Thơ » Việt Nam » Nguyễn » Huỳnh Tịnh Của » Chuyện giải buồn » Cuốn 2 (1885)
Đăng bởi Vanachi vào 09/12/2018 13:25
Vĩnh Long tỉnh, Bố chánh sứ thần; Án sát sứ thần…
Kính đem lời phúc thẩm về án ăn cướp đắc tài các duyên do, làm sách dâng tâu, ngửa nhờ lượng Thánh tỏ soi:
Ngày 28 tháng 10 năm nay, có Hoằng Trị phủ, Tri phủ thần… làm án giải vụ ăn cướp, nói rằng: “Ngày 28 tháng 6 năm nay, hồi canh một, có huyện Di Minh, giải ăn cướp tới, cứ lời thôn trưởng làng Tân Lộc, là Lê Văn Canh trình xưng, “ngày 24 tháng ấy, nói với dịch mục Lê Văn Thiên đi bắt dân lậu bên huyện Vĩnh Trị, nghe báo đêm 25, chừng canh ba, nhà nó bị một đảng ăn cướp chừng 10 đứa đánh lấy đồ rồi đem nhau đi mất; dân làng theo không kịp, lấy đặng có hai đoạn đèn chai ăn cướp bỏ lại mà thôi. Ngày ấy nó trở về mời làng lập tờ cớ.
Qua ngày 28, nó nghe lính trong làng, tên là Đỗ Văn Thạnh, cùng tên lính khác là Lê Văn Thống, có hiệp với dịch mục làng Tân Đức, là Đỗ Văn Thung, đồng ngồi nghe mà rượt ăn cướp, gặp ăn cướp tại rạch nhỏ, nơi nhà Trần Văn Luật, cũng ở tại Tân Đức, Văn Thung, Văn Thạnh dạy bắt, Văn Luật với bọn ăn cướp bèn đem tiền 15 quan mà hối lộ; Văn Thung, Văn Thạnh chịu ăn mà tha, các lời.”
“Quan huyện đem thơ lại, quân lệ cùng tổng làng, cứ lời Văn Canh báo chỉ, bắt đặng bợm, là Trần Văn Luật, Trần Văn ý, lấy đặng khí giái cùng đồ tang. Hỏi hai tên phạm chịu xưng có hiệp loã với danh Tị, danh Đá, danh Lẫm, danh Trì, danh Viễn, danh Vùng, danh Hữu, đánh nhà danh Canh, lấy đặng của.
Bắt lần đặng Nguyễn Văn Trì, Nguyễn Vă Viễn, Phạm Văn Vùng, Nguyễn Văn Hữu, lại xưng ra ngày mồng 6 tháng 6 năm nay, ban đêm, bốn đứa nó có hiệp loã với danh Bữu, danh Tiêm, danh Sương, danh Soạn, danh Quới, danh Dõng, danh Tị, danh Quờn, danh Năng, danh Khoa, danh Thận, danh Diêu, danh Huỳnh, danh Huyên, danh Hợi, danh Kình, cả thảy 20 đứa có đánh nhà danh Liệu, ở làng Thanh Xuân, lấy đặng của chia nhau, các lời.
“Huyện Di Minh bèn sai đi bắt đặng danh Hữu, danh Tiêm, danh Sương, danh Soạn, danh Quới, danh Dõng, danh Tị, danh Quờn; còn danh Trì, danh Lẫm, danh Năng, danh Khoa, danh Thận, danh Huỳnh, danh Huyên, danh Hợi, danh Kình, danh Diêu, nghe bắt liền trốn trước, có giấy tập nã, mà bắt không đặng. Cứ tịch biên gia sản các tên phạm, giao cho dân canh giữ; rồi đem cả tang phạm, chứng cứ, cả thảy về nha tra hỏi cùng kiết nghĩ.
Qua ngày mồng 3 tháng 9 năm nay, tên Nguyễn Văn Quới ở giam mang bịnh mà chết, có giấy làm bằng. Lời các phạm cung xưng cùng lời thẩm nghĩ, kể bày ra đây.
Hỏi Nguyễn Văn trì khai niên canh quí dậu 28 tuổi, là dân làng Tân Thanh Tây về Tổng Minh Thuận, tại làng không có nhà cửa, ở ghe trôi nổi buôn bán làm ăn. Em chú bác nó là Nguyễn Văn Viễn, đồng ở dưới ghe. Ngày mồng 5 tháng 6 năm nay, nó có gặp người quen là danh Năng chống ghe lại gần, nói chuyện người làng Thanh Xuân, tên là Liệu, giàu có, bọn mình nghèo phải hiệp nhau, đánh lấy ít nhiều chia nhau đỡ nghèo.
Qua đêm mồng 6, chúng nó đều đem ghe tới đậu mé sông gần vườn tên Liệu. Khi ấy có tên Sâm là rể chồng trước vợ danh Liệu xuống ghe nói chuyện, chịu làm hướng đạo.
