55.00
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt
Thời kỳ: Trần
16 bài trả lời: 14 bản dịch, 2 thảo luận
2 người thích
Từ khoá: tác giả tồn nghi (256) mùa xuân (297) thơ thiền (184)

Tuyển tập chung

Đăng bởi Vanachi vào 08/04/2006 04:38, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 27/02/2016 15:19

春日即事

二八佳人刺繡遲,
紫荊花下轉黃鸝。
可憐無限傷春意,
盡在停針不語時。

 

Xuân nhật tức sự

Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.

 

Dịch nghĩa

Người đẹp tuổi vừa đôi tám, ngồi thêu gấm chậm rãi,
Dưới lùm hoa tử kính đang nở, líu lo tiếng chim oanh vàng.
Thương biết bao nhiêu cái ý thương xuân của nàng,
Cùng dồn lại ở một giây phút, đứng kim và im phắc.


Bài thơ này đã được xác minh lại là thơ thiền đời Tống (Trung Quốc).

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (16 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của Huệ Chi

Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều,
Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,
Là khi không nói, chợt dừng thêu.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
54.80
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Hà Thư Sinh

Người xinh thêu thật nhẹ nhàng
Líu lo oanh hót, hoa tràn trước sân
Thương xuân thương đến vô ngần
Khi nàng không nói chợt ngừng tay thêu.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Tử Minh

Trăng tròn thiếu nữ nhẹ thêu gấm
Dưới khóm Tử Kinh oanh chuyển cành
Thương quá nỗi lòng sao chẳng dứt
Dừng kim tình đọng nói không đành

35.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của mailang

Gấm nhẹ tay thêu đẹp dậy thì,
Chập chờn hoa tử bóng hoàng ly.
Khá thương lòng mến xuân vô hạn,
Đọng lúc kim ngưng chẳng nói gì.

25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Thien Thanh

Gái xinh đưa nhẹ tay thêu,
Hoàng anh nhảy nhót líu riu trên cành.
Thương nhiều tâm trạng buồn quanh,
Khi nàng im lặng, kim mành dừng đưa.

25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Thích Quảng Sự

Đường kim đôi tám dệt xuân xanh,
Oanh hót quanh vườn hoa tử kinh.
Thương ý tình xuân, thương biết mấy!
Là khi dừng chỉ bặt âm thanh.

25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Văn Dũng vicar

Gái xuân khoan thai thêu hoa gấm
Vàng anh chuyền dưới tán tử-kinh
Thương quá ý xuân thương vô hạn
Tận lúc dừng kim vẫn lặng thinh

25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Quốc Vượng

Giai nhân đôi tám ngồi thêu gấm
Hoa nở oanh vàng lảnh lót ca
Thương xuân biết mấy lòng vô hạn
Không nói, dừng thêu, khoảnh khắc qua


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
33.67
Trả lời
Ảnh đại diện

“Xuân nhật tức sự” Không phải của Trung Quốc .

Một cách hiểu khác về bài thơ “Xuân nhật tức sự” của Thiền sư Huyền Quang

“Xuân nhật tức sự” được lưu truyền là của ngài Huyền Quang (1254 –1334), tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm. Đây là bài thơ hay, được nhiều người dịch và chú giảng.

Trong bài này tôi xin đưa ra cách hiểu bài thơ này của riêng mình trong mong muốn tìm hiểu xem có thực ý của ngài Huyền Quang có như từ trước tới giờ những người đọc bài thơ này nghĩ không?

Các thức giả dịch bài này cho rằng ý bài thơ quá lãng mạn, hơi lạ đối với tác giả là một thiền sư. Đồng thời bài này lại trùng với một bài thơ của thiền sư Trung Hoa tên Ảo Đường Trung Nhân đời Tống (? – 1203) (*) (1). Vậy ý tứ bài “Xuân nhật tức sự” có như các dịch giả đã hiểu và chú giảng không? Và ai mới là tác giả đích thực của bài thơ ấy?

Nguyên văn:

Xuân Nhật tức sự

Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả lân vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì.

