333.85
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
469 bài thơ
4 bình luận
16 người thích

Thơ đọc nhiều nhất

Thơ thích nhất

Thơ mới nhất

Tác giả cùng thời kỳ

- Kiên Giang (45 bài)
- Giang Nam (40 bài)
- Hoàng Tố Nguyên (5 bài)
- Thích Mãn Giác (52 bài)
- Nguyễn Đức Toàn (I) (17 bài)
Tạo ngày 18/09/2005 03:07 bởi Vanachi, đã sửa 3 lần, lần cuối ngày 22/04/2008 13:59 bởi Hoa Xuyên Tuyết
Lê Đạt (10/9/1929 - 21/4/2008) tên thật là Đào Công Đạt, quê ở Á Lữ, Bắc Giang. Ông tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm vào những năm 50 rồi vắng bóng trên văn đàn suốt 30 năm. Năm 2007, cùng với Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Lê Đạt chủ trương dường lối thơ “tạo sinh” - thơ phải dựa vào “ý tại ngôn ngoại”, phải cô đúc, đa tầng, đa nghĩa, và đa ngã (phỏng theo nhà phê bình Thuỵ Khê). Thơ ông giàu nhạc điệu; nhiều sáng tạo, cách tân; phảng phất nhiều điển cố văn học và lịch sử; chất chứa vô vàn những lối “chơi chữ” tạo hình hóm hỉnh, đòi hỏi ở độc giả một trình độ thưởng thức cao.

Đã xuất bản:
- Bài thơ trên ghế đá (chung với Vĩnh Mai, 1958)
- 36 bài thơ tình (chung với Dương Tường, 1990)
- Thơ Lê Đạt, Sao…

 

Cửa hàng Lê Đạt

Bóng chữ (1994)

Ngó lời (1997)

Ngỏ lời

Mắt Đáp Cầu

Thư bằng lăng

Chữ nặng

Thiên di

U75 từ tình (2007)

Tuyển tập chung

 

 

Ảnh đại diện

Nhà thơ Lê Đạt và Tình U75

Tuổi 80 “lão tướng” Lê Đạt lại tiếp tục lên đường vào trận thơ mới có tên gọi “U75 từ tình” (NXB Phụ Nữ, 2007). Có lẽ để giúp bạn đọc khỏi phải vắt óc đoán trận chữ rất biến hoá của mình ngay từ cách đặt tên tập thơ, ông đã dành phần phi lộ để định nghĩa từ tình.

“Đã có lúc tôi ngờ rằng các nhà thơ tình ít nhiều đều có họ với Từ Thức. Đều gặp Thiên thai ít nhất một lần trong đời và vĩnh biệt nó suốt đời. Từ tình là những từ thức trong sâu thẳm ta phút giây tống biệt”. Và “Thơ chính là từ tình, cũng có nghĩa tự tình tức là yêu đơn thương, yêu thất tình, yêu bóng”.

Tập thơ gồm 2 phần: Thơ và đoản ngôn. Phần thơ ngoài một số bài thơ nổi tiếng như Át cơ, Thu nhà em, Quan họ... đăng thêm, còn lại chủ yếu là những bài thơ mới thể hai câu độc đáo. Một nguyên tắc mà những người sáng tác đều hiểu rõ, đó là viết càng ngắn càng khó.

Thơ hai câu vừa là sáng tạo, vừa là thách thức nhiều rủi ro với người thơ tự nhận (được mệnh danh là) phu chữ. Cho dù Lê Đạt xưng danh tình U75 một cách hài hước theo cách nói thời thượng bây giờ thì những câu thơ vẫn nhiều vang vọng, đa nghĩa mang tên “a còng, 8X”: Áo gió buồm lên thân biển động/ Lưng thuyền chành sóng ngực cồn trăng (Phong cảnh), Xuân sớm liễu rờn hoa thể dục/ Ngó đèn hơi ngực phố đầy em (Hồ sớm), Mê lộ đào cờ thế ngàn năm trước/ Lòng trần hoa lần gỡ nước ghềnh xuân (Cờ thế)...

Tình U75 trẻ, nhưng những chiêm nghiệm U75 và hơn nửa thế kỷ thâm canh thơ của ông thì thật buồn, sâu xa và thoát tục: Trọn đời trọ góc nhìn thiên hạ/ Cam tâm làm khách lạ bản thân (Trọ), Nghìn năm tu chưa thành chính quả/ Hồn hoa bay bướm thả trắng rừng (Hoa đại), Xuân én hẹn mùa chờ hoa đi mất/ Lộc xanh thừa thiếu suất một ngã tư (Mùa chờ)...

Còn nhớ cách đây vài năm, ở tuổi U75 Lê Đạt phát bệnh cũ, mất ngủ triền miên. Ông khá bi quan về sức khoẻ của mình và đọc tôi nghe câu thơ Đường: Bất tài minh chủ khí/ Đa bệnh cố nhân sơ (Không có tài thì minh chủ coi thường/ Lắm bệnh tật thì bạn cũ cũng nhạt xa). Thời kỳ này để lại dấu ấn trong Tình ca mất ngủ: Bạn phần lớn đều đã thay địa chỉ/ Tái định cư vùng ngoại thị Yên Kỳ/ Đó có bãi đánh cầu lông không nhỉ/ Mưa bụi hồ sớm liễu rủ ta đi (Tái định cư).

Viết về cõi bên kia mà vẫn hóm, vẫn hài hước một người thích đùa. Thế rồi bằng nỗ lực phi thường, ông đã vượt lên bệnh tật, bền bỉ viết để hôm nay có tập thơ mới trên tay bạn đọc.

Phần Đoản ngôn là một nét độc đáo riêng rất Lê Đạt trong Từ tình U75. Có thể gọi đó là những truyện mini, những cách ngôn đã đúc rút ở mức tối giản, bàn đến nơi về việc nghề, việc đời và việc thơ, được thể hiện thật hóm hỉnh (đôi khi trào lộng) và sâu sắc theo tiêu chí chữ ngắn, tình dài, nghĩa nặng.

Những đoản ngôn thường bất ngờ, nhiều dư âm và đa nghĩa. Phải chăng đó là lý do nó trữ lượng gần nửa tập thơ này của ông? Người đọc có thể tìm thấy những đồng cảm riêng, còn với người viết bài thì những câu thế này thật thú vị: Người quân tử dùng mắt để nhìn/Kẻ tiểu nhân dùng mắt để nhòm (Khác biệt), Kẻ thù của bình đẳng là chủ nghĩa bình quân (Kẻ thù), Điểm tham quan nóng nhất của lịch sử là Suối Giải Oan (Tham quan), Chữ không cấp sổ đỏ cho bất cứ nhà văn nào (Sổ đỏ), Nhiệm vụ của thơ không phải sản xuất ra chân lý, mà những chất cường cảm, những viagra phục tráng khả năng chân lý (Nhiệm vụ của thơ), Trong mọi động tác chân, kỵ nhất là động tác dậm chân tại chỗ, vì nó động mà không đậy (Dậm chân) v.v...