Danh Sâm lại rủ đặng các người ở ghe là danh Khoa, danh Diêu, thêm hai chiếc nữa, rồi biểu danh Khoa, danh Diêu kêu rủ người thêm, sắm đồ binh trượng, hẹn tối đêm ấy đồng tựu chỗ thanh vắng, hiệp lại mà đi. Nó nghe theo, nó rủ danh Viễn, danh Hữu, là dân làng Tân Thành, danh Thận, là người làng Đông Thạnh, danh Kình, là người trong làng, và con dì nó là danh Quờn, đem khí giái đồng ngồi một ghe tới làng Thanh Xuân, ngó thấy nghe danh Năng, danh Khoa, danh Diêu ba chiếc đậu cặp kè. Nó thấy trong ghe tên Năng có tên Bữu, tên HUỳnh, tên Soạn, tên Tiêm; trong ghe danh Khoa thì có danh Thận, danh Sương, danh Tị; còn ghe danh Diêu thì có tên Dõng, tên Quới, tên Huyên, tên Hợi, hiệp cùng 6 người dưới ghe nó là 20 người. Danh Khoa làm đầu, phân đặt xong xuôi, ai nấy cứ chèo ghe tới bến danh Liệu mà đậu. Xảy thấy tên Sâm xuống ghe, đem danh Năng, danh Soạn đi cắt một cái đường nhỏ đàng sau vườn danh Liệu. Tới canh ba, nó biểu tên Quờn cầm một cái đoản côn ở lại mà giữ ghe, nó đem người nó hiệp cùng bọn danh khoa, danh Năng, danh Diêu, cầm khí giái xốc vào vườn. Danh Sâm danh Năng thám trong nhà danh Liệu, ai nấy ngủ hết, mà đèn còn chong. Khi ấy danh khoa truyền nổi đèn, áp vào nhà danh Liệu.
Danh khoa, danh Năng cầm côn ở ngoài mà thủ; nó với danh Diêu, danh Huỳnh, danh Bữu phá cửa sau, xông vào nhà bắt tên Liệu trói lại, khuân tiền của đem xuống ghe chèo về chỗ cũ ở địa phận làng Thanh Thuỷ, mà không thấy danh Sâm đi theo mà chia đồ. Danh Năng giành công dọn đàng, xí phần một cái nồi lửa bằng thau, đồ trà một bộ, khay hộp môt bộ và hai cái muỗng dừa; còn lại bao nhiêu, danh Khoa nhắm ghe bốn chiếc, chia làm bốn phần, lại cho danh Sâm có công chỉ dẫn, một phần, giao cho tên Năng nhận lãnh.
Phần nó lãnh cho các người ghe nó, hiện tiền 28 quan cùng các món đồ đạc, sang qua ghe chèo đi chỗ khác, rồi lại chia nhỏ làm bảy phần: tên Kình tiền 7 quan, vải trắng một cây, mùng vải xanh cũ một cái, áo lụa trắng chẹt một cái, chậu rửa tay bằng thiếc một cái; danh Vùng tiền 7 quan, đồ trà một bộ, mền vải xanh một bức, nồi đồng hai tuổi một cái, quần lãnh cũ một cái; danh Hữu tiền 7 quan, mền vải xanh cũ một cái, mùng thao càng cũ nhuộm già một cái; tên Quờn tiền 7 quan, quần lụa cũ một cái, nồi đồng bốn tuổi một cái; còn nó với tên Viễn cùng ghe nó ba phần: lư hương đồng một bộ; chăn nĩ đỏ một bấc; bình phong kính đá một mặt; áo địa màu lục một cái; áo hàng sắc một cái.
Về sư danh Khoa, danh Năng, danh Diêu, cả thảy có ba chiếc ghe, với phần danh Sâm có công chỉ dẫn tang vật bao nhiêu, nó không nhớ chắc. Phần nó với danh Viễn còn để chung, qua ngày mồng 7, nó bèn đem đi gởi cho chú nó, là Nguyễn Văn Huệ, nói dối là của đánh cờ bạc mà ăn, chú nó nghe lời giữ lấy của ấy.
“Đến ngày 24, thấy tên Tị, là người làng Hội An, về tổng Minh Đạt, tới nói thôn trưởng Canh ở làng Tân Lộc, về tổng Minh Hoá, giàu lớn, có đội trưởng Trần Văn Luật biểu nó rủ bợm, hẹn sáng ngày 25 phải tựu nhà Văn Luật mà tính việc. Nó nghe lời ngồi ghe đi tới tên Viễn, tới nhà Văn Luật, thì thấy có danh Tị, danh Vùng, danh Hữu, danh Đá, danh Lẫm, với em ruột Văn Luật, là danh Ý chực sẵn. Nội đảng được 9 đứa, đều có khí giái. Đội trưởng Luật đem tên Viễn đi theo dò dàng bộ cùng thám nhà thôn trưởng Canh, chiều trở về nói thôn trưởng Canh mới đi bắt dân trốn bên Vĩnh Trị, chẳng phải lo sợ sự gì. Đội trưởng Luật nấu cơm cho ăn uống rồi, cử Văn Luật làm thủ đảng, ai nấy vi tùng, chừng đầu canh ba phân nhau ngồi ghe nó, cùng ghe danh Đá, cả thảy hai chiếc chèo qua rạch, đem nhau lên bộ. Đội trưởng Luật sợ người nhà thôn trưởng Canh biết mặt, lãnh phần ở lại giữ ghe, còn bao nhiêu theo danh Viễn dẫn đàng, kéo thẳng vào nhà thôn trưởng Canh. Thấy trong nhà còn để đèn, chưa ngủ, nó biểu tên Viễn, tên Hữu, tên Ý cầm gậy tầm vông đứng ngoài mà thủ; nó cầm một cái đoản côn, phá cửa trước, tên Tị cầm côn xốc vào nhà, bắt trói bà chủ nhà; tên Vùng, tên Lẫm đánh đèn chai, tên Đá cầm côn xông vô, phá rương xe, lấy của. Xảy nghe tiếng hàng xóm hô hoán, đánh mõ, danh Lẫm vác 20 quan tiền với một bộ lư hương, còn bao nhiêu lật đật ôm đồ tang mà chạy, tới nửa đàng sợ chúng theo, nó biểu quăng lại hai cây đèn chai.