Huyền Quang

Đặng Thai Mai dịch :

Đường kim bỗng chậm lại trên tay cô nàng xinh đẹp mười sáu xuân xanh,
Mấy chú oanh vàng thỏ thẻ trong lòng tử kinh hoa nở rộ,
Thương quá đi bao nỗi lòng xuân vô hạn,
Đang trút cả giây phút ngừng kim và im phăng phắc .(2)

Đinh Gia Khánh dịch :

Người con gái đẹp tuổi đôi tám chầm chậm thêu,
Dưới bóng hoa tử kinh, chim hoàng ly nhảy nhót,
Đáng yêu là cái ý thương xuân vô hạn,
Đọng lại tất cả ở lúc dừng kim, không nói năng (3)

Huệ Chi dịch :

Lỏng tay thêu gấm gái yêu kiều
Hoa rợp oanh vàng lảnh lót kêu
Bao nỗi thương xuân thương biết mấy
Là khi không nói chợt dừng thêu. (4)

Như thế ta thấy hầu hết bản dịch bài thơ này không khác nhau là bao nhiêu, điều này chứng tỏ các dịch giả hiểu bài này gần giống nhau, đặc biệt câu một và câu bốn. Các văn bản dịch đều cho “nhị bát giai nhân” là một cô gái 16 bằng xương bằng thịt. Vì vậy người dịch và chú phải cố gắng tìm cách giải thích cho hợp lý.

Người đời thì nghĩ có lẽ tác giả thương cô gái quá đi rồi, thương nhất là lúc dừng kim mà chẳng nói năng gì! Còn người tu thì lại bảo đó là cái lý “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”/“Bặt đường ngôn ngữ, dứt lối tâm hành”. Đây chính là cách mà từ trước đến nay nhiều người vẫn nghĩ khi dịch bài thơ này.

Theo tôi, bài thơ này có ngữ nghĩa thống nhất từ tên bài thơ cho đến nội dung. Tất cả các yếu tố và chất liệu tạo nên bài thơ đã hoà quyện với nhau nhuần nhuyễn.

Xin tạm dịch :

Ngày xuân tức sự

Người đẹp 16 tuổi đang chầm chậm thêu tấm gấm nhiều màu
Dưới táng hoa của cây tử kinh những con chim hoàng ly đang hót.
Cảm thương biết mấy nỗi đau trong lòng của mùa Xuân.
Thêu đến khi ngừng kim mà chẳng nói tiếng nào.

Ngày xuân tức sự

Chầm chậm nàng xuân dệt gấm hoa
Hoàng Ly hót dưới tử kinh già.
Nỗi lòng xuân đó sao thương quá!
Dâng hết xuân thì chẳng nói ra.

Tên bài thơ là “Ngày xuân tâm sự ” như vậy mùa xuân là chủ đề của bài thơ. Đây chính là ý chủ đạo xuyên suốt bài thơ, do đó ngôn từ trong bài thơ đều liên quan đến chủ thể này. Nếu ta giải thích và liên tưởng vượt ra ngoài chủ thể đó, có thể ta sẽ không hiểu được bài thơ. Khi đã rơi vào tình huống đó rồi thì mọi giải thích càng cố gắng càng xa ý bài thơ.

Theo tôi “tứ bát gia nhân – người đẹp 16 tuổi" là một tu từ, ở đây là tác giả đã nhân hoá mùa xuân. Tại sao vậy? Ý này cho ta hiểu đây là thời điểm đầu xuân. Bởi vì tuổi 16 hay còn gọi tuổi xuân là tuổi khởi đầu cho sự rực rỡ của con gái, chứa đựng những năng lượng làm thay đổi ngày mai. Nàng đang chầm chậm thêu tấm gấm nhiều màu (“tú” có nghĩa là gấm 5 màu).

Ta có thể hình dung vào một ngày đầu mùa xuân, tác giả nhìn thấy xa xa những bông hoa đầu xuân đang dần dần khoe sắc, gần bên, dưới táng hoa tử kinh, những con chim hoàng ly đang hót véo von. Mùa xuân đang mang lại cho cuộc đời sức sống mới khắp nơi nơi. Một cảnh xuân đẹp, thanh bình lạ thường.

Thế mà bỗng dưng tác giả lại chạnh lòng thấy thương cho nỗi đau trong lòng của mùa xuân khôn xiết, bởi lẽ vì cuộc đời mà mùa xuân đã đem hết sức mình, hay ta có thể nói cống hiến đến hơi thở cuối cùng (tận tại đình châm) để làm đẹp cho đất trời mà chẳng hề than thở một tiếng (bất ngữ).

