không còn trẻ nữa nhưng đã cứ trẻ lại. Lỗi không tại ông già. Lỗi ở mùa xuân.

Tôi cũng xin dùng lại mấy câu kết thúc bài Ông phó cả ngựa để mở đầu về Ông cụ chăn dê - một bài thơ đã đến được gần đỉnh hoang vu, cõi chưa biết của thơ:
    Thuở ông già nhập núi
                                   Gió cửa rừng vơi lạnh
    ơi! cái hơi người

Nơi có thể châm thuốc Mán trong cái tẩu gỗ sâng vào lửa của một mảnh tinh thể lạc trời:
    Ông rít hơi dài
    đàn dê bỏm bẻm trăng

Nơi ấy, đã đến nước này, thì mấy chú dê tân tất trắng chợt có thành cháu của cụ, thì ta không lạ lùng lắm:
    Ông vuốt râu cháu nhỏ
    đứa ông đón tay hạt muối
    Bầy chiên lành cỏ mộng
    Luân mùa đất hẹn
    chăn đàn râu nắng
    Ông là ông cụ chăn dê

cũng không lạ lắm khi thấy sự bất thường, sự mới lại tuổi, xuân lại tuổi ở ông già lụ khụ vào lúc xuân về:
    đất lòng nửa năm tu ngủ
    hé him mắt
    ngáp cái xuân khởi động
    bung mầm xoan ba tháng
    Rừng động xanh
    Ai đừng được xuân

Phải, ai đừng được xuân khi mà:
    Trời ghẹ xanh
    Yếm trúc mẩy măng đôi núm sừng bò

khi mà đến gốc lim già sét đánh đã mười năm cũng chợt ngó ngoáy chồi tơ trái đào. Có thể nói, đàn dê, mùa xuân và ông cứ say nghiêng say ngửa, đến mức nghiêng bình toong ngựa Hàm Rồng (mà) khà thôi nước luộc và mặc kệ cho tóc vòm lơ đãng trắng; vâng, say và ú ớ và nhầm lẫn mùa xuân... mùa xuân gạo nở, đến độ trẻ con: một ông già trẻ cứ hét tướng chào bác để nghe tiếng của chính mình do núi vọng về. Và bài thơ dung dị về kết với tuyệt đỉnh lãng mạn:
    Dân bản xì xào
    Như đỉnh núi ít lâu nay nhô cao
    Các cụ rằng
    Sách chép âm dương vận hành
    Trăm linh xuân
    lần đá lẻ
    điềm Đại mùa

    chòm núi hình sương sớm ông cụ chăn dê
    Người ta gọi chòm núi
                                         Ông cụ chăn dê

Ta thấy mùa xuân suốt bài động đậy, tinh nghịch như dê - dê trong ý nghĩa sức khoẻ lại là đồng nghĩa với sức xuân - lúc này tất cả đều lắng xuống, chỉ còn hình ông cụ cắt dán vào nền trời. Tôi có thể hiểu ông cụ chăn dê ấy là ông cụ chăn thời gian? là ông cụ chăn mùa xuân? ông cụ chăn chữ? Buông bài thơ, tôi còn nhặt thêm một cách nữa của cách thơ Lê Đạt. Chỉ trong hai câu cuối, câu trên là tả thực, câu dưới đã vụt bay sang bờ kia huyền thoại, dù rằng nó dường như chỉ lặp lại câu trên.

Khác với hai bài cùng chùm Lão núi, tạo đồ chơi trẻ con rồi chính mình hoá trẻ, chăn mùa xuân để chính mình lẫn mùa xuân, Ông cụ nguồn được kể chăm chuốt hơn, yêu trọng hơn. Nhịp thơ đi cũng từ tốn, trang trọng, có tiên phong đạo cốt:
    Dắt ông cháu tiều lích chích trái đồng
    Khăn gói mấy lần cổ tích

Thi điệu, cách thơ hợp với công việc hệ trọng bậc nhất của một cộng đồng: Việc tìm ra nguồn nước cho sinh sôi, sinh sống, cho Người thâm canh sống; tìm ra cội nguồn. Nhân vật ấy nói: các cháu đừng buông tuồng nước. Và đi:
    Hai ông cháu tung tăng huyền thoại
    trường kỳ hỏi nước
    tìm nguồn
  ...
    Tay lần mạch đất
    như người lần mạch chữ
    vượt biên thuỳ cõi biết

Nghiêm túc và thành khẩn như mọi sự tìm muốn thế, buộc thế. Ông cụ ngược cao, nơi mái tóc trắng lẫn vào hoa mai rừng. Vì thành khẩn, ông cụ Nguồn đã nghe được tiếng nước tâm sự đáy, vượt được biên thuỳ cõi biết, và quả nhiên, khi anh kỹ thuật đo được 19 m 80 chiều sâu lòng giếng:
    Thì reo
    Rồi sôi ùng ục
    Rễ nước đại thụ
    từ sơ địa
    mịt mù dã sử
    phun sáng ngần
    Đêm pháo hoa mừng tuổi nước

