Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Huỳnh Văn Nghệ
Đăng bởi Vanachi vào 20/02/2006 17:04, đã sửa 9 lần, lần cuối bởi Hoa Xuyên Tuyết vào 19/01/2008 23:59
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta
Trang trong tổng số 2 trang (14 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]
Gửi bởi Vodanhthi ngày 26/07/2010 18:05
Đoạn hỏi đáp dưới đây được trích từ tạp san "Áo trắng", đường dẫn là: http://phienban...p;ChannelID=414
HỎI: Xin hỏi BPVH, bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ có câu thơ "Từ độ mang gươm đi mở cõi", nhưng chúng tôi thấy một số chỗ chép là "Từ độ mang gươm đi mở nước".
Gần đây có chương trình truyền hình "Người đi mở cõi", cũng nhắc về chuyện mở nước của Nguyễn Hữu Cảnh về phương Nam. Vậy thì giữa hai chữ "mở nước" và "mở cõi", chữ nào chính xác là của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ dùng trong bài thơ trên?
(vankhachsg@)
ĐÁP: Về bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ, từ trước đến nay tồn tại nhiều nhầm lẫn. Có lúc nhầm chữ "từ độ” thành "từ thuở", có lúc nhầm chữ "trời nam" thành "ngàn năm". Và hiện nay hai từ "mở cõi" hay "mở nước" vẫn còn nhầm lẫn.
Chúng tôi có tìm hiểu về trường hợp này và trong quyển Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam do hai vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương kỳ công sưu tập, biên soạn, có công bố bản chụp thủ bút bài thơ nói trên do chính Huỳnh Văn Nghệ viết. Đọc bản viết tay của Huỳnh Văn Nghệ mới thấy hết các lỗi nhầm lẫn lâu nay. Bài thơ chép tay như sau:
Tiễn bạn về Bắc
Ai đi về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi giữ nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta, con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng mến thương.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh quy hỡi!
Bao giờ mang trả kiếm dân ta?
Ga Sài Gòn 1940
Như vậy là rõ, Huỳnh Văn Nghệ dùng chữ "mang gươm đi giữ nước", chứ chẳng mở mang xâm lấn gì cả. Tuy nhiên, xét về văn bản học thì tập sách của Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương trên đây còn thiếu phần giới thiệu xuất xứ các bút tích, để tăng thêm tính thuyết phục về độ chân xác của những tài liệu này. Dù sao, nếu tin cậy thao tác của tác giả sách Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam, thì cũng có thể yên tâm về Huỳnh Văn Nghệ - rằng sự mang gươm của ông cha Đàng ngoài tiến vào Đàng trong là để "giữ nước"!
Gửi bởi Vanachi ngày 10/07/2014 06:26
Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, hai câu thơ bất hủ của Huỳnh Văn Nghệ được vang lên nhiều lần. Thiết nghĩ, đến năm Thăng Long - Hà Nội 1000 tuổi, hai câu thơ đó sẽ được đọc đúng và được khắc ghi ở đâu đó trong lòng thủ đô. Như một nỗi niềm. Như một ước hẹn. Như một gửi gắm.
Đấy là câu thơ phải đọc đúng trong bài thơ “Nhớ Bắc” của nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ.
Theo sách “Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ” do Sở Văn hóa Thông tin Thể thao Đồng Nai xuất bản năm 1997, ông sinh ngày 02 tháng 02 năm 1914 tại làng Tân Tịch (Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa; nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Vùng quê ông là quê hương của những nhà văn có tiếng như Nguyễn Văn Nguyễn, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn... “Huỳnh Văn Nghệ học xong sơ học ở trường quận, học tiếp trường nội trú ở trường Pétrus Ký Sài Gòn, ra làm công chức hỏa xa, từ đó đến với cách mạng. Khởi nghĩa Nam Kỳ bị đàn áp, Huỳnh Văn Nghệ sang Thái Lan, liên lạc với phong trào yêu nước ở đấy, sau đó lại có mặt trong đội ngũ tiên phong giành chính quyền ở Biên Hòa - Sài Gòn mùa thu năm 1945. Thực dân Pháp tái chiếm Nam Kỳ, ông cùng một số đồng chí vận động, tập hợp lực lượng, lập chiến khu kháng chiến, chỉ huy Chi đội 10 Vệ quốc đoàn Biên Hòa, Tư lệnh Khu VII, Tỉnh đội trưởng Thủ Biên... Tập kết ra Bắc, ông được giao nhiệm vụ Phó cục trưởng Cục quân huấn với quân hàm thượng tá; sau chuyển ngành sang Bộ Lâm nghiệp; rồi lại tham gia đoàn quân chiến thắng, giải phóng miền Nam. Ông mất năm 1977 tại thành phố Hồ Chí Minh, an táng tại quê nhà” (sđd, tr 5-6).