Như thế là chẳng có cô nàng 16 tuổi nào ở đây cả, mà chỉ có mùa xuân thôi, một mùa xuân đang ra sức cống hiến cho đời những bông hoa kỳ diệu, chẳng có đòi hỏi thở than gì, nhưng từ trước tới giờ những người dịch và chú giảng bài này thiên về thơ Thiền, vì tác giả là một Thiền sư nên lấy làm lạ, từ đó giải thích bài thơ như đã nêu trên và đã nhận định “Có lẽ con người thi nhân trong ông rõ nét hơn con người tôn giáo”(6) hay “Mùa xuân và thiếu nữ: đó là cuộc sống với vẻ yêu kiều nhất của nó; người đẹp dừng kim thêu để tư lự về xuân sắc, xuân tình: lời thơ mới tình tứ làm sao ! Kể ra trong thơ văn ngày xưa cũng ít khi ta bắt gặp những ý, những tình như thế” (7).

Có lẽ vì vậy khi viết “Việt Nam Phật Giáo sử luận”, Nguyễn Lang đã loại bài này ra khỏi phần nói về Huyền Quang (8).

Qua những phân tích trên, ta có thể hình dung ra rằng tác giả Xuân nhật tức sự đang nhìn đăm đăm về phía trước, vì trong chiều không gian mà ông mô tả trong bài ta thấy xa thì trăm hoa đang tô thắm trong buổi đầu xuân, gần thì có những con chim đang hót dưới táng hoa.

Như vậy tác giả không quan tâm đến chiều cao, cái không gian mùa xuân cao rộng trên đầu. Dấu hiệu này cho thấy ông đang nặng gánh ưu tư. Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì xảy ra với đời ông.

Tác giả chia bài thơ thành hai ý :

Câu 1,2 : Hình ảnh một mùa xuân đang mang đến cho đời những gì rực rỡ tốt đẹp nhất, hứa hẹn những ngày hạnh phúc cho nhân thế.

Câu 3,4: Để có được những giá trị tốt đẹp hiến dâng cho đời, mùa xuân đã phải làm việc với tất cả sức mình mà chẳng đòi hỏi, thở than gì. Điều ấy làm cho tác giả chạnh lòng thương xót.

Thông điệp mà bài thơ gởi đến cho người đọc là: Tất cả những gì tốt đẹp mà chúng ta đang hưởng thụ không phải tự nhiên mà có, sở dĩ có được như vậy là nhờ quanh ta biết bao người đang thầm lặng hy sinh mà không hề mong mỏi bất cứ một sự đền đáp nào .

Một bài thơ hay, nhưng đáng tiếc lại trùng với một bài thơ của một thiền sư Trung Hoa đời Tống như Lê Mạnh Thát trong bài “Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự” đã xác định. Cần đọc lại bài thơ này trong tiểu sử của Ao Đường Trung Nhân:

Sư thượng đường nêu chuyện con chó không có tính Phật, nói :

Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả lân vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì.

Như đã phân tích ở trên, nghĩa của bài thơ này đã quá rõ ràng, nếu ta đưa tên của bài thơ là CON CHÓ KHÔNG CÓ TÍNH PHẬT thì thật là vô lý và khó mà tìm được sự thống nhất giữa tiêu đề và nội dung của bài thơ.

Sự không tương hợp này không phải giờ đây khi nghiên cứu về bài thơ mới nhận ra, chính ngay ở Trung Hoa cũng đã có người nghĩ đến điều đó rồi cụ thể là đã có một bài thơ xuất nhập với bài thơ của Trung Nhân của Nam Tẩu Sực được ghi lại trong Thiền Tông tụng cổ liên châu thông tập do Phổ Hội chỉnh lý và bổ sung bảnThiền Tông tụng cổ liên châu thông tập, hoàn thành từ khoảng 1295-1418. (*)

Nguyên văn :

Nhật noãn giai nhân thích tú trì
Tử kinh chi thượng chuyển hoàng ly
Dục tri vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì. (*)

Tạm dịch :

Nắng ấm người đẹp thêu chậm dần
Trên cây tử kinh những con chim hoàng ly đang hót
Muốn biết nỗi lòng mùa xuân thế nào
Tới chỗ ngừng kim chẳng nói gì.