Xuống ghe rồi không thấy tên lẫm, chúng nó ghèo ghe trở về rạch nhỏ, khiêng tang vật để tại nhà thị Cẩm là mẹ đội trưởng Luật. Nó lén lấy tiền 10 quan, áo hàng nhuộm đỏ một cái với ba cái quần lụa cũ, mà giấu riêng dưới ghe nó. Khi ấy nó với danh Đá, dời ghe ra, chẳng dè bị đội trưởng Thạnh, dịch mục Thung, binh Tú, binh thống bắt được, nó với Văn Luật sợ tội, đem 15 quan tiền mà lo, xin làm thinh, đội trưởng Thạnh cùng mấy người chịu tha, lấy tiền trở về.
Chúng nó ngồi tại nhà thị Cẩm mà chia đồ tang; phần nó với tên Viễn, tiền 9 quan; khăn nhiễu đen một đượng; mâm thau vừa một mặt; nồi đồng hai tuổi một cái; phần danh Tị tiền 4 quan 5 tiền; hoa tai đồng thoà một đôi; phần tên Đá tiền 4 quan 5 tiền; nồi đồng ba tuổi một cái; phần danh Vùng, danh Hữu, danh ý, mỗi đứa tiền 4 quan 5 tiền.
Đội trưởng Luật ăn phần điểm chỉ và phần đi chung, cả thảy 8 quan 5 tiền; lư hương một bộ; bình sành hai cái; dĩa quả tử hai cái, đồ trà một bộ, khay ăn trầu một cái; áo hàng cúc kiến một cái, quần lụa trắng một cái, mùng vải xanh cũ một cái, mền vải xanh một cái. Chia rồi còn dư tiền ba quan, chúng nó cho thị Cẩm, ai đâu về đó.
Khi về, danh Vùng có đem đồ giấu riêng, là quần bàn nỉ đỏ một bấc, với sáu thước thau càng mà cho nó, với tên Viễn làm tình quen lớn. Nó với tên Viễn chở đồ tang vào ghe, lưu linh nay đậu chỗ nầy, mai đậu chỗ khác. Đến ngày mồng 3 tháng 7, nghe việc phát, người ta bắt đặng Văn Luật, Văn Ý, nó sợ dời ghe qua làng An Phú, kiếm chỗ hóc hiểm mà đậu, đem đồ tang lên bờ giấu trong cỏ. Chẳng khỏi bao lâu, Nguyễn Văn Lợi là thôn trưởng làng ấy đem dân dí bắt nó với danh Viễn, giải về nha tra hỏi, nó với tên Viễn đều khai hết mọi điều, chỉ các món đồ tang cùng khí giái ăn cướp. Sự chủ là danh Liệu và thôn trưởng Canh nhận quả là đồ bị ăn cướp.
Vả đồ thôn trưởng Canh một mặt mâm, một cái nồi hai, cùng phần nó chia chung, lúc ấy nó với tên Viễn sợ tội, đem giấu bên mép rạch, không biết ai lấy mất. Còn phần tiền 9 quan với phần nó giấu riêng 10 quan, nó với tên Viễn xài phá hết sạch.
Cá bợm khác là danh Tị, danh Đá, danh Lẫm, danh Khoa, danh Thận, danh Diêu, danh Huỳnh, danh Kình, danh Huyên, danh Hợi, danh Năng, nghe bắt, trốn trước, nó không biết đâu mà chỉ, các lời.
Hỏi qua Nguyễn Văn Huệ, khai niên canh nhâm tí 49 tuổi, chính là dân làng Định Phước, về tổng Minh Đạt, nó có nghe lời Văn Trì nói dối, nó có chịu lấy của Văn Trì gởi, nay hỏi tới nó, chịu đem ra mà nạp, về sự Văn Trì ăn cướp làm sao, nó không hay biết, các lời.
Hỏi Nguyễn Văn Viễn, khai niên canh giáp tí 37 tuổi, là dân làng Hưng Nhơn, về tổng Minh Thuận, nó không có nhà cửa. Năm ngoái tháng 11, nó theo anh chú bác là Nguyễn Văn Trì, ở ghe đi buôn bán mà làm ăn. Năm nay tháng 6, ngày mồng 6, ngày 25, trong hai đêm, nó với Văn Trì có đi ăn cướp hai lần, một lần đánh nhà danh Liệu, một lần đánh nhà thôn trưởng Canh, đều lấy đặng tài vật, còn các điều khác, nó chịu cũng y như lời Văn Trì.
