Mấy năm liền... vì việc riêng, tôi tạm trú ở chùa. May sao nơi đấy có kha khá kinh sách, nhờ vậy tâm trí tôi tạm khuây khoả. Và trong số tàng thư ấy, quyển Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ) có chứa mẩu chuyện Lý Đạo Tái đã gợi tôi nhiều cảm hứng để tìm hiểu vị thiền sư đời Trần này.
Sách Vũ trung tuỳ bút chép: Huyền Quang tên Lý Đạo Tái, là bậc khoa bảng mà bỏ đi tu... Gần đây, ông Nguyễn Hoàn, người cổ đô có soạn bài Huyền Quang hành bằng quốc ngữ, trong đó có nói chuyên nàng Bích. Nhưng chuyện ấy không thấy chép trong sử, ta thường lấy làm ngờ. Còn nhớ, khi mới lên bảy tám tuổi, thường theo bà tiên cung nhân ta sang hầu bà cô họ ngoại...Khi các bà ngồi rỗi nói chuyện, có nói đến nàng Bích, ta mới biết qủa có người ấy thật... Sau ông Nhữ Công Chân có câu thơ rằng:
Giai nhân lạc địa uỷ kim điền
(Giai nhân đày đoạ rụng bông vàng)
Lại có câu:
Tằng hướng tiêu phòng khoa yểu điệu
Khước lai sơn tự bạng không thiền
(Phòng tiêu thuở trước từng khoe đẹp
Chùa núi sau này tựa cảnh không)
Thật lòng, đọc mấy câu thơ trên khiến tôi nhiều băn khoăn... Nhưng tôi sẽ trở lại vấn đề này, sau khi nêu vắn tắt tiểu sử người họ Lý:
1. Tiểu sửThiền sư Huyền Quang (Giáp Dần 1254 - Giáp Tuất 1334) tên Lý Đạo Tái, người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc). Theo sách
Tổ gia thực lục, cha của ông tên Tuệ Tổ, có công đánh Chiêm Thành nhưng không chịu làm quan, sớm tối chỉ vui thú với sách vở và việc đồng áng. Mẹ ông là Lê thị (?), người hiền lành. Tương truyền, dung mạo ông xấu xí lại thêm cảnh nghèo khó, nên ông thường bị người đời hất hủi, cả việc đi hỏi vợ nhiều nơi vẫn không thành. Nhờ tư chất thông minh, hiếu học, năm 20 tuổi, ông đỗ thi hương rồi năm sau đỗ đầu thi hội (theo
Đăng khoa lục, Huyền Quang đỗ tiến sĩ năm Bảo Phù thứ hai, 1274). Đến lúc ấy, nhiều gia đình mới lân la để gả con, nhưng ông đều từ chối. Ông chua chát viết:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng, trăm nghìn nhân duyên
Kể từ đó, trên dưới 30 năm, ông làm quan tận tuỵ nơi viện nội Hàn. Từng phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc, bởi ông thông thạo thư tịch, giỏi đối đáp, ứng xử... Một lần, ông theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phụng Nhãn dự buổi thuyết pháp. Nghe xong, ông chạnh lòng than:
...Phú quý vinh hoa thích thú
Đáng lo như lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hè
Sao ta có thể lưu luyến lâu dài được?...
Nhờ nhà Trần rất sùng tín đạo Phật, nên sau vài lần dâng biểu xin từ quan để đi tu, ông được vua chấp thuận. Buổi đầu xuất gia khi đã 51 tuổi (1305), ông đến học đạo với thiền sư Bảo Phác nơi chùa Lễ Vĩnh. Sau ông theo Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm là Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông khoảng 2 năm để giúp việc biên soạn kinh sách, được ngài hài lòng khen: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, khảo đính thì không thể thêm bớt được một chữ nào nữa”.
Khi Trúc Lâm viên tịch, ông theo Pháp Loa làm đồ đệ người thầy,cũng là Tổ thứ hai thiền phái, trẻ hơn mình đến 30 tuổi (Pháp Loa sinh năm 1284, mất năm 1330). Sau đó ông được cho về trụ trì chùa Vân Yên trên đỉnh núi Yên Tử, nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm. Hằng ngày ông giảng đạo, biên tập kinh... và gần như không còn liên hệ với chốn quan trường. Nhưng chỉ được một thời gian, ông xin về chùa Thanh Mai rồi chùa Tư Phúc ở Côn Sơn. Năm 1330, Pháp Loa viên tịch, ông được trao truyền làm Tổ thứ ba dòng thiền này, sau Trúc Lâm, Pháp Loa. Ông từ giã cõi trần tại Côn Sơn vào ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), thọ 81 tuổi, được vua Trần Minh Tông ban thuỵ hiệu: Trúc Lâm đệ tam đại, tự pháp Huyền Quang tôn giả.
