Than ôi!
Nước còn lênh đênh,
Dân khó ngoi ngóc.
Đã thuế nặng nề,
Lại quan tham độc.
Chó ăn cả lông,
Cây đào tận gốc.
Không tiền mua khăn,
Nên đầu ông trọc;
Không tiền mua vải,
Nên áo ông cộc.
Xin thuế ít nhiều,
Kêu tình khổ nhục.
Một dạ vững bền,
Tám ngàn chen chúc.
Không ngờ sẩy chưn,
Chẳng vớ được cọc.
Thôi thà thác trong,
Còn hơn sống đục.
Hồn ông đi đâu?
Xiêm La, Băng Cốc,
Nhật Bổn, Hoành Tân,
Ấn Độ, Thiên Trúc;
Lớn hoá làm tàu bay,
Nhỏ hoá làm súng lục,
Phới phới trên từng mây,
Để chờ cơn báo phục!

Nay có:
Rượu cặn một bầu,
Văn nôm một khúc;
Tế ông một diên,
Vì dân đau khóc!


Năm 1908, phong trào chống chống xâu thuế ở miền Trung dấy động khắp nơi. Riêng phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sáng ngày 22-3, hơn 8000 người tủa vào phủ lỵ bắt tên tri phủ thâm độc Trần Văn Thống (người Quảng Bình) khiêng lên tỉnh trả thực dân Pháp. Tới sông Thanh Hà, một tên thiếu uý đem 30 lính tập kéo đến dùng báng súng đàn áp làm ba người ngã xuống sông chết, cướp được tên Thống. Đoàn người tay không tan dần, một số ở lại vớt ba người lên chôn. Sáng sau, đồng bào tụ họp lại làm lễ truy điệu. Đối trướng văn tế rất nhiều, trong đó có bài văn tế này đã tố cáo sự bóc lột tàn nhẫn của thực dân Pháp khiến cho dân ta bị lầm than nghèo khổ, đồng thời cầu chúc hương hồn những người bất hạnh sẽ kết thành lực lượng để còn báo thù và tranh đấu.

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]