Hỏi Phạm Văn Vùng, khai niên canh giáp tí 37 tuổi, có nhà ở tại làng Tân Thành, về tổng Minh Thuận, nó còn ở lậu, cha mẹ chết sớm, nó có nghề làm vườn. Năm nay tháng 6, ngày mồng 6, ngày 25, hai đêm danh Trì, danh Đá có rủ nó đi ăn cướp nhà danh Liệu, nhà thôn trưởng Canh, đánh lấy đặng tài vật, các lời lược y như lời khai Văn Trì. Vả đồ tang đánh nhà danh Liệu, phần nó chia đặng một xấp vải 12 thước, quần bàn nĩ đỏ 2 bức; phần nó với danh Hữu: đủi một đoạn 8 thước, vải trắng một đoạn 6 thước; phần chia với danh Trì, danh Viễn, đủi một đượng 6 thước, quần bàn nỉ đỏ một bức, nó đem cả thảy về nhà nó. Qua mồng 3 tháng 7, nghe bắt đặng đội trưởng Luật, danh Ý, danh Trì danh Viễn các người, nó liền đem đồ tang lấy tại nhà thôn trưởng Canh, mà nó giấu riêng, nói là của đánh cờ bạc mà ăn, gởi cho cha nó là Phạm Văn Nhuận; còn đồ lấy tại nhà danh Liệu, phần ăn nó, nó giấu ngoài bụi, sau nhà nó. Còn tiền chia, hai lần đánh, được 11 quan 5 tiền, nó tiêu xài đã hết, nay bi bắt hỏi, nó phải khai ngay. Đồ tang nó chỉ lấy lại được, sự chủ là thôn trưởng Canh chịu là của bị ăn cướp cũng đã nhận lãnh. Lại đồ đánh nhà danh Liệu, phần nó được một cái nồi hai cùng các vật khác nó đem đi giấu, mà không biết ai lấy đi mất, các lời.
Hỏi qua Phạm Văn Nhuận, khai niên canh tân mão 70 tuổi, chịu Văn Vùng có gởi đồ vân vâ: về sự Văn Vùng ở riêng, hiệp bọn đi ăn cướp hai lần bao giờ, nó không hay biết, nay hỏi tới, nó phải đem các món đồ gởi mà nạp.
Hỏi Nguyễn Văn Hữu, khai niên canh đinh sửu 24 tuổi, ở ngụ làng Tân Thành, chưa đem vào bộ, năm nay tháng 6, ngày mồng 6, ngày 25, ban đêm nó hiệp bọn với danh Trì, danh Đá, cùng các đứa khác, đánh nhà danh Liệu, nhà thôn trưởng Canh, lấy đặng tài vật chia nhau, còn lời khác cũng y như lời Văn Trì.
Hỏi Đinh Văn Quờn, Nguyễn Văn Bữu, Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Văn Sương, Đặng Văn Tị, Lê Văn Dõng, Nguyễn Văn Quới, Huỳnh Văn Sâm, là đứa tiến dẫn, đều chịu có ăn cướp phân tang, lời khai gần giống như nhau.
Hỏi Trần Văn Luật, khai niên canh nhâm tí 34 tuổi, ngạch nó thuộc tỉnh Vĩnh Long, cơ Vĩnh Hậu, nó là ngoại huý đội trưởng thuộc về đội nhứt, làng quán nó là Tân Đức, về tổng Minh Hoá. Ngày mồng 5 năm nay, nó bỏ đội trên về làng, nhơn lúc nghèo, nó biểu danh Tị rủ danh Trì, danh Viễn, các đứa nhập loã đánh nhà thôn trưởng Canh, lấy đặng tài vật chia nhau, rủi bị Văn Thạnh, Văn Thung bắt được, nó năn nĩ xin đừng nói ra, các lời gần giống như lời Văn Trì khai. Vả khi chia tang rồi, danh Đá có đem một cái nồi ba mà gởi cho nó giữ. Lại khi ấy nó lấy phần tiền của tên Ý, 4 quan 5 tiền; phần của mẹ nó 3 quan, với phần tiền của nó, cả thảy 16 quan, chưa tiêu xài, cùng các vật khác đem giấu tại nhà thị Cẩm. Đến ngày 28 tháng 6, nó với tên Ý đồng bị bắt, soát trong nhà thị Cẩm, có đủ các món ấy; sự chủ là thôn trưởng Canh cũng nhìn quả là đồ bị ăn cướp, các lời.
Hỏi Trần Văn Ý, khai niên canh tân vì (thân) 30 tuổi, chính là dân làng Tân Đức, nó có nhập loã ăn cướp nhà thôn trưởng Canh, lấy đặng tài vật cùng có chia. Trong lúc đi ăn cướp, Văn Trì biểu nó cầm một đoạn tầm vông ở ngoài mà coi chừng. Các lẽ khác cũng y như lời khai Văn Luật.
Hỏi qua Thị Cẩm, khai niên canh canh tí 61 tuổi, có nhà ở gần nhà con là Văn Luật, Văn Ý. Năm nay tháng 6 ngày 25, ban đêm chừng canh ba, nghe bên làng Tân Lộc nổi mõ hồi một; một chập thấy Văn Luật, Văn ý, cùng nhiều người khác lạ, đi hai chiếc ghe, đậu trước bến mụ ấy rồi vác tiền, vác đồ vào nhà mụ. Một lát thấy đội trưởng Thạnh, dịch mục Thung theo bắt, Văn Luật cùng các người đem 15 quan tiền mà lo cho khỏi bắt, mụ ấy mới biết Văn Luật, Văn ý nhập bọn đi ăn cướp, còn các lẽ khác cũng gần y như lời Văn Luật khai.