Vì cớ gì mà Nam Tẩu Sực lại sửa bài thơ của Trung Nhân. Rõ ràng ông đã nhận ra ngôn ngữ trong bài thơ của Trung Nhân không phải là ngôn ngữ của người Trung Hoa một dân tộc tự tôn, vì vậy ông muốn đem lại cho bài thơ một cảm xúc mới khi thay đổi một số từ. Ông đã dùng “nắng ấm” thay vì “mười sáu”, “trên cành” thay “dưới hoa”, “dục tri” thay vì “khả lân”.

Với những thay đổi này có lẽ ông muốn ý bài thơ mạnh hơn, cứng rắn hơn như tính chất vốn có của đa số thơ Thiền của Trung Hoa, nhưng vì vậy ý thơ không có được sự liên kết chặt chẽ. Có lẽ chính vì thế mà khi thầy trò Tự Dung và Tính Lôi viết Nam Tống Nguyên Minh thiền lâm tăng bảo truyện (1664)(*) trong phần viết về Ảo Đường Trung Nhân đã không chép bài này nữa.

Như thế ta thấy bài thơ ngay từ thời đó và đã có vấn đề. Các nhà sao lục các sự kiện trong thiền môn ở Trung Hoa đã thấy sự bất cập của nó vì vậy sửa rồi thấy không ổn cuối cùng bỏ luôn.

Ngoài những sự kiện nêu trên, cần xét đến không gian lịch sử bấy giờ. Con đường trao đổi văn hoá giữa Đại Việt và Trung Hoa lúc ấy hết sức giới hạn. Ngoài một số đoàn đi sứ qua lại, hay các nhà buôn thỉnh thoảng ghé vào chẳng còn con đường nào. Do đó ta có thể nói rằng nếu Huyền Quang có được bài thơ của Ảo Đường Trung Nhân thì có nghĩa rằng Huyền Quang có trong tay cuốn Gia Thái phổ đăng Lục của Lôi Am chính Thọ hoặc Ngũ đăng hội nguyên của Đại Xuyên Phổ Tế hoặc Tục truyền đăng lục của Viên Cực Cư Đỉnh hay Thiền tông chính mạch của Như cẩn (10) (*).

Như Tổ gia thực lục (11) đã cho biết, Huyền Quang sau khi đi tu, đã có một thời gian hầu Điều Ngự, và sau đó là Pháp Loa. Như vậy nếu có các văn bản này nhất định Điều Ngự đã biết hay Huyền Quang đã trình với Điều Ngự hoặc Pháp Loa và việc ấy chắc đã được ghi lại trong tiểu sử của Điều Ngự cũng như Thiền Phái Trúc Lâm.

Vậy mà trước và sau Huyền Quang chẳng thấy dấu tích của các cuốn sách đó ở Việt Nam. Khi quân Minh chiếm Đại Việt, vua Minh ra lệnh thâu vàng bạc, châu báu và sách vở đem về Trung Hoa trong đó có cả sách của Huyền Quang như thông tin trong cuốn Tổ Gia Thực Lục (12) cho biết.

Điều đó cho ta hiểu rằng nguồn tư liệu văn hoá trong quần chúng từ nước ta sang Trung Hoa rất nhiều so với từ Trung Hoa sang nước ta. Có lẽ cũng vì vậy mà có nhiều bài thơ của các thiền sư Trung Hoa giống với thơ thiền sư Việt Nam chăng?

Cuối cùng ta có thể đưa ra một số dẫn chứng sau đây để so sánh từ đó cho ta suy nghĩ ai là tác giả của bài thơ:

Về Huyền Quang:

1. Trong số thơ còn lại hơn 2/3 bài thơ của ông lấy hoa là đối tượng như :
“Hoa tại trung đình nhân tại lâu
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.
Bách vinh mai hoa nhượng hảo trang
Thi biều thực vị cúc hoa mang
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Biến giới phồn hoa toàn truỵ địa”

Và bài Xuân nhật tức sự cũng nằm trong trường liên tưởng này.

2. Thông điệp của bài thơ hoàn toàn phù hợp với những gì xảy ra với cuộc đời ông như đã ghi trong lịch sử.

3. Nội dung của bài thơ thống nhất từ chủ đề cho đến nội dung bài thơ cũng như các biện pháp tu từ.

4. Với rất ít tác phẩm còn lại, chủ yếu là thơ nhưng cũng đủ chứng minh cho thấy ông là một nhà thơ xuất sắc, cớ gì lại lấy thơ người khác viết thêm nhan đề để làm của mình.