2. Câu chuyện Huyền Quang với Điểm BíchTheo sách
Tổ gia thực lục, sự việc này xảy ra thời vua Trần Anh Tông. Một hôm vua hỏi các quan hầu cùng đạo tăng: “Huyền Quang lão sư sống như tấm gương trong không mờ bụi, thế là dồn lấp tình dục hay không có dục tình?” Nho thần Mạc Đĩnh Chi tâu: “Vẽ hổ chỉ vẽ ngoài da, khó vẽ trong xương, xin hãy cho thử mới biết...” Vua nghe theo, liền ngầm cho cho vời cung nhân Điểm Bích, đẹp người lại thông kinh sử đến dặn dò: “Vị tăng kia vốn giới hạnh cao nghiêm, ngươi hãy đến Yên Tử tìm hiểu cho trẫm. Nếu quả vị tăng ấy còn quyến luyến dục tình thì ngươi hãy tìm cách xin Kim tử bằng vàng, đem về cho ta...”
Sau một thời gian xin theo học đạo, Điểm Bích thấy ông giữ giới hạnh khó dùng sắc đẹp quyến dụ, nàng nảy sinh ra một kế:giả vờ than khóc nói là con nhà khoa bảng, cha làm quan thu thuế bị cướp sạch bạc tiền. Nếu không hoàn trả, cả nhà sẽ bị tội nặng. Giàu lòng từ bi, ông lấy Kim tử do vua ban tặng, trao cho nàng... Lập tức, Điểm Bích trốn về cung tâu dối với vua, nào là nhà sư ngâm thơ, nào là sư giữ nàng qua đêm như thế nào (1). Nghe hết lời kể, vua than: “Việc này nếu quả có thực thì chính ta là kẻ thả lưới bắt chim, còn nếu không thì cũng không khỏi gieo sự nghi hoặc...” Sau đó không lâu, vua cho mở đại hội Vô già, thỉnh Huyền Quang đến chủ lễ. Đoán biết vua và triều thần đang nghi ngờ sự trong sạch của mình, ông liền lên đàn ngửa mặt rồi niệm chú. Bỗng dưng gió thổi mạnh, mây kéo đến đầy trời... một hồi các tạp vật trên pháp điện đều bị gió cuốn sạch... Thấy pháp hạnh Huyền Quang thấu cả thiên địa, ai nấy đều thất sắc. Nhà vua lạy tạ lỗi với sư và còn bắt phạt Điểm Bích phải làm kẻ hầu hạ nơi chùa Cảnh Linh trong cung. Từ đó, ông càng được vua kính trọng, gọi tôn là Tự Pháp (Nối Đạo).
Theo ý riêng, câu chuyện khá phổ biến này có vài điểm cần lưu ý. Trước hết tôi xin nói qua về sách
Tổ gia thực lục, đây là tác phẩm khuyết danh, bị lưu lạc qua nhiều thời gian, nhiều địa điểm: sáng tác vào thời nhà Trần, đến thời nhà Hồ bị giặc Minh cướp mang về Trung Quốc; nửa đầu thế kỷ XV, Lê Quang Bí (Hoàng giáp năm 1526, nhà Hậu Lê) đi sứ mới tìm lại được, bèn gửi về cho Nguyễn Bỉnh Khiêm xem. Sau có người đem ghép chung với truyện Trần Nhân Tông và Pháp Loa, làm ra sách
Tam Tổ thực lục.
Nhận xét, so với 2 phần mà
Tổ gia thực lục ghép chung, giá trị lịch sử của nó kém hơn. Do người viết chỉ trú trọng đến mặt thần bí mà không để ý tới khía cạnh tư tưởng, yếu lý của Huyền Quang. Điều này phản ảnh tình trạng suy thoái của Phật giáo vào cuối thế kỷ XIV, Phật tử chỉ biết thờ cúng cầu nguyện, tin bùa chú..., do chịu ảnh hưởng Mật tông khá nặng.