Hỏi đứa ăn lót, là Trần Văn Thạnh, khai niên canh ất sửu 36 tuổi, ngạch binh thuộc về cơ Vĩnh Hậu, mà ngụ Tân Đức. Ngày 23 tháng 6 năm nay, nó bỏ đội trốn về làng, tới đêm 25 chừng canh tư, nghe trong làng mõ đánh liên thinh, nó với dịch mục Thung, cùng hai tên lính trong đội là Lê Văn Thông, Đỗ Văn Tú, đồng xuống ghe chèo đi tiếp cứu; tới gần nhà thôn trưởng canh, thì nghe ăn cướp đánh lấy đồ xuống ghe đi mất rồi. Nó hối chèo ghe theo, tới làng Tân Đức, thấy trong rạch đội trưởng Luật có hai đứa trai chống hai chiếc ghe be ra vàm rạch, nó với Văn Thung, nghi quyết là ghe ăn cướp đem tang đi giấu cho mất tích. Nó với Văn Thung hô lên biểu bắt, một thằng chống ứng tiếng nói là tên Đá. Nó liền biểu tên Thống qua ghe bắt tên Đá trói lại; tên Đá khóc xin tha thì sẽ tính ơn nghĩa. Nó với Văn Thung biểu đừng trói để cho nó tính. Tên Đá liền vào nhà Thị Cẩm, hiệp cùng đội trưởng Luật với danh Tị, danh Trì, danh Vùng cả thảy, đem 15 quan tiền cho bọn nó, xin làm thinh, đừng phát giác ra. Nó với Văn Thung chịu ăn tiền ấy, rồi biểu binh Tú, chèo ghe trở về. Nó với Văn Thung chia mỗi đứa là 5 quan 5 tiền, còn lại 4 quan chia hai cho Văn Thống, Văn Tú. Nó đã giao cho Văn Thống một quan rồi, còn Văn Tú, thì không thấy tới mà lãnh phần. Nay Văn Tú tố cáo, bắt nó với Văn Thung, Văn Thống, nó xin chịu tội.
Hỏi qua dịch mục Thung, khai niên canh nhâm thân 29 tuổi, là dịch mục làng Tân Đức, các lẽ khác cũng chịu y như lời Văn Thạnh khai.
Hỏi Lê Văn Thống, khai niên canh kỷ mão 22 tuổi, ngạch binh thuộc về cơ Vĩnh Hậu, là lính đội nhứt. Năm nay ngày tháng 5, nó về ban mà nghỉ, còn các lẽ, nó chịu cũng y lời Văn Thạnh, Văn Thung khai. Lại trong lúc theo bắt ăn cướp, Văn Thạnh là đội trưởng nó, Văn Thung là dịch mục làng nó, dụng tình ăn lót, phận nó không dám can gián; tiền ăn lót 15 quan, Văn Thạnh, Văn Thung chia làm sao nó không biết. Đến ngày 26, Văn Thạnh có đem cho nó một quan. Văn Thạnh lại nói phần Văn Tú với nó, mỗi đứa hai quan, Văn Thạnh đã xài hết rồi, bây giờ giao đỡ một quan, còn một quan sau sẽ giao. Nó nghèo lắm, nó phải lãnh đỡ một quan. Nay Văn Tú tố cáo, bắt hỏi nó, nó phải thú thiệt.
Hỏi Đỗ Văn Tú, khai niên canh đinh mão 34 tuổi, ngạch binh thuộc về cơ Vĩnh hậu, là lính đội nhứt. Ngày tháng 5 năm nay, nó về ban mà nghỉ. Đêm 25 tháng 6, chừng canh ba, nó nghe trong làng nổi mõ hồi một, nó với đội trưởng Thạnh (hay là cai Thạnh) hiệp cùng Lê Văn Thống, dịch mục Thung ngồi ghe đi tiếp. Nghe ăn cướp đánh nhà thôn trưởng Canh rồi xuống ghe mà chạy, ghe nó tuốt theo tới làng Tân Đức, gần rạch xẻo, bên nhà đội trưởng Luật, thấy hai người trai chống hai chiếc ghe ra miệng rạch. Văn Thung, Văn Thạnh hô lên biểu bắt, có một đứa lên tiếng xưng là tên Đá; dịch mục Thung, đội trưởng Thạnh biểu binh Thống qua ghe bắt trói. Tên Đá năn nĩ, xin để nó lo liệu, Văn Thạnh, Văn Thung bèn kêu binh Thống biểu đừng trói. Tên Đá trở vào nhà mẹ đội trưởng Lau65t, một chặp đội trưởng Luật với tên Tị, tên Trì, tên Vùng đem ra 15 quan tiền, xin phui pha. Đội trưởng Thạnh, dịch mục Thung chịu, rồi biểu nó với binh Thống chèo đem ghe về. Nó cứ việc về nhà, đội trưởng Thạnh với dịch mục Thung chia tiền ấy làm sao, nó kh6ong biết rõ. Nó nghĩ lại thôn trưởng Canh ở trong làng bị ăn cướp; nó đã gặp ăn cướp tại nhà Thị Cẩm; đội trưởng Thạnh, với dịch mục Thung lại ăn tiền mà phui pha; nếu nó không báo cáo, để sau phát giác, nó phải tội chung, bởi vậy tới ngày 28 sáng, nó qua nhà thôn trưởng Canh, học hết các chuyện. Thôn trưởng Canh nói có quả như vậy, thì phải làm cam đoan, rồi liền đi thưa quan.
Cứ lời các phạm, là Trần Văn Luật, Trần Văn Ý, Nguyễn Văn Trì, Nguyễn Văn Viễn, Phạm Văn Vùng, Nguyễn Văn Hữu, cả thảy khai danh Đá ở làng Gia Khánh, về phủ Hoằng An, đã có tư tờ cho tri phủ ấy bắt tịch tên Đá mà giải qua cho được kiết án. Tri phủ Hoằng An phúc thơ rằng có hỏi thôn trưởng Gia Khánh, chịu “tên Đá có vào bộ, mà không có nhà cửa tại làng, tên ấy ở ghe trôi nổi buôn bán mà ăn, làng tìm không đặn.”