Về Ao Đường Trung Nhân :

1. Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của bài thơ hoàn toàn vô lí (con chó không có Phật Tính), nhưng từ trước tới giờ chưa giải thích một cách tường tận, rõ ràng nên cứ đổ cho là thơ Thiền.

2. Chính vì sự không phù hợp này khiến cho nhiều nhà tập chú chuyện Thiền môn mới sửa, không phải một lần mà nhiều lần và cuối cùng bỏ luôn. Điều này cho thấy vào thời đó bài này đã có vấn đề, vấn đề ở đây chính là văn phong và nội dung không mang tính Trung Hoa.

3. Trong suốt những tác phẩm Thiền đời Trần và sau đó, không thấy ai đề cập đến những tác phẩm liên quan đến bài thơ mà tôi đã nói trên. Điều nay cho biết rằng những tác phẩm đó có thể không có mặt ở Việt nam lúc bấy giờ. Nhưng ta có thể khẳng định rằng Trung Hoa đã lấy rất nhiều tác phẩm của Việt Nam, trong đó có tác phẩm của Huyền Quang, điều này được ghi lại trong cuốn Tổ Gia Thực Lục (13).

4. Cuối cùng với tất cả những gì trình bày tôi tin rằng đã có sự xuất nhập ở đây, có nghĩa là ai đó đã đưa bài thơ này vào thay một bài khác ở đoạn này, bài khác đó nội dung phải phù hợp với cái tiêu đề “Con chó không có Phật tính”. Có thể người làm việc này khi đọc đến bài thơ (14) trước bài này thấy có thể gắn vào đây được, nhưng hơi vội vã vì quên không xoá cái tiêu đề xa lạ kia đi.

Về mặt văn bản học thì như đã được khẳng định bởi bài viết của Lê Mạnh Thát, nhưng với những gì đã trình bày thì rõ ràng nó có vấn đề, đặc biệt về mặt văn học tôi cho rằng bài thơ Xuân nhật tức sự được ghi lại trong tiểu sử của Ảo Đường Trung Nhân là một nghi vấn và như thế ta có thể tin rằng bài Xuân nhật tức sự là của Huyền Quang./.


Viên Như

Ghi chú:

1- Về tác giả bài thơ “ Xuân nhật tức sự”. Nguyệt san Giác Ngộ 46 tr 16 –01-2000 .Tạp chí văn học số 1 –1984
2- Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học”, Thơ văn Lý Trần tập 1 tr 44 nhà xuất bản Viện Văn học Hà Nội 1977.
3- Văn học Việt Nam ,Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai cao Chương ,cuốn 1 trang 184 nxb Đại hoc và giáo dục chuyên nghiệp 1992.
4- http://www.thivien.net/Hu...em-nzcRU67rCS_-ulA8xfm2iQ
5- Huyền Quang thiền sư – thi sĩ -Nguyễn Phương Chi – Tạp chí Văn học số 1 - 1984
6- xem (3)
7- Việt Nam Phật Giáo sử luận C 1 Tr 397 Văn học in lần 3 1992 Hà Nội
8- Xem phần viết về Huyền Quang trong Việt Nam Phật Giáo Sử luận.Nguyễn Lang . Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Thiền sư Việt Nam. HT. Thích thanh Từ.
9 - xem (1)
10 - Cả hai cuốn này đều có bài thơ trên.
11 – Tam tổ Thực Lục – Thích Phước Sơn dịch và chú giải – nxb TPHCM.
12 - Tam tổ Thực Lục – Thích Phước Sơn dịch và chú giải – nxb TPHCM. Tr 111/60b – 112/60a
* Người viết bài này không có các tài liệu này, sự trích dẫ nêu trên dựa vào trích dẫn của tác giả Lê Mạnh thát trong bài “Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự như chú ở phần 1.
13- xem 12
14- Xem ở phần 1.
35.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Thương xuân

傷春 thương xuân: nhân mùa xuân đến mà cảm thấy ưu buồn, phiền muộn  - 因春天到來而引起憂傷、苦悶. (Hán ngữ đại từ điển)
Theo nghĩa này, câu 3 có thể hiểu là: "Đáng thương biết mấy tâm trạng buồn của nàng vào tiết Xuân." Và tất cả tâm trạng buồn ấy được biểu lộ khi nàng dừng kim lại không nói thành lời.

25.00
Trả lời

Trang trong tổng số 2 trang (16 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối