Thơ » Việt Nam » Nguyễn » Huỳnh Tịnh Của » Chuyện giải buồn » Cuốn 2 (1885)
Đăng bởi Vanachi vào 09/12/2018 12:30
Gần đất Việt, có một tên ăn mày che chòi ở ngoài đồng, nuôi một con khỉ, thường tập nó múa, cho mang lục lạc, bận đồ hoa hoè, đem đi múa ngoài chợ để mà kiếm ăn. Người ta cho đặng ít nhiều, tên ăn mày chia với con khỉ; mưa nắng, cực khổ, đều nhờ nhau, ở với nhau như tình cha con.
Cách hơn 10 năm, tên ăn mày già mà lại bịnh, không dắt con khỉ ra chợ được. Mỗi ngày con khỉ cứ quì bên đàng mà xin ăn, phụng dưỡng tên ăn mày, không thiếu bữa nào.
Đến khi tên ăn mày chết, con khỉ làm mặt bi thương, xăng văng bên tên ăn mày, dường như con khóc cha. Nó cứ việc quì dài bên đường, kêu tiếng buồn thảm, ngửa mặt, giơ tay mà xin tiền. Chẳng trót ngày, xin được hơn ba bốn quan, nó bèn lấy chuồi xỏ lại, cột vào lưng, đi ra chợ, tới chỗ trại hàng, lanh quanh ở đó.
Chủ trại biết ý, bèn bán cho nó một cái hòm. Nó cũng không đi, cứ ngồi xo rỏ, ngó mông ra ngoài đường, thấy quân khiêng, liền chạy ra níu áo. Quân khiêng hội ý, vào khiêng cái hòm tới chỗ tên ăn mày chết, hom liệm chôn cất xong xuôi. Con khỉ cũng đem tiền ra mà đền ơn cho mỗi một người.
Việc rồi nó chạy ra ngồi bên đàng xin đồ ăn, để mà tế tên ăn mày. Tế rồi nó liền đi kéo chà bổi cùng là cỏ khô chất đống bên mộ; lấy đồ tên ăn mày sắm cho nó múa khi c2n sống, để lên trên đống bổi, nổi lửa mà đốt.
Nó kêu hú thảm thương vài tiếng rồi thì nhảy vào giữa ngọn lửa mà chết. Ai đi ngang qua cũng đều lấy làm một chuyện kỳ, cảm vì con khỉ có nghĩa, bèn làm mả cho nó, kêu là Mả nghĩa hầu.