Cứ cá lời phạm là Nguyễn Văn Trì, Nguyễn Văn Bữu, Lê Văn Dõng, Nguyễn Văn Sương, khai rằng đêm mồng 6 tháng 6 năm nay, chúng nó có hiệp bọn với danh Năng, là dân làng Phú Trị, về tổng Bảo Thành, phủ Hoằng Đạo, có đánh nhà danh Liệu, ở làng Tân Xuân, lấy đặng tài vật chia nhau, các lời. Đã có tư tờ cho phủ Hoằng Đạo, bắt tên ấy cùng tịch ký gia sản nó, cho được làm án. Tri phủ ấy phúc thơ, cứ lời thôn trưởng Phú Trị, xưng rằng “Chế Văn Năng, là dân bộ, nghèo khổ, ở ghe trôi nổi buôn ba1nkie61m ăn, vâng trát kiếm tìm mà không thấy tông tích.”
Hỏi sự chủ Phan Văn Liệu, khai rằng: chính là dân bộ có nhà đất ở tại làng Tân Xuân, nhà nó ở xa xóm, có một cái nhà thị Xuân, là vợ sau nó ở gần. Năm nay, tháng 6, ngày mồng 6, tôi tớ nó đi khỏi, có một mình nó với vợ nó là thị Quỳnh ở nhà. Đêm ấy chừng canh ba, nó nghe phá cửa sau, nó thức dậy thì thấy đèn đuốc sáng loà; ăn cướp bắt nó, trói dưới gốc cột; nó ngó mập mờ, thấy đảng ăn cướp trong ngoài ước đặng 20 đứa, cạy rương, mở giường hòm lấy của mà đi, bỏ lại một đạon tra tầm vông. Ăn cướp đi rồi vợ nó mở trói, nó la làng. Khi ấy có rể thị Xuân đồng ở một nhà với thị Xuân, tên là Sâm, chạy tới trước. Nó lại chạy qua nhà thôn trưởng làng gần mà hô hoán, làng đánh mõ đem dân tới, đuổi theo ăn cướp, tìm không đặng dấu, rồi trở về nhà nó. Nó đem một đoạn tre dài chừng 4 thước, chỉ là khí giái ăn cướp bỏ lại với một đàng dây ăn cướp trói nó, trình cho làng coi. Các chức làng coi xét rương xe, giường hòm, coi đàng sau nhà bếp, thấy có một cái cửa mở bét ra, mà vách phên không có dấu phá. Làng thấy tình hình như vậy, thì nghi là ăn trộm, không chịu thị tờ một hạ. Khi ấy nó còn đau cho nên không đi tới nha môn mà báo đặng. Qua ngày mồng 5 tháng 7, có trát tại nha nói rằng có bắt đặng bọn Văn Trì, Văn Viễn ăn cướp nhà thôn trưởng Canh, khai rằng có đánh nhà nó, dạy nó phải tới nha mà khai, các lời.
Vậy nó phải tới nha mà trình khai các việc cùng kể những vật nó bị ăn cướp rõ ràng; lại nó có đi theo thơ lại, lính lệ cùng tổng làng tìm bắt ăn cướp, tới đâu bắt được tang, nó nhìn quả là của nó, nó đã làm đơn nhận lãnh rồi. Còn thiếu các vật khác tính tiền 160 quan thiệt tiền 92 quan, còn mất cả thảy là 252 quan.
Hỏi sự chủ Lê Văn Canh, khai y lời trong đơn cáo trình. Còn khi nó đi theo mà bắt ăn cướp, nó nhìn được tài vật cùng tiền tang 16 quan; tiền bọn Văn Thạnh ăn hối lộ 15 quan, nó đã nhận lãnh rồi; còn mất tài vật các hạng tính tiền 20 quan, tiền thông dụng 57 quan, cả thảy là 77 quan.
Hỏi vợ con các phạm trốn; hỏi các thôn trưởng làng sở tại; các lẽ hỏi tra minh bạch.
Vâng thẩm Nguyễn Văn Trì, Nguyễn Văn Viễn, Nguyễn Văn Hữu, Phan Văn Vùng, bốn đứa, hai lần hiệp loã ăn cướp lấy được của; Nguyễn Văn Bữu, Nguyễn Văn Soạn, Đặng văn Tị, Trần Văn Luật, lê Văn Dõng, năm đứa, một lần ăn cướp đắc tài, đều có phân tang, bắt hỏi, chúng nó đều chiêu khai rõ ràng, quả là đáng tội.
Kính y trong luật cường đạo một khoản rằng: “Việc ăn cướp đã làm, mà có lấy của, thì chém hết chẳng phân vi thủ, vi tùng, các lời.”
Vân nghĩ Nguyễn Văn trì, Nguyễn Văn Viễn, Nguyễn Văn Hữu, Phạm Văn Vùng, Nguyễn Văn Bữu, lê Văn Dõng, Nguyễn Văn Soạn, Đặng Văn Tị, Trần Văn Luật, chín đứa đều phải y luật ấy mà chém quyết. Các đứa ở ngoài giữ ghe, là Nguyễn Văn Quới, Nguyễn Văn Sương, Phạm Văn Tiêm, Đinh Văn Quờn; đứa đứng ngoài coi chừng là Trần Văn Ý, cả thảy năm đúa, trừ Nguyễn Văn Quới ở giam đau bịnh mà chết, còn bốn đứa nghĩ phải chờ chỉ định đoạt.