10/2007
Hữu Việt

(Theo Báo Tiền phong)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Những đoản khúc Lê Đạt

Nhà thơ Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, sinh năm 1929 tại Yên Bái, sống tại Hà Nội. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm (1956 - 1958), bị “cấm bút” hơn ba mươi năm, trở lại đời sống văn học từ 1988, được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2006. Các tác phẩm: Bài thơ trên ghế đá (thơ, 1955), Bóng chữ (thơ, 1994), Ngó lời (thơ, 1991), Hèn đại nhân (tập truyện, 1994), U75 từ tình (thơ, 2007), Mi là người bình thường (tập truyện, 2007). Ông qua đời sáng 21/4/2008 tại bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội).

Bóng chữ còn in bóng người

Người “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhưng hơn hết, Lê Đạt, cùng với Hoàng Cầm, tuổi trời còn cho sống để được sống lại đời thơ của mình trong dòng chảy văn học chung của dân tộc, để được phát lộ mình dẫu muộn màng trong sự vận động mới của văn học nước nhà.

Lê Đạt trở lại với thi đàn sau gần ba mươi năm im tiếng là khắc ghi ngay ấn tượng của mình đối với giới thơ và công chúng yêu thơ. Lê Đạt của thời Cha tôi (1956) đã biết không cam chịu cảnh sống “Rũ đầu chết ngạt trong bùn / Năm tháng mài mòn bao nhiêu khát vọng”. Lê Đạt của thời Bài thơ trên ghế đá (1957) đã biết yêu tự do cho mỗi cảm xúc, tư tưởng. Khi ấy, Lê Đạt đang là một nhà thơ trẻ với tất cả sự hăng say và mạnh mẽ của tuổi trẻ cùng với một lòng tin chân thành và lãng mạn của một thế hệ vừa làm xong một cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng đất nước. Ba mươi năm sau, khi đất nước làm một cuộc đổi mới, Lê Đạt đã ở tuổi lên lão, nhưng thơ ông nấu nung trong lò cừ tâm trí văn hoá của một người biết sống và biết đọc đã làm bất ngờ cả những người vốn chờ đợi. Không kể lớp trẻ như ông, hoặc trẻ hơn ông thời trước, họ đã bị kinh ngạc. Tập thơ Bóng chữ (1994) của Lê Đạt như một tuyên ngôn, như một thách thức người làm thơ và người đọc thơ.

Tuổi lú lẫn
ngược nhầm ga trẻ dại
Hay ngây ngô không biết lối về già
Thơ thẩn chữ ngã ba
Những câu thơ không dễ đọc do sự phối trí khác lạ âm và thanh, chữ và nghĩa, cùng với một tuyên bố nhà thơ là “phu chữ”, người làm thơ không thể chỉ biết tiêu thụ cái nghĩa tự vị của từ như trong từ điển, đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Chữ hay là bóng chữ mới là cốt yếu của thơ. Có người đọc thơ Lê Đạt ngộ ra những khả năng, những chân trời mới của thơ. Có người, trái lại, đọc thơ ông mà thấy như lạc lối. Một cuộc tranh luận đã bùng ra quanh Bóng chữ. Nhiều người đọc, và khá nhiều người làm thơ, đã phải nghe giảng giải thơ là gì, thơ là thế nào, như để có một chiếc chìa khoá mở cửa vào thơ Lê Đạt. Trong khi gây đột biến đó cho làng thơ, Lê Đạt vẫn âm thầm, miệt mài sự lao động chữ như khổ sai mà lại như khoái cảm của mình cho thơ. Mặc ai bàn tán, khen chê, ông cứ thẳng một đường mình đi. Làm thơ không thôi, ông còn viết truyện mượn những câu chuyện có thực trong đời các văn nhân thi sĩ cổ kim đông tây muôn đời để lật trở những vấn đề luôn là mối bận tâm hàng đầu của những ai đã trót dan díu với chữ, với thơ, đã nguyện làm phu chữ đến trọn đời. Ngay cả khi có những bạn trẻ gần đây đem ý “phu chữ” của ông đối lập một cách trật hệ thống với ý “máu chữ” của một nhà thơ khác để trách móc, phỉ báng ông, ông không chấp nê, không lấy làm điều. Với ông, được làm thơ, được sống với thơ, được cùng thơ thoả khát vọng phiêu lưu cùng chữ và nghĩa, thế là đã đủ mãn nguyện, đã sung sướng được sinh ra đời làm một người sáng tạo.

Đọc Lê Đạt ở bất cứ cái gì ông viết ra nói ra, dù đó là thơ, là truyện, là bài tản mạn hay bài trò chuyện, tôi luôn bị ấn tượng bởi cách nói, cũng tức là phản ánh cách tư duy, của ông. Một cách tư duy và một cách nói ra thành lời những điều tư duy in đậm cái nét riêng không thể lẫn trộn của Lê Đạt. Nó khiến người đọc không thể thờ ơ những điều ông nghĩ, ông nói. Nó khiến Lê Đạt vẫn hiện đại đồng hành cùng lớp trẻ đầu thế kỷ XXI. Nó khiến người ta phải nhìn lại thơ bằng con mắt duy lý, ngoài sự thành kính, đam mê, và cảm xúc. Ông không ngừng sục sạo các ngõ ngách của từ và tiếng, của chữ và lời, không ngại làm mới và không sợ bị coi là khác lạ. Cho nên mới có thơ Haikâu mang thi hiệu Lê Đạt. Có phải nhờ thế những bài thơ ông viết ở buổi mới khi thành công đã lập tức được thừa nhận và trở thành như cổ điển. Thơ Lê Đạt cổ điển trong vẻ hiện đại, đẹp trong sự tân kỳ. Tưởng nhớ ông, hãy cùng đọc lại một bài thơ thành công nhất của ông.

Bóng chữ

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu
Cái mùi hoa đi vắng mà vẫn làm thức vườn, cái sự em ở đâu khi em vẫn ở đây – đó chính là bóng chữ của Lê Đạt, chính là thơ ông.

