Nước Nam có bốn anh hùng,
Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu.
Đây là bài ca dao cuối thời Tự Đức, sau biến cố thất thủ kinh đô tối ngày 4 rạng sáng 5 tháng 7-1885 (nhằm 23 tháng 5 năm Ất Dậu). Quan đại thần Tôn Thất Thuyết (đứng đầu phe chủ chiến trong triều đình) hạ lệnh tấn công đánh úp quân Pháp tại Toà Khâm sứ và đồn Mang Cá. Việc lớn bất thành, Tôn Thất Thuyết vội vàng phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở. Tại đây, ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên chống Pháp. Bấy giờ, triều đình Huế chia làm hai kinh đô: kinh đô của Nam triều tại Huế (niên hiệu Đồng Khánh) và kinh đô kháng chiến Tân Sở ở Quảng Trị (niên hiệu Hàm Nghi), cùng tồn tại cho đến năm 1888.
Bốn nhân vật nhắc tới trong bài là:
- Người thứ nhất là Nguyễn Văn Tường, ban đầu sát cánh với Tôn Thất Thuyết trong phe chủ chiến chống Pháp, sau ra đầu thú với thống tướng De Courcy và được phục chức phụ chánh. Ông Tường ra tuyên cáo kết tội ông Tôn Thất Thuyết, mang quân đi lùng bắt vua Hàm Nghi và ông Thuyết, bắt giam cha ông Thuyết.
- Người thứ hai là Hoàng Kế Viêm, trước cũng chống Pháp trong phe chủ chiến, sau được vua Ðồng Khánh (thân Pháp) phục chức và sai ra Quảng Bình chiêu dụ vua Hàm Nghi.
- Người thứ ba là Ông Ích Khiêm, người làng Phong Lệ, nay thuộc phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Khi Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuyên quyền, ông khẳng khái, không chịu luồn cúi cấp trên, làm phật ý hai ông này nên bị giam vào ngục.
- Người cuối cùng là Tôn Thất Thuyết.
Khảo dị:
‡ An Nam có bốn anh hùng,
Tường gian, Viêm ‡ dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu.
‡ Thừa Thiên có bốn ‡ gian hùng,
Tường gian, Viêm ‡ dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]