Tên Huỳnh Văn Sâm nghe lời Chế Văn Năng xui mưu ăn cướp, đến khi đi, lại chỉ vẽ dẫn đàng, thám báo tin tức, rồi trở về nhà cho được chực việc; xét sự dụng tâm thiệt là đáng ghét, nghĩ Huỳnh Văn Sâm phải giảm tội cường đạo đắc tài một bậc, xử trượng một trăm, đày ba ngàn dặm, phát ra địa phận tỉnh Nghệ An mà giữ đó.
Bọn Trần Văn Thạnh, Đỗ Văn Thung, đuổi theo gặp ăn cướp, không bắt, thuận tình ăn lót mà tha, đến khi tra, đều chiêu khai rõ ràng, thiệt là đáng tội.
Cứ theo mặt luật Người phải đi bắt, theo bắt người tội, có một khoản rằng: “Bằng biết chỗ tội nhơn ở, mà không bắt, thì làm tội nhẹ hơn người tội một bậc, các lời.” Trừ việc ăn lót, tang nhẹ không kể, vang nghĩ tội Trần Văn Thạnh, Đỗ Văn Thung, xin làm nhẹ hơn Văn Luật, Văn Trì một bậc, là trượng một trăm, đày ba ngàn dặm. Hai đứa ấy đồng ở một làng, đồng phạm một tội, vâng soi năm Minh Mạng thứ 5, ngày tháng 6, đình thần nghị trả lời có một khoản rằng: “Hễ trong những đứa phạm tội quân, tội lưu, hoặc có hai ba đứa ở đồng làng, phạm đồng một án, thì khi định án, phải phân biệt chước lượng mà phát triển các lời.”
Kính vâng chỉ chuẩn đành rành.
Vâng nghĩ Trần Văn Thạnh phải phát ra địa phận tỉnh Hà Tịnh; Đỗ Văn Thung phải phát ra địa phân tỉnh Nghệ An, bổ làm công việc. Tên lê Văn Thống, là tay sai Văn Thạnh, Văn Thung, khai trong lúc ăn tiền, nó muốn cản, mà cản không đặng, sau Văn Thạnh đưa cho một quan, lại lãnh đi, rồi lại làm thinh. Vân nghĩ Lê Văn Thống phải chiếu theo mặt luật người ở một xóm với chủ chứa ăn cướp, Tri gian bất tố biết việc mà không thú, gia thêm một bậc, là trượng 60 đồ một năm, hạn mãn giao về đội ngũ.
Tên Đỗ Văn Tú đi với bọn Văn Thạnh một ghe, đã không chịu lãnh tiền lo lót, lại được điều đi thú trước, ưng xin miễn nghĩ cho nó. Nguyễn Thị Cẩm biết rõ hai đứa con hiệp loã ăn cướp lấy được của đem về nhà thị ấy mà chia, lại lấy ba quan tiền ăn cướp cho, rồi hiệp cùng phần tang hai con mà chôn giấu tại nhà, đến khi tra cũng chiêu xưng ngay. Kính vâng điều lệ trong luật cường đạo có một khoản rằng: “Cha anh, chú bác cùng em út ở chung một nhà với ăn cướp, biết việc, mà lại chia tang; như đứa ăn cướp phải trảm quyết, thì giảm một bậc, làm trượng một trăm, đày ba ngàn dặm, các lời.” Vâng nghị Nguyễn Thị Cẩm phải chiếu lệ ấy, trượng một trăm, đày ba ngàn dặm; nhưng nghĩ thị ấy là đờn bà, tuổi hơn sáu mươi, xin chiếu lệ cho thục bạc trọn là 4 đồng cân 5 phân mà đem vào kho.
Tài chủ là Phạm Văn Liệu, Lê Văn Canh khai bị mất của, món nào đã lãnh về rồi thì thôi: phần Văn Liệu mất các hạng tính tiền là 160 quan, lại mất tiền mặt 92 quan, hiệp cộng là 252 quan; phần Lê Văn Canh mất các hạng tính tiền là 20 quan, lại mất tiền mặt 57 quan, hiệp cộng là 77 quan. Phần tịch ký gia sản các phạm được 351 quan 9 tiền, lấy ra 252 quan cấp cho sự chủ Phạm Văn Liệu; 77 cấp cho sự chủ Lê Văn Canh, đủ số rồi, còn dư 22 quan 9 tiền, thì đem vào kho. Đồ binh trượng của ăn cướp, bắt đặng phải tiêu huỷ. Còn những đứa trốn là danh Khoa, danh Diêu, danh Thận, Nguyễn Văn Huỳnh, Nguyễn Văn Nguyên, danh Hợi, Chế Văn Đá, danh Lẫm, xin ngày nào bắt được sẽ làm án.
Vâng nghĩ các thôn trưởng làng Thanh Thuỷ, Tân Xuân vân vân đều có tội chứa dân lậu, lại chẳng hay giác sát, để cho dân vầy đoàn ăn cướp; vâng chiếu theo mặt luật Bất ưng vi trọng, đều xử trượng 80. Còn Đàng Thanh Ngoạn, là thôn trưởng làng Tân Xuân đã dụ dự kh6ong chịu thị tờ cớ cho Văn Liệu, mà lại không cáo báo, phải chiếu mặt luật Bất ưng vi trọng, gia hai bậc trượng 100 và bãi dịch.