Người “phu chữ” đã nằm xuống

Hai tiếng “phu chữ” từ khi được Lê Đạt nói ra đã trở thành thông dụng, thành một thứ câu cửa miệng trong giới thơ và cả trong công chúng. Không dễ được như vậy nếu nó không được đảm bảo bằng chính cả cuộc đời lao động nghệ thuật thơ, lao động chữ của ông. Đối với Lê Đạt, cũng như với các thân hữu văn chương của ông Hoàng Cầm, Trần Dần, Dương Tường, làm thơ là làm chữ, là phải khổ công luyện chữ để bắt những con chữ bình thường, đơn giản với nghĩa tiêu dùng hàng ngày bật ra những nghĩa mới, những vẻ đẹp bất ngờ từ sự tương cận, cọ sát, va chạm của chúng khi đứng cạnh nhau trong một trường liên kết và liên tưởng do chính nhà thơ đưa chúng vào. Từ những bài thơ mang nặng tính hiện thực thời kỳ đầu, trải hơn ba mươi năm âm thầm đọc và học, tìm và thử trong thế giới con chữ Việt, khi hoàn cảnh lịch sử mở cửa cho ông trở lại thi đàn vào thập niên 1980, Lê Đạt đã có vàng luyện từ quặng của mình đem ra trình trước thơ. Hai tập Bóng chữ (1994) và Ngó lời (1997) của ông thực sự đã gây bất ngờ đột phá. Người đọc bước vào thơ ông với tâm trạng vừa thích thú, tò mò, vừa e dè, hoang mang. Nhưng có một điều chắc là họ đã được nhận một khoái cảm khác lạ từ những phá cách kết cấu câu chữ đưa lại những kết hợp mới của từ mà người “phu chữ” Lê Đạt đã dày công tìm tòi, thử nghiệm. Này là mùa thu “Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ”. Này là sông quê “nắng mười tám má bờ đê con gái”. Này là mới tuổi “mùa xuân phăn phăn lòng đường”. Này là tỏ tình “liễu đầu cành độc thoại đoạn trường xanh”. Ông có hẳn một kiểu thơ Haikâu, chỉ từng cặp thơ thôi nhưng mỗi lần đọc là đưa lại một khám phá, mỗi lần nhìn con chữ là lại thấy một công phu sáng tạo. Tưởng như ông gò mình vào giới hạn tối thiểu của hai dòng thơ, nhưng đấy là cách ông tự thử thách năng lực thơ của mình thông qua thử thách các khả năng biến hoá, thay đổi của chữ, để trong một diện tích tối thiểu chữ đạt được tối đa năng lượng cảm xúc thơ.

Xuân bắt đầu tàu nhanh
xanh thức ngủ
Tình tăng bo toa đỗ đoạn bạc đầu

Ngực dự hương thơm đêm mùi tuổi chín
Mắt lá tre đằng ngâm mộng ba giăng

Máy nhắn chim tin tìm mê lộ số
Lòng khác tình tìm đổi số lặng thinh
Thế hệ nhà thơ của Lê Đạt càng cao tuổi càng trẻ, trẻ trong tư duy, cảm xúc, trẻ trong cách sống. Có lẽ cái trẻ ấy của Lê Đạt đến từ tri thức ông thu nhận và tích luỹ được qua sách vở tự học và từ những trải nghiệm đường đời nhiều gian truân và khổ nạn. Ông chơi nhiều với các nhà thơ trẻ, cổ vũ họ tìm tòi, khám phá, thách thức họ khẳng định mình, với ông trước thơ tất cả đều bình đẳng trong những nỗ lực sáng tạo không ngừng.

Hai tập sách gần đây nhưng đã thành ra là cuối cùng của Lê Đạt: tập truyện Mi là người bình thường và tập thơ U75 từ tình vẫn rừng rực một nỗi khát vọng sống, khát vọng thơ, vẫn nguyên khí chất Lê Đạt. “Trong tình yêu người ta thường tiêu hai thứ tiền. Và nhà thơ bao giờ tim cũng chỉ tệ mạnh. Riêng có từ vốn nặng lòng. Thơ chính là từ tình, cũng có nghĩa tự tình tức là yêu đơn thương, yêu thất tình, yêu bóng. Đó là nỗi sầu vạn cổ cũng là thách thức và niềm lạc quan ngoan cố của nhà thơ”. Lê Đạt có nhiều câu nói với nhiều cách nói khác lạ và ấn tượng như vậy về thơ, nghề thơ và về nhà thơ.

Bây giờ Lê Đạt, người “phu chữ”, đã nằm xuống, sau “một đời lao lực, một đời thơ”. Những người đọc từ nay chỉ còn gặp ông trong “bóng chữ”, và nghe ông trong “ngó lời”. Và họ biết ơn ông đã làm cho họ biết quý yêu chữ, trân trọng chữ, không chỉ là để làm thơ. Nhưng đặc biệt là nhà thơ, như Lê Đạt: “Nhà thơ là người lao động ở môi trường tâm áp cao mà không có bồi dưỡng độc hại để sản xuất giống đặc chủng cho những mùa tình bội thu”. Đó là niềm kiêu hãnh của Lê Đạt.

Bay cho cao, bay cho xa

Đó là tiếng kêu mạnh mẽ, tin tưởng của người thơ trẻ Lê Đạt hơn năm mươi năm trước, vào giữa thập niên 1950, khi đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lần thứ nhất phân chia hai miền, nửa miền Bắc bắt tay vào công cuộc kiến thiết mới cuộc sống và tâm hồn con người. Cái mới là đòi hỏi thường trực của kiếp nhân sinh, càng là đòi hỏi lớn của thơ ca nghệ thuật, và càng là đòi hỏi cấp thiết của tuổi trẻ. Tuổi hai mươi phải dũng cảm phá bỏ ràng buộc của những lề quen thói cũ, phải không cam chịu kiếp sống an phận thủ thường làm thui chột mọi khả năng sáng tạo. Những kiếp người sống lâu trăm tuổi / Y như một chiếc bình vôi / Càng sống càng tồi / Càng sống càng bé lại. Trong bản hoà tấu những tiếng thơ khao khát làm mới mình, làm mới thơ để dâng hiến cho cuộc đời và đất nước từ giai phẩm mùa xuân 1956, Lê Đạt đã cất tiếng kêu gọi:

Mới! Mới!
Luôn luôn Mới
Bay cho cao
Bay cho xa
Trên những vết già nua cũ kỹ
Trên lề đường han rỉ
Vượt ngày hôm nay
Vượt ngày mai, ngày kia,

Vượt mãi…
Tiếng kêu ấy đã theo ông đi trọn cuộc đời làm người và làm thơ. Bị hoạn nạn, gặp khó khăn, nhưng ông không bao giờ bỏ tiếng kêu ấy lại phía sau. Đó chính là tiếng thơ của Lê Đạt. Ông, cùng với Trần Dần, Đặng Đình Hưng, là ba nhà thơ trong phong trào Nhân Văn cách tân mạnh mẽ, quyết liệt nhất của thơ Việt nửa sau thế kỷ XX.

Cách tân thơ của Lê Đạt là ở Chữ. Ông có thể mượn câu nói của một nhà thơ Pháp để nói về mình: Hãy đập vào chữ anh dùng, thiên tài là ở đấy! (“Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đấy” – A. Musset). Khi văn chương là ngôn ngữ, mà thơ lại là sự tập trung xoáy sâu vào ngôn ngữ, và ngôn ngữ hiện hình trên trang giấy bằng chữ, thì sao người làm thơ lại không trăn trở, vần xoay sống chết với chữ để bắt từng con chữ biểu phát ra những ánh chiếu khác lạ về âm sắc, nghĩa lý. Lao động chữ là một thứ lao động khổ sai nhưng tự nguyện, đau đớn nhưng khoái cảm. Lê Đạt không tự gọi mình và không cho gọi mình là thi sĩ. Ông chỉ nhận mình là “phu chữ”. Nội hai chữ này thôi đã nổi lên cái chất Lê Đạt. Sự lắp ghép, kết hợp “phu” và “chữ” đã tạo ra một từ mới, một khái niệm mới, một hình dung mới, biểu đạt được công phu tử vì thơ của người thơ. Nói tới Lê Đạt, vì vậy, trước hết và trên hết, là nói tới một người lao động chữ và nghĩa. Ông đã từng viết như một tuyên ngôn: “Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ”. Ông quan niệm: Mọi câu thơ hay đều kỳ ngộ / Hẳn phải siêng năng, có lòng thành / và nhất là biết chờ / người đẹp vỏ chữ bước ra / giờ các con phe đi ngủ.

