Bà Trưng, Triệu mở dòng liệt nữ,
Chống ngoại xâm thanh sử ghi công.
Gần đây một nữ anh hùng,
Cũng là gốc Lạc trời Hồng nẩy hoa.
Người Thuận Hoá nếp nhà nho giáo,
Đinh phu nhân tiết tháo phi thường,
Tính trầm trọng, vẻ đoan trang,
Bút hoa ham tập, quyển vàng ham xem.
Chồng mất sớm một niềm thủ tiết,
Nước suy vong còn thiết chi thân.
Chống thù theo gót Mộc Lan,
Liễu bồ mà học lá gan anh hùng.
Buổi văn thân vẫy vùng hải ngoại,
Bà tìm ông Ngư Hải xin theo,
Việc đại nghĩa, dẫu hiểm nghèo,
Hết lòng báo quốc, quyết liều ngày xanh.
Lưới trinh thám tung hoành sau trước,
Lọt khỏi vòng khôn được phần nào.
Bà xin tình nguyện xông vào,
Ban liên lạc với kiều bào ngoại bang.
Kỳ Ngoại Hầu đã sang tới Nhựt,
Việc Đông Du, xếp đặt quy mô,
Cơ quan tiếp tế phải lo,
Tiền tài thơ tín phó cho mặc bà.
Từ Thuận Hoá lọt qua các bến,
Ghé Nghệ An rồi đến Hải Phòng,
Hải Phòng sang tận Hồng Kông,
Đảng viên đã cử một ông đi về.
Ngư Hải ông được bà ủng hộ,
Trong năm năm phục vụ nên công.
Nhờ bà nội ngoại giao thông,
Nền tài chính đảng bổ sung được nhiều.
Thương phận mỏng chí kêu chênh lệch,
Với lệnh trời không địch được sao?
Năm Thân bà bị tống lao,
Gặp kỳ tra tấn khổ bao cực hình.
Trương Như Cương ham danh hại nước,
Chốn pháp đình tìm chước dụ bà.
Rằng “Khôn thú thật thì tha,
Việc làm của đảng nói ra cho tường.
Không những được khoan hồng đối đãi,
Lại còn tư cấp giải thường cho.”
Nghe lời gan xét ruột vò,
Mà trong chí cả ai dò mưu sâu.
Bà tỏ vẻ gật đầu toại ý,
Miệng tươi cười “Vâng sẽ xin thưa,
Nhưng nay đã bị đau nhừ,
Nới cho gông xích xin thưa trường trình.
Thơ giấy bút đêm thanh tôi nghĩ,
Những ai ai xin kể rõ ràng,
Việc trong đảng tôi tỏ tường,
Hằng trăm đồng chí vẫn thường tới lui.
Nay biết chắc tha tôi tội chết,
Thời tôi xin khai hết đủ tên.”
Họ Trương tưởng thật mừng rên,
Bèn ban lệnh xuống tháo then gông cùm.
Trong phòng kín tối om lạnh lẽo,
Ngọn dầu hao vóc liễu xót xa.
Một mình một bóng châu sa,
“Phu quân đâu đấy, đón ta đến cùng!...”
Lấy nghiên mực mài dòng huyết lệ,
Thảo một trang chửi tệ quân thù.
Cắn tay lấy máu chép thơ,
Ba vầng tuyệt mạng đến giờ còn vang.
Sáng hôm sau cửa buồng vặn khoá,
Trương mừng thầm vội vã vào ngay.
Đến khi cửa mở kinh thay!
Thân kia đã gửi đoạn dây oan tình.
Trương nghĩ thẹn riêng mình thấp trí,
Sái hoả thiêu thi thể tờ cung.
Khen thay một tấm kiên trung,
Noi gương báo quốc soi chung muôn đời.


Đinh phu nhân tức bà Ấu Triệu, chính tên là Lê Thị Đàn, người xã Thế Lại Thượng, tỉnh Thừa Thiên, vợ của một viên quan họ Đinh. Bà goá chồng hồi còn nhỏ, nhưng không tái giá. Nhờ sinh trưởng trong gia đình Nho giáo, thiếu thời bà có theo đòi đèn sách và biết làm thơ văn. Bà gia nhập Việt Nam quang phục hội từ khi Hội mới thành lập với nhiệm vụ hộ tống cán bộ và giao thông tin tức từ Quảng Nam, Huế, Nghệ An và Hà Nội, Hải Phòng, bên cạnh ông Ngự Hải Đặng Thái Thân. Trong các phong trào Đông Du, Kháng thuế ở các tỉnh miền Trung, bà đóng góp một phần hoạt động rất đắc lực.

Năm 1910, bà bị mật thám Pháp bắt trên đường Hải Phòng, Quảng Ninh với nhiều thư từ tài liệu cách mạng. Bà bị giải về nhà lao Thừa Thiên. Tên phủ doãn Trương Như Cương dùng mọi cực hình tra tấn. Bà nhất định không khai một đồng chí nào hay một cơ sở nào. Một hôm bà bảo Trương Như Cương: “Các công việc, các tổ chức của Hội tôi đều biết. Song bấy lâu bị giam giữ tra tấn, mình mẩy dơ bẩn, nay ‘cụ lớn’ cho nước tắm sạch sẽ và cho giấy bút, đêm nay tôi sẽ thức khai hết.” Cương mừng quá, chiều theo. Nhưng sáng hôm sau, y mở cửa nhà lao vào xem thì bà đã dùng dây lưng thắt cổ chết, để lại ba bài thơ tuyệt mạng viết bằng máu cùng một bức thư chửi bọn thực dân và bè lũ.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]