Và chuyện Điểm Bích, lần đầu tiên được chép trong sách ấy, có lẽ đó chỉ là điều đơm đặt của giới nho sĩ nhằm hạ uy tín Huyền Quang, gián tiếp đã kích Phật giáo. Có thể có nhiều lý do, nhưng một phần cũng bởi ông bỏ Nho theo Phật. Và tôi cũng không loại trừ do lòng đố kỵ của những người khác phe phái ngay trong thiền môn, bởi ông được các vua Trần tỏ ra ưu ái, tin cậy, phong làm trụ trì, làm Tổ...
Vì thế, người soạn thực lục không biết dựa vào tư liệu nào hay chỉ nghe kể, nhưng chắc chắn phải từ những tấm lòng mộ đạo, kính trọng Huyền Quang, họ mới tô đậm việc “giải oan” mang màu sắc hết sức thần quyền. Mặt khác, nếu cho việc này là có, sao không thấy sử sách chép và chính Phạm Đình Hổ cũng đã thú nhận “thường lấy làm ngờ”. Thêm nữa, theo nhiều nguồn, các chùa chiền thời Trần thường nhiều của cải. Và “kim tử” là tín vật của vua ban cho, không thể nào Huyền Quang khinh suất, tự ý giao cho người khác... (2)
3. Huyền Quang với sự suy thoái của Phật giáo Trúc LâmPhật giáo Trúc Lâm là trang sử sáng chói trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Do các người sáng lập đã cố gắng Việt hoá các yếu lý của thiền tông từ nhiều nơi khác đến. Không những Phật giáo Trúc Lâm không còn những tư tưởng rối rắm, bi quan, thần bí... mà phái này còn làm được vai trò đoàn kết dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông. Và TL cũng đã có tác động không nhỏ cho sự phát triển nhiều mặt, trong đó có nền văn hoá Phật giáo:thơ ca, kiến trúc, đúc tượng, in ấn, hội hoạ vv...
Nhưng đáng tiếc, mọi chuyện không suôn sẻ mãi. Vào giữa thế kỷ XIV, bấy giờ tầng lớp ủng hộ Phật giáo Trúc Lâm là quí tộc nhà Trần đã mất dần uy lục chính trị và kinh tế. Họ lại thường lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để quyên góp, vơ vét, bắt dân làm nô dịch... Một phần họ làm của riêng; một phần dùng để xây chùa, đúc tượng và lập vô số điền trang rộng lớn cho chùa. Đâu chỉ có vậy, số tăng lữ mỗi ngày một đông mà người thực tu thì quá ít, dẫn đến việc biếng nhác, bè phái, sử dụng bùa chú... hòng mua danh, trục lợi...
Tất cả đã làm ảnh hưởng đến vai trò, uy tín của đạo; đến sự phát triển chung của đất nước vừa mới yên bình. Bên cạnh đó, các quan lại xuất thân từ Nho học, đại diện cho tầng lớp cấp thấp, bắt đầu nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Từ thực trạng vừa nêu sơ lược, nhiều nhà nho như Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát... bắt đầu lớn tiếng công kích Phật giáo...
Gánh nặng đó, Pháp Loa đã trao lại cho Huyền Quang, một ông già 77 tuổi, tuy có học thức, tài hoa, thông kinh kệ... nhưng không phải là người thích hợp cho công việc lãnh đạo giáo hội.Vả lại, thời gian ông cầm đầu chỉ 4 năm ngắn ngủi (1330-1334), nên sự suy thoái của Phật giáo Trúc Lâm không hẳn hoàn toàn do lỗi của ông... (3)
Tư tưởng & tâm trạng của Huyền QuangThật lòng khi viết phần này, tôi băn khoăn rất lâu. Bởi trước tác của ông còn lưu lại quá ít (4), bởi không ít ý kiến cho rằng Huyền Quang là người: Tâm không còn phân biệt Ma - Phật, Mê - Ngộ, Thị - Phi vv... Nghĩa là lòng đã an tịnh, đã có cái nhìn “vong nhị kiến”...
Nhận xét như thế không phải không có lý, bởi Huyền Quang đã từng bộc lộ qua bài:
Chùa Diên Hựu
....Thành ngăn tục luỵ trần không vướng
Cửa mở vô ưu mắt rộng tầm
Thấy được thị phi cùng một tướng
Ma cung, Phật quốc cũng ngồi chung
(Nguyễn Lang dịch)
Và từ câu chuyện Huyền Quang thăm bệnh Pháp Loa: Ngày 3/3/1330, Pháp Loa lại phát bệnh nặng. Nửa đêm trở lại thăm thầy, Huyền Quang nói:
- Xưa nay các bậc đạt ngộ khi giờ phút đến, muốn ở lại thì ở, muốn đi cứ ra đi... (cờ gì cứ trăn trở khi viên tịch?)