Nhưng chợt nguồn đã không còn chỉ là nguồn nước nữa, bởi ngay sau đó:
    Một ngôi sao mới lớn
    Mải gương mơ kỳ thi hoa hậu
    vô ý tùm giếng
    (...) niềm trần
    lấp lánh

Một chút tham dự của trí tuệ người đọc vào thơ Lê Đạt lúc nào cũng rộng lòng, ta có thể, nói như Nguyễn Quân, “tự tiện nói rằng nguồn nước còn hàm nghĩa sức trẻ với tất cả sự vụng về, sự vô ý của nó”. Và đây kia một thâm canh sống, một tình yêu đến bên nguồn nước để nguồn nước thêm đầy nghĩa nguồn nước:
    Giếng cắn chỉ hai mươi thước nước
    gầu xuân
    em múc mắt giăng thề

Bài thơ mở đầu:
    Ông cụ quê đâu
    tên gì
    Quen miệng...ông cụ Nguồn

Và được kết thúc:
    Rồi nhiều năm
    vùng rừng không thấy cụ xuất hiện
    chừng ông cụ về nguồn

để mở ra một câu hỏi: suốt bài thơ là kể về việc ông cụ tìm ra nguồn, tìm thấy rồi, lại về nguồn, vậy ra nguồn là bất tận cao xa, hơn cả Tiên Phật mà hình tượng thơ hoặc ẩn dụ hoặc khơi gợi liên tưởng?

Vâng, tôi đã đọc Lão núi hơn 30 + 1 năm để rồi còn lại một câu hỏi. Tôi để chùm thơ và câu hỏi đấy, đi vào cuộc sống. Một năm với bao kiếm tìm, nhiều cái tưởng với được mà khều mãi vẫn tay không. Ngó kỹ vào cuộc tranh luận thơ, vẫn không thấy đâu là truyền thống thơ Việt. Thế rồi thỉnh thoảng tôi cứ thả lòng cùng Bóng chữ thấy nhiều câu thật hoang vu, thơ dại, cứ ngâm ngợi mãi để tâm hồn không phải nghĩ ngợi gì, nhẹ nhõm như chơi với con trẻ. Lại bật lên một thắc mắc: Sao ông tự nhận là phu chữ. Và tôi thức ngộ: Nhà thơ là kẻ luôn có nghìn tuổi văn hoá trên vai, nhưng cái mà bạn đọc thơ cần là cái nghìn tuổi thơ dại hoang vu; chỉ có nghìn tuổi văn hoá thì anh không bằng nhà sử học, chỉ có nghìn tuổi thơ dại, anh không bằng chính anh hồi chưa biết chữ. Với khoảng hơn mười bài thơ hay, Lê Đạt đến được cái hồn nhiên của nghìn tuổi văn hoá. Nghĩ thế, lòng bỗng ơ -rê - ca lên rằng: Truyền thống - bản sắc văn hoá, nguồn thơ Việt... mãi mãi cần nghiêm túc và thành khẩn tìm mạch, khơi nguồn; cần liên tục bổ sung và nạo vét để những khái niệm không nằm trong chủng viện (hay nói như Vũ Quần Phương, trong phòng thí nghiệm), mà giàu có lên mãi, phì nhiêu mãi lên nơi những đỉnh hoang vu mà Lão núi là một.

Nhưng tất cả mới là giả định của riêng tôi, tin hay không tuỳ thuộc ở bạn; như giờ đây thuyết bất định lượng tử đang buộc cuộc sống phải thừa nhận dù anh có tin nó hay không, còn con người thì vẫn tiếp tục khai quật để gọi đích danh cái ngã ba không gian và thời gian- nơi con người là Con Người dù tôi và bạn vẫn tin vào Darwin vĩ đại. Như thế để tôi yên tâm nói rằng, bằng Bóng chữ, Lê Đạt đã dứt khoát chia tay với thi pháp của bốn giai đoạn thơ hiện đại, như ông đã thẳng thừng từ chối mọi thứ hàng thùng, SIDA của các trào lưu thơ cuối mùa của thế giới. Ông đã kiêu hãnh một cách khiêm nhường tạo cho mình một cách thơ riêng. Ông không di thực, ông đào xới cả văn hoá trầm tích lẫn hiện sinh vỉa hè đất Việt để gieo tiếng Việt rồi chờ một mùa thơ như gã nông phu chờ mùa, trong nhiều bất trắc bão gió nắng mưa.


Hà Nội, ngày 7-5-1995

Nguồn: vanchinh.net
.(@_@).
Chưa có đánh giá nào