Huỳnh Văn nghệ là hình ảnh của cả một lớp người tay gươm tay súng hăng hái xả thân vì nghĩa lớn non sông. Con người và văn thơ ông được truyền tụng nhất hồi ở chiến khu Đ (miền Đông Nam Bộ) thời chống Pháp. Sách “Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ” phần văn tập hợp những tác phẩm văn xuôi Quê hương rừng thẳm sông dài, Những ngày sóng gió, Anh Chín Quỳ, Truyện kể hơn 350 trang và phần thơ 43 bài, chủ yếu viết hồi “chín năm”. Thơ Huỳnh Văn Nghệ có âm hưởng hào hùng, bi tráng, nặng tình cảm. Trong “Tập văn cách mạng và kháng chiến” do Hội Văn Nghệ Việt Nam xuất bản tại Việt Bắc thời kháng Pháp ông được chọn bài “Tiếng hát giữa rừng”.
Ngựa bỗng dừng chân
Bên quân y viện
Giật mình nghe tiếng
Quốc ca vang.
Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng
Hay hội nghị cơ quan?
Sao chỉ một người cất giọng
Hát đi hát lại nhiều lần.
Tác giả phỏng đoán. Nhưng khi dừng ngựa hỏi thăm thì mới hay: đó là tiếng hát của một chiến sĩ bị thương đang nằm cho bác sĩ cưa chân bằng chiếc cưa thợ mộc.
Bác sĩ vừa cưa vừa khóc
Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe
Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre
Anh chiến sĩ cứ mê mải hát.
Cưa cứ cưa, xương cứ đứt
Máu cứ rơi từng vết đỏ hồng
Hai bàn tay siết chặt đôi hông
Dồn hết phổi vào trong tiếng hát:
“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...”
Đã hát đi hát lại bao lầnVẫn chưa đứt xương chân
Vẫn chưa ngừng máu đỏ
Chỉ đến khi ca phẫu thuật gian khổ xong, người chiến sĩ lịm đi, tiếng hát mới ngưng, “ảnh Bác Hồ như rưng rưng nước mắt”.
Đặc biệt, Huỳnh Văn Nghệ được nhắc đến nhiều nhất là bởi hai câu thơ:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Có ba chữ hay bị đọc sai trong hai câu này: “độ” thành “thuở”, “trời Nam” thành “nghìn năm”, và nhất là “cõi” thành “nước”. “Cõi” đây là cõi giang sơn, vùng lãnh thổ, công nghiệp mở mang bờ cõi đất nước của bao đời tiền nhân, những con người ra đi từ sông Hồng đến lập ấp bên dòng Cửu Long. Biên tập sửa lại câu chữ như thế có vẻ làm câu thơ nghe mênh mang hơn, nhưng không hợp với tên bài thơ và nỗi niềm tác giả gởi gắm trong đó khi sáng tác. Và đặc biệt không tôn trọng nguyên văn một tác phẩm. Huỳnh Văn Nghệ viết “Nhớ Bắc” tại chiến khu Đ năm 1946, giữa những ngày gian lao của cuộc kháng chiến giành lại độc lập, người con ở vùng đất mới, ở chiến khu thành đồng hướng về cội nguồn, về miền đất tổ để nói một lời thề son sắt, để được tiếp thêm truyền thống sức mạnh. Câu thơ mở đầu chỉ sáu chữ, thốt lên như một lời kêu “Ai về Bắc ta đi với”. Tâm tư của nhà thơ đã thành tâm tư chung của muôn triệu người đất Việt phương Nam, hơn thế, của muôn triệu người đất Việt muôn nơi, mỗi khi nhớ về quê Việt tổ. Thăng Long đây không chỉ là Thăng Long kinh thành, đó còn là vùng châu thổ sông Hồng - cái nôi của người Việt, của dân tộc Việt.
Hãy cùng đọc lại bài thơ để biết ơn nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ.
Nhớ Bắc
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Rồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.
(Theo nhóm biên soạn “Thơ Văn Huỳnh Văn Nghệ”, trong một cuốn sổ tay khác, tác giả ghi bài thơ này được sáng tác ở ga Sài Gòn, năm 1940, nhan đề “Tiễn bạn về Bắc” và có thêm khổ cuối:
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta.)
Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, hai câu thơ bất hủ của Huỳnh Văn Nghệ được vang lên nhiều lần. Thiết nghĩ, đến năm Thăng Long - Hà Nội 1000 tuổi, hai câu thơ đó sẽ được đọc đúng và được khắc ghi ở đâu đó trong lòng thủ đô. Như một nỗi niềm. Như một ước hẹn. Như một gửi gắm.Còn ông, nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã “lên đường”, như hai câu thơ của ông khắc ghi trên bia mộ:
...Gởi lại bạn những vần thơ trên cát
Và giờ đây tôi qua bến, lên đường...
Gửi bởi Hồng Thắm ngày 11/10/2017 19:23
theo như em đc bt thì bài thơ này chính xác là được viết vào năm 1940 nhưng sau nhiều lần sửa lỗi, chỉnh ý thì "Nhớ Bắc - 1946 ở chiến khu D" là đc coi là tác phẩm hoàn chỉnh nhất. Và trong chương trình ngữ văn 9, mục 'Chương trình địa phương phần văn' thì HS chỉ tìm hiểu về tp hoàn chỉnh - tức là "Nhớ Bắc - 1946 ở chiến khu D"
Trang trong tổng số 2 trang (14 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]