Bóng chữ (1994) tập thơ đưa ông tái xuất văn đàn là kết quả của mấy chục năm im lặng đọc, và nghĩ, và viết, vượt lên trên những hệ luỵ khó nhọc của đời sống khốn khó vây níu mình. Lê Đạt trở lại đã không tụt hậu, đã vẫn mới, vẫn đủ năng lượng đốt cháy mình cho thơ, vẫn ở hàng đầu những người khổ sai và hạnh phúc vì chữ. Tập thơ lập tức gây dư luận, tạo dư chấn, và để dư âm.

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nổi heo may từ đó

Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió

Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao
Mùa thu đã được nói quá nhiều trong thơ ca dân tộc và nhân loại, nhưng bài thơ hay này của Lê Đạt là minh chứng cho một chân lý trong công việc sáng tạo: không có đề tài cũ, chỉ có người thơ không biết làm mới đề tài. Lê Đạt đã sử dụng và sai khiến các con chữ một cách sáng tạo tài tình để đưa tặng người đọc một bức tranh thu tình tứ vừa rất ca dao truyền thống vừa rất tân thời, hiện đại. Có thể tìm được trong tập Bóng chữ nhiều câu hay và khác lạ mang đúng “thi hiệu” Lê Đạt như vậy. Sớm hạ búp sen đôi gió / Sóng đòng buồm nhấp nhô thơm / Tóc liễu trường tân thơ cổ / Trời xanh côban rất Đường (Vào hè). Chữ khép lối đồi chim non câu ngủ / Trang tầm xuân cau chưa mở nụ ngà / Bến cửa ngực đèn lòng ga trăng rõi / Ngõ trắng bời bời mây nổi / U ú thiên hà tàu nhả khói ngã ba (Mới tuổi).

Tác phẩm giờ đây trở thành cuối cùng của Lê Đạt là tập U75 từ tình. Một tập sách như tổng kết cả một đời thơ lao lực đam mê của Lê Đạt khi tập hợp trong đó có những phần của các tập thơ trước và đặc biệt có những “Đoản ngôn” là những suy nghĩ, nhận xét của riêng ông, những câu truyện ông lấy ra từ cuộc đời các danh nhân đông tây kim cổ, tất cả đều xoáy vào chủ đề thơ ca và cuộc sống. Đó như một kiểu di chúc nghệ thuật của Lê Đạt. Ông đã ra đi sau khi vừa hoàn thành một cuộc hành trình dọc ngang đất nước hào sảng và thanh thản. Đọng lại với đời một hình ảnh Lê Đạt có tiếng cười to, đôi mắt hóm hỉnh, và khuất sau đó những âm thầm vật lộn trên trang viết. Tưởng nhớ Lê Đạt, cách tốt nhất là hãy học theo tinh thần của ông: “Cái mới thường vượt biên không có giấy thông hành”.

“Phó thường dân” nhà thơ

Lê Đạt xuất hiện trong các tập sáng tác giai phẩm mùa xuân, mùa thu năm 1956 bằng những bài thơ đầy nhiệt huyết công dân, đầy tinh thần cống hiến cho đất nước, cho thơ ca, khi đất nước vừa tắt khói lửa một cuộc chiến tranh và nửa nước đang trong cơn say lãng mạn. Mang tinh thần hừng hực như nhà thơ Nga V. Mayakovsky - một kiểu mẫu thơ hồi ấy ông và các bạn ông noi theo – Lê Đạt viết thơ Gửi kế hoạch nhà nước 1956 để thúc giục phải nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn cho sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới.

Thực dân làm mười hai năm
Ta hoàn thành trong bốn tháng
Mỗi ngày thi đua cách mạng
Bằng mấy chục ngày thường
Ta nắm cổ thời gian
Quất cho phi nước đại.
Kéo ngày mai gần lại
Thúc vào lưng cuộc đời
Mở máy đến chân trời cộng sản
Ông thấy sứ mệnh của thơ là phải tham gia trực tiếp vào cuộc sống, phải đào luyện những con người là chủ nhân mới của đất nước. Làm thơ đối với người thơ Lê Đạt hồi tuổi thanh niên ấy cũng là một thứ lao động vinh quang. Nhà thơ tự nguyện được điều động, phân công để thơ có ích cho đời.

Em ơi!
Anh thức thâu đêm suốt sáng
Moi óc làm thơ
Moi tim làm thơ
Như người thợ
Chui xuống lòng hầm mỏ
Moi than moi lửa
Đốt sáng cuộc đời

Anh muốn Đảng gọi anh đến nơi
Hội ý về cuộc sống
Điều động anh vào Bộ Tâm hồn quần chúng
Giúp Trung ương
Xây dựng
Những con người
Con người mang sẵn trong mình ý chí và khát vọng cái mới như vậy đã bị đặt vào một hoàn cảnh sống nghiệt ngã, cùng với các bạn hữu cầm bút của mình, trong suốt hơn ba chục năm. Nhưng chính ý chí và khát vọng đó đã tôi luyện ông, đã giúp ông nghĩ suy bằng cái đầu của mình và đứng vững trên đôi chân của mình, vượt qua thử thách, hoạn nạn, và chiến thắng bằng Thơ. Lê Đạt là Lê Đạt ở thơ, một thứ thơ đã được chưng cất qua lò lửa văn hoá đông tây kim cổ mà ông nhóm lên từ trong gian khổ, mà ông đã kiên trì giữ lửa không để lụi tắt qua gió mưa cuộc đời, để khi được đưa ra ánh sáng thứ thơ đó đã toả một mùi hương thơ của người thơ Lê Đạt. Bóng chữ, Ngó lời, U75 từ tình - những tập thơ của ông, là thành quả của một đời lao động thơ cật lực của một người tự nguyện làm “phu chữ” để đưa đến cho người đọc những âm nghĩa mới lạ, tinh ròng của tiếng Việt. Hai chục năm trở lại đời sống bình thường của văn học, Lê Đạt đã để lại một dấu ấn riêng của mình trong sáng tác thơ, trong quan niệm thơ, trong hành xử thơ. Thơ Lê Đạt – ba tiếng này đã là một dấu chỉ, một “thi hiệu”, một mời gọi và thách thức. “Tôi tôn trọng những nhà thơ sinh sự với văn phạm để tạo ra sự sinh của ngôn ngữ” – Lê Đạt phát ra nhiều những châm ngôn như vậy để người đọc có cái chỉ hiệu bước vào thế giới thơ ông.

Đường về nhà em
ba mươi sáu ngõ
Nêông liễu hồ tóc gió ngã tư
Xuân lưa mưa mini mùa én đỏ
Khăn bay cờ
lòng phố cổ
lay mơ
Lê Đạt và những người đồng hội đồng thuyền với ông từ giữa thế kỷ XX đã kiên quyết khởi lên một cuộc cách tân thơ Việt, đoạn tuyệt với Thơ Mới (“thành tựu của họ đòi hỏi ta phải thử những thành tựu khác” – ông nói), đi tìm những cách biểu hiện mới cho thơ, tạo lập những giá trị chuẩn mực mới của thơ. Những tháng năm chìm trong bóng tối và im lặng ông đã cưỡng chống lại số phận bằng cách vùi mình vào những con chữ đến từ nhiều ngõ ngách văn hoá để tích hợp, hội tụ, hấp thụ và biến cải chúng thành một vốn văn hoá lớn của mình, và trên nền tảng đó ông xây cất một ngôi nhà thơ riêng. Những sáng tạo đổi mới thơ của Lê Đạt, cũng như của Trần Dần, Đặng Đình Hưng, đã đóng góp quan trọng cho tiến trình hiện đại của thơ Việt, và nói riêng đó là dấu chỉ giá trị của một phong trào văn học đã dấy lên cách nay hơn nửa thế kỷ.

Ông vừa làm một cuộc hành trình lên Tây Nguyên, xuyên miền Trung, vào Sài Gòn và bay ra Hà Nội. Chuyến đi kết thúc bằng sự yên nghỉ đời đời như một sắp đặt của số phận. Nhưng có lẽ ở bên kia thế giới ông sẽ cám ơn số phận, vì nào ta có chọn được số phận của ta đâu. Số phận đã cho ông trở thành nhà thơ Lê Đạt chứ không phải thành một nhà nào khác như lẽ ra có thể. Để ông có thể “xưng danh” một cách bình thường và kiêu hãnh rất Lê Đạt:

Phó thường dân
phố nhỏ vô danh
vô giai thoại
Thành tích
mấy trang giấy sờn
mấy câu thơ bụi
núi Vô Sơn
Thế là đủ, với ông – nhà thơ Lê Đạt.

Tiễn đưa

Bây giờ, nhà thơ Lê Đạt đang ở ga cuối của một hành trình.

Ông đã dừng lại, sau một chuyến đi thực tế ngờ đâu là cuối đời, lên Tây Nguyên, về miền Trung, vào Sài Gòn. Chuyến đi của một đoàn các văn nghệ sĩ, trí thức tới một vùng đất cao nguyên đang là mối trăn trở, bận tâm lớn của đất nước hôm nay. Lê Đạt tham gia đoàn hăm hở, vui vẻ, nhiệt huyết, mặc dù sức khoẻ ông đã sút kém. Ông đi chuyến đi này như một cuộc hành hương, một cuộc hành trình, để ngấm và ngẫm thêm về kiếp sống, kiếp người.

Ông đã dừng lại, sau một chuyến đi cuộc đời trải nhiều khúc quanh. Lê Đạt đã từng làm việc ở Ban tuyên huấn trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ở bộ phận thư ký cho tổng bí thư đảng Trường Chinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Lê Đạt khi hoà bình về trên nửa nước đã biết nhận ra rất sớm những kiếp người “Hai vai nhô lên / Đầu lún xuống / Như không mang nổi cuộc đời” để rồi đánh mất mình trong “mùi ẩm mốc, tiếng mọt kêu cọt kẹt”, từ đó ông kêu gọi giải phóng con người, giải phóng thơ ca. Từng từng giọt mồ hôi / Đẫm bản đồ chính sách / Anh mở lối giữa cuộc đời ngóc ngách / Óc anh là một công trường / Mỗi dòng thơ là một cây số mới / Trên con đường đi tới / Xã hội / Ngày mai / Một tiếng súng tương lai / Nổ vào đầu dĩ vãng. Lê Đạt đã lâm tình thế sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm ba mươi năm có lẻ chìm trong bóng tối và im lặng, khi đó chỉ có thơ cứu chuộc được ông.

Ông đã dừng lại, sau một chuyến đi thơ ca khổ ải như vác cây thánh giá lên đồi Sọ và vinh quang như được phục sinh. Thơ đã cho ông tiếng nói làm một công dân chính trực, làm một con người đứng thẳng, và làm một nhà thơ “phu chữ”. Thơ đã chứng tỏ và trình bày ông cho Công Lý, cho Chân Lý, cho cái Đẹp. Thơ đã đưa ông đồng hành cùng dân tộc và tuổi trẻ ở thời buổi mới nhiều vận hội nhưng cũng lắm bất trắc, cam go. Với chữ và thơ Lê Đạt là người tình chung, là kẻ tận hiến.

Ông đã dừng lại, sau những chuyến đi, sau một hành trình có quanh co, khúc khuỷu nhưng nhất quán, để bây giờ trước mặt chúng ta là một Lê Đạt – con người, một Lê Đạt – nhà thơ, với nghĩa đầy đủ của từ này.

Giờ phút chia tay ông ở ga cuối cuộc hành trình này, chúng ta - những người cùng thế hệ ông, những người bạn vong niên của ông, những người đồng tâm đồng chí cùng ông, những người đọc thơ ông, như hãy còn nghe rõ tiếng ông cười sảng khoái và giọng ông vang to khi nói ra những điều gan ruột cho thơ, cho cuộc sống, cho con người. Ông đã sống trọn một cuộc đời nhân văn nghệ thuật. Ông đã khép mắt lại, nhưng chúng ta ghi nhớ điều khác biệt ông đã chỉ ra: “Người quân tử dùng mắt để nhìn / Kẻ tiểu nhân dùng mắt để nhòm”.


Hà Nội, 2122-23/4/2008
Phạm Xuân Nguyên
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Gặp thơ Lê Đạt một thời

Phải rất lâu sau Hà Nội giải phóng (1954) tôi mới bắt đầu biết đến thơ Lê Đạt. Là học sinh vùng địch tạm chiếm, tôi chỉ biết thơ kháng chiến có Tố Hữu, rồi Hoàng Cầm, Hữu (tức Hữu Loan), Quang Dũng…

Những bài thơ đầu tiên đọc được của Lê Đạt đã chẳng gây ấn tượng gì lắm cho tôi. Đến khi đọc mấy bài của Lê Đạt trên Giai phẩm mùa Xuân 1956 với những câu thơ đại khái như xã hội chủ nghĩa không thể vác ba lô đi bộ, tôi chỉ thấy hơi lạ mà không cảm thấy thích. “Lạ” là rất cần, nhưng chưa phải là tiêu chí số một của thơ. Nói như Nguyễn Văn Siêu, thơ trước hết phải làm xúc động lòng người.