Pháp Loa:
- Đi hay ở cũng đều không can hệ gì tớ ai.
Huyền Quang:
- Vậy thì sao?
Pháp Loa:
- Thì... tuỳ xứ tát-bà-ha! (5)
Câu trả lời làm Huyền Quang hả dạ...
Nhưng theo tôi, những tư tưởng nêu trên chỉ cho thấy được một khía cạnh Huyền Quang: có học thức và am tường kinh sách. Vì những lời lẽ ấy chỉ là những yếu lý cơ bản của triết học thiền tông mà tu sĩ thường thuộc nằm lòng; chỉ là xu hướng chung của dòng thơ thiền thời Lý Trần; mà cụ thể là ở những người đi trước như Tuệ Trung, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông... Thí dụ:
Thân từ vô tướng vốn là không
Huyễn hoá phân ra thành nhị kiến
Không tâm, không thị cũng không phi
Không kiến, chẳng tà cũng chẳng chánh...
(Tuệ Trung)
Sinh già bệnh chết
Là lẽ đương nhiên
Muốn khỏi bốn bệnh
Bỏ hết tham luyến...
(trích Khoá hư lục, Trần Thái Tông)
Có có không không
Nhìn trái nhìn phải
Tra tra xét xét,
Phố chợ ồn ào...
Có có không không
Đau buồn thương xót
Cắt đứt sắn bìm,
Đó đây khoái hoạt...
(Hữu cú hữu vô, Trần Nhân Tông)
Trở lại vấn đề Huyền Quang, như tôi đã nói, thơ của ông còn lưu lại quá ít cộng thêm ý tứ tinh tế, thầm kín (thơ thiền thường khó lý giải rốt ráo). Và trừ một vài bài ta định được mốc thời gian ông viết, số nhiều còn lại thì không. Thôi thì, tôi tạm dựa vào cái biết được để so sánh, với lòng mong mỏi được góp chút gì về ông chăng?...
Nhìn lại, suốt những năm tháng của tuổi trẻ, Huyền Quang phải sống cảnh nghèo khó, thường bị miệt khinh. Đến khi đỗ đạt (Trạng nguyên thứ 6/47 vị của nước ta) rồi ra làm quan,chắc gì nơi quan trường nhiều bon chen danh lợi đó, không làm cho trái tim ông ít nhiều vết xước. Mặt khác, biết đâu nhờ “con đường mới” (Phật giáo), Huyền Quang có thể lý giải những gì trăn trở, day dứt... nơi lòng mà ông đã không thể tìm được ở Nho giáo. Có lẽ vì thế khi tuổi đã 51, ông từ quan để tìm đến cửa thiền với tâm trạng khá hăm hở. Xin trích một đoạn bài phú nôm ông làm khi mới lên chùa Hoa Yên:
Buông niềm trần tục
Náu tới Hoa Yên
Chim thuỵ dõi tiếng ca chim thuỵ
Gió tiên đưa đòi bước thần tiên
Bầu đủng đỉnh giang hoà thế giới
Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên...