Về các người khác không can trong án nầy thì không nói tới. Chí như cơ Vĩnh Hậu, chức quản cơ, chức phó quản cơ cùng suất đội, mình làm cai quản đầu mục, mà để cho Văn Luật, Văn Thạnh bỏ trại mà về, gây nên việc ăn cướp, các viên chức ấy đều phải xử phân, tri huyện ấy không dám nghị tới, các lời. Cai phủ thần phúc thẩm các lẽ cũng đều nhằm phép, xin y nguyên nghĩ gởi về, các lời.”
Thần đẳng vâng thẩm các phạm ăn cướp, là Nguyễn Văn Trì, Nguyễn Văn Viễn, Nguyễn Văn Hữu, Phạm Văn Vùng, hai lần hiệp nhau ăn cướp lấy đặng của; Nguyễn Văn Bữu, Nguyễn Văn Soạn, Lê Văn Dõng, Đặng Văn Tị, Trần Văn Luật, năm đứa hiệp nhau ăn cướp một lần cùng lấy đặng của, đến khi tra đều xưng khai ngay, rõ ràng là đứa có tội; vâng nghĩ Nguyễn Văn Trì, Nguyễn Văn Viễn, Nguyễn Văn Hữu, Phạm Văn Vùng, Nguyễn Bữu, Nguyễn Văn Soạn, Lê Văn Dõng, Đặng Văn Tị, Trần Văn Luật, cả 9 đứa phải y luật cường đạo đắc tài, mà chém quyết; còn đứa ở ngoài giữ ghe là Nguyễn Văn Sương, Phạm Văn Tiêm, Đinh Văn Quờn; đứa đứng ngoài coi chừng là Trần Văn Ý, đều không vào nhà mà lục đồ, các đứa ấy có đáng giảm hay là không, đều nhờ nơi ơn trên, thần đẳng xin kính vâng chỉ dạy. Nguyễn Thị Cẩm đã biết hai con là Trần Văn Luật, Trần Văn ý hiệp loã ăn cướp, lấy được của đem về nhà thị ấy giấu để, rồi lại chịu lấy của tang, việc làm rất đáng chê ghét, xin không cho Thị Cẩm thu thục, phải phát ra địa phận tỉnh Nghệ An, an trí. Còn cơ Vĩnh hậu chức thí sai quản cơ là Nguyễn Cữu Tường, thự phó quản cơ là Nguyễn Văn Điều, chức cai dội đội nhứt cơ ấy là Nguyễn Văn Giáo, phận làm quản suất, đầu mục, mà không hay kềm thúc, để cho đội trưởng Trần Văn Luật, Trần Văn Thạnh, bỏ đội mà trốn, lại để cho lính về ban, là bọn Lê Văn Thống, gây nên việc ăn cướp, chẳng cò lẽ khỏi tội. Vâng nghĩ Nguyễn Cữu Tường, Nguyễn Văn Điều, Nguyễn Văn Giáo, xin chiếu luật làm cai quản, đầu mục không nghiêm trong sự kềm thúc, xử trượng 80; nhưng vậy lúc ấy Nguyễn Cữu Tường, Nguyễn Văn Giáo có việc sai ra kinh, nên xin giảm một bậc, mỗi người xử trượng 70; chiếu theo công tội, Nguyễn Văn Điều, phải giáng hai cấp, Nguyễn Cữu Tường, Nguyễn Văn Giáo đều giáng một cấp, đều để hay binh như cũ. Còn các lã khác đều thoả hiệp, xin y theo lời cai phủ huyện đã xét nghĩ, vâng đem các lẽ phúc thẩm đầu đuôi làm sách dâng tâu, cúi nhờ Lịnh Thánh đoán định.
Vâng chỉ.
Cường phạm là bọn Nguyễn Văn trì nhiều lần hiệp loã ăn cướp lấy được tài vật, chia nhau, tra ra đều chiêu xưng rõ ràng, tội tình nặng lắm; vậy tên Nguyễn Văn Trì, Nguyễn Văn Viễn, Nguyễn Văn Hữu, Phạm Văn Vùng, bốn đứa phạm đều phải trảm quyết; tên Trần Văn Luật mình làm đội trưởng, lại bỏ đội trốn về, chỉ dẫn cho ăn cướp, đồng hành cùng phân tang, rất đáng tội nặng; tên Trần Văn Luật cũng phải trảm quyết. Cả năm đứa ấy, chờ sang năm hết ngày cấm hình, phải chánh pháp liền.
Đứa vi tùng một lần là Nguyễn Văn Bữu, Lê Văn Dõng, Nguyễn Văn Soạn, Đặng Văn Tị, bốn đứa đều làm trảm giam hậu; đứa cầm khí giái giữ ghe là Nguyễn Văn Sương, Phạm Văn Tiêm, Đinh Văn Quờn; đứa ở ngoài coi chừng là Trần Văn Ý, cả bốn đứa giảm tội chết, phát đi sung quân, phải cứ Bộ lựa chỗ mà phát; biết việc mà phân tang là Nguyễn Thị Cẩm chiếu theo lệ mà thâu thục, còn bao nhiêu thì y nghĩ, kính vâng.
Hình bộ đường cung lục,
Ấn Án sát tỉnh Vĩnh Long;
Tri huyện Di Minh vâng cứ.