Thế rồi, đùng một cái, báo Văn nghệ đăng bài thơ Cha tôi của Lê Đạt. Cả giới làm thơ, trẻ như già, rúng động. Nhìn chung thì kết cấu của bài thơ không có gì lạ so với những bài thơ ngày đó: nhìn về quá khứ, nhận ra quá khứ buồn đau để cảm thấy mình thật may mắn hơn thế hệ cha ông. Kiểu thơ này, đọc tập thơ nào, bài thơ nào trên bất cứ tờ báo nào lúc này mà chẳng thấy. Nhưng với kết cấu ấy, Lê Đạt trong Cha tôi, có những câu thơ chưa từng có, những câu thơ như từ gan ruột người ta mà ra, những câu thơ như từ trải nghiệm đau đớn của cuộc đời mà ra. Lâu lắm người đọc thơ Việt Nam mới được đọc một bài thơ như thế. Trải qua hơn nửa thế kỷ, tôi chỉ còn nhớ một số câu thơ. Chẳng hạn như những câu mở đầu:

Cha tôi
Đất quê Đề Thám
Rừng rậm sông sâu
Con gái cũng quen nghề võ
Những câu thơ nói về cái hăm hở của chàng trai mới vào đời, sang sảng ngâm lên những câu Kiều của Nguyễn Du như chính là chí khí của mình:

Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì
Những câu nói về một thế hệ thanh niên Việt Nam:

Khóc Phan Châu Trinh như khóc người nhà mình
Rồi đến những câu thơ nói về cái bất đắc chí của con người sinh bất phùng thời, sau chứng kiến thất bại liên tiếp của các phong trào cứu nước, biết mình không thể làm để thắng nổi những oan trái trong đời, đành chấp nhận sống chung với nó nhưng không công nhận nó:

Ngâm một câu Kiều
Ôm mặt khóc
Cho đến khi sự chấp nhận đã trở thành thói quen, con người ta cam chịu với nỗi nhục phải sống, “càng sống càng tồi”, con người ta trở nên hèn đi, sống mà chỉ như cỏ cây, không phải là sống. Hình ảnh người cha lúc này thật là tội nghiệp:

Hai vai nhô lên
đầu lún xuống
Như không mang nổi cuộc đời
Bóng in tường vôi
Im lặng
Bóng với người như nhau
Đến những câu thơ này thì cực hay:

Mùi ẩm mốc tiếng mọt kêu cọt kẹt
Ở chân bàn hay ở cả cha tôi? [1]
Có lẽ đọc hết một tập Sống mòn (chính xác là Chết mòn), một truyện Đời thừa của Nam Cao, nỗi cay đắng cũng chỉ đến thế thôi.

Có thể nói, với Cha tôi, Lê Đạt mới thực sự đươc mọi người coi là nhà thơ, nhà thơ của mình, nhà thơ của thời đại. Ngay năm đó, Cha tôi được đưa vào sách giáo khoa Giảng văn lớp 10, lớp cuối cùng của nhà trường trung học ở miền Bắc. Mọi người coi đó như một điều hoàn toàn tự nhiên. Tôi nhớ, vào năm ấy, không ít nhà thơ đã lấy thơ Cha tôi làm như cái chuẩn để mà khen chê thơ hay thơ dở. Cũng trong năm đó, một trong những cái tội của giáo sư Trương Tửu là dám từ trên bục giảng đường Khoa Văn của trường đại học Việt Nam cho rằng “đem đặt bên cạnh bài thơ Cha tôi của Lê Đạt thì cả tập thơ Việt Bắc chẳng là gì cả”. Nên nhớ rằng Việt Bắc vừa được trao giải nhất về thơ trong giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam cho hai năm 1954-1955. Cũng nên nhớ rằng giáo sư Trương Tửu là vị giáo sư duy nhất ở Việt Nam không có bằng cấp nào cả nhưng là thần tượng của mấy thế hệ sinh viên văn khoa và mỗi lời của thầy nói ra thì đều như mang theo một thứ ma lực huyền bí, không thể cưỡng lại được. Thầy Trương Tửu có cái tật mà sinh viên nào cũng biết là khi đã khen ai thì không tiếc lời, mà lời của thầy thì toàn là “lời có cánh”. Chẳng hạn thầy khen thơ Hồ Xuân Hương là “nếu đem những câu thơ ấy mà vắt, tưởng như nhìn thấy chất sống chảy ra ròng ròng…”

Lê Đạt với Cha tôi, thế là hầu như trong giới làm thơ và yêu thơ, ai cũng biết. Tuy nhiên, đó chỉ mới là khúc dạo đầu cho một chặng mới của Lê Đạt.

Cứ như một chuyện lừng lững từ trên trời rơi xuống, tờ báo Nhân văn số 1 được rao bán trên các nẻo phố Hà Nội vào một buổi sáng kia. Đi đâu cũng thấy có người mua báo Nhân văn, đọc báo Nhân văn. Mà tờ báo Nhân văn thì ngay trang đầu là bài thơ của Lê Đạt: Nhân câu chuyện mấy người tự tử.

Thơ gì mà quái lạ thế này? In ở trang 1, lại còn “xem tiếp trang 2”. Thơ không có vần, lại còn “leo thang” lên xuống gập ghềnh. Thơ mà lại còn có “tái bút” nữa! Thế nhưng người đọc ngày hôm ấy có quan tâm gì đến chuyện đó đâu. Có thể nói trong lịch sử thơ Việt Nam xưa nay, chưa có bài thơ nào làm choáng váng người đọc với một số lượng đông đảo đến như vậy. Tôi đem chuyện này kể với anh Nguyễn Bính, lúc này là chủ bút báo Trăm hoa. Anh Bính bảo:

“Thì bởi vì đây là tiếng chuông cứu khổ mà lại!”

Quả thật, hình như lúc này mọi quy tắc về thơ (ấy là nói thơ theo quan niệm như cho đến lúc bấy giờ người ta vẫn nghĩ) đều bị bỏ qua hết. Lê Đạt bắt đầu cứ như người ngồi kể chuyện vặt, một câu chuyện tò mò:

Báo Nhân dân số 822
Có đăng tin mấy người tự tử
Vì câu chuyện tình duyên dang dở
Trưa mùa hè nóng nung như lửa
Tôi ngồi làm thơ
Vừa giận vừa thương những người xấu số
Chân chưa đi hết đường đời
Đã vội nằm dưới mộ.
Tiếp theo là những câu thơ rất trữ tình:

Chết là hết
Hết đau hết khổ
Nhưng cũng là hết vầng trăng soi sáng trên đầu
Hết những bàn tay e ấp tìm nhau
Lê Đạt hình dung ra cái cảnh đôi trai gái yêu nhau trước khi họ tìm đến cái chết:

Người con trai ngồi trên gò đất
Thổi sáo gọi người yêu
Bắt nắng chiều đứng lại
Lúa đang thì con gái…
Xôn xao gió thổi
Đầu sát bên đầu tính chuyện tương lai
Quả là những câu thơ đẹp một vẻ đẹp hiền lành kể về một mối tình đẹp nhưng bình thường của một chàng trai quê với một cô gái quê. Nếu chỉ xét về nội dung, chuyện này chẳng có gì khác lắm câu chuyện Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài mà người Hà Nội và người miền Bắc hồi đó ai cũng biết. Bởi có một bộ phim Trung Quốc đang chiếu và một vở cải lương đang diễn ở các rạp Kim Chung, Kim Phụng. Tuy nhiên, đó chỉ là những tia khói báo hiệu cho một sự bùng nổ.