Niết được tính ta nên Bụt thật
Ngại chi non nước cảnh đường xa
(Phú vịnh chùa Hoa Yên – Nguyễn Lang dịch)
Đề Đạm Thuỷ tự (Đề chùa Đạm Thuỷ)
Bên đình Đạm Thuỷ nhiều cỏ nội
Núi quang, mây tạnh,bóng xế tà
Nhân qua con đường vua đi mà vào thiền thất
Giúp nhà chùa đánh chuông và nhặt hoa rơi
Đề động hiên đàn việt giả sơn (Đề núi non bộ của người đàn việt)
Hoa cây vấn vít nhau trên bộ
Khói lồng trăng, hoa dầm sương lạnh
Từ đây sự lo nghĩ sẽ thanh tao hết trần tục
Do tìm được chỗ gió mát trong sạch gối đầu nghỉ yên
(Nguyễn Đăng Thục dịch)
Vâng. “Giúp nhà chù đánh chuông & nhặt hoa rơi”, “Tìm được chỗ trong sạch để nghĩ yên”. Những việc làm ấy thật đẹp, thật giản dị. Và có lẽ chính từ tâm trạng vui thích do không còn bị trói buộc, được sống thật với chính mình; Huyền Quang đã có cái nhìn rất thiền, rất thi sĩ đối với thiên nhiên, tạo vật:
Tảo thu (Thu sớm)
Hơi mát thâu đêm lọt tới mành
Cây sân xào xạc báo thu thanh
Bên lều quên bẵng hương vừa tắt,
Lưới bủa vầng trăng mấy khóm cành
(Nguyễn Đổng Chi dịch)
Hay là:
Chu trung (Đi thuyền)
Mênh nông theo gió con thuyền nhỏ
Thu sáng ngời xanh bóng nước, cây
Tiếng sáo thôn chài, lau lách vọng
Trăng lặn lòng sông, móc trăng đầy
Và:
Ngọ thuỵ (Ngủ trưa)
Mưa tạnh, khe núi tĩnh
Ngủ mát dưới rừng phong
Nhìn lại cõi nhân thế
Mắt mở vẫn say nồng
(Nguyễn Bang dịch)
Bên trong con người yêu mến thiên nhiên, khao khát thanh tịnh ấy, vẫn không sao che giấu được một trái tim giàu cảm xúc, nặng tình người:
Ai phù lỗ (Thương tên giặc bị bắt)
Lấy máu đề thư, muốn gửi nhau
Cô đơn chiếc nhạn vút mây sầu
Bao nhà ngóng nguyệt đêm nay nhỉ,
Hai chốn cách vời một nỗi đau
(Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Viện triết học)
Có lẽ vì vậy trái tim ông rất dễ tổn thương khi bị người đơm đặt, gièm pha (chuyện nàng Bích là một ví dụ):
Cúc hoa (bài 2)
Ruột héo mong gì nước rửa tươi
Vịnh mai trăm mục cũng nhường thôi
Buồn thu, già yếu còn ngâm hão
Vì cúc, tình thơ luống rối bời...
Do muộn phiền quá đỗi bởi những gì đa đoan cứ bám đuổi,dù ông đã vào chốn thiền môn, cộng thêm ước muốn được tĩnh lặng thường thấy ở tuổi già. Từ Hoa Yên ông lui về Thanh Mai rồi Tư Phúc ở Côn Sơn hẻo lánh, để thổn thức với trời cao và vui buồn cùng mai, cúc:
Mai hoa (Hoa mai)
Muốn hỏi trời xanh: Hoa tự đâu
Một mình gội tuyết chốn non sâu
Bẻ về, không để chưng vừa mắt,
Chỉ mượn xuân này đỡ lão đau...
(Cảm nhận đạo Phật, Phạm Kế)
Cúc hoa (bài 5)
Người ở trên lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt,
Một đoá hoa vừa mới nở tung
(Nguyễn Lang dịch)
Năm 1330, Pháp Loa mất. Ở tuổi 77, ông phải đến nhận danh vị Tổ kế nghiệp. Tự biết sức mình khó đảm đương trọng trách lớn; ông giao việc điều hành giáo hội cho Quốc sư An Tâm, rồi một mình quày quả rời nơi đô hội về lại Côn Sơn, làm nhà ẩn cư cho đến hết đời... Huyền Quang thổ lộ:
Thạch thất (Nhà đá)
Nửa gian nhà đá, bạn cùng mây
Tấm áo lông thô, lạnh tháng ngày
Sư khểnh giường thiền, kinh trước án
Lò tàn, than lụi, sáng nào hay
(Huệ Chi dịch)
Và:
Nhân sự đề Cứu Lan tự (Nhân có việc, đề ở chùa Cứu Lan)
Đức bạc thẹn mình nối tổ đăng
Học theo Hàn, Thập dứt đa đoan
Hãy đi với bạn về non vắng,
Rừng núi bao la mấy vạn từng
Hàn Sơn & Thập Đắc là 2 cao tăng ẩn sĩ đời Đường
(Lược sử Phật giáo Việt Nam, T.T Thích Minh Tuệ)
Nói là “học dứt đa đoan” hay cũng như bài thơ dưới đây, Huyền Quang nói “quên tất cả”:
Cúc hoa (bài 3)
Quên thân, quên thế, thảy đều quên
Thiền toạ ngồi lâu lạnh thắm giường
Trong núi năm tàn không có lịch
Thấy hoa cúc nở biết Trùng dương
Ta vẫn thấy ở ông một thân phận bị xô đẩy, bị sắp đặt nhầm chỗ:
Cúc hoa (bài 4)
Thu về, móc nhẹ, cúc đơm bông
Gió mát trăng thanh dịu nỗi lòng
Vẻ đẹp tinh khôi người chẳng hiểu
Bẻ về cài tóc, đáng cười không?