Bởi Lê Đạt không quy trách nhiệm cho một Chúc ông, Chúc bà nào đó làm chuyện “rẽ thuý chia uyên”. Lê Đạt viết những câu thơ chỉ có thể là thơ của Lê Đạt:

Anh công an nơi ngã tư đường phố
Chỉ đường cho
xe chạy
xe dừng
Rất cần cho luật giao thông
Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo luật lệ đi đường nhà nước
Có thể gây nhiều đau xót
ngoài đời
Mọi sự cứ là nổ bùng lên. Đây đâu còn là chuyện của mấy người tự tử, đây là chuyện của cuộc sống đang diễn ra, chuyện của hàng triệu con người. Không chỉ là chuyện yêu nhau, mà là chuyện cơm áo, chuyện số phận con người. Cho đến bao nhiêu năm sau, những câu thơ ấy vẫn còn được nhiều người nhắc tới hoặc đọc lên. Thì ra Lê Đạt không làm thơ về mấy người tự tử, mà chỉ là nhân câu chuyện mấy người tự tử!

Sau này, đến lúc phản kích, những người tham gia cuộc phản kích phát hiện ra rằng trong bài thơ của mình, Lê Đạt đã dùng một biện pháp nghệ thuật khôn khéo có tên là symbole équivoque (hình tượng hai mặt). Sự phát hiện này đã trở thành một thói quen, một phương hướng quan trọng cho việc xem xét và đánh giá tác phẩm thơ suốt từ đó đến mãi tận bây giờ. Thơ Lê Đạt, thơ Trần Dần là équivoque, Lời mẹ dặn của Phùng Quán là équivoque, nhiều bài thơ có thể équivoque! Symbole équivoque, ôi, con ngoáo ộp đã treo lơ lửng lên số phận bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu người làm thơ. Thơ mà thẳng đuột như ruột ngựa thì mang tiếng là thơ thiếu chiều sâu, thơ không để lại dư vị cho người đọc phải ngẫm nghĩ, nhưng thơ mà có hai nghĩa thì bị quy là équivoque, là thâm hiểm. (Có điều rất đáng nói là cùng lúc đánh phá những bài thơ équivoque như thế, người ta lại không tiếc lời khen những bài thơ hai nghĩa của Hồ Xuân Hương là “có tác dụng chống lễ giáo phong kiến”!)

Quả thật, chỉ với riêng một đoạn thơ có cái “bục công an” nói trên, bài thơ của Lê Đạt đã buộc người ta phải đọc và phải nhớ, đây không chỉ vậy, hết bài thơ còn một phần “tái bút” cũng dài ngang một bài thơ, trong đó có những đoạn như đoạn này:

Ngày Phật Đản vừa qua được nghỉ
Tôi với Văn Cao rủ nhau đi ăn thịt chó
Văn Cao vốn là người nể vợ
Mua thêm một gói về nhà
Tôi bỗng giật mình (nhưng không dám nói ra)
Người chủ lấy thơ tôi gói thịt!
Ngay khi ấy tôi chỉ còn muốn chết
Như dại như điên tôi oán đất oán trời
Nhưng hôm nay tôi chỉ oán mình tôi
Thơ tôi bị người đời ruồng bỏ
Vì tôi đã ngủ quên trong chế độ
Vẽ phấn bôi son tô toàn màu đỏ
La liệt đầy đường hoa nở chim kêu
Thế là Lê Đạt đã tranh thủ tấn công vào một xu hướng thịnh hành, có thể nói là xu hướng chủ đạo, của văn học (mà cả các bộ môn nghệ thuật khác cũng vậy) nước ta thời ấy: xu hướng tô hồng, hay nói cho chính xác, xu hướng gọi là lãng mạn cách mạng, tiêu chuẩn quan trọng nhất trong một tác phẩm được coi là có giá trị hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tội to quá. Bị đánh là phải.

Được 5 số thì báo Nhân văn chết đứ đừ. Cũng từ đây, từ nhân văn được coi như đồng nghĩa với phản động. Còn từ giai phẩm thì hầu như không còn ai dùng đến. Tuy nhiên, hình như vào khoảng đầu hoặc giữa năm 1957 gì đó, Lê Đạt còn viết một bài thơ dài với cái tên ngộ nghĩnh: Cửa hàng Lê Đạt. Bài thơ chỉ được đánh máy chứ không in ở báo nào. Đa số người đọc biết Lê Đạt có bài thơ này là nhờ có một bài của Xuân Diệu đánh tơi bời trên tờ Tạp chí Văn nghệ. Mùa hè 1958, Lê Đạt còn in được một tập Bài thơ trên ghế đá, mà Lê Đạt gọi là thơ về những thứ vulgaire (thông tục, tầm thường, không có gì thi vị) ở đời. Có điều là tập thơ được in nhưng không được phát hành.

Mùa thu 1958, với một cuộc chính huấn đại quy mô, “bọn Nhân văn – Giai phẩm ra trước toà án dư luận”. Mọi chuyện thế là chấm dứt một cách êm thấm, có thể nói là tốt đẹp. Sau cuộc chỉnh huấn là một đợt “đi thực tế” dài. Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Còn ở trường đại học, những cây đa cây đề bị bật gốc: Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh…

Tôi còn nhớ như in một buổi chiều, sau giờ lên lớp, thầy Phan Ngọc, một giảng viên quê xứ Nghệ, dạy chúng tôi môn Ngôn ngữ học đại cương, nói với lớp bằng giọng nhỏ nhẹ:

“Bắt đầu từ hôm nay, tôi được trường cho nghỉ dạy để viết tự kiểm thảo.”

Thế là một mạch. Dẫu sao còn được nói mấy lời từ biệt. Còn các vị giáo sư nói trên thì chẳng nói năng được gì. Mãi mãi không ai biết trường đại học Việt Nam có một vị giáo sư khi mới 24 tuổi đã đỗ hai bằng tiến sĩ tại Đại học Sorbonne danh giá của nước Pháp, một nhà triết học từng tranh luận với Jean Paul Sartre ở Paris, một nhà sử học có trí nhớ thông kim bác cổ, một vị giáo sư có lối giảng bài như lấy kiến thức ra từ từng ngăn kéo và hút hết hồn vía người ta. May lắm, sau này hình như có người biết ở phố Hàng Gà Hà Nội có một ông thầy châm cứu giỏi vào loại siêu, hình như ông ấy nguyên là một giáo sư văn học nổi tiếng…

Từ năm học 1958-1959, bọn chúng tôi lên học tận Cầu Giấy, cách Hà Nội 12 km, giữa một vùng đồng không mông quạnh, phía bên kia đường là làng Vòng làm cốm, cách về phía tây một đoạn nghĩa trang Mai Dịch, nơi chúng tôi thỉnh thoảng đến lao động. Hầu như với toàn thầy mới toanh. Mỗi tuần, mong như mong mẹ về chợ, đến chiều thứ bảy, Ký túc xá Cầu Giấy mở cửa, lũ sinh viên chúng tôi, hoặc đạp xe, hoặc đi bộ, ù về Hà Nội một ngày, để tối hôm sau, trước lúc 9 giờ, phải có mặt tại phòng ngủ.