(Băng Thanh dịch)
Vâng. Việc đời hay chuyện lòng, đâu phải lúc nào chúng cũng thuận theo ý muốn; dẫu ông là Trạng nguyên hay vị Tổ, cũng vậy thôi. Vì lẽ đó, đọc thơ Huyền Quang ta nên chia sẻ cái khao khát, hụt hẫng rồi ngậm ngùi... của một đời thường luôn mong muốn sống tốt đẹp cho đạo và cho mình; hơn là vịn vào vai trò, cách hành xử không thể không làm, rồi nhạo báng hay trách cứ ông...
Trước khi tạm kết bài, xin mời đọc thêm:
Địa lô tức sự (Trước bếp lò tức cảnh)
Củi hết lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình...
(Nguyễn Lang dịch)
Và:
Thôi đã theo thiền lòng lặng tắt
Nỉ non tiếng dế vẫn vì ai?...
(Sơn vũ, Huệ Chi dịch)
Theo tôi, chỉ ngần ấy câu cũng đủ nói lên quan niệm sống của ông. Đó tâm trạng của một người luôn mong muốn được sống hồn nhiên, hoà mình cùng tạo vật. Của một con người muốn thay đổi số phận nhưng lại gặp một số phận khác cũng không kém não nề. Có thể vì vậy phần lớn thơ ông, ta dễ dàng bắt gặp nỗi khát khao, sầu tư thầm kín. Càng lạ hơn là ta chỉ thấy cái “tinh tế, phóng khoáng” của một Lão Trang mà không hề thấy cái triết lý khá rối rắm, mơ hồ của nhà Phật mà ông đang là người đứng đầu. Càng không thấy cái thôi thúc muốn bỏ hết tham luyến, muốn “chặt hết sắn bìm” để dứt niệm, kiến tánh, thành Phật v.v... như các thiền sư khác cùng tác phẩm của họ vào thời Lý Trần...
Và không hiểu sao từ câu “củi hết lò còn vương khói nhẹ...”, khiến tôi chạnh nhớ lại câu thơ đã dẫn: “Phòng tiêu thuở trước từng khoe đẹp. Chùa núi sau này tựa cảnh không” mà thương ông, thương cả nàng Bích, bởi vì đâu?... rồi bất giác bồi hồi...
Bùi Thuỵ Đào Nguyên
(1) Bài thơ Nôm như sau:
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ,
Màu Thích ca nào thử hữu tình
So với các bài thơ của Huyền Quang, bài này ý tứ, ngôn từ kém hẳn. Có thể do người đơm đặt nguỵ tạo.
(2) Trong sách
Sơn cư tạp thuật do Đan Sơn viết vào những năm Nguyễn Huệ ra Bắc Hà diệt Trịnh (1786-1789), có nhắc lại chuyện nàng Bích này. Nhưng khác với
Tổ gia thực lục, người viết kết tội Huyền Quang say đắm sắc dục, làm hỏng đạo: “Sắc dục nơi đâu ngùn ngụt cháy, rừng thiền một khắc hoá ra tro!”, đủ biết sau hơn 450 năm, chuyện ấy vẫn còn được người đời bàn tán...
(3) Trong thời kì Pháp Loa đứng đầu giáo hội, nơi đâu cũng có nhiều chùa tháp được trùng tu, xây dựng mới. Và cứ 3 năm lại có một đợt độ tăng nhân, mỗi lần không dưới một nghìn người. Chỉ tính riêng Pháp Loa, tính đến năm 1332, ông đã độ được 10500 tăng ni!
(4) Tác phẩm của Huyền Quang gồm:
Chư phẩm kinh,
Công văn tập,
Phổ tuệ ngữ lục và tập thơ
Ngọc liên tập. Nhưng tất cả đều không còn. Hiện nay chỉ còn 23 bài thơ chữ Hán và 1 bài phú nôm vịnh chùa Hoa yên (Yên Tử), được ghi trong
Việt âm thi tập,
Trích diễm thi tập. Tuy ng là nhà sư, nhưng ông cũng là người được Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú khen là “Ý tinh tế cao siêu”, “Lời bay bướm phóng khoáng.”
(5) “Tuỳ xứ tát-bà-ha”: 2 từ đầu xin tạm hiểu là tuỳ duyên đi đến nơi nào đó; tát-bà-ha: phiên âm từ tiếng Phạn, nó thường đặt ở câu cuối niệm và có nghĩa khéo nói như thế.