Mỗi lần về Hà Nội, không hiểu sao cứ thấy buồn vô cùng. Hầu như chủ nhật nào tôi cũng ghé qua nhà Lê Đạt rồi nhà Trần Dần, chẳng để làm gì, chẳng giúp ích được gì, chỉ để gặp chị Thuý (vợ anh Đạt), chị Khoa (vợ anh Dần), biết rằng hai chị vẫn yên ổn, hai cháu bé, cháu Nhiên và cháu Kha vẫn chơi.


Sài Gòn, tháng 2–2008
Hà Nhật

[1] Những câu thơ của Lê Đạt dẫn trong bài, người viết trích theo trí nhớ. Có gì sai sót mong được thông cảm vì đã hơn 50 năm rồi.
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Người “phu chữ” đã ra đi

Tôi đang ngủ thì nghe điện thoại Nguyễn Đình Toán gọi, giọng hơi hoảng hốt: “Ông Lê Đạt mất rồi, lúc 3h 15 sáng nay”. Tin “Ông Phu Chữ” mất quá đột ngột. Tối qua ông vừa bay từ Tây Nguyên về Hà Nội. 10 giờ đêm ông trượt ngã ở nhà mình, đưa ngay đến bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ tập trung cấp cứu cho ông nhưng không thể cứu nổi nhà thơ mà họ yêu quí. Vậy là Người Phu Chữ ấy đã ra đi, hưởng thọ 80 tuổi ta.

Ông tuổi Mùi, sinh ngày 10.9.1929 tại bến Âu Lâu, Yên Bái, quê gốc xã Á Lữ, Bắc Giang. Tham gia kháng chiến chống Pháp rồi trở thành một “nhân vật” của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Nổi tiếng bằng những bài thơ hô hào cho một xã hội mới, cũng đồng nghĩa với tinh thần làm mới thi ca nghệ thuật lúc bấy giờ. Suốt 30 năm “vắng bóng” trên thi đàn, Lê Đạt đã trở lại trong thời kỳ Đổi Mới với nhiều bài thơ, truyện ngắn và tiểu luận về thơ đầy ấn tượng. Ông đã cho xuất bản các tập sách: Bài thơ trên ghế đá (chung với Vĩnh Mai, 1958), 36 bài thơ tình (chung với Dương Tường, 1990), Thơ Lê Đạt - Sao Mai (chung với Sao Mai, 1991), Bóng chữ (1994), Hèn đại nhân (1994), U75 từ tình (2007), Mi là người bình thường (2007), và nhận giải thưởng Nhà Nước về VHNT năm 2006.

Trong những nhà thơ cùng trang lứa, Lê Đạt (cùng với Trần Dần) là nhà thơ vị chữ. Ông đề cao tinh thần lao động chữ của nhà thơ đến mức ông gọi nhà thơ là “Phu Chữ”. Phu hay cu-li cũng vậy, đều cực nhọc muôn phần. Ông ghét thứ thơ đơn nghĩa và gọi nó là “thơ lộ thiên”. Vì vậy ông chủ trương đào sâu vào chữ để tìm ra nhiều vỉa từ nhằm làm cho thơ đa nghĩa, cô đúc và sâu sắc. Và ông muốn những con chữ ấy phải mang dấu ấn riêng của nhà thơ. Trong một bài tiểu luận viết cho báo Thơ theo “đặt hàng” của tôi, ông đã nắn nót viết hai chữ tựa đề là “Vân Chữ”. Ông nói “Vân chữ cũng quan trọng như vân tay ấy mà, có thể làm dấu ấn vào giấy thông hành của nhà thơ”. Thời kỳ chín muồi của thơ ông chính là thời ông cho ra mắt tập thơ Bóng chữ gây xôn xao dư luận, khen chê “toé lửa” trên văn đàn. Nhưng sau tất cả những tranh luận về thơ ông, người ta thấy ông có lý. Vậy là sự tìm kiếm sáng tạo mới của nhà thơ đã có tác động đến sự phát triển nền thơ của ta những năm cuối thế kỷ XX.

Tôi gặp ông không nhiều, nhưng lần nào gặp cũng thấy ông cười rất sảng khoái. Ông bảo ông có bệnh cười. Ngay cả trong cuộc họp nghe ai đó phát biểu sai về mình là tự nhiên ông bật cười phá lên. Vì thế mà hồi Nhân Văn Giai Phẩm, có người cho ông là ngông. Nhưng thực ra cái tính ông thế. Năm ngoái tôi đưa mấy nhà thơ hải ngoại đến Phó Đức Chình thăm và phỏng vấn ông, thì cứ sau mỗi câu hỏi là ông lại cười. Ông cười thoải mái rồi mới trả lời. Có ý gì mạnh, ông cũng cười, khiến mọi việc đều nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng những điều ông nghĩ, ông nói thì vô cùng nghiêm túc và sâu sắc.

Tôi là người thế hệ sau, nhưng khi trò chuyện với ông hình như không có khoảng cách. Ông chú ý đọc kỹ từng nhà thơ lớp sau, và yêu mến những gì ông thích. Đấy là tính bình đẳng của một nhà thơ luôn đi tìm cái Mới. Nhớ lần tôi ghi tặng ông tập thơ Đồng dao cho người lớn, nhà thơ Võ Thanh An bảo tôi: “Mày ghi tặng Sư Phụ đi”, nhưng ông cười rất vui: “Tớ với Tạo là Thi Hữu thôi”, nhưng tôi đã ghi “Quý tặng Thi Huynh Lê Đạt”, và ông rất vui. Chỉ một chi tiết nhỏ ấy khiến tôi rất ấn tượng và yêu quí ông hơn.

Vâng, một nhà thơ mà cuộc đời đầy sóng gió như Lê Đạt, mà vẫn kiên trì đi tới đích, cũng không phải dễ hiểu với nhiều người. Tôi nghĩ đơn giản là vì ông có niềm tin vào cái Đẹp mà thơ ông luôn hướng tới. Chỉ có khám phá, sáng tạo đúng lương tâm của mình, đúng cách riêng của mình, đúng tài năng của mình thì ông sẽ gặt được niềm vui chính thơ ca mang lại. Vì thế mà khi nghe tin ông đột ngột qua đời, những câu thơ rất đẹp, rất Lê Đạt cứ vang vọng trong trí nhớ của tôi:

Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
                   mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
                  bóng chữ động chân cầu.
Và giờ đây người Phu Chữ Lê Đạt đã ra đi, nhưng ông vẫn còn đó trong Bóng Chữ của chính ông.


21.4.2008
Nguyễn Trọng Tạo
chia cho em một đời say
một cây si/ với/ một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
23.00
Chia sẻ trên Facebook